intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đạt “rồ” điêu khắc – Kẻ thất bại hoàn hảo!

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

81
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tại sao những người làm nghệ thuật điêu khắc hay có nickname đằng sau là “điên” với “rồ”? Dân học điêu khắc là dân phải “ăn no, vác nặng” nhất trong các khoa của các trường Mỹ thuật, lại ăn nói thô tháp, nghênh ngạo, thẳng thừng nên cái biệt danh “điên, rồ” đi theo họ rất nhiều. Nào là Cơ “điên” (Trần Hoàng Cơ), Đạt ‘rồ” (Đinh Công Đạt), Ý “điên” (Nguyễn Như Ý), Sáng “điên”… Trong đó, trừ nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý là có một dạo điên thật, thì những người còn lại chẳng hề điên...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đạt “rồ” điêu khắc – Kẻ thất bại hoàn hảo!

  1. Đạt “rồ” điêu khắc – Kẻ thất bại hoàn hảo! Tại sao những người làm nghệ thuật điêu khắc hay có nickname đằng sau là “điên” với “rồ”? Dân học điêu khắc là dân phải “ăn no, vác nặng” nhất trong các khoa của các trường Mỹ thuật, lại ăn nói thô tháp, nghênh ngạo, thẳng thừng nên cái biệt danh “điên, rồ” đi theo họ rất nhiều. Nào là Cơ “điên” (Trần Hoàng Cơ), Đạt ‘rồ” (Đinh Công Đạt), Ý “điên” (Nguyễn Như Ý), Sáng “điên”… Trong đó, trừ nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý là có một dạo điên thật, thì những người còn lại chẳng hề điên rồ tẹo nào. Phải nói thực thì họ đều vừa “gấu biển” vừa khôn ngoan cả. Chắc phải có những phẩm chất như thế mới làm nghề được, bởi vì tác phẩm của họ đều rất có… sức nặng thật sự cả nghĩa đen lẫn bóng, vì điêu khắc tính bằng cân, bằng tấn cả mà!
  2. 1. Chân dung người làm điêu khắc thường lạ và gộc gạc như nghề của họ (tức là rất có vẻ đẹp… tạo hình). Chân dung nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, tức Đạt “rồ” cũng lạ như vậy, trông anh vừa giống một thầy lang chưa già lắm, nhưng chắc chắn ôm một môn thuốc bí truyền của dòng họ trong người, chữa gãy xương hay dễ đẻ chẳng hạn, vừa giống một thủ lĩnh buôn ma túy ở “tam giác vàng” trên phim hành động xã hội đen. Lại giống một tay chơi nhạc đường phố… Nhưng có lẽ dù có làm nghề gì, thì cái “nghệ sĩ tính” của một người ưa tự do nó cũng “thòi” ra mặt. Và thực sự thì Đinh Công Đạt đã sống như một hình mẫu tương đối tự do, cho đến giờ. Để tự do, ở ta, không lệ thuộc vào cơ quan nào, (trước đây) là rất khó. Là phải chủ động điều khiển và sử dụng thời gian cho có ích, vừa làm việc cật lực và đối diện với đời làm sao không đánh mất mình, vừa “tâm ngoan thủ lạt”. Tóm lại là phải có “chân bản lĩnh” thực sự và chăm chỉ. Đạt đã làm việc cật lực, rất nhiều việc liên quan đến tạo hình, học từ gốc các nghề sơn mài, làm gốm, làm gỗ, làm đá, không từ gì cả, để kiếm tiền sống và chơi. Anh nói: “Tôi làm việc như một con vật” và nhận thẳng thắn luôn rằng: “Cảm hứng sáng tác nghệ thuật của tôi là nghĩ ra cách chế cái gì đó để bán được thành tiền”. Tốt nghiệp phổ thông năm 1983, Đạt đi học làm nghề chế tác đá quý mỹ nghệ được một năm thì vào lính cao xạ phòng không mất ba năm. Về nhà, lại đi làm đá quý mất hai năm nữa rồi Đạt mới thi vào khoa Điêu khắc trường Mỹ thuật Hà Nội. Lúc mới vào nghề làm tượng và
  3. chế tác đá quý, Đạt có được thụ giáo nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế (nguyên Giám đốc Xưởng Mỹ thuật quốc gia) về thế nào là điêu khắc. Nhưng không hiểu cái nghề chế tượng be bé trước đây có “ảnh hưởng và được phát triển” trong điêu khắc chuyên nghiệp của anh sau này không mà Đạt thích làm tượng các con vật (côn trùng và động vật), phóng to nó ra bằng gốm, gỗ, sơn mài, sắt… Ngay khi còn là sinh viên, Đạt đã đoạt giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc với tượng một con cua to đùng. Cũng dễ hiểu tại sao sau này anh làm luận văn tốt nghiệp nghiên cứu về các con thú đá trong điêu khắc cổ – một luận văn cũng khá công phu và tự mình làm ra chứ không phải như khá nhiều người làm luận văn kiểu… cá chép! Ra trường một cái, Đạt ghi danh ngay vào ‘xới” những nhà điêu khắc trẻ có tên tuổi (bởi không có ai say mê duy nhất một đề tài động vật và côn trùng lâu như thế) với các tượng điêu khắc phỏng hình côn trùng và động vật làm bằng nhiều chất liệu, phóng rất to gỗ phủ sơn, gốm, sắt: kiến, cóc, châu chấu bọ ngựa, lợn rừng, cá sấu, chó… Cũng may là anh tốt nghiệp vào đúng thời hoàng kim của thời kỳ sau Đổi Mới, chứ chỉ chục năm trước, nếu chỉ làm tượng động vật và côn trùng, mà không làm tượng người, chắc có lẽ Đạt sẽ bị quy “lập trường tư tưởng” cũng nên…
  4. Một tác phẩm tượng sắp đặt của Đinh Công Đạt ở NewYork. 2. Con đường sáng tác điêu khắc hiện đại ở Việt Nam là một con đường rất hẹp. Trừ các cơ quan công quyền “tiêu dùng” tượng đài ra, điêu khắc độc lập (tượng tròn, tượng vườn, tượng ngoài trời) có mặt rất hiếm hoi ở nhà dân và nơi công cộng. Việc đào tạo điêu khắc trong các trường nghệ thuật rất ít, mỗi khóa điêu khắc chỉ đếm trên đầu ngón tay (từ 2 -6 người/khóa). Trong trường, tôi chứng kiến rất nhiều nghệ sĩ (điêu khắc) kiếm sống từ thời sinh viên bắt đầu từ việc làm bất cứ cái gì đấy liên quan đến đục, gọt, nặn. Công việc nhiều khi rất buồn cười và (nói nhỏ) là cả “phi pháp”: làm tượng truyền thần, khắc bia mộ, đục con rối, đổ phào trần, đổ thạch cao mặt tượng Adi đà, mặt tượng David, tượng Phật bà. Phục chế ẩu tượng chùa, làm tượng mẫu, làm mô hình, làm tượng con vật ở công viên hay các khu vui chơi thiếu nhi, cả đục bia đá viết chữ Hán giả cổ (để một địa phương nào đó lấy bằng chứng
  5. để xin cấp bằng di tích), làm cả con dấu giả bằng… củ khoai lang (‘triện củ khoai” là câu thật chứ không phải đùa. Tôi thích ăn khoai sống, có lần đi học về ký túc xá, thấy có củ khoai lăn lóc trên giường, bèn gọt ăn. Lúc sau thấy anh bạn học điêu khắc cứ loanh quanh tìm, hỏi tìm gì. Anh ta bảo tao vừa để củ khoai trên giường giờ đâu mất rồi. Bảo em trót ăn mất rồi. Anh điêu khắc chửi ầm lên nói rằng kiếm mãi mới được củ khoai, để mấy hôm rồi nó mới heo héo được tí để gọt con dấu, giờ mày ăn mất thì bố mày làm thế nào bây giờ!!!). Ra trường, để sống được bằng việc sáng tác đối với người làm điêu khắc cũng rất khó. Một số thì đi làm tượng đài và làm thuê cho người nhận được “bổng đặt hàng” tượng đài. Một số thì về quê mở cơ sở đổ tượng thạch cao và làm tượng chùa mới vô hồn. Một số thì đi dạy học. Một số thì lông ba lông bông, có gì làm nấy. Những người học và làm điêu khắc phía Bắc có vẻ khó kiếm sống hơn các tác giả điêu khắc phía Nam, vì nhu cầu tượng ứng dụng và trang trí kiến trúc cho các công trình xây dựng trong đó cần nhiều hơn. Còn hoạt động tự do ra, nếu như không có một “sản phẩm” điêu khắc có thể tiêu dùng rộng được và có “thương hiệu” chỉ nhìn là biết ngay tác giả thì khó có thể tồn tại và có tên tuổi được bằng nghề. Thế mà Đạt tồn tại ung dung được bằng nghề, bán ở một số gallery trước tiên bằng đống tượng côn trùng-động vật của anh, sau đó là mặt La Hán đổ âm (lõm) dương (lồi), rồi tượng học sinh cắp cặp, lũn cũn đi lại, viết con số 1212… dầy đặc lên vỏ (anh giải thích đây là số hiệu… trung đoàn pháo cao xạ của mình). Bởi anh phát hiện một điều rất quan
  6. trọng từ nhận xét của một người nước ngoài: Trong nhà người Việt rất thiếu đồ để chơi… cho cả trẻ con và người lớn! Tất cả những món đồ anh làm để treo chơi, bày chơi, để đâu trong nhà cũng ngồ ngộ thú vị. Chó gỗ đồ chơi (có thể ngồi làm ghế) trong bộ đồ chơi cho trẻ em của Đinh Công Đạt
  7. Ghế ngựa gỗ đồ chơi Nghệ thuật của người mình hay muốn đề cập cái to, khoác cho ý nghĩa sâu sắc, cuối cùng lại dễ thành tủn mủn và sáo. Đạt “rồ” thì tự hào: Tôi biến mọi việc tôi làm thành game, thành đồ chơi. Nhưng “cái sự đồ chơi” này cũng không dừng lại ở đó. Đạt phát triển thành các dự án nghệ thuật sắp đặt điêu khắc rồi đem ra quốc tế. Sự phát triển điêu khắc của Đinh Công Đạt là liền mạch, từ nhỏ đến to. Từ những “cuộc chơi nhỏ” làm tượng mỹ nghệ đá quý trước khi học điêu khắc, đến cuộc chơi lớn hơn ở các trại sáng tác, các chương trình nghệ sĩ cư trú ở năm châu. Ở Việt Nam, có lẽ Đạt là một trong số rất hiếm nhà điêu khắc tự do được mời đi các trại sáng tác ở nước ngoài nhiều nhất, (đi và sáng tác ở trên 20 nước, từ Đông sang Tây). Dù vậy, Đạt “rồ” vẫn không chịu ngồi yên trong cái xới điêu khắc của mình. Anh bắt sang cả những việc khác theo thói quen “không từ gì cả” hồi trước. Dựng sân khấu sowbiz với đạo điễn trẻ Việt Tú, làm thiết kế vụ việc cho hãng Hermes… Cũng không lạ lắm khi biết tin anh vừa nhận làm curator tạo hình cho một show triển lãm với tác phẩm là một chiếc Vespa được dán họa tiết vỏ trai lên thân xe, và một sắp đặt “mưa kim” của Lê Huy Hoàng. Dán vỏ trai lên thân xe có khi còn dễ hơn khảm lên bàn, lên tủ chè khảm trai, nhưng cũng phải am hiểu về kỹ thuật sơn hấp, sơn tĩnh điện mới làm được, nếu không thì nó chín mất vỏ trai. Phát biểu về công việc mới này, Đạt phát hiện ra: “Nghệ sĩ tạo hình đương đại không có cách nào khác để phát triển nghệ thuật của mình bằng việc liên kết dự án nghệ thuật với các hãng. Tôi học được từ
  8. việc này (làm sân khấu, làm curator) là nắm bắt khái quát được không gian, và cách làm việc nhóm, là cái, mà chúng ta rất yếu.” Ở nhiều nước, nghệ thuật đương đại phát triển được một phần là do chính phủ đó chính sách ưu tiên giảm thuế cho các hãng, các doanh nghiệp có tài trợ cho nghệ thuật. Ở ta chưa có được điều đó, thì “trận mưa kim mầm cải” đẹp đến đau đớn của Lê Huy Hoàng, vốn để nói câu chuyện khác, sẽ trở thành một tác phẩm giúp cho… Davines quảng bá dầu nhuộm tóc. Vì dù sao, các hãng dùng đến nghệ thuật vẫn chỉ dùng một nửa nghệ thuật – là cái phần đèm đẹp để “câu dẫn”, để “buộc” chứ chưa dùng đến được cái phần “xấu”, phần “phản biện”, phần “cởi” của nghệ thuật. Nhưng thế cũng có vẻ là tốt lắm rồi, giúp các nghệ sĩ tạo hình trẻ có việc mà làm, có nguồn mà sống. Tạo hình bướm bằng vỏ trai trên phác thảo
  9. Rồi khảm lên thân xe Vespa 3. Ngồi trò chuyện phiếm với Đạt “rồ” rất thú, anh hay mưỡu bằng câu: Có một cái chuyện này rất hay nhé… rồi bắt đầu kể linh tinh chuyện trên giời dưới bể, chuyện tai nghe mắt thấy từ những chuyến đi. Đạt bảo: ở ta giờ hay mua bằng rởm, nhưng trên đời có ba cái bằng mua giả mà đem dùng thật thì “toi” ngay (vì dùng cái thì chết hay lộ đuôi lập tức) là cái bằng chơi nhạc, bằng ngoại ngữ và bằng… bơi. Hỏi làm nghệ sĩ có sướng không? Đạt nói, tôi thấy nghề của tôi quá khổ, chắc sẽ không cho con cái theo. Vì làm cái thằng nghệ sĩ, thì dù bố nó có làm tổng thống điều đó cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nó phải đối diện với chính nó, chịu trách nhiệm tự thân từ đầu đến cuối. Mà ác cái là nó không có hạng hai, chỉ có một là Nhất hai là Bét. Hỏi rằng đến nay tổng kết lại, có những việc gì anh thấy chưa làm được. Đạt cười bảo mơ ước hồi đầu đời là làm thợ sửa chữa ô tô, thì chắc là qua mất rồi. Tiếc là có
  10. một dự án làm khoảng 200 con vật đồ chơi (đã làm được 60 con rồi bày ở gallery của bà Suzan Lecht), đem đến các vùng nông thôn cho trẻ chơi, rồi ghi hình lại. Dự án này nếu kết thúc sẽ kéo dài hai năm, và đưa sang Mỹ triển lãm. Nhưng cuối cùng phải bỏ dở, vì còn ham thứ khác. Nghệ thuật quan trọng nhất là sống, sống được cho nó đàng hoàng. Đạt nói mình không yêu nghệ thuật được đến mức không làm thì chết, không làm thì không thở được. Đạt khoái dẫn câu của Anhxtanh: Nhân loại mới chỉ biết được 0,005 % kiến thức về vũ trụ và tự nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa là chưa biết gì. Nếu bàn về những việc tôi muốn mà chưa làm được, chắc là tôi cũng chỉ mới làm được 1%, còn lại 99% là mơ ước, và biết là rồi sẽ không thực hiện được. (Tôi hiểu ý anh nói thế là: Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi thất bại hoàn toàn, chưa làm được gì). Đinh Công Đạt bên các mặt La Hán đổ âm (lõm) dương (lồi)
  11. Có một câu nói của giới kinh doanh như thế này: Người thành công là người thất bại nhiều hơn người khác. Nhìn vào cái sự “thất bại” mà Đạt nói, có lẽ đúng là một sự “thất bại hoàn hảo”. Tác phẩm chuyên môn điêu khắc nhà nghề anh đã làm cho đến nay thì đúng là toàn “con giống đồ chơi thật”, chẳng có gì “lớn lao” cho lắm. Trong một lần “tâm sự” với báo chí, Đạt còn nói, “Giấc mơ cuối đời của Đạt là được ngồi khâu búp bê bán bên Bờ Hồ, hoặc chất những con búp bê lên xe đạp, và đi thong dong bên lề cuộc đời”. Nhưng, cái sự thất bại của người đã ngọ nguậy rất nhiều khác hẳn với một người thất bại vì… chưa dám làm gì. Bởi người ngọ nguậy nhiều mà vẫn thất bại còn có lắm chuyện để mà kể lại. Tôi cứ nghĩ mãi về cái khoái thú trở thành “người làm đồ chơi” này của Đạt. Ừ thì khi nhân loại hay tổ quốc (lâm nguy chẳng hạn) cần ta phải có lý tưởng lớn lao nào đó, thì chắc ta có cưỡng thế nào thì rồi cũng phải khoác lên mình lý tưởng lớn, rồi… ôm bom tự sát mà thôi, “quốc gia hưng vong, sất phu hữu trách” mà. Còn nếu đời bình thường thế này, thì ta sẽ sống để chơi và cống hiến cho đời một vài món đồ chơi nào đó để cho… cái thằng Đời ấy nó vui! Cũng thực là hay. Cả đời một nhân vật “trùm sò” công nghệ như Steve Jobs chẳng qua có phải cũng chỉ là một tay chuyên môn làm đồ chơi cho trẻ con và người lớn… cả nhân loại đó sao?
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2