intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bàn về những yêu cầu của sinh viên ngành kế toán đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này tác giả tập trung bàn luận sâu những vấn đề làm sao để sinh viên ngành Kế toán đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Từ đó, giúp sinh viên ngành Kế toán chủ động hơn nữa ngay còn trên ghế nhà trường, để họ có thể hoàn thiện bản thân và trở thành nguồn lực đảm bảo yêu cầu của xã hội hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bàn về những yêu cầu của sinh viên ngành kế toán đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng

  1. 5. BÀN VỀ NHỮNG YÊU CẦU CỦA SINH VIÊN NGÀNH KẾ TOÁN ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA NHÀ TUYỂN DỤNG DISCUSSING THE REQUIREMENTS OF ACCOUNTING STUDENTS TO MEET THE NEEDS OF EMPLOYERS ThS. Vũ Thị Phương Thảo Trường Đại học Lao động Xã hội CS2 Tóm tắt Với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, việc quản lý về kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi, mô hình kinh doanh dịch chuyển từ cá nhân, hộ gia đình sang mô hình doanh nghiệp (DN). Từ yêu cầu của chính sách quản lý, nhằm đáp ứng việc minh bạch và công bằng trong chính sách thuế cho mọi tổ chức khi tham gia sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi của người lao động về việc tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, góp phần vào việc ngày một nâng cao chất lượng đời sống toàn dân. Việc ra đời của nhiều DN vừa và nhỏ đã là một xu thế tất yếu. Theo pháp luật DN và pháp luật thuế, mỗi DN phải tổ chức công tác kế toán theo yêu cầu quản lý, nên nhu cầu về nghề nghiệp kế toán mỗi ngày một cao. Từ phía nhà tuyển dụng, đòi hỏi đội ngũ kế toán đủ năng lực thực hiện việc tổng hợp dữ liệu, hạch toán, tư vấn chính sách kế toán – thuế một cách tốt nhất để DN hoạt động kinh doanh, thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ theo pháp luật DN, pháp luật thuế. Bài viết này tác giả tập trung bàn luận sâu những vấn đề làm sao để sinh viên ngành Kế toán đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Từ đó, giúp sinh viên ngành Kế toán chủ động hơn nữa ngay còn trên ghế nhà trường, để họ có thể hoàn thiện bản thân và trở thành nguồn lực đảm bảo yêu cầu của xã hội hiện nay. Từ khoá: kế toán, sinh viên, sinh viên ngành kế toán, phần mềm kế toán. Abstract With the current Vietnamese economy, socio-economic management has undergone many changes. The business model shifts from individuals and households to the business model due to the requirements of management policies. To meet transparency and fairness in tax policy for all organizations participating in production and business. Especially to protect the rights of employees regarding participation in health insurance, social insurance, and unemployment insurance. Contribute to increasingly improving the quality of life of all people. The birth of many small and medium enterprises is an inevitable trend. According to business law and tax law, each business must organize accounting work according to management requirements, so the demand for accounting profession is increasing day by
  2. day. From the employer side, a qualified accounting team is required to synthesize data, do accounting, and advise on accounting and tax policies in the best way for businesses to operate their business properly and fully. Obligations according to enterprise law and tax law. In this article, the author focuses on discussing in depth the issues of how accounting students can meet the requirements of employers. From there, it helps accounting students to be more proactive while they are in school so they can perfect themselves and become resources to meet the accounting work requirements of today's society. Keywords: Accountants, students, accounting students, accounting software. JEL Classifications: I20, I21, I22. 1. Đặt vấn đề Hiện nay, có nhiều trường đào tạo chuyên ngành kế toán, với số lượng nhiều sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Ngành Kế toán cũng là ngành có nguồn cung lao động lớn, vì DN nào cũng phải có bộ máy kế toán hoặc kế toán nội bộ (trường hợp thuê dịch vụ kế toán), tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều sinh viên làm trái ngành hoặc không có việc làm. Do đó, tác giả chọn đề tài: “Bàn về những yêu cầu của sinh viên ngành Kế toán đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”. 2. Bàn về những yêu cầu của sinh viên ngành Kế toán đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng 2.1. Những yêu cầu của nhà tuyển dụng khi tuyển dụng nhân viên kế toán 2.1.1. Yêu cầu chuyên môn Sinh viên kế toán cần có những kiến thức chuyên môn về kế toán, đây là một yêu cầu bắt buộc của người làm kế toán. Những chuyên môn đó được thể hiện qua việc nắm vững nguyên tắc kế toán, quy định và thông tư kế toán hiện hành. Từ đó, người làm kế toán có thể phản ánh đầy đủ, kịp thời đúng quy định các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại DN và lập BCTC. Sản phẩm cuối cùng của người làm kế toán là lập được BCTC trung thực và hợp lý. Để lập được BCTC, sinh viên phải được đào tạo từ khi còn trên ghế nhà trường và nắm được quy định, thông tư hiện hành về kế toán, thực hiện các trình tự sau: - Quá trình thu thập, kiểm tra, xử lý thông tin kế toán: người làm kế toán phải biết thu thập kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ kế toán và hoá đơn làm căn cứ ghi sổ kế toán. - Quá trình ghi sổ kế toán: người làm kế toán phải biết sử dụng các phần mềm kế toán cơ bản và phổ biến hiện nay, như phần mềm EXCEL, phần mềm MISA, phần mềm FAST, … để thực hiện công việc ghi sổ kế toán. Hiểu được các nghiệp vụ kế toán phát sinh tại DN
  3. liên quan đến phần hành nào và căn cứ vào chứng từ để nhập liệu vào phần mềm đúng phân hệ. - Lập BCTC: hiện nay, phần mềm kế toán đã kết xuất được BCTC, tuy nhiên kế toán vẫn phải có kỹ năng kiểm tra dữ liệu, kiểm soát BCTC đã đúng với dữ liệu đã được phản ánh trên sổ sách chưa, việc nhập liệu ở các phần hành kế toán đã chính xác chưa. Từ dữ liệu kế toán đã thực hiện ghi sổ kế toán trên phần mềm và BCTC lập tờ khai Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) từng tháng hoặc quý và Quyết toán Thuế Thu nhập DN (TNDN), Thu nhập cá nhân cuối năm. 2.1.2. Yêu cầu luôn học hỏi, nghiên cứu Kế toán là ngành đòi hỏi người làm việc trong lĩnh vực này luôn phải học hỏi, cập nhật và nghiên cứu những quy định hiện hành để thực hiện theo đúng quy định. Nếu không cập nhật kịp thời, có thể báo cáo kế toán không trung thực, xác định Thuế GTGT, Thuế TNCN, Thuế TNDN phải nộp và lập tờ khai không đúng quy định và làm cho DN bị phạt hoặc chế tài về thuế. 2.1.3. Yêu cầu kỹ năng mềm - Kỹ năng giao tiếp: người làm kế toán có kỹ năng giao tiếp tốt, giúp họ có khả năng thu thập thông tin dữ liệu kế toán từ các phòng ban, các đối tượng bên ngoài, như khách hàng, nhà cung cấp,… một cách dễ dàng; truyền đạt thông tin rõ ràng giữa các đồng nghiệp và báo cáo trao đổi thông tin một cách chính xác dễ hiểu cho cấp trên. - Kỹ năng chịu áp lực: trong quá trình làm kế toán, người làm kế toán sẽ có những áp lực về việc hoàn thành sổ sách kế toán và kê khai thuế, vì thời hạn nộp tờ khai thuế theo tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng kế tiếp, tờ khai thuế theo quý là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo hoặc thời hạn nộp Quyết toán Thuế TNDN, TNCN, BCTC là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 của năm tiếp theo,… Nếu người làm kế toán không có kỹ năng chịu áp lực thì mất bình tĩnh, không tập trung trong công việc dẫn đến sai sót trong dữ liệu kế toán, sẽ không hoàn thành được sổ sách kế toán, tờ khai thuế và BCTC. - Kỹ năng quản lý thời gian: kế toán quản lý tốt thời gian trong quá trình làm việc, giúp cho người kế toán xác định được công việc nào cần thực hiện trước sẽ ưu tiên làm trước, lập quy trình thời gian cho công việc như thu thập chứng từ, kiểm tra, nhập liệu theo từng thời gian biểu cụ thể sẽ giúp cho công việc không chồng chéo và không xử lý trùng nghiệp vụ. Từ đó, xác định thời gian nào kiểm tra dữ liệu, kiểm tra báo cáo,… thì tờ khai và báo cáo mới được lập chính xác, báo cáo đúng hạn cho cấp trên hoặc các phòng ban liên quan và nộp tờ khai thuế đúng hạn theo quy định. 2.1.4. Yêu cầu tư duy phản biện
  4. Phản biện chính là việc sử dụng lập luận, chứng cứ và logic để bác bỏ hoặc đối luận với một quan điểm, ý kiến hoặc tuyên bố cụ thể nào đó. Nó liên quan đến việc cung cấp lý do và bằng chứng để chứng minh rằng một quan điểm nào đó là sai hoặc không có tính phù hợp và hợp lý. Phản biện thường được thực hiện bằng cách sử dụng các luận điểm logic và thông tin thực tế để chứng minh một quan điểm mới, hoặc để bác bỏ hoặc chỉnh sửa một quan điểm hiện tại. Trong phản biện, người tham gia cần phải tập trung vào việc xây dựng lập luận mạnh mẽ dựa trên các chứng cứ có thể kiểm chứng được, điều này đòi hỏi khả năng phân tích, suy luận logic và khả năng diễn đạt rõ ràng. Mục tiêu của phản biện là tạo ra một cuộc thảo luận có giá trị và mang tính thuyết phục để làm sáng tỏ một vấn đề hoặc thay đổi quan điểm của người nghe hoặc đọc. Với tư duy phản biện không chỉ giúp hiểu rõ hơn về các quan điểm khác nhau, mà còn giúp chúng ta cải thiện khả năng suy luận, lập luận và trình bày. Đối với một sinh viên mới ra trường, thể hiện được khả năng phản biện sẽ giúp cho người hướng dẫn trực tiếp, người quản lý trực tiếp trong bộ phận kế toán và nhà quản trị trong DN yên tâm rất nhiều khi giao công việc. Và hơn thế nữa, giúp cho nhà quản lý, đồng nghiệp nhận ra các vấn đề chưa hoàn toàn phù hợp, thậm chí đó còn có thể là những sai sót đi theo lối mòn đã tồn đọng trong hệ thống lâu nay. Tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định thông minh, giải quyết vấn đề hiệu quả, đánh giá thông tin đúng sai, xây dựng luận điểm thuyết phục, phát triển kiến thức và sự hiểu biết, tạo sự đổi mới và phát triển bản thân. Tư duy phản biện không chỉ là kỹ năng giúp cải thiện công việc và cuộc sống cá nhân, mà còn đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội. 2.2. Thực trạng hiện nay về các yêu cầu của sinh viên ngành Kế toán đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng 2.2.1. Thuận lợi - Yêu cầu chuyên môn: sinh viên khi đang học ở các hệ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán đã được học các môn học chuyên ngành kế toán như: Nguyên lý kế toán, Kế toán tài chính 1, Kế toán tài chính 2 hoặc Kế toán tài chính 3, tuỳ theo chương trình của mỗi trường và các hệ đào tạo môn Kế toán quản trị, Kế toán máy,… Đây cũng là những môn học cung cấp kiến thức chuyên môn để sinh viên lĩnh hội và vận dụng khi ra thực tế công việc kế toán. Trong quá trình đào tạo tại trường, sinh viên được tiếp cận các phần mềm kế toán, như: phần mềm MISA, FAST,… thực hành tại phòng máy, được học kế toán mô phỏng, là điều kiện rất thuận lợi cho sinh viên, được vận dụng những kiến thức chuyên môn làm kế toán như làm thực tế. Trong quá trình được thực hành dữ liệu kế toán vào phần mềm sinh viên được giảng viên hướng dẫn chứng từ kế toán, kiểm tra chứng từ
  5. như thế nào, nhập liệu vào phân hệ phần mềm và định khoản như thế nào, sau đó xem sổ kế toán và kết xuất sổ sách kế toán, xem báo cáo như báo cáo hàng tồn kho, sổ công cụ dụng cụ, sổ tài sản cố định, tờ khai thuế GTGT, BCTC,… Nếu sinh viên có ý thức học tốt, tiếp cận tốt phần mềm là cơ hội đáp ứng yêu cầu chuyên môn với nhà tuyển dụng. - Yêu cầu luôn học hỏi nghiên cứu: sinh viên khi còn học ở trường đã được giảng viên hướng dẫn cách nghiên cứu tài liệu liên quan đến môn học, như: đối với môn học chuyên ngành kế toán, sinh viên phải đọc và nghiên cứu Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN ban hành ngày 22/12/2014, Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN nhỏ và vừa ban hành ngày 26/08/2016; đối với môn Kế toán Thuế phải đọc và nghiên cứu các nghị định, thông tư hiện hành quy định về Thuế GTGT, Thuế TNDN, Thuế TNCN,… Với yêu cầu này sẽ giúp sinh viên khi đi làm kế toán thực tế tự biết phải luôn học hỏi và tìm hiểu, đọc và nghiên cứu khi có những quy định mới về kế toán và thuế. Vì đáp ứng yêu cầu này, khi lập tờ khai thuế và BCTC tại DN sẽ tuân thủ quy định hiện hành, không vi phạm quy định vì thế DN sẽ không bị phạt. - Yêu cầu kỹ năng mềm: + Kỹ năng giao tiếp: sinh viên luôn được chú trọng phải trau dồi kỹ năng này ngay khi còn học ở trường thông qua buổi toạ đàm của các câu lạc bộ trong trường tổ chức, vì đây là kỹ năng giúp sinh viên sau này có khả năng làm việc nhóm, diễn đạt ý kiến, trao đổi công việc kế toán với khách hàng, nhà cung cấp; báo cáo tình hình sổ sách kế toán và BCTC cho cấp trên một cách rõ ràng, dễ hiểu, logic. + Kỹ năng chịu áp lực: việc học, nghiên cứu cùng lúc nhiều môn và có một số sinh viên đi làm thêm tạo nhiều áp lực nhưng có một số sinh viên biết cách sắp xếp công việc, ưu tiên thực hiện những công việc đến hạn thực hiện trước sẽ giảm được áp lực, công việc hoàn thành cũng là điệu kiện tốt để khi đi làm các bạn sinh viên biết giải toả áp lực thực hiện hoàn thành công việc kế toán. + Kỹ năng quản lý thời gian: sinh viên luôn được các thầy cô cố vấn học tập, giảng viên bộ môn tư vấn về cách quản lý thời gian như thế nào cho hiệu quả trong việc học tập cũng như trong cuộc sống. Sinh viên được tham gia các buổi toạ đàm, hội thảo về vấn đề liên quan đến kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng quản lý thời gian. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp sinh viên biết cách quản lý thời gian trong thực hiện công việc khi đi làm, giúp sinh viên ngành Kế toán thành công, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. 2.2.2. Khó khăn - Yêu cầu chuyên môn: hiện nay, một số sinh viên ngành Kế toán ra trường vẫn còn chưa nắm được các quy định về kế toán, chưa biết vận dụng các kiến thức chuyên môn vào các phần hành kế toán cụ thể, như kế toán vốn bằng tiền, kế toán mua hàng, bán hàng, kế
  6. toán tiền lương, kế toán tính giá thành,... Khi thực tế làm kế toán, người làm kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán, kiểm tra chứng từ sau đó hạch toán vào phần mềm kế toán nhưng kỹ năng này sinh viên còn nhiều hạn chế, do lúc học ở trường các bạn không quan tâm nhiều đến chứng từ hạch toán mà chỉ quan tâm đến việc định khoản nghiệp vụ như thế nào. Khi truyền đạt kiến thức, nhiều khi giảng viên chưa chú trọng đến tầm quan trọng của chứng từ kế toán, chưa có những mẫu biểu chứng từ thực tế để sinh viên dễ dàng hình dung công việc kế toán thực tế như thế nào. Một số trường đào tạo ngành Kế toán chưa có thực hiện mô hình kế toán mô phỏng. - Yêu cầu luôn học hỏi nghiên cứu: ý thức sinh viên đọc, tìm hiểu và nghiên cứu các quy định về kế toán và thuế còn yếu, hầu như các em chỉ tập trung vào tập bài giảng của thầy cô không tự giác đọc văn bản khi thầy cô yêu cầu. Thái độ học tập chưa nghiêm túc của một số sinh viên khi học một số môn học chuyên ngành, học phần mềm kế toán, không tích cực tham gia các buổi toạ đàm về nội dung trao đổi thuế, kế toán, các cuộc thi học thuật về kế toán,… nên đã dẫn đến sinh viên còn yếu về chuyên môn, gây khó khăn trong giai đoạn thực tập tại DN và khi được tuyển dụng vào làm việc. - Yêu cầu kỹ năng mềm: + Kỹ năng giao tiếp: hiện nay, nhiều sinh viên chưa quan tâm đến kỹ năng giao tiếp trong công việc, chưa biết cách trao đổi mail với đối tác và trình bày báo cáo với cấp trên. Nhiều sinh viên đặt cái tôi quá cao, suy nghĩ còn hạn chế chưa coi trọng công việc đang được giao nên việc giao tiếp không được chuẩn bị kỹ lưỡng dẫn đến công việc không hoàn thành hoặc không được nhà tuyển dụng đánh giá cao chất lượng trong công việc. + Kỹ năng chịu áp lực: với cuộc sống hiện nay, sinh viên được gia đình chăm lo tốt về mặt tài chính, các DN trẻ ra đời nhiều nên sinh viên không có tinh thần rèn luyện chịu áp lực trong công việc. Chỉ cần gặp khó khăn trong công việc thực tế, sinh viên sẵn sàng rời bỏ công việc một cách đột ngột, thậm chí nghỉ ngang. Điều này làm cho nhà tuyển dụng gặp nhiều khó khăn trong vận hành bộ máy kế toán, nên lúc tuyển dụng họ rất chú trọng yếu tố này của sinh viên. + Kỹ năng quản lý thời gian: việc quản lý được thời gian rất quan trọng nhưng một số sinh viên chưa tạo được thói quen sắp xếp công việc theo từng thời gian biểu cụ thể mà làm việc theo cảm hứng, điều này rất rủi ro cho DN, vì trong kế toán có quy định thời hạn nộp tờ khai và báo cáo nhất định nên buộc kế toán các DN phải hoàn thành sổ sách kế toán lập tờ khai thuế, báo cáo nộp theo đúng quy định hiện hành. Nếu nộp tờ khai và báo cáo trễ hạn DN bị phạt. + Yêu cầu tư duy phản biện: sinh viên ngành Kế toán mới ra trường còn thiếu kỹ năng này, do chưa nắm vững chuyên môn để lập luận xử lý những tình huống kế toán trong thực
  7. tiễn, hoặc đã hiểu về chuyên môn nhưng chưa dám mạnh dạn đưa ra ý kiến, lập luận để giải quyết vấn đề mà còn phụ thuộc hoàn toàn vào những người quản lý như kế toán tổng hợp, kế toán trưởng. Các em vẫn còn một thói quen khi được hướng dẫn thực hiện công việc thì cứ rập khuôn xử lý theo hướng dẫn, khi có tình huống phát sinh mới cần xử lý thì không suy luận để đưa ra cách giải quyết rồi trình cấp lãnh đạo mà chỉ chờ lãnh đạo đưa ra cách giải quyết để làm theo. 3. Giải pháp để sinh viên ngành Kế toán đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng 3.1. Yêu cầu chuyên môn Sinh viên phải có thái độ học tốt, nghiêm túc các môn học chuyên ngành như kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán máy,… sử dụng thành thạo phần mềm kế toán. Nếu trong chương trình đào tạo đã có phần kế toán mô phỏng thì sinh viên phải xem trọng và tham gia học hỏi một cách tích cực để được tiếp cận kế toán thực tế qua mô hình này, tích luỹ kinh nghiệm khi vận dụng kiến thức chuyên môn vào công việc thực tế. Sinh viên phải nắm được quy trình kế toán từ việc thu thập, kiểm tra chứng từ đến ghi sổ kế toán và lập BCTC. Khi học các phần hành kế toán như kế toán vốn bằng tiền, kế toán mua hàng, bán hàng, kế toán tài sản cố định,… giảng viên đều hướng dẫn chứng từ, căn cứ ghi sổ kế toán sinh viên phải theo dõi nắm vững những quy định về chứng từ kế toán cho từng phần hành cụ thể. Sinh viên có thể tự tìm hiểu nghiên cứu các mẫu biểu chứng từ thông qua các thông tư hướng dẫn, như Thông tư 200/2014/TT-BTC hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC. Giảng viên khi dạy các môn chuyên ngành cần nhấn mạnh, giải thích sâu tầm quan trọng của chứng từ làm căn cứ hạch toán các phần hành kế toán, cần minh hoạ một số chứng từ cụ thể để sinh viên có thể hiểu thực tế công việc kế toán một cách rõ ràng. Về phía chương trình đào tạo, có một số trường chưa có mô hình kế toán mô phỏng vào giảng dạy nên tham khảo việc thực hiện mô hình này ở các trường đã thực hiện và xây dựng mô hình kế toán mô phỏng sát với thực tế kế toán tại các DN. 3.2. Yêu cầu luôn học hỏi nghiên cứu Sinh viên cần xây dựng ý thức đọc, tìm hiểu những quy định như nghị định, thông tư, … về kế toán thuế vì luật thuế và kế toán thường xuyên thay đổi, nên việc cập nhật những quy định mới trong công tác kế toán tại DN là rất cần thiết, giúp DN tuân thủ quy định kế toán, thuế hiện hành. Sinh viên cần có tác phong học tập nghiêm túc các môn học chuyên ngành để nắm vững chuyên môn kế toán, quá trình thực tập tại DN nghiêm túc. Đây là cơ hội sinh viên ngành Kế toán trở thành những kế toán giỏi khi ra trường, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. 3.3. Yêu cầu kỹ năng mềm
  8. 3.3.1. Kỹ năng giao tiếp Sinh viên phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua tham gia buổi toạ đàm về nội dung kỹ năng mềm do các câu lạc bộ học thuật tổ chức. Những buổi trao đổi về kỹ năng viết mail, cách thuyết trình giúp sinh viên có kỹ năng trao đổi với khách hàng, nhà cung cấp và cách trình bày báo cáo với cấp trên. 3.3.2. Kỹ năng chịu áp lực Ngay khi còn học ở trường, sinh viên cần tạo thói quen chịu áp lực hoàn thành tốt đúng thời hạn các bài tập, bài thuyết trình của thầy cô giao đúng hạn. Đặt mục tiêu hoàn thành môn học với điểm tốt, tham gia đầy đủ các phong trào do trường, khoa phát động. Khi đi làm phải coi trọng các công việc kế toán mình đã đảm nhiệm cho dù khó khăn đến đâu cũng hoàn thành. Người làm kế toán có được kỹ năng này sẽ được nhà tuyển dụng coi trọng. 3.3.3. Kỹ năng quản lý thời gian Quản lý tốt thời gian là yếu tố góp phần thành công của người làm kế toán. Sinh viên mới ra trường nếu biết sắp xếp thời gian khoa học, hiệu quả trong công việc như sắp xếp thu thập chứng từ vào thời gian nào, thời gian nào xử lý chứng từ, hạch toán sổ sách vào phần mềm kế toán, thời gian nào kiểm tra dữ liệu hoàn thành BCTC, tờ khai thuế liên quan. Từ việc quản lý tốt thời gian sẽ giúp sinh viên hoàn thành tốt công việc kế toán được giao. 3.4. Yêu cầu tư duy, phản biện Sinh viên kế toán mới ra trường cũng như người làm kế toán trong công việc luôn luôn đặt ra câu hỏi khi giải quyết vấn đề. Khi người quản lý đã hướng dẫn cách giải quyết vấn đề phải đặt câu hỏi tại sao vấn đề lại được giải quyết như vậy? Xử lý vấn đề đó đã đáp ứng những quy định của kế toán, thuế chưa? Hoặc những tình huống kế toán thực tế có xử lý không hoàn toàn giống như lý thuyết đã học, tại sao phải xử lý như vậy,… Từ những lập luận này sẽ giúp cho kế toán có những nhận định, kinh nghiệm cho riêng mình hoàn thành công việc tốt hơn trở thành người kế toán chuyên nghiệp. 4. Kết luận Phát triển DN luôn là mục tiêu đặt ra của các DN, để đạt được mục tiêu này, vấn đề về nhân sự nói chung cũng như nhân sự kế toán nói riêng là hết sức quan trọng. DN tuyển dụng được những người kế toán gắn bó lâu dài, làm việc hiệu quả góp phần lớn vào sự phát triển của DN. Do đó, tuyển dụng nhân sự kế toán tại DN luôn đặt ra một số yêu cầu cơ bản để tìm kiếm kế toán phù hợp. Vì vậy, bài viết này tác giả đã trình bày được các yêu cầu sinh viên cần có, như yêu cầu chuyên môn; yêu cầu luôn học hỏi, nghiên cứu; yêu cầu kỹ năng mềm; yêu cầu tư duy, phản biện từ đó nêu thực trạng và giải pháp. Với các giải pháp trên, tác giả
  9. mong muốn sẽ góp phần giúp sinh viên ngành Kế toán ra trường đáp ứng được nhà tuyển dụng, DN tuyển được những kế toán phù hợp, đáp ứng công việc kế toán của DN. Tài liệu tham khảo Bộ Tài chính. (2014). Thông tư 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014. Bộ Tài chính. (2016). Thông tư 133/2016/TT-BTC, ngày 26/08/2016. TS. Nguyễn Diệu Linh, TS. Đào Nam Giang. (2023). Yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với sinh viên chuyên ngành Kế toán mới ra trường. Truy xuất từ http://vaa.net.vn/yeu-cau-cua- nha-tuyen-dung-doi-voi-sinh-vien-chuyen-nganh-ke-toan-moi-ra-truong/.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2