
KẾT CẤU - CÔNG NGHỆ XÂY DỰNG
Tạp chí KHCN Xây dựng - số 4/2024 3
PHÂN HẠNG NGUY HIỂM CHÁY VÀ CHÁY NỔ CHO NHÀ SẢN XUẤT
CÓ NGUY CƠ NỔ BỤI TẠI VIỆT NAM
FIRE AND EXPLOSION HAZARD CLASSIFICATION FOR MANUFACTURING
BUILDINGS WITH DUST EXPLOSION RISK IN VIETNAM
CAO DUY KHÔIª,*
ªViện Khoa học công nghệ xây dựng
*Tác giả đại diện: Email: cdkhoi@gmail.com
Ngày nhận 05/12/2024, Ngày sửa 27/12/2024, Chấp nhận 30/12/2024
https://doi.org/10.59382/j-ibst.2024.vi.vol4-1
Tóm tắt: Bài báo trình bày một số nội dung về bản
chất của hiện tượng nổ bụi trong sản xuất công
nghiệp, mức độ nguy hiểm của nó và việc xét đến
hiện tượng nổ bụi trong thiết kế an toàn cháy cho nhà
sản xuất tại Việt Nam thông qua phân hạng nguy
hiểm cháy và cháy nổ cho các gian phòng và nhà sản
xuất có chứa bụi cháy.
Từ khóa: Bụi cháy, nổ bụi, hạng nguy hiểm cháy
và cháy nổ.
Abstract: The article presents some contents
about the dust explosion phenomenon in industrial
production, its danger level and the consideration of
dust explosion phenomenon in fire safety design for
manufacturers in Vietnam through fire and explosion
hazard classification for manufacturing rooms and
buildings containing combustible dust.
Keywords: Combustible dust, dust explosion,
categories of fire and explosion hazards.
1. Hiện tượng nổ bụi
Nhiều nhà sản xuất trong quá trình tạo ra sản
phẩm đồng thời sinh ra các bụi cháy (bụi được đề
cập trong bài báo này được hiểu là bụi cháy). Nếu
các bụi cháy này được tích lũy đến một ngưỡng nào
đó thì có nguy cơ gây nổ với một nguồn lửa ban đầu.
Các hạt bụi lơ lửng trong không khí, do kích thước
nhỏ nên rất dễ bắt cháy, và với mật độ đủ lớn thì sẽ
gần như bắt cháy đồng thời tạo thành đám mây lửa
kéo theo sóng áp suất (sóng nổ). Thời gian từ khi bắt
đầu có mồi lửa đến khi tạo thành hiện tượng nổ bụi
có thể chỉ trong khoảng 200 ms [1]. Áp suất nổ, tùy
thuộc vào lượng bụi bay và tính chất của bụi, có thể
dẫn đến hư hại cho kết cấu, sập đổ nhà xưởng [2].
Do thời gian diễn ra nổ bụi rất ngắn, nên con người
đang trong khu vực nguy hiểm nổ bụi có nguy cơ cao
không kịp thoát nạn, dẫn tới bị tổn thương vì nhiệt và
áp suất nổ, thậm chí tử vong [2].
a. Điều kiện cơ bản của nổ bụi
Nếu như các điều kiện để hình thành và phát triển
một đám cháy thông thường được thể hiện qua tam
giác cháy gồm nhiên liệu – ô xy – nguồn lửa, thì đối
với nổ bụi, các điều kiện được thể hiện qua ngũ giác
nổ bụi (Hình 1), gồm: Bụi cháy (combustible dust) –
sự hạn chế đám mây bụi trong một không gian
(confinement) - sự phân tán của bụi (dispersion) –
nguồn lửa (ignition) – ô xy. Thiếu dù chỉ một trong
các điều kiện này thì không xảy ra nổ bụi. Trong đó
các yếu tố bụi cháy - sự hạn chế đám mây bụi trong
một không gian - sự phân tán của bụi có liên hệ chặt
chẽ với nhau và được đánh giá dựa trên các đặc
điểm của bụi cháy hình thành và tích lũy trong quá
trình sản xuất.
Hình 1. Ngũ giác nổ bụi [3]
b. Những loại hình sản xuất có nguy cơ nổ bụi
Theo một số thống kê trên thế giới [2], thì các loại
hình sản xuất sau đã xảy ra hiện tượng nổ bụi (Bảng
1).