
178 | KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2024
...................................................................................................................................................................................
SỬ DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TEXT-TO-SPEECH
HỖ TRỢ THIẾT KẾ ÂM THANH TRONG PHÁT TRIỂN
TÀI LIỆU GIẢNG DẠY KỸ NĂNG NGHE TIẾNG ANH
ĐOÀN NGỌC ĐIỆP*
Tóm tắt: Trong thời đại số hóa hiện nay, sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và
đang thay đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục. Với bối cảnh nhu cầu học ngoại
ngữ ngày càng cao tại Việt Nam, song, việc thiếu hụt tài liệu nghe chất lượng cao và phù hợp
với nhu cầu của người học là một rào cản đáng kể. Do đó, bài nghiên cứu này tập trung khám
phá tính ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển văn bản thành giọng nói (TTS) để phục
vụ thiết kế tài liệu nghe trong giảng dạy kỹ năng nghe tiếng Anh. Đồng thời, bài viết này cũng
đưa ra các phương pháp và quy trình thực hiện với một vài công cụ TTS tiêu biểu. Qua việc
sử dụng công cụ TTS, người dạy có thể tự do tạo ra các tài liệu nghe đa dạng, phong phú và
dễ tiếp cận, cải thiện đáng kể chất lượng học liệu và tiết kiệm thời gian trong việc thiết kế giáo
trình.
Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo (AI), Text-to-Speech, ứng dụng, thiết kế audio, kỹ năng
nghe.
1. MỞ ĐẦU
Bước vào thời đại số hóa, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã và đang tác động
sâu sắc đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Vài năm trở lại đây, xu hướng phát triển nổi bật
nhất không thể không nhắc đến Trí tuệ nhân tạo (AI). Khởi nguồn từ màn “chào sân” của Chat
GPT vào cuối năm 2022, các công cụ Trí tuệ Nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến, thúc đẩy
cạnh tranh và sự phát triển không ngừng giữa các công ty công nghệ. Theo Makridakis (2017),
công nghệ AI đã có những tác động lớn thay đổi các ngành công nghiệp, cải thiện hiệu quả và
mở ra những con đường mới cho sự đổi mới. Việc ứng dụng AI vào lĩnh vực giáo dục gần đây
đã trở thành chủ đề thảo luận nhận được nhiều sự quan tâm từ các bài báo và nghiên cứu tại
nhiều quốc gia (S. B. Vinay, 2023). Sự tích hợp của công nghệ AI đã và đang đóng vai trò quan
trọng trong việc cải tiến các phương pháp giáo dục, mang lại những trải nghiệm nâng cao mới
cho cả người học và người dạy (Holmes et al., 2019). Cụ thể, PGS. TS. Hoàng Minh Sơn từng
chia sẻ quan điểm trong buổi Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối
với giáo dục” về sự tác động của AI tới mọi mặt trong ngành Giáo dục, ông cho rằng những
công cụ này sẽ dẫn đến nhiều sự thay đổi; từ chương trình giáo dục cho đến phương pháp tiếp
cận học liệu.
* TS, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; Email: diepdn@huflit.edu.vn