intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

MÔI TRƯỜNG AN TOÀN

Chia sẻ: Nguywn Uyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

135
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sống trong môi trường an toàn là điều mong ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại chấn thương (tai nạn thương tích) vẫn thường xuyên xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Chấn thương được chia thành hai loại: chấn thương chủ ý và chấn thương không chủ ý.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: MÔI TRƯỜNG AN TOÀN

  1. BÀI 1 - MÔI TRƯỜNG AN TOÀN MỤC TIÊU Sau khi học xong bài này, học viên có khả năng: 1. Trình bày được khái niệm cơ bản về chấn thương, dự phòng chấn thương và các vấn đề môi trường an toàn 2. Áp dụng ma trận Haddon để phân tích được nguyên nhân của một số loại chấn thương không chủ ý ở gia đình và nơi công cộng 3. Áp dụng được một số giải pháp đảm bảo môi trường an toàn ở cộng đồng 1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA MÔI TRƯỜNG AN TOÀN Sống trong môi trường an toàn là điều mong ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại chấn thương (tai nạn thương tích) vẫn thường xuyên xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Chấn thương được chia thành hai loại: chấn thương chủ ý và chấn thương không chủ ý. Các chấn thương chủ ý bao gồm giết người, hành hung, tự tử, hành hạ trẻ em, hãm hiếp và những hành động bạo lực khác. Chấn thương cũng có thể là không chủ ý thường xuất hiện bất ngờ, do nhiều loại nguyên nhân khác nhau và gây tổn thương hoặc tử vong cho một hoặc nhiều người. Một số ví dụ về chấn thương không chủ ý phổ biến như chấn thương giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật v.v. Trong bài này chỉ đề cập đến những loại chấn thương không chủ ý và xẩy ra ở ngoài nơi làm việc. Những năm gần đây, các chấn thương không chủ ý là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Mỹ đối với những người dưới 44 tuổi và là nguyên nhân đứng thứ năm trong tất cả các trường hợp tử vong ở Mỹ (CDC 2006). Các nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật ở các nước trên thế giới như Mỹ, Ôxtrâylia, Thái Lan v.v. cho thấy chấn thương không chủ ý đang nổi lên là nguyên nhân chính của gánh nặng bệnh tật tại những nước này. Ở Việt Nam, Trường Đại học Y tế công cộng cùng với các trường Y và các viện nghiên cứu Y học ở Việt Nam đã tiến hành cuộc điều tra cộng đồng ở qui mô quốc gia đầu tiên về chấn thương năm 2001 cho thấy chấn thương đang dần trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở Việt Nam (Báo cáo VMIS 2003). Theo báo cáo VMIS (2003) trong năm 2001, cứ 100.000 người thì có gần 90 người bị tử vong do chấn thương và khoảng gần 5.500 người khác phải nghỉ việc hoặc cần đến can thiệp về y tế do chấn thương, tương đương mỗi ngày có khoảng 200 trường hợp tử vong do chấn thương và trên 10.000 trường hợp bị chấn thương không gây tử vong. Khi xét các 1
  2. nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tử vong thì chấn thương gây ra 33,1% số trường hợp tử vong, bệnh mãn tính gây ra 57,3%, trong khi đó bệnh truyền nhiễm chỉ gây ra 9,6%. Các nguyên nhân chấn thương chủ yếu ở Việt Nam bao gồm chấn thương do giao thông, đuối nước, ngã, chấn thương do vật sắc nhọn và ngộ độc. Trong đó, chấn thương do giao thông là nguyên nhân có tỉ suất lớn nhất ở cả nhóm chấn thương tử vong và không tử vong trên toàn bộ quần thể. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng gây tử vong và bệnh tật ở nhóm tuổi trẻ em. Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (2007) chỉ tính riêng số tai nạn giao thông trong năm 2006, cả nước đã xảy ra 14.161 vụ làm chết 12.373 người và bị thương 11.097 người. Đuối nước là nguyên nhân chấn thương tử vong có tỉ suất lớn thứ hai trong quần thể và lớn nhất trong nhóm trẻ em. Ở riêng nhóm tuổi dưới 19, chấn thương đã thực sự trở thành nguyên nhân có tỉ lệ tử vong lớn nhất. Trong năm 2001, cứ 100.000 trẻ thì có gần 84 trẻ bị tử vong, cao gấn hơn năm lần so với số tử vong do bệnh truyền nhiễm (14,9/100.000) và gấp hơn bốn lần so với bệnh không truyền nhiễm (19,3/100.000). Với chấn thương không tử vong, đã có khoảng 4818 trẻ trên 100.000 trẻ bị thương trong năm đó, tương đương với gần 5% số trẻ ở Việt Nam. Thiệt hại do các loại chấn thương gây ra ước tính khoảng 30 nghìn tỷ đồng Việt Nam (gần 2 tỷ đô la Mỹ) mỗi năm, ngoài ra còn để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội trong việc chăm lo cho những người tàn tật, mất sức lao động. Như vậy, các số liệu thống kê cho thấy chấn thương không chủ ý đã trở thành một trong mười nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nước ta hiện nay. Việc thống kê, phân tích các trường hợp chấn thương không chủ ý cho phép tìm ra những nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương để từ đây đề ra những biện pháp dự phòng tích cực. Có rất nhiều yếu tố liên quan đến môi trường sống và sẽ tác động tới vấn đề chấn thương ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tạo ra môi trường an toàn là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế các chấn thương không chủ ý, xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày. Các phần tiếp theo của bài này sẽ đề cập đến khái niệm chấn thương và các biện pháp đảm bảo môi trường an toàn khi ở nhà, khi tham gia giao thông, vui chơi giải trí, tại trường học v.v. để dự phòng chấn thương. 2. KHÁI NIỆM CHẤN THƯƠNG VÀ MA TRẬN HADDON TRONG DỰ PHÒNG CHẤN THƯƠNG 2.1. Khái niệm chấn thương Theo Tổ chức Y tế thế giới, chấn thương là những tổn hại thể chất đối với cơ thể do năng lượng được chuyển sang cơ thể lớn quá mức chịu đựng, như do lửa hoặc chất độc, hoặc do cơ thể không có đủ năng lượng thiết yếu như ôxy hoặc nhiệt. Theo J. J. Gibbons (1961), tất cả mọi hiện tượng chấn thương đều nằm trong những tác động có hại của 5 dạng năng lượng là động năng, cơ năng, hoá năng, điện năng, bức xạ và nhiệt năng, trong đó cơ năng là nguyên nhân gây chấn thương phổ biến nhất. 2
  3. Ở Việt Nam, thường sử dụng khái niệm “tai nạn thương tích”. Tai nạn (từ tiếng Anh là accident) là một sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, do một tác nhân bên ngoài gây nên các chấn thương/thương tích cho cơ thể về thể chất hay tâm hồn của nạn nhân. Thương tích/chấn thương (từ tiếng Anh là injury) thì theo Tổ chức Y tế Thế giới đó không phải là tai nạn mà là sự tổn thương của cơ thể ở các mức độ khác nhau gây nên, bởi tiếp xúc đột ngột với các nguồn năng lượng (có thể là các tác động cơ học, nhiệt, hóa chất, chất phóng xạ...) quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể hoặc do cơ thể thiếu các yếu tố cần thiết cho sự sống như thiếu ôxy, mất nhiệt. Thương tích/chấn thương có thể lý giải được và có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, khó có thể phân định rõ ràng giữa hai khái niệm tai nạn và thương tích cho nên các tổ chức, ban ngành làm việc trong lĩnh vực này cũng như cộng đồng thường gọi chung là “tai nạn thương tích”. Trong bài này tác giả sử dụng cụm từ “chấn thương” cũng với ý nghĩa tương tự như cụm từ “tai nạn thương tích” được Bộ Y tế cũng như các ban ngành liên quan sử dụng. 2.2. Ma trận Haddon trong dự phòng chấn thương Jr. William Haddon (1970) đã xây dựng ma trận Haddon gồm 3 hàng và 3 cột, là một mô hình kết hợp các lý thuyết cơ bản của Y tế công cộng như lý thuyết về mối quan hệ giữa “con người –yếu tố gây bệnh-môi trường” với khái niệm về dự phòng cấp một, dự phòng cấp hai và dự phòng cấp ba để kiểm soát vấn đề chấn thương giao thông. Trong ma trận này, Haddon chia chấn thương giao thông thành 3 giai đoạn (phases), tương ứng cho 3 hàng, đó là: giai đoạn trước khi xẩy ra đâm xe/va quệt (pre- crash), giai đoạn xẩy ra đâm xe (crash) và giai đoạn sau khi xẩy ra đâm xe (post-crash). Sau này, 3 thuật ngữ này được đổi thành “giai đoạn tiền sự cố” (pre-event); “khi sự cố xẩy ra” (event) và “sau khi sự cố xẩy ra” (post-event) để mô tả các giai đoạn của nhiều loại chấn thương khác nhau (Runyan 1998). Ở mỗi gian đoạn đều có giải pháp chiến lược phòng ngừa tương tứng (Haddon 1980). Mục đích của các giải pháp can thiệp ở giai đoạn tiền sự cố là giúp ngăn ngừa không để xẩy ra những sự kiện gây chấn thương; ở giai đoạn xẩy ra sự cố là nhằm ngăn ngừa chấn thương cũng như mức độ trầm trọng của chấn thương trong khi sự kiện xẩy ra; còn những can thiệp ở giai đoạn sau khi sự cố đã xẩy ra là để ngăn ngừa mức độ trầm trọng thêm hoặc mức độ tàn phế khi chấn thương đã xẩy ra. Các yếu tố tương ứng cho 3 cột đó là các nguyên nhân có thể gây ra chấn thương. Cột “Con người” bao gồm các yếu tố liên quan đến bản thân người có nguy cơ bị chấn thương. Cột “phương tiện” chính là phương tiện mà người đó đang điều khiển, là vật truyền năng lượng ở dạng động năng hoặc cơ năng, hóa năng, điện năng, bức xạ, hay nhiệt năng tới con người và gây ra chấn thương. Cột “môi trường vật lý, kinh tế-xã hội” bao gồm tất cả các đặc điểm của nơi xẩy ra chấn thương (ví dụ đường sá, nhà cửa, sân chơi v.v.), cũng như những giá trị văn hóa, các quan niệm xã hội, các quy định pháp lý, tiêu chuẩn, luật lệ về an toàn và dự phòng chấn thương v.v. (xem ví dụ ở 3
  4. Bảng1.1.). Trong thực tế, cột thứ 3 “môi trường vật lý, kinh tế-xã hội” có thể chia thành hai cột riêng biệt đó là: “môi trường vật lý” và “môi trường kinh tế-xã hội” và ma trận Haddon trở thành Bảng ma trận gồm 12 ô (3 hàng x 4 cột). Bảng 1.1. Áp dụng ma trận Haddon trong dự phòng chấn thương giao thông Yếu tố con người Phương tiện Môi trường vật lý, kinh tế – xã hội Thị lực kém, sức khỏe Phanh, đèn, còi, gương, Đường hẹp, chất lượng Trước không đảm bảo. đồng hồ báo tốc độ, đường xấu, đường cao khi sự săm, lốp v.v. không đảm tốc bị rải đinh, hệ thống cố xẩy Phản ứng chậm, thiếu bảo chất lượng đèn giao thông không ra kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động, không có điều khiển phương tiện, Không có thiết bị cảnh biển báo phù hợp, phân điều khiển ô tô/xe máy báo sớm luồng đường giao thông khi chưa có bằng lái. không hợp lý, thời tiết Xe chở quá trọng tải xấu… Không tuân thủ luật an quy định, chở các chất toàn giao thông: say gây cháy, nổ Quan niệm xã hội không rượu, sử dụng ma túy, lên án các hành vi đua Phương tiện khó điều đua xe, phóng nhanh xe trái phép, vượt đèn khiển, thiết kế không vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đỏ, phóng nhanh vượt phù hợp với tầm vóc của ẩu, lái xe say rượu v.v. vừa lái xe vừa nghe điện người điều khiển thoại di động Không có/không áp dụng nghiêm luật về an Lái xe trên một quãng toàn giao thông, giới hạn đường dài v.v. về tốc độ, Không đội mũ bảo hiểm Dây an toàn, túi khí Không có thành lan can Khi sự (khi đi xe máy, xe đạp), không hoạt động. Mũ an toàn, hoặc có nhưng cố xẩy không thắt dây an toàn bảo hiểm không đảm thiết kế/xây dựng không ra (khi lái xe ô tô) bảo chất lượng đảm bảo chất lượng; Yếu tố về tuổi, giới Tốc độ của xe ngay Không có luật lệ, tiêu trước khi sự cố xẩy ra chuẩn quy định đội mũ bảo hiểm, thắt dây an Kích cỡ của phương tiện toàn khi điều khiển phương tiện Đối tượng dễ bị tổn Bình đựng nhiên liệu Thiếu phương tiện liên Sau 4
  5. thương (ví dụ trẻ em, không đảm bảo chất lạc, hệ thống sơ cấp cứu khi sự người già, phụ nữ mang lượng gây cháy nổ khi phản ứng chậm, chất cố xẩy thai) xẩy ra đâm xe lượng kém, thiếu sự ra quan tâm và đầu tư cho Tình trạng sức khỏe hệ thống sơ cấp cứu trước khi xẩy ra chấn chấn thương, thiếu các thương dịch vụ phục hồi chức năng. Địa vị/tầng lớp trong xã hội 3. CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG AN TOÀN 3.1. Môi trường an toàn khi ở nhà Phần lớn cuộc đời của một con người là sống ở trong nhà và xung quanh nhà. Trẻ em sinh hoạt ở nhà gần 90% tổng số thời gian của chúng. Khi lớn lên, trẻ đi học, thời gian trẻ sống ở nhà ít dần. Ở tuổi lao động, ngoài thời gian đi làm, con người chủ yếu sống và nghỉ ngơi ở nhà. Khi về hưu, người cao tuổi có hơn 90% thời gian là sống ở nhà. Lứa tuổi nhỏ nhất và lứa tuổi già nhất trong gia đình là những người có nguy cơ bị chấn thương ở nhà nhiều nhất. Chấn thương khi ở nhà được hiểu là một chấn thương xảy ra trong phạm vi khu vực nhà ở đối với các thành viên của gia đình hoặc những người khách được mời của gia đình (Monroe T. Morgan 1997). 3.1.1. Chấn thương do ngã Ngã là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và chấn thương ở các lứa tuổi, đặc biệt là người già và trẻ em. Theo VMIS (2003) thì ngã là nguyên nhân đứng thứ hai sau tai nạn giao thông gây ra chấn thương không tử vong ở Việt Nam và ước tính mỗi năm toàn quốc có hơn một triệu người bị ngã mà có ảnh hưởng đến công việc, học tập hay cần chăm sóc y tế. Trẻ em ngã Theo báo cáo VMIS (2003), ngã là nguyên nhân chính gây ra chấn thương không tử vong ở trẻ em, với tỉ lệ 1322,1 ca/100.000 dân, tương đương 430.000 ca mỗi năm hay khoảng 1200 ca mỗi ngày. Ngã cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em với tỉ lệ 4,7/100.000 tương đương 1500 ca mỗi năm và 4 ca mỗi ngày. Rất nhiều trường hợp trẻ em ngã liên quan đến đồ vật trong nhà. Ví dụ, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 9.000 trẻ chấn thương do nằm nôi, 8.000 trẻ bị chấn thương do ghế 5
  6. cao, 22.000 trẻ bị chấn thương do giường tầng. Phần lớn số này là do ngã. Cho tới 15 tháng tuổi, trẻ ngã khi tập đi khá phổ biến, 92% các trường hợp ngã tập đi là chấn thương ở đầu hoặc mặt. Các đồ vật sắc nhọn, bàn đựng cốc uống nước, mảnh thuỷ tinh vỡ ở sân chơi v.v. khi trẻ ngã xuống có thể gây thương tích ở phần mềm. Ở tuổi lớn, thường trên 5 tuổi, trẻ còn hay bị ngã do leo trèo cửa sổ, cây cối. Biện pháp đề phòng: gửi trẻ ở các nhà trẻ, trẻ nhỏ phải được người lớn trông coi, các đồ vật trong nhà được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, nền nhà không trơn, áp dụng tốt mô hình ngôi nhà an toàn, nhà vệ sinh thân thiện với trẻ em v.v. Người già ngã: Không giống như trẻ em, người già ngã có thể dẫn đến tử vong. Tỷ lệ chết do ngã ở người già từ 75 tuổi trở lên lớn gấp 12 lần tỷ lệ chết do ngã ở tất cả các lứa tuổi khác. Có hơn 1/3 số người già trên 65 tuổi bị chấn thương do ngã mỗi nă m và chỉ tính riêng năm 2003 đã có hơn 13.700 người già trên 65 tuổi ở Mỹ bị tử vong và 1,8 triệu người già khác phải nhập viện điều trị do ngã (CDC 2003, Hausdorff và cộng sự 2001). Năm 2004, gần 85% các trường hợp tử vong do ngã xẩy ra ở những người 75 tuổi trở lên (CDC 2006). Tại Mỹ, chi phí trực tiếp của chấn thương do ngã ở người già năm 2000 vào khoảng 19 tỉ đô la Mỹ và với tỉ lệ người già đang ngày càng gia tăng, chi phí này ước tính sẽ lên tới 43,8 tỉ đô la vào năm 2020 (Stevens và cộng sự 2006). Nguy cơ phải nằm bệnh viện do ngã ở người già gấp gần 7 lần các lứa tuổi khác. Có nhiều yếu tố làm cho người già dễ bị ngã: cơ xương yếu, mắt kém, đất gồ ghề, cầu thang khó đi, thiếu ánh sáng v.v. Biện pháp dự phòng: người già nên có người theo dõi, chăm sóc, đi lại yếu nên chống gậy, các lối đi trong và ngoài nhà phải rộng, cầu thang làm bậc không cao quá 25cm, độ chiếu sáng trong nhà và các lối đi đảm bảo, nhà tắm nhà tiêu khô ráo, không trơn trượt. Tập thể dục dưỡng sinh nâng cao sức khoẻ cũng là một giải pháp tốt phòng chấn thương ở tuổi già. Ngoài ra, người già cần được khám mắt ít nhất mỗi năm một lần. 3.1.2. Chấn thương do cháy, bỏng Theo Karter (2006), 80% số ca tử vong do cháy là xẩy ra ở nhà và chỉ tính riêng năm 2005 thì các đơn vị phòng cháy chữa cháy ở Mỹ đã đáp ứng với khoảng 396.000 vụ cháy nhà dân và có 3.030 trường hợp bị tử vong (không kể lính cứu hỏa) và 13.825 người bị thương. Cứ khoảng 2 giờ thì có một người chết và cứ 29 phút trôi qua là có 1 người bị thương do cháy (Karter 2006). Trong các vụ cháy thì phần lớn các nạn nhân bị tử vong do khói và các khí độc chứ không phải chỉ do bỏng (Hall 2001). Tại các nước phát triển thì hoả hoạn và bỏng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do chấn thương không chủ ý và là nguyên nhân đứng thứ 3 về chấn thương gây tử 6
  7. vong ở nhà (Runyan 2004). Số người da đen, người nghèo, người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 4 tuổi và người sống ở vùng nông thôn có tỷ lệ chết trung bình do hoả hoạn gấp 2- 3 lần tỷ lệ chết trung bình do hoả hoạn của cả nước (CDC 2007). Cũng theo CDC (2007), gần một nửa số ca tử vong do cháy nhà xẩy ra ở các gia đình không sử dụng thiết bị cảnh báo cháy; hầu hết các vụ cháy khu dân cư xẩy ra vào các tháng mùa đông; và lạm dụng rượu là nguyên nhân của 40% số ca tử vong do cháy nhà dân. Ở Việt Nam không có những số liệu thống kê chính thức về số ca tử vong do hoả hoạn, đặc biệt là tử vong người già và trẻ em. Nhưng các vụ hoả hoạn ở các khu dân cư, chợ vẫn xẩy ra hàng năm, nhất là vào những mùa hanh khô, điển hình là vụ cháy chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, vụ cháy khu Trung tâm Thương mại Quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh, các vụ cháy lẻ tẻ ở các khu dân cư tập trung của thành phố Hồ Chí Minh, v.v... Để kiểm soát được vấn đề này, cần thực hiện các biện pháp sau: Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng điện ở gia đình - Cẩn thận khi sử dụng bếp ga, bếp dầu hoặc hút thuốc lá ở gia đình - Từng hộ gia đình có phương tiện chữa cháy sẵn sàng - Thường xuyên tập dượt các tình huống chữa cháy và cứu nạn ở khu dân cư khi - hoả hoạn xẩy ra. Luôn sẵn sàng phòng cháy chữa cháy ở các khu thương mại, chợ và cần có - đường nước cứu hoả riêng. Khi thiết kế khu thương mại, chợ, khu vực dân cư phải chú ý thiết kế cơ sở hạ tầng cho xe cứu hoả. Nâng cao nhận thức của người dân và người người kinh doanh về công tác - phòng cháy, chữa cháy. 3.1.3. Ngộ độc Theo CDC (2005), năm 2003 ở Mỹ có 28.700 ca tử vong do ngộ độc, trong đó 5.543 ca (chiếm 19,3%) là do chủ ý, 19.457 ca (chiếm 67,8%) là không chủ ý và 3.700 ca (chiếm 12,9%) là không xác định được có chủ ý hay không chủ ý. Các trung tâm kiểm soát độc chất ở Mỹ báo cáo khoảng hai triệu ca ngộ độc không chủ ý (Watson et al. 2005). Nếu tính riêng các ca tử vong do chấn thương không chủ ý thì ngộ độc là nguyên nhân thứ hai, chỉ đứng sau chấn thương giao thông. Ở Việt Nam, các trường hợp ngộ độc ở gia đình chủ yếu là ngộ độc lương thực, thực phẩm do không đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến, bảo quản hoặc bị ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc chuột do ăn uống nhầm, hoặc ngộ độc do các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Việc mua bán, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng hoặc đã bị cấm sử dụng cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, 7
  8. từ năm 2001 đến 2005, cả nước đó xảy ra 990 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.201 người bị ngộ độc, trong đó đó có 265 người tử vong. Trong số này có nhiều người bị ngộ độ do sử dụng các hoa quả, rau ngấm độc thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm không khí trong nhà bởi các khí độc CO, SO2, CO2 cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dân. Biện pháp dự phòng ngộ độc là quản lý chặt chẽ và an toàn tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật, đặt bếp than ở chỗ thoáng gió, tốt nhất là loại trừ hẳn chúng ra khỏi khu vực nhà ở, thay thế bằng các loại bếp khác ít độc hại hơn. Giáo dục cho mọi thành viên trong gia đình ý thức đề phòng ngộ độc. Để đề phòng ngộ độc thực phẩm các bà nội trợ cần chọn thực phẩm tươi sống, bảo quản chế biến đúng cách, nấu chín khoảng 1000C trong 10 phút; rau sống, trái cây cần phải rửa bằng nước sạch nhiều lần, ngâm dung dịch nước muối hoặc thuốc tím, rửa lại bằng nước sạch trước khi ăn. Nhân viên chế biến thực phẩm cần phải thực hiện các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như mang găng tay, đeo khẩu trang, nhân viên phục vụ cần phải tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ; họ phải được khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần). Nên tránh ăn các loại hải sản sống (tôm, mực, cá… thái mỏng, ướp lạnh ăn với mù tạt). Đậy kín các loại thức ăn, không ăn các loại thực phẩm thừa, ôi thiu, quá hạn sử dụng, không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống v.v.. Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng đã được thành lập và ngày càng phát huy vai trò tích cực trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ba loại chấn thương phổ biến ở nhà được kể trên đây còn có nhiều loại chấn thương khác cũng thường xẩy ra ở nhà như chấn thương do vật sắc nhọn, đuối nước, điện giật, súc vật cắn v.v. Bảng 1.2. mô tả một số giải pháp để xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn, dự phòng chấn thương theo khuyến cáo của Chương trình phòng chống tai nạn thương tích (Bộ Y tế 2005). Bảng 1.2. Mô hình ngôi nhà an toàn – một số biện pháp dự phòng chấn thương tại nhà Các loại chấn thương Biện pháp dự phòng § Ban công, cửa sổ cần có cửa chắn, cầu thang cần có tay Ngã vịn § Thềm nhà xuống sân nếu cao quá cần có bậc thềm phụ § Nền nhà bằng phẳng, không bị trơn trượt § Ao hồ, hố vôi, bể bơi phải có hàng rào. Đuối nước § Giếng, bể, lu đựng nước phải có nắp đậy chắc chắn. § Không để trẻ tắm một mình § Dao, kéo và các vật dùng sắc nhọn cần để gọn gàng tại Chấn thương do vật đúng nơi quy định, ngoài tầm với của trẻ sắc nhọn 8
  9. § Khu vực bếp phải có cửa ngăn hoặc rào quanh bếp nếu Bỏng bếp trên sàn nhà § Cần có người trông trẻ § Người bị bệnh động kinh nên hạn chế đến gần nơi có nguy cơ gây bỏng như bếp, nơi để thức ăn nóng v.v. § Cầu dao, ổ cắm điện phải đặt ở nơi trẻ không với tới. Điện giật § Dụng cụ, thiết bị điện phải đảm bảo an toàn: không hở mạch điện, dây điện. § Không để trẻ chơi các đồ chơi dễ hóc sặc như hòn bi, Hóc sặc các đồ chơi có kích cỡ nhỏ để phòng ngạt thở, hóc, sặc. § Thuốc chữa bệnh phải để ở trong hộp ngoài tầm với của Ngộ độc trẻ em. § Chất độc, thuốc trừ sâu, chất tẩy, xăng, dầu hoả... phải đựng trong các bình, chai đựng có nhãn đề rõ ràng và để ở nơi riêng. § Không thả rông súc vật và không để trẻ chơi đùa với Súc vật cắn súc vật nuôi trong nhà. § Súc vật phải được tiêm phòng, ra đường phải rọ mõm. Nguồn Bộ Y tế, 2005 3.2. Môi trường an toàn khi tham gia giao thông Trong thời đại phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, đô thị hoá trên khắp cả nước, nhu cầu đi lại và vận chuyển ngày càng tăng, sự giao lưu giữa các vùng miền, các quốc gia diễn ra nhộn nhịp thì giao thông vận tải ngày càng đóng vai trò then chốt. Các phương tiện vận chuyển ngày càng nhiều, đa dạng về chủng loại, sức tải phương tiện lớn và tốc độ nhanh. Ở Việt Nam trong những năm vừa qua tình hình cũng diễn ra tương tự. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành giao thông vận tải nhưng thiếu quy hoạch phù hợp đã dẫn đến thực trạng chấn thương giao thông xẩy ra thường xuyên và có xu hướng ngày càng gia tăng. Ở Mỹ, chấn thương giao thông là nguyên nhân tử vong hàng đầu của thanh thiếu nhiên tuổi từ 16 đến 19, là nguyên nhân của 36% tổng số ca tử vong (CDC 2006). Chỉ tính riêng năm 2004 đã có 4767 ca tử vong và 400.000 ca chấn thương cần phải nhập viện đối với lứa tuổi này (CDC 2006). Trong năm 2004, chấn thương giao thông còn là nguyên nhân của 3355 ca tử vong và 177000 ca cần nhập viện ở người già từ 65 tuổi trở lên (CDC 2006). Từ 1966, Chính phủ Mỹ đã đưa ra một Chương trình Quốc gia về An toàn Giao thông và thành lập Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia (NHTSA). Nhờ vậy, từ năm 1968 đến năm 1991, số ca tử vong do tại nạn ô tô xe máy giảm 21%. 9
  10. Ở Việt Nam, chấn thương giao thông xẩy ra ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Chấn thương giao thông không chỉ xẩy ra đối với người đi ô tô xe máy mà còn có khá nhiều trường hợp xẩy ra đối với người đi xe đạp và đi bộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này (như đã phân tích trong Bảng 1.1.), nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người như người tham gia giao thông không có ý thức và hành động tự giác chấp hành luật lệ giao thông, lái xe khi chưa có bằng, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, không cài dây an toàn khi lái xe ô tô, hay sử dụng các chất kích thích (như rượu, bia) khi lái xe. Theo Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước có 7669 vụ tai nạn giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng hải) làm 6910 người chết và 5919 người bị thương. Trong đó phần lớn là tai nạn giao thông đường bộ với 7342 vụ, chết 6683 người, bị thương 5727 người. Để kiểm soát tình trạng này thì cần có các chương trình can thiệp giải quyết hiệu quả các nguyên nhân của vấn đề xác định trong Bảng 1.1. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, cần ưu tiên giải quyết các nguyên nhân cơ bản. Năm 2002 Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết 14/QH, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/CP và năm 2003 Ban Bí thư ra Chỉ thị số 22/CT-TW về kiềm chế gia tăng và tiến tới làm giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Chiến lược quốc gia về phòng chống tai nạn giao thông cũng đã được Chính phủ công bố. Hàng năm, cả nước đều có một tháng toàn dân thực hiện an toàn giao thông. Từ năm 2003 đến năm 2005 tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, năm 2006 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2007 tình hình tai nạn giao thông đã xảy ra rất nghiêm trọng nên ngày 29 tháng 6 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong đó quy định rõ kể từ ngày 15/9/2007, người đi mô tô, xe máy trên các tuyến quốc lộ bắt buộc đội mũ bảo hiểm và từ ngày 15/12/2007 bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường. Theo thống kê sơ bộ thì tuần đầu tiên áp dụng Nghị quyết này (15-22/12/2007) cả nước có trên 99% người đi mô tô xe máy chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tại hầu hết các địa phương, tình hình chấn thương giao thông trong tháng 9 và tháng 10/2007 đã có những chuyển biến tích cực và số vụ tai nạn cũng như số ca chấn thương và tử vong giảm đáng kể so với các tháng trước đó. 3.3. Chấn thương khi đi chơi dã ngoại và khu vui chơi giải trí Thanh thiếu niên học sinh thường thích các hoạt động du lịch, đi chơi dã ngoại. Đây là một hoạt động rất bổ ích, một nhu cầu rất chính đáng của giới trẻ. Tuy nhiên, chấn thương vẫn có thể xẩy ra cho một số em do có những bất cẩn trong lúc đi dã ngoại như bị rắn, côn trùng, động vật cắn, ngã gây chấn thương, sa lún xuống hố sâu hoặc luồng nước ngầm, chấn thương giao thông, ngộ độc do ăn uống nhầm v.v. Đã có những trường hợp tử vong rất thương tâm và đáng tiếc. Ngoài ra chấn thương cũng thường 10
  11. xẩy ra tại các khu vui chơi giải trí ví dụ ở công viên. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê về tình trạng chấn thương ở các khu vui chơi giải trí nhưng theo số liệu ở các nước phát triển thì đây cũng là vấn đề khá phổ biến. Ví dụ theo Tinsworth (2001), các đơn vị cấp cứu ở Mỹ mỗi năm phải điều trị cho hơn 200.000 trẻ em dưới 14 tuổi do chấn thương xẩy ra ở các khu vui chơi giải trí, phần lớn là do ngã, vật sắc nhọn, bỏng. Để dự phòng chấn thương trong lúc đi dã ngoại và tại các khu vui chơi giải trí thì các cuộc dã ngoại cần được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, không liều lĩnh mạo hiểm đi vào những nơi có nguy hiểm, không nên đi một mình, tăng cường ý thức kỷ luật, tự giác phòng chấn thương cho bản thân và cho tập thể. Các thiết bị vui chơi giải trí như tàu điện, xích đu, đu quay v.v. cần được định kỳ bảo dưỡng và bố trí an toàn. Cần có quy định về chiều cao, cân nặng và điều kiện sức khỏe đối với những người tham gia các trò chơi tạo cảm giác mạnh. Các khu vui chơi giải trí cần tuân thủ các quy định về an toàn cháy nổ, an toàn hóa chất, an toàn về điện v.v. 3.4. Chấn thương khi bơi lội Bơi lội là một hoạt động thể dục thể thao được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, tiếp xúc với sông nước, ao hồ mà không biết bơi thì lại rất nguy hiểm và có thể bị chết đuối (đuối nước). Người bơi lội giỏi cũng có thể bị chết đuối nếu bơi quá sức, có bệnh tim mạch, bị chuột rút hoặc bơi vào vùng nước xoáy. Chết đuối được hiểu là những trường hợp tử vong do bị ngạt khi bị chìm lâu dưới nước. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có gần 500.000 người bị chết đuối và phần lớn các trường hợp chết đuối này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi ở các nước phát triển, phần lớn trường hợp trẻ em bị chết đuối xảy ra trong các bể bơi, thì ở các nước đang phát triển, chết đuối thường xảy ra ở sông ngòi, biển, ao hồ, hay kênh rạch. Ở Mỹ, chết đuối là nguyên nhân đứng hàng thứ 4 trong các chấn thương gây từ gây tử vong của trẻ nhỏ, hầu hết là trẻ dưới 4 tuổi và trẻ em nam độ tuổi từ 15-19 tuổi. Tại 3 bang của Mỹ (Arizona, California và Florida) chết đuối là nguyên nhân tử vong chấn thương hàng đầu ở trẻ 4 tuổi và tới 90% trường hợp tai nạn xẩy ra ở những hồ bơi trong khu dân cư. Yếu tố dẫn đến chấn thương trong 40% trường hợp là do giám sát kém, 35% trường hợp do ao không có rào lưới bảo vệ, 14% là do bể bơi không có cửa, cửa không đóng hoặc mở cửa lâu, 11% là các yếu tố khác. Phân tích cho thấy rằng có thể ngăn ngừa được 51% các trường hợp chết đuối được báo cáo. Theo VMIS (2003), chết đuối là nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong ở trẻ em, đặc biệt là ở nhóm tuổi từ 1 - 9. Số trẻ trong độ tuổi 5 - 9 chiếm xấp xỉ 1/3 trong số các trường hợp chết đuối/gần chết đuối. Tỉ suất tử vong do chết đuối ở Việt Nam là 22,6/100.000. Tỉ suất tử vong do đuối nước ở nam là 35,2/100.000, cao hơn rất nhiều so với nữ là 10,7/100.000. Hai vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông bắc có tỉ suất chết đuối/gần chết đuối cao nhất cả nước. Tỉ suất đuối nước ở trẻ em Việt Nam 11
  12. cao gấp 10 lần so với tỉ suất này ở các nước phát triển, với hơn một nửa các trường hợp đuối nước dẫn đến tử vong. Các yếu tố nguy cơ của đuối nước là thiếu giám sát và thiếu hàng rào bao quanh bể bơi, ao hồ; tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ở các ao, hồ, sông, suối, biển; uống rượu trước khi bơi lội; và bị động kinh. Ví dụ theo Brenner và cộng sự (2001), trẻ em dưới 1 tuổi thường bị đuối nước ngay trong bồn tắm, xô nước hay trong nhà vệ sinh. Đối với trẻ trên 15 tuổi thì thường bị đuối nước do tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ở ao, hồ, sông, suối hay biển. Lạm dụng bia rượu có liên quan tới 25% đến 50% số ca tử vong do đuối nước ở trẻ vị thành niên và người lớn (Howland và cộng sự 1995). Ngoài ra, đối với những người bị động kinh thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu của chấn thương không chủ ý dẫn tới tử vong (Quan và cộng sự 2006) Biện pháp đề phòng: Giáo dục dân chúng tuân thủ những nguyên tắc, nội quy của bể bơi, của những vùng biển du lịch. Kiểm tra tàu thuyền đủ tiêu chuẩn và trang bị đủ phao cứu sinh mới được phép kinh doanh vận tải hành khách. Bể bơi, ao hồ cần có hàng rào bao quanh, có người chuyên trách giám sát an toàn bơi lội, luyện tập bơi có tổ chức. Không nên bơi một mình, đặc biệt ở những nơi vắng vẻ hay tại thời điểm thời tiết xấu. Không nên uống rượu bia trước hoặc trong khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí trên sông nước như bơi, chèo thuyền hay lướt ván. Mọi người hiểu biết và tôn trọng luật giao thông đường thuỷ. Không để trẻ em một mình gần kênh rạch, sông suối, ao hồ, giếng nước hay nhà tắm và cần có nơi trông giữ trẻ trong mùa bão lụt. 3.5. Môi trường an toàn tại trường học Chấn thương ở trường học như ngã, chấn thương giao thông, bỏng, đuối nước, điện giật, ngộ độc, vật sắc nhọn xẩy ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau như: (1) những nguyên nhân liên quan đến cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt tại trường (ví dụ sân trường gồ ghề, dễ trơn trượt; cửa sổ hành lang, cầu thang không có tay vịn hay lan can; trường ở gần đường, gần ao hồ mà không có cổng hay hàng rào ngăn cách; không có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới; tiếp xúc với hóa chất, lửa, điện ở phòng thí nghiệm trong giờ thực hành; hệ thống điện trong lớp không an toàn; thức ăn, nước uống không hợp vệ sinh v.v.); (2) thầy cô giáo và học sinh, sinh viên không được hướng dẫn về môi trường an toàn và dự phòng chấn thương; (3) ngoài ra do nhiều trường học không có người được đào tạo về công tác y tế học đường và không có đủ phương tiện cấp cứu cần thiết nên làm trầm trọng thêm các ca chấn thương xẩy ra tại trường (Bộ Y tế 2005). Để đảm bảo môi trường an toàn, các trường cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng chấn thương theo khuyến cáo của Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích của Bộ Y tế, cụ thể như trong Bảng 1.2. 12
  13. Bảng 1.2. Các biện pháp dự phòng chấn thương nơi trường học Các loại chấn Biện pháp dự phòng thương § Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt Ngã § Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can. § Không cho trẻ học và chơi gần những lớp học không an toàn như tường nhà, mái ngói, cột nhà cũ có nguy cơ sập xuống. Đồng thời phải cho sửa chữa ngay. § Những cây ở sân trường cần có rào chắn để trẻ không leo trèo được. § Bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay. § Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn. § Giáo dục ý thức cho các em không được gây gổ, đánh nhau Đánh nhau, trong trường. bạo lực trong § Không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy trường học hiểm như dao, súng cao su và các hung khí. § Xây dựng lớp tự quản, đoàn kết. § Trường phải có cổng, hàng rào. Chấn thương § Trong giờ ra chơi phải đóng cổng, không cho trẻ chạy ra đường giao thông chơi khi trường ở gần đường. § Phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học. § Hướng dẫn học sinh thực hiện luật an toàn giao thông. Bỏng, nhiễm § Phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng khác phải có nội quy hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất, an toàn độc điện cho các em. § Không cho học sinh tới bếp nấu nướng và chỉ ăn ở nhà ăn. § Trường gần ao hồ, sông suối phải có hàng rào ngăn cách. Đuối nước § Ở vùng lũ, học sinh đi học bằng ghe, thuyền phải đảm bảo an toàn. § Giếng, bể nước trong trường phải có nắp đậy an toàn. § Trường có thuyền và phao cứu sinh. § Hệ thống điện trong lớp phải an toàn: không để dây trần, dây Điện giật điện hở, bảng điện để cao. § Dụng cụ điện ở phòng thí nghiệm phải đảm bảo an toàn trước khi cho học sinh thực hành. § Không cho bán quà bánh trong trường. Ngộ độc thức § Thực phẩm do nhà bếp cung cấp, nước uống đảm bảo vệ sinh. ăn Trường có cán bộ theo dõi về y tế học đường và có tủ thuốc cấp cứu 13
  14. Nguồn: Bộ Y tế, 2005. Ngoài ra, trường học phải được xây dựng ở xa chợ, bến tàu, bến xe, các trục lộ giao thông lớn, các khu vực sản xuất có thải ra hơi khí độc, khói, bụi, tiếng ồn, xa bãi rác, nghĩa trang, các bệnh viện truyền nhiễm, các kho tàng có nguy cơ cháy, nổ hoặc các cơ sở phát sinh những yếu tố ô nhiễm khác gây nguy hại cho sức khoẻ học sinh trong thời gian học tập và sinh hoạt tại trường. 4. KẾT LUẬN Môi trường an toàn là mong muốn hằng ngày của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Mọi công dân, gia đình, tổ chức quần chúng, các cấp chính quyền đều có trách nhiệm xây dựng môi trường sống an toàn cho cộng đồng. Lợi ích của môi trường an toàn là giảm bớt các trường hợp tử vong và chấn thương không chủ ý, tạo ra một môi trường sống lành mạnh, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho mỗi thành viên, mỗi gia đình trong xã hội. Mô hình xây dựng cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn, nhà trẻ mẫu giáo an toàn do Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích của Bộ Y tế xây dựng được xem là những giải pháp kịp thời nhằm từng bước hạn chế chấn thương tại cộng đồng và hiện đang được nhân rộng trên toàn quốc. Học viên có thể tham khảo các thông tin cập nhật về việc triển khai thực hiện cũng như hiệu quả của các mô hình này trên website giới thiệu về Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích của Bộ Y tế. 14
  15. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Y tế 2005, Phòng chống tai nạn thương tích, Văn phòng thường trực phòng chống tai nạn thương tích. http://www.moh.gov.vn/Tainanthuongtich/detailMainID.asp?catMainID=1 (online ngày 13/11/2007). Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Injury Prevention and Control 2006, Web-based Injury Statistics Query and Reporting System (WISQARS) [online 2007 3 October]. Available from URL: www.cdc.gov/ncipc/wisqars. Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Injury Prevention and Control 2007, Fire deaths and injuries: fact sheet. [online 29 June 2007]. Available from URL: http://www.cdc.gov/ncipc/factsheets/fire.htm Cai Hong Dao 1994, Modern Enviromental Hygiene People’s Medical Publishing House. Đại học Y Hà Nội 1997, Vệ sinh môi trường_Dịch tễ, tập 1 NXB Y học. Bộ Y tế 1998, Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ học sinh, NXB Y học. Brenner RA, Trumble AC, Smith GS, Kessler EP, Overpeck MD 2001, ‘Where children drown’, Pediatrics, vol. 108, issue 1, pp. 85-89. Bùi Thanh Tâm 1995, Vệ sinh môi trường. Giáo trình sau đại học, trường CBQLYT, Hà Nội. Haddon WJr 1970, ‘On the Escape of Tigers: An Ecological Note’, Technology Review, vol. 72, p. 44. Haddon W Jr 1980, ‘Options for the prevention of motor vehicle crash injury’, Israeli Medical Journal, vol. 16, pp.45–65. Hall JR 2001, Burns, toxic gases, and other hazards associated with fires: Deaths and injuries in fire and non-fire situations. Quincy (MA): National Fire Protection Association, Fire Analysis and Research Division. Hausdorff JM, Rios DA, Edelber HK 2001, ‘Gait variability and fall risk in community-living older adults: a 1-year prospective study’, Archives of Physical Medicine and Rehabilitation, vol. 82, issue 8, pp. 1050-1056. 15
  16. Hoàng Tích Mịnh 1960, Vệ sinh học. NXB y học. Howland J, Mangione T, Hingson R, Smith G, Bell N 1995, Alcohol as a risk factor for drowning and other aquatic injuries. In: Watson RR, editor, Alcohol and accidents, Drug and alcohol abuse reviews, vol 7, Totowa (NJ): Humana Press, Inc. Karter MJ 2006, Fire loss in the United States during 2005, Abridged report. Quincy (MA): National Fire Protection Association, Fire Analysis and Research Division. Monroe T. Morgan et al. (1997), Environmental Health. USA, Morton Publishing Company. Quan L, Bennett E, Branche C. Interventions to prevent drowning. In Doll L, Bonzo S, Mercy J, Sleet D (Eds) 2006. Handbook of injury and violence prevention. New York: Springer. Runyan CW 1998, ‘Using the Haddon matrix: introducing the third dimension’, Injury Prevention, vol. 4, pp.302-307. Runyan SW, Casteel C (Eds.) 2004, The state of home safety in America: Facts about unintentional injuries in the home, 2nd edition. Washington, D.C.: Home Safety Council. Stevens JA, Corso PS, Finkelstein EA, Miller TR 2006, ‘The costs of fatal and nonfatal falls among older adults’, Injury Prevention, vol. 12, pp. 290-295. Watson WA, Litovitz TL, Rogers GC, Klein-Schwartz W, Reid N, Youniss J, et al. 2005 ‘Annual Report of the American Association of Poison Control Centers Toxic Exposures Surveillance System’, American Journal of Emergency Medicine, vol. 23, issue 5, pp. 589-666. Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia 2007, Tình hình tai nạn giao thông toàn quốc 2006, [truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2007] tại địa chỉ: http://www.moh.gov.vn/tainanthuongtich/details.asp?Cat_ID=26&NewsID=906. 16
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2