Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của L.N. Tolstoy qua đoạn trích “Bầu trời Austerlits” trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”
lượt xem 9
download
Bài báo phân tích nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của L.N. Tolstoy qua đoạn trích “bầu trời Austerlits” trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. Sự phục sinh, tự nhận thức về mình, về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc sống của Andrey Bolkonsky bắt đầu từ cảm giác đau đớn trên cao nguyên Pratsen. Bầu trời Austerlits xanh vĩnh hằng, cao lồng lộng được nhân vật nội cảm hóa thành không gian tâm trạng, biểu hiện sự tự ý thức của con người, chất chứa trong nó ý niệm về cái cao cả, cái thiện, cái đẹp và là một biểu tượng của sự cứu rỗi cho tâm hồn của nhân vật chính. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết nội dung bài viết!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của L.N. Tolstoy qua đoạn trích “Bầu trời Austerlits” trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”
- NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÍ NHÂN VẬT CỦA L.N. TOLSTOY QUA ĐOẠN TRÍCH “BẦU TRỜI AUSTERLITS” TRONG TIỂU THUYẾT “CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH” TS Trần Thị Thu Hường Bài báo phân tích nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của L.N. Tolstoy qua đoạn trích “bầu trời Austerlits” trong tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. Sự phục sinh, tự nhận thức về mình, về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc sống của Andrey Bolkonsky bắt đầu từ cảm giác đau đớn trên cao nguyên Pratsen. Bầu trời Austerlits xanh vĩnh hằng, cao lồng lộng được nhân vật nội cảm hóa thành không gian tâm trạng, biểu hiện sự tự ý thức của con người, chất chứa trong nó ý niệm về cái cao cả, cái thiện, cái đẹp và là một biểu tượng của sự cứu rỗi cho tâm hồn của nhân vật chính. Độc thoại nội tâm, sự kết hợp giữa tính sử thi – tâm lí là những giá trị đặc sắc của tác phẩm. Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 – 1910) là đại văn hào của Nga và thế giới, là cha đẻ của kiệt tác “Chiến tranh và hòa bình” – đỉnh cao của trí tuệ con người. Tiểu thuyết sử thi vĩ đại này được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới, là “tác phẩm vĩ đại của thế kỉ XIX” (Gorky). Trong một bài trả lời phỏng vấn, John Updike – một trong những tiểu thuyết gia người Mĩ xuất sắc nhất thế kỷ XX – đã nói nếu được lựa chọn một vài cuốn sách để mang vào thế kỉ tới, ông sẽ mang theo “Kinh thánh”, các tác phẩm của Shakespeare và “Chiến tranh và hòa bình”của Lev Tolstoy. “Chiến tranh và hòa bình” của L. Tolstoy, được nhà xuất bản “Russky Vestnik” in lần đầu từ năm 1865 đến 1869. Đây là tác phẩm phản ánh một giai đoạn bi tráng của toàn xã hội Nga, từ giới quý tộc đến nông dân, trong thời đại Napoleon, và được coi là một trong hai kiệt tác chính của L. Tolstoy. Có nhiều phương diện tạo nên tầm vóc vĩ đại của “Chiến tranh và hòa bình” như vấn đề đạo đức được đặt ra trong tác phẩm, tính chất hoành tráng, hùng vĩ của “một pho Iliat thứ hai”… trong đó không thể không nhắc tới nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật như một thành tựu xuất sắc bậc nhất của L. Tolstoy. Số phận nhân vật với những tâm trạng tinh tế đều gắn bó mật thiết với bước thăng trầm của lịch sử và chính là điểm cách tân của L. Tolstoy về thể loại anh hùng ca, từ đó tạo nên hình tượng anh hùng ca hiện đại trong lịch sử văn học Nga và đồng thời được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới. Tác phẩm vĩ đại này đã làm sống lại thời kì toàn thể nhân dân và dân tộc gặp nhau trên chiến trường. Có thể nói, với phương pháp miêu tả tâm lí của mình, L. Tolstoy đã góp phần đưa văn xuôi tâm lý Nga thế kỉ XIX lên đến đỉnh cao rực rỡ, đồng thời mở ra một hướng phát triển mới cho nghệ thuật tiểu thuyết – nghệ thuật về “phép biện chứng tâm hồn”. 21
- Ở bài viết này, tác giả cố gắng tìm hiểu một số đặc điểm của nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của L. Tolstoy qua đoạn trích nằm trong tập 1, phần III, chương XVIII với tên gọi “Bầu trời Austerlits” [1]. Đoạn trích miêu tả tâm trạng của công tước Andrey Bolkonsky khi bị thương nằm lại trên cao nguyên Pratsen: đây là thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt đối với số phận, tính cách nhân vật. Song bước ngoặt này không được L. Tolstoy miêu tả như một sự đột biến mà như một quá trình diễn biến phức tạp, như một kết quả được tạo nên từ rất nhiều nguyên nhân móc nối, liên kết vói nhau. Nói một cách khác, nghệ thuật thuật miêu tả tâm lí nhân vật ở L. Tolstoy cũng có nghĩa là quá trình thâm nhập và lý giải chiều sâu tâm hồn con người với biết bao mâu thuẫn, xung đột, va chạm… Có lẽ nên nhắc lại đôi chút về công tước Andrey Bolkonsky – một thanh niên đại quý tộc, thông minh, sắc sảo, tinh tế, giàu nghị lực và nhiều hoài bão, có cô vợ Lisa xinh đẹp mới cưới và đang chờ đón đứa con đầu lòng. Chàng là mẫu người quý tộc tiên tiến, lí tưởng của thời đại, của nước Nga thế kỉ XIX, chàng khao khát sống chân thực, cao thượng, căm ghét mọi giả dối, xấu xa, thấp hèn. Nhưng xã hội thượng lưu – môi trường sống của chàng lại đầy rẫy những giả dối, công thức, xấu xa. Mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực chuyển thành xung đột nội tâm. Andrey Bolkonsky quyết định từ giã gia đình, gửi vợ cho cha và em chăm sóc, gia nhập Quân đội Nga, tham chiến trận đánh Austerlits (1805-1807) – nơi Napoleon Bonaparte đã đánh tan nát quân Liên minh Nga – Áo. Hành động của Andrey một mặt là sự tự giải thoát mình ra khỏi cái vòng quẩn quanh, mỏi mệt của cuộc sống cũ, là một niềm hy vọng là có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, mặt khác, chiến tranh đối với Andrey Bolkonsky còn là cơ hội để chàng có thể tìm thấy công danh trên chiến trường như hình mẫu thần tượng Napoleon – từ một đại úy trở thành hoàng đế khiến cả thế giới phải nể phục, nhờ một trận đánh lẫy lừng – trận Toulon. Chàng kiêu hãnh, tự tin vào khả năng thực hiện của giấc mộng Toulon trong mình – giấc mộng ám ảnh suốt một thời tuổi trẻ của chàng [2] [3]. Song trước sự rã đám của binh lính bởi tính chất phi nghĩa của cuộc chiến đã làm giấc mộng của chàng tan vỡ. Hành động một mình, chàng cầm cờ xông lên và trúng đạn ngã xuống khi chưa kịp làm gì để xoay chuyển tình thế. Hành động xung phong tiến lên trong khi quân lính bỏ chạy có vẻ mang tính liều lĩnh hơn là anh hùng. Hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong ý nghĩ của Andrey Bolkonsky khi tỉnh lại sau một thời gian dài ngất lịm vì bị thương là bầu trời. Tuy nhiên, không phải đến lúc này bầu trờ mới trở thành một ám ảnh đối với chàng. Ngay từ khi bị thương, ngã ngựa, cái đầu tiên đập mạnh vào tâm trí chàng không phải là sự náo loạn, máu lửa của cuộc chiến khủng khiếp vẫn đang tiếp diễn bên cạnh chàng, cũng 22
- không phải là bản thân chàng mà là bầu trời. Bầu trời với màu xanh thuần khiết, bao lai vời vợi, xanh đến ngỡ ngàng. Bầu trời trong trẻo, thanh cao, bình yên ấy tương phản với mặt đất đầy xác, đầy máu, đầy những âm thanh chết chóc. Không gian nghệ thuật của “Chiến tranh và hòa bình” mang màu sắc sử thi. Không gian sử thi thường chia làm ba tầng: mặt đất (không gian chiến trận) – con người – không gian trên cao (bầu trời, thiên đường). Không gian trên cao thường mang chức năng hướng đạo tâm linh con người. Bầu trời trong tiểu thuyết của L. Tolstoy cũng mang chức năng ấy. Song nếu như trong sử thi cổ đại, chức năng hướng đạo tâm linh thường được cụ thể hóa bằng hình tượng các vị thần trên cao thì ở đây, bầu trời được nhân vật nội cảm hóa thành không gian tâm trạng, biểu hiện sự tự ý thức của con người. Chỉ riêng điều này đã cho thấy nét mới mẻ của L.Tolstoy trong việc kết hợp tính sử thi và tính tâm lí trong tiểu thuyết. Có ý kiến cho rằng hình ảnh bầu trời xuất hiện đầu tiên trong ý nghĩ của Andrey Bolkonsky là dụng ý nghệ thuật rất tinh tế của nhà văn vì nó phù hợp với cái trí tuệ kiêu hãnh của chàng. Có lẽ sẽ đầy đủ hơn nếu nói rằng cái bầu trời xanh bát ngát, lặng lẽ ấy còn có ý nghĩa như một sự hiện hữu của cái cao cả, cái đẹp... mà lý tưởng của chàng luôn muốn vươn đến. Bầu trời ấy đập vào mắt Andrey Bolkonsky trước lúc chàng ngất lịm đi giống như một sự đốn ngộ chăng? Andrey Bolkonsky là con người suốt đời tìm kiếm lý tưởng. Do đó, không phải ngẫu nhiên nỗi băn khoăn đầu tiên của chàng khi tỉnh lại là câu hỏi về bầu trời cao rộng. Có thể chàng sợ cái lý tưởng hiện hữu dưới hình thức bầu trời xanh vô tận mà chàng ngờ là mình đã nhìn thấy cũng chỉ là một ảo ảnh như lý tưởng về một giấc mộng Toulon trong chàng trước kia chăng? Có thể nói L. Tolstoy đã nắm bắt hết sức tinh vi, logic tính cách nhân vật. Sau nỗi ám ảnh về bầu trời mới là nỗi ám ảnh về cái đau thân xác. Ta hãy nhớ lại những ý nghĩ của Andrey Bolkonsky sau cuộc họp hội đồng quân sự. Say sưa với giấc mộng Toulon, nhưng giấc mộng ấy có cái gì đó tàn nhẫn, khủng khiếp, bởi nó chứa đựng chủ nghĩa cá nhân cực đoan kiểu Napoleon. Giấc mộng hư danh này đã có lúc khiến Andrey trở nên hết sức ích kỉ. Chàng sẵn sàng “không do dự mà hi sinh hết thảy mọi người cho một phút vinh quang, cho một lúc chiến thắng, cho lòng hâm mộ của những người mà mình không biết và sẽ cũng không bao giờ biết” [1], ngay cả cái chết của bản thân cũng không có ý nghĩa gì. Thế mà, giờ đây, trên cao nguyên Pratsen, cảm giác về nỗi đau đớn xuất hiện trong Andrey Bolkonsky như một sự ngạc nhiên, thức tỉnh: “Cả cái cảm giác đau đớn này nữa, trước kia ta cũng không biết. Phải rồi từ trước đến nay ta không biết gì cả, không biết chút gì! Nhưng đây là đâu?” [1]. Theo tôi, khi miêu tả cảm giác này của Andrey Bolkonsky, L. Tolstoy đã thể hiện một triết lý nhân bản sâu sắc: Đau đớn là dấu hiệu của phẩm chất con người, con người sẽ không còn là mình nếu không còn biết đau đớn, không còn biết thông cảm, không còn biết sẻ 23
- chia nỗi đau khổ của nhau. Andrey Bolkonsky đã phục sinh, tự nhận thức về mình, về cuộc đời bắt đầu từ cảm giác đau đớn ấy. Tư tưởng này của Andrey Bolkonsky có phần nào đó gặp gỡ với học thuyết của Raskolnikov trong tác phẩm “Tội ác và trừng phạt” của đại văn hào F.M. Dostoyevsky. Raskolnikov nói: “Khổ đau luôn nhất thiết đối với một ý thức sâu sắc và một trái tim rộng lớn”. Trên cao nguyên Pratsen, lần đầu tiên Andrey Bolkonsky giáp mặt với Napoleon I – thần tượng của chàng, “một tâm hồn cao cả hơn người”, biểu hiện của lòng nhân đạo và lí tưởng anh hùng – trên một cự ly gần. Song giờ đây, cái nhìn đó không còn phiến diện nữa bởi Andrey Bolkonsky biết đối chiếu từ trên cao xuống mặt đất. Dưới bầu trời cao xanh lồng lộng, hình ảnh Napoleon I trở nên nhỏ bé, tầm thường hết sức, tiếng nói của ông ta nghe “vo ve như một con ruồi” [1]. Đáng chú ý là hình tượng Napoleon I trên cao nguyên Pratsen được miêu tả như một bản ngã thứ hai của Andrey Bolkonsky trước kia: sự kiêu hãnh về bản thân quá mức, sự coi thường đau đớn, cái chết của đồng loại... Hình ảnh Napoleon I dưới bầu trời Austerlits bao la là sự xét lại giá trị một con người được tôn vinh làm thần tượng của bao nhiêu người theo một tiêu chí đạo đức - thẩm mĩ mang truyền thống Nga, được xác lập ngay từ thời của A.S. Pushkin: “Cái đẹp không tách rời với đạo đức, thiên tài và kẻ giết người là hai thứ không thể dung hòa với nhau”. Nhận thức ra điều đó, Andrey Bolkonsky đi đến kết luận: “những gì mình từng biết, từng coi là có ý nghĩa nhất, giá trị nhất rốt cục cũng chỉ là hư vô dưới bầu trời cao cả, thông minh và hiền hậu kia” [1]. Quá trình nhận thức của Andrey Bolkonsky ở đây đã chuyển tải tư tưởng của đại văn hào về mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử, theo đó, một mình cá nhân không thể tạo ra lịch sử, thiên tài cũng chỉ là chất xúc tác cho lịch sử mà thôi. Lịch sử là dòng chảy tự nhiên, kết nối tất cả hòa chung vào một khối như bầu trời xanh kia ôm trọn cả cuộc sống này. Nhận thức về sự hư vô của những tín điều mình hằng ngộ nhận, Andrey Bolkonsky đồng thời nhận ra điều mà chàng trước đây chưa thấy được: ý nghĩa cuộc sống. Ý nghĩa đó không phải là hào quang cá nhân mà là sự hòa đồng, hòa nhân với bầu trời vô tận, xanh trong tượng trưng cho cuộc đời rộng lớn và hơn thế là tượng trưng cho vũ trụ. Ý nghĩa của cuộc sống nằm trong sự hòa hợp đó. Song cũng chính lúc này, chàng cũng nhận ra mình phải đương đầu với một sự hư vô đáng sợ nhất: cái chết. Trước kia, chàng coi thường cái chết bởi chính vì chàng chưa nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Còn giờ đây khi đã hiểu được điều đó, chàng lại sợ phải chết khi chưa kịp sống một cách có ý nghĩa. Trong dòng độc thoại nội tâm của nhân vật, ta thấy có một cuộc đấu tranh âm thầm nhưng quyết liệt giữa cái chết hư vô và khát vọng sống: “Trong phút ấy, ai 24
- đứng bên chàng, nói gì về chàng đối với chàng nào có nghĩa lý gì, chàng chỉ mừng thầm rằng đã có người dừng lại ở bên chàng và chỉ mong sao những người ấy giúp đỡ chàng trở lại cuộc sống, cuộc sống mà chàng thấy là vô cùng tươi đẹp, vì bây giờ chàng đã hiểu nó cách khác...” [1]. Cái chết trong suy nghĩ của chàng cũng đầy ám ảnh, âu lo như Hamlet: “Giá có thể biết được trên đời này nên tìm sự cứu giúp ở đâu và biết được là sau cuộc sống sẽ có cái gì khi mình xuống mộ thì hay quá!” [1]. Độc thoại nội tâm của Andrey Bolkonsky cho ta thấy sự khủng hoảng thường trực trong chàng là thiếu niềm tin: “Giá như bây giờ ta có thể nói lạy Chúa, xin người xót thương con thì ta sẽ thanh thản biết bao? Nhưng ta biết nói với ai như vậy bây giờ?” [1] Và hình ảnh bầu trời lại trở về trong giấc mơ của chàng. Bầu trời xanh vĩnh hằng chất chứa trong nó ý niệm về cái cao cả, cái thiện, cái đẹp... giờ mang chức năng một biểu tượng cứu rỗi “... và chỉ có bầu trời kia là hứa hẹn sẽ cho chàng yên tĩnh”[1]. Độc thoại nội tâm là phương thức chủ yếu khắc họa tâm trạng nhân vật Andrey Bolkonsky trong đọan trích này. Theo tôi, đặc điểm quan trọng của kĩ thuật độc thoại nội tâm của nhà văn là tính logic, tính nhân quả của nó. Dòng tâm tưởng của nhân vật luôn được móc nối với nhau, phát triển trong mối quan hệ qua lại với hoàn cảnh. Và đáng chú ý là tính định hướng trong dòng độc thoại nội tâm của nhân vật. Định hướng đó thể hiện qua biểu tượng bầu trời xuất hiện trong tất cả các đoạn độc thoại nội tâm. Ý nghĩa biểu trưng của hình ảnh bầu trời đã được phân tích ở trên. Ở đây, xin được nói thêm: nếu coi dòng độc thoại nội tâm của nhân vật là một vec-tơ thì có thể xác định hướng của nó là hướng đi lên. Nhân vật không chỉ khắc phục những ngộ nhận của bản thân mà còn hướng tới hòa nhập với vũ trụ. Trong khát vọng đó, L. Tolstoy đã bước đầu xây dựng một mẫu nhân vật mà nhân cách là sự tổng hòa, kết hợp giữa triết lý phương Đông và phương Tây. Sau này ta sẽ còn gặp mẫu nhân vật này trong hình tượng bác sĩ Zhivago trong tác phẩm cùng tên của B. Pasternak. Quá trình nhân vật vượt lên trên sự thấp hèn của mặt đất đến vươn tới không gian trên cao vĩnh hằng tạo thành một trục trong kết cầu không gian của tiểu thuyết: trục đạo đức, tất nhiên đạo đức ở đây thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhân dân. Bản thân đoạn trích “Bầu trời Austerlits” chưa thể hiện hết được những nét độc đáo trong nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật. Song qua đó ra cũng có thể năm bắt được phần nào những giá trị đặc sắc của tác phẩm của L. Tolstoy như: độc thoại nội tâm, sự kết hợp giữa tính sử thi – tâm lí... Con người qua sự miêu tả của nhà văn cho ta thấy nó không phải là một thực thể tĩnh tại tách rời xã hội. Mà trái lại, trong con người có sự xâm nhập nhuần nhuyễn bản chất của quá trình phát triển xã hội vào quá trình phát triển lâm lí. Nói một cách khác, L. Tolstoy là 25
- người đầu tiên mở ra một hướng mới cho việc miêu tả lịch sử: đó là tái hiện sự vận động của lịch sử trong tâm hồn con người. Do đó, nhân vật của L. Tolstoy đặt được đến tính điển hình sâu sắc. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chiến tranh và hòa bình. [Электронный ресурс] – режим доступа: https://sachvui.com/sachvui-686868666888/ebooks/2017/pdf/Sachvui.Com- chien-tranh-va-hoa-binh-lev-tolstoy.pdf 2. Con đường đi tìm lẽ sống của Andrey Bolkonsky. [Электронный ресурс] – режим доступа: http://tonvinhvanhoadoc.vn/con-duong-di-tim-le-song-cua- andrei-bolkonsky.html/ 3. Phân tích đoạn trích hai tâm trạng trong “Chiến tranh và hòa bình” [Электронный ресурс] – режим доступа: http://thuthuat.taimienphi.vn/phan- tich-doan-trich-hai-tam-trang-trong-chien-tranh-va-hoa-binh-42265n.aspx. 26
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn