intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Từ tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

64
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Từ tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trình bày các nội dung: Xu hướng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế xanh; Từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đến phát triển bền vững; Mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Từ tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

  1. 13. Từ tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững From Green growth, green economy to circulating economy and sustainable development TS. Trần Thị Hoa Lê Khoa Chính trị học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền Tóm tắt Hiện nay, nhu cầu tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững đang ngày càng trở nên cấp thiết đối với các quốc gia. Mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững đang được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh, bởi những vấn đề này không chỉ bảo đảm tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ môi trường góp phần mang lại sự ổn định và phát triển bền vững trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong xu thế đó, tăng trưởng xanh là cơ sở của kinh tế xanh. Kinh tế xanh có mối quan hệ gắn bó với kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chính là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững trong thời đại ngày nay. Từ khóa: tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Abstract At present, the need for restructuring and reform of the economic growth model to effectively address socio-economic problems in order to bring the country to rapid and sustainable development is becoming increasingly urgent for nations worldwide. Green growth, green economy, and circulating economy towards sustainable development is gaining significant global attention because these issues not only ensure economic growth but also protect the environment that contributes to stability and sustainable development in all aspects of societal. In that context, green growth serves as the foundation for the green economy, which is intrinsically tied to the circular economy. Together, green and circular economies constitute one of the three pillars of contemporary sustainable development Keywords: green growth, green economy, circulating economy, sustainable development. JEL Classifications: O13, O20, O10. Tăng trưởng xanh Tăng trưởng xanh là quá trình “xanh hóa” hệ thống kinh tế của đất nước, đây cũng là chiến lược để tiến tới một nền kinh tế xanh ở mỗi quốc gia. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008, tăng trưởng xanh được Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách đặc biệt chú ý, bởi nó là giải pháp giải quyết đồng thời những vấn đề về môi trường và tăng trưởng kinh tế, làm cho xã hội phát triển bền vững. 1
  2. Theo nội dung Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) thì tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm bảo đảm nguồn thu vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm việc các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Tăng trưởng xanh là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Quan điểm của tổ chức Liên minh châu Âu đưa ra: “Tăng trưởng xanh là xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tận dụng vị thế tiên phong của châu Âu trong công cuộc phát triển những quy trình, công nghệ mới, bao gồm công nghệ xanh, áp dụng sâu rộng lưới điện thông minh, sử dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng lưới toàn EU và củng cố tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kinh doanh, cũng như hỗ trợ khách hàng đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên”. Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) định nghĩa: “Tăng trưởng xanh là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hóa trong sản lượng kinh tế và tối thiểu hóa gánh nặng sinh thái. Tăng trưởng xanh là cách tiếp cận để đạt được tăng trưởng kinh tế, với mục đích giảm nghèo, bảo đảm sự bền vững về môi trường”. Tăng trưởng xanh tập trung vào chất lượng tăng trưởng thông qua thúc đẩy hiệu quả về sinh thái; tăng trưởng xanh khác với tăng trưởng truyền thống là không lấy phương châm “phát triển trước, bảo vệ môi trường sau”, mà lấy việc phòng, ngừa và lồng ghép bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon trong sản xuất, kinh doanh làm động lực để tăng trưởng. Như vậy, nội hàm của vấn đề tăng trưởng xanh chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đảm bảo sự hài hoà với môi trường và cân bằng sinh thái, tăng trưởng kinh tế nhưng không phá vỡ hay ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Kinh tế xanh Cùng với tăng trưởng xanh, xây dựng nền kinh tế xanh đang trở thành một xu thế phổ biến trên thế giới và dần được áp dụng cho tất cả các nền kinh tế của các quốc gia , nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội hiện tại và ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các khủng hoảng ấy trong tương lai. 2
  3. Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) định nghĩa: “Kinh tế xanh là một mô hình kinh tế giúp nâng cao đời sống con người, cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những rủi ro môi trường và cân bằng sinh thái”. Theo đó, kinh tế xanh là nền kinh tế hướng tới sự hòa hợp giữa kinh tế và môi trường sinh thái. Chiến lược tăng trưởng cơ bản của nền kinh tế xanh là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch, nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng bền vững. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải các-bon, ít gây ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên, để từ đó đảm bảo công bằng xã hội. Ngày nay, xu thế chuyển đổi từ mô hình kinh tế nâu - truyền thống (phát triển kinh tế trước và giải quyết vấn đề ô nhiễm sau) sang mô hình kinh tế xanh trở thành chiến lược cùng với kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Nội dung của chiến lược này đảm bảo phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường được cân đối, hài hòa với nhau. Theo đó, các quốc gia dựa trên cơ sở đặc điểm các điều kiện tự nhiên và xã hội, cùng các nguồn lực nhân lực, vật lực của mình để xác định mục tiêu cụ thể, hướng đi và lộ trình, quy mô và phương pháp tiếp cận. Như vậy, nền kinh tế xanh sẽ không chỉ nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu của nền kinh tế và còn định hướng tiêu dùng theo hướng bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn giảm phát thải khí và góp phần bảo vệ môi trường. Nền kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng tài nguyên có hiệu quả cao, có mức phát thải thấp và hướng tới công bằng xã hội. Theo Báo cáo của OECD: “Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang dần phát triển theo xu hướng “xanh hóa”, ví dụ như ngày càng có nhiều các bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch. Trong tổng số các bằng sáng chế đó, 24% thuộc về ngành năng lượng tái tạo, 20% là bằng sáng chế cho các loại xe điện và xe hyblai (loại xe có động cơ chạy bằng xăng và điện) và 11% là các sáng chế trong việc tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà và các thiết bị chiếu sáng.1 Xu hướng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế xanh Hiện nay, tăng trưởng xanh và nền kinh tế xanh được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đảm bảo cho nền kinh tế tuần hoàn và sự phát triển bền vững. Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh cùng với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển 1 http://tnmttuyenquang.gov.vn/khi-tuong-thuy-van-bien-doi-khi-hau/Trai-phieu-xanh-gop-phan-giup- kinh-te-the-gioi-tang-truong-sach-2685.html 3
  4. bền vững và giảm đói nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường cho tất cả các quốc gia. Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế, bỏ qua cách tăng trưởng kinh tế theo kiểu “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Từ đó, tạo tiền đề xây dựng nền kinh tế xanh và sau đó là kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Theo xu thế này, hiện nay các nước trên thế giới đang đầu tư mạnh vào xây dựng và hoạch định các chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như tạo dựng nền kinh tế xanh của đất nước. Quá trình đưa ra các gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh, kinh tế xanh đầu tư tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh,... Đã có rất nhiều các quốc gia đi tiên phong trong việc thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới sự phát triển bền vững tiêu biểu như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan,… Sau đó, những chiến lược kinh tế trong khoảng 10 năm trở lại đây của Liên minh châu Âu cũng tập trung xác định mô hình kinh tế xanh, xã hội hiện đại và phát triển bền vững của châu Âu với ba nội dung: kinh tế - xã hội - môi trường được ưu tiên có quan hệ bổ sung cho nhau. Những điều này là biểu hiện của sự “tăng trưởng thông minh” của nền kinh tế tuần hoàn trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ như hiện nay: phát triển kinh tế dựa vào tri thức và nghiên cứu đột phá cải tiến công nghệ; tăng trưởng bền vững; thúc đẩy nền kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên, xanh hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn; tăng trưởng bình đẳng; khuyến khích nền kinh tế với nhiều việc làm, tạo sự gắn bó trong xã hội và bình đẳng giữa các vùng miền. Tại châu Á - Thái Bình Dương, mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế xanh được đưa ra từ 2005 và đến nay được đặc biệt chú trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến khu vực này nhanh chóng chuyển sang mô hình kinh tế xanh và trở thành vấn đề được các quốc gia tại khu vực này đặc biệt chú trọng: Vì châu Á - Thái Bình Dương là khu vực rộng lớn, nhiều tiềm năng và đang phát triển, nhưng tại đây, một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề do vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, trong khi cơ chế bảo vệ, kiểm soát ô nhiễm môi trường còn hạn chế; thứ hai, sản xuất nông nghiệp ở đây phần lớn sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp cao hơn nhiều lần so với mức trung bình của thế giới. Bên cạnh đó, các điều kiện cho nhu cầu sinh hoạt không đáp ứng kịp với tỷ lệ cư dân đô thị ngày càng tăng cao. Quá trình xử lý nước thải, chất thải rắn và cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông không theo kịp với tốc độ gia tăng dân số. Nhu cầu về nước ngọt cũng là một trong những nguyên ngân gây áp lực đáng kể lên môi trường. Đối với Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định tăng trưởng xanh và mô hình kinh tế xanh được xây dựng dựa trên quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng và 4
  5. tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng công nghệ khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới; từng bước xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường các biện pháp giảm khí thải nhà kính, đối phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm đói nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho đất nước. Thực hiện những mục tiêu này, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2612/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 phê duyệt “Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, đã đề ra mục tiêu tổng quát là sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp trong sản xuất công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, hạn chế biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống cộng đồng. Quyết định này buộc các dự án đầu tư mới thuộc những ngành sử dụng nhiều năng lượng hoặc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ xanh, sạch và an toàn cho môi trường. Để có thể thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến nền kinh tế xanh, hiện nay Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đó là: một là, giảm cường độ phát thải khí nhà kính đồng thời tăng cường, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hai là, thực hiện “Xanh hóa” trong sản xuất, “công nghiệp hóa, hiện đại hoá sạch” qua việc xem xét điều chỉnh những nội dung quy hoạch các ngành hiện có, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên, khuyến khích phát triển công - nông nghiệp - dịch vụ xanh với cơ cấu ngành hợp lý, sử dụng công nghệ và các thiết bị thân thiện với môi trường, tăng cường đầu tư phát triển vốn tự nhiên, vốn xã hội, kết hợp với các biện pháp ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường; ba là, phổ biến và thực hiện “Xanh hóa” ý thức, hành động, và lối sống xanh, sạch và thúc đẩy tiêu dùng bền vững cho mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân. Từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đến phát triển bền vững Hiện nay, nền kinh tế tuần hoàn được coi là một hệ thống kinh tế bền vững và là xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mô hình kinh tế này đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, các quốc gia trên thế giới. Khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” được sử dụng chính thức đầu tiên bởi hai nhà nghiên cứu Pearce và Turner từ năm 1990. Khi đó, các nhà khoa học xác định, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” và đây là một nền kinh tế khác biệt so với kinh tế tuyến tính truyền thống. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp được phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại làm mất khả năng tái sử 5
  6. dụng và quay trở lại sinh quyển, thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và mô hình kinh doanh.2 Tổ chức Ellen Mac Arthur định nghĩa, nền kinh tế tuần hoàn tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu năm 2012 được thừa nhận rộng rãi. Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo, thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải, thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”. (2) Như vậy, trong mô hình kinh tế tuần hoàn các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn hướng đến các vấn đề như: giảm thiểu phát thải ra môi trường thông qua sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên liệu, năng lượng và sử dụng nguyên liệu, năng lượng có khả năng tái tạo; tái sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài hơn thời gian sử dụng các sản phẩm; tái chế, tận dụng phế liệu, phế thải trở thành đầu vào cho hoạt động sản xuất. Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo vệ môi trường và gắn liền với sự phát triển bền vững của các quốc gia, bởi nó là một quy trình sản xuất khép kín, chất thải được tái sử dụng và trở thành nguyên liệu sản xuất. Mô hình kinh tế này chính là bài toán góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái, sức khỏe con người hiện tại và trong tương lai. Cùng với phát triển kinh tế xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Nhận thức được vấn đề này, một số quốc gia đã nhanh chóng xây dựng, áp dụng và đi tiên phong trong việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn, như: Thụy Điển, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia,… Tính đến nay, có khoảng hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ ở các khu vực đã, đang xây dựng và từng bước xác lập lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau. Điển hình phải nói đến “Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn lần thứ 2 của Liên minh châu Âu” ban hành lần thứ 2 kèm theo khung giám sát và các chỉ tiêu về kinh tế tuần hoàn để định hướng chung cho toàn khối. Tại Việt Nam, với quan điểm phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường liên tục được khẳng định trong các Nghị quyết đại hội Đảng. Các khía cạnh 2 Pearce, D.W. and R.K. Turner (1990), Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf. 6
  7. của tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng được đề cập trong các nghị quyết của Đảng để đảm bảo mục tiêu cao nhất đó là đạt được sự phát triển bền vững . Theo đó, kể từ năm 2020, khái niệm Kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020: Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. 3 Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và có các văn bản hướng dẫn dưới luật để thực hiện. Phát triển bền vững ban đầu là một ý tưởng được hình thành từ những thập niên đầu của thế kỷ XX và rất nhanh chóng, ngay sau đó nó đã trở thành phong trào hành động xã hội. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Nam Phi) năm 2002 đã xác định: Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển gồm: tăng trưởng trong phát triển kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm trong phát triển xã hội và khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong bảo vệ môi trường. Trong các văn bản chính thức của Liên hợp quốc đã xác định: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sư kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống con người trong hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”4. Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không trở ngại cho việc đáp ứng các nhu cầu ấy của thế hệ mai sau. Do đó, tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững đầu tiên phải nói đến là sự tăng trưởng kinh tế ổn định mà theo xu hướng của thời đại ngày nay đó nhất định phải là một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cùng với đó là việc kết hợp với thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. 3 https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839C7B3-hd-kinh-te-tuan-hoan-theo-phap-luat-hien-nay-la-gi-muc- tieu-cua-kinh-te-tuan-hoan-la-gi.html#google_vignette 4 Võ Thị Hoa, “Giáo trình “Chính trị học phát triển”, NXB Lý luận chính trị, HN, 2019 7
  8. Mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững Cần nhận thức rằng, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn là những khái niệm riêng biệt. Tuy nhiên, những khái niệm và nội dung của các vấn đề này có mối quan hệ tương đồng và hỗ trợ nhau và thống nhất ở mục tiêu hướng tới phát triển bền vững. Nếu như tăng trưởng xanh nhấn mạnh, các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bằng cách tránh gây các áp lực làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường sinh thái thì kinh tế xanh với tính toàn diện cao hơn khi mở rộng mục tiêu tới cả hạnh phúc của con người và công bằng xã hội. Một nền kinh tế xanh sẽ quan tâm tới kinh tế và môi trường ở góc độ hệ sinh thái hài hoà và coi đó là nền tảng thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển của con người. Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đang bị cạn kiệt như hiện nay và các vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải ngày càng gia tăng như hiện nay. Kinh tế tuần hoàn ra đời và kết hợp với tăng trưởng xanh, xoá đi mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, hình thành triết lý phục hồi và tái tạo và phát triển. Về bản chất, nội hàm của các vấn đề tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn về cơ bản đồng nghĩa và nằm trong nội dung của phát triển bền vững. Nó được hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng về mọi mặt những nhu cầu trong hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đây chính là mục tiêu chiến lược của quốc gia trên thế giới, tuy nhiên mỗi quốc gia căn cứ vào các điều kiện tự nhiên, xã hội cùng với các đặc điểm kinh tế, chính trị và văn hóa của mình để xây dựng những chiến lược phù hợp. Dù với tên gọi và những nội dung cụ thể có thể còn có những vấn đề khác biệt nhất định, song tựu chung lại có thể thấy, tăng trưởng xanh góp phần tạo nên nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để kinh tế ổn định, xã hội dân chủ, công bằng và môi trường được an toàn và bảo đảm là ba trụ cột của phát triển bền vững và nó chính sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển bền vững của các quốc gia trong thời đại ngày nay. Có thể coi từ tăng trưởng xanh đến kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn như là những “viên gạch” tương hỗ và bổ sung cho nhau, làm nên “nền móng” cho việc xây dựng “ngôi nhà” phát triển bền vững của các quốc gia. Nếu như không có nền móng “ngôi nhà” phát triển bền vững không thể được hình thành. Do đó, các nước có điều kiện nhân lực, vật lực và có sự phát triển về khoa học - công nghệ đã, đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được các mục tiêu giúp xã hội phát triển và ngày càng thân thiện hơn với môi trường. Việt Nam có vị trí thuận lợi khi nằm ở khu vực địa chính trị quan trọng, trung tâm của thế giới hiện đại là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hướng ra Biển Đông - một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng; gần với Đông Bắc Á - khu vực đang đi tiên phong trong tăng trưởng xanh của khu vực và thế giới. Vị trí địa lý quan trọng với tính đa dạng sinh học cao là cơ hội phát triển một số ngành kinh tế xanh, đồng thời phát 8
  9. triển và sử dụng các loại năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều và năng lượng sinh học. Chúng ta có nền chính trị - xã hội ổn định với nguồn dân số gần 100 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động cao, người dân thông minh, chăm chỉ, cần cù - đây được xem là nguồn lực trung tâm để thực hiện những đột phá về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, quá trình đẩy mạnh thực hiện Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những năm qua cũng tạo ra nội lực để chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế hội nhập với xu hướng và thế giới. Việt Nam đi sau các nước trong việc tiếp cận nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn song có thể học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã thành công; đồng thời có được sự trợ giúp của các tổ chức cộng động quốc tế trong việc nghiên cứu xây dựng phát triển mô hình để đảm bảo hài hoà giữa ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Việt Nam hội tụ những điều kiện thuận lợi là lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời đảm bảo định hướng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, trong những năm qua phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, định hướng phát triển bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiêu biểu như đề án “Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022. Đề án khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đề án cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng với những diễn biến của tình hình mới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững và vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, đó là: (1) Nền kinh tế có sự tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững; (2) Chưa thực hiện thật tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; và (3) Nguy cơ ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.  Vì vậy, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - con đường tất yếu giúp chúng ta tiến gần đến mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần cố gắng triển khai tốt mục tiêu tăng trưởng xanh, đóng góp vào nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh và khẳng định vai trò là một trong những quốc gia tiên phong phát triển bền vững. Do vậy, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong những năm gần đây là quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Cũng cần xác định, phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp và của mỗi người dân Việt Nam. Học tập theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, chúng ta gắn việc xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo con đường độc lập tự chủ, tự cường kết hợp với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững đất nước trên các mặt: Kết hợp chặt chẽ 9
  10. giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng của quốc gia. Kiên quyết phấn đấu tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng đảm bảo chất lượng cao và bền vững. Gắn mục tiêu phát triển con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, giữ vững và bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên và xã hội để giải quyết tốt các vấn đề xã hội hôm nay nhưng hướng đến vì mục tiêu phát triển con người thế hệ tương lai. Do đó, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia đi đôi với việc bổ sung, hoàn chỉnh thể chế, chính sách và luật pháp để tăng cường quản lý nhà nước về phát triển bền vững bảo vệ và phát triển đất nước, người Việt Nam đến muôn đời sau. Tài liệu tham khảo Võ Thị Hoa. (2019). Giáo trình “Chính trị học phát triển”. NXB Lý luận chính trị. Hà Nội. Pearce, D.W. and R.K. Turner. (1990). Economics of Natural Resources and the Environment, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf. https://vneconomy.vn/kinh-te-tuan-hoan-loi-giai-cho-phat-trien-ben-vung.htm. https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/kinh-te-tuan-hoan-thuc-day-cho-chien-luoc-san- xuat-va-tieu-dung-ben-vung.html. http://tnmttuyenquang.gov.vn/khi-tuong-thuy-van-bien-doi-khi-hau/Trai-phieu-xanh-gop- phan-giup-kinh-te-the-gioi-tang-truong-sach-2685.html. https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839C7B3-hd-kinh-te-tuan-hoan-theo-phap- luat-hien-nay-la-gi-muc-tieu-cua-kinh-te-tuan-hoan-la-gi.html#google_vignette. 10
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2