
1
SINH LÝ BỆNH THẬN
(2 tiết)
MỤC TIÊU HỌC TẬP
1. Trình bày được nguyên nhân, cơ chế gây thay đổi số lượng, thành phần nước tiểu và
thay đổi ở máu trong bệnh lý thận.
2. Trình bày được nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên
cầu, hội chứng thận hư, suy thận.
3. Phân tích được cơ chế một số rối loạn trong suy thận mạn.
NỘI DUNG
I. Những thay đổi ở nước tiểu và máu
1.1. Những thay đổi ở nước tiểu
Trong bệnh lý, nước tiểu có thể thay đổi về lượng hoặc về thành phần. Những
nguyên nhân này có thể do nguyên nhân tại thận hay ngoài thận.
1.1.1. Thay đổi số lượng nước tiểu
Số lượng nước tiểu 24h của người bình thường rất thay đổi, dao động từ 0,5-2 lít
trung bình khoảng 1-1,5 lít, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sự đào thải nước qua mồ hôi
và hơi thở, điều kiện và cường độ lao động, chế độ ăn uống và khả năng cô đặc nước
tiểu của ống thận.
- Đa niệu là tình trạng lượng nước tiểu trên 2 lít/24h trong khi lượng nước đưa
vào cơ thể vẫn bình thường. Cơ chế chung là do tăng áp lực lọc ở cầu thận hoặc giảm
khả năng tái hấp thu (cô đặc) ở ống thận hoặc cả hai.
+ Đa niệu do nguyên nhân tại thận như:
Viêm thận kẽ mạn tính: do tổ chức xơ phát triển đã đè ép ống thận và mạch máu
nuôi dưỡng nên ống thận giảm khả năng tái hấp thu.
Đái tháo nhạt do thận do tế bào ống thận kém nhạy cảm với ADH.
+ Đa niệu do nguyên nhân ngoài thận:
Đa niệu thẩm thấu: do sự hiện diện của các chất có áp lực thẩm thấu cao trong
lòng ống thận như: glucose, manitol… gây tăng giữ nước.
Đái tháo nhạt do thần kinh do tuyến yên kém sản xuất ADH nên giảm tái hấp thu
nước ở ống thận gây đái nhiều.