intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:102

203
lượt xem
28
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mời các bạn tham khảo luận văn Thạc sĩ Văn học: Truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam sau đây để nắm bắt được những nội dung về tục thờ cá Ông trong đời sống văn hóa Việt Nam; hệ thống truyền thuyết cá Ông; cốt truyện, motip truyền thuyết cá Ông.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam

  1. 1 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH NGUYỄN THỊ CHANH TRUYỀN THUYẾT GẮN VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÁ ÔNG VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  2. 2 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH NGUYỄN THỊ CHANH TRUYỀN THUYẾT GẮN VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÁ ÔNG VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. HỒ QUỐC HÙNG Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  3. 3 Lời cảm ơn Luận văn này trước hết xin được là nén nhang thành kính, con dâng đến vị thần cá Ông đã chở che cuộc sống ngư dân và cho con một linh hồn để hoàn thành được luận văn này. Để có được bước đi của ngày hôm nay, con xin gửi lòng biết ơn sâu sắc tới gia đình – những người thân yêu đã bảo trợ cho con trên con đường học tập. Tôi xin cảm ơn với lòng biết ơn và trân trọng đến TS. Hồ Quốc Hùng, người Thầy không chỉ giúp đỡ tận tình để tôi có thể hoàn thành luận văn, mà còn là người đã định hướng cho tôi rất nhiều về con đường học tập nghiên cứu. Tôi xin cảm ơn quý thầy cô trường Đại học Sư Phạm đã trực tiếp giảng dạy lớp Văn Học Việt Nam khóa 21 và cho tôi tri thức, phương pháp cần thiết để tôi hoàn thành khóa luận này. Tôi xin cảm ơn quý cô bác tại các lăng vạn tỉnh Bình Thuận, Vũng Tàu, Bến Tre, Thái Bình đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình thu thập tài liệu viết bài. Tôi xin cảm ơn Quý thầy cô trong hội đồng đã dành thời gian đọc bài luận và sẽ cho tôi những đóng góp quý báu, để không chỉ hoàn thiện bài viết mà còn là những kinh nghiệm cho tôi trên con đường học tập. Tôi xin cảm ơn những người bạn đã bên tôi trong suốt những năm qua, đồng hành, động viên tôi trong quá trình thực hiện luận văn này. Xin chân thành cảm ơn! Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 09 năm 2012 Học viên Nguyễn Thị Chanh
  4. 4 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ Văn học “Truyền thuyết gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam” là công trình nghiên cứu của tôi, được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Hồ Quốc Hùng. Những kết quả nêu trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa được công bố trong công trình nào khác. Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 09 năm 2012 Học viên Nguyễn Thị Chanh
  5. 5 MỤC LỤC A. PHẦN MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 7 1. Lý do chọn đề tài .......................................................................................................... 7 2. Lịch sử vấn đề .............................................................................................................. 8 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 12 4. Đóng góp của đề tài.................................................................................................... 12 5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................ 12 6. Bố cục luận văn .......................................................................................................... 13 B. PHẦN NỘI DUNG.................................................................................................... 14 Chương 1 - TỤC THỜ CÁ ÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM ........ 14 1.1. Đôi nét về mỹ tự “cá Ông” ...................................................................................... 14 1.2. Khái quát tín ngưỡng thờ linh thần ......................................................................... 15 1.2.1. Tục thờ cá Ông trong tín ngưỡng thờ loài vật của nhân dân ............................ 16 1.2.2. Tục thờ cá Ông trong hệ thống các vị thần linh biển ....................................... 20 1.3. Vai trò thực tiễn và tính thiêng của cá Ông trong tâm thức người Việt ................. 23 1.4. Tục thờ cá Ông trong thực tiễn Việt Nam và các nước .......................................... 29 Chương 2 - HỆ THỐNG TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG.............................................. 32 2.1. Truyền thuyết cá Ông qua các tư liệu sưu tầm và điền dã ...................................... 32 2.1.1. Truyền thuyết của người Chăm ........................................................................ 32 2.1.2. Truyền thuyết của người Việt ........................................................................... 36 2.1.2.1. Các truyền thuyết và cổ tích về cá Ông .................................................... 36 2.1.2.2. Truyền thuyết lịch sử hóa cá Ông thời kì bôn tẩu của vua Gia Long ....... 39 2.1.2.3. Một số truyện cá Ông cứu người gần đây................................................. 42 2.2. Đặc điểm chung truyền thuyết cá Ông .................................................................... 45 Chương 3 - CỐT TRUYỆN, MOTIP TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG ......................... 48 3.1. Đối tượng thần biển của hai dân tộc từ các tư liệu truyền thuyết ........................... 48 3.2. Cấu tạo cốt truyện của truyền thuyết cá Ông .......................................................... 58 3.3. Các motip tiêu biểu ................................................................................................. 66 3.3.1. Motip xuất thân thần kì và motip phạt – thưởng .............................................. 66 3.3.2. Motip cái chết thần kì ....................................................................................... 68 3.3.3. Motip cá cứu nạn .............................................................................................. 71 Chương 4 - MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THUYẾT VÀ TỤC THỜ CÁ ÔNG .. 76
  6. 6 4.1. Mối quan hệ trong sự tương tác giữa truyền thuyết với phần lễ và phần hội ......... 76 4.2. Mối quan hệ trong tâm thức kể và thờ cá Ông ........................................................ 83 TỔNG KẾT .................................................................................................................... 89 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................... 91 PHỤ LỤC MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÁ ÔNG ........................................................... 96
  7. 7 A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài từ Bắc chí Nam đất nước. Với vị trí địa lý thuận lợi ấy, đi biển và khai thác biển đã trở thành một ngành nghề truyền thống của nhân dân. Tại nhiều nơi, những ngành nghề kinh tế gắn liền với biển như đánh bắt cá, đóng tàu, du lịch… đã trở thành nghề chủ lực của vùng. Từ quá trình chung sống với biển qua hàng trăm năm ấy, biển đã tạo riêng cho cư dân sinh sống dọc theo dải đất này một nét văn hóa đặc thù. Đó là văn hóa biển với những nét riêng biệt so với văn hóa nông nghiệp lúa nước tại các vùng đồng bằng, trung du. Trong tâm thức người Việt, biển hiền hòa nhưng cũng rất bao la và dữ dội. Biển đưa lại nhiều nguồn lợi nhưng cũng chứa đựng nhiều hiểm nguy rình rập, đe dọa sinh mạng và cuộc sống của cư dân làm nghề ra khơi vào lộng. Vì thế, để mong tránh khỏi những tai ương, cư dân nơi đây luôn kiêng dè, cầu khấn để xin các bậc thần linh phù trợ, cứu giúp những con người nhỏ bé thoát khỏi hoạn nạn. Tâm lý e dè kéo dài từ xa xưa cho đến tận ngày nay đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa ứng xử của người Việt và các dân tộc khác cùng chung sống ở vùng ven biển đất nước. Nếu tại đồng bằng, trung du, các làng thường có những mái đình thờ thần Hoàng và các lễ hội gắn liền với hoạt động nông nghiệp, thì ở ven biển có những lăng đền thờ thần biển, và lễ hội làng biển cũng trở thành một sinh hoạt nổi trội nhất trong tất cả những sinh hoạt văn hóa truyền thống nơi đây. Hơn thế nữa, hội làng biển còn phong phú về mặt nội dung. Ngoài hội làng thờ thần Hoàng và các vị thần biển khác, nơi đây còn diễn ra lễ hội dành riêng cho cá Ông – một lễ hội chỉ có cư dân miền biển mới có. Lễ hội nghinh Ông chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, có nhiều ảnh hưởng, chi phối đến đời sống tâm linh của người dân ven biển. Đứng trên góc độ văn hóa, tín ngưỡng thờ cá Ông không chỉ có ý nghĩa to lớn trong cộng đồng ngư dân mà còn có ý nghĩa bảo tồn nhiều giá trị văn hóa dân gian. Những ngày lễ hội luôn gắn với sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật như tế lễ, rước Ông, hát lễ, hát hội, đua tài… là các sinh hoạt dân gian mà ở nhiều nơi đã bị mất đi vai trò cùng vị trí của nó trong đời sống. Tham gia vào sinh hoạt này, các thành viên trong cộng đồng làng biển được dịp giao lưu, tiếp xúc với nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết tương
  8. 8 trợ sau những ngày lênh đênh trên biển cả. Không chỉ thế, tục thờ cá Ông còn có ý nghĩa về mặt sử học và văn học. Nó đánh dấu một bước tiến, mở rộng phạm vi sinh sống và làm nghề của nhân dân từ đồng bằng, trung du hướng ra biển khơi, đẩy mạnh nghề đánh bắt và khai thác biển. Xoay quanh tục thờ cá Ông là những truyền thuyết được nhân dân sáng tác, bồi đắp tính thiêng của cá Ông. Các truyền thuyết này ít nhiều đã phản ánh tâm thức của người dân về vị thần biển uy linh của họ. Đồng thời, nó cũng chứa đựng trong đó những giá trị nhân văn tiềm ẩn như một quy luật chung mà các tác phẩm dân gian thường thấy. Xét dưới góc độ văn học, truyền thuyết về cá Ông đã trở thành một bộ phận vừa song hành, vừa gắn bó khăng khít với lễ hội cá Ông. Khảo sát truyền thuyết trong mối quan hệ tương tác với lễ hội là một nhiệm vụ khoa học của văn học dân gian. Vì vậy, chúng tôi tiến hành chọn đề tài này để nghiên cứu, hy vọng có thể góp thêm tiếng nói vào việc bảo tồn và khẳng định giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ cúng thần biển đặc trưng ở vùng biển Việt Nam. 2. Lịch sử vấn đề Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tiếp xúc với nhiều tư liệu, bài viết về cá Ông. Song hầu hết các bài viết này chưa chạm đến vấn đề truyền thuyết cá Ông dưới góc độ văn học, mà chỉ đứng từ góc độ văn hóa để bàn luận đến tín ngưỡng và giá trị của tục thờ cá Ông đối với đời sống nhân dân. Vì vậy, chúng tôi hy vọng dựa vào những tư liệu này để sàng lọc những thông tin cần thiết cho đề tài. Sau đây là một số tư liệu nói về tín ngưỡng này: Trong các thư tịch cổ: Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Thối thực ký văn của Trương Quốc Dụng và một số ghi chép ký sự của người Trung Quốc, như lời dẫn lại sách Chính tự thông của Trí Nguyên, An Nam trí dự lục ký của Cao Hùng Trưng, những tài liệu này ghi chép ngắn gọn về cá Ông ở đặc điểm hình dáng và nhấn mạnh đến tính thiện cứu người. Song nó như một dữ liệu thông tin có tính chất văn hóa và lịch sử liên quan đến tín ngưỡng thờ Ông chứ không đề cập gì đến những câu chuyện mang tính dân gian về tính thiêng của Ông. Khoảng vài chục năm trở lại đây, tục thờ cá Ông ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Cùng đề tài về tín ngưỡng thờ cá Ông, rất nhiều các bài viết đăng trên các tạp chí, đặc biệt là tạp chí Văn hóa dân gian và các trang web đã trình
  9. 9 bày và mô tả khá nhiều các lễ hội ở khắp các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam với các đặc thái riêng của từng vùng. Trong tạp chí Văn hóa dân gian (số 3/1999) có bài viết “Tục thờ cá Voi ở các làng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân” của tác giả Trần Hoàng. Đây là một bài viết sơ lược về tín ngưỡng thờ cá Ông trong một phạm vi hẹp ở khu vực biển Bình Trị Thiên. Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh đến sự phong phú của tục thờ diễn ra ở rất nhiều làng biển. Nhiều lăng Ông không chỉ ngư dân làm biển thờ mà còn sâu vào tận trong đất liền vùng sông nước và làm ruộng cũng có. Đồng thời, tác giả cũng đánh giá rằng “Lễ hội cầu ngư vừa nhằm vào việc tưởng nhớ công đức của người xưa, vừa thể hiện lòng mong ước, sự cầu chúc cho một mùa làm ăn phát đạt… tạo cho đời sống văn hóa - tinh thần của ngư dân vùng biển từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân một nét riêng, đậm đà bản sắc dân tộc và địa phương”. Bài “Lễ hội cầu ngư ở Thuận An” (tạp chí Văn hóa dân gian, số 3/2000) của tác giả Lê Văn Kỳ. Đây là bài viết khá chi tiết và đào sâu vào tục thờ cá Ông từ góc độ văn hóa học. Tác giả đã đi thực tế để mô tả kĩ một lễ hội rất long trọng và thiêng liêng đối với ngư dân vùng biển. Ở đây, chúng ta có thể thấy từng bước trong nghi lễ thờ Ông từ việc chôn cất, thờ cúng Ông đến lễ cầu ngư đầu mùa, từ lễ tế Thai Dương phu nhân đến lễ bủa lưới cầu ngư được nhân dân tham gia tổ chức chu đáo. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận được không khí vừa trang nghiêm, vừa thành kính lại vừa đậm đà bản sắc văn hóa vùng biển. Lễ hội nghinh Ông là một tục thờ quan trọng của ngư dân bởi vì “Biển cả mênh mông, sức con người có hạn, phương tiện làm ăn đương thời còn quá thô sơ nên những người “vào lộng”, “ra khơi” đều phải cầu mong thần linh phù hộ cho mình tai qua nạn khỏi, mẻ lưới đầy thêm. Đấy là một nguyên nhân ra đời của tín ngưỡng cầu ngư và lý do tồn tại của những lễ hội phản ánh về nó…”. Đáng chú ý hơn, cũng trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 2/2003) có bài viết “Giao lưu văn hóa Việt – Chăm nhìn từ tục thờ cá Ông” của tác giả Nguyễn Thanh Lợi. Đây có thể xem là bài viết mở đầu cho cuộc tranh luận tục thờ cá Ông của người Việt hiện nay có nguồn gốc từ đâu? Trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra rất nhiều dẫn chứng trên các mặt lịch sử, văn hóa, địa lý… và có rút ra khẳng định tục thờ cá Ông ngày nay vốn xuất phát từ tục thờ của người Chăm. Trước đó hai tác giả Lê Quang Nghiêm (Tục thờ cúng của ngư phủ Khánh Hoà, Trung tâm Văn bút
  10. 10 Việt Nam, 1970, tr. 35-36) và Thái Văn Kiểm (“Le culte de la baleine”, 1971, tr. 12) cũng có nói nhưng lúc đó chưa có nhiều người quan tâm nên vấn đề này không được bàn sâu. Đồng ý với tác giả Thanh Lợi còn một số tác giả khác như Đinh Văn Hạnh, Nguyễn Thăng Long… Nhưng vấn đề này đã có những ý kiến trái chiều. Trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 4/2007), tác giả Nguyễn Xuân Đức có một bài viết tranh luận lại vấn đề trên qua bài “Từ đền thờ Đức Ông, Đức Bà ở Cảnh Dương nghĩ về tục thờ cá Voi của người Việt” và phản bác ý kiến của ông Thanh Lợi. Tác giả Xuân Đức phủ nhận và cho rằng tục thờ cá Ông đã vốn có trong tâm thức người Việt, không phải đến khi thấy người Chăm thờ mới học theo… Sau đó, có những bài viết với các ý kiến trái chiều bàn luận song hiện nay thì vẫn chưa có một sự thống nhất cho vấn đề này. Bài “Tục thờ cá Ông ở ven biển Nam Trung Bộ” (Tạp chí Văn hóa dân gian, 4/2006) của tác giả Nguyễn Thanh Lợi, khác với các bài viết trước chỉ nói về tục thờ cá Ông trong một địa bàn hẹp, bài viết này là một khảo sát trên diện rộng của cả khu vực Nam Trung Bộ. Trong bài viết, tác giả đã chuyên sâu vào nhiều vấn đề liên quan đến tín ngưỡng như nguồn gốc tục thờ, đối tượng thờ, kiến trúc lăng Ông, đặc điểm nghi lễ thờ cúng, các sinh hoạt văn hóa dân gian liên quan đến tục thờ… Theo tác giả, tục thờ cá Ông trong đời sống người Việt hiện nay là một quá trình tiếp thu tín ngưỡng thờ của dân tộc Chăm và đã được người Việt biến cải đi rất nhiều. Nhưng dù thế nào thì đây cũng là một tín ngưỡng tốt đẹp, nó không chỉ bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà nó còn thể hiện nét đẹp ứng xử của nhân dân trước biển khơi. Tác giả Nguyễn Xuân Hương với bài viết “Lễ hội cầu Ngư của cư dân ven biển Quảng Nam và Đà Nẵng” (tạp chí Văn hóa dân gian, số 5/2002) nhấn mạnh “Lễ hội cầu ngư là lễ hội cầu mùa, mà đường dây tạo ra nó chính là niềm tin của ngư dân về sự phù trợ của ngư thần, đó là cá Ông – cá Voi… Ngư dân vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng quan niệm cá Ông không chỉ là một vị thần biển - ân nhân của người đi biển, mà thiêng liêng hơn, đó là một vị thần liên quan đến sự hưng thịnh của vạn làng – một thành hoàng của vạn làng”. Như thế, với mỗi vùng khác nhau, niềm tin và quan niệm về sự phù trợ của cá Ông đối với đời sống con người cũng có những sự khác biệt.
  11. 11 Trên trang web www.nuiansongtra.com (14/7/2011) của Lê Hồng Khánh, có bài viết “Tục thờ cúng cá Ông và hát múa bả trạo của cư dân ven biển – hải đảo Quảng Ngãi”. Đây là bài viết mà chúng tôi cho rằng có đề cập đến truyền thuyết liên quan đến cá Ông. Tuy nhiên, số lượng về tư liệu không nhiều và cũng không nhằm mục đích cho công việc nghiên cứu văn học dân gian, mà đó chỉ là phác họa cho vấn đề văn hóa tục thờ cá Ông. Và rất nhiều bài viết, phóng sự của các tác giả khác về tín ngưỡng thờ này được đăng tải trên tạp chí, các trang web địa phương… Sự góp mặt của cá Ông đã làm phong phú thêm rất nhiều cho đối tượng thần linh biển của người Việt. Qua những bài viết trên, chúng tôi thấy rằng: hầu hết các bài viết đều có cái nhìn dưới góc độ văn hóa học, dân tộc học, tập trung mô tả lại các hình thức nghi lễ thờ cá Ông tại mỗi vùng, nhưng chưa có bài viết nào bàn luận về các truyền thuyết được hình thành từ tục thờ này. Song nhìn chung dù không đề cập đến những truyền thuyết như là đối tượng khảo sát, nhưng để rút ra những nhận định của mình, các tác giả phải sử dụng đến tư liệu truyền thuyết. Và do vậy, một cách gián tiếp ta vẫn thấy được từ truyền thuyết những niềm tin thiêng liêng vào vật linh. Với sự tham khảo các tài liệu cùng quá trình đi điền dã, chúng tôi xác định tín ngưỡng thờ cá Ông là một tục thờ cúng thuộc vào hàng quan trọng bậc nhất của cư dân ven biển. Nó không chỉ có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của ngư dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với truyền thống văn hóa chung của dân tộc trong chiều dài lịch sử, đặc biệt hiện nay nó còn có ý nghĩa cả trên lĩnh vực phát triển kinh tế đất nước. Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu của những người đi trước về phương diện văn hóa, chúng tôi muốn đào sâu tìm hiểu về tín ngưỡng này nhưng trên phương diện của văn học, thông qua các truyền thuyết về cá Ông lưu truyền trong dân gian. Tựu chung lại, chúng tôi muốn tìm hiểu một số vấn đề sau: - Tâm thức của nhân dân vào cá Ông từ góc độ văn bản truyền thuyết được thể hiện ra sao? - Nguồn gốc tục thờ cá Ông, có hay không sự tiếp biến tục thờ và các yếu tố trong truyền thuyết giữa hai dân tộc Việt và Chăm? - Quá trình diễn tiến của truyền thuyết cá Ông trong quá khứ và hiện tại đi theo chiều hướng nào?
  12. 12 - Mối quan hệ giữa truyền thuyết và tục thờ cá Ông? 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu - Các truyền thuyết về cá Ông của người Việt ở khu vực miền Trung và Nam bộ. Ngoài ra, để có tầm nhìn bao quát, chúng tôi có đề cập cả một bộ phận truyền thuyết của ngư dân miền Bắc. - Lễ hội nghinh Ông và các trò diễn xướng trong mối quan hệ với truyền thuyết. 4. Đóng góp của đề tài - Tìm hiểu dấu ấn của truyền thuyết trong các nghi lễ thờ cúng cá Ông của người Việt. - Tìm hiểu các truyền thuyết về cá Ông đang vận động trong đời sống tín ngưỡng của các cư dân ven biển hiện nay. - Thực hiện được một công trình nghiên cứu có tính tổng quát và chuyên sâu về tín ngưỡng thờ cá Ông của hai miền Trung và Nam Việt Nam từ góc độ văn học. 5. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp thống kê: chúng tôi dùng phương pháp này cho việc khảo sát và thống kê truyền thuyết dựa theo một tiêu chí nhất định. Sự thống kê này nhằm để cố gắng bao quát nhất những truyền thuyết có liên quan đến cá Ông được lưu truyền trong dân gian từ xưa tới nay, từ đó làm cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu vấn đề về sau. - Phương pháp lịch sử: vấn đề của văn học dân gian luôn gắn với một quá trình của lịch sử mà chúng tôi cần dựa vào để lý giải một số vấn đề chứa đựng trong đó. Truyền thuyết thì không phải là lịch sử nhưng có những vấn đề của lịch sử lại được đưa vào trong truyền thuyết. Thế nên, để tìm hiểu vấn đề sâu nhất, chúng tôi sử dụng phương pháp này để có thể làm sáng tỏ những điều chứa đựng xếp chồng trong truyền thuyết về cá Ông. - Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ cơ sở dữ liệu và các vấn đề đặt ra, chúng tôi cần đến phương pháp này để đi vào từng khía cạnh chi tiết. Cụ thể, trong bài chúng tôi sẽ phân tích những yếu tố đã nhào nặn nên các truyền thuyết khác nhau về cá Ông, và các vấn đề khác để tìm hiểu về ý nghĩa nhân sinh trong mối quan hệ giữa vị thần cá Ông với con người. - Phương pháp so sánh: Truyền thuyết cá Ông có những đặc điểm chung với nhiều truyện khác trong tâm thức sáng tác dân gian. Song song đó, nó cũng có những đặc
  13. 13 điểm riêng khác biệt… Chúng tôi dùng phương pháp này để đối chiếu, so sánh các vấn đề đặt ra với các tư liệu khác cùng chủ đề để tìm ra được điểm đặc trưng của truyền thuyết và tín ngưỡng cá Ông trong đời sống nhân dân. - Phương pháp liên ngành: Văn học dân gian vốn có đặc trưng là tính nguyên hợp của nhiều ngành trong đó. Nên trong đề tài, chúng tôi sử dụng đến các lĩnh vực khác nhau: lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn hóa… để làm sáng tỏ một số vấn đề trong bài. - Phương pháp điền dã: Để có được tài liệu, thông tin cho đề tài, chúng tôi đã tiến hành đi tới các lăng vạn thờ cá Ông thuộc ba tỉnh: Bình Thuận, Vũng Tàu, Bến Tre. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên hệ với một số nơi khác bằng điện thoại, thư tín để có thêm thông tin cho bài viết. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi đi tìm về chính nơi thờ cá Ông để cảm nhận được niềm tin và tín ngưỡng như cách ngư dân cảm nhận để có được linh hồn xương sống cho đề tài. 6. Bố cục luận văn Luận văn của chúng tôi gồm có 4 chương chính: Chương 1 - TỤC THỜ CÁ ÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM Chương 2 - HỆ THỐNG TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG Chương 3 - CỐT TRUYỆN, MOTIP TRUYỀN THUYẾT CÁ ÔNG Chương 4 - MỐI QUAN HỆ GIỮA TRUYỀN THUYẾT VÀ TỤC THỜ CÁ ÔNG
  14. 14 B. PHẦN NỘI DUNG Chương 1 - TỤC THỜ CÁ ÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM Xét trong dòng chảy văn hóa, bất kì một yếu tố nào góp phần tạo nên bộ mặt văn hóa cũng luôn luôn nằm trong một hệ thống nhất định. Theo thời gian nó trở thành một mắt xích trong tiến trình hình thành và phát triển văn hóa một dân tộc. Nên khi xem xét một vấn đề về văn hóa cần phải nhìn nhận trong một hệ thống để thấy được tính bao quát của nó. Tục thờ cá Ông cũng tương tự như thế. Để thấy được vị trí của tục thờ cá Ông, trong chương này chúng tôi sẽ khái quát một số vấn đề tín ngưỡng có bao quát cả nội dung tục thờ cá Ông trong đó. Từ vị trí đó, chúng tôi sẽ đi sâu vào vai trò và những vấn đề liên quan đến truyền thuyết, tục thờ nhằm đưa lại một cái nhìn vào bề sâu của tín ngưỡng từ góc nhìn văn học. 1.1. Đôi nét về mỹ tự “cá Ông” Ông là một tiếng được sử dụng rất đa dạng trong đời sống. Đó là từ chỉ người đàn ông hoặc người ở bậc sinh ra cha, mẹ mình: ông nội, ông ngoại. Người đàn ông đứng tuổi, hoặc được kính trọng: ông giáo, ông sư. Người đàn ông cùng bậc hoặc bậc dưới trong cách gọi thân mật: ông bạn. Đó cũng là từ chỉ bản thân mình trong cách gọi trịch thượng. Ngoài các nghĩa đó, ông còn là từ dùng để chỉ những loài, vật được con người tôn sùng, kiêng nể: ông trăng, ông sao... Trong dân gian, để tỏ lòng kính cẩn trước đấng thần thánh vô hình, người ta gọi đó là “ông”: ông trời, ông phật, ông bụt, ông thần, ông Táo… Để gọi một người có chức tước, được coi là phụ mẫu của dân người ta vẫn kính cẩn gọi người đó là ông, đức ông. Dân gian vẫn gọi hổ là Ông cọp, Ông ba mươi để tỏ lòng kính - sợ trước vị chúa tể đầy sức mạnh (hổ đực hay cái đều gọi là Ông)… Cũng như thế, với loài cá Voi, cá Heo và một số loài có thiên tính cứu giúp người hoạn nạn hoặc giúp ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, cư dân miền biển thành kính gọi là Ông để bày tỏ lòng biết ơn. Như thế, Ông trong cá Ông là một mỹ tự mà ngư dân gọi để bày tỏ sự kính – ơn đối với loài cá mà họ tôn là phúc thần.
  15. 15 Danh từ Ông ở đây là tên gọi chung cho nhiều loài chứ không riêng gì chỉ gọi cá Voi, nhưng trọng tâm của tên gọi này dành cho loài cá Voi. Khi nói đến Ông, người ta đều nghĩ đến cá Voi đầu tiên trong tất cả các loài. Thường thì người ta gọi chung là Ông, không phân biệt cá đực hay cái, to hay nhỏ. Nhưng người Việt vốn có tư duy lưỡng phân lưỡng hợp – cặp đôi (Tư duy lưỡng hợp này có nguồn gốc từ tư duy thần thoại Việt cổ như Ông Đùng, Bà Đà…) nên đi vào chi tiết, người ta phân rõ ràng cá đực gọi là Ông, cá cái gọi là Bà. Cá đực mà còn nhỏ thì gọi là Cậu, tương tự như thế, cá cái còn nhỏ người ta gọi là Cô, tính cặp đôi ở đây: cá Ông – cá Bà; cá Cô – cá Cậu. 1.2. Khái quát tín ngưỡng thờ linh thần Sùng bái tự nhiên là một đặc điểm cơ bản của các cư dân vùng nông nghiệp lúa nước, bên cạnh hệ thống các nhân thần đầy quyền uy là một hệ thống các nhiên thần có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người. Trong đó, thờ cúng loài vật là một tín ngưỡng dân gian lâu đời và có vị trí quan trọng trong niềm tin của nhân dân. Trong dân gian có câu “Nhất điểu, nhì xà, tam ngư, tứ tượng” cho thấy niềm kính cẩn, điểm tựa tâm linh vào các loài vật rất mạnh trong niềm tin của nhân dân. Dấu ấn của niềm tin ấy ngày nay vẫn tồn tại qua các đền thờ, lăng miếu trải khắp trong các làng mạc từ Bắc chí Nam. Trong các đền miếu ấy, có nơi chỉ hương khói thờ tự nhưng có nơi lại gắn với các lễ tục, diễn xướng, lễ hội, tạo nên một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa các vùng miền. Và đặc biệt, xoay quanh các đền miếu ấy gắn với một hoặc nhiều truyền thuyết có liên quan tạo nên phức hợp tổng thể cho tính linh thiêng trên nhiều phương diện thực tiễn và huyền thoại. So với tục thờ các thần thú ở khắp các vùng miền đất nước, tục thờ cá Ông của ngư dân miền biển có thể xem là tục thờ lớn nhất, có phạm vi thờ cúng rộng lớn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của ngư dân miền biển. Không chỉ thế, tục thờ này còn có những giá trị to lớn trên các phương diện đời sống. Xét về giá trị văn hóa, tục thờ cá Ông không chỉ tạo cho miền biển một vị thần hùng vĩ, uy linh mà còn tạo ra một tín ngưỡng đẹp, gắn kết con người và con người gần lại với nhau, thắt chặt tình đoàn kết tương hỗ của các ngư dân trong cuộc mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió.
  16. 16 Xét về giá trị lịch sử, tục thờ cá Ông được nhiều người xem như một chứng nhân quan trọng cho sự tiếp biến văn hóa của nhân dân Đại Việt trong quá trình Nam tiến với người Chăm bản địa. Đó là một vấn đề vẫn còn chưa đi đến được kết luận cuối cùng song nó cũng chứng tỏ được tầm ảnh hưởng đến nhiều phương diện của tục thờ. Sau này, cá Ông được trọng vọng nhiều hơn khi góp mặt trong thời gian bôn tẩu của vua Gia Long, thực hư ra sao vẫn là điều bí ẩn, nhưng dẫu sao khi tìm về lịch sử triều Nguyễn cũng không thể quên được chi tiết này trong huyền thoại vì ở nhiều lăng Ông vẫn còn các sắc phong của vua ban – một chứng tích hùng hồn cho tính thần thiêng của cá Ông. Xét về phương diện văn học, xoay quanh tục thờ cá Ông là những câu truyện, truyền thuyết, sự tích được nhân dân sáng tác, thêu dệt để bồi đắp thêm tính thiêng liêng của cá Ông. Từ các tích ấy, thông qua cách nhìn, cách cảm nhận đa chiều của nhân dân dành cho Ông, chúng ta sẽ thấy được những ý nghĩa nhân văn, những giá trị về văn hóa, lịch sử của cha ông ta xây đắp và lưu truyền cho con cháu đời sau. Trong tín ngưỡng chung, tục thờ cá Ông cũng có những giá trị tích cực như các vị phúc thần khác. Song trong những cái chung, tục thờ này có những nét riêng biệt để tạo cho nó một giá trị không hòa lẫn. Điều đó chúng tôi sẽ chỉ ra ở các phần sau của đề tài. Nhưng để thấy được cái riêng ấy, chúng ta cần thấy cái chung của tục thờ các loài vật để có cái nhìn khái quát, rộng mở cho vấn đề về sau. 1.2.1. Tục thờ cá Ông trong tín ngưỡng thờ loài vật của nhân dân Mỗi bản làng, mỗi vùng trên đất nước ta đều có một hoặc nhiều vị phúc thần được nhân dân trong vùng tín ngưỡng, thờ tự để cầu mong sự chở che của thần cho một cuộc sống no đủ, thuận hòa. Vị phúc thần ở đây có khi là nhân thần, có khi là nhiên thần, loài vật mà ở nơi đó nhân dân gửi gắm niềm tin thiêng liêng về sức mạnh phù trợ mang phúc lành đến cho muôn dân. Song khác với các nhân thần thường được thờ sau khi các vị đó đã “hóa”, là người có công đức hoặc có hiển linh cứu giúp, phù trợ cho dân làng thì các loài vật lại được nhân dân thờ ngay khi còn sống. Nếu nhân thần được thờ theo cá nhân đơn lẻ thì loài vật được thờ theo loài. Trong phạm vi đề tài về tục thờ loài vật, nên ở đây chúng tôi chỉ xin trình bày một số tục thờ các loài vật trong tín ngưỡng của nhân dân để tham khảo thêm.
  17. 17 Tục thờ rắn là một trong những tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, hình tượng rắn đã được đồng hóa với nước, trở thành thủy thần và đi vào tâm thức dân gian từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên. Rắn là một hình tượng phổ biến và có sức ám ảnh mạnh mẽ, phổ biến nhất của người Việt ở đồng bằng sông Hồng. Tục thờ rắn với tư cách là thủy thần không chỉ phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ mà còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và cả miền Tây Nam Bộ. Rắn cũng là đối tượng phải dè chừng, đối phó và chinh phục. Có lẽ vì thế mà ngày nay vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện, giai thoại về rắn quấn mình người phụ nữ sinh ra đứa con, rắn trả thù người, rắn cứu người, rắn đền ơn con người… Nhất là các tích về sự xuất hiện của rắn trong các đền miếu một cách kì lạ và bí ẩn là nền cho những huyền thoại về rắn tiếp tục được hình thành. Trong dân gian, nhân dân tin rắn là hiện thân của thần thánh. Các cụ già vẫn kể cho con cháu nghe về sự xuất hiện của rắn có mào trong đền thờ thần làng vào những ngày lễ, hay người dân lưu truyền với nhau về rắn trắng trong đền thờ đức thánh Trần (Nam Định) là rắn thần. Bên cạnh đó, nhân dân còn thờ rắn trong hình tượng của vị thần người nhưng hoài thai từ rắn, ví như đền Quan Lớn Đệ Tam ở Duy Tiên (Nam Định). Đó là đền thờ một trong ba vị đại vương vốn là ba con rắn được sinh ra từ một cái bọc. Tương truyền, vị đại vương này rất có công trong việc chống Thục nên được vua Hùng phong là Nhạc Phủ Ngư thượng đẳng thần, sau được gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng thái thượng đẳng thần. Đối với tín ngưỡng nhiều nước, rắn cũng là một đối tượng rất được coi trọng và đề cao. Điều đó cho thấy các nước trên thế giới dù cách biệt, chênh lệch nhưng vẫn có những yếu tố văn hóa giao nhau trong nhận thức từ thuở hồng hoang của lịch sử loài người. Không chỉ thờ rắn, người ta còn thờ cả cá sấu. Trong sử cũ ghi chép, thì với tục thờ rắn và cá sấu, người xưa lấy các loài thủy tộc này làm vật tổ. Huyền thoại họ Hồng Bàng (giải thích nguồn gốc các tộc người Việt cổ) kể rằng, ông Lạc Long Quân (vị tổ của người Việt đồng bằng) là một loài rắn hoá thân mà thành. Hình cá sấu được trang trí trên nhiều mặt trống đồng Đông Sơn. Tục thờ cá sấu sau này trở nên phổ biến ở miền Nam, là vùng đất mới với nhiều hiểm nguy đe dọa tới tính mạng con người, trong đó cá sấu cũng là một nỗi ám ảnh của vùng sông nước nên được người dân lập đền thờ: “Cà Mau khỉ khọt trên lưng/ Dưới sông sấu lội trên
  18. 18 rừng cọp um” [43]. Cá sấu không chỉ có trong tục thờ của người Việt, mà còn trong cả cộng đồng người Khơ-me Nam Bộ. Hình cá sấu được người dân nơi đây vẽ trên những lá cờ trắng treo trên chùa, hoặc thầy cúng cầm trong đám đưa tang. Từ rắn, cá sấu, một loài vật huyền thoại được hình thành - rồng được nhân dân xem là loài mang đến phúc lành cho nghề nông. Cao hơn nữa, rồng là biểu tượng của nguồn gốc tộc người (Truyền thuyết Con rồng cháu tiên của người Việt). Về sau này, rồng còn được nhất thể hóa với hình tượng đế vương. Những thuyết về việc sinh ra các bậc quân vương cao quý thường gắn với tích bà mẹ nằm ngủ mơ thấy sao rơi, thấy rồng… Rồng là biểu tượng quyền uy của vua chúa. Rồng cũng là hình tượng thường được trạm trổ ở trên các cột đình, chùa, cung điện, ngọc tẩm để tăng thêm tính oai nghiêm, thần thánh. Thực ra, ban đầu nằm trong tín ngưỡng dân gian rồng được đồng nhất với nước, mang lại điềm tốt lành. Do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc mà rồng có thêm biểu tượng của vương quyền. Một tục thờ khác rất phổ biến ở nhiều nơi đó là tục thờ hổ. Tục thờ này bắt nguồn từ cuộc sống thời nguyên thủy xa xưa, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người. Đặc biệt trong quá trình di dân vào Đàng Trong, mối đe dọa từ hổ đến cuộc sống con người trở thành nỗi ám ảnh. Điều đó còn ghi dấu ấn qua những đúc kết dân gian như: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” [27] ở miền trung hoặc “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường; Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua” [43] ở miền Nam. Chính điều này các đình miếu thờ hổ từ đó mà nhiều hơn nữa. Ngày xưa, người dân rất sợ hổ, giết được hổ là lập được công lớn giúp dân làng, nhưng sau khi giết được thì người dân lại lập miếu thờ. Đây là một tâm lý rất phức tạp vừa sợ nhưng lại vừa kiêng nể cọp của nhân dân. Trong dân gian lưu truyền rất nhiều các giai thoại về hổ trả ơn người đã cứu mình, hổ hàng phục vị sư chùa, hổ trung thành với chủ… Người dân cũng tin tranh họa hình hổ có khả năng trấn yểm, đuổi trừ tà ma, thế nên trong nhiều nhà thường treo tranh hổ, để tranh hổ dưới gối giúp trẻ con không quấy khóc ban đêm… Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số cũng có tục thờ hổ, trong đó có người Khơ mú sống ở Tây Bắc và miền Tây Nghệ An. Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ mú thuộc họ Rvai (hổ) đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn lại
  19. 19 các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt hổ, không giết hổ và không ăn thịt hổ. Không chỉ thờ những loài có sức mạnh, người Việt còn thờ cả loài vật rất đỗi bình thường. Đó là chó. Người ta coi chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, thuận lợi và nhiều niềm vui. Chẳng những trước đây mà cả hiện nay vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức: Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu sự bình an; Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để thờ cầu phúc lành. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Ở Hà Nội, có hai làng Địch Vĩ và Hát Môn là những nơi thờ vị quan lớn này. Như vậy, trong tín ngưỡng thờ loài vật, nhân dân luôn tìm thấy một mặt lợi ích tích cực cụ thể từ các loài để tôn thờ và ngợi ca. Và cá Ông cũng nằm trong mạch chung ấy. Xét theo trục Tây – Đông để chia thì lãnh thổ Việt Nam chia thành hai phần đất liền và biển đảo. Những loài kể trên là các linh thần tiêu biểu cho phần đất liền, còn ở biển, linh thần tiêu biểu nhất là cá Ông. Trong niềm tin của ngư dân, người ta rất tin tưởng vào sự cứu giúp của Ông trên biển khơi. Nước ta có một chiều dài bờ biển kéo dài từ Bắc chí Nam, cho nên không có vị linh thần nào lại có số lượng lăng miếu thờ nhiều như cá Ông và có sức ảnh hưởng đến tâm linh tuyệt đối như vị phúc thần này. Với các loài trên, một số nơi người ta thờ trong sự bái vọng, đời ông cha truyền lại cho đời con cháu tiếp nối nhưng niềm tin tín ngưỡng có thể đã không còn như nguyên gốc. Ví như trước đây, vì sợ mà người ta lập ra đền thờ hổ, thì nay người dân chỉ thờ hổ trong sự cầu mong phước lành chứ không còn vì sợ như trước kia. Nhưng niềm tin với cá Voi từ xưa tới nay thì vẫn còn nguyên vẹn. Ngư dân rất tin và thành kính vào sự cứu giúp tính mạng con người trước sóng gió biển khơi của Ông. Qua một số các loài vật được thờ mà chúng tôi nêu trên, có thể thấy hai vấn đề cần lưu ý sau: Thứ nhất, người Việt có truyền thống thờ trực tiếp loài vật mà người dân tin tưởng sự thờ đó sẽ mang lại sự an lành cho cuộc sống. Tục thờ loài vật có từ trong tâm
  20. 20 thức xa xưa của cha ông chúng ta từ thời nguyên thủy, không phải học từ lối thờ của ai mới có. Thứ hai, về nguyên nhân, gốc tích các loài được thờ. Sự thờ thần thú trong tâm linh của nhân dân xuất phát từ nhiều điều, nhưng tựu trung lại nhân dân thờ một loài vật thành thần trên hai điều sau: + Người ta thờ một loài bởi người ta sợ mà thờ, như các loài hổ, cá sấu… Người dân lập miếu thờ các loài họ sợ vừa để lưu ý với những người xứ khác tới biết ở nơi đây có nguy hiểm mà tránh, vừa để cầu sự an lành cho cuộc sống tại nơi có thú dữ quấy phá. + Người ta thờ vì lòng kính trọng, biết ơn mà thờ. Đại diện nổi bật cho điều này chính là cá Ông được nhân dân tôn thờ vì đức tính cứu người giữa biển khơi. So với các loài vật linh khác, cá Ông chỉ mang đến điều tốt đẹp đến cho ngư dân. Người ta thờ Ông vì lòng kính – biết ơn chứ không phải vì sợ như một số loài khác trong tín ngưỡng. 1.2.2. Tục thờ cá Ông trong hệ thống các vị thần linh biển Tục thờ cá Ông đã âm thầm đi vào đời sống tâm linh của cư dân ven biển từ khi nào thì không ai rõ. Nhưng trước khi vị thần này đi vào đời sống ngư dân, trong dân gian đã xuất hiện nhiều vị thần được nhân dân tôn thờ để phù trợ cho người đi biển. Tất cả sự tôn kính đó thường được thể hiện trong nghi lễ và những huyền thoại bao quanh. Chúng tôi nêu ra một số truyền thuyết về các vị thần đó như sau: Ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng có miếu trên đảo Hòn Dáu. Miếu thờ Lão đảo thần vương, còn gọi là Nam Hải đại vương. Chuyện xưa kể vào thời Trần sau cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên, trên đảo có dạt vào xác một võ tướng cụt đầu. Sau đất đùn thành mộ, thần thường hiển linh trong trang phục võ tướng không đầu ngồi câu cá. Dân cư lập miếu thờ và thường được thần giúp trong lúc ra khơi. Đến đời chúa Trịnh Doanh (1754) khi đi du ngoạn Đồ Sơn thấy thần linh ứng, liền phong là Lão đảo thần vương. Hơn 100 năm sau, vua Tự Đức đến thăm đảo lại phong thần là Nam Hải đại vương. Hằng năm mở hội vào ngày 9-10 tháng Giêng âm lịch. Đền thờ nữ thần ở cửa Cần Hải, Nghệ An. Không rõ ở cửa biển nào vị nữ thần này đã hiển linh giúp vua, nhưng sau đó đã được vua sắc cho 12 cửa biển phải
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2