
43
PHẪU THUẬT VẾT THƯƠNG TỦY SỐNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Vết thương tủy sống là một tổn thương hiếm gặp và chiếm khoảng 1,5% trong tất
cả các tổn thương tủy sống. Có thể gặp vết thương tủy sống tại bất kỳ đoạn nào của cột
sống, tuy nhiên hay gặp đoạn cột sống cổ và thắt lưng do đặc điểm vùng cột sống ngực
các mỏm gai xếp chồng kín lên nhau.
Vết thương tủy sống thường nằm trong bệnh cảnh đa chấn thương hoặc đa vết
thương phần mềm nên cần có thái độ xử trí cấp cứu, toàn diện, đánh giá đầy đủ tổn
thương, cả đường vào, đường ra của vết thương và các cơ quan lân cận trên đường đi của
nó.
Đường tiếp cận vết thương tủy sống tùy thuộc vào thương tổn và vị trí giải phẫu.
Trước tiên cần phải đảm bảo huyết động ổn định, sử dụng vắc xin chống uốn ván, kháng
sinh phổ rộng và sơ cứu tốt tránh tổn thương thêm thần kinh trong quá trình vận chuyển.
II. CHỈ ĐỊNH
- Vết thương tủy sống (còn hoặc không còn dị vật) gây tổn thương thần kinh
- Rò dịch não tủy từ vết thương
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Tình trạng toàn thân nặng ảnh hưởng đến tính mạng
- Vết thương trên da vùng cột sống nhưng chưa xác định được tình trạng tổn
thương thần kinh và rò dịch não tủy
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện: 1 phẫu thuật viên chuyên sâu về cột sống, 2 phụ phẫu thuật (bác sỹ
chuyên ngành ngoại khoa), 1 dụng cụ viên.
2. Người bệnh
- Hoàn thành các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: Xquang, chụp cắt lớp vi tính
và cộng hưởng từ (MRI) nhằm chẩn đoán xác định dị vật và đường vào
- Giải thích cho người bệnh và gia đình về tình trạng bệnh và phương pháp mổ,
các nguy cơ tai biến và rủi ro.
3. Phương tiện
- Bộ dụng cụ phẫu thuật cột sống
- Vật liệu cầm máu và vá màng cứng
- Chỉ đơn sợi không tiêu 5/0 hoặc 6/0 để khâu tạo hình màng cứng
- Tiến tới sử dụng máy theo dõi thần kinh trong mổ