intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chết lúc 9 giờ sáng

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

64
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

9 giờ sáng. Một nhát dao thấu tim. Thức mấy giờ, không ai biết, làm gì, không ai thấy, lúc đó nhà không một ai. Y, có lẽ định đi đâu đó, đã mặc quần tây (màu đen), áo sơ mi (màu tro - y chuộng màu tro), nhưng chân lại xỏ dép lê. Có lẽ y đã định ra khỏi nhà, nhưng rồi chợt nấn ná vì một lý do nào đó. Có cơn gió mát vừa ngang qua? Có vạt nắng vàng vừa ngả vào sân? Khiến y tần ngần?

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chết lúc 9 giờ sáng

  1. Chết lúc 9 giờ sáng TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN NHÃ THUỴ 9 giờ sáng. Một nhát dao thấu tim. Thức mấy giờ, không ai biết, làm gì, không ai thấy, lúc đó nhà không một ai. Y, có lẽ định đi đâu đó, đã mặc quần tây (màu đen), áo sơ mi (màu tro - y chuộng màu tro), nhưng chân lại xỏ dép lê. Có lẽ y đã định ra khỏi nhà, nhưng rồi chợt nấn ná vì một lý do nào đó. Có cơn gió mát vừa ngang qua? Có vạt nắng vàng vừa ngả vào sân? Khiến y tần ngần? Cũng có thể y đói, loanh quanh tìm gì ăn nhưng không thấy. Y đã định ra khỏi nhà, nhưng rồi lại lấy cái ghế đẩu bắt ngoài hè ngồi. Y ngồi thẳng lưng, hai tay đặt trên đầu gối. 9 giờ sáng. Gió mát, nắng nhẹ. Con gà mái vừa đẻ, nhảy bịch từ chuồng xuống đất, cục tác… cục tác…cục tác… Y mỉm cười, buồn ngủ, thiu ngủ trên nền nhạc gà mái đẻ. 9 giờ sáng. Mắt lim dim. Một nhát dao thấu tim. Trong khi y đang ngồi mơ ngủ, thì từ ngoài ngõ có một bóng người ngoặt vào, lao nhanh, trên tay là một con dao. Không nói không rằng, kẻ đó đâm phựt vào ngực y. Một nhát thấu tim. Y chết tại chỗ. Lúc 9 giờ sáng. Trên hè nhà mình. Thanh bình. Trên nền nhạc gà mái đẻ. *** 9 giờ sáng, ngày 9, tháng 9, năm 1997.
  2. Y, tức nhà thơ Kỳ Phong bị đâm chết. Kẻ đâm chết nhà thơ Kỳ Phong là một tên nghiện, trong lúc đói thuốc, mất kiểm soát nhưng đã ra tay cực chính xác. Lụi một dao thấu tim. Kẻ nghiện sau đó bị bắt và cũng đã chết. Về sau, hầu như không còn nghe ai nói gì về kẻ nghiện nữa, hắn tên gì, sao tự nhiên lại bước vào nhà vung dao đâm chết nhà thơ Phong? Sao không phải ai khác mà là nhà thơ Phong? Thực ra vào những tháng năm đó, Phong chưa được phong là nhà thơ, mặc dù y có làm thơ khá nhiều. Phong là bạn của tôi. Chúng tôi gồm một nhóm ôm mộng văn chương sau khi thanh toán xong chương trình đại học. Chúng tôi trà trộn sống trong thành phố, đói rách, tủi nhục. Phong đã làm rất nhiều thơ, nhưng không được báo nào in, không được một đại ca nào bảo kê lăng xê. Mùa thu năm đó, Phong nhảy xe đò về quê, hình như là định xin ở nhà ít tiền, hay Phong cũng đã quá mỏi mệt muốn về quê tịnh dưỡng một thời gian? Cũng có nghe nói, buổi sáng đó, Phong ăn mặc chỉnh tề định mang bản thảo ra hội văn nghệ địa phương, hi vọng có thể được in, kiếm tiền xe đò vào lại thành phố. Bởi, ở nhà không có tiền mà cho Phong. Không ai nuôi một người chỉ để làm thơ. Đó là vấn đề truyền thống. Nhưng rồi Phong đã chết như thế đó. 9 giờ sáng. Một nhát dao thấu tim. Không có chi tiết bản thảo thơ rơi từ tay nhà thơ lả tả xuống thềm hè vắng. Nhưng sau khi chết thì Phong nổi tiếng, thơ Phong cứ lả tả rơi vào lòng người yêu thơ. Trước tiên là tờ văn nghệ địa phương đã đưa tin chia buồn và in cho Phong hoành tráng bốn trang thơ. Trong đó hình như có mấy bài Phong viết về cây cầu, cánh đồng và những con cá quẫy dưới dòng sông. ‘Đó là những bài thơ cất cánh từ một tâm hồn đẹp, được ủ men từ những hạt gạo làng quê… Thật đáng tiếc khi phải giã biệt một tài năng đang độ chín’… Tờ văn nghệ địa phương viết những dòng đại khái nghiêm cẩn như vậy. Sau đó, một tờ chuyên ngành thơ trung ương, lại giới thiệu chùm thơ Phong (thật ra cũng là mấy bài đã từng đăng trên tờ văn nghệ địa phương nọ), nhưng lần này đứng ra giới thiệu là một nhà thơ
  3. đại ca. Đại ca này phán: ‘Chưa bao giờ thơ trẻ lại có một giọng vừa tươi non vừa dữ dội, vừa truyền thống vừa cách tân như thế. Dường như thi sĩ đã sẵn sàng đón nhận cái chết, một cái chết ban mai’… Đại khái vậy. Từ đó, Phong trở nên nổi tiếng. Phong đã chết mà đẹp đẽ hoành tráng hơn chúng tôi, những kẻ đang sống. 9 giờ sáng, ngày 9, tháng 9, năm 1997. Khi Phong bị đâm chết, tôi đang làm gì trong thành phố này? Sau này, cố lục soát lại trí nhớ, tôi vẫn không nhớ được mình đã làm gì trong buổi sáng hôm ấy. Tin Phong chết đến với chúng tôi khoảng mười ngày sau, khi việc chôn cất đã xong xuôi, cho nên cũng không có ai ra ngoài quê Phong để dự đám tang. Chúng tôi không chứng kiến Phong chết, nhưng biết Phong đã chết, chắc chắn là đã chết. Thật kỳ lạ. Cái chết cũng là một kiểu thông tin. Phong là bạn tôi, là một người trong nhóm chúng tôi. Nhưng trong chúng tôi không ai đưa tang Phong. Chúng tôi đọc những bài viết về cái chết của Phong, như những độc giả hiếu kỳ về ‘cái chết oan nghiệt của một thi sĩ được định đoạt bởi lưỡi dao của một tên nghiện’ (như một tờ báo giựt tít) *** Năm 1997. Khi đó tôi 24 tuổi. Những thằng bạn của tôi cũng ở khoảng tuổi đó. Có những lúc tưởng như không sống sót nổi, tan nát, điêu linh. Nhưng rồi cũng qua. Chưa có ai trong chúng tôi phải chết. Mặc dù, trong thành phố này có quá nhiều tên nghiện đói thuốc mất kiểm soát. Mặc dù, ngày nào trên đường đi cũng thấy người chết vì tai nạn giao thông. Chúng tôi cũng đã sống qua những ngày đại dịch cúm gà, đại dịch cúm heo. Đó là những thứ bệnh dịch mà khi sống Phong chưa từng biết. Năm 1997, tưởng chừng là một năm xa lắc.
  4. Chúng tôi vẫn sống. Sống mòn. Vấn đề truyền thống là những kẻ viết văn cứ lênh đênh như thế. Vấn đề truyền thống là những kẻ không có yếu tố truyền thống thì cứ lênh đênh. Trong chúng tôi cũng có người được qua Mỹ học một khóa viết văn. Cũng có người được mời đi Châu Âu đọc thơ. Cũng có người được giải thưởng chính thống hạng A nội địa. Cũng có người là nhân vật ‘mối’ tivi. Nhưng vẫn cứ lênh đênh, nhàu nát, rã rời. Kẻ qua Mỹ học viết văn rồi chả viết được gì thêm, ráng rặn cũng chả ra cái gì có hồn. Kẻ đi đọc thơ Châu Âu khi về cứ ngồi im như á khẩu. Mối tivi thì giả lả, xấu hổ, nhưng càng ngày càng nghiện tivi hết thuốc chữa. Kẻ giải hạng A thì bảo chả vinh dự gì, khối thằng vớ vẩn cũng được giải ấy, và vẫn vừa viết vừa xoay sở làm ăn, xem chuyện kiếm tiền mới là đáng nói. Không có gì mới. Không có gì vui. Chúng tôi cứ tiếp tục sống, nếu như không bị thằng nghiện nào lụi cho một nhát, nếu như không bị xe tông giập đầu, nếu như không bị dịch hay dính ung thư. Tiếp tục sống. Rã rời. Xứ này cái gì cũng rã rời. Nhưng vẫn sống. Sống mòn. Cho đến một ngày, một thằng nào đó trong nhóm bảo, sao chúng ta không về quê Kỳ Phong? Sao chúng ta không về viếng mộ nó, rồi tìm kiếm, tập hợp lại, in cho nó một tập thơ? Chúng ta là bạn Kỳ Phong, mắc mớ gì lâu nay chúng ta không viết cho nó những dòng tử tế? Mắc mớ gì chúng ta cứ để Kỳ Phong cho bọn đại ca tán nhăng? Cuối cùng, chúng tôi lên đường về quê Kỳ Phong. ***
  5. Chết lúc 9 giờ sáng. 9 giờ sáng, ngày 9, tháng 9, năm 1997. 15 năm sau, chúng tôi mới về quê Kỳ Phong. Trước đó chưa một ai trong chúng tôi biết nhà Kỳ Phong. Và, cho đến khi thực hiện chuyến đi này, chúng tôi vẫn chưa biết quê nhà của nhau. Có lẽ, một trong số thằng trong nhóm sẽ biết nhà tôi khi tôi về chết ở đó. Và, ngược lại, tôi sẽ biết quê nhà của từng đứa, khi chúng lần lượt chết (trước tôi). Nhà Phong nằm ngoài cánh đồng, cách trung tâm thị trấn chừng hai cây số. Trước đây, ngôi nhà này, ông bà già Phong ở cùng với một người em gái. Sau khi Phong chết, người em gái lấy chồng, vào thị trấn mở cửa hàng bán lạc xoong, ông bà già Phong cũng vào thị trấn ở chung với con. Năm ngoái, mẹ Phong chết vì bệnh ung thư quai hàm. Cha Phong năm nay đã 78 tuổi, sống trầm lặng qua ngày bằng những cốc rượu mạnh. Khi chúng tôi trình bày ý định in một tập thơ cho Phong, ông bảo: ‘Chuyện thơ phú của thằng Phong tôi không biết gì đâu, mấy chú muốn làm gì thì làm’. Cô em gái Phong mắt đỏ hoe khi biết
  6. chúng tôi là bạn Phong, cô hứa sẽ dẫn chúng tôi vào ngôi nhà trong quê, nhưng rồi bận quá, nhờ anh chồng dẫn đi. Chúng tôi đi trên con đường mới. Tôi nhìn về phía con đường cũ thấy một cây đa cổ thụ, một bến tắm trâu với nhiều bụi duối, ruộng lúa và ruộng bắp xen kẽ, nối tiếp nhau. Nhà như nhà hoang. Cửa khép hờ. Ngoài hè vắng có một chiếc ghế đẩu phủ bụi. Đó có phải là cái ghế mà Phong ngồi khi bị đâm chết? ‘Em nghe kể lại, anh Phong bị đâm chết ngay trên cái hè này. Khi bị đâm ảnh không la nên cũng không ai biết. Cho đến trưa khi ba vợ em đi làm về thấy ảnh nằm úp mặt xuống đất. Hình như ảnh khóc. À, em còn nghe vợ em kể, khi về quê anh Phong rất thích hút trứng gà sống, mỗi khi gà đẻ ảnh lén lấy hút, có lần bị ông già la là phá gia, mọi rợ. Nhưng anh Phong không cãi lại, tánh ảnh ít nói. Đó là em vợ em nghe kể lại, chứ em cũng chưa gặp ảnh khi còn sống’ (Chồng của cô em gái Phong kể vậy rồi tất tả quay ngược lại thị trấn) ‘Sao ở chốn thanh bình này lại có một tên nghiện?’ (Mối tivi đặt câu hỏi) ‘Một nhát dao thôi phải không? Nếu tôi nhớ không nhầm thì tên nghiện chỉ đâm đúng một nhát. Một nhát chết ngay. Có lẽ lúc đó thằng Phong đang nhắm mắt. Cái thằng có tật mỗi khi làm thơ thì nhắm mắt. Nhắm mắt thăm thẳm trôi’ (Đọc thơ Châu Âu nói) ‘Vào trong nhà coi. Mình nghĩ là có một tủ sách’ (Học viết văn ở Mỹ bảo) Chúng tôi đẩy cửa vào trong nhà. Chuột chạy va mũi giày. Không có một tủ sách nào cả. Thậm chí, không có lấy một cuốn sách. Mối tivi vừa hắt xì vừa nghe điện thoại rồi thông báo, có một nữ doanh nhân kiêm nhà thơ đang trên đường đến đây. ‘Em này sẽ tài trợ tiền cho chúng ta thực hiện tập thơ Kỳ Phong’ (Mối tivi nói rõ thêm) ‘Còn phải coi, có cái gì để in không. Mình lấy làm ngạc nhiên là trong ngôi nhà này không có lấy một cuốn sách’ (Học viết văn ở Mỹ phàn nàn) ‘Có khi là chúng được đốt theo thằng Phong rồi’ (Đọc thơ Châu Âu tỏ ra điềm tỉnh)
  7. ‘Nó ngồi trước nhà, thằng nghiện từ ngoài đi vào, nó không thấy hay sao?’ (Mối tivi lại xoay ra câu hỏi) ‘Có thể nó thấy, nhưng không biết đó là thằng nghiện, cũng không ngờ là thằng kia đâm cho một nhát. Đâu phải ai bước vào nhà mình, cũng là kẻ sẽ đâm mình một nhát?’ (Đọc thơ Châu Âu khúc chiết) ‘Nó về quê không nói với ai. Nó chết mà bọn mình không biết gì cả’ (Mối tivi nói như khóc) ‘À, lúc đó nó có mượn mình cuốn Sổ tay truyện ngắn. Nhưng trong nhà này không tìm thấy một cuốn sách nào cả’ (Học viết văn ở Mỹ lại tặc lưỡi) ‘Có khi là nó được đốt theo người chết rồi’ (Đọc thơ Châu Âu nhắc lại) ‘Nó làm thơ mà mang theo cuốn sổ tay dạy viết truyện ngắn cũng không xài được. Để nói nó trả lại cho ông’ (Tôi đùa) Chúng tôi quay trở lại thị trấn kiếm phòng trọ. Mỗi thằng ở một phòng. Học viết văn ở Mỹ đóng cửa phòng tập trung hoàn tất bài tiểu luận về thơ Kỳ Phong. Đọc thơ Châu Âu trao đổi với họa sĩ về những phương án thiết kế bìa. Mối tivi bắn tin cho báo mạng về chuyến đi của nhóm về quê nhà thơ Kỳ Phong, đồng thời nhấp nhổm chờ nữ doanh nhân kiêm nhà thơ đến. Giải thưởng chính thống hạng A nhắn tin đã có mặt ở thị trấn, nhưng đang bận đi coi bộ giàn trò gỗ mít (hắn đang thu mua những bộ nhà rường để làm quán cà phê) Tôi có một đêm không ngủ ở phòng trọ. Chết lúc 9 giờ sáng. 9 giờ sáng, ngày 9, tháng 9, năm 1997. Vào lúc đó tôi làm gì? Khi hay tin Phong chết, tôi chỉ hơi ngạc nhiên, chứ không có cảm giác đau đớn hay bàng hoàng. Nhưng càng về sau, tôi càng nghĩ về cái chết của Phong. Có ngày, tôi chỉ nghĩ về cái chết của Phong. Phong chết năm 24 tuổi. Nguyên do gây ra cái chết xem ra có vẻ hài hước và cay đắng. Tôi không nghĩ chết là buồn. Chết là nhẹ
  8. gánh. Chết là tự do tuyệt đối. Chết là hết mệt. Tôi luôn thấy mệt. Tôi đã vạn lần muốn chết. Lụi một nhát xuyên tim. Chết nhanh, chết gọn. Thật vớ vẩn nếu phải chết vì cúm gà cúm heo. Nếu tôi cũng chết năm 24 tuổi, thì bây giờ tôi là cái gì? Từ đây, tôi sẽ sống tới bao lâu, rồi chết? Rồi tôi sẽ là cái gì? Chết lúc 9 giờ sáng. Trên hè nhà mình. Thanh bình. Trên nền nhạc gà mái đẻ. Phong, tôi muốn được nói chuyện với ông. Có thể nào kết nối cuộc trò chuyện với một linh hồn. Tôi đến đây, không phải để lo lắng in tập thơ cho ông đâu. Xin lỗi ông. Tôi nghĩ việc đó thật vớ vẩn. Tôi muốn nói chuyện với ông. Tôi muốn biết chết là thế nào. Chúng ta sẽ là gì sau khi đã chết? Khi chết rồi, ông có tiếp tục làm thơ? Ông có nổi tiếng không? Còn ở trần gian này, thỉnh thoảng mọi người lại nhắc đến ông, một thi sĩ tài hoa yểu mệnh, thơ ông được đọc tràn trề trong các bàn nhậu, nhiều người coi ông như một kẻ đồng hành, một người anh em sát cánh, tưởng như họ đang ôm ghì lấy ông, cằm bạnh ra, nước mắt rơi lả tả. Nhưng với tôi, những chuyện ấy thật nhảm nhí. Tôi chỉ muốn biết chết là gì. Tôi luôn rất mệt. Tôi thấy sống rất mệt. Tôi ước gì tôi là ông, một mình ngồi trên thềm hè vắng, nhắm mắt trên nền nhạc gà mái đẻ, rồi chết. (Trước khi chết, ông đã hút một quả trứng gà sống phải không?) Chết lúc 9 giờ sáng. Tôi luồn ra phía sau khu vườn nhà Phong. Tôi đứng trước một hàng rào bằng cây mía, rồi luồn qua đi tiếp. Một đám đậu phổng xanh. Tôi bước qua. Đầu chúi dưới trời nắng. Giày in dấu đất cát. Tôi luồn qua một hàng rào cây keo tây, rồi ngoái lại ngắm. Tôi rất thích những chùm trái keo tây ngoắn xoắn buông lủng lẳng phô đỏ hườm hườm sống động. Rồi tôi tiếp tục đi luồn qua một khu vườn khác. Có tiếng bước chân vang sau. Tôi giật mình dừng lại. Cây lá che khuất, tôi không nhìn thấy ai. Tôi đi tiếp. Đầu chúi dưới trời nắng. Tai nghe những tiếng tách thở thiên nhiên. Tôi đứng trước mộ Phong. Mộ đầy cỏ.
  9. Có một bóng người tiến lại phía sau lưng tôi. Tôi quay lại. Đó là một cô gái. Nón lá trên đầu, khẩu trang che kín mít, nhưng chiếc áo thun màu vàng ngắn tay trẻ trung, ngực trẻ trung. Cô là ai? ‘Anh là bạn của anh Phong?’ ‘Ừ’ ‘Em nghĩ rồi thế nào các anh cũng về thăm anh Phong’ ‘Em có biết Phong?' Dạ, thực ra là sau khi anh Phong chết em mới biết. Lúc ảnh đi học, em còn nhỏ. Dạ, nhà em ở phía sau nhà anh Phong. Tên nghiện đâm chết anh Phong, hồi đó có theo tán tỉnh em. Người ta nói anh ta là bồ em, nhưng không phải. Hồi đó em còn là con nít biết gì. Nhưng em vẫn bị mang tiếng xấu là bồ một tên nghiện giết người. Bây giờ trong thôn này lại có một tên nghiện, nó lại theo tán tỉnh em, chắc là có ngày em đâm nó, hoặc là nó sẽ đâm em’. ‘À! Vậy à’ ‘Dạ. Em nghe nói anh Phong là một nhà thơ. Em cũng thích thơ lắm, hồi đi học em hay chép thơ vào sổ tay. Khi anh Phong chết, người ta đốt giấy tờ theo, em có lượm được một tờ giấy có chép bài thơ này. Em thấy hay nên giữ lại. Giờ em đưa cho anh’. Cô gái đưa cho tôi một tờ giấy. Tôi đọc thì biết đó không phải là thơ Phong. Nhưng tôi không nói gì. Lật mặt sau tờ giấy tôi thấy hình vẽ gân những chiếc lá bằng bút chì, không biết là Phong hay cô gái vẽ. Cô gái tháo khẩu trang ra, cười dịu dàng. Một cô gái đẹp. Theo quán tính, trong óc tôi lại nảy ra ý không đàng hoàng. ‘Anh còn ở đây lâu không?’ ‘Chắc một vài hôm nữa. Em có thể cho anh số điện thoại không?’ Cô gái cho tôi số điện thoại, dặn cần gì thì cứ gọi, cô làm nghề ép dầu phộng và đi bỏ mối trong phạm vi thị trấn này. Tôi luồn trở lại phía vườn nhà Phong.
  10. Tối đó chúng tôi ngồi nhậu trong một quán đặc sản ở thị trấn. Nữ doanh nhân kiêm nhà thơ tỏ ra rất sảng khoái khi bất ngờ các văn nghệ sĩ tề tựu ở thị trấn hẻo lánh này. Mối tivi cũng kịp thời mời một quan chức văn nghệ địa phương cùng hai em gái biết ngâm thơ, có năng khiếu nói tục (giảng thanh). Giải thưởng chính thống hạng A vẻ tiếc rẻ khi để sẩy một mối giàn trò gỗ mít rất ngon, nhưng hắn cũng khá vui vẻ, khi thông báo vừa phát hiện ra một chỗ gội đầu em út khá hay trong thị trấn này. Quan chức văn nghệ địa phương cung cấp cho chúng tôi một số bản thảo viết tay của Phong. Tôi nhớ tới tờ giấy mà cô gái ép dầu đậu phộng đưa cho mình. Tôi đoán đó là thơ của Stéphane Mallarmé, một nhà thơ Pháp mà Phong rất yêu thích. Những khi uống rượu ngà ngà, Phong thường ngâm nga: ‘Mallarmé… Mallarmé… Lắc mê man… Lắc mê man… Lắc mê man… ’ Lắc mê man. Trong óc tôi lại nảy ra ý nghĩ không đàng hoàng với cô em ép dầu. Tôi muốn gọi cho cô gái, nhưng rồi không. Tôi nghĩ có lẽ mình sẽ chuồn sớm khỏi thị trấn này. Phong sẽ không đáp ứng được nguyện vọng của tôi. Khi về đây, trong giấc ngủ, tôi luôn mong Phong xuất hiện, nhưng không có gì xảy ra cả. Có lẽ chết là hết. Chết là một thứ chán chết nhất. Tôi sẽ không muốn chết nữa (cho đến khi nào tôi chưa gặp được Phong). Mallarmé là một nhà thơ đã chết. Tôi không nhìn thấy ông chết, không nhớ ngày tháng năm ông chết, nhưng biết chắc là ông đã chết. Chết chắc rồi. Cái chết cũng là một dạng thông tin. Hay ho ghê. Mọi người đang nhậu và nói về những người đã chết. Trịnh Công Sơn đã chết. Bùi Giáng đã chết. Nguyễn Bính đã chết. Henry Miller đã chết. Fafka đã chết. Nguyễn Du đã chết. Saroyan đã chết. Raymond Carver đã chết. Đặng Thế Phong đã chết. Picasso đã chết. Trần Dần đã chết. Lê Đạt đã chết. Đã chết. Đã chết. Kỳ Phong đã chết. Chết lúc 9 giờ sáng. 9 giờ sáng. Trên thềm hè nhà Phong. Tôi còn sống.
  11. Tôi đang sống. Tôi sống. Tôi ngồi trên chiếc ghế mà (có lẽ) Phong đã từng ngồi. Chờ một bóng người ngoặt vào sân. Sài Gòn 3.2012 Theo Nghệ Thuật Mới số 3, tháng 4.2012
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2