
2
mới, trong đó giảm 30% cường độ phát thải trên một đơn vị GDP so với năm
2010. Đáng chú ý, bên cạnh hợp phần giảm phát thải, INDC của Việt Nam còn
đề cập đến hợp phần thích ứng, tập trung vào các vấn đề thể chế, chính sách,
tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ cùng các biện pháp thích ứng ưu tiên
cho giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam [9]. Các cam kết này liên tục được
Việt Nam đưa ra và thực hiện thông suốt các Hội nghị từ COP 21 đến COP 26.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 tổ chức ở Glasgow (Scotland), Việt
Nam, bên cạnh nhiều quốc gia khác, đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng
"0" (Net Zero) vào năm 2050. [7].
Tuy nhiên, hiệu quả công tác BVMT hiện nay vẫn chưa đáp ứng sự kỳ
vọng của xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra phổ biến, thậm
chí quy mô ngày càng được mở rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người
dân và điều kiện sống của xã hội. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém
trên được xác định tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: “Quản lý nhà nước
về tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều mặt còn hạn chế;
pháp luật, chính sách thiếu đồng bộ; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi
phạm chưa nghiêm... Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; ô
nhiễm môi trường ở nhiều nơi còn nghiêm trọng, nhất là tại một số làng
nghề, lưu vực sông; xử lý vi phạm môi trường chưa nghiêm. Ý thức BVMT
của đa số người dân và doanh nghiệp chưa cao. Nhiều hệ sinh thái tự nhiên,
nhất là hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, thảm thực vật biển giảm cả về diện
tích, số lượng và chất lượng. Công tác bảo vệ rừng còn bất cập, tình trạng
chặt phá và cháy rừng còn xảy ra. Nhiều loài sinh vật, nguồn gen quý đứng
trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Việc khắc phục hậu quả về ô nhiễm môi
trường do chiến tranh để lại còn nhiều khó khăn... Sử dụng năng lượng tái
tạo (điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời,...) còn rất ít” [4]. Trong các
nguyên nhân trên, có thể thấy chính việc hoạch định và thực hiện chính sách
về BVMT ở Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế. Sự kém hiệu quả từ tác
động của chính sách không chỉ khiến cho tình hình ô nhiễm môi trường
không được cải thiện mà còn làm lãng phí nhiều thời gian và tiền của từ
ngân sách nhà nước. Chính vì thế, hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu
quả thực hiện chính sách về BVMT là một trong những đòi hỏi cấp thiết của
công tác BVMT ở Việt Nam hiện nay.
Thành phố Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, là trung tâm kinh tế, chính
trị của cả nước với hơn mười triệu dân. Thành phố đóng vai trò quan trọng
trong phát triển kinh tế của đất nước và được xem là biểu tượng của quốc gia
trên trường quốc tế. Trong những năm qua, Hà Nội có tốc độ phát triển kinh
tế, xã hội vượt bậc, trở thành một trong những địa phương có quy mô kinh tế
lớn nhất trong 63 tỉnh thành và từng được UNESCO công nhận là “Thành
phố Vì hòa bình”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, xã hội