intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sương trắng A Su Phìn

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

55
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Căn phòng ấm áp, bếp lò đượm than hồng rực. Từng viên than cháy căng như co mình trước cái lạnh cắt da thẩm thấu qua bức tường dày sà xuống từng khe gỗ thông. Nhiệt kế trong phòng chỉ âm 3 độ C. Tuy nhiên Hạng Thị Sồng không biết điều đó, đơn giản, bởi với bà, chữ cũng chỉ là một thứ hoa văn trên tấm thổ cẩm vắt trên tay những người đàn bà Mông từ các bản chảy về thị trấn. Mọi thứ trong căn phòng này đều xa lạ với cuộc sống của bà, từ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sương trắng A Su Phìn

  1. Sương trắng A Su Phìn TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN XUÂN THUỶ Căn phòng ấm áp, bếp lò đượm than hồng rực. Từng viên than cháy căng như co mình trước cái lạnh cắt da thẩm thấu qua bức tường dày sà xuống từng khe gỗ thông. Nhiệt kế trong phòng chỉ âm 3 độ C. Tuy nhiên Hạng Thị Sồng không biết điều đó, đơn giản, bởi với bà, chữ cũng chỉ là một thứ hoa văn trên tấm thổ cẩm vắt trên tay những người đàn bà Mông từ các bản chảy về thị trấn. Mọi thứ trong căn phòng này đều xa lạ với cuộc sống của bà, từ cái hộp chứa nhà cửa, những hình người nói cười nhảy nhôi đến cái vật kêu tíc tắc gắn trên tường, chỉ có bức tranh thổ cẩm gắn những đồng xu cổ treo làm vật trang trí phía trên bộ bàn nước là quen thuộc. Duy nhất một điều bà cảm nhận được, đó là sự ấm áp không phải từ bếp lò hồng than phả tới mà tự trong ngực phả ra. Sự ấm áp bà có thể cảm nhận một cách rõ ràng từ thân thể người đàn ông đang say ngủ, đầu khẽ quẹo vào nách người yêu, ngoan ngoãn như con mèo nhỏ. A Linh đang mơ màng trong những mộng mị có thực. Ngoài trời, ngày hay đêm, sớm hay chiều bà không biết, A Linh cũng không biết. Người thị trấn này có lẽ cũng không biết. Kể từ khi những bông tuyết lơ phơ trải đều xuống thị trấn thì mọi ý niệm về thời gian vốn đã rất mù mờ ở A Su Phìn bị xoá nhoà hoàn toàn ngay cả với những người minh mẫn nhất. Những người đàn bà Mông chạy dạt vào góc chợ trải những tấm ni lon, lót thổ cẩm và đốt than hồng xúm xít. Hàng quán đóng cửa. Khách du lịch trót đến nơi thì náu mình sau những khung cửa bên những bếp lò hồng rực. Những người bận rộn duy nhất là nhân viên các nhà nghỉ khách sạn, chuẩn bị củi than và tiếp tế đồ ăn tại phòng cho khách. Thị trấn bỗng chốc vắng huơ hoắt, không một bóng người. Nóc nhà thờ đá lúc đầu ngợp trong hoa tuyết bả lả, đậu từ cây thập tự rớt la đà xuống mái ngói và sượt qua mảng tường đá đầy luyến lưu, sau đó thì cả tháp chuông ngoi
  2. ngóp trong biển sương đặc quánh, khi những bông tuyết đã ngừng rơi. Các hàng quán sơ tán bằng sạch, hàng đồ nướng nhà Quại quanh năm rực hồng bếp than với thơm lựng thịt xiên, cơm lam, hạt dẻ cũng nhấp nhổm dọn về. Nhấp nhổm là vì Hạng Thị Sồng còn ngồi đấy. Hôm nay là ngày hẹn với người tình trẻ của bà. Nhà Quại biết điều đó nên còn nhấp nhổm, không nỡ dọn hàng ngay. Dân thị trấn lo ngại rằng, nếu cứ ngồi dưới trời mà bán mua chắc chắn sau đó tất cả sẽ bị đóng băng cứng ngắc, mà hình như chưa ai muốn chết. - Bà cũng tìm chỗ mà ẩn đi thôi, tuyết rơi thế này nó không lên đâu... Như không nghe thấy lời nhà Quại đồ nướng, Hạng Thị Sồng vẫn ngồi, như thể quá trình đóng băng lên cư dân đầu tiên ở thị trấn đang bắt đầu. Nó ở đây là A Linh. Bà quen A Linh lần đầu tiên cũng tại hàng đồ nướng nhà Quại. Hôm đó trời cũng rất lạnh, tuy không thấm gì so với hôm nay nhưng rất lạnh. Lạnh đến mức bà phải tặc lưỡi thu dọn hết những đồ thổ cẩm, mớ bạc giả xủng xẻng và mấy đám dây dợ cho cả vào quẩy tấu và tìm vào góc chợ. A Linh lúc đó đang gỡ một xiên thịt nướng thơm phức một cách hờ hững. Bà lẩy bẩy bước vào, gã trai bản ngẩng lên, ngơ ngác. Gã bỏ xiên thịt nướng đứng lên lập bập dùng cả bàn tay ngậy mỡ giúp bà gỡ quẩy tấu khỏi vai. Gã mời bà một xiên thịt. Một gã đàn ông Mông ngồi lặng lẽ ăn thịt nướng là một sự lạ. Xuống chợ mà không uống rượu thì không phải là đàn ông Mông. Đàn ông Mông không bao giờ ngồi một mình ăn thịt nướng, nếu có ăn thịt nướng thì nhất quyết cũng phải có cái ly sành xám kịt ngất ngư trước mặt. Nhưng A Linh thì ngồi lặng lẽ ăn thịt nướng. Bà cũng đón xiên thịt nướng từ tay người đàn ông ngồi ăn như là một lẽ rất tự nhiên. Thịt nướng thơm làm ấm nóng từng chân răng của hai quai hàm còn chưa hết lập cập của bà, thịt nướng làm ấm cái bụng bà, và thịt nướng làm mềm ánh mắt bà già Hạng Thị Sồng sáu mươi mùa ngô núi mọc. Đây không phải là lần đầu tiên bà được mời, con dâu cả mời, con dâu hai mời, con dâu út mời... Nhưng là lần đầu tiên bà được một người đàn ông Mông không quen biết mời với một cử chỉ thân tình đến thế, đời bà chưa từng có điều đó, ngay lão Vàng Hườm ở với bà đến mấy chục năm cũng không một lần mời vợ dù chỉ là một muôi gỗ mèn mén, vậy nên bốn đứa con trai cũng theo bố, chẳng biết đến mẹ bao giờ, vả lại, chúng còn khuất mặt sau đám khói thuốc, làm gì nhìn thấy ai. Vậy nên khi
  3. được mời hẳn một xiên thịt nướng giữa chợ thì Hạng Thị Sồng lấy làm rưng rức trước hành động đẹp đẽ ấy lắm. Hai người lặng lẽ ngồi bên bếp lửa của hàng đồ nướng. Khi miếng cuối cùng của xiên thịt đã bị gỡ, Hạng Thị Sồng nhặt lên hai quả trứng nướng đưa cho A Linh một quả. Lại lặng lẽ ăn. Một vài trao đổi nhỏ đủ để bà biết A Linh ở Sa Pạ, còn bà ở Hầu Thào. Hai hướng khác nhau của những cung đường vắt theo sườn núi đổ về thị trấn. Khi cây thập tự trên nóc nhà thờ đã sậm lại chuẩn bị chui vào đêm thì A Linh ra về. Bà còn ngồi lại ngẩn ngơ một lúc lâu mới sửa soạn quẩy tấu tìm về nhà trọ. Đã lâu rồi, chặng đường từ thị trấn về Hầu Thào chỉ gặp bước chân bà mỗi tháng một lần. Như hầu hết những người đàn bà khác từ các bản về đây bán hàng, bà nghỉ lại A Su Phìn. Có một sức hút mơ hồ từ phía người đàn ông trẻ khiến Hạng Thị Sồng phải suy nghĩ. Hình ảnh A Linh rời quán đồ nướng với những bước chân lưu luyến, không uống rượu mà liêu xiêu leo lên yên chiếc xe đạp, rồi còn ngoái lại, rồi lại rất nhanh nhìn đi nơi khác cứ quẩn đi quẩn lại trong đầu bà. Cả đời bà lam lũ như đá núi, giờ đây bà chả khác nào một phiến đá xám xịt bấu cheo leo bên sườn núi chờ một cơn mưa bão sẽ bất ngờ lăn thùm xuống thung lũng, xuống vực sâu đâu còn có thể tơ tưởng điều gì. Nhưng ai bảo đá núi thì không bao giờ tơ tưởng! Hoặc là những tơ tưởng đeo bám từ thời thiếu nữ chưa một lần toại nguyện, đeo bám mãi để rồi trỗi dậy trong bà khi con tim tưởng chừng đã đông cứng chờ khuất vào một hẻm núi nào đó để rồi vĩnh viễn lặn vào trong đá. *** Mười lăm tuổi, Hạng Thị Sồng bị bắt chồng. Những tươi mởn xuân thì của cô thiếu nữ Mông bị vày vò tan nát trong hơi men đặc sệt và mùi nước miếng nhay nhứt của gã trai lớn nhà Vàng Chử. Tuần trăng trước, Vàng Hườm đã dỡ cửa trùm bao gai bế thốc cô về nhà hắn trong sự ngỡ ngàng đứt đoạn của tiếng sáo da diết từ đôi môi một chàng trai khác.... Sồng không khóc, bởi cô biết phận mình, biết thân phận đàn bà Mông, không sống vì những mong ước bản thân. Cô thấm thía điều đó qua cuộc đời của bà, của mẹ. Nhà Vàng Chử giàu có bởi ba thung lũng hoa anh túc nở rợp trời lúc nào cũng có tám tay súng kíp trên chòi canh và mười hai con chó săn bảo vệ. Nhựa anh túc cô thành thuốc khách tự về mua, bao nhiêu cũng hết. Sồng về nhà Vàng Chử cũng vì thứ nhựa hoa anh
  4. túc. Bố cô sau bảy năm nằm bàn đèn, trong một lần vật vã đã đổi cô con gái Hạng Thị Sồng lấy mười hai đồng cân thuốc phiện. Sáu năm sau khi Sồng về nhà Vàng Chử, ông chầu giời, mộ ông được chôn gần thung lũng hoa anh túc nhà chồng cô. Bốn đứa con trai lần lượt ra đời sau những cơn đau thắt nổ đom đóm, mắt bung nở những bông anh túc xanh đỏ tím vàng. Bốn cuộc đời chìm ngập trong khói thuốc, giống như cha chúng, ông chúng. Dân bản bảo vì khi đẻ Sồng ăn nhiều ngọn anh túc luộc quá nên trong sữa đã có thuốc phiện rồi, con bú không thích cũng nghiện thôi. Một buổi, người đàn ông thổi sáo đứt đoạn năm nào nơi đầu hồi nhà Hạng Thị Sồng trở về cùng một đoàn người mang sắc phục, thung lũng hoa anh túc tan tác, tám tiếng súng kíp nổ, một cán bộ xã và hai người mang sắc phục mất mạng. Vàng Hườm tử thủ quăng lựu đạn trước khi lĩnh trọn một băng từ khẩu AK báng gấp. Lựu đạn nổ, cả một vạt hoa anh túc cuộn xoáy, những cánh hoa tả tơi trong ráng chiều. Hoàng hôn đỏ bầm như máu. Mỗi bông anh túc là một đụn máu, tím tái trong nhập nhoạng chiều. Ba thung lũng không còn tím ngắt hoa anh túc, nhưng năm khuôn mặt ông con Vàng Chử thì tím sậm lại. Sồng sai con dâu đem gieo ngô, ba thung lũng hết năm quẩy tấu hạt giống, ngô trổ bắp chín vàng ruộm lòng núi. Ngô chất ngất ngưởng đầy nhà, đầy sân nhưng chẳng có người ăn. Năm ông con Vàng Chử hút hết số thuốc gài trên nóc nhà thì lần lượt về với đất. Còn lại Sồng và ba người con dâu lặng lẽ như ba chiếc quẩy tấu lăn lóc ba góc nhà. Chả ai buồn bắt chồng. Cả đời Hạng Thị Sồng đã quen với khói thuốc và men rượu đến mức bà cảm thấy một ngày thiếu nó, chính bà cũng lăn ra mà chết. Hoặc là sống một cuộc sống khác, không bao giờ còn ngửi thấy mùi men và vị hăng ngầy ngậy ấy nữa. Bốn người đàn bà trong ngôi nhà sàn rộng thênh, người nọ nghe người kia trở mình trèo trẹo. Đêm thì dài mà trăng thì sáng.
  5. Thế rồi ba người con dâu lần lượt bắt chồng. Hạng Thị Sồng lúc này đã là một bà già chính hiệu, ngày ngày ngồi se sợi gai dệt những tấm thổ cẩm giăng mắc đầy sân. Bà cứ dệt, dệt như đan cài những ước mơ không thành sự thật. Hết mẻ này đến mẻ khác, thổ cẩm chất ngất một góc nhà. Một buổi chiều, tiếng sáo mà bà chôn chặt tận đáy lòng chợt bật lên nơi đầu hồi, phấp phỏng dập dồn. Người trai thổi sáo đứt đoạn năm xưa trở về, xa lạ quần áo, xa lạ những sao và gạch. Ông kéo bà lại bên bài vị trước bàn thờ, quỳ xuống lặng lẽ khóc. Nắm chặt bàn tay, ông bảo sẽ về đón bà. Vào buổi chiều theo lịch hẹn ấy, Hạng Thị Sồng bứt rứt ngồi ngắm vạt hoa cải vàng trước hiên nhà rồi tỉ mẩn mang bài vị của chồng ra lau chùi mãi. Khi tiếng xe con phì phạch bò lên con dốc đầu bản thì bà bật dậy, vơ váo mấy tấm thổ cẩm đang dệt nhét đại vào quẩy tấu mải miết cắt rừng lên thị trấn. Từ ấy, Hạng Thị Sồng cần mẫn với những tấm thổ cẩm do mình dệt ra, cần mẫn đi về giữa Hầu Thào và A Su Phìn. Lặng lẽ như con chim rừng quên hót. Dần dần, những lần đi về của bà thêm thưa vắng. Số thổ cẩm bà dệt cũng đã bán hết, giờ đây, bà thường mua lại của những người đàn bà Mông khác mang lên từ các bản, lại thêm mấy thứ vòng khuyên bạc, những ngôi nhà nhỏ ghép từ quả thông... Tất cả những thứ ấy được bày dưới bóng một cây lê già bên một khách sạn, bà cũng kiếm chỗ thuê trọ tại thị trấn. Lâu lắm mới về Hầu Thào. ***
  6. Trong khi Hạng Thị Sồng đang miên man hồi tưởng về sáu mươi mùa ngô núi của đời bà thì A Linh ngọ nguậy, gã cụ cựa luồn tay vào trong lần áo lót của bà mân mê đôi bầu sữa giờ đã teo tóp, chai cứng như miếng thịt nai khô. Bà cảm thấy dễ chịu, như thể có bàn chân con chó con cào nhẹ. Ít nhất thì suốt thuở xuân thì cặp tuyết lê ấy cũng chưa bao giờ được đón nhận sự nhẹ nhàng nâng niu đến thế. Bà đưa tay vuốt vuốt mái tóc bóng dầu bết chặt vào da đầu của A Linh với một cử chỉ đầy âu yếm. Hạng Thị Sồng khẽ lật nghiêng người quay lại với A Linh. A Linh riết chặt bà vào lòng, cả hai lại chìm vào giấc ngủ. Ngoài trời, vẫn mịt mù sương trắng. - Nào! Có lấy thêm củi không nào, định chết khô chết cóng trong ấy hả... Tiếng cậu trai trẻ oang oác kéo Hạng Thị Sồng và A Linh khỏi cơn mộng mị. A Linh luống cuống xoay sở trong chăn với tấm thân nửa dưới không quần của mình trong khi bà già nhanh nhẹn hơn kéo áo chạy ra đón bó củi nhỏ từ tay cậu lễ tân tốt bụng khệ nệ bê lại cửa bếp lò với một ánh mắt biết ơn. Hôm qua, khi mà tất cả dân thị trấn đã te tái chạy đi chuẩn bị đồ ăn dự trữ và lui vào nhà tránh tuyết cả thì bà vẫn ngồi như đá núi tại hàng đồ nướng. Từ ngày tình cờ gặp A Linh, chậu than nhỏ với dăm ba thứ đồ nướng nơi góc chợ của nhà Quại đã ngẫu nhiên thành nơi hò hẹn. Phiên chợ sau từ buổi gặp đầu tiên, mặc dù trời chẳng rét thì Hạng Thị Sồng vẫn vô thức thu dọn hàng vào quẩy tấu không bán nữa dờ dẫm lại hàng đồ nướng nhà Quại thẫn thờ ngồi. Lòng bà dấm dứt không yên. Không ngờ A Linh lại lên thật, dù chẳng hẹn hò gì. Không nói nhưng ánh mắt bà dường như bắt than hồng, rực lên một tí. Hai người lại lặng lẽ ăn đồ nướng. Lần này bà trả tiền. Kể từ đó, thứ bảy tuần nào A Linh cũng từ Sa Pạ lên thị trấn, và bà sẽ không bán hàng nữa, dù cuối tuần khách du lịch rất đông. Lúc đầu hai người lặng lẽ ngồi ở hàng đồ nướng, sau thì trời nắng đẹp quá, chả ai ngồi sưởi và ăn đồ nướng nữa, họ dắt nhau ra phố, đi dưới những tán cây hoa đào. Và đêm xuống hai người cùng vào nhà trọ nơi những người đàn bà bán hàng thuê trọ ngủ bên nhau như hai người bạn. Nhưng mà hôm ấy thì tuyết rơi trắng quá, trời lạnh quá, đường
  7. xa quá, liệu rằng A Linh có lên được hay không? Lên được hay không thì bà vẫn ngồi đợi. Nhà Quại sốt ruột quá cũng đành dọn hàng để lại cho bà chậu than hồng và cây ô che di động. Cả thị trấn còn lại một mình bà. Hạng Thị Sồng từ giây phút đó đã trở thành nữ chúa của vương quốc tuyết. Những bông hoa tuyết sà xuống đậu trên tóc, trên vai bà nhảy nhót. Bà không thấy cái lạnh thấu xương đang thấm dần vào tấm thân còm cõi. Bà bỗng trở lại như cô thiếu nữ mười bảy tuổi Hạng Thị Sồng của bản Hầu Thào mấy mươi năm trước. Vống vít tung còn, dập dìu váy áo. Và trong mê mải rộn ràng của hoa mơ hoa mận, của rộn rã tiếng khèn trong lễ hội lồng tồng ngập tràn hoa tuyết ấy, Giàng A Linh hiện ra, bê bết bùn đất và tóc đóng chặt băng. Khuôn mặt xám ngoét khẽ rạng cười. Bà ôm chặt lấy A Linh đầy thương cảm, nước mắt lã chã ấm nồng làm tan băng trên tóc chàng trai trẻ. Hai người ôm xoắn lấy nhau giữa mịt mù tuyết trắng. Những bông tuyết như nhảy múa, đậu lên tóc, lên vai, đậu lên cánh mũi phập phồng của Giàng A Linh, đậu lên mi mắt nhập nhèm khép mở của Hạng Thị Sồng. Bà ấn A Linh xuống chậu lửa hồng, bà ôm chặt, ủ ấm cho A Linh. Cả thị trấn chỉ còn lại hai người, một già một trẻ ngồi đối diện. Bàn tay nắm chặt bàn tay, họ nhìn vào mắt nhau. Và những giọt nước mắt lã chã... Khi chậu than hồng đã lụi tắt, cái lạnh xâm chiếm hai cơ thể. Họ hiểu rằng không thể nào tự sưởi ấm cho nhau nên đứng dậy lững thững đi dọc phố. Phố xá vắng tanh, không một bóng người. Cả thị trấn tối dần, những bông hoa tuyết chìm dần vào màn đêm. Đúng lúc hai người tưởng như khuỵ ngã bên lề đường vì đói và rét thì một khung cửa kính bật mở. Cậu lễ tân trẻ vẫn dẫn khách ra mua đồ lưu niệm của bà già mà không đòi hoa hồng đã mắng xối xả hai người sau khi kéo tuột họ vào khách sạn ấn vào một căn phòng trống. *** Cả cuộc đời buồn như cây rừng của Giàng A Linh chưa bao giờ gã được bước vào một căn phòng đẹp đến thế. Mọi thứ sáng choang và thơm phức đến ngỡ ngàng. Thế cho nên khi được ấn vào căn phòng sang trọng cùng với người tình già thì gã trở nên lúng túng không biết làm gì với những đồ vật xa lạ, chỉ biết loay hoay với chiếc bếp lò, cầm que cời cời than khiến những tàn lửa bay tứ tung, nổ tanh tách. Lửa nóng khiến khuôn mặt xám ngoét của gã dần tươi lại và đỏ rần lên, từ mặt lan ra toàn thân một cảm giác rạo rực,
  8. phừng phực, chênh chao. Cái cảm giác gã từng có trong đêm đầu tiên với người vợ thứ hai. Nhưng rồi tất cả những rung rinh trong gã đã bị cuốn trôi để rồi mỗi lần gặp ánh mắt giao tình của con gái gã chỉ thấy sởn gai ốc. Trong khi Giàng A Linh ngồi cời lửa trong bếp lò thì bà già Hạng Thị Sồng lôi mớ thổ cẩm ướt nhẹp trong mớ hàng của bà ra giăng đầy lên các tay ghế phơi cho khô. Khi phơi, bà chợt nhớ về sáu mươi năm trước, khi cô gái trẻ Hạng Thị Sồng tự tay dệt những tấm thổ cẩm khâu những bộ váy áo cho mình với khuôn mặt rạng rỡ chờ được bắt chồng. Bà lật từng nếp thổ cẩm căng ra, chậm rãi trong cái vẻ bình thản vốn có của người già nhưng thực ra bên trong chứa đựng những ngổn ngang. Trong những đêm ngủ ở quán trọ cùng những bạn hàng khác, đã mấy lần A Linh quàng tay sang vân vê vạt váy của bà, bà biết, và mặc kệ. Chỉ khi gã tiến xa hơn chực quàng qua hông bà thì Hạng Thị Sồng mới nhẹ nhàng nhấc bàn tay mềm và ấm lên đặt ngay ngắn lên ngực mình và giữ ở đấy. Và A Linh lại ngoan ngoãn ngủ, cho tới sáng thì cả hai cùng đi chợ, buổi trưa ăn với nhau bữa cơm rồi chia tay. Giàng A Linh không phải chưa biết đến bàn tay con gái. Thậm chí A Linh đã trải hai đời vợ. Thế nhưng cả hai cuộc bắt vợ ấy đều trả A Linh về một mình, lẻ loi như cây ngô mọc lạc loài trong hốc đá, như con chim gọi bạn trên cành cây cụt. A Linh bắt vợ năm mười ba tuổi. Mẹ gã mất sớm nên bố xúi A Linh bắt vợ về lấy người làm. Bố xúi A Linh bắt con Song Thào có đôi mắt tròn liếc nhanh như con sóc. Ông dẫn A Linh đến, dỡ hộ ván tường đưa bao gai cho A Linh chụp lên đầu Song Thào rồi vác hộ về. Sau đám cưới A Linh rúc đầu vào nách Song Thào ngủ ngon lành. Có dễ đến ba tháng như vậy. Có đêm Song Thào thò tay vầy con chim bé tí của chồng, A Linh đang ngủ bị bẹo chim đau bực mình đạp cho vợ một phát, Song Thào dụi mặt vào gối khóc. Cho đến một đêm, bố gạt A Linh ra nhảy vào thế chỗ. A Linh ngơ ngác nhìn qua khe gỗ, bố và Song Thào vật nhau trên chiếc giường cưới của gã. À, hoá ra làm chồng là phải thế! A Linh cười nghĩ, chắc là bố làm mẫu cho mình đây. Bố làm mẫu cho A Linh nhiều lần. Xem bố làm mẫu nhiều lần, con chim A Linh cũng ngóc lên, be bé, cưng cứng, ri rỉ, nhờn nhợn. Đến cả tháng sau thì một đêm A Linh đuổi bố ra đòi thực thi quyền làm chồng. Bố A Linh đạp con trai
  9. ngã chổng cẳng, gáy đập vào thành giường cưới. A Linh ngơ ngác nhìn bố. Từ sau cú đạp ấy, mọi thứ với A Linh đều nghiêng nghiêng, hay hay. Từ đó A Linh nhường chỗ ngủ cho bố và Song Thào, gã không một lần leo lên chiếc giường cưới nhục nhàu ấy nữa. A Linh suốt ngày dật dờ với lũ trai bản nơi đầu rừng hang suối. Sống như con nai rừng ngơ ngác giữa đại ngàn. Một chiếc lá rung nhẹ cũng làm con nai giật mình thảng thốt. Nhưng con chim A Linh thì đã lớn, nó đã biết đòi, biết khát. A Linh ngẩn ngơ nhìn hai con trâu giao hoan một cách chăm chú và bật cười khành khạch. A Linh theo trai bản xuống chợ. Xuống chợ nhưng A Linh không uống rượu bằng bát với thắng cố như trai bản. A Linh ngẩn ngơ đứng ngắm mấy cô bán quần áo, bán xoong nhôm lưỡi cày má ửng hồng xí xớn nói cười. A Linh đứng nhìn mẹ con bà bán bánh rán với chiếc chảo nổ tanh tách mỡ, nhưng khi bà ta nhón một cái đưa cho A Linh với nụ cười đôn hậu thì A Linh lại chạy biến giấu mặt vào trong chiếc mũ vải. Lần thứ hai bố cưới cho A Linh một người đàn bà hơn gã năm tuổi. Chồng của Hào Sang đi rừng sập bẫy chết bốn năm trước để lại cô cùng ba đứa con mũi dãi lòng thòng. Sau khi một con gà bị giết bôi máu lên vách làm thủ tục, A Linh về nhà Hào Sang ở. Đêm đầu tiên động phòng A Linh sẽ sàng luồn tay vào ngực vợ xoa nhẹ, A Linh lại thơm lên tóc vợ, vuốt nhẹ nếp váy thổ cẩm và cứ vân vê cái nếp váy ấy mãi. Hào Sang rướn người lên mấy lần, rên nhẹ. Cái động tác cong người ấy là thể hiện sự đồng thuận, là ngầm ý để chồng tụt váy khỏi người, nhưng A Linh vẫn cứ dền dứ mãi, hôn hít hết tay đến trán vợ mà chả làm gì thêm. Bực mình, người đàn bà ba con giật phắt tay chồng mới ra tụt phạch chiếc váy thổ cẩm quăng toẹt ra góc giường nằm dạng háng, mắt mở thao láo chờ đợi. A Linh giật mình ngồi dậy ngẩn ngơ nhìn vợ, trong ánh nến nhập nhoà, mớ tóc rối tung, ánh mắt thị hoang dại như một con thú lạ sắp lao vào tấn công A Linh. A Linh sợ hãi tháo lui về góc giường, nơi có chiếc váy đỏ như một bông hoa bị xé nát. Hào Sang ngồi dậy vươn tay túm lấy gáy chồng vít vào khuôn ngực phập phồng nồng nã, A Linh giãy ra thì Hào Sang lại túm tóc gã ấn vào háng mình, miệng hổn hển như bị tà nhập. A Linh hốt hoảng cố thoát ra khỏi bàn tay vợ, chạy thục mạng vào rừng. Hôm sau gã bỏ về nhà mình. Gã ngủ ở nhà ngoài, vài đêm một lần, bác gấu già và cô hươu cái vẫn hướng dẫn
  10. chú nai nhỏ trò chơi chồng vợ. Đêm đêm, nằm nghe tiếng kọt kẹt, hào hển sau lần vách A Linh lại chùm chăn lôi con chim ra bấm chiếc đèn pin nhỏ ngắm nghía một mình. Những lúc như thế, con chim của A Linh cũng đòi ăn ghê lắm. Thế nhưng hễ gặp ánh mắt con gái là nó lại sợ hãi co rụm lại. Thế nên bao năm A Linh cứ lang thang như con nai đi giữa rừng cỏ, ơ hờ ngơ ngác. Nhưng với Hạng Thị Sồng thì khác. Sự ấm áp đôn hậu từ đôi mắt màu tro xám của bà cho A Linh cảm giác gần gũi, tin cậy. Nhưng dù gần gũi tin cậy thì khi chỉ có hai người trong một căn phòng kín, lại đẹp hơn cả phòng cưới của bất kỳ cặp vợ chồng người Mông nào thì A Linh vẫn thấy lóng ngóng, không biết phải bắt đầu ra sao. Và khi Hạng Thị Sồng mang tấm thổ cẩm ướt nhất đến bên bếp lò để hong thì sự lóng ngóng ấy được phá tan. Cả hai cùng giăng tấm vải với những hoa văn vằn vện hơ trước than hồng. Tấm vải khô dần cũng là lúc chân tay mặt mày của bà già và cậu trai trẻ nóng giãn ra, con tim A Linh cũng giãn ra. Đũng quần A Linh cũng giãn ra, và nó bảo cho gã biết phải làm gì. Drap trắng. Gối trắng. Chăn bông trắng. Ngoài trời cũng mịt mờ sương trắng... *** Sau những ngày sương trắng, người dân A Su Phìn thấy một ông già với bộ quân phục sờn cũ dò dẫm khắp thị trấn, gặp người đàn bà Mông nào cũng dừng lại hỏi thăm gì đó. Những người đàn bà Mông thấy khách nói tiếng của mình giỏi quá thì cười phá lên lạ lẫm nhìn ông khách ngơ ngẩn. Ngày nào ông già cũng đứng bên cổng chợ, ánh mắt khắc khoải vuốt lên từng gương mặt phụ nữ Mông tấp tểnh lại qua. Tuyết đã thôi rơi, sương trắng đã tan. Và ở A Su Phìn, người ta không còn thấy bà già bán thổ cẩm, vòng bạc dưới gốc cây lê già đâu nữa.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
9=>0