intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khởi nghiệp xanh tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

45
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu này nhằm đánh giá xu hướng kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh ở Việt Nam, đồng thời, phân tích cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp xanh trong bối cảnh hiện nay, từ đó, đề xuất bốn nhóm giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững kinh tế của mỗi cá nhân cũng như nền kinh tế quốc gia. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khởi nghiệp xanh tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức

  1. KHỞI NGHIỆP XANH TẠI VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TS. Phạm Thị Thu H ờng Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ TS. Phạm Thị Nga Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên TS. Đặng Văn Thanh Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ TÓM TẮT Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước là quan điểm và mục tiêu phát triển chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững đang được coi là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu này nhằm đánh giá xu hướng kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh ở Việt Nam, đồng thời, phân tích cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp xanh trong bối cảnh hiện nay, từ đó, đề xuất bốn nhóm giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững kinh tế của mỗi cá nhân cũng như nền kinh tế quốc gia. Từ khóa: khởi nghiệp, khởi nghiệp xanh, phát triển bền vững, kinh doanh xanh, tiêu dùng xanh ABSTRACT Economic development in association with environmental protection, sustainable development of the country is a common development goal of most countries in the world, including Vietnam. Changing patterns of production and consumption towards a sustainable direction is being considered an effective and comprehensive approach to achieve sustainable development goals. The objective of this study is to evaluate trends in green business and green consumption in Vietnam, at the same time, analyze opportunities and threats for green startups in the current context, then propose four groups of solutions to promote green start-ups in Vietnam in the coming time, contributing to economic sustainable development of each individual as well as the national economy. Keywords: startup, green startups, sustainable development, green business, green consumption 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [2]. Đây là nguồn cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, tạo sức sống và đột phá phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, yêu cầu về phát triển kinh tế tư nhân thông qua con đường khởi nghiệp đang ngày càng trở nên cấp thiết. Khởi nghiệp đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng 311
  2. kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội. Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi phải có những hướng đi mới, những giải pháp để khắc phục, vượt qua những thách thức này. Do vậy, xu hướng kinh doanh xanh, tiêu dùng sản phẩm xanh là yêu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong bối cảnh ngày càng có nhiều người quan tâm hơn tới các vấn đề về môi trường. Thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững đang được coi là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, khởi nghiệp xanh là giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 25/09/2012 [21]. Trọng tâm của tăng trưởng xanh là hướng tới một nền kinh tế carbon thấp và hướng tới phát triển bền vững. Với các trọng tâm phát triển này, nền kinh tế của Việt Nam cần hướng tới các mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển các công nghệ sạch và phát triển hạ tầng xanh. Theo đó, khởi nghiệp xanh đã được nhiều địa phương và doanh nghiệp quan tâm, nhiều dự án khởi nghiệp xanh và nhiều doanh nghiệp thực hiện đổi mới xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho doanh ngiệp và cho đất nước. Tuy nhiên, khởi nghiệp xanh cũng gặp phải những thách thức như: giải quyết mối quan hệ giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc thúc đẩy khởi nghiệp xanh còn hạn chế... Do vậy, việc nghiên cứu những cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để có những giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp xanh, bảo đảm phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế của thế giới là thực sự cần thiết. Trên cơ sở tổng hợp và phân tích tài liệu, bài viết được thực hiện nhằm ba mục tiêu chính: (1) phân tích xu hướng kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh tại Việt Nam; (2) phân tích cơ hội, thách thức đối với khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; (3) đề xuất một số giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN 2.1. Khởi nghiệp xanh Hiện tại, chưa có một định nghĩa thống nhất về khởi nghiệp và khởi nghiệp xanh. Khởi nghiệp có thể hiểu là sự bắt đầu một hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực. Những người khởi nghiệp thường có độ tuổi trẻ, có mong muốn và hoài bão lớn và xuất phát khởi nghiệp từ đam mê với những ý tưởng mới mẻ. Theo Cole (1968), khởi nghiệp là hoạt động có mục đích để khởi đầu, duy trì và phát triển một hoạt động kinh doanh nhằm thu được lợi ích về tài chính hay các lợi ích khác trong một thế giới kinh tế hay kinh doanh mà thế giới đó sẽ tạo ra một sự tự do cho chính người thực hiện hoạt động này [9]. Sobel và King (2008) cho rằng, khởi nghiệp là chìa khóa quan trọng để tăng trưởng kinh tế, chính vì vậy việc thúc đẩy giới trẻ khởi nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà chính sách [20]. Như vậy, khởi nghiệp là việc bắt đầu một công việc kinh doanh, có thể xuất phát từ đam mê hoặc từ việc nhận diện các cơ hội kinh doanh, hoặc từ thế mạnh vốn có của người khởi nghiệp. Khởi nghiệp có nghĩa là tạo ra giá trị có lợi cho người cho xã hội hoặc nhóm khởi nghiệp, cho các cổ đông của công ty, cho người lao động, cho cộng đồng và nhà nước. Khởi nghiệp bằng việc thành lập doanh nghiệp sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và dưới một góc độ nào đó sẽ tham gia vào việc phát triển kinh tế và xã hội. 312
  3. Khởi nghiệp xanh được hiểu là khởi nghiệp từ sản phẩm thân thiện môi trường; là thúc đẩy những dự án tạo ra tiền sạch, giải quyết được “nỗi đau” của khách hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế và không làm ảnh hưởng tới môi trường [18]. Khởi nghiệp xanh và kinh doanh xanh hướng đến việc tạo ra quá trình kinh doanh có tính tái tạo, có tác động tích cực đến môi trường, cộng đồng và đặc biệt là nền kinh tế. Bằng trí sáng tạo, sự đam mê và nhất là ý thức coi trọng “mẹ Trái đất”, khởi nghiệp xanh đã tạo ra những sản phẩm thân thiện, an toàn, bảo vệ thiên nhiên một cách bền vững, hay biến những thứ mà mọi người nghĩ là rác thành sản phẩm hữu dụng là ý nghĩa chung của khởi nghiệp xanh. Khởi nghiệp xanh không chỉ là sự chung tay với Chính phủ trong việc khuyến khích tiêu dùng xanh mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với các sản phẩm phân hủy sinh học đúng nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường. Ngày nay, với đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người đã bất chấp và vô tình phá hủy đi màu xanh của nhân loại dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, khởi nghiệp xanh là mục đích mà nhân loại đang hướng tới, với mục đích dù phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng vẫn phải gắn liền với bảo vệ mội trường. Đây là tôn chỉ, mục đích của các doanh nghiệp xanh, cũng là điều con người mong muốn. 2.2. Kinh doanh xanh và doanh nghiệp xanh Khái niệm kinh doanh xanh bao gồm hai yếu tố: kinh doanh và xanh. Kinh doanh xanh được hiểu là cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường hoặc thông qua một quy trình thân thiện với môi trường hoặc với sự trợ giúp của công nghệ sạch giảm mọi tác động tiêu cực của doanh nghiệp [31]. Mục tiêu của kinh doanh xanh là loại bỏ bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường, trên phạm vi địa phương và toàn cầu. Doanh nghiệp xanh là doanh nghiệp không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường địa phương hoặc trái đất, đối với cộng đồng hay nền kinh tế. Doanh nghiệp xanh hoạt động có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, tập trung vào việc thực hiện những quy tắc và thông lệ có lợi cho người lao động, cộng đồng và trái đất. Trở thành doanh nghiệp xanh không phải là sự thay đổi một lần mà là nỗ lực thường xuyên cần sự học hỏi và cải thiện không ngừng. Để một doanh nghiệp được đánh giá doanh nghiệp xanh cần phải dựa vào ba yếu tố, bao gồm: (i) tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (ii) tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; (iii) tuân thủ về hồ sơ quản lý môi trường cùng các vấn đề liên quan khác. 2.3. Tiêu dùng xanh Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người. Theo Chan (2001), tiêu dùng xanh thể hiện trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường thông qua việc lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, có cách tiêu dùng và xử lý rác thải hợp lý [3]. Còn Lee (2010) thì cho rằng, tiêu dùng xanh là hành vi tiêu dùng các sản phẩm có thể bảo quản, có ích đến môi trường và đáp ứng được các mối quan tâm về môi trường [15]. Đó là các sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu dài hạn về bảo vệ và bảo tồn môi trường. Tiêu dùng xanh không chỉ liên quan đến việc người tiêu dùng không sử dụng hàng hóa gây tổn hại đến môi trường tự nhiên, mà còn quyết định mua các sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm tái chế. 313
  4. Còn sản phẩm xanh là tất cả các sản phẩm ở các ngành hàng như gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm… được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể bao gồm các yếu tố như quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại, hoặc những sản phẩm giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng… Theo Shamdasani và cộng sự (1993), sản phẩm xanh là sản phẩm không gây ô nhiễm cho trái đất hoặc tổn hại tài nguyên thiên nhiên và có thể tái chế và bảo tồn [19]. Đó là một sản phẩm có chất liệu hoặc bao bì thân thiện với môi trường hơn trong việc giảm tác động đến môi trường. Đồng quan điểm trên, Nimse và cộng sự (2007) cũng cho rằng sản phẩm xanh là những sản phẩm sử dụng các vật liệu có thể tái chế, giảm thiểu tối đa phế thải, giảm sử dụng nước và năng lượng, tối thiểu bao bì và thải ít chất độc hại ra môi trường [17]. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Xu h ớng khởi nghiệp xanh và tiêu dùng xanh tại Việt Nam Hiện nay, trên thế giới, khởi nghiệp xanh đang là một xu hướng tất yếu để thích ứng với biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu cũng như sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên. Khởi nghiệp xanh và kinh doanh xanh hướng đến việc tạo ra quá trình kinh doanh có tính tái tạo, có tác động tích cực đến môi trường, cộng đồng và đặc biệt là nền kinh tế. Đối với Việt Nam, việc bắt kịp xu hướng này sẽ tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng, mở rộng thị phần, cũng như tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, kể từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Theo đó, những năm qua, làn sóng khởi nghiệp đã trở nên mạnh mẽ trong giới trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, tạo cơ hội hiện thực hóa nhiều ý tưởng sáng tạo. Ý tưởng khởi nghiệp cũng rất đa dạng trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh những dự án về nông nghiệp sạch, cây trồng, vật nuôi mới, những ứng dụng trong sản xuất, phần mềm công nghệ thông tin... thì khởi nghiệp xanh đang là xu hướng của nhiều người trẻ hướng tới. Khởi nghiệp xanh bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm sống với môi trường, thiên nhiên. Tuy nhiên, khởi nghiệp xanh chưa thành xu thế do các bên liên quan chưa ý thức được tầm quan trọng so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng tiêu thụ nhựa tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh, từ 3,8 kg lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn 1990 - 2018. Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu chất thải nhựa được thải ra, nhưng có tới 73% trong số đó không được tái chế, trong khi để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông trung bình phải mất hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn năm. Với con số 1,8 triệu chất thải nhựa thải ra mỗi năm, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa thải ra đại dương/năm và đứng thứ 4 trên thế giới về thải rác nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua [16]. Một phần nguyên nhân của thực trạng trên là do người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, vẫn có thói quen sử dụng túi ni lông, túi nhựa dùng một lần... Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang sử dụng nhựa, ni lông rất phổ biến trong sản phẩm cũng như bao bì, đóng gói. Trước thực trạng trên, để khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững; trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009. Bộ 314
  5. Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt tiêu chí nhãn xanh Việt Nam từ năm 2010 cho ba nhóm sản phẩm: bột giặt, bóng đèn huỳnh quang và bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng hóa khi mua sắm. Năm 2013, Bộ tiếp tục xây dựng và ban hành tiêu chí chứng nhận nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm ắc quy, các sản phẩm máy tính xách tay, máy in, mực in. Năm 2014 là nhóm sản phẩm máy tính để bàn, mực in cho máy photocopy, pin tiêu chuẩn. Năm 2015, áp dụng tiêu chí dán nhãn xanh Việt Nam cho nhóm sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, tivi… Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020; để tạo đà cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050 [21]. Theo đó, Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh xanh như mô hình kinh doanh ống hút tre, giấy, bột gạo thay thế ống hút nhựa để bảo vệ môi trường, cùng với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre, nứa, trúc, vầu...; Mô hình kinh doanh thực phẩm sạch, dược phẩm xanh, năng lượng, thiết bị tiết kiệm điện, xe tiết kiệm nhiên liệu, ôtô điện, phân bón hữu cơ...; Mô hình bể chứa biogas phục vụ đời sống và chăn nuôi; Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, HomeFood, HanoFarm,… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Coopmart, Lottemart thời gian qua cũng chung tay, nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi ni lông; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường. Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi ni lông. Ví dụ một số doanh nghiệp khởi nghiệp tư sản phẩm xanh tiêu biểu như Công ty cổ phần Green SP, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bamboo Eco Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vibabo... Song song với mô hình kinh doanh xanh, để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu cũng ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố xanh và sạch, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Đối diện với hiện tượng biến đổi khí hậu, sự nóng lên của toàn cầu, vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe con người ngày càng được chú trọng. Những sản phẩm làm từ chất liệu không thân thiện môi trường, nhuộm màu hóa chất dễ lây nhiễm độc tố, ảnh hưởng tới sức khỏe. Sản phẩm khó phân hủy, không phân hủy được đang dần bị tẩy chay. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp là cùng chung tay hành động để bảo vệ môi trường, đây là một nhiệm vụ quan trọng, đầy khó khăn và thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sáng tạo, phát triển ra những sản phẩm nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với những startup. Với nhiều suy nghĩ và cách làm khác nhau, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng đầu tư sang sản xuất xanh, sạch, thể hiện trách nhiệm xã hội. Xu hướng này phù hợp với quy luật, thể hiện sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp. Ở một số địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực triển khai một số dự án, sáng kiến, hoạt động trình diễn về năng lượng mới, cải thiện hiệu quả năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã xác định và lựa chọn kinh doanh xanh là mục tiêu chiến lược dài hạn để tiếp cận cơ hội phát triển bền vững, lâu dài cho doanh nghiệp như Tổng công ty May 10 và Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn hay Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) chính thức ra đời với sự hợp tác của 9 doanh nghiệp lớn gồm Coca-Cola Việt Nam, Sunstory Pepsico Việt Nam, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC 315
  6. Việt Nam vào tháng 6/2019 sẽ triển khai 4 nhóm hoạt động chính gồm: nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế; hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh “Recycle - Tái chế: của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng và Recycle - Tái chế)”... Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở câu khẩu hiệu mà chưa có những giải pháp thiết thực và quyết liệt để thực hiện chiến lược kinh doanh xanh, nhằm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Theo đó, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh đang dần trở thành thước đo để đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đối với cộng đồng, môi trường và thế hệ tương lai. Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” đều có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm [30]. Thực tế ở Việt Nam hiện nay chưa có số liệu thống kê riêng về doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, tuy nhiên có thể thấy số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, từ 400 doanh nghiệp (năm 2012), hiện nay, Việt Nam có khoảng 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động [1]. Như vậy, trong thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp xanh, kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về khởi nghiệp xanh và có những đóng góp đáng kể vào thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Tuy nhiên, xu hướng trên mới chỉ dừng lại là những hoạt động đơn lẻ, chưa tạo được nhiều kết nối, phạm vi tác động hẹp, vì vậy, chưa có tính phổ biến và tính bền vững, đồng thời, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của các địa phương cũng như của đất nước. 3.2. Phân tích c hội và thách thức của khởi nghiệp xanh tại Việt Nam 3.2.1. Cơ hội Thứ nhất, tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu và phổ biến. Hiện nay, tiêu dùng xanh đã dần trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng. Nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn cũng ngày càng tăng, nhất là các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt của người dân. Số lượng người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sinh thái thân thiện gần đây cho thấy, thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường đang mở rộng. Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết xanh và sạch. Có hơn 4 trong 5 người Việt được hỏi sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có cam kết về những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. 80% người tiêu dùng lo ngại các tác hại lâu dài của nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn [29]. Đây là cơ hội lớn để khởi nghiệp xanh và cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới xanh nhằm xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh, nắm bắt xu hướng xanh của hiện tại và tương lai. Với xu hướng xanh và sạch đang là yếu tố ngày càng chi phối hành vi tiêu dùng của thị trường và người tiêu dùng Việt Nam, đây là những cơ hội tích cực để phong trào khởi nghiệp xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, mở ra hướng phát triển mới cho các doanh nghiệp mà còn thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. 316
  7. Thứ hai, chủ trương, chính sách của Chính phủ về khởi nghiệp và bảo vệ môi trường. Khởi nghiệp là một chủ trương và định hướng được Chính phủ các cơ quan chức năng quan tâm, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Cùng với hệ thống chính sách đã ban hành, thời gian qua nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp địa phương, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về vốn… Các cơ chế, chính sách hỗ trợ trên tập trung chủ yếu ở các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (số 04/2017/QH14) [14]; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa [6]; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo [7]; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa [8]; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Quyết định số 844/QĐ-TTg) [24]. Đây là cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp. Bên cạnh chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, xác định được vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, cụ thể: Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và được sửa đổi hai lần vào các năm 2005, 2014 [10, 11, 12]; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 [22]; Quyết định số 491/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 [25]; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu [4]; Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 [26]; Văn bản số 161/LDCP kêu gọi chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa [27]. Đồng thời, Bộ cũng đang đề xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao [23]. Như vậy, cùng với xu hướng tiêu dùng xanh, quyết tâm của Chính phủ thể hiện thông qua các chủ trương, chính sách trong việc loại bỏ đồ nhựa dùng một lần đang đặt ra vấn đề thay đổi chiến lược với các doanh nghiệp, đồng thời là cơ hội cho các startup xanh. Thứ ba, ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sản phẩm đạt nhãn xanh Việt Nam là sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi doanh nghiệp hướng đạt nhãn sinh thái sẽ góp phần bảo đảm về thị phần, kèm theo đó là lợi nhuận. Cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi sản phẩm của cơ sở được gắn Nhãn xanh Việt Nam cũng có nghĩa là cơ sở sẽ được hưởng những ưu đãi theo quy định của pháp luật được quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP [5] không trái với Luật Đầu tư 2014 [13]. Thứ tư, cơ hội tiếp cận vốn. Cơ hội tiếp cận vốn đối với các startup xanh khả quan hơn do có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh xanh, sạch. Tháng 6/2019, Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam với số tiền 200 tỷ đồng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn quản lý. Quỹ sẽ ưu tiên hỗ trợ các dự án, đề án trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, nhất là những dự án xanh, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đối tượng 317
  8. được ưu tiên hỗ trợ là sinh viên, thanh niên, doanh nhân trẻ có nhu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như 500 Startups, VIIS , FPT Ventures, Vingroup Ventures… Những quỹ đầu tư này dành nhiều ưu tiên đối với các dự án khởi nghiệp xanh. Thứ năm, nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ cộng đ ng. Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua tạo ra nội lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian qua đã thức tỉnh các cấp lãnh đạo và người dân ủng hộ hướng phát triển mới, đó là khởi nghiệp xanh và đổi mới xanh của các doanh nghiệp, tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế xanh và loại bỏ kiểu phát triển nền kinh tế nâu. Trong ba thập niên vừa qua, tại Việt Nam, thái độ đối với khởi nghiệp, với doanh nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực (VCCI và USAID, 2017) [32]. Theo đó, nhiều cuộc thi để tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp xanh được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khởi nghiệp, các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp đang hướng tới đổi mới xanh, như: Cuộc thi thanh niên khởi nghiệp - sáng tạo năm 2018, chủ đề Nông nghiệp xanh; Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 1 năm 2016, cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần 2 năm 2017, Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ 3 với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019 được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Khoa học và Công nghệ... Tại một số địa phương, nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được thực hiện; đồng thời thúc đẩy việc sản xuất những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Ví dụ như chiến dịch tiêu dùng xanh được tổ chức hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh với đông đảo tình nguyện viên tham gia và người dân cam kết hưởng ứng; các cuộc thi, workshop về khởi nghiệp, câu lạc bộ start- up. Rồi đến những doanh nhân thành công sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm xương máu rút ra từ chính hành trình của mình, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác những dự án của các bạn trẻ mà họ thấy đầy tiềm năng. Cả cộng đồng đều quan tâm, khuyến khích các bạn trẻ tự làm chủ cuộc đời, cũng như tạo công việc cho những người khác cùng làm. Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng. Không những thế, người tiêu dùng còn có động thái thực hiện việc quay lưng, tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc bị các cơ quan chức năng công bố. Thứ sáu, với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn vốn tự nhiên đa dạng và dồi dào, nhất là nguồn vốn tự nhiên có khả năng tái tạo. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển các ý tưởng khởi nghiệp xanh và là cơ hội cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới nền kinh tế xanh và thực hiện thành công chiến lược Tăng trưởng xanh. 3.2.2. Thách thức Theo xu thế chung của quốc tế và quốc gia, trong thời gian tới, sản phẩm xanh và chất lượng xanh sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp, giúp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Tuy nhiên, để phát triển dự án khởi nghiệp xanh và xây dựng chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh, các nhà khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp cần xây dựng được hình ảnh thương hiệu, sử dụng công nghệ giảm thiểu năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả; đồng thời thực hiện trách 318
  9. nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, quá trình này phải đối mặt với những thách thức cơ bản sau: Thứ nhất, nhận thức về khởi nghiệp xanh còn hạn chế và chưa đầy đủ. Tại Việt Nam, khởi nghiệp xanh gắn với tăng trưởng xanh tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng, song chưa thành xu thế do các bên liên quan chưa ý thức được tầm quan trọng so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, số đông người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của vấn đề này. So với các nước trong khu vực, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Thuật ngữ khởi nghiệp xanh vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam và việc hiểu thế nào là khởi nghiệp xanh còn chưa đầy đủ và chưa thống nhất. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó trở thành xu hướng phổ biến và khó triển khai thực hiện. Thứ hai, thách thức trong thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng. Nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng chưa cao vào sản phẩm có chứng nhận thân thiện với môi trường. Khi người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thì họ chưa đưa ra những quyết định cần phải lựa chọn những sản phẩm được dán nhãn sinh thái chính vì vậy chưa tạo ra được thị trường cho doanh nghiệp. Các sản phẩm dán nhãn môi trường cũng như cách nhận biết còn chưa rõ và phổ biến đối với người tiêu dùng. Mặc dù xu hướng tiêu dùng xanh đã được hình thành, song mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, vì vậy tính bền vững chưa cao. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ nhận thức và thói quen để thay đổi thói quen tiêu dùng từ vật liệu nhựa sang thuỷ tinh, giấy, hay hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch… đến hành động của người tiêu dùng bị chi phối bởi nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan như: phong tục, tập quán, văn hóa, trình độ học vấn, tình trạng cư trú và khả năng kinh tế... Là một nước đang phát triển, thu nhập bình quân của người dân chưa cao (năm 2019 bình quân đạt khoảng 6.779,1 nghìn đồng - số liệu Tổng cục Thống kê [28]), do đó, giá cả vẫn là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến hành vi tiêu dùng bền vững của người dân. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam vẫn “tiện đâu mua đấy” khi các chợ cóc, hàng quán vỉa hè còn khá phổ biến. Điều đó cho thấy để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân sẽ phải mất nhiều thời gian, đồng thời cũng là thách thức đối với các nhà khởi nghiệp xanh và các doanh nghiệp xanh. Thứ ba, cần giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Đối với các doanh nghiệp xanh và các nhà khởi nghiệp, cần giải quyết tốt mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu tăng trưởng xanh bởi phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn cho đầu tư áp dụng công nghệ xanh và phát triển sản phẩm xanh. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ xanh hiện đại nhưng đôi khi yếu tố con người, trình độ năng lực chưa theo kịp. Mâu thuẫn nói trên khiến nhiều doanh nghiệp ngại ứng dụng công nghệ xanh và phát triển sản phẩm xanh bởi sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu lợi nhuận. Ngoài ra, việc đầu tư, chi phí ban đầu tác động rất nhiều đến câu chuyện tiếp cận: doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm xanh, sạch, bền vững hay có xu hướng “hạ dần tiêu chí” để giảm chi phí [29]. Bên cạnh đó, trách nhiệm đối với môi trường của một số doanh nghiệp còn hạn chế. Để sản xuất xanh, sạch, doanh nghiệp phải tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Những năm qua, nhất là khi thời điểm kinh tế khó khăn, không ít doanh nghiệp đã “quên” đi công tác bảo vệ môi trường này. Vì vậy, tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp vẫn đang tồn tại. Nhìn chung, chi phí tài nguyên và mức phát thải 319
  10. trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí. Đây là những nguyên nhân khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững và là thách thức không nhỏ đối với các startup xanh tại Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. Thứ tư, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đầu tư chỉ khoảng 0,4% GDP, trong khi Úc đầu tư 2,2%, Singapore 2,2%, Trung Quốc 2,1% và Malaysia là 1,3% [34]. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp (năm 2018), nếu tính theo giá sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines [33]. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư, sử dụng công nghệ, phương thức quản lý và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về dán nhãn. Mặt khác, hiện nay các tiêu chí về sản phẩm xanh còn rất hạn chế về mặt số lượng và mới chỉ có đối với một số chủng loại mặt hàng nhất định. Thứ năm, cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp xanh còn hạn chế. Để thực hiện mô hình khởi nghiệp xanh và các dự án về sản xuất xanh cần một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn tài chính xanh vẫn còn nhiều khó khăn và hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh. Mặc dù số lượng các quỹ nước ngoài, tập đoàn, nhà đầu tư, các hợp đồng đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, nhưng do sức ép bảo toàn vốn cho nhà đầu tư nên các quỹ đầu tư quốc tế cũng không dám mạo hiểm rót vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp, chỉ đầu tư một cách nhỏ giọt. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chủ yếu được thực hiện qua các chương trình riêng lẻ với các mục tiêu, tiêu chí rất khác nhau, thiếu hoạt động gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ giữa các thành phần tham gia hệ sinh thái. Hơn nữa, mặc dù nhiều nội dung liên quan đến mua sắm xanh, mua sắm bền vững, thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn… đã được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản pháp quy; tuy nhiên, các nội dung này mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ sản xuất các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường, chưa có công cụ điều chỉnh đủ mạnh để điều chỉnh hành vi tiêu dùng các sản phẩm chưa “xanh”, chưa thân thiện với môi trường; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển xanh ở Việt Nam hiện nay còn thiếu và gần như chưa rõ ràng. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ. Thứ sáu, đại dịch Covid-19 không chỉ gây khủng hoảng sức khỏe, y tế mà lĩnh vực kinh tế, trong đó có hoạt động khởi nghiệp xanh cũng chịu nhiều thách thức và thiệt hại. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có báo cáo chính thức về việc dịch Covid-19 tác động đến các startup như thế nào, tuy nhiên, có thể thấy ảnh hưởng này là rất lớn. Mặc dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng startup thực sự khó có tiếp cận gói tín dụng này. Những thách thức về hậu cần, thiếu hụt tài chính, giảm hoạt động kinh doanh, gián đoạn chuỗi cung ứng và các sự kiện bị hủy... là những tác động tiềm tàng của Covid-19 lên hoạt động khởi nghiệp xanh, khiến nhiều doanh nghiệp trải qua thời gian ngưng trệ có thể kéo dài trong khi một số hoạt động khởi nghiệp khác phải dừng hẳn. 320
  11. 3.3. Một số giải pháp đẩy mạnh khởi nghiệp xanh tại Việt Nam Khởi nghiệp xanh được coi là vấn đề cốt yếu của tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với bất kỳ lĩnh vực nào, để phát triển bền vững đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, nhất là lĩnh vực mới như khởi nghiệp xanh. Do vậy, để khởi nghiệp xanh không dừng lại chỉ là một phong trào ngắn ngủi và thúc đẩy hơn nữa khởi nghiệp xanh góp phần phát triển kinh tế xanh và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, cần có sự chung tay của toàn xã hội và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của khởi nghiệp xanh đối với phát triển bền vững để tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, về chủ trương thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Cần xem xét đưa các nội dung về môi trường, bảo vệ môi trường và khởi nghiệp xanh một cách hiệu quả vào trường học, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học có đào tạo khối ngành kinh tế; có kế hoạch định hướng phát triển hành vi tiêu dùng xanh cho các em học sinh sinh viên trong suốt quá trình học tập, sinh hoạt ở nhà trường. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa đến gia đình và người thân để dần hình thành xu hướng tiêu dùng xanh trong toàn xã hội. Qua đó, thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động của toàn xã hội theo hướng tiêu dùng xanh, đặc biệt là hình thành ý thức thái độ đúng đắn cho đội ngũ doanh nhân và nhà khởi nghiệp về khởi nghiệp xanh cũng như thay đổi hành vi của người dân theo hướng tiêu dùng xanh. Quan trọng là để tư duy khởi nghiệp xanh gắn với kinh tế xanh thực sự đi sâu vào tiềm thức, và là yếu tố cần của bất kỳ ý tưởng khởi nghiệp nào. Thứ hai, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách đồng bộ và nhất quán về kinh doanh xanh tiêu dùng xanh đồng bộ, nhất quán như: đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh. Cần phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh, đồng thời, hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm này. Song song với đó, cần có những chính sách tác động trực tiếp và thể hiện rõ các hành động có sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh, nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng. Thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới xanh và cá nhân khởi nghiệp xanh. Đồng thời, khích lệ doanh nghiệp vươn lên làm chủ khoa học công nghệ và tham gia, đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp nhằm góp phần hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho cả đất nước và doanh nghiệp. Trong đó, vai trò chủ động của doanh nghiệp đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng định hướng phát triển xanh của doanh nghiệp và chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng. 321
  12. Thứ tư, tiếp tục huy động các nguồn lực để hình thành các quỹ hỗ trợ dự án khởi nghiệp xanh và thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam như: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC.... Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm giảm nhanh giá thành sản phẩm, thu hẹp khoảng cách giữa sản phẩm xanh và sản phẩm thông thường để tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thu nhập thấp tiếp cận và sử dụng được các sản phẩm xanh. 4. KẾT LUẬN Ngày nay, phát triển bền vững là mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Để phát triển bền vững, có nhiều phương thức đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đã được thực hiện, trong đó có khởi nghiệp xanh. Khởi nghiệp xanh là một xu hướng tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Mặc dù khởi nghiệp xanh đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống, bên cạnh những cơ hội cho khởi nghiệp xanh phát triển, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, để thúc đẩy khởi nghiệp xanh trong cộng đồng khởi nghiệp và khởi nghiệp xanh không dừng lại chỉ là một phong trào ngắn ngủi thì cần có sự chung tay của toàn xã hội. Trên cơ sở đánh giá xu hướng kinh doanh xanh và tiêu dùng xanh tại Việt Nam, bài viết đã phân tích cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp xanh, từ đó đề xuất bốn nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể: (1) tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của khởi nghiệp xanh đối với phát triển bền vững; (2) xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về kinh doanh xanh tiêu dùng xanh đồng bộ, nhất quán; (3) tăng cường đầu tư phát triển khoa học công nghệ; (4) tiếp tục huy động các nguồn lực để hình thành các quỹ hỗ trợ dự án khởi nghiệp xanh và thực hiện chính sách tín dụng xanh. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hà Anh (2020), Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huy động vốn theo các hình thức nào?, Tạp chí Tài chính, truy cập ngày 24/04/2020, từ http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao- doi/doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-huy-dong-von-theo-cac-hinh-thuc-nao- 322078.html. 2. Ban chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ban hành ngày 03/06/2017. 3. Chan, R.Y.K. (2001), Determinants of Chinese consumers' green purchase behavior, Psychology and Marketing, 18(4), pp.389-413. 4. Chính phủ (2015), Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, ban hành ngày 24/04/2015. 5. Chính phủ (2015), Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 14/02/2015. 322
  13. 6. Chính phủ (2018), Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 08/03/2018. 7. Chính phủ (2018), Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, ban hành ngày 11/03/2018. 8. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 11/03/2018. 9. Cole, A. H. (1968), The entreprenuer introductory remarks, The American Economic Review, 58(2), pp.60-63. 10. Quốc hội (1993), Luật Bảo vệ môi trường số 29-L/CTN, ban hành ngày 27/12/1993. 11. Quốc hội (2005), Luật Bảo vệ môi trường số52/2005/QH11, ban hành ngày 29/11/2005. 12. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường số55/2014/QH13, ban hành ngày 23/06/2014. 13. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, ban hành ngày 26/11/2014. 14. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, ban hành ngày 12/06/2017. 15. Lee, K. (2010), The green purchase behavior of Hong Kong young consumers: the role of peer influence, local environmental involvement, and concrete environmental knowledge, Journal of International Consumer Marketing, 23(1), pp.21-44. 16. Bích Ngọc (2020), Hình thành xu hướng “Tiêu dùng xanh” để phát triển bền vững, Con số và sự kiện, truy cập ngày 13/04/2020, từ http://consosukien.vn/hinh-thanh-xu-huong-tieu-dung- xanh-de-phat-trien-ben-vung.htm 17. Nimse, P., Vijayan, A., Kumar, A. and Varadarajan, C. (2007), A review of green product database, Enviromental Progress, 26(2), pp.131-137. 18. Hồng Quyên (2019), Khởi nghiệp “Xanh” = Khởi nghiệp + Xanh, truy cập ngày 26/06/2019, từ https://khoinghiep.org.vn/khoi-nghiep-xanh-khoi-nghiep-xanh-16325.html. 19. Shamdasani, P., Chon-Lin, G., Richmond, D. (1993), Exploring green consumers in an oriental culture: Role of personal and marketing mix, Advances in Consumer Research, 20(1), pp.488-493. 20. Sobel, R. S.and King, K. A. (2008), Does school choice increase the rate of youth entrepreneurship?, Economics of Education Review, 27(4), pp.429-438. 21. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ban hành ngày 25/09/2012. 22. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1216/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ban hành ngày 05/09/2012. 23. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, ban hành ngày 19/12/2014. 24. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, ban hành ngày 18/05/2016. 25. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 491/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, ban hành ngày 07/05/2018. 323
  14. 26. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 582/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, ban hành ngày 11/04/2013. 27. Thủ tướng Chính phủ (2019), Văn bản số 161/LDCP kêu gọi chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, ban hành ngày 25/04/2019. 28. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo điều tra lao động việc làm quý 4 năm 2019, Hà Nội. 29. Hồ Thanh Thủy (2018), Xu hướng tiêu dùng xanh: Vượt thách thức, đón cơ hội, Đầu tư chứng khoán, truy cập ngày 19/01/2018, từ https://tinnhanhchungkhoan.vn/xu-huong-tieu-dung-xanh- vuot-thach-thuc-don-co-hoi-post178000.html 30. Minh Vũ (2019), Tiêu dùng xanh: Giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đ ng, hướng đến phát triển bền vững, truy cập ngày 07/10/2019, từ https://scp.gov.vn/tin- tuc/t11210/tieu-dung-xanh-giai-phap-hieu-qua-bao-ve-moi-truong-va-suc-khoe-cong-dong- huong-den-phat-trien-ben-vung.html 31. Eva Majurin (2017), Green business booklet, ILO Decent Work Team for South Asia, ILO SME Unit, ILO Green Jobs Programme and ILO Environment and Decent Work Asia-Pacific. 32. VCCI and USAID (2017), Việt Nam - Đất lành cho khởi nghiệp: Tại sao không? 33. Ngô Doãn Vịnh và Lê Thị Thanh Thủy (2020), Nâng cao năng suất lao động của Việt Nam: Nhận diện những vấn đề gốc rễ để hành động đúng, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hùng Vương, tập 18, số 1, tr.3-11. 34. World Bank Group (2020), Việt Nam năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao, Báo cáo tổng quan tháng 5/2020. 324
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2