Cù lao mộ đôi
lượt xem 3
download
Trang trại của họ Trương rộng hơn năm trăm mẫu, nằm gần cửa biển, có con sông dồi dào phù sa chảy ngang. Hai bên bờ sông là ruộng lúa, bãi mía, vườn cây ăn trái tươi tốt, bát ngát. Giữa dòng sông nổi lên một cù lao tròn trịa như quả đồi con con, cỏ cây hoang dại bao trùm. Ruộng vườn hai bên sông và cả cù lao này đều là đất đai của họ Trương. Theo gia phả, Trương Ký là đời thứ mười bốn của dòng họ oanh liệt trong khai khẩn đất đai, nhưng chưa...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Cù lao mộ đôi
- Cù lao mộ đôi TRUYỆN NGẮN CỦA LẠI VĂN LONG Trang trại của họ Trương rộng hơn năm trăm mẫu, nằm gần cửa biển, có con sông dồi dào phù sa chảy ngang. Hai bên bờ sông là ruộng lúa, bãi mía, vườn cây ăn trái tươi tốt, bát ngát. Giữa dòng sông nổi lên một cù lao tròn trịa như quả đồi con con, cỏ cây hoang dại bao trùm. Ruộng vườn hai bên sông và cả cù lao này đều là đất đai của họ Trương. Theo gia phả, Trương Ký là đời thứ mười bốn của dòng họ oanh liệt trong khai khẩn đất đai, nhưng chưa bao giờ giàu có này. Mọi sản vật thu được trên bờ, dưới nước chỉ đủ để nuôi sống hơn trăm gia đình nhiều đời phát canh thu tô cho họ Trương. Đây cũng là lực lượng “ngụ binh ư nông”, từng đánh tan nhiều băng cướp ngòai biển vào, trên rừng xuống. Khi Trương Nhất, Trương Hai – hai con trai của Trương Ký còn ở tuổi thiếu niên thì mẹ qua đời. Không còn người vợ, người mẹ, ba bố con dù sống trên tiềm năng ngồn ngộn vẫn man mác thiếu thốn. Lâu dần, nỗi niềm thành bức xúc. Hai cậu con còi cọc, hay ốm đau, được các thầy thuốc cho rằng do thiếu tình mẫu tử. Trăn trở mãi, Trương Ký quyết định tìm kế mẫu cho con. Mấy chục cô gái con các gia đình tá điền cùng vô số người đẹp ở các làng lân cận, đều không thỏa mãn được mong muốn của Trương Ký. Ông nhìn họ, không tìm được nét hấp dẫn hơn so với người vợ cũ của ông. Hàng trăm cô gái đều na ná như nhau trong trang điểm, y phục, tính cách, ngôn phong và tư tưởng duy cảm, thủ phận. Trương Ký thở dài khi nghĩ đến phải chung sống với những điều không còn tạo ra cảm hứng. Ông không muốn người vợ mới chỉ đem đến cho các con của ông hát ru và chuyện cổ tích. Ông muốn nàng dạy cho chúng cách suy nghĩ duy lý thay vì kinh nghiệm và thái độ cầu an. Ông quyết định đi thật xa để tìm bằng được giấc mơ của mình. Sau khi cắt đặt việc nhà, dặn dò gia nhân chăm sóc dạy dỗ hai quý tử, ông gói ghém hành lý lên đường.
- Xác định chuyến đi của mình phải mất trên dưới hai năm, Trương Ký cho vẽ chân dung hai con trai mang theo, phòng khi nhớ nhung… Ông cũng thắp nhang, khấn trước bàn thờ tổ tiên rằng: “Xin các cụ phù hộ cho con chân cứng đá mềm. Con muốn đi thật xa, chọn thật kỹ, đem về cho gia tộc này nàng dâu mới, làm thay đổi những gì cũ kỹ…” Gia nhân đã dùng một thuyền lớn, chở Trương Ký và con ngựa đen tuyền đi ngược mãi lên thượng nguồn con sông chảy qua đất đai Trương tộc. Đến khi gặp nước chảy xiết, thác cao vời vợi ầm ầm tung bụi nước trắng xóa, ông cho thuyền quay về. Đã cuối ngày, ông cột ngựa nơi bãi cỏ tươi tốt, chọn một phiến đá bằng phẳng dưới táng cây to làm chỗ ngả lưng qua đêm. Một mình giữa rừng hoang vu, ông đốt lửa cho đỡ sợ, đỡ lạnh rồi ngã đầu lên túi hành lý. Nhắm mắt mãi vẫn không vào được giấc ngủ, ông ngồi dậy lấy giấy bút viết liền một mạch bài thơ “Hành phương Tây”: Đêm nay ta ngủ dưới tàng cây Chờ trăng soi bước hành phương Tây Âm u rừng núi đêm hiu quạnh Thắp lửa… buồn vây… nai tác bầy…! Nàng ở đâu, hỡi đất trời cao rộng? Ta nhìn mây đoán màu tóc được chăng? Vó ngựa băng băng, đường xa thôi thúc Ta làm sao nghe được tiếng em cười! Nàng là ai giữa thế gian muôn mặt Mắt có buồn như màu biển hoàng hôn? Nụ cười hạnh phúc hay chua chát Khi nhắm cùng ta chén rượu tình!
- Mai ta đi một mình một ngựa Theo trăng cô đơn, vấn vương gió đưa đường Mai ta đi cỏ cây còn ngủ muộn Mơ lúc trở về đôi bóng đẹp rừng hoang… Trăng lên, gà rừng vỗ cánh gáy vang núi, ông tợp vài ngụm rượu, vốc nước sông mát lạnh khỏa lên mặt rồi thu hành lý lên lưng ngựa. Theo đường mòn len lỏi trong rừng, ngựa ô đưa ông qua hết rừng già, trảng tranh, xuôi dần về phía những làng mạc, thị trấn. Cả đời quanh quẩn trong trang trại, hành trình này làm Trương Ký khoái trá với tự do bay bổng. Ông mê mẩn bước theo những khám phá mới mẻ, cuộc đời thong dong, không cần nghĩ đến trách nhiệm, thời gian. Một ngày nọ, Trương Ký đến một đô thành tráng lệ. Tiểu chủ ấp trại có cả trăm gia nhân này bỗng thấy mình nhỏ bé, lạc lõng giữa những đại lộ thênh thang ồn ào ngựa, xe xuôi ngược. Ông đã bàng hoàng khi đứng trên bến cảng ngắm những con tàu to lớn lạ thường. Chúng to hơn cả quái vật mà hai cậu ấm nhà ông từng tưởng tượng, kể cho nhau nghe. Chúng phun khói mù mịt lên những ống sắt đồ sộ và cất tiếng rống rung chuyển biển khơi, hơn cả bầy voi dữ hợp lại. Đêm xuống, đô thành nhộn nhạo khủng khiếp này trở thành thế giới ánh sáng rực rỡ, huyền ảo. Đó là lúc nó khoe hết vẻ sang trọng và độc ác, bất công. Trong những nhà hàng lộng lẫy, thức ăn đồ uống đắt tiền được dồn ép vào dạ dày của nhà giàu đến nôn mửa mới thôi. Sau lưng sự thừa mứa, xa xỉ ấy là những góc phố tối om với những kiếp người co quắp bên vệ đường, những đứa trẻ đói khát lao vào các hộc rác tranh giành thức ăn thừa cùng lũ chuột cống hôi hám. Trương Ký thở dài, ngán ngẩm. Lần đầu trong hành trình dài dặc, con người phiêu lãng này có cảm giác nặng nề… *** Buổi sớm mai, ở một góc khu chợ ồn ào, náo nhiệt có một phụ nữ trải tấm vải trắng dưới đất, bày bán những cuốn sách. Nàng ăn mặc dung dị, sóng mũi cao và nước da trắng ngần. Nàng có đôi mắt nung nấu hi vọng trên khuôn mặt nghiêm nghị mà phúc hậu. Giữa
- muôn triệu người đang ngược xuôi, giành giật, tranh cãi; Nàng ngồi đó trong y phục trắng, thản nhiên, tự tin như nữ thần. Có nhiều người đến mua sách của nàng, họ mặc những bộ quần áo còn dính lem nhem dầu mỡ từ các cơ xưởng. Đôi khi có cả những thư sinh đeo kiếng trắng, bác nông dân dẫn cả con bò kéo xe chở rau củ ghé đến và cả những người lính mặt còn nám đen khói thuốc súng chiến trận. Trương Ký không cưỡng được những thôi thúc đến gần nàng. Khi đó mặt trời đã nhô cao hơn tháp chuông tu viện, cao hơn ngọn hải đăng trên bến cảng và rọi ánh sáng hùng vĩ vào lỗ châu mai của pháo đài trấn ngự trước cung điện nguy nga. Nàng chỉ còn một cuốn sách đóng bìa da nặng trịch và đẹp vô cùng. Nàng nhìn người khách xa lạ chăm chú. Trương Ký nhìn lại nàng, ánh mắt của họ như dòng năng lượng vô hình chạy thẳng vào tim nhau. Một thoáng bối rối, nàng cất giọng trong trẻo. Trương Ký càng tin đó là lời của một nữ thần: - Người phương Đông muốn chọn sách của ta à? Đừng ngạc nhiên khi ta nói được tiếng mẹ đẻ của người. Ta nói được nhiều ngôn ngữ… Trương Ký quỳ xuống, nâng pho sách lên ngang ngực, mơ màng: - Nàng là sách hay sách là nàng? “Nữ thần” mỉm cười, nàng đứng lên, rũ tấm áo choàng trải dưới đất để bày sách, khoát lên vai. Chợ trên đồi cao, thành phố và bến cảng nằm thoải dần bên dưới. Trương Ký thấy nàng như đang đứng ngang với mặt trời hậu bình minh. Mái tóc óng vàng và y phục trắng tinh khiết của nàng như tỏa sáng cùng mặt trời. Trương Ký lịm đi trong cảm xúc kỳ lạ - vui sướng, hồi hộp. “Nữ thần” hỏi: - Người phương Đông muốn mời ta về làm vợ ư? Trương Ký cuống lên, lời lẽ trịnh trọng đến ngây ngô: - Không, ta chỉ muốn nàng làm… “Nữ Thần Sách”! - Cuộc gặp gỡ nào cũng bắt đầu từ những hân hoan và kết thúc trong hối tiếc. Người phương Đông đã nghĩ đến chưa? - Ta chỉ có một niềm tin là nàng trường tồn với tình yêu của ta.
- “Nữ thần” bật cười khanh khách: - Ở đây mọi người gọi ta là “linh hồn sách”. Nếu là sách, ta có thể tồn tại lâu hơn đời sống của con người, nhưng không phải lúc nào nhân lọai cũng thấy ta tươi trẻ, xinh đẹp, hấp dẫn đâu! Trương Ký dìu nàng lên ngựa. Cả hai cưỡi chung con ngựa ô. Pho sách lắc lẻo một bên, bên kia là túi hành lý, lương thảo, nước uống. Hành trình hồi Đông, Trương Ký chọn một con đường khác thay cho lộ trình cũ. Ông đi theo lời khuyên của “Nữ thần Sách” : “Khám phá luôn là tham vọng của con người”. *** Ngựa phi đến bờ một con sông mênh mông, vắng lặng. Chờ mãi nhiều ngày vẫn chưa có thuyền sang sông, Trương Ký bứt rứt, nôn nao muốn chặt cây kết lại làm bè. “Nữ thần Sách” phê phán quan điểm phiêu lưu mạo hiểm này. Nàng đề nghị hai người và cả con ngựa nữa phải học bơi trước. Nàng nói: - Chúng ta không thể để phương tiện quyết định sinh mệnh của mình! Trương Ký nghe có lý nên gật đầu. Họ tập bơi cùng con ngựa suốt ba tháng ròng rã. Trong lần tổng dợt cuối, họ hứng chí kéo con ngựa bơi liền một mạch sang bên kia sông, bỏ lại sau lưng kế họach làm bè. Họ lại lên ngựa… Đến một thị trấn ven đường, Trương Ký bán vàng, mua thêm lương thực, quần áo cho hai người. Một ông lão thấy họ đi về hướng Đông, cảnh báo: - Đường ấy sẽ phải qua con đèo có sơn tặc. Trước khi lên đèo, quý vị nên thuê những võ sĩ hộ tống. Trương Ký còn đang lưỡng lự thì “Nữ thần sách” tỏ ra cứng rắn: - Hai ta phải tìm thầy học võ chứ không thể tin vào bọn võ sĩ múa kiếm thuê ấy được. Chúng có thể là sơn tặc giả dạng hoặc liên thủ với sơn tặc. Lúc đó giữa đường đèo hoang vu, làm sao kịp trở tay?
- Vẫn là lời khuyên chí lý nên Trương Ký nghe theo nàng. Thế là họ mất thêm ba năm để học quyền-cước, cung-kiếm… Khi đã vững tin, họ thong dong cưỡi ngựa đi qua sự chào mời của các võ sĩ làm dịch vụ bảo tiêu dưới chân đèo và hợp sức đánh tan tác đám thảo khấu trên đỉnh đèo. Không nói ra, nhưng bây giờ Trương Ký vô cùng sùng kính, tin tưởng tuyệt đối vào bạn đồng hành của mình. Một ngày nọ, họ đến biên giới của hai nước đang có chiến tranh. Trước cửa khẩu, dòng người xếp hàng dài dằng dặc chờ làm thủ tục xuất cảnh, trông ai cũng âu lo. Hỏi ra mới biết, khi đi qua đồn biên ải, nếu không nói trơn tru, mạch lạc được lý do chính đáng, có thể bị quy tội họat động gián điệp. Đó là tội danh bị treo cổ không cần xét xử. “Nữ thần Sách” bàn: - Ta lui lại, tìm người học tiếng của hai xứ đang có chiến tranh thật giỏi. Có như vậy mới đảm bảo không lên giá treo cổ. Trương Ký ngần ngừ vì sợ tốn kém trong thời gian hai người ăn học. Nhưng mạo hiểm đồng nghĩa với hủy hoại mạng sống. Họ lại bỏ thêm ba năm để học thông hai ngọai ngữ. Khi đã qua cửa ải an toàn, nhìn đám đông sắp bị hành quyết kêu khóc, “Nữ thần Sách” hỏi Trương Ký: “Người đã tin tri thức quý hơn vàng chưa?” Trương Ký im lặng gật đầu… Họ lại tiếp tục hành trình trong tình trạng tài chính nguy ngập. Thay vì lo lắng như Trương Ký, “Nữ thần Sách” vẫn ung dung: - Nghe nói xứ này có vị thiền sư rất tài ba. Chúng ta sẽ học môn “Tuyệt thực” của ông ấy để không còn phải bận tâm với chuyện ăn uống. Học xong môn đó, nhịn đói năm bảy tháng cũng không sao!. Trương Ký đã nghĩ đến chuyện phải đi khất thực để tồn tại. Nay đã có con đường tránh được kiếp ăn mày, không thể không theo! Họ lại mất thêm ba năm để học môn “tuyệt thực”. Cả hai bây giờ đã nhẹ tênh trên lưng ngựa ô già cỗi. Thỉnh thoảng họ bồi bổ cho cơ thể “xương khô” của mình bằng trái cây hái trong rừng hoặc cá tôm bắt được dưới suối…
- *** Đến một trưa, ngựa về bên dòng thác cao vợi, bụi nước lan tỏa mát rượi một vùng. Con ngựa bất thần hí lên một hồi dài, hai chân trước khụy xuống rồi lật nghiêng thoi thóp. Trương Ký lật đật nâng đầu, đổ nước cho ngựa. Song hắc mã đã trút hơi thở cuối cùng. Trương Ký khóc nức nở thương tiếc, gọi ngựa là “bạn đồng cam cộng khổ suốt hành trình mười lăm năm” của mình. “Nữ Thần Sách” vẫn tỉnh queo, nhắc ông không được bi luỵ và cho rằng “bản chất của tiến hóa là thành- trụ- dị- diệt”. Thay vì tiếc nuối, nhân loại nên hy vọng khi cái cũ mất đi, nhường cơ hội cho cái mới ra đời. Trương Ký sững sờ trước ngôn ngữ duy lý lạnh lùng ấy. Ông lặng lẽ đào huyệt mộ, lấy đá xếp lên nấm mồ của ngựa. Ông lặn lội đi tìm hoa rừng trồng quanh chân mộ và quỳ trước mộ trong trạng thái mê sảng: - Bạn đi trước rồi…Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau ở thế giới bên kia. Không lâu đâu vì ta cũng già rồi! “Nữ Thần Sách” ngồi vắt vẻo trên mỏm đá, đung đưa đôi chân trần chai cứng đen đúa, cười khanh khách: - Đã đi với ta mười mấy năm trường, sao người phương Đông còn duy cảm, mê tín như vậy? Trương Ký ngửa mặt lên trời than: - Ôi! Đông- Tây sao mà khó dung hợp! Nàng không cần cả nước mắt người thân khi lìa đời sao? - Ta là vật chất, chết hay sống cũng chỉ là vật chất. Nếu nước mắt không mang lại sự hồi sinh thì khóc có ý nghĩa gì?! Trương Ký nhìn quanh, nhíu mày rồi bỗng reo lên: - Ta đã về nơi xuất phát, ta sắp đến nhà… Ông đã nhận ra đây là nơi chia tay với đám gia nhân đưa thuyền mười lăm năm trước. Nơi con ngựa khụy xuống để thành mộ đá, cũng là chỗ ông cột nó lúc đưa từ thuyền lên
- bờ. Rừng cây hai bên bờ sông giờ đã phát quang nhiều, có đoạn thành vườn rẫy xanh rì ngô, dâu. Sát mép nước hàng quán đông đúc và tấp nập thuyền bè neo đậu. Những bè gỗ lững thững trôi về xuôi và bao cố gắng chèo chống trên những con thuyền lặc lè đưa hàng lên miền ngược. Trương Ký như người chợt tỉnh mộng, chạy băng băng về phía thác nước. Phiến đá có cây cổ thụ tán rộng như sân đình, là nơi ông đã đốt lửa, ngã lưng chờ trăng lên ngày nào. Hàng trăm mùa trăng đã qua, cây chỉ to lớn thêm mà không già. Phiến đá mênh mông dưới chân nó giờ hàng quán lấp đầy. Trương Ký leo thoăn thoắt lên chạc tư của cây. Ông bò ra nhánh cây đồ sộ vươn theo hướng mặt trời mọc. Rút con dao trên thắt lưng, ông ngóay mũi dao khoét vào hốc cây rồi lôi ra một lọ sứ bằng nắm tay. Ông đưa lọ lên ngắm nghía, cười khóai trá như vừa tìm được báu vật. Vốn giỏi võ công, lại quen leo trèo tìm trái cây trong rừng suốt nhiều năm, ông chuyền thoăn thoắt từ trên cao về lại gốc cây. Lúc này bên dưới có cả trăm người tụ tập. Họ ngạc nhiên ngay từ lúc ông và “Nữ Thần Sách” xuất hiện với bộ dạng kỳ lạ: Quần áo cũ kỹ, rách tướp phải bện thêm vỏ cây che thân. Cả hai người tóc đều dài đến gót chân, khuôn mặt hốc hác và cánh tay khẳng khiu, đen cháy. Ngực của “Nữ Thần Sách” khô đét, còn râu của Trương Ký túa ra lởm chởm để nửa dưới khuôn mặt ông trông như một quả cầu gai. Do nghi ngờ vật Trương Ký lấy từ nhánh cây cao là vô cùng quý, đám đông buộc ông phải đưa ra. Trương Ký ném mạnh chiếc lọ sứ bị da cây bao bọc nham nhở, xuống nền đá. Nó vỡ tan trước bao nhiêu cặp mắt. Trong đó chẳng có gì ngòai một cuộn giấy to cỡ ngón chân cái đã ố vàng. Trương Ký cuối nhặt giấy, mở rộng cho mọi người thấy trên đó có bài thơ “Hành phương Tây”. Mười lăm năm trước, ông đã đốt lửa giữa rừng để làm thơ. Cả đời ông chỉ làm thơ một lần. Viết xong bài thơ đó lên trang giấy này, ông ném luôn cây bút xuống sông và đổ hết mực lên phiến đá. Ông hơ bầu mực trên lửa cho khô, gấp bài thơ bỏ vào đó, nút lại. Trăng lên, trước lúc khởi hành, ông đã đem bài thơ của mình giấu trên chạc cây hướng về Đông… Trong đám người yêu cầu bạch hóa bí mật trong tay Trương Ký, có kẻ đã nhận ra ông qua bài thơ vừa được đọc. Mọi người càng ngạc nhiên về ông chủ trại họ Trương được coi là mất tích từ nhiều năm trước. Có người xúc động ôm lấy ông nghẹn ngào, có người
- len lén sờ mái tóc dài cáu bẩn, có người đốt nhúm cỏ khô thổi khói phù phù để đuổi tà trên quần áo kẻ đi xa mới về…Trương Ký vui mừng khôn xiết. Ông bồi hồi quệt nước mắt rồi chỉ tay vào “Nữ Thần Sách”: - Ta đem được từ chuyến Tây du về đó. Nàng là “Nữ Thần Sách”, sẽ dạy cho các người nhiều điều hay. “Nữ Thần Sách” nhìn đám đông đang lao nhao, sụt sùi nhận họ hàng với Trương Ký. Có người bắt bẻ nàng xưng hô phải theo vai vế trong dòng họ. Nàng lắc đầu chán nản: - Ta sẽ làm dâu trăm họ. Một nàng dâu nhỏ bé lạc loài giữa muôn vạn truyền thống, tập quán, lễ nghi rườm rà, xa lạ. Ta chẳng còn tự do! *** Trương Ký và “Nữ Thần Sách” lên thuyền về xuôi. Hai bên sông cảnh vật đã thay đổi nhiều. Con sông hoang vu ngày nào giờ như hẹp lại với những xóm làng mới chồm ra mặt nước. Trương Ký hồi hộp khi nghĩ đến phút tương phùng với hai con. Hai bức chân dung của chúng đã bở rách sau những lần dầm mưa, lội suối. Ông tiếc nuối rồi quen dần với những đêm không còn gì để ngắm bên ánh đèn phòng trọ hoặc đốm lửa giữa rừng, Khi đã có thêm bạn đồng hành xinh đẹp, ông vơi vơi rồi mất hẳn cảm giác nhớ con. Ngày tiễn ông chúng chưa cao bằng lưng ngựa. Nay Trương Nhất cũng xấp xỉ tuổi ba mươi, Trương Hai ít ra đã hăm lăm, hăm sáu. Ông hỏi mấy người trên thuyền về hai đứa. Họ nhìn nhau rồi lảng tránh câu trả lời càng làm ông nghi hoặc. Ông dự định sẽ bàn với chúng về đám cưới của ông. Ông muốn làm thật rềnh rang, mời đông đảo họ hàng, bè bạn để ông kể luôn về chuyến Tây du và giới thiệu với làng nước người vợ khác màu da, tập quán. Có lẽ cần thư thư để ông và nàng nghỉ ngơi, phục hồi nguyên trạng đã, không thể tổ chức lễ thành hôn với bộ dạng “ma đói” thế này!... Đang miên man suy nghĩ, Trương Ký nhổm dậy nhìn kiến trúc kỳ lạ bờ tả sông. Đó là một chiến lũy kéo dài với cọc nhọn đóng san sát vào nhau chĩa ra mé sông. Trên mặt lũy cứ trăm bước lại có một chòi canh. Một cầu treo lớn cũng là lối vào thành lũy duy nhất đã được rút lên, đóng chặt. Người lái thuyền chỉ vào lũy nói:
- - Dinh cơ của cậu Hai nhà ông đấy! Còn bờ hữu là “giang sơn” của Trương Nhất…Ông muốn ghé bên nào trước? Trương Ký quay đầu lại, càng bàng hoàng khi thấy một rừng tre gai dày kịt như trường thành bất khả xâm nhập, kéo dài theo bờ sông. Ông lái thuyền thở dài: - Cả hai cậu đều đã lấy vợ, sinh con. Tranh chấp đất đai dẫn đến đổ máu, quan huyện xử chia hai vẫn chưa yên. Hai bên cứ kéo gia nhân qua lại đánh nhau mãi. Bao nhiêu tiền của dốc hết vào kiện tụng, xây thành đắp lũy, thuê gia nhân vệ sĩ, rèn cung kiếm, nên cậu nào giờ cũng nợ nần chồng chất. Mỗi bên đều đã bán một phần ba đất đai rồi. Nếu không đình chiến, dăm năm nữa họ không còn tấc đất cắm dùi. Chuyện đánh nhau của họ tai tiếng vang vọng. Người ta đồn rằng bức tượng tổ của họ Trương bằng đá cũng rơi lệ vì buồn cho lớp hậu duệ hư hỏng…May mà ông chủ về kịp! Trương Ký nghẹn đắng trên cổ. Thuyền như chòng chành, ông phải cố bám víu để khỏi khụy xuống. Sao lại xảy ra cớ sự trầm trọng này? Ngày trước anh em nó thương nhau lắm, sao bây giờ hóa thù nhau? Ông run run, quờ quạng lắc tay người lái thuyền: - Vào đi! Tấp vào đi, bên nào cũng được! Bỗng có tiếng hô lanh lảnh, ngước lên Trương Ký thấy một người bịt một mắt bằng vải đen đứng trong chòi canh trên chíến lũy. Người này còn trẻ, nhưng mặt đằng đằng sát khí. Trương Ký tê tái khi nghe anh ta xưng hô: - Có phải Trương Ký dưới thuyền không? Tôi là Trương Hai do ông đẻ ra đây. Nghe tin ông về trên thuyền mui lợp lá, tôi đứng chờ suốt sáng giờ. Đất đai phân chia xong rồi, còn cái cù lao hoang cho ông dưỡng già đấy. Nhưng nếu ông liên kết với thằng chó Trương Nhất, tôi sẽ tống khứ ông ra biển cho cá ăn luôn. Ông có thấy một mắt của tôi mù không, thằng đểu giả ấy rình bắn tên đấy! Trương Ký nấc lên, ho ra một bụm máu tươi rồi gục xuống, Những người trên thuyền dìu ông ngồi dậy, dựa lưng vào mạn. Ông thều thào với người lái thuyền: - Ghé nhà con trưởng của ta đi!
- Cũng như Trương Hai, Trương Nhất đã biết tin cha về. Không thô lỗ hỗn xược như đứa em, anh ta mời cha và mẹ kế lên bờ. Họ ngồi trong căn chòi dành cho đám gia nhân giữ “cổng thành”. Đây đã là một an ủi lớn với Trương Ký, ông không dám đòi hỏi hơn Ông nhìn Trương Nhất thấy nó giống ông thời trai trẻ đến kỳ lạ. Có điều nửa mặt bên trái nhăn nhúm do mất vành tai nên trông dị dạng. Trương Nhất hiểu ý cha, chỉ vào vết thương cười méo xệch. - Trương Hai chém đó. Ngày cha đi nó còn ngoan lắm. Chỉ mới hư độ hai, ba năm sau khi lấy vợ và vùng này trù phú lên nên đất đai có giá. Trương Ký nhẩm tính, nếu ông không đi theo lý thuyết “an toàn tuyệt đối” của “Nữ Thần Sách” thì đã rút ngắn hành trình hồi Đông gần mười năm. Ông đã về nhà sớm và gia đình đâu thể xảy ra thảm họa huynh đệ tương tàn thế này! Ông đã yêu thương rồi sùng bái người đàn bà lạ lùng này đến mức không còn tự chủ. Ông đã phải trả giá quá nặng nề khi chỉ thấy nàng sáng chói hơn muôn vạn đàn bà trên thế gian này. Để rồi…Trương Ký muốn nổi giận, muốn trút giận, nhưng ông kịp kiềm chế. Một phần ông không muốn tự nhận với con trai sự thất bại trong hành trình chọn vợ của ông. Nói là chọn kế mẫu cho con, kỳ thực, trước hết là thõa mãn ham muốn vợ đẹp, vợ lạ của chính ông. Phần thứ hai là tình cảm không thể chối bỏ giữa ông với nàng. Họ chưa bao giờ “động phòng” để thực sự là vợ chồng của nhau. Cả ông và nàng đều thống nhất việc ấy chỉ thành sau đám cưới ở quê nhà chồng. Họ đã chịu đựng gian khổ cùng nhau suốt hành trình mười mấy năm và nghĩ về ngày khải hoàn như phần thưởng xứng đáng nhất cho những hy sinh quá lớn đó. Thế nhưng càng đồng hành cùng nàng, ông càng nhận ra tính bất khả dung nạp của nhau. Khi về đến đích, khác biệt Đông - Tây trong nhận thức trở thành nguyên nhân để có thể trách cứ, thậm chí kết tội nhau. Thôi thì cứ coi nàng như một định mệnh, không thể một sớm một chiều sòng phẳng với nhau được!... Trương Ký đang còn suy nghĩ miên man thì Trương Nhất đã lôi ông về thực tại: - Cha và mẹ kế cứ về cù lao hoang mà ở. Trước đây tôi lỡ khai trên quan huyện là cha đã chết rồi. Nay mai lý trưởng của làng có đến làm bản khai hộ tịch, cha cứ khai tên giả. Lấy
- lại họ Trương làm gì, còn vẻ vang gì đâu! Hơn nữa như thế sẽ rắc rối cho con cháu trong chuyện thừa kế đất đai… Trương Ký bật khóc tức tưởi như một đứa trẻ con. Ông chấp tay, cúi đầu van xin con trai: - Hãy cho cha giữ nguyên họ cũ để còn được thắp nhang cho ông bà, tổ tiên. Hơn nữa mẹ kế là người duy lý, có thể giúp con giảng hòa với em trai, giúp họ Trương lại thống nhất, cường thịnh, vinh quang… Trương Nhất cười gằn, đấm tay xuống chiếc bàn tre lỏng chỏng: - Chuyện nhà dù có sứt mẻ, ngoại tộc cũng không được xen vào! Trong ấp trại này đã có chùa của Phật, mồ mã nhà thờ tổ tiên, đình làng, hương ước, tập quán…không còn chỗ cho bất cứ một thứ “Duy” nào nữa! Trương Ký gạt nước mắt kéo tay vợ chưa cưới đứng lên, lủi thủi bước ra cửa. Trương Nhất quát gia nhân: - Lấy thuyền đưa ông bà này ra cù lao. Cho họ ít lương thực, hai áo tơi, hai bộ y phục, vài cái nồi đất, một túi muối, nông cụ, hạt giống… Trương Ký năn nỉ: - Cho cha nhìn mấy cháu nội một lần được không? - Ông không còn là họ Trương, chúng không phải là cháu nội của ông. Mười lăm năm trước, ông đã bỏ rơi hai con thơ, bỏ quên trách nhiệm với tổ tiên, bỏ cả sản nghiệp to lớn của dòng họ, ôm hết tiền bạc…để chạy theo một ả giang hồ ngoại chủng xấu xí như con ma đói. Ông quay về đây làm gì? Để làm nhục con cháu thêm một lần nữa sao! Lại còn định bày trò cưới hỏi linh đình cho làng trên xóm dưới đàm tiếu ư? Sao ông ác với con cháu quá vậy! Trương Ký đứng sững sờ như trời trồng. Ông không cãi được, dù chỉ nửa lời. Cổ họng ông cứ nghẹn, thân thể rả rời, đầu choáng váng…Mối tình lãng mạn nên thơ của ông với nàng sao lại bị mô tả trần trụi, cay nghiệt như thế! ***
- Trương Ký trở dậy khi ánh mặt trời đã tràn ngập căn chòi rách rưới, tạm bợ. Lấy mảnh sành bể múc nước trong cái vại mẻ, ông xúc miệng rửa mặt. Có hai củ khoai vùi sẵn trong bếp tro nóng, ông khều một củ ra ăn, củ còn lại để cho vợ. Ăn xong, cũng mảnh sành bể, ông chế nước đậu nành rang đục đỏ từ cái ấm đất sứt quai ra uống. Ba thứ đồ sành linh tinh này, hôm trước thuyền buôn ghé cù lao xin nước ngọt và cho ông. Đó là những thứ bị va chạm hư hỏng, họ vất xuống cho nhẹ thuyền. Trương Ký vác cuốc ra xới mấy luống khoai, rồi đi thăm vườn dưa, mấy bụi mía. Vợ ông thường ra đồng sớm hơn để đến lúc mặt trời cao cao, lại vào nấu bữa trưa với khoai, bí, đậu do họ tự sản xuất. Từ ngày chứng kiến cảnh hai con trai lăng nhục, mạt sát, kết tội ông; nàng như hóa câm. Một người thích suy tư, duy lý như nàng làm sao chịu đựng nổi ngôn ngữ thô lỗ của những kẻ phàm phu, nhìn không đến lý, nghe không thấu tình! Ông thương nàng quá! Phải chi ông cứ dễ dãi lấy ngay một bà vợ trong những gia đình tá điền hay một cô gái trong xóm làng quanh quẩn. Phải chi con người ông không có máu phiêu lưu, lãng tử. Phải chi ông đừng ra đi tìm kiếm điều mới mẻ… Cuộc đời của ông và nàng đâu phải chìm đắm trong bao nhiêu gian lao, đau khổ thế này! Ông gây ra thì ông gánh. Nhưng nàng đâu có lỗi gì để phải chịu tai ương? Thôi thì số phận đã vậy, vợ chồng già dìu dắt, nâng đỡ nhau sống cho hết kiếp này… Vác cuốc trên vai, Trương Ký vừa đi lòng vòng trên cù lao, vừa nghĩ ngợi bao điều. Rồi ông sực nhớ vẫn chưa tìm thấy vợ nên quay lại căn chòi. Ông ngồi phịch xuống chỏng tre trải manh chiếu rách, trố mắt khi thấy trên đó một tờ giấy, được chặn bởi một hòn cuội nhỏ. Ông nhặt tờ giấy lên – “bài thơ để lại cho chồng” – nét chữ bay bướm của vợ ông. Ông khó nhọc đọc từng chữ nặng nề: Mười mấy thu rồi ta vẫn đi Buông chân, thỏa chí với tình si Tòng phu ngàn dặm gian nan ngấm Da trắng mòn thâm, lấm bụi vì… Nhớ những mùa đông áo mong manh Vẫn cười lạnh buốt thảo nguyên xanh
- Quê chồng mù mịt chân mây thẫm Vó ngựa đọa đày phận trâm anh Rồi mấy xuân qua ta vẫn trông Đường đi ngắn lại về bến mong Nhà chàng hai trẻ chờ ta hát Duy lý thi ca vị mộng Đông Nắng hạ hôm nao đón nàng dâu Vu quy ngập mặn nước mắt sầu Lang quân buồn rượi vì gia cảnh Nhị tử vung đao thách đối đầu Giấy bút đề thơ mượn thuyền buôn Số chàng, phận thiếp sao quá buồn Thôi thì nay rẽ làm hai hướng Đông- Tây mãi mãi chẳng vấn vương! Trương Ký đọc xong ngã vật xuống chõng tre. Ông dùng hai tay ôm chặt bức thư trên ngực, mắt nhắm nghiền và lệ ứa đầy khuôn mặt khắc khổ. Người bạn đồng hành ngàn dặm trong đau thương của ông đã ra đi khi chưa kịp nói tên thật của nàng. Ông khe khẽ gọi cái tên ngày đầu mới gặp: “Nữ Thần Sách”… “ Nữ Thần Sách”…“Nữ Thần Sách”…Ông gọi cho đến khi lịm hẳn vào thiên thu. Khi xóm làng phát hiện nhờ mùi tử khí và đang làm tang cho ông, dân chài cũng vớt được xác nàng. Sau ba ngày nằm dưới đáy sông, cô dâu đến từ Tây Phương đã căng nước và lấy lại hình hài xinh đẹp vốn có. Da nàng trắng ngần, tóc vàng loăn xoăn, sống mũi cao, thân thể đầy đặn như bức tượng ngọc. Nước sông quê chồng cũng đã làm nàng trẻ lại như thời con gái, làm tan biến mọi đau thương, tai ương, dày vò để nàng mỉm cười bao dung. Người ta mặc cho nàng bộ y phục phương Đông thật đẹp, óng ánh kim tuyến và
- đeo thêm cho nàng nhiều trang sức lấp lánh. Họ đặt lại trên ngực nàng pho sách mang từ quê hương xa vời vợi về nhà chồng, như nàng đã ôm chặt để chìm xuống và vẫn ôm chặt khi nổi lên. Sách đóng bìa da nặng trịch, mạ chữ vàng sang trọng. Không ai biết chữ lạ để đọc được sách của nàng, điều đó làm tăng thêm huyền bí về người đàn bà xa lạ một thời sống bần hàn trên cù lao hoang cùng chồng. Họ kính cẩn gọi nàng là “Nữ Thần Sách”…Bên trong sách còn kẹp bài thơ Trương Ký đã viết trong đêm giữa rừng và giấu suốt mười lăm năm trên nhánh cây cổ thụ mọc ở đầu nguồn con sông nàng trầm mình. Cả hai được nằm bên nhau mãi mãi, đầu hướng lên đỉnh cù lao, chân xuôi theo dòng chảy của sông mẹ ra biển. Từ đó, cù lao hoang lạnh được gọi “cù lao mộ đôi”- nơi chôn cất mối tình Đông - Tây… Trên hai bia mộ đá, người ta khắc hai bài thơ họ đã viết cho nhau. Cả đời mỗi người chỉ làm thơ một lần. Đúng hơn là chàng viết phần đầu, nàng thêm đoạn cuối, hợp thành chuyện tình kết thúc trong tức tưởi. Năm tháng qua đi, vô số đàn ông ở xứ sở này đã lấy vợ Âu, nhiều mối quan hệ khoa học, văn hóa, chính trị, kinh tế… Đông – Tây đã bùng nổ. Nhưng chẳng ai nhớ đến những cay đắng, đoạn trường của cuộc hôn phối khởi thủy giữa một chàng lãng tử da vàng và cô gái da trắng bán sách hơn một trăm hai mươi năm trước. Theo lịch sử, đó là thời kì Triết học duy lý và văn hóa phương Tây được các cỗ máy hơi nước chắp cánh bay về phương Đông. Ngày nay các thầy giáo dạy môn Mỹ học vẫn định nghĩa cho sinh viên rằng: “Người mở đường cho nhân loại thường phải chịu kiếp nạn bởi cái cũ còn quá mạnh. Song sự hy sinh của cái mới non trẻ không vô ích, nó sẽ thổi bùng khát vọng tự do và tình yêu bất diệt. Mỹ học biện chứng duy vật gọi sự hy sinh cao cả đó là… bi tráng”!
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tuyển tập truyện cười dân gian p5
27 p | 308 | 105
-
Bóng đá và lòng thơm thảo
4 p | 56 | 6
-
MÀU HẢI ĐẢO
12 p | 70 | 5
-
Bóng Mờ Hiu Quạnh
198 p | 66 | 5
-
Trăng huyết
7 p | 55 | 4
-
Mưa Miền Châu Thổ
5 p | 65 | 3
-
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa - Hồi Thứ Mười Bốn
5 p | 79 | 3
-
Tháp trắng
12 p | 59 | 3
-
Mai vàng cát trắng
16 p | 36 | 2
-
Cắt Bóng
6 p | 79 | 2
-
Khoảng trời riêng
12 p | 75 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn