intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đánh bại chiến thuật thiết xa vận trong trận Ấp Bắc (2-1-1963)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

33
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong chiến lược này, chiến thuật “thiết xa vận” với mũi xung kích chủ yếu là xe bọc thép M.113 đã thể hiện sức mạnh áp đảo và gây ra nhiều thương vong cho Quân Giải phóng miền Nam. Yêu cầu đặt ra là phải tìm được biện pháp đánh bại chiến thuật “thiết xa vận”. Phải đến trận Ấp Bắc (2-1-1963), ta mới có đáp áp cho câu hỏi này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đánh bại chiến thuật thiết xa vận trong trận Ấp Bắc (2-1-1963)

  1. ĐÁNH BẠI CHIẾN THUẬT THIẾT XA VẬN TRONG TRẬN ẤP BẮC (2-1-1963) ĐẶNG PHÚ PHONG Khoa Lịch sử Tóm tắt: Từ năm 1961, Mỹ triển khai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm cứu vãn sự sụp đổ của Việt Nam cộng hòa sau phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam. Trong chiến lược này, chiến thuật “thiết xa vận” với mũi xung kích chủ yếu là xe bọc thép M.113 đã thể hiện sức mạnh áp đảo và gây ra nhiều thương vong cho Quân Giải phóng miền Nam. Yêu cầu đặt ra là phải tìm được biện pháp đánh bại chiến thuật “thiết xa vận”. Phải đến trận Ấp Bắc (2-1-1963), ta mới có đáp áp cho câu hỏi này. Từ khóa: M.113, thiết xa vận, Quân đội Sài Gòn, Ấp Bắc, Quân Giải phóng 1. MỞ ĐẦU Từ giữa năm 1961, để cứu vãn cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa (VNCH), Mỹ đã tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt” trong đó quốc sách “ấp chiến lược” là xương sống của chiến lược này. Lực lượng chủ yếu để thực thi là quân đội Sài Gòn dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Mỹ. Để thực hiện quốc sách “ấp chiến lược”, quân đội VNCH sử dụng hai chiến thuật mới đó là “trực thăng vận” và “thiết xa vận” để dồn dân lập ấp, tách cán bộ ra khỏi nhân dân, từ đó đẩy lùi phong trào cách mạng miền Nam. Trong chiến lược đó, xe bọc thép M.113 đóng vai trò chủ chốt trong chiến thuật “thiết xa vận”, là mũi xung kích trên chiến trường Nam bộ. 2. M.113 VÀ CHIẾN THUẬT THIẾT XA VẬN M.113 là một loại xe thiết giáp chở quân (APC - Armored Personel Carrier) của quân đội Mỹ được xuất xưởng vào tháng 1-1956 và chiếc đầu tiên được đưa ra sử dụng vào tháng 1-1960. Vỏ M.113 được chế tạo bằng hợp kim nhôm khiến cho xe có trọng lượng nhẹ, chỉ 12,3 tấn và tốc độ lên đến 67km/h trên đường bộ. Mặt khác, M.113 còn có thể nổi và bơi được với tốc độ khoảng 5,8 km/h trong môi trường nước [8, tr. 1]. Do có ưu điểm như vậy nên M.113 rất có lợi thế khi hoạt động ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long – nơi phong trào cách mạng sau Đồng khởi đang dâng cao. Cuối năm 1961, những chiếc M.113 đầu tiên được Mỹ viện trợ cho quân đội VNCH bắt đầu được đưa vào tham chiến, phục vụ các cuộc hành quân tìm diệt Quân Giải phóng và gom dân lập “ấp chiến lược” . Với sức cơ động nhanh, có thể hoạt động cả trên bộ lẫn địa hình nhiều kênh rạch, đồng ruộng lầy lội của đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong điều kiện Quân Giải phóng chỉ có những vũ khí thô sơ từ thời kháng chiến chống Pháp để lại nên M.113 gần như làm chủ chiến trường mỗi khi nó tham chiến, đặc biệt là ở chiến trường Nam Bộ và 96
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 Nam Trung Bộ. Tháng 3-1962, địch sử dụng trực thăng và xe M.113 đánh trạm giao liên Hương Điền (Kiến Tường) làm một tiểu đội hi sinh. Ngày 18-8-1962, địch sử dụng chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” tấn công công trường và quân y tỉnh Mỹ Tho, phá nát căn cứ, 20 chiến sĩ hi sinh trong lúc chuẩn bị lên chiến trường miền Đông. Trận Hưng Thạnh 9-1962 để lại “dưới kênh máu đỏ”, “trên bờ thây phơi”, Đại đội 1/ Tiểu đoàn 514 Mỹ Tho tiêu diệt được 40 lính địch nhưng tổn thất nặng với 52 chiến sĩ và cán bộ hi sinh, trong đó có 1 Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên trận này để lại một “gợi ý” rất giá trị: một trung đội bật công sự phân tán chống đỡ bị thiệt hại nặng. Trái lại, một trung đội khác tập trung, dựa vào hệ thống công sự giáng trả địch, tiêu diệt 40 lính địch và một máy bay mà không hi sinh chiến sĩ nào [3, tr. 139]. M.113 đã tạo nên “huyền thoại” về sức mạnh vô địch, “bách chiến bách thắng” của vũ khí Mỹ trong quân đội Sài Gòn. Trong hoàn cảnh chưa có vũ khí chống tăng và kinh nghiệm diệt M.113, Quân Giải phóng chưa thể đối đầu trước chiến thuật “thiết xa vận”, tâm lý e ngại phải đối đầu với M.113 bắt đầu xuất hiện và gây hoang mang cho quân và dân miền Nam cho đến trước trận Ấp Bắc. Cùng với chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” là một biện pháp then chốt quyết định sự thành công của chính sách “ấp chiến lược” và sự sống còn của “chiến tranh đặc biệt”. Do đó, phá vỡ chiến thuật “thiết xa vận” và “trực thăng vận” cũng đồng nghĩa với “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và VNCH bị tiêu tan về mặt quân sự. Mặc dù được xem là “bảo bối vạn năng” của Mỹ và quân đội VNCH nhưng thực tế chiến trường Nam Bộ đã làm cho M.113 bộc lộ nhiều nhược điểm. Giáp xe M.113 làm bằng hợp kim nhôm tuy nhẹ nhưng dễ bốc cháy khi gặp nhiệt độ cao. Thân xe cao 2,5m làm cho xe dễ bị phát hiện và bị lật trên những đoạn đường có khúc cua gấp. Hai bên hông xe không được làm nghiêng mà lại thẳng đứng 900 1, thêm vào đó nóc xe có giáp mỏng rất dễ bị đạn đại liên, lựu đạn và súng cối xuyên thủng 2. tuy M.113 có thể lội nước dễ dàng nhưng bản xích 3 của M.113 lại hẹp dễ bị sa lầy trên các địa hình như đầm lầy và bùn nhão hoặc vào mùa mưa ở chiến trường Nam bộ. Điểm yếu chết người nữa của M.113 là vị trí quan sát của trưởng xe và vị trí bắn của xạ thủ súng máy không có lá chắn, vị trí quan sát của lái xe cũng chỉ được che bởi các thấu kính thủy tinh rất khó có thể chống lại được đạn súng trường và đại liên. 3. ĐÁNH BẠI CHIẾN THUẬT THIẾ XA VẬN TRONG TRẬN ẤP BẮC (2-1-1963) 3.1. Bối cảnh trận đánh 1 Góc 90 độ là góc xuyên lý tưởng nhất của đạn xuyên giáp, ở góc này, viên đạn đạt được sức xuyên cao nhất do góc chạm bằng 0, nếu giáp được làm nghiêng thì viên đạn sẽ giảm độ xuyên vì “hiệu ứng trượt”, góc nghiêng 60 độ là góc nghiêng hợp lí nhất đã được áp dụng trên xe tăng T-34 và T-54 nổ tiếng của Liên Xô 2 Theo cấu trúc thông thường của xe tăng và thiết giáp Mỹ thì giáp mặt trước thân xe và trước tháp pháo có độ dày lớn nhất, kế tiếp là mặt bên tháp pháo. Phần hông xe, gầm xe, nóc thân và nóc tháp pháo là những phần có độ dày giáp mỏng và dễ bị xuyên thủng nhất. 3 Bản xích của xe tăng-thiết giáp càng rộng thì áp lực của xe lên mặt đất càng thấp, giúp xe có thể di chuyển được qua những nền đất yếu, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ với địa hình chủ yếu là đất ruộng và vùng ngập nước. 97
  3. ĐẶNG PHÚ PHONG Đêm 31-12-1962, Đại đội 1 (thuộc Tiểu đoàn 261 chủ lực khu Trung Nam Bộ) và Đại đội 1 (thuộc Tiểu đoàn 514 bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho) về đóng tại Ấp Bắc để phối kết hợp với 1 trung đội bảo vệ công binh tỉnh Mỹ Tho, 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành và du kích các xã Tân Phú, Tân Hội, Điềm Hy chuẩn bị tấn công “ấp chiến lược” Giồng Dứa, Long Định [4, tr. 277]. Phát hiện các lực lượng này tại Ấp Bắc, ngày 2-1-1963, đối phương huy động 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 bộ binh, 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù, 2 đại đội biệt động quân, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ biệt kích, 13 xe thiết giáp M.113, 13 tàu chiến, 6 máy bay khu trục B.26, 15 máy bay trực thăng, 4 máy bay trinh sát L.19 và 7 máy bay vận tải C.47. Trận địa pháo binh của Sư đoàn 7 được bố trí trên Lộ số 4 nằm trong địa phận xã Long Định. Toàn bộ lực lượng trên đây đặt dưới sự chỉ huy của Đại tá Bùi Đình Đạm - Tư lệnh Sư đoàn 7, Thiếu tá Lâm Quang Thơ - Trưởng Tiểu khu Định Tường, Trung tá J. Paul Vann - Cố vấn trưởng vùng 4 chiến thuật cùng 51 cố vấn Mỹ. Trong quá trình hành quân, các tướng Lê Văn Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, Huỳnh Văn Cao - Tư lệnh vùng 4 chiến thuật, Trần Thiện Khiêm - Tư lệnh quân nhảy dù cũng đến chỉ huy trực tiếp [1, tr. 1] . Về phía ta, ngoài 2 đại đội chủ lực nói trên còn có 1 trung đội bảo vệ công binh tỉnh Mỹ Tho, 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành và du kích các xã Tân Phú, Tân Hội và Điềm Hy, tổng cộng có 350 chiến sĩ - tương đương một tiểu đoàn ghép do đồng chí Nguyễn Văn Điều và đồng chí Đặng Minh Nhuận chỉ huy. Vũ khí của ta trong trận đánh chủ yếu là súng trường và lựu đạn, 3 quả đạn Tromblon4 [10, tr. 1], một số ít trung liên và đại liên, uy lực nhất là một khẩu cối 60mm nhưng cơ số đạn không nhiều. Về vũ khí, ta hoàn toàn thua xa hỏa lực của địch trong trận này. 3.2. Diễn biến chính của trận đánh Sáng sớm ngày 2-1-1963, nhiều máy bay trinh sát L19 của đối phương đã quần lượn trên bầu trời Ấp Bắc, hướng dẫn đường tiến quân cho bộ binh và cơ giới càn quét vào ấp. Từ hướng Lộ số 4, 2 đại đội bảo an từ Điền Hy bắt đầu xung phong vào xóm Hội Đồng Vàng, xã Tân Phú, mở đầu đợt 1 của trận càn. Cùng lúc đó, một mũi tiến công khác của địch từ Cầu Sao bí mật cơ động đến tiếp cận khu vực miếu Thầy Lơ, thực hiện đánh xuyên sườn trận địa phòng ngự và cánh quân thứ 3 tiến công bằng đường thủy theo kênh Nguyễn Tấn Thành (gồm 13 tàu chiến chở 2 đại đội biệt động quân), đánh vu hồi vào sau đội hình phòng ngự của ta nhưng đều bị ta đánh lui. Sau đợt tiến công bằng đường bộ và đường thủy vào Ấp Bắc không thành, địch sử dụng chiến thuật “trực thăng vận”. Địch dùng 5 máy bay trực thăng vũ trang loại HU1A làm nhiệm vụ yểm trợ cho 10 chiếc trực thăng chở quân loại CH21 đổ 2 tiểu đoàn bộ binh 4 Tromblon M93 là một loại lựu đạn chống tăng bắn từ súng trường Lebel 1886 của Pháp, ta thu được loại này sau năm 1945 từ Pháp và vẫn tiếp tục sử dụng trong thời kì đầu của Kháng chiến chống Mỹ, du kích đọc trại thành trông-lông. 98
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 xuống phía sau ấp, rồi hình thành 2 gọng kìm bao vây nhưng bị ta đánh trả quyết liệt phải rút lui. Lúc này, đối phương quyết định đưa Sư đoàn 7 bộ binh vào tham chiến. Sau khi tập kết đủ 3 tiểu đoàn bộ binh ở khu vực Miếu Hội, quân địch hình thành 2 hướng tiến quân thành thế gọng kìm, cùng lúc đánh vào Tân Thới, đúng nơi bố trí của Đại đội 1/Tiểu đoàn 514. Lần thứ 3 tiến công của địch đã bị lọt vào trận địa mai phục của Đại đội 1 và lại bị đánh lui. Bị thất bại liên tiếp sau 3 đợt xung phong, đối phương quyết định dội bom Napalm, Rocket hòng thiêu trụi các mục tiêu trong Ấp Bắc. Đồng thời, pháo binh của Sư đoàn 7 được máy bay trinh sát chỉ điểm bắn cấp tập vào các trận địa dọc hai bên những lộ đất dẫn vào ấp, dọn đường cho xe cơ giới và bộ binh chuẩn bị xung phong. Sau khi dứt hỏa lực dọn đường, quân Sài Gòn tổ chức đợt xung phong thứ tư với lực lượng chủ công là 13 xe thiết giáp M.113 và 1 tiểu đoàn bộ binh tăng viện. Dựa thế mạnh của xe M.113, quân đội Sài Gòn tổ chức đột kích chính diện vào Ấp Bắc, nơi bố trí đội hình phòng ngự của Đại đội 1/Tiểu đoàn 261. Khi phát hiện M.113 lội nước phía kinh Mới, đồng chí Đặng Minh Nhuận 5, đại đội trưởng Đại đội 1/Tiểu đoàn 261 hạ lệnh cho đơn vị: “Thà chết quyết không rời công sự”. Mặc dù ta không có vũ khí có thể xuyên thủng giáp trước của xe M.113 nhưng lại phát hiện vị trí xạ thủ súng máy của M.113 không có lá chắn, xạ thủ địch trở thành mục tiêu dễ bị tiêu diệt nhất. “Để cố truyền cho các toán quân can đảm đứng lên chống xe bọc thép với vũ khí nhẹ và lựu đạn, các huấn luyện viên đã lên một bản danh sách những điểm yếu của xe bọc thép. Tất cả những nhận xét của họ đều sai trừ hai điểm: người bắn súng máy trên đỉnh đứng sau giá súng để lộ từ thắt lưng trở lên. Họ cũng nghĩ có thể bắn trúng lái xe qua khe ngắm. Đấy cũng là một điểm yếu của chiến cụ. Nói chung, lái xe mở lá chắn trước mặt, thoải mái và dễ chịu hơn, như thế có thể đi nhanh hơn; nguy cơ bị bắn trúng không lớn qua những hoạt động trước nên không giữ tấm chắn đóng kín. Nếu họ hạ tấm chắn để tránh đạn, họ chỉ trông thấy qua một hệ thống gương và khối lăng trụ, hạn chế tầm nhìn đến 100 độ. Người lái không được tự do điều khiển xe và phải lăn bánh dần dần. Các chỉ huy Việt cộng cũng đã truyền thụ cho chiến sĩ tập trung bắn vào M-113 như đã bắn máy bay. Mỗi tiểu đội hoặc trung đội phải chọn chiếc xe gần nhất bắn tập trung vào đấy”[6; tr. 7]. Khi cách công sự ta độ 500m, xe M.113 dừng lại và bắn xối xả vào trận địa ta rồi tiếp tục tiến lên khoảng 300m lại dừng bắn. Chờ cho xe địch tiến đến cách trận địa khoảng 150m, đại liên và các loại súng của ta mới tập trung hỏa lực bắn vào vị trí xạ thủ súng máy trên xe M.113. Một số binh sĩ địch trên xe bị chết, có cả những xạ thủ súng máy cũng đồng thời là chỉ huy của xe. Bị đáp trả bởi hỏa lực tập trung, các xe M.113 phải dạt sang phải để tránh. Việc tiêu diệt được xạ thủ súng máy có ý nghĩa đặc biệt quan 5 Đặng Minh Nhuận (1932-1963) còn có tên là Đoàn Triết Minh, Nguyễn Bảy hay Bảy đen. Quê ông ở xã Long Châu, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình sinh sống bằng nghề công thương. Ông là người chỉ huy trực tiếp trận ấp Bắc (2-1-1963). Sau trận Ấp Bắc, ngày 30-8-1963, ông tham gia chỉ huy bộ đội tiêu diệt đồn Thanh Nhựt và anh dũng hi sinh. 99
  5. ĐẶNG PHÚ PHONG trọng trong việc vô hiệu hóa M.113, chỉ huy M.113 cũng kiêm nhiệm vai trò xạ thủ súng máy M2HB, tuy nhiên việc M.113 không được trang bị tấm chắn đã khiến cho nhiều chỉ huy của M.113 bị loại khỏi vòng chiến, điều đó tác động rất lớn đến toàn bộ kíp lái và binh sĩ trong xe. Đối với M.113, vai trò của người chỉ huy rất quan trọng vừa quan sát bên ngoài vừa chỉ đạo kíp lái và kiêm nhiệm vai trò xạ thủ súng máy, chính vì vậy, khi chỉ huy bị tiêu diệt sẽ làm cho kíp lái hoang mang, thiếu sự chỉ đạo và vũ khí lợi hại nhất trên xe là khẩu súng máy hạng nặng M2HB bị vô hiệu hóa. “Trong những hành động bấp bênh ấy, nạn nhân, chết hoặc bị thương đại bộ phận là những người bắn súng máy. Việt cộng dễ bắn trúng họ nhất vì thân hình hiện rõ trên những chiếc xe bọc thép. Nói chung đó là những trung sĩ có trách nhiệm vể tổ lái cũng như về tiểu đội bộ binh họ chở đi. Hệ thống này được người Mỹ đưa ra để xe bọc thép và bộ binh hình thành một đội gắn liền với nhau” [6; tr. 7]. Từ sau đợt tiến công này, ta lại phát hiện ra một điểm yếu mới của M.113 đó là khi trưởng xe (kiêm xạ thủ súng máy) bị tiêu diệt, lập tức kíp xe địch sẽ hoang mang vì thiếu chỉ huy và chuyển sang hướng khác tránh đối đầu với ta, chính vì vậy vị trí xạ thủ súng máy trở thành mục tiêu ưu tiên số một trong việc đối phó với M.113. Lần tấn công thứ hai bằng M.113, địch cũng dùng 2 xe nhưng chuyển hướng tấn công từ phía cầu Ông Bồi, đánh vào trận địa của Trung đội 2/261. Hỏa lực chính của trung đội này là trung liên. Tuy hỏa lực ta không mạnh bằng đợt chống trả trước, nhưng nhờ phát hiện điểm yếu của xe M.113, ta tiếp tục tập trung hỏa lực bắn vào vị trí xạ thủ súng máy trên xe M.113 và diệt được một số lính trên xe nên địch phải lùi lại, gọi máy bay ném bom và pháo binh dọn đường để tiếp tục tấn công. Bị ta đẩy lui, đối phương thay xe và tổ chức xung phong lần thứ ba. Lần này, 5 xe M.113 chia làm 3 mũi, bộ binh đi theo xe thổi kèn và gào thét xung phong để áp đảo tinh thần. Nhờ những kinh nghiệm hết sức quý báu trong chống trả 2 lần tiến công của xe địch, ta chờ xe địch đến còn cách khoảng 30m mới đồng loạt nổ súng bằng cách dùng đạn Tromblon bắn thẳng và ném thủ pháo vào M.113 làm 2 xe bị hỏng và tiêu diệt thêm một số lính. Những xe M.113 còn lại chạy dạt ra xa để tránh. Tuy phía ta có 3 đồng chí hi sinh, 1 đồng chí bị thương và khẩu trung liên bị hỏng, lại không có súng chống tăng nhưng đã phát hiện thêm được một số điểm yếu của xe M.113. Ngoài vị trí xạ thủ súng máy, M.113 còn có các điểm yếu như xích xe sẽ đứt khi bị bắn trúng, bộ binh tùng thiết trên xe cũng không có lá chắn giống như xạ thủ súng máy nên dễ bị tiêu diệt, phần hông xe và nóc xe dễ bị xuyên thủng hơn so với mặt trước xe. Qua đợt tiến công của địch vừa rồi, ta đã hoàn thiện được cách đánh xe M.113, đó là chờ cho xe địch đến thật gần, sau đó tập trung tất cả các loại hỏa lực bắn cấp tập, làm hư hại các bộ phận trên xe và tiêu diệt lính tùng thiết của địch, làm địch phải chuyển sang hướng khác để tránh bị tiêu diệt, không thể tiếp tục tiến công trận địa của ta. Sau 3 lần tấn công tuy không thành công nhưng đối phương phát hiện ta không có súng chống tăng, nên chỉ huy địch lại quyết định mở đợt tấn công thứ tư với 13 xe M.113, đánh thẳng vào vị trí do đồng chí Đừng (Tiểu đội trưởng tiểu đội 4/Trung đội 2/Đại đội 1/Tiểu đoàn 261) chỉ huy. Tiểu đội 4 lúc này chưa có người thay thế số chiến sĩ hi sinh 100
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 và bị thương, hỏa lực càng yếu nhưng nhờ hỏa lực chi viện và cách đánh xe thiết giáp có từ 3 đợt đánh M.113 trước đó, đặc biệt là nhờ 2 quả đạn Tromblon còn lại của đồng chí Chiến, một tân binh đánh trận đầu tiên, bắn thẳng vào xe địch, ta đã đẩy lùi được đợt tấn công này của địch. Cứ sau mỗi đợt xung phong bị ta đẩy lùi thì pháo, máy bay lại bắn, ném bom vào đội hình của ta hàng trăm quả đạn 105 ly, hàng chục hỏa tiễn, hàng tấn bom các loại [2, tr. 1]. Để giảm nhẹ thất bại, đối phương cho lại tung tiểu đoàn lính dù vào trận địa. Khoảng 4 giờ rưỡi chiều, 14 chiếc máy bay vận tải C.47 đổ quân nhảy dù xuống tiến công ở ấp Tân Thới và ở ấp Tân Bình đối phương cho xe M.113 mở đợt xung phong thứ 5 nhưng các xe M.113 với chiến thuật “thiết xa vận” đã bị ta hóa giải. Sau 2 lần tiến công của đợt thứ 5, các xe M.113 lại tiếp tục bị ta dùng cách đánh tập trung hỏa lực đánh lui, ta tiêu diệt thêm 2 xạ thủ đại liên và 1 xạ thủ súng trường của địch. Ban chỉ huy Đại đội 1/ Tiểu đoàn 261 ra lệnh cho các trung đội của đơn vị dồn quân xốc lại đội hình để giữ trận địa chặt chẽ. Khi địch tấn công vào, ta dùng đại liên chống trả, cố gắng bảo toàn lực lượng để đến tối rút đi. Đối phương chiếm được cầu Ông Bồi và Mả Tháp, nhưng chưa lọt vào vị trí của ta. Thấy hai phần ba số quân dù đổ xuống khu vực ấp Tân Thới bị thương vong nặng, lực lượng thiết giáp và bộ binh xung phong vào ấp Ấp Bắc cũng bị tổn thất lớn, sức chiến đấu của số còn lại quá rệu rã, Bùi Đình Đạm cho đổ bộ phần lính nhảy dù còn lại xuống khu vực Miếu Hội và lệnh cho quân lính rút ra ngoài đóng chốt nghỉ đêm, dự định ngày hôm sau tấn công tiếp, kết thúc một ngày chiến đấu thảm bại của quân đội Việt Nam cộng hòa tại Ấp Bắc [1, tr. 1]. Về phía ta, ngay trong đêm, toàn bộ lực lượng của ta rút lui an toàn về xã Hưng Thạnh huyện Châu Thành [2, tr. 1]. 3.3. Kết quả Kết thúc trận đánh, quân và dân Ấp Bắc đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 200 lính VNCH và cố vấn Mỹ, bắn rơi 5 máy bay trực thăng và bắn bị thương nhiều chiếc khác, phá hủy 3 xe bọc thép M.113 và bắn thiệt hại nặng nhiều chiếc khác, bắn chìm một tàu chiến trên sông [5, tr 114] , buộc quân đội Mỹ và VNCH phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Ấp Bắc, bảo toàn được lực lượng chủ lực của ta. Với thắng lợi này, ta đã hoàn toàn đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” mà M.113 là “con át chủ bài” của quân đội VNCH. Chiến thuật tân kỳ dựa vào vũ khí Mỹ của quân đội VNCH đã bị phá sản hoàn toàn. Quân Giải phóng với vũ khí thô sơ đã đẩy lui các đợt tiến công và tìm ra cách đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” mà trước đó. Sau lần thất bại này, niềm tin vào vũ khí Mỹ của quân đội VNCH đã bị sụp đổ, tinh thần của binh sĩ địch hoang mang cực độ khi lần đầu tiên chiến xa “bất khả chiến bại” bị Quân Giải phóng tiêu diệt. Rộng ra, đây là lần đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, quân và dân ta đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” bằng vũ khí thô sơ như lựu đạn chùm, đạn chống tăng Tromblon và hỏa lực tập trung bắn kiềm chế, điều mà từ khi Mỹ đưa M.113 vào chiến trường miền Nam ta chưa làm được. Việc lần đầu tiên tiêu diệt được xe bọc thép M.113, vũ khí mà Mỹ và quân 101
  7. ĐẶNG PHÚ PHONG đội VNCH cho là bất khả xâm phạm, chứng tỏ ta có thể đánh và đánh thắng chiến lược “thiết xa vận” của Mỹ bằng những vũ khí có từ thời kháng chiến chống Pháp. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong việc đối phó với M.113 nói riêng và chiến thuật “thiết xa vận” nói chung. M.113 bị tiêu diệt và chiến thuật “thiết xa vận” bị đánh bại đã gây ra tâm lý khủng hoảng rất lớn đối với quân đội VNCH. M.113 trước đây được xem như là một “bảo bối vạn năng”, “chiến xa không thể bị bắn hạ” nay đã bị Quân Giải phóng với vũ khí thô sơ tiêu diệt, gây ra sự mất niềm tin vào sức mạnh của vũ khí Mỹ. 4. KẾT LUẬN 4.1. M.113 từ vai trò là một xe bọc thép chở quân, qua thực tế chiến trường ở miền Nam đã trở thành xe chiến đấu bộ binh và đã gây ra thiệt hại rất lớn cho quân và dân miền Nam trong giai đoạn đầu chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. M.113 đã thành xương sống của chiến thuật “thiết xa vận” và là mũi tên xung kích trên bộ kết hợp với “trực thăng vận” đã đẩy lùi phong trào đấu tranh của quân và dân ta trong những năm 1961-1963. 4.2. Qua trận Ấp Bắc, quân và dân miền Nam đã chứng minh rằng M.113 không phải là phương tiện có sức mạnh tuyệt đối và không thể bị tiêu diệt. Thực tế chiến trường đã cho thấy mặc dù có sức cơ động cao, có thể di chuyển dể dàng qua nhiều địa hình và rất khó bị bắn thủng nhưng M.113 vẫn còn tồn tại những nhược điểm mà Quân Giải phóng đã tìm ra như vị trí của trưởng xe và xạ thủ súng máy không có tấm chắn, nếu bắn hỏng xích thì xe không thể di chuyển. Ta có thể tiêu diệt M.113 bằng lựu đạn chùm và đạn chống tăng lỗi thời của súng trường Lebel thu được hồi chống Pháp. Tất cả những điều đó đã chứng minh rằng, quân và dân miền Nam hoàn toàn có thể tiêu diệt được M.113 và đánh bại chiến thuật “thiết xa vận”. Qua chiến thắng tại Ấp Bắc, quân và dân miền Nam đã tìm ra câu trả lời cho việc đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” và “trực thăng vận” của quân đội VNCH. Đó là khi gặp đối phương đi càn thì không được phân tán lực lượng, né tránh mà phải bám trụ lại, chuẩn bị công sự kiên cố, kiên cường phòng ngự theo phương châm “phòng ngự công sự điểm tựa vòng tròn” chờ cơ hội phản kích. Qua trận đánh, kinh nghiệm đánh máy bay lên thẳng và xe bọc thép của địch đã được ta hoàn thiện, địch “bủa lưới phóng lao” thì ta “trụ lại, phá lưới, bẻ lao”. 4.3. Chiến thắng Ấp Bắc đã đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” và “trực thăng vận” nói chung và chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nói riêng, đánh sụp niềm tin về sức mạnh hiện đại của vũ khĩ Mỹ trong quân đội VNCH. Từ sau chiến thắng Ấp Bắc, phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” được Trung ương Cục phát động mạnh mẽ trên toàn miền Nam. Những biểu hiện ngán, ngại máy bay lên thẳng, xe bọc thép địch được giải quyết. Cán bộ, chiến sĩ và quần chúng đều phấn khởi, tin tưởng khả năng diệt máy bay lên thẳng và xe M.113, đánh bại các cuộc càn quét của quân đội VNCH. Tháng 7- 1963, hai đại đội bộ đội địa phương Bến Tre phục kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3/ Trung đoàn 2/ Sư đoàn 7 của quân đội VNCH. Tháng 8-1963, hai tiểu đoàn chủ lực Khu 9 và Tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Cà Mau dưới sự chỉ huy của đồng chí Phạm Thái 102
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 Bường đã tiến công và tiêu diệt 2 chi khu quân sự Đầm Dơi và Cái Nước trong một đêm. Sang ngày hôm sau, đơn vị phục kích đánh tan một tiểu đoàn địch đến cứu viện, bắn hạ 10 máy bay lên thẳng. Tháng 9-1963, tại Lộc Ninh (Rạch Giá) và Chà Là (Cà Mau), Ban quân sự Khu 9 tập trung 4 tiểu đoàn, dùng cách đánh điểm diệt viện đã loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn địch, bắn rơi 20 máy bay lên thẳng. Tại Long An, bộ đội địa phương tỉnh tập kích trại huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa (huyện Đức Hòa) loại khỏi vòng chiến đấu 800 tên địch, sau đó đơn vị tiếp tục tập kích trung tâm huấn luyện Gò Đen (huyện Bến Thủy) loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch [9, tr. 473]. 4.4. Chiến thắng Ấp Bắc cũng cho thấy rõ việc thiếu thốn vũ khí, đặc biệc là vũ khí hạng nặng và vũ khí chống tăng của Quân Giải phóng. Từ thực tiễn này, yêu cầu khẩn cấp viện trợ vũ khí cho cách mạng miền Nam ngày càng trở nên bức thiết. Trong bối cảnh tuyến đường Trường Sơn trên bộ mới chỉ vào đến phía Bắc khu V, chưa đáp ứng được yêu cầu này, nhất là đối với chiến trường Nam bộ xa xôi, việc mở lại tuyến đường trên biển trở nên quan trọng. Đêm ngày 11-10-1962, chuyến tàu chở 28 tấn vũ khí viện trợ từ miền Bắc do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy cập bến Vàm Lũng an toàn, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam. Được sự viện trợ vũ khí từ miền Bắc, cách mạng miền Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tiếp giành chiến thắng trong các trận đánh Bình Giã, An Lão, Ba Gia, Đồng Xoài, tiến tới đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với nòng cốt là chiến thuật “thiết xa vận” mà trong đó M.113 là con át chủ bài. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trận Ấp Bắc, truy cập ngày 25-8-2017, nguồn: http://www.btlsqsvn.org.vn/Print/3294/Tran-Ap-Bac.aspx. [2] Báo Vĩnh Long online, Chiến thắng Ấp Bắc oanh liệt (2-1-1963), truy cập ngày 19-9- 2017, nguồn: http://www.baovinhlong.com.vn/chinh-tri/201412/tien-toi-ky-niem-52- nam-chien-thang-ap-bac-2-1-1963-2-1-2015-chien-thang-ap-bac-oanh-liet-2-1-1963- 543116/#.WcJjFYSLSU. [3] Trần Bá Đệ (Chủ biên) - Lê Cung (2008), Giáo trình Lịch sử Việt Nam tập VII từ 1954-1975, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. [4] Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2010), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến tập II (1954-1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-sự thật Hà Nội. [5] Nhóm trí thức Việt biên soạn (2004), Những trận đánh nổi tiếng của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng, Nhà xuất bản Thời đại. [6] Neil Sheehan, Sự lừa dối hào nhoáng, bản điện tử, truy cập ngày 31/10/2017, nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=1397.60. [7] Từ điển Wikipedia: mục Trận Ấp Bắc, Wikipedia, truy cập ngày 18/9/2017, nguồn: [8] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_%E1%BA%A4p_B%E1%BA%AF [9] Từ điển Wikipedia: Mục M113, truy cập ngày 15/9/2017, nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/M-113. [10] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2005), Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam (1944- 1975), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội. 103
  9. ĐẶNG PHÚ PHONG [11] Vũ khí Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, Thống kê vũ khí được QĐNDVN sử dụng trong KCCP (1945-1954), truy cập ngày 18/9/2017, nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=41.160. ĐẶNG PHÚ PHONG SV lớp Sử 4C, khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ĐT: 0162. 7213487, Email: dangphuphong1@gmail.com 104
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2