intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2023-2024 - Trường THPT Số 2 Phù Mỹ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: DOCX | Số trang:13

14
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Để hệ thống lại kiến thức cũ, trang bị thêm kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng giải đề nhanh và chính xác cũng như thêm tự tin hơn khi bước vào kì kiểm tra sắp đến, mời các bạn học sinh cùng tham khảo "Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2023-2024 - Trường THPT Số 2 Phù Mỹ" làm tài liệu để ôn tập. Chúc các bạn làm bài kiểm tra tốt!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2023-2024 - Trường THPT Số 2 Phù Mỹ

  1. TRƯỜNG THPT SỐ 2 PHÙ MỸ ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP KIỂM TRA CUỐI HKI TỔ NGỮ VĂN MÔN NGỮ VĂN (BỘ CÁNH DIỀU) LỚP 11 NĂM HỌC 2023-2024 PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đề 1: Đọc văn bản sau: “ Bây giờ thì hắn trở thành mõ thật rồi. Một thằng mõ đủ tư cách mõ, chẳng chịu kém một anh mõ chính tông một tí gì: cũng đê tiện, cũng lầy là, cũng tham ăn. […] Không! Lộ sinh ra là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi. Và chỉ mới cách đây độ ba năm, hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ. […] Những lời tiếng mỉa mai truyền từ người nọ đến người kia. Lộ thấy những bạn bè cứ lảng dần. Những người ít tuổi hơn, nói đến hắn, cũng gọi bằng thằng. Trong những cuộc hội họp, nếu hắn có vui miệng nói chõ vào một vài câu, nhiều người đã ra vẻ khinh khỉnh, không thèm bắt chuyện… Hắn nhận thấy sự thay đổi ấy, và bắt đầu hối hận. Nhưng sự đã trót rồi, biết làm sao được nữa? Hắn tặc lưỡi và nghĩ bụng: “Tháng ba này, thằng nào thằng ấy đến ba ngày không được một bát cơm, dãi nhỏ ra, hết còn làm bộ!…” Một ý phấn khích đã bắt đầu nảy mầm trong khối óc hiền lành ấy… Một hôm, trong một đám khao, Lộ vừa chực ngồi cỗ thì ba người ngồi trước đứng cả lên. Lộ ngồi trơ lại một mình. Mặt hắn đỏ bừng lên. Hắn do dự một lúc rồi cũng phải đứng lên nốt, mặt bẽn lẽn cúi gầm xuống đất. Chủ nhà hiểu ba anh kia có ý gai ngạnh không chịu ngồi chung với mõ. Ông tìm một người khác, xếp vào cho đủ cỗ, và an ủi Lộ: - Chú ăn sau cũng được. Lộ ầm ừ cho xong chuyện, rồi nhân một lúc không ai để ý, lẻn ra về. Hắn tấm tức rất lâu. Trông thấy vợ, hắn cúi mặt, không dám nhìn thị, làm như thị đã rõ cái việc nhục nhã vừa rồi. Hắn thở ngắn thở dài, lắm lúc hắn muốn bỏ phắt việc, trả lại vườn cho họ đỡ tức. Nhưng nghĩ thì cũng tiếc. Hắn lại tặc lưỡi một cái, và nghĩ bụng: “Mặc chúng nó!…” Hắn chỉ định từ giờ chẳng đi ăn cỗ đám nào nữa là ổn chuyện… Nhưng khổ một nỗi, không đi, không được. Đám nào có ăn, tất nhiên chủ nhân không chịu để hắn về. Làm cỗ cho cả họ ăn còn được, có hẹp gì một cỗ cho thằng sãi? Để nó nhịn đói mà về, nó chửi thầm cho. Mà thiên hạ người ta cũng cười vào mặt, là con người bủn xỉn… Ấy, người ta cứ suy hơn, tính thiệt như vậy, mà nhất định giữ thằng sãi lại. Không ai chịu ngồi với hắn, thì hắn sẽ ngồi một mình một cỗ trong bếp, hay một chỗ nào kín đáo cho hắn ngồi… Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chả có người chạy qua, chạy lại. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu: - Lộ à, mày? Cũng có người đế thêm: - Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hoá ra lại … bở!
  2. A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng: “Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!…” Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lẽn muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấy một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!… - Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: “Tham như mõ”. A! Họ bảo hắn là mõ vậy… Tham như mõ vậy!… Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!… Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày… Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi! Cứ vậy, hắn tiến bộ mãi trong nghề nghiệp mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện… Bây giờ thì hắn mõ hơn cả những thằng mõ chính tông. Hắn nghĩ ra đủ cách xoay người ta. Vào một nhà nào, nếu không được vừa lòng, là ra đến ngõ, hắn chửi ngay, không ngượng: - Mẹ! Xử bẩn cả với thằng mõ…” (Nam Cao, Trích Tư cách mõ, NXB Hội nhà văn 1993) Lựa chọn đáp án đúng nhất: Câu 1. Văn bản trên được kể theo ngôi kể nào? A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ ba D. Ngôi thứ nhất đan xen ngôi thứ ba Câu 2. Truyện được kể theo điểm nhìn nào? A. Theo điểm nhìn của chính anh cu Lộ B. Linh hoạt điểm nhìn (khi của người dân trong làng đạo, khi của chính anh cu Lộ) C. Theo điểm nhìn của người bạn anh cu Lộ D. Theo điểm nhìn của tác giả và chính anh cu Lộ Câu 3. Trước khi mang tư cách mõ, anh cu Lộ là người như thế nào? A. Là con một ông quan viên tử tế, hẳn hoi. B. Là một thư sinh chăm chỉ học tập. C. Là một tiểu thương khôn ngoan, chí thú. D. Là một hào lí trong làng. Câu 4. Quá trình trở thành mõ hơn cả những thằng mõ chính tông của anh cu Lộ diễn ra như thế nào?
  3. A. E ngại – thấy được cái lợi từ nghề mõ – thích nghi với nghề mõ. B. Chấp nhận nghề mõ – hiểu được cái vất vả của nghề mõ – thích nghi với nghề mõ. C. Xấu hổ muốn bỏ việc mõ - tặc lưỡi và mặc kệ - muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước – thích nghi với nghề mõ – biến đổi nhân cách D. Muốn bỏ việc mõ – thấy day dứt – cố gắng làm để giúp làng – biến đổi nhân cách Câu 5. Nam Cao thể hiện thái độ gì khi dùng đại từ “hắn”? A. Thái độ khinh ghét cực độ vì Lộ là kẻ xấu xa, đê tiện. B. Dù Nam Cao có xót thương cho sự biến đổi nhân cách của Lộ thì ông phần nào đồng tình với những người dân xóm đạo. C. Nam Cao bênh vực anh cu Lộ nhưng không thể bộc lộ thái độ một cách trực tiếp D. Dù Nam Cao có cảm thông đến mấy với Lộ, ông cũng thể hiện rất rõ ràng quan điểm: Con người này không phải là đại diện cho cái thiện, cái chính diện, cái cao cả, bởi hắn đã từ một con người bình thường trở thành kẻ tham lam, ti tiện. Câu 6. Đoạn văn: “Hà hà! Phong lưu thật!… Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi!” là lời của ai? A. Lời anh cu Lộ. B. Lời tác giả. C. Lời người kể chuyện hòa vào lời anh cu Lộ. D. Lời những người dân xóm đạo đồng cảm với anh cu Lộ. Câu 7. Anh/Chị hiểu ý nghĩa những văn: “Cứ vậy,…làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…” như thế nào? A. Làm nhục người khác chính là phương pháp kì diệu để giáo dục con người. B. Sự xúc phạm, lăng mạ của những người xung quanh quyết định sự biến đổi nhân cách con người, từ đó Nam Cao bộc lộ nỗi niềm đau đáu: hãy cứu lấy nhân phẩm con người. C. Sự xúc phạm, lăng mạ làm nảy sinh sự đê tiện trong mỗi người D. Làm nhục người khác mới có thể giúp con người thoát được sự đê tiện. Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu: Câu 8. Xác định mạch kể của truyện. Câu 9. Phân tích nguyên nhân hình thành tư cách mõ của anh cu Lộ. Câu 10. Câu nói: “Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm” gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì? Đề 2: Đọc đoạn trích: “Ðiền rất yêu giăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Ðiền đẫm văn thơ. Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái đẹp và quý lắm. Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn. Giăng, ơi giăng! Cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mơn man! Ðiền không ân hận chút nào. Hai thân Ðiền bán cả ruộng, vườn đi để cho Ðiền đi học chẳng phí đâu. Ðã đành các người chỉ có cái mục đích con làm nên ông phán, ông tham để ấm thân; các người hoàn toàn thất vọng khi thấy con leo cau đến tận buồng mà lại hỏng ăn. Ðiền tạng yếu quá, không được
  4. nhận vào công sở; và các người đã vội cho là tiền con đi học thật là tiền vất xuống sông. Nhưng Ðiền tin rằng: cái học thức của Ðiền tuy chẳng giúp Ðiền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích cho Ðiền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Ðiền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng. Và Điền rất phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ Điền. Đối với thị, giăng chỉ là… đỡ tốn hai xu dầu!” (Trích “Giăng sáng” - Nam Cao, Trang 223, Tuyển tập Nam Cao, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội, 2000) Lựa chọn đáp án đúng nhất từ câu 1 đến câu 7: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là gì? A. Tự sự B. Miêu tả C. Biểu cảm D. Nghị luận Câu 2. Văn bản trên được kể theo ngôi kể nào? A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ ba D. Cả A và B Câu 3. Phép liên kết hình thức nào được sử dụng trong những câu văn sau: “Ðiền rất yêu giăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Ðiền đẫm văn thơ. Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái đẹp và quý lắm. Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian.”? A. Phép nối B. Phép lặp C. Phép thế D. Cả B và C Câu 4. Câu văn “Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn” sử dụng biện pháp tu từ nào? A. So sánh B. Ẩn dụ C. Nói quá D. Nhân hóa Câu 5. Trong mắt Điền, vợ Điền là người như thế nào? A. Là người phụ nữ biết tiết kiệm cho gia đình B. Là người phụ nữ mơ mộng, có tâm hồn lãng mạn C. Là người phụ nữ với tâm hồn khô cằn, không hiểu được vẻ đẹp của ánh trăng D. Là người vợ thấu hiểu được suy nghĩ và những khao vọng của chồng Câu 6. Trong đoạn trích, nhân vật Điền được khắc họa chủ yếu ở phương diện nào? A. Ngoại hình B. Hành động C. Lời nói D. Nội tâm Câu 7. Nội dung chính của đoạn trích là gì? A. Nói về niềm say mê và khát vọng văn chương lãng mạn của Điền. B. Nói về ý nghĩa của ánh trăng đối với nhà thơ, nhà văn C. Nói về ý nghĩa của việc đi học với bản thân Điền và mọi người D. Nói về thân phận bất hạnh của người trí thức trước cách mạng Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 8. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép điệp trong những câu văn sau: “Giăng là cái liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn. Giăng, ơi giăng!” Câu 9. Anh/Chị có đồng ý với quan điểm sau của nhân vật Điền không? Vì sao?
  5. “Ðiền tin rằng: cái học thức của Ðiền tuy chẳng giúp Ðiền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích cho Ðiền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Ðiền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng.” Câu 10. Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy nhận xét về người trí thức trước Cách mạng tháng Tám. ĐỀ 3: Đọc văn bản sau: [Lược một đoạn: Thằng Bào mười hai tuổi là đứa ở chăn trâu cho nhà thằng Quyên mười tuổi – con nhà chủ. Hai năm trước, mẹ Bào mắc nợ nhà này hai thúng thóc, nó đòi ngặt, Bào phải đến ở đợ. Một hôm nọ, có con chim cánh vàng như nghệ, mỏ đỏ như son, ngày nào cũng sà xuống cây trứng cá trước sân nhà. Thằng Quyên đứng dưới gốc dòm lên, nó yêu con chim và đòi mẹ bắt cho được. Bà chủ bèn sai thằng Bào tìm cách bắt con chim vàng cho cậu chủ. Nhưng bắt làm sao được, nó có cánh, vừa leo lên là nó bay vụt mất. Không bắt được chim, Bào bị bà chủ đánh đập, xỉa xói vô cùng tàn nhẫn. Bào đã phản kháng nhưng rồi nó sợ và vẫn cố gắng tìm cách bắt con chim vàng cho cậu chủ… ] Quá căm tức thì chống lại, chống rồi Bào lại sợ. Bào đến thằng Quyên: – Cậu, bữa nay thế nào tôi cũng bắt được con chim vàng cho cậu! Thằng Quyên ngẩng đầu lên, mắt nó long lanh, ôm lấy Bào, nó hỏi: “Chừng nào?”. Bào đưa nhánh tre có sợi nhợ cho nó coi: – Đây, bẫy gài đây cậu. Mà cậu cho một trái chuối chín đi! Thằng Quyên nhảy tưng lên, rồi cắm cổ chạy thẳng vô buồng, bẻ luôn hai quả. Nó đưa hai quả chuối cau chín vàng khoe với Bào. Nó cười híp hai con mắt. Lần đầu tiên nó cúi đầu sát vào Bào, xem Bào buộc quả chuối vào bẫy. Suy nghĩ thế nào, nó quay ra, lắc đầu: – Chim không ăn chuối đâu! – Nó ăn chớ cậu! Phải chim hát bội, chim sâu đâu, con chim này nó ăn sâu mà ăn chuối nữa cậu. Tôi coi trâu, tôi thấy nó sà xuống vuờn chuối hoài. Bỗng mẹ thằng Quyên nện guốc bước tới, nó trố mắt nhìn hai quả chuối cau, nó hét lên: – Mày gạt con tao ăn cắp chuối hả? Bào lui luôn mấy bước, nép mình vô tường, mặt lấm lét: – Dạ thưa bà, con xin chuối chín làm mồi bắt chim cho cậu. – Chuối tao cúng thổ thần, chuối tiền chuối bạc, chuối gì chuối cho chim ăn. Mày trèo lên cây bắt sống nó cho tao. Mẹ thằng Quyên vừa chửi vừa nhìn quanh quất kiếm cây. Bào liệng cái bẫy, chạy mất… Không còn cách nào hơn nữa, Bào quấn cây lá đầy mình, trèo sẵn lên cây từ sáng sớm. Nhánh cây trứng cá mềm quằn xuống. Bào thụt vô, dựa lưng vào cành to. Thằng Quyên đứng dưới hét lên: – Mày ra ngoài nhánh chớ! Bào run quá, chân cứ thấy nhột, nhìn xuống thấy chóng mặt. Vòm trời cao vút. Một chấm đen bay tới. Rõ là con chim vàng. Nó lượn mấy vòng, vừa sà cánh đáp, bỗng nó hốt hoảng vút lên kêu choe chóe. Mẹ con nó chạy vô nhà ló đầu ra:
  6. – Mày đừng rung chớ! Mẹ thằng Quyên nhìn theo con chim mình vàng như nghệ mỏ đỏ như son không chớp mắt: – Bào! “Con” nín thở cho êm con. Ráng con! Con chim bay qua nhảy nhót trước mặt. Bào vừa thò tay, nó nhảy ra nhánh. Thằng Quyên há mồm hồi hộp: – Bắt mau, mau! – Đó, đó! Nó nhảy vô đó con, chụp, chụp! Nghe tiếng nó là Bào thấy roi đòn đánh đập, thấy máu đổ như những trận đòn hôm trước. Bào cắn răng cho bớt run, nhè nhẹ thò tay ra, nhổm mình với tới, chụp dính con chim vàng. Chim chóe lên, mẹ con nó mừng quýnh, thằng Quyên nhảy dựng lên. – Được chim rồi! Vỗ tay bôm bốp. Bào có cảm giác như khi mình đuổi theo trâu bị sụp những hầm giếng cạn, ruột thót lên. Hai chân Bào sụp vào không khí, tay bơi bơi – Mặt Bào tối đen – Bào rơi xuống như trái thị. Mặt Bào đập vào gốc cây, máu, nước mắt đầm đìa cả mặt: “Trời ơi!” Con chim vàng cũng bị đập xuống đất, đầu bể nát. Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh, Bào nghe văng vẳng tiếng guốc, nghe mẹ con thằng Quyên kêu: “Trời ơi!”. Bào chống tay ngồi dậy, máu từ trên đầu chảy trên những chiếc lá quấn vào mình nhỏ giọt. Bào cố đem toàn lực vùng dậy, nhưng tay lại khuỵu xuống, đầu ngã xuống vũng máu. Mắt bào chập chờn thấy bàn tay mẹ thằng Quyên thò xuống. Tay Bào với tới, với mãi, với mãi nhưng cũng chẳng vớ được ai. Té ra, mẹ thằng Quyên thò tay nâng lấy xác con chim vàng. Bào lại nghe tiếng tắc lưỡi: “Trời! Con chim vàng của con tôi chết rồi!”. Hà Nội 8-1-1956 (Trích Con chim vàng, Nguyễn Quang Sáng) Lựa chọn đáp án đúng nhất: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì? A. Miêu tả B. Tự sự C. Thuyết minh D. Biểu cảm Câu 2. Văn bản trên được kể theo ngôi kể nào? A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ ba D. Không xác định được Câu 3. Sự kiện chính của đoạn trích trên là gì? A. Mẹ thằng Quyên chửi mắng thậm tệ thằng Bào. B. Cuộc trò chuyện của thằng Quyên và thằng Bào. C. Mẹ thằng Quyên khen thằng Bào bắt chim giỏi. D. Thằng Bào giúp thằng Quyên bắt chim rồi té ngã. Câu 4. Ý nào đúng về thân phận của nhân vật Bào được giới thiệu trong câu chuyện? A. Bạn của thằng Quyên B. Con nuôi của mẹ thằng Quyên
  7. C. Là đứa đi ở đợ cho nhà thằng Quyên D. Người bắt chim thuê cho nhà thằng Quyên Câu 5. Trong văn bản, nhân vật Bào là con người có tính cách như thế nào? A. Một cậu bé hồn nhiên, luôn sẵn sàng hết lòng vì chủ. B. Một cậu bé tinh quái, luôn biết bày nhiều trò dại dột. C. Một cậu bé hỗn hào, luôn tìm cách chống đối bà chủ. D. Một cậu bé tinh ranh, xúi giục cậu chủ ăn cắp chuối. Câu 6. Trong văn bản, mẹ thằng Quyên đối xử với thằng Bào như thế nào? A. Yêu thương, chiều chuộng thằng Bào như con đẻ của mình. B. Nhân từ, bao dung cho những lỗi lầm mà thằng Bào gây ra. C. Mưu mô, tính toán trong việc trả công cho thằng Bào. D. Nhẫn tâm, tàn độc trước những sự cố gắng của thằng Bào. Câu 7. Ý nào nói đúng nhất về nghệ thuật khắc họa nhân vật trong văn bản? A. Nhân vật được khắc họa qua cử chỉ, hành động và lời thoại. B. Nhân vật được khắc họa qua quá trình, diễn biến tâm lí. C. Nhân vật được xây dựng qua việc miêu tả lai lịch, ngoại hình. D. Nhân vật được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu: Câu 8. Nhận xét về nhân vật cậu bé Bào trong đoạn trích. Câu 9. Nhận xét về tình cảm, thái độ của nhà văn gửi gắm qua văn bản. Câu 10. Qua câu chuyện, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 7 – 8 câu) bày tỏ suy nghĩ của mình về tình yêu thương trong cuộc sống. ĐỀ 4: Đọc văn bản sau: Google hôm 8/1 đã bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà khoa học Stephen Hawking, người đã vượt qua căn bệnh suy nhược để tiếp tục khám phá những bí ẩn của vũ trụ, nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông. Google Doodle tôn vinh sinh nhật lần thứ 80 của Stephen Hawking
  8. Nhà vật lý học Stephen Hawking (8/1/1942 - 14/3/2018), qua đời ở tuổi 76. Ông đồng thời là một nhà vũ trụ học, thiên văn học, toán học và là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có cuốn "Lược sử thời gian", đã bán hơn 10 triệu bản. Năm 1963, khi mới 21 tuổi và đang theo học cao học, Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, còn gọi là bệnh Lou Gehrig, căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể khiến ông bị liệt. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm hai năm. Tuy nhiên, dạng bệnh ông mắc phải phát triển chậm hơn bình thường, giúp ông tiếp tục sống thêm hơn nửa thế kỷ, trở thành ông hoàng vật lý với những thành tựu khoa học rực rỡ. “Dưới bóng mây đe dọa của cái chết, tôi ngạc nhiên phát hiện rằng mình tận hưởng cuộc sống còn hơn trước. Tôi bắt đầu đạt được tiến triển trong nghiên cứu của mình", Hawking nói. Ban đầu ông sử dụng nạng để di chuyển, sau đó phải dùng đến xe lăn. Trong hoàn cảnh như vậy, ông vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học. "Mục tiêu của tôi rất đơn giản. Đó là hiểu toàn bộ về vũ trụ, vì sao vũ trụ lại như vậy và vì sao nó tồn tại", ông chia sẻ. Hawking quyết tâm không để điều gì cản trở ông nghiên cứu. Bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hawking là năm 1970, khi ông cùng nhà vật lý Roger Penrose áp dụng các công trình toán học về hố đen vào nghiên cứu vũ trụ và chỉ ra một điểm kỳ dị không - thời gian vào thời điểm vụ nổ Big Bang xảy ra. Những năm 1980, ông tiếp tục có những cống hiến vĩ đại cho khoa học thế giới dựa trên "Lý thuyết về sự phình to của vũ trụ". Năm 1982, Hawking trở thành một trong những người đầu tiên chỉ ra cách các dao động lượng tử, những biến đổi rất nhỏ trong sự phân bố vật chất, có thể tác động đến sự trải rộng của các thiên hà trong vũ trụ. Stephen Hawking từng giành nhiều giải thưởng danh giá như giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley và giải Vật lý Cơ bản. Năm 2009, ông được tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống. Những năm cuối đời, "ông hoàng vật lý" vẫn không ngừng nghiên cứu và đóng góp cho khoa học thế giới. Với những cống hiến của mình, Stephen Hawking được coi là một tượng đài trong lĩnh vực khoa học vũ trụ. (Dẫn theo https://dantri.com.vn/, 10/01/2022) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là gì? A. Nghị luận B. Thuyết minh C. Tự sự D. Miêu tả Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên là gì? A. Những thành tựu của Stephen Hawking B. Cuộc đời của Stephen Hawking C. Bệnh tật của Stephen Hawking D. Cuộc đời và những đóng góp của Stephen Hawking Câu 3. Thông tin nào dưới đây về Stephen Hawking không được nói tới trong đoạn trích? A. Là nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực khoa học vũ trụ. B. Mắc căn bệnh hiểm nghèo khiến ông gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu. C. Có cuộc sống hôn nhân không được viên mãn.
  9. D. Tác phẩm “Lược sử thời gian" là một trong những cuốn sách bán chạy với số lượng lớn. Câu 4. Lời chia sẻ của Stephen Hawking: “Dưới bóng mây đe dọa của cái chết, tôi ngạc nhiên phát hiện rằng mình tận hưởng cuộc sống còn hơn trước. Tôi bắt đầu đạt được tiến triển trong nghiên cứu của mình" cho em hiểu gì về ông ? A. Là người lạc quan, có cái nhìn tích cực về bệnh tật của mình. B. Là người biết trân trọng cuộc sống. C. Là người nỗ lực trong nghiên cứu khoa học. D. Tất cả các đáp án trên. Câu 5. Động lực giúp Stephen Hawking không đầu hàng trước bệnh tật, tiếp tục nỗ lực nghiên cứu về vũ trụ là gì? A. Muốn chứng minh ông không phải người vô dụng. B. Mong muốn được tìm hiểu toàn bộ về vũ trụ, vì sao vũ trụ lại như vậy và vì sao nó tồn tại. C. Muốn trở thành tấm gương truyền động lực sống cho người khác. D. Muốn chinh phục những giải thưởng danh giá như như giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley và giải Vật lý Cơ bản. Câu 6. Văn bản sử dụng yếu tố phi ngôn ngữ nào? A. Số liệu B. Hình ảnh C. Số liệu, bảng biểu, chú thích nguồn D. Hình ảnh, số liệu, bảng biểu, chú thích nguồn Câu 7. Sapo của văn bản có ý nghĩa gì? A. Tạo nên sự bất ngờ thú vị cho người đọc. B. Gợi mở để phần sau người viết nêu vấn đề và lí giải chi tiết. C. Ghi nhận những đóng góp của Stephen Hawking trong nghiên cứu khoa học. D. Lôi cuốn, thu hút người đọc; gợi mở vấn đề được người viết triển khai ở bài viết. Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu: Câu 8. Sự tôn vinh của Google Doodle đối với Stephen Hawking có ý nghĩa gì? Câu 9. Anh/Chị suy nghĩ gì về những giải thưởng mà Stephen Hawking nhận được? Câu 10. Nêu thông điệp ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ cuộc đời của Stephen Hawking. Lí giải. Đề 5: Đọc đoạn văn bản sau: BlackPink đến Việt Nam và chuyện văn hóa thần tượng lành mạnh Từ chuyện giới trẻ hào hứng khi BlackPink đến Việt Nam, có thể nhìn văn hóa thần tượng hiện nay là một hiện tượng xã hội hết sức đặc biệt, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.
  10. Khán giả xếp hàng dài chờ check in xem BlackPink - Ảnh: DANH KHANG […] Sự kiện âm nhạc của BlackPink ở Việt Nam, một lần nữa, cho thấy rõ nét hơn văn hóa thần tượng từ các nghệ sĩ Hàn Quốc tại nước ta. Ở đó có những điểm tích cực như: Thứ nhất là tạo cơ hội cho các fan của BlackPink có thể gặp gỡ và chiêm ngưỡng nhóm nhạc mà họ yêu thích. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các fan. Thứ hai là góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam. Sự hiện diện của BlackPink tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cả quốc tế. Điều này không chỉ tạo nên cơ hội giới thiệu hình ảnh hội nhập của Việt Nam mà nếu tận dụng tốt sẽ còn giúp cải thiện hình ảnh và nâng cao danh tiếng ngành công nghiệp giải trí nước nhà. Thứ ba, BlackPink là một nhóm nhạc nữ thành công quốc tế và có sức ảnh hưởng lớn đến các bạn trẻ, sự xuất hiện của họ tại Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam, khuyến khích họ theo đuổi giấc mơ và phát triển tài năng của mình. Tuy nhiên, nếu văn hóa thần tượng bị lệch lạc trong cách nhìn hay có sự hâm mộ thái quá cũng sẽ để lại một số hệ lụy tiêu cực. Trước hết là sức khỏe tâm lý, việc hâm mộ quá mức và thiên vị một nhóm nhạc có thể gây áp lực và căng thẳng tâm lý cho người hâm mộ. Cảm giác không thể đạt được mức độ hoàn mỹ của thần tượng và sự so sánh bản thân với họ có thể dẫn đến chứng lo âu, tự ti và trầm cảm trong giới trẻ. Đó là có một số tác động xấu khi thần tượng của họ có thể gửi thông điệp không lành mạnh cho người hâm mộ qua hình ảnh, lời bài hát hoặc cách họ hành xử. Việc này có thể ảnh hưởng đến giá trị và thái độ của người hâm mộ đối với các vấn đề như quan hệ, giới tính, phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực. Việc hâm mộ quá mức, tổ chức fan club có thể tạo ra sự ganh đua và xung đột trong cộng đồng fan. Bạo lực, lăng mạ và hành vi không tôn trọng có thể xuất hiện giữa các nhóm fan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến không gian trực tuyến và offline. Để xây dựng văn hóa hâm mộ thần tượng lành mạnh ở Việt Nam, chúng ta cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người hâm mộ hiểu mặt tích cực và tiêu cực. Đồng thời cần tạo ra thông điệp tích cực về tình yêu và tôn trọng người khác. Người hâm mộ nên được khuyến khích có cái nhìn đa chiều về
  11. ngành công nghiệp giải trí, tìm hiểu về các nghệ sĩ và nhóm nhạc khác, cũng như không đặt quá nhiều kỳ vọng vào một nhóm nhạc hoặc nghệ sĩ duy nhất. Cần xây dựng một môi trường hâm mộ lành mạnh, tổ chức các fan club chính thức và các hoạt động cộng đồng để người hâm mộ có thể trao đổi thông tin, chia sẻ sở thích, thúc đẩy tình đồng đội... thay vì gây xung đột. Nghệ sĩ cùng các công ty giải trí, tổ chức sự kiện luôn phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao thông qua hành động tích cực, lời tuyên truyền để truyền đạt giá trị văn hóa và đạo đức tốt cho người hâm mộ. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng các quy tắc hướng dẫn cho các hoạt động hâm mộ, đặc biệt là trong trường hợp tổ chức các sự kiện lớn như concert, fan meeting để đảm bảo an toàn và tôn trọng. Hãy khích lệ việc hâm mộ được biểu đạt một cách tích cực, khuyến khích người hâm mộ ôn hòa và tôn trọng quyền riêng tư của nghệ sĩ, không vi phạm quyền lợi và sự tự do cá nhân của người khác. Các biện pháp này có thể giúp xây dựng một văn hóa hâm mộ thần tượng lành mạnh, nơi mọi người có thể thỏa sức yêu thích nghệ sĩ mà không gặp phải những hệ lụy tiêu cực. (Dẫn theo baotuoitre.vn, ngày 31/07/2023) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Cách trình bày ý tưởng và thông tin, dữ liệu trong văn bản trên như thế nào? A. Cấu trúc vấn đề – cách giải quyết B. Ý chính và nội dung chi tiết, trật tự thời gian C. Cấu trúc nguyên nhân – kết quả D. Cấu trúc so sánh – đối chiếu Câu 2. Nhan đề của văn bản đem đến cho người đọc những thông tin gì? A. BlackPink ở Việt Nam. B. Chuyện văn hóa thần tượng lành mạnh. C. Sự kiện BlackPink đến biểu diễn tại Việt Nam và chuyện văn hóa thần tượng lành mạnh. D. Sự kiện âm nhạc mang tầm quốc gia. Câu 3. Sự kiện âm nhạc của BlackPink ở Việt Nam tạo ra những điểm tích cực nào? A. Tạo cơ hội cho các fan của BlackPink có thể gặp gỡ và chiêm ngưỡng nhóm nhạc mà họ yêu thích. B. Góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam. C. Truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam, khuyến khích họ theo đuổi giấc mơ và phát triển tài năng của mình. D. Cả A,B,C Câu 4. Ý nào sau đây không đúng khi nói về những hệ lụy tiêu cực mà tác giả nêu ra khi văn hóa thần tượng bị lệch lạc? A. Về sức khỏe tâm lý - gây áp lực và căng thẳng tâm lý cho người hâm mộ. B. Ảnh hưởng đến giá trị và thái độ của người hâm mộ đối với các vấn đề như quan hệ, giới tính, phân biệt chủng tộc hoặc bạo lực. C. Tạo nên cơ hội giới thiệu hình ảnh hội nhập của Việt Nam mà nếu tận dụng tốt sẽ còn giúp cải thiện hình ảnh và nâng cao danh tiếng ngành công nghiệp giải trí nước nhà.
  12. D. Cảm giác không thể đạt được mức độ hoàn mỹ của thần tượng và sự so sánh bản thân với họ có thể dẫn đến chứng lo âu, tự ti và trầm cảm trong giới trẻ. Câu 5. Để xây dựng văn hóa hâm mộ thần tượng lành mạnh ở Việt Nam chúng ta cần làm những việc nào sau đây? A. Nâng cao nhận thức cho người hâm mộ hiểu mặt tích cực và tiêu cực. Có cái nhìn đa chiều về ngành công nghiệp giải trí. B. Xây dựng một môi trường hâm mộ lành mạnh, tổ chức các fan club chính thức và các hoạt động cộng đồng để người hâm mộ có thể trao đổi thông tin, chia sẻ sở thích, thúc đẩy tình đồng đội... C. Nghệ sĩ cùng các công ty giải trí, tổ chức sự kiện luôn phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, ý thức xã hội cao. D. Cả A, B, C Câu 6. Dòng nào sau đây không phải là thái độ, quan điểm của tác giả thể hiện trong văn bản? A. Đánh giá một cách khách quan và công bằng sự kiện âm nhạc. B. Phê phán, lên án việc giới trẻ thần tượng mù quáng các nhóm nhạc. C. Có cái nhìn đa chiều về ngành công nghiệp giải trí. D. Hướng đến xây dựng một văn hóa hâm mộ thần tượng lành mạnh. Câu 7. Dòng nào nêu đúng bố cục và cách trình bày của văn bản? A. Có nhan đề, có chú thích cuối văn bản, có kênh hình B. Có nhan đề, sa pô, có chú thích cuối văn bản, hình ảnh C. Có nhan đề, sa pô, đề mục, kênh hình D. Có nhan đề, sa pô, hình ảnh Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu: Câu 8. Theo tác giả, văn hóa thần tượng tác động tới xã hội như thế nào? Câu 9. Em có đồng ý với quan điểm của tác giả: “Sự kiện âm nhạc của BlackPink ở Việt Nam đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí của nước ta” không? Vì sao? Câu 10. Từ nội dung văn bản, hãy viết đoạn văn ngắn (7-10 dòng) nêu suy nghĩ về ý nghĩa của việc hâm mộ thần tượng đúng cách. PHẦN II: VIẾT (4,0 điểm) Đề 1: Từ đoạn trích trong “Tư cách mõ” (Nam Cao) ở phần Đọc hiểu, em hãy viết bài văn nghị luận bàn về tác hại của định kiến xã hội. Đề 2: Đọc văn bản: Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát. Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cục vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “ Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”
  13. Cậu bé thổn thức đáp: Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố! “Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – Con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”. Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác. (Theo báo Tuổi trẻ - Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to move Mountains) Suy nghĩ của anh/chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên. Đề 3: Từ truyện ngắn “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân), em hãy suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái “tài” và cái “tâm”. Đề 4: Một người bạn nước ngoài chuẩn bị sang Việt Nam và muốn tìm hiểu về một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước ta. Em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu về một danh lam thắng cảnh nổi tiếng nước ta mà em biết cho người bạn nước ngoài đó. Đề 5: Hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt (món ăn/ trang phục/ trò chơi/ lễ hội,...truyền thống). ..................... Hết .....................
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2