
1
MỞ ĐẦU
Tính cấp thiết của đề tài
Hiện nay, có rất nhiều công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đã được áp dụng
trên Thế giới và ở Việt Nam như công nghệ sinh học, công nghệ hóa sinh, công
nghệ xử lý nước thải phân tán, công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt Johkasou-Nhật
Bản, cánh đồng lọc, cánh đồng tưới... Qua nghiên cứu tìm hiểu về các công nghệ xử
lý nước thải sinh hoạt trong nước cũng như nước ngoài, luận văn đề xuất nghiên
cứu mô hình xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ bãi lọc nhân tạo với tiêu chí
giá thành rẻ, dễ vận hành, chi phí vận hành thấp, vừa xử lý nước thải vừa khôi phục
cảnh quan lưu vực sông, kết hợp làm công viên sinh thái nhưng vẫn đảm bảo xử lý
nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn xả thải (QCVN 14: 2008/BTNMT), dễ áp dụng
trong điều kiện Việt Nam, nhất là các khu dân cư, thị trấn, thị xã dọc lưu vực sông
Nhuệ - Đáy.
Hiện tại và trong tương lai là thời kỳ gia tăng mạnh mẽ và phát triển toàn
diện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trên toàn lưu vực sông Nhuệ - Đáy, nhiều vấn
đề cấp bách về môi trường đã, đang và sẽ nảy sinh phức tạp ở các quy mô khác
nhau cần thiết phải được xem xét, xử lý, khắc phục, phòng ngừa… Chính vì lẽ đó
việc nghiên cứu mô hình hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ bãi lọc
nhân tạo cho các khu dân cư và đô thị dọc lưu vực sông Nhuệ - Đáy, nhằm từng
bước khắc phục ô nhiễm, khôi phục cảnh quan lưu vực sông Nhuệ - Đáy, là vấn đề
cấp thiết có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn.
Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài
Cơ sở khoa học của đề tài
Bãi lọc ngập nước nhân tạo hay bãi lọc trồng cây là công nghệ xử lý nước
thải trong điều kiện tự nhiên mang tính bền vững và thân thiện. Công nghệ này đã
được phát triển tại châu Âu và ngày càng được ứng dụng rộng trên thế giới. Bãi lọc
ngập nước nhân tạo được nghiên cứu xây dựng nhằm khắc phục những nhược điểm
của bãi đất ngập nước tự nhiên mà vẫn có được những ưu điểm của đất ngập nước
tự nhiên. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, bãi lọc nhân tạo trồng cây hoạt động tốt