Lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu kế toán quản trị
lượt xem 1
download
Bài viết Lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu kế toán quản trị trình bày: Nội dung lý thuyết ngẫu nhiên, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, bàn luận và định hướng nghiên cứu trong tương lai.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu kế toán quản trị
- Lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu kế toán quản trị Contingency theory in management accounting research Hoàng Thị Bích Ngọc* *Đại học Thương mại Tóm tắt Lý thuyết ngẫu nhiên được phát triển từ những năm 1960s, là một cách tiếp cận để nghiên cứu về hành vi tổ chức, đề cao vai trò và tầm ảnh hưởng của các yếu tố tình huống tới hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Lý thuyết ngẫu nhiên bắt đầu được áp dụng trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực kế toán quản trị (KTQT) vào những năm 1970 (Hutaibat, 2005). Theo (Ottley, 1980; Fisher, 1995; Cadez và Guilding, 2008), lý thuyết ngẫu nhiên được coi là mô hình thống trị trong nghiên cứu KTQT. Bằng công cụ tìm kiếm Google Scholar, google với các từ khóa tìm kiếm phù hợp, tác giả đã tìm kiếm và tổng quan các công trình nghiên cứu KTQT sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nghiên cứu KTQT dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên tập trung vào 03 nội dung: (1) Nghiên cứu về ảnh hưởng của các nhân tố ngẫu nhiên đến việc thiết kế hệ thống KTQT trong DN; (2) Nghiên cứu sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên để kiểm chứng mối quan hệ giữa hệ thống thông tin (HTTT) KTQT, hay việc sử dụng các công cụ KTQT với việc đo lường thành quả DN; (3) Lý thuyết ngẫu nhiên được sử dụng để nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc thiết lập và sự hiệu quả của hệ thống kiểm soát, trong đó HTTT kế toán nói chung và KTQT nói riêng là một phần của hệ thống. Từ phân tích kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra các bình luận và định hướng nghiên cứu trong tương lai. Từ khóa: lý thuyết ngẫu nhiên, kế toán quản trị, nghiên cứu. Abstract Contingency theory, developed in the 1960s, is an approach to study organizational behavior that emphasizes the role and influence of situational factors on the performance of businesses. Contingency theory began to be applied in research in the field of management accounting in the 1970s (Hutaibat, 2005). According to Ottley (1980), Fisher (1995), Cadez and Guilding (2008), contingency theory is considered to be the dominant theory in management accounting research. Using the search engine Google scholar, Google with suitable search keywords, the author searched and reviewed management accounting studies using contingency theory. The research results show that management accounting studies based on contingency theory focus on 3 contents: (1) Research on the influence of contingency factors on the design of management accounting systems in enterprises, (2) Research using contingency theory to test the relationship between management accounting information system or the use of management accounting tools with measuring enterprise performance; (3) Contingency theory is used to study issues related to the establishment and effectiveness of control systems in which accounting information systems in general and
- management accounting in particular are part of the system. From the analysis of research results, the author makes comments and future research directions. Keywords: contingency theory, management accounting, research. JEL Classification: M30, M40, M49. DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.0320233 1. Giới thiệu Lý thuyết ngẫu nhiên (Contigency theory) còn được gọi dưới một số cái tên khác như “Lý thuyết dự phòng” hay “Lý thuyết bất định”. Lý thuyết ngẫu nhiên là một cách tiếp cận để nghiên cứu về hành vi tổ chức, đề cao vai trò và tầm ảnh hưởng của các yếu tố tình huống tới hoạt động của các DN. Lý thuyết ngẫu nhiên cũng được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu KTQT, bắt đầu từ những năm 1970 và từng được một số nhà nghiên cứu như Ottley (1980), Fisher (1995); Cadez và Guilding (2008) coi là lý thuyết thống trị trong nghiên cứu về KTQT. Tại Việt Nam, trong các nghiên cứu về KTQT lý thuyết ngẫu nhiên cũng được sử dụng làm lý thuyết nền tảng cho nhiều nghiên cứu như: Đoàn Ngọc Phi Anh (2012); Đỗ Thị Hương Thanh (2019); Lê Thị Mỹ Nương (2020); Phạm Đức Hiếu và Chu Thị Huyến (2021); Nguyễn Quỳnh Trang (2022); Nguyễn Thị Thúy (2022),… Bài viết tổng hợp các hướng nghiên cứu về KTQT sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên làm nền tảng và đưa ra một số khuyến nghị cho các nghiên cứu tương lai. Ngoài phần giới thiệu, bài viết gồm các phần sau: nội dung lý thuyết ngẫu nhiên, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, bàn luận và định hướng nghiên cứu trong tương lai. 2. Nội dung lý thuyết ngẫu nhiên Các nhà nghiên cứu lý thuyết tổ chức truyền thống tin rằng, có thể xác định được cấu trúc tối ưu cho tất cả các tổ chức (Taylor, 1911; Weber, 1946, Fayol, 1949). Tuy nhiên, trong thực tế, cấu trúc tổ chức có sự thay đổi đáng kể. Các nhà lý thuyết đương đại cho rằng, không có duy nhất một cơ cấu tổ chức tốt nhất cho các tổ chức. Hiệu quả hoạt động của một tổ chức phụ thuộc vào sự phù hợp về cơ cấu tổ chức của nó với các yếu tố ngữ cảnh như môi trường, chiến lược, công nghệ, quy mô, văn hóa (Chenhall 2007). Lý thuyết phù hợp giữa cơ cấu tổ chức và các yếu tố ngữ cảnh được gọi là lý thuyết ngẫu nhiên. Lý thuyết ngẫu nhiên được phát triển từ những năm 1960s, là một cách tiếp cận để nghiên cứu về hành vi tổ chức, đề cao vai trò và tầm ảnh hưởng của các yếu tố tình huống tới hoạt động của các DN. Lý thuyết giải thích các mối quan hệ giữa các yếu tố tác động và kết quả trên cơ sở phân tích hành vi của DN, đồng thời lý giải những yếu tố tình huống (ngữ cảnh) cụ thể như môi trường, công nghệ, quy mô… có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ trên. Theo (Lawrence và Lorsch, 1967) 4 nội dung cơ bản của lý thuyết gồm: (1) không có phương pháp nào tốt nhất có thể xử lý mọi tình huống của DN; (2) các quy trình và cơ cấu của
- một DN phải phù hợp với môi trường của nó; (3) để hoạt động hiệu quả, DN cần đảm bảo sự phù hợp giữa các mối quan hệ bên trong và bên ngoài; và (4) DN sẽ hoạt động hiệu quả hơn, khi có cấu trúc quản lý phù hợp với các nhiệm vụ và bản chất của từng nhóm công việc và đặc điểm môi trường cụ thể. Các yếu tố ngẫu nhiên quan trọng được đề cập trong lý thuyết, gồm: Quy mô: quy mô liên quan đến số lượng lao động trong DN, mức doanh thu hoặc vốn hóa thị trường của DN. Quy mô càng tăng thì sự phân cấp trong DN cũng gia tăng, nhưng mức độ chậm hơn. Sự phân cấp cũng hàm ý mức độ phức tạp trong cơ cấu tổ chức DN. Quy mô tác động đến tổ chức DN. Chiến lược: chiến lược sản xuất và cung ứng dịch vụ của DN, đòi hỏi thiết lập hệ thống tổ chức phù hợp để thực hiện chiến lược. Đối với các DN đa quốc gia chiến lược mở rộng kinh doanh sang các quốc gia khác nhau, đòi hỏi thiết lập cơ cấu tổ chức phù hợp để duy trì quyền quyết định của nhà sáng lập và phù hợp với chiến lược kinh doanh mở rộng, cơ cấu tổ chức vì thế bị quyết định bởi chiến lược của DN. Môi trường: môi trường của DN tập hợp các yếu tố tồn tại xung quanh và có khả năng tác động một phần hoặc toàn bộ DN. Đối với DN môi trường bên trong là các yếu tố nội tại của DN như văn hóa, công nghệ, trình độ quản lý, năng lực sản xuất và môi trường bên ngoài DN gồm hệ thống chính sách, pháp luật, các đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp… Môi trường bên trong và bên ngoài DN có quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau trong quá trình vận hành DN. DN chỉ có thể hoạt động hiệu quả, khi nắm bắt và kiểm soát được toàn bộ các tác động từ môi trường. Vì thế, DN cần xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp , cho phép quản lý hiệu quả hơn những bất ổn từ môi trường hay cơ cấu tổ chức được điều chỉnh phù hợp với môi trường. Lý thuyết ngẫu nhiên được áp dụng rộng rãi trong quản lý tổ chức. Hiệu quả trong quá trình hoạt động của tổ chức, sẽ phụ thuộc vào bối cảnh của tổ chức đó (Waterhouse và Tiessen, 1978). Hay nói cách khác, hiệu quả hoạt động của tổ chức phụ thuộc vào mức độ mà tổ chức thích ứng với các tình huống bất ngờ thường xảy ra. Vì thế, để hoạt động hiệu quả DN cần thiết lập cơ cấu tổ chức phù hợp, cơ cấu tổ chức phù hợp được thiết lập dựa trên các yếu tố tình huống gồm quy mô, chiến lược và môi trường. 3. Phương pháp nghiên cứu Tác giả sử dụng công cụ Google Scholar, để tìm kiếm với cụm từ khóa “Contingency theory”, “ Management accounting” để tìm kiếm các công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh. Trên cơ sở kết quả tìm kiếm, tác giả lựa chọn các bài viết được đăng trên các tạp chí có uy tín, có số trích dẫn lớn của các nhà xuất bản như Elsevier, Springer, Emerald,… để đọc và tổng quan. Sau đó, từ tài liệu tham khảo của các bài viết, tác giả tra cứu lại trên Google Scholar, nếu kết quả cho số trích dẫn lớn thì lại tiếp tục quy trình như trên. Đối với các công trình nghiên cứu tiếng Việt, tác giả tìm kiếm trên luanvan.moet. gov.vn- trang công bố luận văn tốt nghiệp và luận án tiến sĩ của các cơ sở đào tạo với từ khóa “kế toán” đề tìm các luận văn, luận án chuyên ngành đào tạo kế toán, từ kết quả tìm kiếm tác giả lựa chọn đọc các luận án nghiên cứu về KTQT để xác định các công trình có sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên.
- Bên cạnh đó, tác giả sử dụng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “Lý thuyết ngẫu nhiên trong KTQT” để tìm các bài viết sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu KTQT. Sau khi lựa chọn các công trình nghiên cứu KTQT có sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên, tác giả đọc tóm tắt rồi đọc chi tiết các bài nghiên cứu để tổng quan. Từ đó, xác định các vấn đề KTQT đã được nghiên cứu trên cơ sở lý thuyết ngẫu nhiên và hướng nghiên cứu tiếp theo của lý thuyết này. 4. Kết quả nghiên cứu Lý thuyết ngẫu nhiên bắt đầu được áp dụng trong các nghiên cứu thuộc lĩnh vực KTQT vào những năm 1970s (Hutaibat, 2005). Theo (Ottley, 1980; Fisher, 1995; Cadez và Guilding, 2008) lý thuyết ngẫu nhiên được coi là mô hình thống trị trong nghiên cứu KTQT. Lý thuyết ngẫu nhiên cung cấp cho các học giả một khuôn khổ lý thuyết, cho việc thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm trong lĩnh vực KTQT. KTQT được coi là thành phần của cơ cấu tổ chức, vì thế theo thuyết ngẫu nhiên “không có một hệ thống kế toán thống nhất nào có thể áp dụng cho tất cả các DN trong mọi ngữ cảnh” (Otley, 1980). Nói một cách khác, một hệ thống KTQT thích hợp với DN phụ thuộc vào đặc điểm của DN, cũng như môi trường hoạt động của DN (Otley, 1980; Gordon, 2000) và một tổ chức có hệ thống kế toán được thiết kế phù hợp, đảm bảo cho sự hoạt động hiệu quả. Các nghiên cứu KTQT dựa trên lý thuyết ngẫu nhiên tập trung vào 03 nội dung, như sau: Thứ nhất, nghiên cứu về ảnh hưởng của các nhân tố ngẫu nhiên đến việc thiết kế hệ thống KTQT trong DN Nghiên cứu của Otley (1980) cho biết, các yếu tố ngẫu nhiên có ảnh hưởng quan trọng đến việc thiết kế hệ thống KTQT. Haldma và Lääts (2002) cũng chỉ ra, tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của bối cảnh tổ chức khi cho biết việc thiết kế một hệ thống kế toán hiệu quả, phụ thuộc vào khả năng thích ứng với những thay đổi về hoàn cảnh bên ngoài và các yếu tố bên trong của tổ chức. Theo Hutaibat (2005) các nghiên cứu sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên trong lĩnh vực kế toán chỉ ra rằng, nhóm các nhân tố như: môi trường, quy mô, công nghệ và chiến lược tổ chức có ảnh hưởng đến việc lựa chọn HTTT kế toán. Theo thời gian, các nhân tố ngẫu nhiên dần được đưa vào trong nghiên cứu kế toán. Trong suốt những năm 1970s, các nghiên cứu của Otley (1980); Gordon và Miller (1976), Waterhouse và Tiessen (1978) đều tập trung vào các biến ngẫu nhiên trong nghiên cứu thiết kế HTTT kế toán nói chung và thông tin KTQT nói riêng, gồm công nghệ, môi trường, quy mô, tổ chức. Theo Gordon và Miller (1976) các nhân tố ngẫu nhiên ảnh hưởng đến việc tổ chức hệ thống kế toán của một tổ chức thành 02 nhóm, là nhóm các thuộc tính tổ chức và nhóm nhân tố thuộc môi trường kinh doanh. Theo đó, các biến ngẫu nhiên vừa ảnh hưởng trực tiếp, vừa có ảnh hưởng gián tiếp đến HTTT kế toán của một tổ chức, thông qua ảnh hưởng của môi trường kinh doanh đến các thuộc tính của tổ chức. Trong hai thập niên cuối của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu KTQT bổ sung thêm các biến ngẫu nhiên như: văn hóa (Harrison và McKinnon 1999); chiến lược Shank (1989); (Langfield- Smith 2006); công nghệ
- (Chenhall 2007). Công nghệ không chỉ làm thay đổi quá trình sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, điều hành, quản lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin kế toán trợ giúp cho nhà quản trị. Yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 ngày càng được đưa vào nhiều hơn trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của các nhân tố đến việc thiết lập HTTT kế toán nói chung và KTQT nói riêng. Thứ hai, nghiên cứu sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên để kiểm chứng mối quan hệ giữa HTTT KTQT hay việc sử dụng các công cụ KTQT với việc đo lường thành quả DN Lý thuyết ngẫu nhiên cho rằng, hiệu quả hoạt động của tổ chức phụ thuộc vào mức độ mà tổ chức thích ứng với các tình huống bất ngờ thường xảy ra. Vì thế, để hoạt động hiệu quả DN cần thiết lập cơ cấu tổ chức phù hợp. Trong lĩnh vực kế toán, đo lường thành quả hoạt động DN là một chủ đề được nhiều học giả quan tâm. Sự không chắc chắn về môi trường được coi là một biến, giải thích chính về việc liệu dữ liệu kế toán có phù hợp trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh hay không (Fisher, 1995; Chenhall, 2003). Những nhân tố ngẫu nhiên, bao gồm: môi trường hoạt động (Merchant, 1990; Chapman, 1997; Hartmann, 2000); cấu trúc của DN (Chenhall và Morris, 1986; Chia, 1995); công nghệ (Ittner và Larcker, 1995; Sim và Killough, 1998; Mia, 2000); quy mô DN (Merchant, 1981); chiến lược (Merchant, 1990; Chenhall và Morris, 1995); và văn hoá (Vance và cộng sự , 1992; Harrison, 1993, O’Conner, 1995). Thuyết ngẫu nhiên được áp dụng cho cấp độ tổ chức và bộ phận trong tổ chức. Hofstede (1967) nhận thấy rằng, các cân nhắc về kinh tế, công nghệ và xã hội học có tác động đáng kể đến hoạt động của các hệ thống lập ngân sách. Hayes thẩm định sự thích hợp của KTQT để đo lường hiệu quả của những bộ phận khác nhau trong một tổ chức lớn và thấy rằng, các yếu tố ngẫu nhiên là những công cụ dự báo chủ yếu cho hiệu quả của các bộ phận sản xuất. Hayes cũng ủng hộ việc dùng thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu sự đánh giá tổ chức và định giá DN. Nghiên cứu của Hayes cho rằng, 03 sự ngẫu nhiên chủ yếu tác động đến hoạt động của DN là nhân tố bên trong, yếu tố phụ thuộc lẫn nhau và yếu tố môi trường. Thứ ba, lý thuyết ngẫu nhiên được sử dụng để nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc thiết lập và sự hiệu quả của hệ thống kiểm soát Trong đó, HTTT kế toán nói chung và KTQT nói riêng là một phần của hệ thống. Điều này, đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng (Harrison, 1992, 1993; O'Connor, 1995; Taylor, 1996; Chenhall, 2006). Sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên làm cơ sở kiểm soát dựa trên tiền đề, rằng sự phù hợp giữa yếu tố ngẫu nhiên và hệ thống kiểm soát của tổ chức sẽ dẫn đến kết quả mong muốn (nghĩa là hiệu suất cao hơn). Flamholtz và cộng sự (1985) nghiên cứu lý thuyết ngẫu nhiên trong mối quan hệ với các vấn đề kiểm soát. Theo đó, vấn đề kiểm soát được nghiên cứu theo 03 góc độ chính: xã hội học, hành chính và tâm lý học. Những ảnh hưởng của văn hóa đối với hệ thống kiểm soát quản lý đã được nghiên cứu (Hofstede, 1983;
- Brownell, 1982; Brownell và Hirst, 1986). Các nghiên cứu như Govindarajan và Gupta (1985), điều tra mối quan hệ giữa chiến lược của các công ty và thiết kế hệ thống kiểm soát. 5. Bàn luận và định hướng nghiên cứu trong tương lai Bên cạnh lý thuyết ngẫu nhiên có nhiều lý thuyết khác tác động đến tổ chức và quản lý DN như lý thuyết hợp pháp, lý thuyết thể chế,… Vì thế, khi xem xét các nhân tố tác động đến tổ chức DN cần sự kết hợp của nhiều lý thuyết thì mới có sự giải thích toàn diện. KTQT là một bộ phận trong tổ chức DN, 01 cấu phần trong hệ thống kiểm soát quản trị, vì thế cũng sẽ tuân thủ theo sự tác động của các yếu tố ngẫu nhiên đến việc thiết kế và hiệu quả hoạt động. Vì vậy, lý thuyết ngẫu nhiên vẫn sẽ được sử dụng phổ biến trong kế toán hành vi khi kết hợp cùng các lý thuyết khác, nhằm giải thích cho sự thiết lập HTTT KTQT, hệ thống kiểm soát và hiệu quả hoạt động của DN. Có nhiều nhân tố ngẫu nhiên được đưa vào nghiên cứu tác động đến thiết kế và hiệu quả HTTT KTQT. Tuy nhiên, các nhân tố này được đưa vào từng nghiên cứu theo một sự lựa chọn đặc biệt. Vì thế, rất khó có sự so sánh về tác động của các nhân tố trong các nghiên cứu của các tác giả khác nhau, điều đó cũng gây khó khăn cho việc dựa vào các nghiên cứu tiền nhiệm để đưa ra các kết luận có tính bao quát.Trong các nhân tố ngẫu nhiên yếu tố sự không chắc chắn của môi trường và công nghệ ngày càng tăng nên, mặc dù đây là các nhân tố đã được khám phá từ những nghiên cứu ban đầu nhưng vẫn sẽ tiếp tục được đưa vào trong các nghiên cứu gần đây và tiếp theo. Theo đó, sự ảnh hưởng của công nghệ 4.0 sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu ban đầu sử dụng mô hình nghiên cứu đơn giản, thông thường có 1-2 nhân tố ngẫu nhiên tác động đến thiết kế hệ thống KTQT, sau đó tác động đến thành quả hoạt động của DN. Theo thời gian, các nhân tố được đưa vào nhiều hơn và mô hình trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, các thang đo được sử dụng chủ yếu vẫn dựa trên cơ sở trả lời từ các câu hỏi về cảm nhận/nhận thức. Đối với thành quả hoạt động của DN thì yếu tố phi tài chính ngày càng được đưa vào nhiều hơn trong đánh giá. Đối với các nghiên cứu tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào kiểm chứng mức độ áp dụng các kỹ thuật KTQT và hiệu quả hoạt động của DN, tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; ảnh hưởng của chiến lược đến việc áp dụng KTQT chiến lược và từ đó, tác động đến thành quả DN đang thu hút được sự chú ý của nhiều học giả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, sự không chắc chắn về môi trường tăng lên, các DN trong nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam ngày càng quan tâm đến chiến lược hoạt động cũng như thiết kế hệ thống kiểm soát quản trị, để thực hiện mục tiêu chiến lược. Vì thế, trong thời gian tới, chủ đề sử dụng lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu KTQT chiến lược và hệ thống kiểm soát quản lý, sẽ tiếp nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Tài liệu tham khảo
- Chapman, C.S. (1997). Reflections on a Contingent View of Accounting. Accounting, Organizations and Society, 22(2), 189-205. Chenhall, R. (2007). Theorizing Contingencies in Management Control Systems Research in Chapman, C.S., Hopwood, A.G. & Shields, M.D., Handbook of Management Accounting Research, Elsevier, 163-205. Coates, J.B., Davies, E.W., Emmanuel, C.R., Longden, S.G & Stacey, R.J. (1992). Multinational companies performance measurement systems: international The contingency theory of management accountingperspectives. Management Accounting Research, 3(2), 133-150. Đoàn Ngọc Phi Anh. (2012). Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT chiến lược trong các DN Việt Nam. Tạp chí Kinh tế phát triển, số 264 (2012) trang 9-12. Đỗ Thị Hương Thanh. (2019). Nghiên cứu sử dụng các phương pháp KTQT trong các DN sản xuất ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc Dân. Ferreira, A. & Otley, D. (2009). The design and use of performance management systems: an extended framework for analysis. Management Accounting Research, 20,4, 263-282. Fisher, J. G. (1995). Contingency-Based Research on Management Control Systems: Categorization by Level of Complexity. Journal of Accounting Literature,14, 24-53. Gong, M. & Ferreira, A. (2014). Does consistency in management control system choices influence firm performance? An empirical analysis. Accounting and Business Research, 44(5), 497-522. Langfield-Smith, K. (1997). Management Control Systems and Strategy. Accounting, Organizations and Society, 22(2), 207-232 Lê Thị Mỹ Nương. (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQT chiến lược và sự tác động đến thành quả hoạt động của các DN sản xuất Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Quỳnh Trang. (2022). KTQT với việc ra quyết định ngắn hạn tại các DN sản xuất cơ khí Việt nam. Luận án Tiến sĩ, Đại học Thương mại. Nguyễn Thị Thúy.(2022). KTQT với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các DN lữ hành Việt nam. Luận án Tiến sĩ, Đại học Thương mại. Otley, D. (1994). Management Control in Contemporary Organizations: Towards a Wider Framework. Management Accounting Research, 5, 289-299. Otley, D. & Soin, K. 2014. Management Control and Uncertainty, Palgrave Macmillan, Basingstoke, UK.
- Otley, D. and Fakiolis, A. (2000). Reliance on Accounting Performance Measures: Dead End or New Beginning? Accounting, Organizations and Society, 25, 479-510 Otley, D. (2014). The contingency theory of management accounting and control: 1980 – 2014, doi.org/10.1016/j.mar.2016.02.001. Phạm Đức Hiếu và Chu Thị Huyến.(2021). Các nhân tố ảnh hưởng tới áp dụng kế toán trách nhiệm trong DN sản xuất ô tô ở Việt nam. Tạp chí Khoa học Thương mại, số 156/2021, trang 47-55 Phan Thanh Tú và cộng sự. (2018). Học thuyết DN. Hà Nội: NXB Lao động xã hội.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
NGUYỄN VĂN ĐẮC BÀI GIẢNG TOÁN 5 XÁC SUẤT & THỐNG KÊ
18 p | 175 | 23
-
Ứng dụng mô hình cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát trong phân tích tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam
4 p | 102 | 9
-
Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất: Nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
10 p | 62 | 8
-
Tổng quan lý thuyết về bất hoàn hảo tài chính và mô hình cân bằng động tổng thể ngẫu nhiên
12 p | 29 | 5
-
Tổng quan các thuyết vận dụng trong nghiên cứu kế toán quản trị và định hướng ứng dụng tại Việt Nam
10 p | 54 | 4
-
Ảnh hưởng của cấu trúc cổ đông đến việc nắm giữ tiền mặt của các công ty niêm yết: Bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam
15 p | 7 | 4
-
Ảnh hưởng văn hóa tổ chức đến cấu trúc kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam
8 p | 6 | 2
-
Nghiên cứu ảnh hưởng của hạ tầng công nghệ thông tin đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam
6 p | 8 | 2
-
Ảnh hưởng cấu trúc tổ chức và nhận thức của sự bất ổn của môi trường doanh nghiệp đến cấu trúc kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam
10 p | 4 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn