Đề bài: Nghị luận xã hội về chiến tranh và hòa bình<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
Có ai đó từng hỏi tôi thế này: đang sống trong cuộc sống hòa bình, liệu có khi nào bạn <br />
nghĩ về chiến tranh không? Khi nghe đến đó tôi hơi bất ngờ nhưng ngay sau đó tôi lại tự <br />
chất vấn bản thân: có bao giờ tôi nghĩ đến vấn đề chiến tranh hay hòa bình, tò mò về nó <br />
khi mà cuộc sống có quá nhiều thứ khác thu hút tôi không nhỉ? Dường như khái niệm <br />
chiến tranh và hòa bình chỉ còn hiện hữu trong suy nghĩ của tôi khi tôi học lịch sử hay các <br />
tác phẩm văn học, đôi khi là bắt gặp trên tác phẩm truyền hình nào đó, chỉ thế thôi, không <br />
hơn. Phải chăng con người ta được sống trong cuộc sống hòa bình, hưởng phúc lợi an sinh <br />
xã hội nên người ta vô tình quên đi những giá trị cốt lõi làm nên cuộc sống hay một phần <br />
lịch sử đã qua, hay gần hơn là những gì vẫn đang hằng ngày, hàng giờ diễn ra trên thế <br />
giới nhưng chẳng bao giờ ta để ý đến cả… đó là chiến tranh và hòa bình.<br />
<br />
Bạn hiểu chiến tranh và hòa bình theo nghĩa nào? Còn tôi, chiến tranh và hòa bình – đó là <br />
hai mảng đối lập. Nếu như hòa bình chỉ sự bình an, vui vẻ, không có bạo loạn, đánh nhau <br />
cướp bóc thì chiến tranh lại vẽ lên một viễn cảnh hoàn toàn trái ngược. Nói đến chiến <br />
tranh là nói đến đánh nhau, hỗn loạn, khói súng, máu nước mắt và sinh mạng con người. <br />
Chỉ với mấy từ đó thôi hẳn ai cũng đã có những hình dung cho riêng mình về chiến tranh <br />
cũng như hòa bình trên thế giới.<br />
<br />
Các bạn biết đấy, chiến tranh ở đất nước Việt Nam đã đi xa nhưng hậu quả nó để lại thì <br />
vô cùng lớn và cũng nhiều nước trên thế giới chiến tranh vẫn còn. Chiến tranh đó là biểu <br />
hiện cao nhất của mâu thuẫn không thể hòa giải, là sự tham gia bằng vũ lực hai bên trở <br />
lên. Lịch sử thế giới đã in đậm hình ảnh của biết bao cuộc chiến tranh, cuộc chiến tranh <br />
nào cũng tàn khốc và không gì có thể bù đắp nổi. Có ai mà không biết được 2 cuộc chiến <br />
tranh lớn nhất thế giới mà người ta gọi nó là Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh <br />
thế giới thứ hai, những cuộc chiến tranh được coi là tàn khốc nhất trong lịch sử với sự <br />
tham gia của các nước lớn trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô… Rồi có ai quên <br />
được những đau thương mất mát của hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản <br />
khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống trong thế chiến thứ hai. Cả hai thành phố chỉ <br />
còn là một đống đổ nát với mùi thuốc nổ, máu nước mắt khắp mọi nơi. Cuộc chiến tranh <br />
Trung – Nhật đã cướp đi bao mạng người tham gia vào cuộc chiến đó. Nói về chiến tranh <br />
thật thiếu sót nếu như ta không nhắc tới Việt Nam một dân tộc anh hùng đã hy sinh rất <br />
nhiều (thứ) trong các cuộc chiến tranh lịch sử. Trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc dân <br />
tộc ta đã phải gồng mình lên để chống lại quân Nam Hán, Nguyên Mông, quân Thanh… <br />
Rồi sau đó là cuộc xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ hùng mạnh, hiếu chiến. Bao <br />
nhiêu cuộc chiến tranh là bấy nhiêu thời điểm đất nước lầm than, nhân dân loạn lạc, ly <br />
tán, chết chóc. Để kể về hậu quả mà chiến tranh gây ra thì có lẽ không có một từ nào có <br />
thể diễn tả được hết. Ta thấy một phần nào đó của chiến tranh qua những câu thơ của <br />
các nhà thơ kháng chiến:<br />
<br />
"Quê hương ta từ ngày khủng khiếp<br />
<br />
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn<br />
<br />
Ruộng ta khô nhà ta cháy<br />
<br />
Chó ngộ một đàn………"<br />
<br />
Đau thương cho người ra đi, ám ảnh những người ở lại, môi trường sống bị ảnh hưởng <br />
một cách nghiêm trọng là những gì mà chiến tranh để lại cho chúng ta khi đã vô tình đi qua <br />
một thời điểm nào đó… Đến đây tôi tự đặt ra câu hỏi: chiến tranh tàn khốc là thế, đau <br />
thương là thế nhưng tại sao nó vẫn xảy ra, ở quá khứ, và ngay cả thời điểm hiện tại? <br />
Phải chăng con người thích sự chết chóc? Đó chắc chắn không phải. Chiến tranh là do <br />
những kẻ cầm đầu, những con người vì muốn thỏa mãn lòng tham của mình, vì sự ích kỷ <br />
cá nhân mà dẫn quân đi gây chiến nhằm giành lợi ích từ các vùng, quốc gia mà họ đánh <br />
chiếm. Có nước khai chiến ắt có nước chống trả, và thế là các bên sử dụng sức mạnh <br />
quyền lực của mình nhằm giành chiến thắng cho mình. Đó cũng chính là mầm mống của <br />
các cuộc chiến tranh trên thế giới. Nếu phải dùng một từ để nói về chiến tranh bạn sẽ <br />
dùng từ gì? Còn tôi, đó là đau thương…<br />
Trái ngược với chiến tranh và cũng là khái niệm được nhắc đến nhiều nhất bên cạnh <br />
chiến tranh, đó là hòa bình. Hòa bình là trạng thái một vùng, một quốc gia hay thậm chí <br />
toàn cầu sống trong sự an toàn, không phải dùng vũ khí, vũ lực để đấu tranh với các nước <br />
khác cũng như không có vũ lực quân sự từ các quốc gia khác can thiệp. Hòa bình là khao <br />
khát của tất cả các dân tộc chân chính trên thế giới. Ở một nước hòa bình con người có <br />
cơ hội sinh sống và phát triển trong điều kiện tốt nhất, không phải chịu nỗi đau mất mát, <br />
phân tán, chia li như trong chiến tranh. Để có được hòa bình mọi dân tộc trên thế giới <br />
chấp nhận hi sinh tất cả, tôi tin là như vậy. Vì hòa bình sẽ mang lại cho mọi người cuộc <br />
sống bình an trong lâu dài. Đó cũng là lý do tại sao trên thế giới hiện nay luôn có các tổ <br />
chức và cá nhân lên tiếng bảo vệ hòa bình và kêu gọi mọi người ủng hộ hòa bình. Bạn có <br />
biết người giành giải Nobel Hòa Bình năm 2014 vừa qua là ai không? Bên cạnh nhà vận <br />
động chiến dịch chống nạn bóc lột trẻ em ở Ấn Độ Kailash Satyarthi thì cô bé Malala <br />
Yousafzai lúc ấy mới 17 tuổi đã dám đứng lên đấu tranh chống lại tay súng Taliban để <br />
giành quyền đi học cho những em gái ở vùng thung lũng Swat của Pakistan nơi bị Taliban <br />
chiếm đóng. Với hành động dũng cảm của mình Malala đã chinh phục hàng vạn con tim <br />
yêu hòa bình trên thế giới. Hơn thế em còn là chủ nhân của câu nói nổi tiếng: "Mục tiêu <br />
của tôi không phải là giành giải Nobel hòa bình, mục tiêu của tôi là hòa bình và mọi trẻ <br />
em được đi học". Đó chỉ là một người trong hàng vạn con người đang không ngừng đấu <br />
tranh trong công cuộc giành hòa bình, chống chiến tranh trên thế giới hiện nay.<br />
<br />
Hiện này có rất nhiều cách khác nhau đang được các quốc gia trên thế giới thực hiện <br />
nhằm duy trì hòa bình chống các hành động gây mâu thuẫn dẫn tới chiến tranh. Là một <br />
học sinh chủ nhân tương lai của đất nước, thế giới bạn có những kiến thức nghị gì mới <br />
để góp phần vào việc bảo vệ hòa bình thế giới? Theo tôi suy cho cùng thì nguyên nhân <br />
chiến tranh cũng là do con người với con người vẫn còn sự đố kỵ lẫn nhau, vẫn sống theo <br />
chủ nghĩa cá nhân. Lúc này tôi chợt nhớ đến một câu thơ của Tố Hữu:<br />
<br />
"Có gì đẹp trên đời hơn thế,<br />
<br />
Người với người sống để yêu nhau".<br />
Ước mong về một thế giới hòa bình sẽ luôn là niềm khao khát cháy bỏng của mọi người <br />
dân chân chính trên thế giới vì họ hiểu: "Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh <br />
là tội ác".<br />
<br />
Bài số 2<br />
<br />
Nhân ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, phóng viên đã nhận được một bài viết rất cảm <br />
động của độc giả Lê Thị Hương (25 tuổi, Chí Linh – Hải Dư chia sẻ câu chuyện về <br />
người bố là thương binh hạng 2/4 của mình, bác Lê Tuấn (nhập ngũ lần đầu năm 1974, <br />
lần 2 năm 1978, tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia).<br />
<br />
Bài viết còn là những suy nghĩ rất thật, rất chân thực về chiến tranh của một người trẻ <br />
tuổi, người chưa hề biết thế nào là chiến tranh. Hiện bài viết đang lan truyền rất nhanh <br />
trên cộng đồng mạng và gây xúc động cho nhiều người.<br />
<br />
Bố em, 18 tuổi vào bộ đội. Năm đó là 1974, chiến tranh đã vào hồi cuối,bố là lớp tân binh <br />
nên còn huấn luyện một thời gian dài để rồi tuyển lựa "đi B”. May mắn thay, bố chưa <br />
đến đợt đi B thì chiến tranh kết thúc, 1977 bố giải ngũ trở về, cưới vợ.<br />
<br />
Tháng 8/1978, chị cả em ra đời, sau đó chit một tháng, chú Tư – em trai ruột của bố em, có <br />
lệnh gọi nhập ngũ. Chú vừa nhát vừa hiền, lại vừa cưới vợ nên bố xin đi thay chú. Đất <br />
nước đang cần người đã có kinh nghiệm, đơn tình nguyện của bố được chấp thuận ngay. <br />
Mẹ em, chị và ông bà tiễn bố lên đường. Vài tháng sau, bố đi K (chiến trường <br />
Campuchia). Chuyến tàu đưa bố đi từ Hải Phòng, đơn vị bố có hơn 40 người Hải Phòng, <br />
vào đến Quảng Trị còn 14 người. Họ nhảy tàu vì đi B thì sẵn sàng nhưng đi K thì khác.<br />
<br />
Thời gian đầu còn có chút tin bố về nhà, càng về sau càng biền biệt. Mấy năm sau có giấy <br />
báo tử gửi về, bà nội khụy xuống trước thềm nhà. Suốt tháng trời bà mê man chỉ đòi <br />
chống gậy đi tìm con, bà bảo bố em không thể nào chết được.<br />
<br />
Mẹ ôm chị gái em từ căn nhà riêng về ở với ông bà vì chị ốm quá, lên sởi mủ xanh mủ <br />
vàng đã có lần thiếp đi, chú mang ra góc giường đặt, mẹ khóc ngất, bỗng thấy cánh tay <br />
chị vời lên, mẹ lại ôm chị, chăm nuôi bú mớm. Những năm tháng ấy, bố vẫn biền biệt <br />
bên kia, không hay biết gì về tình cảnh bi đát của con thơ, mẹ già.<br />
<br />
Rồi bố bị thương trong một lần đi họp giao ban buổi tối: đạp trúng mìn, bàn chân dập nát, <br />
đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế không kịp, bác sĩ <br />
y tá cưa chân cho bố, cưa sống, đồng đội hát quốc bao nhiêu vẫn không át nổi tiếng gào <br />
thét. Rồi 2 ngày sau bố mới được chuyển về Sài Gòn bằng trực thăng, lần này nằm viện, <br />
cưa thêm một lần nữa vì vết cưa cũ bị nhiễm trùng. Điều dưỡng thêm vài năm nữa 1/3 <br />
chân phải của bố đã không còn, một mảnh đạn găm ở đùi và hai tai bị điếc nhẹ.<br />
<br />
Bố về nhà với giấy chứng thương 2/4, mất sức 65%. Nhưng còn về được đã là đại phúc <br />
cho cả nhà mình, bố kể hồi mới sang được 1 tháng, chính tay bố đã phải gói hài cốt của <br />
bạn mình để trực thăng mang về. Ngày bố về, nét mặt dữ dằn hơn, những cơn đau mê <br />
sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại, chị em nhất định không nhận bố vì sợ cái nạng và cái chân <br />
gỗ bố tháo ra lắp vào mỗi sáng tối. Ngay cả đến đời con trai của chị, cháu ngoại của bố, <br />
mỗi nhìn cái chân ấy nó đều khóc thét.<br />
<br />
Bố mất cả tháng giờ chỉ để làm quen và ôm con gái mình vào lòng mà không làm nó sợ. <br />
Đúng, em là gái, em chỉ nhìn những thứ xung quanh mình, em nhìn thấy chiến tranh và hậu <br />
quả của nó trong suốt 18 năm sống bên bố, những lần sợ hãi đến run rẩy khi bố em mắt <br />
vằn tia máu lên nóng giận vì những điều không lớn lao gì, khi bố em những đêm rên rỉ <br />
trong vô thức vì mảnh đạn trong người, khi bố em có những lần đi xe máy hơi quẹt xe đã <br />
ngã vì không thế dùng chân giả mà chống như người ta được.<br />
<br />
Bố em chưa một lần than vãn gì về chiến tranh, kêu ca gì về sự đãi ngộ của nước nhà cho <br />
những người thương bệnh binh như bố, bố vẫn bươn trải bán buôn ngược xuôi để nuôi <br />
con học hành.<br />
<br />
Em nhớ mãi một lần lớp 11, em học kém bị bố đánh, đánh xong bố nói rất nhiều, nhưng <br />
có một câu em không thể nào quên được, bố bảo: "Chị em chúng mày đang đi học bằng <br />
tiền xương máu của tao đây con ạ”. Đúng, chúng em từ Cấp 1 cho đến hết Đại học đều <br />
được miễn học phí vì bố là thương binh.<br />
Bao nhiêu năm em sống trên đời là bấy nhiêu năm em thấy mẹ chăm bẵm bố em từ miếng <br />
cơm, phích nước, ấm trà, là thấy mẹ chịu đựng đủ sự nóng nảy của bố do thay đổi tâm <br />
tính từ lúc trở về.<br />
<br />
Có đôi lần ai đó nói đến chiến tranh, mẹ em chỉ lơ đãng nói một điều: "Kể cả có chiến <br />
tranh, thằng Hà (em trai em) nhà này cũng không bị gọi đi nhập ngũ đâu, nó con một, bố <br />
lại thương binh yếu đuối thế kia".<br />
<br />
Các bạn có thể cười rằng mẹ suy nghĩ hạn hẹp và ích kỷ, nhưng nếu các bạn đã từng vùi <br />
cả tuổi xuân của mình để chờ chồng, nuôi cha mẹ già con thơ và dành cả cuộc đời để xoa <br />
dịu những vết thương chiến tranh, các bạn sẽ dễ cảm thông cho mẹ em biết chừng nào. <br />
Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc chính vì <br />
vậy, còn hòa bình được ngày nay hãy cố mà gìn giữ.<br />
<br />
Bài số 3<br />
<br />
Khát vọng hòa bình luôn là lý tưởng cao đẹp mà loài người phấn đấu và hướng tới. <br />
Những người đã trải qua chiến tranh, chịu đựng những mất mát đau thương do chiến <br />
tranh gây ra mới có thể cảm nhận giá trị vĩnh viễn và to lớn của hòa bình, mới thực sự có <br />
thiện chí hòa bình và mới có thể biến khát khao hòa bình thành hiện thực.<br />
<br />
Đã 40 năm non sông thu về một mối, Tổ quốc ta liền một dải nhưng dấu tích và nỗi đau <br />
do chiến tranh gây ra vẫn còn đó. Với "cuộc chiến 10.000 ngày", thử hỏi có mảnh đất nào, <br />
gia đình nào trên đất nước thân yêu hình chữ S này không phải gánh chịu hậu quả? Cái giá <br />
mà nhân dân Việt Nam phải đánh đổi để giành lấy hòa bình, độc lập không hề nhỏ nhưng <br />
vì chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do", dân tộc ta đã không quản gian khó, không <br />
ngại hy sinh để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, <br />
thống nhất Tổ quốc.<br />
<br />
Để tới được cái đích là hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, chỉ riêng trong cuộc <br />
kháng chiến chống Mỹ đã có khoảng 3 triệu người Việt Nam nằm xuống khắp mọi miền <br />
của Tổ quốc. Ngay tại những Nghĩa trang liệt sĩ của các địa phương, giờ này vẫn còn <br />
hàng vạn người con của dân tộc chưa có tên trên bia mộ, vẫn còn hàng nghìn gia đình <br />
trong cả nước mang nỗi đau vì chưa có thông tin về người đã khuất. Tại Côn Đảo – nơi <br />
được ví là "địa ngục trần gian" của một thời giông bão trong hành trình giành khát vọng <br />
độc lập và tự do của dân tộc – hơn hai vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngã <br />
xuống và mãi nằm lại mảnh đất này. Nhưng đến nay chỉ quy tập được chưa tới 2.000 <br />
ngôi mộ, trong số này mới hơn 700 ngôi mộ có tên tuổi. Rồi trong hòa bình, máu vẫn đổ <br />
khi số bom mìn của chiến tranh nằm trong lòng đất mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của <br />
bao người dân vô tội.<br />
<br />
Hãy hình dung mẹ Nguyễn Thị Thứ (Quảng Nam) cũng như hàng triệu mẹ Việt Nam đón <br />
nhận tin Đại thắng mùa Xuân 1975 bằng niềm vui sướng tột cùng và bằng cả nỗi chờ <br />
mong những đứa con đi xa trở về, thế nhưng 11 người con và cháu của mẹ đã vĩnh viễn <br />
nằm lại khắp các chiến trường để đất nước có ngày hôm nay. Và ai đã một lần đến thăm <br />
Làng trẻ Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) chắc không thể cầm được nước mắt khi chứng <br />
kiến những di chứng kinh hoàng của chiến tranh khiến bao số phận phải chung sống với <br />
chất độc da cam/dioxin trong dị tật và đau đớn…<br />
<br />
Đặc biệt, cuốn nhật ký của nữ bác sĩ – Anh hùng Đặng Thùy Trâm được xuất bản dưới <br />
tựa sách "Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình" bằng nhiều thứ tiếng đã trở thành thông điệp <br />
hòa bình của một người con gái Việt Nam thay mặt lớp người "xẻ dọc Trường Sơn đi <br />
cứu nước" gửi tới toàn nhân loại. Bản thân cuộc hành trình của cuốn nhật ký trong suốt <br />
35 năm cũng đã thể hiện một khát khao hòa bình cháy bỏng bởi chính người lưu giữ cuốn <br />
nhật ký là một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và những ký ức <br />
kinh hoàng về chiến tranh còn ám ảnh ông suốt cả cuộc đời.<br />
<br />
Hòa bình là mục tiêu cốt lõi. Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước <br />
cũng là dịp để chúng ta nhìn lại và suy ngẫm về giá trị của hòa bình – độc lập. Có thể nói, <br />
khát vọng của dân tộc Việt Nam là hòa bình. Từ ngàn đời nay các bậc hào kiệt, anh hùng <br />
của đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí <br />
Minh đều dành tâm sức, trí tuệ để "mở nền thái bình muôn thuở", lấy "nhân nghĩa" để <br />
"yên dân", để thắng hung tàn, cường bạo. Ngay giữa trái tim của Thủ đô, sự tích hồ Hoàn <br />
Kiếm là di sản văn hóa có một không hai về lòng khát khao hòa bình của dân tộc Việt <br />
Nam – Một dân tộc yêu hòa bình ngay cả trong huyền thoại. Thời khắc 3041975 có lẽ đã <br />
trở thành khúc khải hoàn đáng nhớ nhất trong bề dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước <br />
và giữ nước của dân tộc. Ước vọng hòa bình, non sông nối liền một dải thành hiện thực <br />
kể từ giây phút ấy. Nhưng để đi tới cái đích cuối cùng, có được ngày độc lập, là những <br />
năm tháng trường chinh cả dân tộc hành quân ra trận, cái giá của hòa bình được đổi bằng <br />
máu xương của các thế hệ đi trước.<br />
<br />
Chúng ta yêu hòa bình, chúng ta phải làm tất cả vì hòa bình. Đó là kết tinh lịch sử hàng <br />
nghìn năm của dân tộc ta, của nhân dân ta. Dẫu còn muôn vàn gian khó để trở thành cường <br />
quốc, nhưng lòng khát khao hòa bình của dân tộc, sức mạnh chiến thắng của chính nghĩa <br />
luôn thuộc về chúng ta. "Dựng nước đi đôi với giữ nước" đã thành quy luật phát triển của <br />
dân tộc ta. Lịch sử dân tộc ta thật hào hùng, ghi nhận biết bao sự hy sinh, cống hiến của <br />
các thế hệ cha anh vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ <br />
chủ quyền đất nước là trách nhiệm chính trị thường trực của toàn Đảng, toàn quân, toàn <br />
dân ta trong tình hình mới, cụ thể là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự ổn <br />
định chính trị – an ninh xã hội và con đường đi lên CNXH, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi <br />
trường thuận lợi để phát triển đất nước.<br />
<br />
Hòa bình và ổn định chính trị chính là nền tảng để phát triển đất nước, đây là điều mà <br />
mỗi người trong chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, <br />
sáng suốt. Hòa bình và sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng <br />
lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước. <br />
Hòa bình và sự ổn định chính trị cũng chính là phương thuốc hữu hiệu nhằm tiêu diệt tận <br />
gốc những virus xấu, độc mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang gieo rắc thông qua <br />
chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền"… trong chiến lược "diễn biến hòa bình" mà chúng <br />
đang ráo riết thực hiện thời gian qua.<br />
<br />
Kế thừa và thực hiện sáng tạo tư tưởng của cha ông "Đem đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy <br />
chí nhân thay cường bạo" để "mở nền thái bình muôn thuở" không chỉ cho dân tộc Việt <br />
Nam mà còn vì hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển trong khu vực cũng như trên <br />
toàn thế giới. Từ "muốn là bạn" (Đại hội VII, VIII), "sẵn sàng là bạn" (Đại hội IX), "là <br />
bạn và đối tác tin cậy" (Đại hội X), Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung <br />
thêm là "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", thể hiện quá trình trưởng <br />
thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động và có trách <br />
nhiệm của nước ta tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu.<br />
<br />
Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam là <br />
những nhân tố quyết định, làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa <br />
Xuân năm 1975. Nhiệm vụ của thế hệ hôm nay và mai sau là trân trọng, gìn giữ và phát <br />
huy những giá trị đó để giữ vững non sông gấm vóc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày <br />
càng giàu mạnh.<br />
<br />
<br />