JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0192<br />
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8B, pp. 63-70<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÁC LÍ THUYẾT<br />
PHÁT TRIỂN TÂM LÍ NGƯỜI THEO TIẾP CẬN TƯ DUY HỆ THỐNG<br />
<br />
Lê Minh Nguyệt<br />
Khoa Tâm lí - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
<br />
Tóm tắt. Trong tâm lí học phát triển có nhiều lí thuyết về sự phát triển tâm lí người đóng<br />
vai trò nền tảng. Nhưng do nhiều lí thuyết được hình thành bởi khuôn mẫu tư duy cơ giới,<br />
với nguyên lí chung là chia sự phát triển tâm lí cá nhân thành các cấu phần nhỏ, nghiên cứu<br />
sâu từng cấu phần trong thế cô lập với các cấu phần khác. Vì vậy, tuy các lí thuyết đã cung<br />
cấp bức tranh phong phú, sinh động và chi tiết về sự phát triển tâm lí cá nhân, nhưng từng<br />
lí thuyết riêng lẻ sẽ không phản ánh được bản chất, cơ chế và quy luật của sự phát triển tâm<br />
lí cá nhân. Dẫn đến khó khăn và hạn chế trong việc vân dụng thành tựu của các lí thuyết<br />
đó vào thực tiễn. Bất cập này chỉ được khắc phục khi đặt các lí thuyết trong khuôn mẫu tư<br />
duy hệ thống, với đặc trưng là tiếp cận toàn thể, tương tác, đa chiều và tính vượt trội.<br />
Từ khóa: Tư duy cơ giới, hệ thống, tư duy hệ thống, lí thuyết phát triển tâm lí người, sự<br />
phát triển tâm lí người theo tiếp cận hệ thống.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Từ khi trở thành khoa học độc lập, Tâm lí học đã có nhiều lí thuyết (Patriccia H. Miler [7],<br />
Bary D.Smith- Harod J. Vetter [10], Phan Trọng Ngọ [8]). Trong đó có những lí thuyết đóng vai<br />
trò nền tảng. Thậm chí, trong hệ thống khoa học, có học thuyết được sánh ngang với Thuyết thiên<br />
văn của Copernicus,Thuyết tiến hóa muôn loài của Darwin (Patriccia H. Miler [7]).Vì vậy, việc<br />
nghiên cứu ứng dụng chúng rất cần đối với ai quan tâm tới sự phát triển của con người. Tuy nhiên,<br />
giống các lí thuyết khoa học khác ra đời từ nửa đầu thế kỉ XX, nhiều lí thuyết về sự phát triển<br />
tâm lí người được hình thành chủ yếu bởi khuôn mẫu tư duy cơ giới. Trong khi đó, từ những thập<br />
niên cuối thế kỉ XX, đã có sự chuyển dịch khuôn mẫu tư duy cơ giới sang tư duy hệ thống (Phan<br />
Đình Diệu [1]) và quan điểm hệ thống ngày càng chiếm ưu thế trong nghiên cứu khoa học cũng<br />
như trong thực tiễn (Jamshid Gharajedaghi [6]). Điều này đặt ra vấn đề vừa có tính tất yếu vừa cấp<br />
bách: Nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết tâm lí học đã có vào trong lĩnh vực phát triển tâm lí người<br />
theo tiếp cận hệ thống, cho phù hợp với sự tiến bộ của tư duy khoa học. Bài viết này trình bày một<br />
số nhận thức về tư duy hệ thống và việc vận dụng thành tựu khoa học của các lí thuyết phát triển<br />
tâm lí người vào thực tiễn dưới góc độ tư duy hệ thống, với mục đích trao đổi về vấn đề đổi mới tư<br />
duy trong việc tiếp cận các thành tựu khoa học.<br />
<br />
<br />
Ngày nhận bài: 5/7/2015 Ngày nhận đăng: 10/9/2015<br />
Liên hệ: Lê Minh Nguyệt, e-mail: nguyet.daihocsupham@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
63<br />
Lê Minh Nguyệt<br />
<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết phát triển tâm lí người theo tiếp cận tư<br />
duy hệ thống<br />
2.1.1. Tư duy cơ giới và ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức khoa học<br />
a. Tư duy cơ giới<br />
Tư duy cơ giới là tư duy sử dụng phương pháp phân tích để hiểu đối tượng, theo hướng bẻ<br />
vấn đề thành các cấu phần, nghiên cứu từng phần cô lập và rồi rút ra kết luận về cái toàn thể.<br />
Người có ảnh hưởng nhất tới việc định hình và phát triển tư duy cơ giới là Descartes - nhà<br />
toán học và triết học lỗi lạc của thế kỉ XVII (Trần Thái Đỉnh [2]). Cốt lõi của tư duy cơ giới là<br />
khuôn mẫu “máy móc” trong nhận thức khoa học, với nguyên lí là chia vấn đề thành các thành<br />
phần nhỏ, nghiên cứu từng phần cô lập theo logic tuyến tính, rồi từ đó lần ngược lên các bậc cao<br />
hơn để hiểu đối tượng. Những tri thức thu được từ tư duy cơ giới đều phải có tính đúng đắn một<br />
cách chắc chắn, lôgích, với giá trị nhị nguyên về tính chân lí. Trong đó mọi phán đoán đều phải<br />
hoặc đúng hoặc sai và phải được phân biệt rạch ròi.<br />
Phương pháp chủ yếu theo tư duy cơ giới là phân tích nhân tố và phán đoán. Các nội và<br />
ngoại quan hệ của đối tượng nhận thức được quy giản về các quan hệ nhân quả tuyến tính (nếu. . .<br />
thì). Các mô hình toán học được sử dụng để mô tả các quan hệ của đối tượng thích hợp với quan<br />
điểm phân tích. Vì thế các mô hình tuyến tính (mô hình cấu trúc) trở thành phổ biến. Từ đó hình<br />
thành nếp tư duy tuyến tính và sự quy giản đối tượng về các quan hệ tuyến tính.<br />
b. Ảnh hưởng của tư duy cơ giới đến nhận thức khoa học và thực tiễn<br />
Trong suốt mấy thế kỉ, nhờ khuôn mẫu tư duy cơ giới, đã hình thành và phát triển nền sản<br />
xuất công nghiệp, với hàng triệu phát minh kĩ thuật và công nghệ. Tất cả kĩ thuật, công nghệ và<br />
máy móc mà con người đã tạo ra đều hoạt động theo nguyên lí và định luật mang tính tất định, tuân<br />
thủ các quy tắc định lượng chính xác. Nếu trong nhận thức của con người không có khuôn mẫu và<br />
năng lực tư duy như vậy, thì không thể có các thành tựu kĩ thuật, công nghệ và máy móc hiện nay.<br />
Mặt khác, tư duy cơ giới đã thâm nhập và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển nhận thức<br />
khoa học, tới mức tư duy cơ giới đồng nghĩa với tư duy khoa học. Nói tới phát triển tư duy khoa<br />
học là nói tới sự phát triển năng lực phân tích, phán đoán, suy luận và tổng hợp; quy nạp và diễn<br />
dịch,... Thậm chí tư duy cơ giới ăn sâu vào tư duy xã hội. Cách nhìn đối tượng như một "bộ máy",<br />
vận hành theo các nguyên tắc cơ giới, tuân theo các định luật nhân quả mang tính tất định và nhị<br />
nguyên, là cách nhìn phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hình ảnh ẩn dụ "bộ máy"<br />
trở thành quen thuộc trong mọi liên tưởng, người ta nói đến bộ máy hành chính, bộ máy quản lí,<br />
bộ máy lãnh đạo, bộ máy hô hấp, tuần hoàn, bộ máy tâm lí v.v. (Phan Đình Diệu [1]).<br />
Phương pháp thực nghiệm, phân tích và phán đoán đã giúp ngày càng nghiên cứu sâu hơn<br />
các thành phần cơ bản của đối tượng nhận thức; đã giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc về cấu trúc của<br />
các thành phần cơ bản trong nhiều loại đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, tư duy cơ giới đã kích<br />
thích sự phát triển phương pháp mô hình hóa, mô tả các quan hệ giữa các thành phần liên quan của<br />
đối tượng.<br />
Có thể nói, tư duy cơ giới đã tác động tích cực đến sự phát triển nhận thức của nhiều ngành<br />
khoa học, đưa các ngành đó vượt ra khỏi giới hạn của các phương pháp quan sát và mô tả thông<br />
thường, để tiếp cận khả năng được "lí thuyết hoá" và phát triển bằng các công cụ của suy luận diễn<br />
dịch.<br />
<br />
64<br />
Nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết phát triển tâm lí người theo tiếp cận tư duy hệ thống<br />
<br />
<br />
Trong bối cảnh như vậy, nhiều lí thuyết về sự phát triển tâm lí người đã được ra đời và in<br />
đậm dấu ấn của tư duy cơ giới.<br />
c. Hạn chế của tư duy cơ giới<br />
Nhờ tư duy cơ giới, nhân loại đã tạo ra nhiều thành tựu khoa học kĩ thuật và công nghệ;<br />
đã định hình và phát triển phương pháp tư duy khoa học, nhất là trong vật lí học. Tuy nhiên, khi<br />
mở rộng ra ngoài phạm vi cơ giới, ta gặp ngay trong thực tế nhiều hiện tượng phi tuyến tính, phức<br />
hợp và hỗn độn, mà nhận thức cơ giới không thể giải quyết được. Một hiện tượng tâm lí (trí tuệ cá<br />
nhân chẳng hạn) phát sinh và phát triển thường được giải thích bởi sự tác động của các yếu tố từ<br />
môi trường sống (B.F. Skinner [15]), hay từ các yếu tố tự nhiên, sinh học thuộc di truyền, hoặc từ<br />
chính hoạt động và tương tác giao tiếp của cá nhân (J.Piaget [4, 5]).. . . Tuy nhiên, trong thực tế, sự<br />
phát triển trí tuệ của cá nhân không đơn giản là do sự tác động riêng rẽ của các yếu tố đó, ngay cả<br />
khi sự tác động của chúng đạt tới mức tối ưu. Sự phát triển trí tuệ của cá nhân không phải là một<br />
phương trình mà kết quả là tổng của các tác động thành phần, cho dù ta có tìm ra được vô vàn yếu<br />
tố. Rõ ràng là, với các đối tượng phức tạp và đa dạng như hiện tượng tâm lí người, với cách nhìn<br />
quy giản "cơ giới" sẽ không thể giải quyết được triệt để, cần phải có cách nhận thức mới - nhận<br />
thức theo quan điểm hệ thống.<br />
2.1.2. Quan điểm hệ thống và tư duy hệ thống<br />
a. Quan điểm hệ thống<br />
Hệ thống là một hệ các cấu phần độc lập, có quan hệ, có tương tác với nhau, tạo nên một<br />
toàn thể phức hợp và có đặc tính vượt trội (Jamshid Gharajedaghi [6]). Quan điểm hệ thống là<br />
trước hết xem xét mọi đối tượng như là một hệ thống toàn thể với những tính chất, tương tác, hành<br />
vi thuộc về toàn thể, mà không thể quy về hoặc suy ra từ tính chất của các yếu tố hay thành phần<br />
của nó.<br />
Một hệ thống có nhiều đặc tính, trong đó tính toàn thể, tính hợp trội, tính mở, tính hướng<br />
đích, tính đa chiều là điển hình (Jamshid Gharajedaghi [6]).<br />
Đặc tính đầu tiên của hệ thống là tính toàn thể. Một hệ thống không phải đặc trưng bởi số<br />
lượng các thành phần, mà là bởi mối quan hệ, sự tương tác giữa các thành phần đó. Sự tương tác<br />
mạnh giữa các thành phần sẽ tạo ra sự cộng hưởng, làm nảy sinh sức mạnh thặng dư, tức là thuộc<br />
tính hợp trội (emergence) của cả hệ thống. Đó là sức mạnh tổng hợp, không được sinh ra từ các<br />
thành phần, mà từ chính sự tương tác giữa chúng và có lực lớn hơn nhiều so với tổng số của các<br />
thành phần cộng lại. Tính toàn vẹn của hệ thống tạo ra nguyên lí: tổng thể lớn hơn tổng số.<br />
Tính mở của hệ thống phản ánh các mối tương tác giữa các thành phần của hệ thống và giữa<br />
hệ thống với các hệ thống khác. Theo Edgar Morin [3], bất kì một hệ thống nào cũng luôn tồn tại<br />
và phát triển với tư cách là hệ mở, luôn tồn tại trong một hệ thống lớn hơn, tức là trong một môi<br />
trường nào đó, trao đổi và tương tác với môi trường đó, tạo ra khả năng tự tổ chức, tự điều chỉnh,<br />
tự thích nghi, tự tái sinh của hệ thống.<br />
Tính hướng đích là sự lựa chọn có chủ đích, có mục tiêu của các thành phần và của cả hệ<br />
thống trong quá trình tương tác. Ngoài các hệ thống cơ học được đơn giản hoá và được tư duy cơ<br />
giới xem là những đối tượng vô tri, thì các hệ thống trong tự nhiên và xã hội đều là những hệ thống<br />
hướng đích, tức là phát triển hướng tới một (hoặc những) mục tiêu nào đó.<br />
Tính đa chiều là sự đa dạng các chiều cạnh của các mối tương tác, các mục đích hướng tới<br />
của các thành phần và của cả hệ thống. Trong đó các phần tử, các thành phần của hệ thống không<br />
chỉ vận động theo tuyến tính, nhị nguyên, mà còn theo phi tuyến, đa nguyên. Không chỉ theo xu<br />
<br />
65<br />
Lê Minh Nguyệt<br />
<br />
<br />
thế đối lập (tổng - không): Kỉ luật/tự do; tập thể/ cá nhân. . . mà còn theo xu thế tương hỗ (tổng -<br />
khác không), cái được của bên này kéo theo cái được của bên kia và ngược lại<br />
b. Tư duy hệ thống<br />
Tư duy hệ thống là tư duy phát triển trên nền tảng hệ thống và phản ánh bản chất và sự vận<br />
động của hệ thống. Tư duy hệ thống có các đặc trưng sau:<br />
Đặc điểm chủ yếu của tư duy hệ thống là cách nhìn đối tượng trong thế toàn thể. Điều này<br />
ngược với tư duy cơ giới, với đặc trưng chia đối tượng thành các cấu phần nhỏ, nghiên cứu từng<br />
phần cô lập theo logic tuyến tính, nhị nguyên. Theo quan điểm hệ thống, đối tượng là một hệ thống<br />
trọn vẹn. Trong đó các phần tử, các thành phần của hệ thống tương tác với nhau vừa theo tuyến<br />
tính, vừa phi tuyến; vừa nhị nguyên, vừa đa chiều, hỗn độn; vừa đối lập vừa hợp tác. . . Vì vậy,<br />
không thể quy giản về, hoặc phân tích thành những cái đơn giản, tuyến tính trên cơ sở loại bỏ các<br />
yếu tố phi tuyến, tương tác, đa chiều và hỗn độn. Chỉ có cách nhìn toàn thể mới thấy được những<br />
thuộc tính hợp trội của hệ thống, là thuộc tính của toàn thể mà từng thành phần không thể có (suy<br />
nghĩ, trí tuệ, thái độ, tình yêu, sự hận thù. . . , là những thuộc tính của một người trong toàn thể, chứ<br />
không phải là của một thành phần riêng nào trong con người đó).<br />
Tư duy hệ thống hướng vào tương tác giữa các phần tử, các thành phần của hệ thống hơn là<br />
hướng vào phân tích bản thân các phần tử, các thành phần. Theo Peter M. Senge [11], tư duy hệ<br />
thống là một nguyên lí xem xét tổng thể, là một cơ cấu xem xét các mối tương quan hơn là xem xét<br />
sự vật, xem xét các mẫu hình thay đổi hơn là một tình huống bất động. Tương tác là đặc tính của<br />
hệ thống. Tư duy hệ thống hướng vào làm rõ bản chất, loại hình, chiều hướng và mức độ các tương<br />
tác đó. Chỉ có thể làm rõ các mối tương tác của hệ thống mới phát hiện được đặc tính hợp trội của<br />
hệ thống. Vì hợp trội là sản phẩm của tương tác, qua tương tác mới tạo ra sự cộng hưởng, tạo nên<br />
những giá trị cao hơn tổng gộp đơn giản các giá trị của các thành phần. Để tạo ra những thuộc tính<br />
hợp trội có chất lượng cao của hệ thống, thì phải can thiệp vào các quan hệ tương tác, chứ không<br />
chỉ vào hành động của các thành phần. Để xác lập được mối tương tác giữa các bộ phận của hệ<br />
thống, tư duy phải luôn luôn động, phải đi theo các quan hệ tương tác. Vì vậy, tư duy hệ thống là<br />
tư duy động, khác với tư duy cơ giới là tư duy tĩnh.<br />
Tính đa chiều là một đặc điểm cốt yếu của tư duy hệ thống. Hệ thống cũng như các thành<br />
phần của hệ thống luôn luôn tồn tại và vận động theo những khuynh hướng khác nhau, đối lập<br />
nhau, tạo nên sự đa chiều của hệ thống. Tư duy hệ thống phải phản ánh được tính đa chiều đó.<br />
Tư duy đa chiều là có nhiều cách nhìn, cách hiểu về nhiều mặt, nhiều cấp độ khi tìm hiểu các hệ<br />
thống. Mỗi lí thuyết phản ánh một cách hiểu nhất định về từng mặt và từng cấp độ của một hệ<br />
thống, khi xem xét nó. Vì vậy, cần tránh áp đặt một lí thuyết cụ thể là chân lí tuyệt đối của cả hệ<br />
thống, mà nên xem mỗi lí thuyết đều có những giới hạn giải thích nhất định. Điều này càng đúng<br />
với các hệ thống tâm lí.<br />
Trong tư duy hệ thống, các phương pháp thực nghiệm khoa học và suy diễn lí thuyết (bao<br />
gồm phân tích, suy luận, phán đoán, diễn dịch và các mô hình toán học), được dùng trong tư duy<br />
cơ giới, vẫn là các phương pháp tư duy chủ đạo và được phát huy tối đa, nhưng không phải hướng<br />
đến phát hiện ra các luật cơ học có tính tất định, phù hợp với tư duy tuyến tính và quan điểm phân<br />
tích, các suy luận lôgích tất định và nhị nguyên, mà hướng đến tiếp cận cái toàn vẹn, phức tạp với<br />
những ngẫu nhiên và hỗn độn của đối tượng; hướng đến xây dựng nhiều loại mô hình khác nhau,<br />
tất định và ngẫu nhiên, tuyến tính và phi tuyến, đặc biệt là các mô hình phi tuyến, các suy luận<br />
không tất định.<br />
Những điều trình bày trên cho thấy, tư duy hệ thống không phải là mâu thuẫn, phủ nhận tư<br />
<br />
66<br />
Nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết phát triển tâm lí người theo tiếp cận tư duy hệ thống<br />
<br />
<br />
duy cơ giới mà là sự vượt qua tư duy cơ giới cho phù hợp với sự phát triển của nhận thức khoa học,<br />
đồng thời đảm nhận vai trò giải quyết những vấn đề của thực tiễn mà do sự hạn chế của thời đại, tư<br />
duy cơ giới không giải quyết được. Trong đó có vấn đề nghiên cứu, xem xét vận dụng các lí thuyết<br />
được sản sinh theo khuôn mẫu của tư duy cơ giới, dưới ánh sáng của tư duy mới.<br />
<br />
2.2. Nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết phát triển tâm lí người theo tiếp cận tư<br />
duy hệ thống<br />
Sử dụng công cụ tư duy hệ thống vào việc nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết phát triển tâm<br />
lí người sẽ mở ra nhiều khả năng và hiệu quả trong việc khai thác các thành tựu khoa học trong<br />
tâm lí học vào thực tiễn. Có thể minh chứng điều này qua việc đề cập tới bốn lí thuyết lớn dưới<br />
đây: Thuyết hành vi của J.Watson, Thuyết phân tâm của S. Freud, Thuyết phát sinh nhận thức của<br />
J.Piaget và Thuyết lịch sử - văn hóa về các chức năng tâm lí cấp cao của L.X.Vưgotxki, theo ba<br />
góc nhìn của tư duy hệ thống: cách nhìn toàn thể, tương tác và đa chiều.<br />
2.2.1. Tiếp cận, vận dụng các lí thuyết dưới cách nhìn toàn thể<br />
Điểm dễ nhận thấy ở bốn lí thuyết về sự phát triển tâm lí người nêu trên là mỗi lí thuyết có<br />
hướng tiếp cận riêng đến đối tượng nghiên cứu. Từ đó có cách lí giải riêng về sự phát triển tâm lí<br />
người.<br />
Thuyết hành vi, mà đại biểu là nhà tâm lí học Mỹ kiệt xuất người J.Watson (1878-1958) đã<br />
xuất phát từ lí thuyết về phản xạ có điều kiện để giải quyết vấn đề phát triển tâm lí trẻ em. Từ đó<br />
hàng loạt vấn đề cơ bản về sự phát triển tâm lí cá nhân được giải quyết theo hướng này: Hành vi<br />
của cá nhân chứ không phải là tâm lí, ý thức là đối tượng nghiên cứu và tác động của J.Watson.<br />
Việc phát triển cá nhân được quy giản về phát triển hành vi và yếu tố quyết định đến quá trình này<br />
thuộc về môi trường xã hội mà đứa trẻ đang sống. Và vì vậy, vấn đề cốt lõi của việc hình thành và<br />
kiểm soát hành vi cá nhân là cải tạo, kiểm soát và củng cố môi trường sống (A.Bandura [14], B.F.<br />
Skinner [15], E.C.Tolman [16]).<br />
Dưới góc độ khác, Thuyết phát sinh nhận thức của J.Piaget hướng đến hình thành các cấu<br />
trúc nhận thức của trẻ em, tức là hướng đến yếu tố tâm lí bên trong của cá nhân. Cơ chế phát sinh<br />
và phát triển các cấu trúc nhận thức được J.Piaget mô phỏng theo cơ chế đồng hóa (Assimilation),<br />
Điều ứng (Accommodation) và cân bằng (Equilibrum) có nguồn gốc sinh học. Điểm mạnh trong lí<br />
thuyết của J.Piaget là cấu trúc nhận thức của cá nhân có nguồn gốc hành động và được hình thành<br />
trong quá trình cá nhân chủ động tương tác, khám phá đối tượng và xây dựng lại các cấu trúc của<br />
đối tượng ở trong đầu. Tuy nhiên, rất tiếc, các hành động khám phá tuyệt vời của cá nhân không<br />
được J.Piaget xét trong mối tương tác với môi trường văn hóa cụ thể, môi trường mà trong đó đứa<br />
trẻ đang sống và hoạt động (J.Piaget [5, 6]).<br />
Trong lí thuyết phân tâm, đối tượng nghiên cứu của S.Freud là “cái vô thức”, là “lực lượng<br />
bản năng” sâu thẳm trong tâm hồn mỗi cá nhân. Và để nghiên cứu, khám phá “những lực lượng<br />
bản năng, vô thức” sâu thẳm đó, không phải từ những hành vi bình thường mà từ các hành vi bất<br />
bình thường, hành vi rối nhiễu, lệch lạc (S.Freud [9]).<br />
Trong số bốn lí thuyết được kể tên, thuyết lịch sử - văn hóa về các chức năng tâm lí cấp cao<br />
của L.X.Vưgotxki tiếp cận gần với tư duy hệ thống hơn cả. Chính L.X.Vưgotxki đã đề xuất và sử<br />
dụng phương pháp phân tích đơn vị thay cho phương pháp phân tích nhân tố để nghiên cứu hiện<br />
tượng tâm lí cá nhân. L.X.Vưgotxki cũng đề xuất phương án khắc phục tính cơ giới trong nghiên<br />
cứu tâm lí theo phản xạ học, cũng như bỏ qua yếu tố tương tác của trẻ em với môi trường văn hóa<br />
<br />
67<br />
Lê Minh Nguyệt<br />
<br />
<br />
- xã hội mà đứa trẻ đang sống. Theo đó, L.X.Vưgotxki đề nghị đối tượng nghiên cứu của tâm lí<br />
học là ý thức của cá nhân và việc nghiên cứu nó phải được bắt đầu và trong hoạt động thực của cá<br />
nhân đó, trong sự tương tác chẽ giữa cá nhân với người khác và với môi trường văn hóa - xã hội<br />
mà cá nhân đang sống, hoạt động. Tuy nhiên, L.X.Vưgotxki cũng không hoàn toàn ra khỏi tư duy<br />
cơ giới khi quy giản yếu tố cốt lõi trong nghiên cứu hoạt động của cá nhân thuộc về công cụ văn<br />
hóa. Coi việc học cách sử dụng các công cụ này là chìa khóa để cấu trúc các chức năng tâm lí tự<br />
nhiên thành chức năng tâm lí văn hóa (L.X.Vưgotxki [13]).<br />
Điểm qua ở mức sơ lược bốn lí thuyết tâm lí học nêu trên cũng đủ cho thấy sự đúng đắn<br />
trong cách tiếp cận đối tượng của các lí thuyết; sự phong phú, sâu sắc và chính xác của các thực<br />
nghiệm, phân tích và diễn giải của các lí thuyết gia. Mặt khác, có thể vận dụng thành tựu của các<br />
thuyết đó vào từng lĩnh vực tùy theo mục tiêu sử dụng. Tuy nhiên, nếu xét riêng rẽ, biệt lập từng lí<br />
thuyết, sẽ dễ dàng nhận ra sự thiếu hụt (thậm chí phiến diện) của mỗi thuyết về đối tượng nghiên<br />
cứu và cách quy giản sự hình thành cũng như các yếu tố tác động tới sự hình thành các chức năng<br />
tâm lí phức tạp của cá nhân. Đồng thời xuất hiện trong chúng ta cảm nhận về câu chuyện thầy bói<br />
xem voi. Nhưng thiếu hụt và cảm nhận đó hoàn toàn mất đi nếu bốn lí thuyết trên được đặt trong<br />
một toàn thể và được xét như một cấu phần có tính độc lập và tính tương tác trong toàn thể.<br />
2.2.2. Các chức năng tâm lí cá nhân chỉ được hình thành và phát triển trong các mối quan<br />
hệ tương tác đa dạng của đối tượng<br />
Các hiện tượng tâm lí phức tạp của cá nhân là thuộc tính hợp trội của hệ thống – con người<br />
toàn vẹn; là sản phẩm của sự tương tác giữa các bộ phận của con người. Vì vậy, để giải quyết bài<br />
toán về sự phát triển tâm lí cá nhân, phải xác lập được hệ các mối quan hệ tương tác đa dạng của<br />
chúng.<br />
Sử dụng khuôn mẫu tư duy cơ giới có thể “bóc tách” ra được các quan hệ tương tác của đối<br />
tượng nghiên cứu với các yếu tố (khách thể) khác trong từng lí thuyết tâm lí học nêu trên. Đồng<br />
thời sử dụng khuôn mẫu tư duy hệ thống, với cái nhìn toàn thể, có thể phát hiện sự thiếu vắng các<br />
mối tương tác cốt yếu trong mỗi lí thuyết và xác lập được các mối quan hệ tương tác một cách tổng<br />
thể. Chẳng hạn, trong tâm lí học hành vi mối tương tác chủ đạo (gần như là duy nhất) được xác lập<br />
là tương tác giữa chủ thể - môi trường. Trong đó, chủ thể được xét như là đối tượng thứ cấp. Còn<br />
hàng loạt quan hệ tương tác khác như tương tác giữa các yếu tố bẩm sinh, di truyền, kinh nghiệm<br />
. . . - với hành vi của chủ thể, với kích thích của môi trường sống. . . không được đặt ra hoặc đặt ra<br />
mờ nhạt. Trong khi đó, mối tương tác giữa cái sinh học (sự trưởng thành và cơ chế hoạt động của<br />
hệ thần kinh) - hoạt động của trẻ em để hình thành các cấu trúc nhận thức, là thế mạnh trong lí<br />
thuyết phát sinh nhận thức của J.Piaget. . .<br />
Như vậy, chỉ có thể bằng tư duy hệ thống, và từ cái nhìn toàn thể, mới có thể bao quát các lí<br />
thuyết phát triển người, sau đó sử dụng các phương pháp phân tích, suy luận và thiết lập mô hình<br />
tương tác để từ đó xác lập các quan hệ tương tác tuyến tính và phi tuyến, nhị nguyên và đa nguyên,<br />
tất yếu và ngẫu nhiên của các yếu tố trong các lí thuyết. Trên cơ sở đó xác lập được các thuộc tính<br />
hợp trội, tức là xác lập được sự tồn tại và phát triển các hiện tượng tâm lí cá nhân.<br />
2.2.3. Các chức năng tâm lí cá nhân có nhiều tiềm năng phát triển và đa chiều<br />
Là thuộc tính hợp trội của một hệ thống toàn vẹn, nên bất kì một hiện tượng tâm lí cá nhân<br />
nào đó đều “ẩn chứa” các tiềm năng và được phát triển theo nhiều chiều kích khác nhau. Điều này<br />
được quy định bởi tính đa khả năng, đa chiều của việc xác lập các mối tương tác giữa các yếu tố<br />
liên quan tới sự phát triển tâm lí cá nhân. Việc phát hiện ra các tiềm năng và chiều kích phát triển<br />
<br />
68<br />
Nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết phát triển tâm lí người theo tiếp cận tư duy hệ thống<br />
<br />
<br />
của các hiện tượng tâm lí người là chức năng và là thuộc tính của tư duy hệ thống. Trong khi đó,<br />
tư duy cơ giới, với nguyên lí chia đối tượng thành các thành phần nhỏ, nghiên cứu từng phần cô<br />
lập theo logic tuyến tính sẽ dẫn đến lu mờ và thủ tiêu các khả năng cũng như các chiều hướng<br />
phát triển của các hiện tượng tâm lí cá nhân. Chẳng hạn, tư duy cơ giới có thể tách bạch lí thuyết<br />
phát sinh nhận thức của J.Piaget với thuyết lịch sử - văn hóa về các chức năng tâm lí cấp cao của<br />
L.X.Vưgotxki, vì thế sẽ không nhìn thấy và không xác lập được các tình huống tương tác phát triển<br />
của trẻ em. Nhưng nếu đặt các lí thuyết này trong thể toàn vẹn và tương tác với nhau ta có thể lập<br />
được ma trận về sự tương tác và các khả năng phát triển của các cấu trúc nhận thức của trẻ em ở<br />
các giai đoạn lưá tuổi khác nhau với các tác động khác nhau từ phía người lớn trong các bối cảnh<br />
văn hóa khác nhau.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Trong quá trình tiến hóa, nhận thức khoa học của loài người đã chuyển từ khuôn mẫu tư duy<br />
cơ giới lên khuôn mẫu tư duy hệ thống. Đó là tư duy phát triển trên nền tảng quan điểm hệ thống.<br />
Là tư duy sử dụng các phương pháp thực nghiệm, suy luận khoa học, mô hình hóa để phản ánh<br />
các đặc trưng cơ bản của hệ thống là tính toàn vẹn, tính tương tác, tính hợp trội, tính hướng đích và<br />
đa chiều của hệ thống. Ngày nay, tư duy hệ thống đang trở thành công cụ nhận thức sắc bén trong<br />
nghiên cứu khoa học và trong thực tiễn.<br />
Trong khoa học tâm lí, có nhiều lí thuyết phát triển tâm lí người đóng vai trò là nền tảng<br />
cho cả hệ thống tâm lí học nói chung, tâm lí học phát triển nói riêng. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử,<br />
nhiều lí thuyết được ra đời dưới sự tác động của tư duy cơ giới. Vì vậy, phát huy được thành tựu<br />
khoa học lớn lao của các lí thuyết đó và mang lại hiệu quả tối ưu khi vận dụng vào thực tiễn, cần<br />
thiết phải sử dụng tư duy hệ thống. Việc sử dụng công cụ tư duy hệ thống vào việc nghiên cứu ứng<br />
dụng các lí thuyết phát triển tâm lí người vào thực tiễn sẽ mở ra tiềm năng to lớn và đa chiều trong<br />
việc phát triển tâm lí cá nhân.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Phan Đình Diệu, 2002. Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy. Tạp chí Thời đại, số 6/2002,<br />
tr.89-116.<br />
[2] Trần Thái Đỉnh, 2005. Triết học Descartes. Nxb Văn học.<br />
[3] Edgar Morin, 2009. Nhập môn tư duy phức hợp. Nxb Tri thức.<br />
[4] G. Piagie, B. Inhelder, Vĩnh Bang, 2000. Tâm lí học trẻ em và ứng dụng tâm lí học Piaget vào<br />
trường học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.<br />
[5] G. Piagie, 1997. Tâm lí học trí khôn. Nxb Giáo dục, Hà Nội.<br />
[6] Jamshid Gharajedaghi, 2005. Tư duy hệ thống (quản lí hỗn độn và phức hợp). Nxb Khoa học<br />
Xã hội<br />
[7] Patriccia H. Miler, 2003. Các thuyết về tâm lí học phát triển. Nxb Văn hoá Thông tin.<br />
[8] Phan Trọng Ngọ, 2003. Các lí thuyết phát triển người. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.<br />
[9] S. Freud, 1970. Nhập môn phân tâm học. Nxb Khai trí – Sài Gòn.<br />
[10] Bary d. Smith – Harold J.Vetter, 2005. Các học thuyết nhân cách. Nxb Văn hoá Thông tin.<br />
[11] Peter M.Senge, 2010. Nguyên lí thứ năm (Nghệ thuật và thực hành tổ chức học tập). Nxb<br />
Thời đại.<br />
[12] Nguyễn Thơ Sinh, 2008. Các học thuyết tâm lí nhân cách. Nxb Lao động.<br />
[13] L.X.Vưgôtxki, 1997. Tuyển tập Tâm lí học. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.<br />
[14] A. Bandura, 1997. Social learning theory. Prentice – Hall.<br />
<br />
69<br />
Lê Minh Nguyệt<br />
<br />
<br />
[15] B.F. Skinner, 1953. Science And Human Behavior. The Pree Press and colophon are<br />
trademarks of Simon & Shuster.<br />
[16] E.C. Tolman, 1959. Priciples of purposive behavior. Mc Gaw - Hill, New York.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
Applying theories of human psychological development to systematic thinking<br />
In developmental psychology, there are many theories on human psychological<br />
development. However, many of these theories are based on the mechanical thinking model<br />
with the general principle that individual psychological development is divided into small<br />
components, each studied separately. Therefore, although these theories provide a picture of<br />
individual psychology development abundantly, vividly and in detail, each theory in itself does<br />
not present the nature, mechanism and laws of individual psychological development. Thus it is<br />
difficult to apply these theories to reality. And yet this inadequacy can be overcome by placing<br />
these theories in a systematic thinking model that can include the entirety and be interactive and<br />
multidimensional.<br />
Keywords: Mechanical thinking, system, systematic thinking, theory of human<br />
psychological development using a systematic approach.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
70<br />