
320 | KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2024
...................................................................................................................................................................................
PHÁT TRIỂN CHATBOT AI
TRONG VIỆC HỌC TIẾNG ANH
NGUYỄN HOÀNG MAI TRÂM*
Tóm tắt: Ngày nay, chatbot AI đã trở thành công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả, giúp học
sinh thực hành ngôn ngữ linh hoạt và nhận phản hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các chatbot hiện
tại như ChatGPT chưa đáp ứng đủ nhu cầu cá nhân hóa của từng học sinh. Điều này đòi hỏi
phát triển các chatbot được thiết kế riêng, dựa trên nhu cầu và mục tiêu học tập cụ thể. Giáo
viên có thể tận dụng các nền tảng có sẵn để xây dựng chatbot nhằm cung cấp nội dung và phản
hồi theo ngữ cảnh học tập, tạo ra trải nghiệm học tập sát thực hơn với từng đối tượng người
học. Bài viết này đưa ra 5 bước thiết kế chatbot AI dành riêng cho việc học tiếng Anh, nhằm
cá nhân hóa quá trình học tập và tối ưu hóa hiệu quả giáo dục, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu
của học sinh.
Từ khóa: AI, trí tuệ nhân tạo, chatbot, học tiếng Anh, cá nhân hóa.
1. Giới thiệu
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng đóng
vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả dạy và học, đặc biệt là trong giáo dục ngôn
ngữ. Trong số các ứng dụng AI hiện nay, chatbot đã nổi lên như một công cụ mạnh mẽ, mang
lại cho học sinh cơ hội thực hành ngôn ngữ một cách linh hoạt và thuận tiện. Thay vì bị giới
hạn bởi không gian và thời gian của lớp học truyền thống, học sinh có thể sử dụng chatbot để
rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ mọi lúc, mọi nơi, đồng thời nhận được phản hồi tức thì từ hệ
thống. Quan trọng hơn, các chatbot tạo ra một môi trường học tập không căng thẳng, nơi học
sinh có thể thực hành mà không sợ mắc lỗi, từ đó nâng cao sự tự tin và khuyến khích sự tham
gia tích cực. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những lợi ích này không chỉ giúp cải thiện động
lực học tập mà còn đóng góp tích cực vào việc nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng rõ ràng, các chatbot hiện có như ChatGPT, mặc
dù có khả năng cung cấp các phản hồi liên quan đến ngôn ngữ, vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng
được nhu cầu học tập đa dạng của mỗi học sinh. Điều này bắt nguồn từ thực tế rằng mỗi học
sinh có những phong cách học tập, mức độ ngôn ngữ và những thử thách riêng biệt. Một
chatbot được xây dựng theo khuôn mẫu chung có thể khó lòng cá nhân hóa đủ để phục vụ hiệu
quả từng cá nhân với những yêu cầu học tập khác nhau. Trong bối cảnh này, việc phát triển
các chatbot có thể tùy chỉnh theo nhu cầu cụ thể của học sinh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
* ThS, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; Email: tramnhm@huflit.edu.vn