YOMEDIA
ADSENSE
Chú Phi “Chiến sĩ Điện Biên”
74
lượt xem 4
download
lượt xem 4
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
1 - Chú Phi quê ở đâu tôi cũng không chắc. Mẹ tôi bảo nghe đâu như chú quê ở trong khu Bốn cũ, mạn Thanh Hóa hay Nghệ An gì đó. Rất khó nói nơi nào là quê chú, vì nếu căn cứ vào giọng nói thì chú phải người xứ Thanh. Còn trông vào cách nói năng khúc triết của chú thì chú chắc phải là người cùng quê với ở ông đồ Nghệ. Tôi còn nhỏ nên chuyện quê của chú Phi không nhất thiết phải biết. Với tôi thì chú Phi là một người đàn ông...
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chú Phi “Chiến sĩ Điện Biên”
- Chú Phi “Chiến sĩ Điện Biên” TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRỌNG VĂN 1 - Chú Phi quê ở đâu tôi cũng không chắc. Mẹ tôi bảo nghe đâu như chú quê ở trong khu Bốn cũ, mạn Thanh Hóa hay Nghệ An gì đó. Rất khó nói nơi nào là quê chú, vì nếu căn cứ vào giọng nói thì chú phải người xứ Thanh. Còn trông vào cách nói năng khúc triết của chú thì chú chắc phải là người cùng quê với ở ông đồ Nghệ. Tôi còn nhỏ nên chuyện quê của chú Phi không nhất thiết phải biết. Với tôi thì chú Phi là một người đàn ông tầm băm bảy băm tám, vui tính, tóc húi cua gương mặt lại xương xương nên thoạt nhìn trông chú có gì đấy rất ngộ. Chú biết chiều bọn trẻ con chúng tôi, hở ra là chú kể chuyện chiến đấu. Những câu chuyện chiến đấu do chú Phi kể làm bọn chúng tôi háo hức. Nghe chú kể chuyện xong tôi cùng mấy đứa bạn thảo nào cũng bày trò chơi trận giả. Bọn tôi "oánh nhau" ngoài bìa làng, ở chỗ có hàng duối cổ mọc tự nhiên chạy dài xuống sát mép ao đặc một thứ bèo ta lá xanh ngan ngát suốt buổi chiều. "Oánh nhau" cho tới tận khi tối nhọ mặt người nếu không có ai gọi có lẽ bọn tôi còn "oánh nhau" tiếp. Chú Phi là chồng dì Phi. Dì Phi tên thật là gì tôi cũng không chắc. Nhưng thằng Phi là con trai lớn của chú dì thì tôi biết. Nó bằng tuổi tôi nhưng ngô nghê lắm. Tôi nói chuyện ăn bánh mì bẻ ra thành từng mảu nhỏ chấm với sữa bò loại sữa đặc có đường là mắt nó trợn tròn không hiểu. Tôi bảo chúng tôi nhảy tàu điện như nhảy từ cành ổi trong vườn nhà cụ Học xuống dễ ợt nó cũng tròn con mắt. Nói chung hễ tôi cứ nói chuyện gì ở thành phố là mắt thằng Phi cứ trợn ngược lên. Cái thằng học đến lớp 3 rồi còn tồ quá. Ở quê tôi có lệ gọi tên bố mẹ theo tên đứa con lớn trong nhà. Vậy ra mới có tên chú Phi hay dì Phi. Dì Phi là người em họ mẹ tôi. Mẹ tôi bảo: "Họ mạc cũng xa xa rồi" nhưng vì dì Phi chơi với mẹ tôi từ bé nên mẹ và dì xem ra có vẻ thân nhau. Mẹ tôi đi làm cán bộ ngoài thành phố nên đưa dì đi theo. Mẹ xin cho dì vào làm hộ tá cho một trại điều dưỡng
- thương bệnh binh. Làm được hai năm thì dì Phi về quê. Dì về cùng chú Phi. Vợ chồng dì làm nhà nhờ mảnh đất của ông Quất. Mảnh đất rộng bỏ mặc cho cây cối mọc tùm lum ấy ông Quất trồng tre gai với ý chính là để rào ngăn với mảnh đất nhà cụ Học. Vợ chồng dì Phi dựng nhà trên mảnh đất đó có nghĩa vụ trông nom khu vườn rộng mà ông Quất chưa dùng đến. Đất nhà ông Quất nhiều lắm. Tôi nghe nói ông Quất bị xếp vào thành phần địa chủ hay trung nông gì gì đó. Việc ông Quất cho vợ chồng dì Phi dựng nhà nhờ trên đất của mình nghe nói còn có lý do chính đáng để ông Quất không bị trưng thu khu vườn. Trên danh nghĩa khu vườn được giao cho vợ chồng dì Phi. Mẹ tôi nói thầm "Dì Phi mày chỉ được ở nhờ thôi". Mãi sau này tôi mới hiểu ông Quất khôn thật. Ông còn đất mà không bị xã đem ra kiểm thảo như các nhà có nhiều đất khác ở trong làng. Chú Phi là "Chiến sĩ Điện Biên" như tôi được nghe nói thế. Dì Phi làm hộ tá chuyên chăm sóc cho các chú thương bệnh binh ở trại điều dưỡng. Dì quen chú và đưa chú về quê mình. Họ thành vợ chồng nên ông Quất được lây tiếng thơm là cưu mang gia đình chính sách. Có lẽ vì vậy nên khu vườn nhà ông Quất không bị biến thành trại chăn nuôi như vườn nhà cụ Học. Bên vườn nhà cụ Học mấy dãy nhà lợp rạ, thấp tè tè, có những gian xây tường chỉ cao chừng hơn mét tạo thành những ô chuồng đều như nhau do hợp tác xã dựng nên. Trong dãy nhà lè tè ấy suốt ngày òng ọc tiếng lợn đòi ăn. Nhất là vào tầm trưa lũ lợn đói ăn kêu đến nhức óc, chúng đua nhau rít rất thê thảm. Tôi sợ tiếng lợn rít lên như thế, nó hai hãi thế nào ấy. Chú Phi ngày nào cũng ra ngồi dưới bụi tre to ngay đầu lối vào xóm từ sáng. Cái bụi tre già cỗi chẳng của nhà ai cả, đất quanh gốc tre mịn thín, những thân tre nhẵn bóng bởi thường xuyên có người dừng chân ở đó, họ tiện tay vuốt víu vào thân tre hoặc dựa lưng ngủ gà ngủ vịt. Bụi tre đó còn là ranh giới giữa xóm Bình với xóm Dí. Từ ngày quê tôi tiến hành hợp tác hóa thì bụi tre già cỗi ấy trở thành chỗ tụ tập xã viên mỗi sớm đi làm. Chỗ ấy mới sáng sớm đã râm ran tiếng người. Những xã viên hợp tác xã lấy chỗ đó làm nơi chia mạ. Mạ được nhổ về tập kết ở đó từ chiều hôm trước rồi sáng sớm được chia cho từng xã viên. Họ đem chia những bó mạ xanh mơn mởn, được bó chặt ngang lưng trông đẹp như những cô văn công thắt giải khăn lưng, đầu đội nón hoa đi đứng mượt mà trên
- sân khấu mà tôi đã có lần được mẹ tôi dắt mấy chị em chúng tôi vào xem diễn kịch ở doanh trại bộ đội gần nhà. Từng xã viên sau khi nhận số mạ được chia thì đem mạ đi cấy. Chập tối chỗ bụi tre lại rào rào giọng nói. Bấy giờ là lúc bác Tiến đội trưởng Đội hợp tác xóm Bình mở cuốn sổ mà bác dùng tạm từ quyển vở học sinh giá hai hào tám, bìa bọc họa báo Trung Quốc của chị Thu là con gái lớn bác ra ghi chép. Bác đội trưởng chấm công cho từng người. Chú Phi ngồi dưới bụi tre sáng chẳng nhìn ai cả, chiều chẳng tham gia tranh cãi nhiều ít với ai cả. Chú hai tay cầm chiếc kèn Ác mô ni ca đã tróc sơn đưa lên miệng. Chú thổi kèn rất chú tâm mặc kệ bọn ve ve kêu ra rả đến ong cả tai dưới cái nắng hè nồng nã. Khi nào mệt thì chú ngừng lại. Ngừng lại chốc lát rồi chú lại thổi. Tiếng kèn Ác mô ni ca vang lên rủ rê đám trẻ con chúng tôi lại gần. Bên bụi tre già lại trong khung cảnh làng quê buổi ra đồng vắng vẻ nên tiếng kèn của chú Phi thêm réo rắt. Chú Phi thổi kèn rất nhiệt tình cho dù có người nghe hay không có ai nghe. Chú thổi toàn những bài của Liên Xô như Ka chiu sa hay chiều Mạc tư khoa rồi Đôi bờ nữa, những bài ấy nghe mãi không chán. Chú Phi hỏi: "Bọn mày thích nghe chuyện Điện Biên không?". Bọn chúng tôi nhao nhao "Chú kể chuyện oánh nhau đi". Chú Phi hạ chiếc kèn xuống, mắt dứ dứ nhìn chúng tôi, giọng nói răn đe "Kể chuyện oánh nhau để bọn mày đánh nhau à?". Chúng tôi phải lấy hết sức để hứa rằng nghe xong chuyện sẽ không đánh nhau mà "chúng cháu chỉ chơi trò oánh trận giả thôi". Hồi ấy bọn trẻ con rất mê đánh trận giả đó là thú chơi những lúc không phải đi học. Chú Phi kể: "Đêm đó tao được phân công đi nhặt dù tiếp tế. Ừm ...bọn mày không thể nào biết được dù tiếp tế là gì chứ gì? Đó là dù ném từ trên trời xuống. Bọn Pháp ở Hà Nội cho thức ăn vào những chiếc hộp to, những chiếc hộp đựng đồ ăn đó lại được đưa lên máy bay để ném xuống mặt trận cho lũ lính Pháp co ro ở Điện Biên. Ừm ...lính ta và lính Pháp nằm cách nhau có khi còn nghe được cả tiếng ngáy của mấy thằng Tây Ma rốc ngủ nữa. Khiếp cái bọn Tây Ma rốc đã ngáy thì yên chí rồi. Tao lọ mọ trong đêm cứ nhìn thấy cái gì trăng trắng là lao tới túm lấy. Ừm ... Không biết cái trăng trắng là gì đúng không? Dù tiếp tế rơi vung vãi đấy. Bọn Pháp trên máy bay cứ ném đại xuống đất. Thành ra nó
- lại tiếp tế cho cả quân mình mới thích chứ. Đêm ấy tao lò mò mãi mà chưa thấy cái gì trăng trắng cả. Tao bò như con rắn bò loằn nhoằn. Bò mãi cuối cùng tao cũng phát hiện ra cái màu trăng trắng nổi bật trên nền cái gì đấy nhô nhô tối sầm tối sì. Tao trườn thật nhanh đến. Đến chậm thằng khác đến trước nó nhặt mất thì mình công toi à. Mà nếu là quân ta nhặt thì đỡ tức chứ mấy thằng Tây Ma rốc nó nhặt thì không xong. Nghĩ thế nên tao tới gần cái màu trắng trắng, ước lượng cự li chắc độ tầm tay là tao vồ thật nhanh. Tao xoài tay ra chộm rất mạnh. Từ cái màu trắng trắng tay tao chạm vào thứ gì sắc tưởng dứt ngón tay Ừm... bọn mày biết không? cái màu trăng trăng đó lại chính là hàm răng của thằng Tây Ma rốc. Kinh khủng thật, thằng Tây Ma rốc răng trắng nhởn nằm chết nhẽo từ bao giờ, nó chết mà há hốc cả mồm ra, hàm răng trắng đầy răng của nó làm tao tưởng là dù tiếp tế. Ừm ... lại kể tiếp nhé. Xác thằng Tây Ma rốc làm tao hú hồn. Cái xác ấy nằm vật ngửa ra hai chân, hai tay co rúm lên bụng. Chắc trước khi chết thằng này sợ vãi phân ra hay sao ấy mà khi tao động vào nó bốc mùi thối thế. May là cái xác thối chứ phải thằng còn sống chắc tao đi tong rồi. Bọn Tây Ma rốc to cao và hung như trâu ấy. Mình lẻo khẻo thế này nó vật nghiến mình ngay. Tao cố nín thở tưởng nghẹt cả hơi bò quay về. Đêm đó tao không vớ được chiếc dù nào. Ừm ...xác chết thối thối kinh khủng ". Chú Phi lại cầm chiếc kèn Ác mô ni ca lên thổi. Bài hát đã hay lại được chú thổi lên nghe càng hay. Tôi lân la gạ gẫm "Hay là chú dạy cháu thổi kèn với". Chú Phi lừ mắt rồi gật gật. Chẳng hiểu thế là chú đồng ý sẽ dạy tôi thổi kèn hay chứ bảo không được. Chúng tôi ngồi quanh chú dưới chân bụi tre cho đến khi những người xã viên đầu tiên đi cấy xong trở về. Đó là mùa hè năm 1966. Tôi vừa học xong thì được mẹ tôi cho về quê chơi cho đỡ cuồng cẳng. Quê tôi nằm gần đường 39, nó được nối với Hà Nội bằng chuyến xe buýt chạy mỗi ngày một chuyến. Thời đó ai muốn đi được xe buýt phải ra bến xếp hàng từ sáng sớm. Mọi người muốn đi xe đều phải ghi tên mình vào tờ giấy do nhà bến dán ở tấm bảng nhỏ. Khi bán vé ai có tên thì được mua vé, ai không có tên thì lại chờ sáng sớm hôm sau ra chầu chực mà xếp hàng ghi tên. Chậm trễ chắc cả tuần chưa lên được xe. Thứ xe buýt hồi đó còn được gọi là xe "Thống nhất" vì nó là loại xe chở khách có thêm toa moóc kéo do
- ta đóng và chiếc đầu xe có gắn dòng chữ "Thống nhất". Nét chữ mê đến nỗi có dịp ra bến đỗ xe là tôi dùng tay hoa hoa trước mặt vẽ vẽ theo. Tôi vẽ theo thế nhưng về nhà viết lại cũng không sao giống nét chữ gắn trước đầu xe được. Tôi ức lắm có lần tranh thủ xe buýt đỗ lâu, tôi lấy giấy đè lên dòng chữ để "căn ke". Vậy là tôi có được chữ Thống nhất y như thật. Chú Phi lườm lườm con mắt biết ngay là không phải do tay tôi viết, chú bảo: "Phải do tự tay mình chứ". 2 - Mùa hè năm ấy Mỹ cho máy bay ra ném bom Hà Nội. Từ trên trời những chiếc máy bay Mỹ lao từ hướng Hải Phòng vào, chúng bay nối nhau thành từng tốp nhìn rõ mồm một. Khi những chiếc máy bay bay qua mới phát ra những âm thanh dài nghe khủng khiếp tưởng vỡ cả trời. Chú Phi lúc ấy đang ngồi dưới gốc tre thổi kèn Ác mô ni ca. Sáng nay chú thổi rất say sưa, mắt chú nhắm tít, bàn chân chú bỏ ra ngoài đôi dép cao su gỗ từng nhịp đều đều xuống đất, đầu chú lắc lư theo giai điệu của lời ca "Chiều dần buông màu tím. Vẳng bên sông lời hát êm đềm. Hòa với tiếng đàn đêm. Chập chùng bay về xa phía chân trời. Cất tiếng hát bước chân đi. Cùng ngồi bên hàng thùy dương mờ in bóng. Nhìn bầu trời sao láp lánh. Nói với nhau lời nói tâm tình. Nhìn mấy cánh hoa trắng rơi..." Tiếng kèn của chú cứ bay vút lên, nhập nhòa vào cành tre xõa tóc hát trong nắng. Tiếng kèn đột ngột đứt quãng khi những tiếng gầm rú vang lên trên bầu trời. Tiếng kèn ngừng đột ngột như bất chợt nó bị rơi từ trên trời xuống với cú rơi tự do không cứu vãn được. Chú Phi bỗng biến thành một người khác lạ. Mắt chú căng ra thảng thốt. Toàn bộ nét mặt của chú lúc đó như một chiếc trống. Sự căng thẳng kiểu sắp vỡ làm tôi phát hoảng. Chú Phi buông rơi chiếc kèn Ác mô ni ca, người chú cong rướn lên rồi chú ghì hai tay vòng ôm lấy ngực. Chú như đang bị cơn thôi miên nên không nhận ra xung quanh bọn trẻ chúng tôi đã sợ vì tiếng máy bay Mỹ lại thêm sợ. Chúng tôi díu hết cả chân lại không thằng nào,đứa nào kịp đứng dậy chạy ùa đi. Dưới bụi tre già cỗi ấy mấy đứa trẻ con tự dưng túm lại ngã vật, ngã dụi vào nhau. Có thằng còn ngã đè lên cả người chú Phi nữa trông thảm hại lắm. Trên trời từng đàn máy bay Mỹ gầm rú lao sầm sập về phía Hà Nội. Chúng phát ra những tiếng động làm bụi tre ngiêng ngả. Tôi có cảm
- giác gió từ đâu đưa tới lạnh ghê ghê trên tóc. Chú Phi bần thần chốc lát rồi bất chợt chú giang hai tay ra, chú vòng tay giữ lấy từng đứa trong đám bọn chúng tôi, mắt chú vẫn trợn căng nhìn trừng trừng lên trời. Tôi thấy sợ hơn bao giờ hết, sợ hơn cả cái hôm nghe chuyện chú Phi đi nhặt dù tiếp tế vơ tay túm cả vào mồm thằng Tây Ma rốc chết thối. Rồi tiếng máy bay im bặt. Không gian như nén lại chờ đợi. Chú Phi cứ ôm riết lấy bọn chúng tôi. Chú ôm mạnh lắm, tôi phải cố toài người ra để nắm lấy tay thằng Phi. Tôi bảo nó: "Đưa chú Phi về nhà mau". Tôi và thằng Phi phải gắng hết sức mới dìu được chú Phi về nhà. Người chú như nhão ra, đứng không vững, hai mắt chú cứ mở to nhìn lên trời ngơ ngác. Chúng tôi dìu chú mấy lần suýt vấp ngã vì cứ thấy tiếng động mạnh là chú Phi co rúm người lại. Lúc đó tôi đã nghĩ thầm "sao nói chú là lính Điện Biên mà nghe tiếng máy bay Mỹ chú lại khác lạ thế?". Nghĩ thế thôi chứ việc quan trọng là tôi với thằng Phi phải đưa được chú về nhà. Tôi nhớ có lần mẹ tôi kể: "Chú Phi tuy đánh trận Điện Biên nhưng chú không bị thương. Chú ấy chỉ là bệnh binh thôi". Tôi hỏi lại mẹ: "Bệnh binh nghĩa là gì?". Mẹ tôi hừ hừ không nói. Mãi khi quen với chú Phi rồi tôi mới hỏi chú, chú Phi cười hồn nhiên đưa chiếc kèn Ác mô ni ca lên ngang miệng. Chú lại thổi một bài hát rất thướt tha "Đào vừa ra hoa. Cành theo gió đưa vờn trăng tà....". Tính chú Phi là thế. Chú chỉ cười và thổi kèn thôi. Tiếng kèn của chú làm cái xóm nhỏ heo hắt dưới những bụi tre gai tự dưng nhộn nhịp. Và bọn trẻ con cũng ít nhảy xuống ao bơi hơn. Ao quê tôi toàn bèo là bèo, hồi mới về quê tôi tắm ao thấy ngứa ngáy suốt đêm. Sáng ra khắp người nổi những nốt đỏ ửng, trên da người từng lớp cáu vàng quạch bám trông bẩn bẩn như chưa tắm. Chú Phi cười nói vui: "Trông mày i như bọn tao hồi dầm mình trong giao thông hào. Có đến cả tháng chúng tao không kịp tắm. Mà đánh trận thì tắm vào lúc nào". Chú lại cười hồn nhiên, lại cầm kèn lên thổi. Chú Phi kể: "Chiến dịch bước vào giai đoạn hai thì tao được phát một cái cuốc. Bọn mày tính, lính xung kích lăm lăm súng trường lưỡi lê tuốt trần mà cả tháng trời chỉ mỗi việc chúi đầu vào giao thông hào thì ức lắm. Ừm ...bọn tao chuyển sang công tác khai triển hào giao thông. Ban ngày nằm khểnh hứng mưa lắng nghe tiếng pháo của và địch thi
- nhau bay vèo vèo qua đầu. Đêm đến mới quay ra đào bới. Tao cầm cuốc nên được phân công đào đằng trước. Đất đào xong ủn về phía sau cho anh em khác hất lên thành. Cứ thế bọn tao dùi dũi như con bọ hung đêm đêm mở rộng vành hào giao thông. Ừm... tụi mày bảo cuốc cán dài thì nằm mà đào thế nào được ư? Chúng mày khôn nhưng mà chưa ngoan. Cái cán cuốc được bọn tao chặt ngắn lại chỉ vừa hai năm tay thôi. Thấy chưa? ừm... khôn lên một chút là được việc ngay....". Mấy hôm sau mẹ tôi về quê. Chuyện đầu tiên mà mẹ tôi nói với chị em chúng tôi là chúng tôi hết hè cũng không về Hà Nội nữa "Cả thành phố phải đi sơ tán. Chỉ ai có nhiệm vụ sản xuất mới được ở lại nội thành". Nghe mẹ nói thế tôi sướng ra mặt, đơn giản là dạo này tôi đang tập bơi. Ở quê chuyện tập bơi tha hồ không lo bị ai mắc. Trẻ con ở làng tôi chỉ có hai việc vào mùa hè, đó là bơi ao và chạy nhảy. Chú Phi đứng trên bờ canh chừng thằng Phi dạy tôi bơi. Chú nheo nheo con mắt thỉnh thoảng lại gọi với ra ngoài ao "Hai thằng lại gần bờ đi. Xa quá tao không túm tay kịp". Thằng Phi chuyện thành phố tôi coi nó là thằng tồ nhưng chuyện bơi ao nó lại mắng tôi "mày kém quá". Biết thế nên khi mẹ tôi nói chúng tôi ở lại quê là tôi sướng rên, hai chị tôi mặt phụng phịu ra điều không thích. Còn chuyện thứ hai là mẹ tôi thông báo hôm rồi máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang. "Lửa cháy ngùn ngụt cả ngày" mẹ tôi nói ngắn gọn. Nhân tiện nói chuyện Mỹ ném bom tôi tồ tồ nói thẳng toẹt "Chú Phi là lính Điện Biên gì mà sợ tiếng máy bay Mỹ lắm mẹ ạ". Tôi nói nhanh quá làm hai chị tôi không kịp ngăn. Mẹ tôi mặt buồn trông thấy, mẹ cúi đầu nói một mình "Khổ thân dì Phi. Tưởng chú ấy đã ngoai ngoai rồi". Nghe mẹ tôi nói thế tôi không hiểu nhưng cũng nhanh nhẩu cùng mẹ sang nhà dì Phi thăm chú Phi. Chú Phi ngồi trên giường, mắt chú đã đỡ thãn thờ nhưng bộ dạng chú thiểu não lắm. Mái tóc húi cui giờ lởm chởm như người mắc chứng thương hàn. Chú gật đầu chào mẹ tôi rồi đâu lại đó. Nghĩa là chú không còn vẻ hoạt bát vui tính ngày nào. Tôi sờ sợ bấu áo mẹ ngồi co ro quan sát chú Phi. Mẹ tôi là cán bộ nên mẹ cứ coi như không có chuyện gì xảy ra. Mẹ nói chuyện với dì Phi ríu rít hệt như ngày mẹ và dì còn nhỏ. Rồi mẹ và dì kéo nhau xuống bếp, chẳng biết hai chị em nói những câu gì mà lúc mẹ con tôi ra về dì Phi
- níu tay mẹ tôi lại, dì bảo: "Thôi để nhà em ở nhà cũng được". Mẹ tôi lẳng lặng dắt tôi ra ngõ, nắng hè hầm hập khiến tôi thấy ngột ngạt. Ở quê tôi hiếm khi nắng như thế. Mẹ tôi chép miệng nhìn trời, nhìn những giọt mồ hôi đang vã ra trên trán tôi: "Cứ tưởng hơn mười năm rồi chú Phi đã tĩnh tâm trở lại". Mẹ chép miệng nói thế mà tôi đâu có hiểu. Tôi ngẩn ngơ ngoái đầu nhìn vào ngõ nhà dì Phi bụng tiêng tiếc vì chưa được chú Phi dạy thổi kèn Ác mô ni ca. Nhưng tiếng kèn của chú tôi còn lảng vảng trong đầu mãi. "Đêm dài qua dưới mưa rơi em mong chờ anh tới. Cây cỏ hoa như nói lên lời: em hạnh phúc nhất đời. Mình em riêng biết có yêu anh. Như tình yêu thiết tha. Nhìn dòng sông sóng nước uốn quanh đôi bờ đâu cách xa.....". Tôi thấy như chú Phi đang ngồi dưới bụi tre già cỗi. Chú buông chiếc kèn Ác mô ni ca xuống chú đặt nó ngang trên đùi. Chú đặt ngay ngắn và khéo đến nỗi khi chú nói chuyện đùi chú rung tít mà chiếc kèn vẫn không rơi. Chú "ừm" một tiếng, tiếng ừm làm bọn tôi đang ồn ã bỗng im thít. Vì mỗi khi chú Phi "ừm" là chú sẽ kể chuyện đánh nhau. Lần này chú Phi ừm mãi mới khề khề cái giọng nửa Thanh nửa Nghệ của mình: "Ừm.... đào giao thông hào khoái nhất là lúc bọn Pháp nó ném bom. Lại vào ban đêm thì tuyệt". Chưa bao giờ chú Phi lại ăn nói văn vẻ thế. Kể chuyện đánh nhau chả cần văn vẻ cũng thấy chợn rợn cả rồi. Nhất là chuyện cái xác thối của thằng Tây Ma rốc. Cái xác đã thối lại thêm thối vì bãi phân thằng giặc chết ấy ị ra trước lúc nó chết. Tôi quay đi mắt nhớn nhớn như thấy cái mùi đó đang lẩn khuất đâu đó. Chú Phi bắt đầu kể tiếp: "Bọn mày không hiểu thật à? Đào giao thông hào ban ngày dễ lộ. Lộ nó bắn rào rào không ngóc đầu lên được. Ừm ... bọn tao chuyển sang đào đêm. Có thấy ma đâu cứ nhằm hướng có tiếng súng địch bắn ra là dũi cuốc mà đào. Ừm... Cấp trên quyết tâm lắm, tao cũng phục cái cách lấn dần về phía bọn địch mà dồn chúng vào rọ mà diệt. Nhưng... đạn bắn nhiều quá, bom nổ tứ tung cả. Bọn tao chúi đầu mà đào đến ù cả tai. Được cái bom đạn càng nhiều đào lại càng hăng. Ừm... cái chính là bọn địch chẳng biết chỗ mô mà bắn". 3 - Chú Phi thành "ông Phi điên". Một ông điên hiền lành. Bởi chú tuy gọi là điên nhưng không đập phá, hò hét hay chạy lăng nhăng ngoài đường. Chỉ thấy chú Phi bỗng chốc tều
- tụy, bơ phờ và đặc biệt là chú luôn sợ tiếng động mạnh. Sau đợt ném bom vào kho xăng Đức Giang máy bay Mỹ tăng cường ném bom Hà Nội nhiều hơn. Quê tôi không bị ném bom nhưng lại là nơi máy bay Mỹ bay vào bay ra thành thử chẳng ngày nào là vắng tiếng máy bay Mỹ cả. Bọn Mỹ cho sử dụng toàn loại máy bay nhanh gấp hai gấp rưỡi lần tiếng động nên mỗi khi chúng bay qua là bầu trời rền rĩ đến cây cỏ dưới đất cũng rung lên ngiêng ngả. Mỗi lúc như thế "ông Phi điên" lại ôm chặt lấy đầu, miệng ú ớ những câu không rõ tiếng. Dì Phi có lần đã kể: "Dì làm hộ tá ở trại điều dưỡng nghĩa là công việc của dì là chăm sóc cho các thương bệnh binh nặng. Các chú thương bệnh binh này ở khắp các mặt trận về. Có người ở tận trong miền Nam. Có người lại là người dân tộc thiểu số. Mỗi người mỗi quê nhưng có chung một điểm là họ đều là thương binh chống Pháp và cần có người chăm sóc. Một bữa dì được phân công sang khu B có việc. Dì gặp chú Phi ở đó, chú ngồi thổi kèn Ác mô ni ca trên chiếc ghế đá dựng bên gốc cây ngay lối đường đi. Chú hiền lành và có lẽ là bệnh binh duy nhất ở trại không cần có người chăm sóc. Trái lại khi dì hỏi thăm nhà chỉ huy ở đâu chính chú Phi lại là người chỉ đường cho dì. Chú dẫn dì đi qua rặng nhãn xanh đặc màu lá tới nhà chỉ huy khu B....(dì Phi ngừng kể, dì cười xấu hổ). Rồi chẳng hiểu duyên số thế nào dì với chú phải lòng nhau mới kỳ chứ. Dì thấy chú hiền lành, ai nhờ việc gì cũng giúp hăng hái. Chú tiễn dì về mà tiễn gì lại tiễn tới tận nơi dì ở". Nghe dì Phi kể thế nhưng tôi đâu có để ý. Trẻ con thì chưa biết đến chuyện trai gái yêu nhau bắt đầu từ đâu và như thế nào. Ngày tôi được mẹ cho về quê đã thấy vợ chồng dì Phi có thằng con lớn tên Phi bằng tuổi tôi. Dưới nó còn đứa em gái toàn lẽo đẽo đi theo chúng tôi để nó còn về mách dì Phi. Mỗi lần nó mách là thể nào dì Phi cũng vớ cái chổi lúa đuổi đánh thằng Phi. Cái thằng tồ vậy mà khôn lỏi, nó cứ núp sau lưng chú Phi để trốn, còn tôi đứng ngây đơ ra chờ dì Phi mắng nhưng dì chỉ cười cười. Dì Phi quẳng cái chổi vào góc nhà nói đe nẹt "Hai thằng chạy in ít thôi. Nhớ dẫn em xuống hầm đấy". Rồi gần quê tôi cũng bị máy bay Mỹ ném bom. Hôm đó cả làng vắng vẻ lắm. Chúng tôi ngồi dưới bụi tre như mọi bữa. Chú Phi cũng ngồi đó. Lâu rồi chú không thổi kèn Ác mô ni ca nhưng chiếc kèn chú cứ cầm chặt trong tay. Dì Phi nói "Chiếc kèn là do một người
- bạn cho chú. Người bạn ấy hy sinh ngay trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ". Chú Phi ngồi im lặng tay mân mê chiếc kèn thì máy bay Mỹ ào tới. Cả lũ chúng tôi dồn hết cả vào gốc tre, hai chân nhũn ra khiến chẳng đứa nào chạy được. Chú Phi ôm chặt lấy đầu. Chiếc kèn Ác mô ni ca rơi xuống đất, nó lăn mấy vòng mới vấp phải chân tôi. Tôi nhặt vội đút trong túi quần và cùng dúm vào gốc tre mà sợ hãi nhìn lên trời. Dưới bụi tre cành lá nghiêng ngả mắt tôi nhìn thấy những quả bom lừ lữ, đen kịt nối nhau thành chùm dài lao nhanh xuống đất. Một nỗi sợ hãi bao trùm và tôi đã nghĩ mình sẽ chết bởi những quả bom kia. Bất chợt chú Phi mắt hướng lên trời nhìn đăm đăm rồi cười sằng sặc. Chú Phi đã kể: "Bọn tao cứ nhè lúc quân Pháp bỏ bom hay bắn pháo là đào thật lực. Ừm... chúng mày không hiểu à? Nghe được tiếng đạn pháo bay vèo vèo trên đầu là yên tâm. Nhìn bom nó ném xuống mà thấy cả hình trái bom thì cóc sợ. Ừm ... như thế là đạn bom nó đi chỗ khác. Bọn tao tranh thủ khi đó hất đất hối hả. Bọn mày biết không? Lũ lính Pháp nhát bỏ mẹ. Thấy đạn bay, bom nổ là rúc tuốt trong hầm. Ừm ... thế là mình đào cho nhanh. Lúc ngớt đạn bom dễ đoạn giao thông hào đã tới sát chân chúng ấy chứ lị". 4 - Hôm sau mẹ tôi về làng luôn. Mẹ đã biết máy bay Mỹ ném bom dốc Lã chỉ cách quê tôi một cánh đồng. Mẹ tôi lo lắng thật sự, ngồi nhà được ít phút mẹ tôi đưa ra quyết định: Chị em chúng tôi sẽ được sơ tán sang Muội Sảng. Ở đó xa đường quốc lộ nên an toàn hơn. Con đường đất từ làng quê tôi sang làng Muội Sảng đã xa lại thêm dài. Mấy chị em chúng tôi đi bộ dắt díu nhau bì bõm dưới trời mưa. Chốc chốc tôi lại trượt chân ngã uỳnh uỵch. Tấm ni lông quấn chặt lấy người khiến tôi phải khó khăn lắm mới đứng dậy được sau mỗi lần ngã. Tôi nhớ có lần chú Phi kể: "Ừm... cực nhất là mưa. Ở Điện Biên không mù kín trời thì mưa thối đất. Ừm... bọn tao toàn thân nhoe nhoét bùn là bùn, chúi đầu tránh đạn bắn thẳng của quân Pháp. Mỗi lần chúng sổ ra hàng tràng liên thanh, đạn bay chiu chíu, lơ ngơ là mất cái đội nón như chơi. Ừm... nước mưa thấm đất làm đất nhão ra đào đã khó hất đất đã đào lại khó hơn. Tao vừa hất lên bờ được một xẻng đất thì bùn trôi
- xuống cả đống. Ừm...". Chú Phi cười, lần đầu tiên tôi thấy chú Phi cười. Xưa nay chú là người kín đáo, kể chuyện ngát gừng nhưng rành rẽ, nói ít và không cười bao giờ. Dì Phi kể: "Cái tính thích giúp người, không kể công bao giờ của chú Phi mới là điều khiến dì để ý tới chú. Chú ngồi chỗ này thổi kèn cho mấy chú thương binh nặng nghe xong lại nhào xuống bếp đỡ mấy cô cấp dưỡng đảo cơm trong chảo. Nếu dì nhờ chạy ra ngoài phố mua giúp cuộn chỉ khâu cỏn con chú cũng hăng hái đi luôn". Dì Phi lại cúi đầu cười tủm tỉm, hình như dì còn ngượng khi nhắc lại chuyện "phải lòng nhau" của dì và chú. Ở Muội Sảng lâu lâu tôi quên dần chuyện chú Phi. Trẻ con vốn vậy, ham chơi mau quên nên chuyện chú Phi ít nhắc đến. Mãi cuối năm đó mẹ tôi về thăm chị em chúng tôi. Mẹ thấy tôi loay hoay tự tập thổi kèn Ác mô ni ca liền hỏi kèn đâu ra. Tôi mới ớ ra nói chiếc kèn này chú Phi đánh rơi ở bụi tre tôi nhặt lên quên không trả lại chú. Mẹ tôi nhìn chiếc kèn nói buồn buồn "Chú Phi mất rồi. Khổ thân chú. Đạn bom nó tai hại lắm". Tôi cũng buồn theo hỏi lại mẹ "Đạm bom tai hại là sao hả mẹ?". Mẹ tôi tránh đi không nói tiếp. Mẹ nhắc "Nhớ giữ chiếc kèn bữa nào có dịp về quê trả lại cho dì Phi". Chú Phi mất thật đột ngột. Tôi mân mê chiếc kèn nhớ lại những hôm nghe chú Phi thổi kèn. Chú Phi ngồi dưới bụi tre, hai tay cầm chiếc kèn lia ngang miệng. Chiếc kèn cứ lia đi lia lại bật lên giai điệu. Những giai điệu từ Liên Xô xa xôi bỗng trở nên gần gũi như nó sinh ra ở chính cái làng quê nhỏ bé của tôi. "Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào. Rừng cây chim buông lắng suốt canh thâu. Ơi em thấu chắng tình trong lòng bao trìu mến. Matscơva bên chiều vắng thanh bình.......". Chính chú Phi đã gieo vào lòng chúng tôi tình cảm với Liên Xô xa xôi. Chúng tôi mở tròn đôi mắt háo hức về một đất nước êm đềm với nhiều câu chuyện anh hùng. Chú Phi thật thà nói: "Tao có biết Liên Xô ở đâu đâu. Ừm .... nhưng đó là đất nước của những người bạn tốt. Bạn tốt bao giờ cũng quý. Ừm....bọn chúng mày muốn là bạn tốt thì không được đánh nhau". Chúng tôi nhao nhao "Chúng cháu chỉ chơi trò oánh nhau với địch thôi". Chú Phi không cười mà nghiêm mặt lại "Đánh nhau với địch tưởng dễ như bọn mày chơi à. Có chịu được tiếng đạn bom không?".
- Mẹ tôi kể: "Chú Phi không phải là thương binh. Chú là bệnh binh thôi. Bệnh của chú chỉ cần có thời gian yên ắng thôi. Hồi dì Phi chúng mày yêu chú Phi ở trại điều dưỡng mọi người tán thành lắm. Quê mình nằm giữa đồng bằng nên vắng vẻ. Chú Phi cần được nghỉ ngơi yên tĩnh là sẽ bình phục. Nên khi dì Phi đặt vấn đề cùng chú Phi về quê ai cũng ủng hộ. Mười mấy năm rồi tưởng chú Phi đã bình phục ai dè ... ". Mẹ tôi không nói tiếp, tôi cũng chưa hiểu hết điều mẹ tôi nói là nghĩa làm sao. Tôi cầm chiếc kèn cứ ân hận sao hôm nhặt lên đó tôi không đưa trả chú ngay. "Con không ăn cắp của chú Phi đâu" tôi ngập ngừng nói với mẹ tôi như vậy. Mẹ tôi vỗ vỗ lên đầu tôi an ủi "Bữa nào về quê đem trả cho dì Phi. Chú Phi quý chiếc kèn ấy lắm". Dì Phi kể: "Dì thấy chú ngồi một mình nên lại gần xem sao. Ở trại điều dưỡng gồm toàn thương bệnh binh nặng nên phải chú ý ngộ nhỡ có đồng chí nào đó thì khuyết điểm lớn. Dì lại gần thấy chú Phi đang cầm trên tay chiếc kèn Ác mô ni ca. Dì hỏi dò xem xem thế nào "anh có thổi được kèn không?". Chú Phi không ngẩng mặt lên nhìn dì nhưng vẫn trả lời "Bạn tôi chỉ kịp đưa chiếc kèn này cho tôi thì hy sinh". Dì thấy thật khó nói chuyện nào cho hợp nên cứ đứng đực người ra, chú Phi quay lại thấy bộ dạng như thế của dì thì lặng lẽ đưa chiếc kèn lên miệng. Thú thực lần đầu tiên dì được trực tiếp nghe một người thổi kèn. Chú Phi thổi xong một bài thì nhìn thẳng vào dì hỏi "Đồng chí muốn nghe thêm nữa không?". Dì quen chú trong hoàn cảnh như thế". Mẹ tôi kể: "Bệnh của chú Phi là bệnh chấn động thần kinh. Chắc là ở mặt trận Điên Biên đạn bom nhiều quá khiến thần kinh của chú bị chấn động nặng. Cũng có thể do cuộc chiến đấu dài ngày căng thẳng quá mà sinh ra như thế. Ở trại điều dưỡng chú thỉnh thoảng lại lên cơn choáng mỗi khi có những tiếng động mạnh. Dì Phi mày đưa chú về quê mình thật hay". Những lúc không phải học bài tôi lại đem chiếc kèn Ác mô ni ca của chú Phi ra tập thổi. Tiếng kèn của tôi cứ oe oe chứ không thành giai điệu nào cả. Tôi thấy tiêng tiếng hồi còn ở quê không nằn nì bằng được để chú Phi dạy thổi kèn cho. Cũng tại tôi hồi đó chỉ mải say sưa tập bơi để cho thằng Phi khỏi nói là "mày ở thành phố biết nhiều mà lại không biết bơi thì đụt quá". Giờ thì tôi bơi đã thạo nhưng thổi kèn thì không biết đến bao giờ sẽ
- thổi được. Nghĩ thế tôi rất tức cái bọn máy bay Mỹ. Chắc không có máy bay Mỹ thì chú Phi của tôi vẫn còn sống. Chú còn sống nghĩa là chú sẽ dạy tôi thổi kèn. Dì Phi kể: "Chú Phi là người duy nhất trong trại điều dưỡng còn lành lặn cả chân tay nên chú hay đi khắp trại. Chú ngồi bên giường bệnh của các chú thương binh để thổi kèn cho các đồng chí nghe. Tiếng kèn của chú đã giúp rất nhiều, có lần dì phải ứa nước mắt khi thấy một đồng chí thương binh nằm trên giường mặt nhăn nhó cố nhịn cơn đâu nhưng mắt vẫn hóng về phía chú Phi thổi kèn". Tôi bất chợt nghe từ xa vọng lại tiếng kèn Ác mô ni ca: "Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ. Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ. Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta. Trời cao muôn ngàn sao chói lòa...." tiếng kèn của chú Phi cứ réo rắt, réo rắt suốt những năm tháng tôi sơ tán. 5 – Bẵng đi thời gian khá dài, chuyện chú Phi tôi quên lúc nào chẳng rõ. Cho mãi bốn mươi năm sau câu chuyện ấy mới có dịp được nhắc lại. Hôm ấy tôi có việc về quê nhân tiện ghé qua nhà thằng Phi thăm. Trong điện thoại thằng Phi nói với tôi: "Em cưới cho thằng con đầu. Mời hai bác và cũng là em có chuyện muốn hỏi bác". Tôi giật mình nhớ tới chiếc kèn Ác mô ni ca mà tôi hứa sẽ đem trả lại cho dì Phi ngày nào. Thú thực chiếc kèn ấy qua mấy bận lần hồi sơ tán nó đã thất lạc từ khi nào. Nghe thằng Phi nói như thế trong điền thoại tôi mới ân hận lời hứa của mình đã thành lời hứa suông. Do vậy sau khi xong công việc tôi ghé ngay lại nhà thằng Phi. Tôi thầm nhủ "Xin lỗi nó vì chuyện chiếc kèn". Thằng Phi nghe tôi nói thế xua tay cười ngặt "Chiến tranh giặc giã, người còn là may. Em muốn xin ý kiến bác về ông cụ nhà em". Tôi nhẹ hẳn người cho dù bụng vẫn áy náy, đưa mắt quan sát nhà thằng Phi tôi thấy bao biến đổi. Còn nhớ cái thằng tồ tồ ngày xưa giờ ra dáng một "ông nhà giàu" ở làng. Thằng Phi giờ phải gọi là chú Phi mới đúng (đấy là tôi gọi thay đứa con tôi), vợ chồng cô chú Phi hiện sống đàng hoàng trong ngôi nhà cao bốn tầng thật ngạo nghễ giữa những ngôi nhà cỡ chỉ hai tầng thường thấy ở làng tôi bây giờ. Trong ngôi nhà ấy vợ chồng cô chú Phi bận bịu suốt ngày. Thời buổi giờ khác xưa, chuyện cưới xin trong làng không cầu kỳ chọn ngày đẹp cuối năm nữa mà cứ
- hợp lý và tiện là ... cưới. Vợ chồng cô chú Phi làm nghề nấu cỗ thuê và cho thuê phông màn. Cưới xin hay ma chay đều đáp ứng được, giá cả cũng phải chăng nên cô chú Phi bận bịu liên miên. Thằng Phi sau khi quát mấy người giúp việc để chỏng chơ bàn ghế thì quay ra đon đả "Bác làm việc sang nên em nhờ bác tư vấn cho cái chuyện mà em đang nghĩ mãi không ra". Tôi thật thà hỏi lại "Chuyện của nhà chú tôi tư vấn sao được". Thằng Phi làm bộ nghiêm mặt nói khẳng định "Chỉ có bác mới tư vấn được thôi". Thì ra vợ chồng cô chú Phi vừa xây xong ngôi mộ cho chú Phi và dì Phi. Hai ngôi mộ đặt cạnh nhau cứ như hồi chú và dì còn sống. Đúng là "Phú quý sính lễ nghĩa" vợ chồng cô chú Phi làm ăn khấm khá nghĩ đến bậc sinh thành xây cất mộ to đẹp là phải đạo. Thằng Phi giục tôi uống nước và nói luôn vào đề "Hồi còn sống cả mẹ em cũng như hai bác nhà anh có ai biết quê bố em ở đâu đâu. Nay mộ đàng hoàng cũng phải có cái bia mộ tử tế chứ. Cái bia cũng là để con cháu em nó còn biết ông bà chúng nó quê quán nơi đâu. Nói thật với anh em đinh ninh sẽ đưa con cháu về quê nội cho đỡ tủi". Cái thằng tồ thế mà ăn nói có trước có sau. Nhưng nói quê chú Phi ở đâu thì thật khó. Dì Phi còn sống còn không chắc huống hồ lại đi hỏi tôi tư vấn. Tôi nhìn thằng Phi thấy nó có tình mà tồi tội quá. Ở đời quê quán là gốc rễ vậy mà gốc rế nằm đâu không rõ cũng chưa an. Tôi nắn nắn tay kiểu đang suy nghĩ cho phải phép. Thằng Phi nhìn động tác ấy của tôi ánh mắt hy vọng lắm. "Hay là chú thắp tuần nhang lên. Tôi với chú khấn ông cụ xem sao. Biết đâu cụ sống khôn chết thiêng, cụ thương con thương cháu, cụ hiện về mách bảo". Nghe tôi nói vậy thằng Phi tươi ra mặt, cái thằng vẫn là trước sau có lề nó ới ra sân gọi vợ vào nhà lau dọn bàn thờ. Được cái nhà nấu cỗ thuê nên loáng một cái mọi thứ đồ lễ thắp hương đã chu tất. Tôi cùng vợ chồng cô chú Phi vuốt quần áo cho phải lễ đứng trước bàn thờ khấn bái. Trên ban thờ tấm ảnh chú Phi còn như ngày nào chú ngồi chơi kể chuyện đánh nhau cho bọn tôi nghe. Tấm ảnh thật sáng, trong ảnh là chú Phi tầm băm bảy băm tám tuổi đang nhìn chúng tôi dò đoán. Gương mặt chú vẫn ngồ ngộ với mái tóc húi cua ngắn, nét xương xương nhiều vất vả. Chú Phi của chúng tôi như đang ngồi dưới bụi tre già, hai tay chú cầm chiếc kèn Ác mô ni ca tróc sơn. Chú say sưa thổi "Ngày này năm xưa chàng đi ra nơi
- miền biên thùy. Vì quê hương dù mấy khó nguy không sờn. Này hỡi ai nhắn cho ta mấy câu về phương trời. Tới tay người yêu rằng ta nhớ mong đêm ngày. Rằng chớ quên mối duyên xưa ở bên dòng sông này. Giữ yên làng quê tình Ca chiu sa đang chờ". Tiếng kèn của chú đang réo rắt, đang giục giã, nó cứ vang vang, cứ lằng lặng lan lan giữa đám khói nhang trên ban thờ. Tôi như thấy chú Phi mỉm cười hài lòng nhìn chúng tôi đang thấp thỏm chờ đợi chú linh thiêng hiện về mách bảo. Hết một tuần nhang, chú Phi vẫn im lặng. Ánh mắt của người quá cố lúc gần lúc xa, trìu mến khi lãnh đạm. Tôi và thằng Phi lại châm tiếp tuần nhang nữa hy vọng từ nơi xa thẳm nào đó sự linh nghiệm sẽ trở về. Chú Phi kể: "Càng vào sâu chiến dịch, đạn bom càng ác liệt. Ừm... mấy tháng trời bọn tao phơi mình trên cánh đồng Mường Thanh. Cả ngày lẫn đêm dầm mình trong bùn và máu. Ừm... máy bay ở đâu ra mà lắm thế, chúng bay sát đầu phát ra âm thanh lộng óc. Nhất là khi chúng bổ nhào thả bom thì thôi rồi, âm thanh cứ như dứng người mình dậy cho dù bọn tao đã dán cả mình trong hào giao thông. Rồi đạn pháo của ta nữa chứ, pháo ta gầm lên oai hùng lắm. Đạn bay đỏ đêm lao vun vút vào đồn địch. Ừm... khoái thì khoái rồi, bọn Pháp chắc chết đến nơi nên chúng càng cho máy bay quần lượn. Khiếp tao không còn biết đâu là pháo ta đau là bom địch nổ nữa. Ừm... khủng khiếp...". Dì Phi kể: "Chú Phi hiền lắm, lại nhát nữa. Chú có dám lại gần dì đâu chỉ đứng phía sau nhìn dì làm dì nóng hết cả lưng (dì Phi cười ngượng ngịu). Có bữa dì quay lại bất chợt rất nhanh làm chú Phi không kịp quay mặt đi. Chu lúng búng nói câu gì dì nghe không rõ. Dì bảo : Anh có về quê với tôi không?. Chú ấy lại gần dì nắm lấy tay dì bảo: Cô cho tôi về quê cô chứ?. Thế thôi dì và chú nên vợ chồng". Quê tôi giờ không vắng vẻ như bốn mươi năm về trước. Con đường nhỏ nối xóm Bình với xóm Dí đã được đổ bê tông xe máy chạy vèo vèo. Ngôi nhà của vợ chồng cô chú Phi chốc chốc không có người ghé vào thì cũng vang lên tiếng chuông điện thoại. Cô chú Phi mát tay nên đông khách đến đặt cỗ. Việc ăn nên làm ra cũng phần nào cho cô chú hãnh diện. Tôi đã nản chí vì chờ đợi chú Phi hiện về mách bảo bèn quay ra bảo thằng Phi "Hay là tìm xem giấy tờ cũ ấy. Biết đâu có manh mối nào". Thằng Phi miệng nói tìm mãi rồi
- nhưng cũng lần nữa chạy vào gian buồng lục lọi. Lát sau nó bước ra đưa cho tôi cả mớ giấy tờ nhả màu vàng lẫn mốc đen rất khó đọc. Tôi cẩn thận tìm tòi từng chữ một nhưng càng tìm càng vô vọng. Đúng là nếu đã biết quê chú Phi ở đâu qua giấy tờ thì dì Phi đã biết. Hồi còn sống mỗi khi hỏi quê là chú Phi lại ớ ra, mặt chú ngơ ngác nghĩ, tay chú gãi gãi mãi vào mấy sợi tóc cắt cụt lủn. Rồi chú cười lảng ra, chú lại cầm chiếc kèn Ác mô ni ca đi ra đầu ngõ. Chú Phi ngồi dưới bụi tre, bọn trẻ con chúng tôi xúm xung quanh mồm há ra nghe chú thổi kèn. "Dù sương gió, tuyết rơi. Dù vắng ngôi sao giữa trời. Còn trái tim với tiếng ca. Giục ta dồn chân bước đường xa.....". Tay tôi chạm vào một chiếc hộp nhỏ, chiếc hộp xinh xinh như chưa lần nào mở khiến tôi khấp khểnh hy vọng. Tôi thong thả cậy nắp hộp lâu ngày không mở như cẩn thận với đồ vật dễ vỡ. Bên trong chiếc hộp là một chiếc huy hiệu nhỏ. Chiếc huy hiệu có hình một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đang trong tư thế cầm súng xông lên. Phía sau hình người chiến sĩ hiên ngang đó là hình lá cờ đỏ tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ. Tôi reo lên sung sướng làm vợ chồng cô chú Phi cùng nhao đến bên cạnh. Chiếc huy hiệu rắn rỏi dòng chữ "Chiến sĩ Điện Biên" như một ánh sáng lóe lên. Tôi nói to với vợ chồng cô chú Phi "Đây rồi. Đây rồi". Mắt cô chú Phi rạo rực lắm. Một tuần sau tôi lại về quê, không phải để ăn cưới con lớn của vợ chồng cô chú Phi mà để cùng vợ chồng cô chú Phi mang tấm bia mới khắc ra đặt ở mộ chú Phi. Tấm bia bằng đá xanh được mài nhẵn mặt trước. Trên mặt nhẵn đó những dòng chữ khắc mạ vàng trông tươi rói dưới nắng. Thằng con lớn của vợ chồng Phi hai tay run run nâng tấm bia. Nó đi từng bước rất trang trọng lại gần ngôi mộ mới xây. Chúng tôi lặng lẽ đai sau. Đến bên ngôi mộ vợ chồng cô chú Phi nhận từ tay thằng con lớn tấm bia. Vợ chồng cô chú Phi cẩn thận đặt tấm bia vào đúng vị trí chính giữa của bức tường nhỏ xây phía trên ngôi mộ. Những bông hương hồng nở đỏ được vợ chồng cô chú Phi chọn kỹ đặt lên mộ. Chúng tôi cúi đầu cầu mong dưới đất sâu chú Phi được nhẹ lòng. Từ phía đông những tia nắng hè dọi tới làm tấm bia như sáng lên. Trên tấm bia đó nổi bật dòng chữ ngay ngắn "Phần mộ ông Nguyễn Văn Hoạt (thường gọi là ông Phi). Chiến sĩ Điện Biên. Mất ngày... tháng .... năm....". Tôi bất chợt như nghe từ thẳm sâu vọng lên
- tiếng kèn Ác mô ni ca tróc sơn của chú Phi. Tiếng kèn say sưa. Tiếng kèn mời gọi. Tiếng kèn kéo đám trẻ con chúng tôi ngày nào. Tiếng kèn vang lên giữa trưa hè dưới bụi tre già rất ngân vang. "... Hòa với tiếng nhịp tàu đi. Cùng ngồi bên thùy dương mờ in bóng. Nhìn bầu trời sao lấp lánh. Nói với nhau lời nói tâm tình........".
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn