JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 93-98<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0065<br />
<br />
HỌC THUYẾT VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CỦA I. KANT<br />
TRONG TÁC PHẨM PHÊ PHÁN LÍ TÍNH THỰC HÀNH<br />
Vũ Thị Hải<br />
Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Học thuyết về phương pháp là một phần cơ bản trong đạo đức học của I.Kant.<br />
Thực chất học thuyết về phương pháp chính là quan niệm của Kant về giáo dục đạo đức<br />
trong thực tiễn. Tuy nhiên, ông chỉ dừng lại ở việc khái quát những nguyên tắc phương pháp<br />
luận của việc hiện thực hóa các giá trị, chuẩn mực đạo đức vào thực tiễn. Trong bài viết<br />
này, tác giả trình bày những nội dung cơ bản trong học thuyết về phương pháp của Kant, từ<br />
đó chỉ ra giá trị hiện thời của nó.<br />
Từ khóa: I.Kant, đạo đức học, đạo đức học Kant, triết học Kant, triết học đạo đức.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay đang có những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng, điều<br />
đó được thể hiện trong nhiều hiện tượng và hành vi vô đạo đức đang xuất hiện hàng ngày với mức<br />
độ ngày càng nghiêm trọng. Việc nghiên cứu về đạo đức và vấn đề giáo dục đạo đức trong lịch tư<br />
tưởng phương Đông và phương Tây góp phần xây dựng phương pháp giáo dục đạo đức có ý nghĩa<br />
to lớn đối với việc cải thiệc thực trạng đạo đức ở Việt Nam hiện nay.<br />
I.Kant là một trong những nhân vật tiêu biểu của nền triết học phương Tây thời kì cận đại.<br />
Nói về lí luận đạo đức thời kì này phải kể đến đạo đức học của Kant. Nghiên cứu về đạo đức học<br />
Kant, cho đến nay, đã có nhiều bài viết và các công trình nghiên cứu, tiêu biểu phải kể đến: Chủ<br />
nghĩa nhân đạo trong đạo đức học của I. Kant. Ảo tưởng hay hiện thực? (qua việc phân tích ý<br />
tưởng của I. Kant hướng tới một nền hoà bình vĩnh cửu) (2005) của Nguyễn Quang Hưng [3];<br />
"Hướng tới nền hòa bình vĩnh cửu" - Khát vọng của nhân loại (kỉ niệm 210 năm ra đời tác phẩm<br />
"Hướng tới nền hòa bình vĩnh cửu" của I.Cantơ) (2005) của Nguyễn Thị Phương Mai [6], Vấn đề<br />
giá trị đạo đức trong đạo đức học Cantơ (2006) của Vũ Thị Thu Lan (2006) [5]; . . . Tuy nhiên,<br />
cho đến nay, hầu như chưa có bài viết nào về phương pháp giáo dục đạo đức trong đạo đức học của<br />
I. Kant. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày những nội dung cụ thể trong học thuyết về<br />
phương pháp của I.Kant từ đó rút ra những giá trị hiện thời của nó.<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/1/2015. Ngày nhận đăng: 2/5/2016<br />
Liên hệ: Vũ Thị Hải, e-mail: vuhai100286@gmail.com<br />
<br />
93<br />
<br />
Vũ Thị Hải<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
I.Kant và tác phẩm Phê phán lí tính thực hành<br />
<br />
I.Kant (1724 - 1804) được biết đến với tư cách là một triết gia, một nhà khoa học tự nhiên<br />
người Đức nổi tiếng thế kỉ XVIII. Ông sinh ra ở Koenigsberg - một thành phố miền Đông nước<br />
Phổ (Đức), trong một gia đình làm nghề thuộc da và theo đạo Tin lành. Kant có một người mẹ là<br />
một tín đồ sùng đạo, đức tin nơi người mẹ đã vun trồng mầm thiện nơi cho ông và khiến ông trở<br />
thành một tín đồ Tin lành đến suốt cuộc đời. Đó cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn<br />
đế hệ thống tư tưởng của Kant.<br />
Kant đã trải nghiệm một nền giáo dục tốt và đạt được nhiều thành tựu trong cuộc đời. Năm<br />
30 tuổi ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với tên đề tài Lịch sử tự nhiên và lí thuyết về<br />
thiên hà (1755). Năm 1770, Kant trở thành giáo sư Lôgic học và Siêu hình học tại trường Đại học<br />
Koenigsberg. Năm 1786, ông trở thành Hiệu trưởng trường Đại học Koenigsberg và năm1787, ông<br />
được bầu làm viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Phổ ở Berlin. Ông đã để lại cho nền triết<br />
học phương Tây nói chung và triết học Đức nói riêng nhiều tác phẩm có giá trị lớn về khoa học và<br />
tư tưởng: Sự ma sát của thủy triều (1954); Lịch sử tự nhiên và lí thuyết về bầu trời (1955); Đặt cơ<br />
sở cho siêu hình học về luân lí (1785); Phê phán lí tính thuần túy (1781); Phê phán lí tính thực<br />
hành (1788); Phê phán năng lực phán đoán (1790); Tôn giáo trong giới hạn của lí tính (1793);<br />
Hướng tới một nền hòa bình vĩnh cửu (1795); Siêu hình học về luân lí (1797);. . .<br />
Cả cuộc đời, Kant không đi ra khỏi thành phố quê hương, thậm chí là một vài dặm. Vì sức<br />
khỏe yếu, ông phải sinh hoạt theo một thời khóa biểu nghiêm ngặt, cứng nhắc. Buổi sáng ông thức<br />
dậy lúc 5 giờ để chuẩn bị bài lên lớp giảng dạy. Sau mỗi buổi giảng dạy, ông lại dành thời gian để<br />
nghiên cứu khoa học, đọc sách và suy ngẫm. Đến 4 giờ chiều thì ông đi dạo và đi ngủ vào lúc 10<br />
giờ đêm. Thời gian biểu của ông được thực hiện một cách đều đặn, nghiêm túc, vì thế khi ông ra<br />
khỏi nhà thì người dân sống trong vùng biết lúc đó là mấy giờ để lên giây cót đồng hồ. Ông mất<br />
vào năm 1804 tại thành phố quê hương nơi mà ông đang sống.<br />
Tác phẩm Phê phán lí tính thực hành là một tác phẩm quan trọng trong hệ thống những<br />
nguyên tác của Kant, nằm trong bộ ba tác phẩm “Phê phán”: Phê phán lí tính thuần túy; Phê phán<br />
lí tính thực hành; Phê phán năng lực phán đoán. Nếu như tác phẩm Phê phán lí tính thực hành tập<br />
trung lí giải các vấn đề về nhận thức luận; tác phẩm Phê phán năng lực phán đoán giải quyết các<br />
vấn đề của thẩm mĩ học thì tác phẩm Phê phán lí tính thực hành lại tập trung vào các vấn đề của<br />
đạo đức. Tác phẩm này có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống tác phẩm về đạo đức học của<br />
Kant. Tác phẩm được chia làm hai phần: phần I: Học thuyết cơ bản về lí tính thuần túy thực hành;<br />
phần II: Học thuyết về phương pháp của lí tính thuần túy thực hành. Ở phần I, ông đã trình bày<br />
những vấn đề cơ bản của đạo đức: nguyên tắc, đối tượng, động cơ của đạo đức. Ở phần II, trên cơ<br />
sở làm rõ những vấn đề cơ bản của đạo đức, Kant đã vạch ra những nguyên tắc phương pháp luận<br />
của việc thực hành đạo đức. So với phần I, phần II tuy ngắn hơn nhiều về dung lượng nhưng lại có<br />
vị trí quan trọng trong đạo đức học của Kant và chứa đựng những quan niệm có giá trị thực tiễn to<br />
lớn.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Những nội dung cơ bản của học thuyết về phương pháp giáo dục đạo đức<br />
của I.Kant trong tác phẩm Phê phán lí tính thực hành<br />
<br />
Học thuyết về phương pháp giáo dục đạo đức trong đạo đức học Kant được trình bày ở phần<br />
II của tác phẩm Phê phán lí tính thực hành với tiêu đề “Học thuyết về phương pháp của lí tính<br />
thuần túy thực hành”. Học thuyết được ông trình bày sau khi giải quyết toàn diện những vấn đề cơ<br />
94<br />
<br />
Học thuyết về phương pháp giáo dục đạo đức của I. Kant trong tác phẩm Phê phán lí tính thực hành<br />
<br />
bản trong đạo đức học: nguyên tắc, đối tượng, động cơ và mục đích của đời sống đạo đức. Kant<br />
xác lập nhiệm vụ của ông trong Học thuyết về phương pháp là để “(. . . ) phác họa những châm<br />
ngôn tổng quát nhất cho phương pháp luận của việc đào luyện và thực tập luân lí” [4;278]. Ông<br />
muốn vạch ra những nguyên tắc mang tính phương pháp luận cho sự thực hành đạo đức trong đời<br />
sống hiện thực.<br />
Kant đã bắt đầu học thuyết của mình bằng việc làm rõ khái niệm “học thuyết về phương<br />
pháp” hay là phương pháp giáo dục đạo đức. Ông viết, “ta hiểu “học thuyết về phương pháp” là<br />
phong cách làm sao để những quy luật của lí tính thuần túy thực hành có thể đi vào trong tâm thức<br />
con người và có ảnh hưởng lên những châm ngôn của tâm thức ấy, nghĩa là, nhờ đó ta biến lí tính<br />
thực hành khách quan thành lí tính thực hành chủ quan” [4;265]. Mục đích của Kant trong Học<br />
thuyết về phương pháp là phác họa phương pháp nhằm thiết lập và vun bồi những ý đồ hay tình<br />
cảm luân lí. Thực chất của phương pháp ấy là con đường để xây dựng động cơ luân lí thuần túy có<br />
thể mang lại giá trị đạo đức cho hành vi.<br />
Kant cho rằng, hạn chế lớn nhất trong hành vi đạo đức của con người từ trước đến nay là<br />
nó không đạt đến giá trị đạo đức thuần túy, vì trong cuộc sống con người thường bị quy định bởi<br />
những ham muốn, dục vọng mà ông gọi là những động cơ cảm tính. Những động cơ cảm tính ấy,<br />
hoặc dẫn dắt con người ra khỏi “đường ray luân lí”, hoặc khiến họ nằm trong đường ray ấy một<br />
cách nửa vời. Những hành vi của họ, hoặc là hoàn toàn sai quy luật đạo đức hoặc là chỉ có tính hợp<br />
lệ so với những quy luật ấy mà thôi. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để con người trở về với “đường<br />
ray luân lí” hay là giúp con người sống một đời sống đạo đức thực sự mà ông gọi là “thuần túy”?<br />
Đó cũng chính là lí tưởng đạo đức mà xã hội loài người đang hướng tới.<br />
Trong thời đại của Kant, có nhiều yếu tố tham gia vào việc giáo dục đạo đức cho công dân<br />
nhưng chưa thực sự đạt được kết quả, vì thế đạo đức xã hội vẫn mang tính nửa vời. Những phương<br />
pháp giáo dục đạo đức trong thời đại của Kant là giáo dục đạo đức bằng luật pháp và giáo dục đạo<br />
đức trong trường học. Luật pháp tham gia vào giáo dục đạo đức cho các công dân bằng việc đưa ra<br />
những quy phạm điều chỉnh hành vi và những hình thức trừng phạt, răn đe. Trong chừng mực nhất<br />
định, nó cũng có ý nghĩa lớn đối với đời sống đạo đức, ở chỗ đã đem lại tính hợp lệ cho hành vi<br />
của mỗi công dân và đó là bước đầu tiên trong tiến trình vươn tới một đời sống đạo đức đích thực<br />
- “thuần túy”. Nhưng theo Kant, pháp luật chỉ như là “chiếc xe tập đi” trên con đường của đạo đức<br />
mà thôi.<br />
Giáo dục đạo đức trong nhà trường ở thời đại của Kant cũng không đem lại nhiều kết quả.<br />
Như Kant nói, trong thời đại ấy “người ta đang hi vọng có thể tác động lên tâm hồn bằng những<br />
tình cảm mềm yếu, ủy mị hoặc những tham vọng bay bổng, rỗng tuếch làm khô héo trái tim thay<br />
vì tăng cường cho nó” [4;272]. Ở thời đó, trong nhà trường, các thầy giáo giáo dục đạo đức cho<br />
học sinh bằng cách đưa ra những mẫu hình lí tưởng với những con người thực hiện những hành vi<br />
cao cả, vĩ đại, phi thường. Trong các sách giáo khoa về đạo đức cũng tràn ngập những tấm gương<br />
về những người anh hùng như vậy. Theo Kant, phương pháp giáo dục đó không mang lại lợi ích gì<br />
về lâu dài mà thậm chí còn có hại cho học sinh, bởi những câu chuyện ấy chỉ tạo ra cho học sinh<br />
những cảm xúc nhất thời, rồi sau đó lại lắng dịu xuống ngay và thậm chí khiến chúng rơi vào tình<br />
trạng bạc nhược. Vậy điều cốt yếu là làm sao cho học sinh ý thức về việc thực hiện hành vi đạo<br />
đức là thực hiện những nghĩa vụ, bổn phận của mình và xuất phát từ lòng tôn kính đối với quy luật<br />
đạo đức. Để làm được điều đó thì phải tìm ra một phương pháp khác những phương pháp đương<br />
thời. Đó là lí do Kant trình bày phương pháp của ông.<br />
Mục đích cốt lõi của phương pháp giáo dục đạo đức, theo Kant là nhằm thiết lập nên động<br />
cơ luân lí thuần túy cho mỗi chủ thể đạo đức. Động cơ luân lí thuần thúy, theo quan niệm của Kant,<br />
là việc thực hành đạo đức từ lòng tôn kính đối với quy luật đạo đức mà không vì bất cứ lí do gì<br />
95<br />
<br />
Vũ Thị Hải<br />
<br />
khác. Để đạt được điều đó, Kant vạch ra hai bước của phương pháp giáo dục đạo đức:<br />
Thứ nhất là thực hành thói quen quan sát và phán đoán đạo đức. Theo Kant, người thầy<br />
giáo hãy tập cho các học sinh thói quen quan sát về hành vi của những người xung quanh và đánh<br />
giá về nó. Thầy giáo cũng có thể kể cho các học sinh nghe những câu chuyện về những con người<br />
có thật trong cuộc sống đời thường với những hành vi của họ, hoặc để cho các học sinh quan sát<br />
những hành động của những con người cụ thể mà bản thân các em gặp. Sau đó, người thầy giáo sẽ<br />
yêu cầu các học sinh nhận xét, đánh giá về hành vi của người đó là tốt hay xấu, đúng hay sai. Thói<br />
quen đó dần dần làm hình thành trong mỗi học sinh sự phân biệt rạch ròi giữa cái đúng sai, thiện<br />
ác và lòng yêu quý đối với những điều đúng đắn, lương thiện, thuần khiết và khinh ghét cái ác, cái<br />
xấu, sự giả dối. Thói quen ấy cần được đào luyện thường xuyên, liên tục giúp mài sắc khả năng<br />
phán đoán đạo đức cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ.<br />
Trong việc thực hành quan sát và phán đoán đạo đức của học sinh, người thầy giáo có nhiệm<br />
vụ hướng dẫn để học sinh biết cách đánh giá về giá trị của hành vi đạo đức: hành vi nào đó có đúng<br />
hay không về nguyên tắc? về động cơ? Có giá trị đạo đức thực sự không hay chỉ có tính hợp lệ<br />
về đạo đức? Người thầy giáo còn có nhiệm vụ giúp học sinh phân biệt những nghĩa vụ khác nhau<br />
trong một hành vi đạo đức. Kant cho rằng, trong một hành vi đạo đức có những nghĩa vụ cơ bản<br />
và những nghĩa vụ không cơ bản: nghĩa vụ cơ bản là nghĩa vụ mà người khác có quyền đòi hỏi ta<br />
phải làm; nghĩa vụ không cơ bản là những điều người khác mong đợi ta làm cho họ. Từ đó, học<br />
sinh sẽ hiểu rõ hành vi từ hai mặt: tính hợp lệ và tính luân lí. Có những hành vi có thể đúng nhưng<br />
chưa hẳn đã có giá trị đạo đức thực sự hoặc có những hành vi đã đạt được giá trị đạo đức thực sự.<br />
Việc xây dựng thói quen quan sát và phán đoán đạo đức cho học sinh nhằm thu hút sự quan<br />
tâm của chúng đối với đời sống đạo đức, hành vi đạo đức và đặt nền móng cho tình yêu của chúng<br />
đối với cái thiện, cái tốt và khinh chê cái xấu, cái ác. Kant ví con đường đến với đạo đức giống<br />
như: “Một nhà nghiên cứu về Tự nhiên rút cục đi đến chỗ yêu thích những đối tượng mà lúc đầu<br />
giác quan họ rất khó chịu, khi ông ta phát hiện trong chúng tính hợp mục đích lớn lao về mặt tổ<br />
chức của chúng, khiến cho lí tính của ông ta thấy bổ ích trong việc nghiên cứu chúng” [4;276].<br />
Mục đích cuối cùng của bước thực hành này là vun đắp một nền móng tốt đẹp trong tâm hồn các<br />
học sinh để dẫn chúng đến một cuộc đời ngay thẳng, công chính trong tương lai. Đó là toàn bộ<br />
những việc làm của bước đi thứ nhất trên con đường đến với một đời sống đạo đức đích thực.<br />
Kant cho rằng, “Việc làm này mới chỉ khiến ta thích thú đi vào sự bình phẩm như thế và nó<br />
mang lại cho đức hạnh hay lề lối suy tư phù hợp với những quy luật luân lí một hình thức của vẻ<br />
đẹp (thẩm mĩ) được ngưỡng mộ những chưa phải đã được cầu tìm” [4;276]. Đó là lí do cần phải<br />
thực hiện bước thứ hai của phương pháp giáo dục đạo đức. Bước thứ hai của phương pháp giáo<br />
dục đạo đức “là sự trình bày sống thực về ý đồ luân lí bằng những ví dụ điển hình, trong đó sự chú<br />
ý được hướng đến tính thuần túy của ý chí (. . . )” [4;276]. Nội dung của bước thực tập thứ hai là<br />
việc thực hành đạo đức trong đời sống hàng ngày mà Kant gọi là “trình bày sống thực”. Mục đích<br />
quan trọng và cốt lõi nhất của bước thứ hai - thực hành đạo đức không chỉ dừng lại ở việc thực<br />
hiện đúng quy luật đạo đức mà quan trọng hơn là xác lập trong mỗi học sinh một động cơ đạo đức<br />
thuần túy là lòng tôn kính đối với quy luật đạo đức.<br />
Trong quá trình thực hành đạo đức học, học sinh luôn phải giải quyết mâu thuẫn diễn ra<br />
trong nội tâm mỗi người. Nếu thực hiện những hành vi đạo đức thì chúng buộc phải từ bỏ những<br />
ham muốn, dục vọng đời thường và ngược lại nếu lựa chọn những ham muốn đời thường thì không<br />
thể thực hành những hành vi đạo đức. Việc thực hành đạo đức buộc học sinh phải từ bỏ ham muốn,<br />
dục vọng, điều đó đã tạo nên những cảm giác đau đớn, khó chịu, không hài lòng đối với chúng. Tuy<br />
nhiên, bên cạnh những cảm giác tiêu cực ấy đã xuất hiện những cảm giác tích cực từ một nguồn<br />
khác. Cảm giác tích cực là cảm giác được giải thoát, trút bỏ những gánh nặng, sự ràng buộc tâm<br />
96<br />
<br />
Học thuyết về phương pháp giáo dục đạo đức của I. Kant trong tác phẩm Phê phán lí tính thực hành<br />
<br />
hồn do những ham muốn, dục vọng của bản thân người thực hành gây ra. Kant gọi những cảm giác<br />
tích cực ấy là “Tự do nội tâm” trong con người.<br />
Sự “Tự do nội tâm”, trút bỏ gánh nặng từ những ham muốn, dục vọng đã đem lại cảm giác<br />
mãn nguyện và lòng tôn kính đối với chính bản thân người thực hành. Cho đến khi, người thực<br />
hành không còn thấy e sợ điều gì và thậm chí khinh dẻ chính mình khi vi phạm quy luật đạo đức,<br />
đó là lúc quy luật đạo đức đã được xác lập vững vàng trong tâm hồn người thực hành. Kant viết:<br />
“Một khi điều này đã được xác lập vững vàng, một khi con người không còn e sợ điều gì hơn là,<br />
thông qua sự tự kiểm, thấy chính mình không xứng đáng và đáng khinh ngay trong mắt của chính<br />
mình, bấy giờ ý đồ luân lí thiện hảo mới có thể thực sự được cấy ghép, bởi đó là kẻ gác cổng tốt<br />
nhất, thậm chí, duy nhất có thể đẩy lùi sức ép của những động lực xấu xa và đồi bại” [4;277]. Như<br />
vậy, việc thực hành đạo đức đã giải phóng con người dần dần thoát tâm hồn khỏi sự cầm tù của<br />
những ham muốn, dục vọng và thay vào đó xác lập vững chắc trong tâm hồn học sinh lòng tôn<br />
kính đối với quy luật đạo đức. Đó chính là động cơ thuần túy khiến cho những hành vi có giá trị<br />
đạo đức, đó cũng là điều kiện đẩy đủ của đời sống đạo đức chân chính.<br />
<br />
2.3.<br />
<br />
Giá trị của học thuyết về phương pháp giáo dục đạo đức của I.Kant trong<br />
tác phẩm Phê phán lí tính thực hành<br />
<br />
Học thuyết về phương pháp giáo dục đạo đức của I.Kant đã đưa ra quan niệm về phương<br />
pháp giáo dục đạo đức, một vấn đề mà ít triết gia bàn tới. Kant đã nói về Học thuyết về phương<br />
pháp của ông: “Ở đây tôi chỉ muốn phác họa những châm ngôn tổng quát nhất cho phương pháp<br />
luận của việc đào luyện và thực tập luân lí. Vì lẽ tính đa tạp của những nghĩa vụ đòi hỏi những sự<br />
quy định đặc thù cho từng loại, và đó ắt sẽ là một công việc rất dài dòng, nên tôi thành thật cáo lỗi<br />
nếu trong một tác phẩm như thế này, vốn chỉ có tính sơ bộ, tôi đành vừa lòng với những nét phác<br />
họa cơ bản ấy mà thôi”[4;278]. Ở đây, Kant đã vạch ra những quy tắc tổng quát cho việc đào luyện<br />
và thực tập luân lí mà ông gọi đó là “những châm ngôn tổng quát cho phương pháp luận của việc<br />
đào luyện và thực tập luân lí” [4;277]. Học thuyết về phương pháp của Kant chứa đựng nhiều giá<br />
trị thực tiễn sâu sắc.<br />
Học thuyết về phương pháp của I.Kant chỉ ra việc giáo dục đạo đức phải trải qua hai giai<br />
đoạn: Thứ nhất, quan sát và phán đoán đạo đức; Thứ hai, thực hành đạo đức. Quan niệm của ông<br />
hoàn toàn hợp quy luật của quá trình nhận thức và hành động. Hành động chỉ thực sự có giá đạo<br />
đức khi nó được thực hiện như mệnh lệnh tuyệt đối, vô điều kiện, xuất phát từ lòng tôn kính đối<br />
với quy luật và ý thức về bổn phận đạo đức. Hành động đạo đức là hành động tự giác, xuất phát từ<br />
ý chí tự do. Người thực hành đạo đức chỉ hành động tự do, tự giác khi ý chí đã quy phục hoàn toàn<br />
những quy luật đạo đức. Những điều Kant khái quát đã vạch phương pháp luận đúng đắn cho quá<br />
trình đưa đạo đức vào đời sống hiện thực của con người. Từ “quan sát” đến “thấu hiểu” và “thực<br />
hành” là những bước tất yếu của quá trình đạo đức. Học thuyết phương pháp của Kant có ý nghĩa<br />
lớn trong việc định hướng hành động của con người và có thể áp dụng nó vào công tác giáo dục<br />
đạo đức trong thực tiễn.<br />
Bên cạnh đó, quan niệm về giáo dục đạo đức của Kant còn có ý nghĩa trong việc định hướng<br />
giá trị đạo đức cho con người trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, lối sống thực dụng,<br />
vụ lợi của giới trẻ đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Một căn bệnh trầm kha của xã hội dưới<br />
sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, con người luôn mưu cầu lợi ích coi nhẹ nghĩa tình, giá trị<br />
và bổn phận đạo đức. Đạo đức học Kant đã chỉ cho xã hội hiện đại thấy được bản chất thực sự của<br />
đạo đức chính là mệnh lệnh tuyệt đối vô điều kiện, loại trừ mọi lợi ích của người thực hành đạo<br />
đức. Hành động đạo đức chỉ đơn giản là để thực hiện đúng nghĩa vụ, bổn phận đạo đức vì lòng tôn<br />
97<br />
<br />