YOMEDIA

ADSENSE
Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An
5
lượt xem 1
download
lượt xem 1
download

Bài viết Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An trình bày tổng quan đình làng ở Hội An – Quảng Nam; Dấu ấn của mỹ thuật thời Nguyễn với nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình làng ở Hội An; Bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật thời Nguyễn tại các ngôi đình ở Hội An.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) DẤU ẤN MỸ THUẬT THỜI NGUYỄN TRONG TRANG TRÍ KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG Ở HỘI AN Nguyễn Thị Hồng Tươi Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng Email: tuointh@dau.edu.vn Ngày nhận bài: 21/4/2024; ngày hoàn thành phản biện: 17/6/2024; ngày duyệt đăng: 24/7/2024 TÓM TẮT Người Việt có sự dịch chuyển không gian cư trú trong quá trình mở mang bờ cõi thì quan niệm, tư tưởng sẽ có những thay đổi nhất định. Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình làng sẽ là nơi thể hiện rõ nhất điều này. Dưới thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), nghệ thuật trang trí cung đình được xem như một xu hướng phát triển, có sự lan tỏa mạnh mẽ và được duy trì đến nửa đầu thế kỷ XX. Trong thời kỳ này, những ngôi đình ở Hội An – Quảng Nam vừa mang tính dân gian vừa mang yếu tố của cung đình thông qua tài năng và tay nghề của các nghệ nhân. Sự kế thừa trong nghệ thuật trang trí của mỹ thuật thời Nguyễn đã có những cải biến, thay đổi để phù hợp với Hội An hơn. Điều đó được biểu hiện qua các đồ án, họa tiết trang trí, các dạng bố cục (ô hộc, đăng đối…), khảm sành sứ… Đây chính là các yếu tố đã góp phần khẳng định dấu ấn của mỹ thuật thời Nguyễn đối với nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình làng ở Hội An. Một nền văn hóa luôn có sự vận động và có chiều sâu thẩm mỹ thì luôn chứa đựng trong mình những phong cách, đặc điểm văn hóa vùng rất rõ nét. Điều này được chứng minh thông qua những giá trị nghệ thuật tinh tế được pha trộn trên dải đất di sản miền Trung - Huế - Hội An. Từ khóa: Kiến trúc đình làng, mỹ thuật thời Nguyễn, nghệ thuật trang trí. 1. MỞ ĐẦU Đô thị cổ Hội An có đường bộ nối liền với kinh đô Phú Xuân - Huế ở phía Bắc, cùng với chính sách thông thoáng của chúa Nguyễn, Hội An đã phát triển thành thương cảng quốc tế quan trọng và là một trung tâm thương mại sầm uất nhất Đàng Trong. Theo đó, nghệ thuật trang trí trên kiến trúc thời nhà Nguyễn phát triển và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ đến các công trình kiến trúc ở Hội An. Tiêu biểu có thể kể đến nghệ thuật trang trí trên kiến trúc các ngôi đình của người Việt ở Hội An đã có sự 137
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An kế thừa của mỹ thuật thời Nguyễn thông qua đề tài, đồ án trang trí, bố cục, chất liệu, màu sắc… Để bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật độc đáo này cần có những nhận định rõ ràng hơn về sự kế thừa, tiếp thu những thành tựu nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại. Thông qua việc thu thập và phân tích, tham khảo các tài liệu, số liệu từ các công trình nghiên cứu đi trước kết hợp với phương pháp nghiên cứu điều tra, phỏng vấn, tác giả đã đề xuất một số giải pháp để đánh thức các ngôi đình, tạo điều kiện để nó hòa vào dòng chảy đương đại. Đây được xem là sự kết nối nhân văn giữa quá khứ và hiện tại để tạo nên những giá trị nghệ thuật đích thực mà các ngôi đình ở Hội An vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Các ngôi đình được đánh thức với những hoạt động truyền thống thu hút người dân bản địa và khách du lịch, mang đến cho các công trình di sản một đời sống mới. Đây là xu hướng phát triển của thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng hay còn gọi là xu hướng phát triển bền vững. NỘI DUNG 1.1. TỔNG QUAN ĐÌNH LÀNG Ở HỘI AN – QUẢNG NAM Đình làng ra đời từ đất Bắc, theo dòng người đi chuyển dần về phương Nam và nó được biến đổi dần để thích hợp với hoàn cảnh mới của lịch sử, kinh tế, văn hóa... Khi đến Hội An, có nền kinh tế chủ đạo là sông nước biển cả, thì đình làng cũng có sự biến đổi nhất định. Vào thế kỷ XVIII, nó đã nghiêng sang yếu tố thờ cúng của một ngôi đền. Tuy nhiên đường nét mỹ thuật của các ngôi đình vẫn thể hiện rõ tính trữ tình, uyển chuyển, mềm mại, đầm ấm, có sự hạn chế hơn về sinh hoạt, dân gian. Sự tồn tại của các ngôi đình trên khắp đất nước như một biểu hiện của sự thống nhất về văn hóa và không khỏi có sự tác động của triều đình nhà Nguyễn. Năm 1570, Nguyễn Hoàng mở rộng và phát triển vùng đất Quảng Nam. Đến cuối thế kỷ XVI, XVII, nhiều làng xã ở Hội An được hình thành như: Xuân Mỹ, Hội An, Thanh Châu, Đế Võng, Kim Bồng… Như vậy, theo thống kê ở Hội An có khoảng hơn 20 làng xã được thành lập từ cuối thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Cùng với việc lập làng, xã thì một loạt các công trình di tích thờ cúng tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng như: Đình, Chùa, Miếu… Từ đó, có thể thấy đình ở Hội An hình thành khá muộn so với đình làng ở Bắc Bộ. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, hiện nay còn khoảng 24 đình làng/ấp của người Việt. 138
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) Bảng 1. Thống kê các ngôi đình ở Hội An hiện nay TT Tên đình Địa chỉ hiện nay 1. Đình làng 01 Đình Xuân Mỹ Nam Diêu – Thanh Hà 02 Đình Thanh Hà Hậu Xá – Thanh Hà 03 Đình Cẩm Phô Hoài Phô - Cẩm Phô 04 Đình ông Voi An Thái– Minh An 05 Hội An tiên tự An Thái – Minh An Đình Minh Hương 06 An Định – Minh An (Tụy tiên đường Minh Hương) 07 Đình Sơn Phong Phong Niên – Sơn Phong 08 Đình Sơn Phô Sơn Phô II – Cẩm Châu 09 Đình An Mỹ An Mỹ - Cẩm Châu 10 Đình Đế Võng Sơn Phô 1 - Cẩm Châu 11 Đình Thanh Tây Thanh Tây - Cẩm Châu 12 Đình tiền hiền Kim Bồng Trung Châu - Cẩm Kim 13 Đình tiền hiền Tân Hiệp Bãi Làng - Tân Hiệp 14 Đình Đại Càn Bãi Làng - Tân Hiệp 2. Đình ấp 15 Đình ấp An Bang An Bang – Thanh Hà 16 Đình ấp Bộc Thủy Nam Diêu – Thanh Hà 17 Đình ấp Tu Lễ Hoài Phô - Cẩm Phô 18 Đình ấp Xuân Mỹ Xuân Mỹ - Tân An 19 Đình ấp Xuân Lâm Xuân Lâm - Cẩm Phô 20 Đình ấp cây Giá Thanh Đông - Cẩm Thanh 21 Đình ấp Trường Lệ Trường Lệ - Cẩm Châu 22 Đình Xuyên Châu Trung Xuyên Trung - Cẩm Nam 23 Đình Ấp An Bàng An Bàng - Cẩm Châu 139
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An 3. Loại Đình Khác 24 Đình Thanh Minh (của người Hoa) An Phong - Tân An Nguồn: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An Đình làng ở Hội An là một trong những thành phần cơ bản của thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền, là trung tâm văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng và là biểu tượng văn hóa của mỗi làng xã. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung thì hầu hết đình ở Hội An là tên gọi chung cho các thiết chế văn hóa làng, xã, đình thờ thần và từ đường thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng. Như vậy, có thể thấy so với đình ở miền Bắc thì đình ở Hội An tập trung cho việc thờ cúng, tín ngưỡng nhiều hơn là để hội họp dân làng. Dù lịch sử hình thành làng/xã ở Hội An có từ lâu đời nhưng kiến trúc đình làng đa số được trùng tu, hoàn chỉnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 1.2. DẤU ẤN CỦA MỸ THUẬT THỜI NGUYỄN VỚI NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG Ở HỘI AN Về đề tài, đồ án trang trí: Trong ý nghĩa sâu xa của tâm linh, các loại cây cối được xem như là trung gian để nối trời với đất. Đề tài trang trí hoa, lá, cây, quả… là một trong những dạng đề tài phổ biến trong trang trí kiến trúc cung đình Huế. Trong trang trí các ngôi đình ở Hội An, đề tài này được trang trí nhiều ở cả bên ngoài và bên trong ngôi đình và thường được thể hiện thông qua kỹ thuật chạm khắc, nề họa, khảm sành sứ... Các họa tiết này thường nằm trên các vị trí như: đầu trính, con ke, bình phong, các ô hộc trang trí ở cổ diềm, diềm mái và ở hậu tẩm... Mỗi loại hoa, lá, cây, quả đều có hình dáng khác nhau tạo nên sự liên tưởng phong phú gắn liền với cuộc sống của con người. Hình tượng trang trí hoa, lá, cây, quả trong tạo hình của người Việt phần nào đã được liên tưởng hóa, chúng không chỉ là những mẫu hình trang trí đơn thuần mà được tạo dáng theo nhiều kiểu thức, hình thù khác nhau mặc dù cùng hình tượng trang trí và cùng ý nghĩa. Những yếu tố dân gian được đưa vào trang trí trên kiến trúc ở đây ít nhiều đều gắn bó, liên quan sông nước, cây trái, hoa cỏ, chim muông gắn liền với cuộc sống người dân như: Gà, vịt, chim, nai, voi, hươu, dơi, điệp… 140
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) Hình 1. Con ke chạm hình quả đào – Đình Cẩm Phô (Nguồn: Tác giả) Hình 2. Con ke chạm hình quả măng cụt – Đình Cẩm Phô (Nguồn: Tác giả) Nổi bật là các đồ án trang trí tứ thời, tứ quý… đặc trưng của nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình Huế thường xuyên xuất hiện tại các vị trí ô hộc, bình phong trong đình ở Hội An: đình Cẩm Phô, đình Sơn Phong… Các đồ án trang trí tứ linh là nổi bật hơn cả và thường xuất hiện ở bình phong của các ngôi đình: Sơn Phong, Cẩm Phô, Xuân Lâm… 141
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An Hình 3. Bình phong trang trí Long mã ở giữa, 2 bên trang trí chủ đề Tứ Quý – Đình Sơn Phong (Nguồn: Tác giả) Ở những bộ phận như cổ diềm của đình Cẩm Phô, các nghệ nhân đắp nổi những tác phẩm dưới dạng phù điêu kết hợp với khảm sành sứ đồ án của tứ thời kết hợp với một số loại động vật như: mai - điểu, cúc - điểu… Các chủ đề về thiên nhiên vừa mang chức năng trang trí, vừa có tính chất minh họa cho công trình. Phần lớn các tác phẩm này được thể hiện bằng thủ pháp tả thực hoặc cách điệu thông qua các chất liệu như nề họa hoặc khảm sành sứ. Đây được xem như là sự phối hợp giữa điêu khắc và hội họa. Hình 4. Ô hộc trang trí Tùng Điểu chất liệu nề họa kết hợp sành sứ – Đình Cẩm Phô (Nguồn: Tác giả) Đa số các nghệ nhân thời Nguyễn xuất thân từ khắp các làng quê, vì vậy những loại quả được trang trí rất gần gũi và quen thuộc trong diễn tả của họ. Nghệ nhân thể hiện tình yêu thiên nhiên, trân trọng hương hoa trời đất qua hình tượng hoa, lá, cỏ, cây… Các đồ án trang trí theo chủ đề như tứ thời, tứ quý… là những chủ đề thường 142
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) thấy trong các công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn, tứ thời thường được và phối hợp với các ô hộc có các biểu tượng hóa. Đây cũng là một trong những tố chất đặc biệt trong nghệ thuật trang trí của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn đã ghi dấu trong nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình ở Hội An. Đề tài trang trí hoa, lá, cây quả… hoặc các đồ án trang trí tứ thời, tứ quý cũng thường xuyên xuất hiện tại đình Cẩm Phô, đình Sơn Phong… và một số các ngôi đình khác ở Hội An tại các vị trí trên bộ khung gỗ, bờ hồi, trong các ô hộc diềm mái, cổ diềm, bờ hồi… Các chủ đề về động vật như tứ linh như: Rồng, phụng là hai con linh thú trong bộ tứ linh thường được chọn để trang trí ở nơi quan trọng như bờ nóc của chính đình, việc sử dụng các chủ đề để phân bố tại các vị trí trong ba ngôi đình này đều có sự nghiên cứu và tính toán dựa trên nhiều yếu tố sao cho đảm bảo về tỷ lệ và phù hợp với không gian đình để đảm bảo được thẩm mỹ của công trình. Trong các công trình kiến trúc truyền thống, sự tương phản to nhỏ hoặc các vị trí, phương hướng khi đặt để các họa tiết trang trí đều được tính toán sao cho phù hợp với chức năng sử dụng của nó. Ví dụ các đồ án trang trí ở ngoại thất là biểu tượng cho công trình thì trên bờ nóc tỷ lệ của nó phải to, phù hợp với tỷ lệ của công trình. Ngược lại, nếu ở bên trong nội thất thì tỷ lệ của các đồ án trang trí sẽ nhỏ hơn để phù hợp với không gian và tầm nhìn của con người khi đứng trong không gian của ngôi đình. Hầu hết các đình ở Hội An trên bờ nóc bao giờ cũng là đồ án “lưỡng long chầu nhật/nguyệt”, nó biểu tượng cho tính chất trang nghiêm và linh thiêng của ngôi đình. Đặc điểm chung của đồ án này là hình ảnh hai con rồng uốn lượn được đặt trong bố cục đăng đối, trang trọng nhất trên bờ nóc của đình theo tư thế vươn mình chầu vào vòng tròn có các quầng sáng như tia lửa, là biểu tượng của nhật hoặc nguyệt. Qua khảo sát điền dã, trên bờ nóc đình Cẩm Phô và đình Hội An và các ngôi đình khác ở Hội An đều sử dụng đồ án trang trí này để trang trí cho bờ nóc của chính đình. Hình 5. Rồng chầu – Đình Cẩm Phô (Nguồn: Tác giả) Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì có sự khác nhau về chi tiết như tư thế tạo hình rồng, màu sắc, chất liệu… Tại các đình làng ở miền Bắc, rồng có thể mang đặc điểm của rồng thời Lý, Trần hoặc Hậu Lê tùy theo giai đoạn lịch sử công trình đó được xây 143
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An dựng. Ở Hội An, các công trình đa số đều được trùng tu hoặc xây dựng lại từ thế kỷ XIX về sau, vì vậy, hình ảnh rồng mang các đặc điểm hoàn chỉnh của rồng thời Nguyễn và cách thể hiện ảnh hưởng đậm nét bởi các mô típ của kiến trúc Huế. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt trong bố cục tổng thể của rồng thời Nguyễn và rồng ở Hội An. Con rồng thời Nguyễn là dạng rồng 5 móng thường được dùng trang trí trong các công trình dành cho vua và được cho là đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu và hình thức biểu đạt. Rồng ở Hội An là rồng 4 móng, hình dáng phóng khoáng hơn, không bị đè nặng bởi các thiết chế, rồng vẫn được dùng để trang trí trong các công trình đình, đền và nhà ở của người dân. Rồng ở đây là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ và của mùa xuân mang ý nghĩa tượng trưng cho sự cao quý, tốt lành. Về bố cục trang trí: Bố cục ô hộc là dạng trang trí rất đặc trưng trong kiến trúc cung đình Huế bởi nó mang lại hiệu quả tạo hình cũng như việc thể hiện các chất liệu trên đó cũng rất đa dạng và độc đáo. Ô hộc thường xuất hiện tại vị trí cổ diềm của các ngôi đình ở Hội An nhằm mục đích chia mái thành hai hoặc ba tầng để giảm sự nặng nề, tạo sức hút thẩm mỹ hơn cho bộ mái. Phần cổ diềm được chia thành các ô hộc chữ nhật được trang trí bằng nghệ thuật nề vữa kết hợp nề họa hoặc kết hợp cả ba là nề vữa, nề họa và khảm sành sứ kết hợp với thủ pháp tả thực. Qua sự biểu hiện ngôn ngữ phong phú của hình khối, các nghệ nhân đã thổi cái hồn vào sự vật, khả năng sáng tạo cũng như phong cách cá nhân của mình vào trong mỗi tác phẩm tạo cho các hình tượng trở nên sống động và có giá trị nghệ thuật cao. Đối với phần ngoại thất của các ngôi đình, ô hộc không chạy liền sát nhau mà được bố trí xen kẽ bởi các họa tiết hình tròn gắn đĩa sứ, xung quanh có các cánh hoa được khảm sành sứ cùng màu, tạo thành một đường diềm trang trí mặt tiền của chính điện với nhịp điệu được lặp lại nhưng không nhàm chán bởi trên mỗi ô hộc là một chủ đề trang trí khác nhau, sử dụng gam màu khác nhau. Phần giao nhau giữa mái của nhà Đông hoặc nhà Tây với mái của chính đình được tạo hình cuốn thư đắp nổi nối liền với các ô hộc tạo thành một dải trang trí liền mạch, không bị đứt quãng. Tuỳ vào vị trí trang trí hoặc hình dáng vật thể chứa đựng bên trong mỗi ô hộc mà kích thước, tỉ lệ, bố cục của các ô hộc có sự thay đổi khác nhau. Với bố cục này thì ưu điểm của nó là sự sắp xếp rất linh động. Để đảm bảo tính hài hòa của các chi tiết trang trí với tương quan chung của không gian nội thất và ngoại thất ngôi đình, các hoa văn trang trí phần lớn đều có mật độ bố cục dàn trải tạo sự hài hòa hơn cho kiến trúc. Bên trong các ô hộc là bố cục có mật độ vừa phải, có mảng chính, phụ và có những khoảng trống phù hợp khiến cho tổng thể không quá dày đặc, chật chội. Đây là một trong những đặc điểm nổi bật của bố cục ô hộc ở Hội An, bởi nó vừa theo khuôn khổ của nghệ thuật thời Nguyễn nhưng lại được thể hiện theo phong cách tự do thoáng đạt hơn ở các chi tiết trang trí. Thuật ngữ này cũng được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật như Trần Lâm Biền, Phan Thanh Bình, Nguyễn Hữu Thông, Trần Thanh Nam sử dụng khi nghiên cứu về mỹ thuật Huế. Đồng thời, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền xếp các đồ án trong trang trí 144
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) ô hộc là một trong những thành công và đặc trưng riêng của mỹ thuật Huế. Kiểu trang trí này đã góp phần khẳng định giá trị nghệ thuật độc đáo của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn. Bố cục ô hộc là một dạng bố cục hình học trong nghệ thuật trang trí, nó thường được sử dụng ở các công trình kiến trúc lăng tẩm và mang tính đối xứng cao. Đề tài trang trí được bố cục vào trong các ô có các dạng hình học cơ bản như hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình tròn, hình e líp... Thường xuất hiện tại các vị trí ở đường cổ diềm, bờ nóc, bờ quyết vị trí cổng và bình phong. Tuy nhiên, khi vào đến Hội An thì lối trang trí này đã có những thay đổi nhất định. Ô vuông hình chữ nhật trên cổ diềm, diềm mái của đình Cẩm Phô cho thấy cách bố cục các ô trang trí thường đặt đăng đối, hài hòa về kích thước và màu sắc. Những vị trí này thường được trang trí bằng các bộ tứ thời kết hợp với chim thú… Về hình thức bố cục chia theo ô và thủ pháp tả thực thông qua chất liệu nề họa, khảm sành sứ… cho thấy các nghệ nhân ở Hội An đã tiếp thu và thực hiện khá thành công. Về quy luật bố cục “nhất thi nhất họa” ở Huế thì vào Hội An đã được thay thế vị trí của “thi” bằng một đĩa sứ hình tròn có bức tranh trang trí. Ở các ô hộc trong kiến trúc đình Cẩm Phô, đình Sơn Phong thường được trang trí và miêu tả phong cảnh thiên nhiên như cây cối, hoa lá, chim muông... Tạo cho các bức phù điêu đắp nổi có vẻ "đẹp như tranh". Như bức đôi chim sẻ và hoa mẫu đơn ở ô hộc đường cổ diềm phương đình của đình Cẩm Phô được nghệ nhân sử dụng các điểm nhìn khác nhau: Nhìn ngang, nhìn trên xuống, nhìn dưới lên… Hình đắp thì có sự tính toán kỹ trong từng ô, có chính có phụ, chỗ mau chỗ thưa, chỗ nông chỗ sâu, lớp nọ chồng lên lớp kia, tạo khoảng sáng nhiều và khoảng sáng ít, gây ra các khối hình vừa tả vừa gợi, các khối đắp đã diễn tả tinh tế đặc điểm của từng loại hoa, loại chim… Cùng vị trí ô hộc chữ nhật về đề tài thiên nhiên này, nhưng tất cả các ô đều có bố cục khác nhau, không có cái nào trùng lặp cái nào. Hình tượng chim trong các ô được thay đổi tư thế liên tục, như một thước phim quay chậm về sự hoạt động linh hoạt của chim. Bố cục của các đề tài, đồ án trong từng ô hộc có sự thông thoáng, mang tính tự do và có mảng trống trong bố cục nhiều hơn so với bố cục ô hộc ở Huế. Hình 6. Ô hộc trên cổ diềm trang trí Nhất thi nhất họa – Đình Cẩm Phô – Hội An (Nguồn: Tác giả) Trong trang trí kiến trúc đình ở Hội An, kiểu trang trí ô hộc thường gặp là các mặt phẳng của công trình kiến trúc hoặc trong các đồ nội thất bên trong đình. Trên đó, 145
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An các đồ án, họa tiết trang trí được bố cục bên trong các khung hình vuông hoặc chữ nhật, nội dung thường là các tích truyện hoặc các hình ảnh trang trí về động vật, hoa lá và một số các hoa văn theo kiểu đường diềm. Các ô hộc này này có thể là sự lặp đi lặp lại nhưng không sao chép lại nguyên bản mà trong mỗi ô hộc đều có sự thay đổi, biến chuyển về nội dung, bố cục. Với lối bố cục ô hộc này cũng xuất hiện thường xuyên trên các ngôi đình ở Đà Nẵng. Có thể thấy trên mái đình Nam Thọ - Đà Nẵng cũng được chia các bố cục ô hộc tương tự như ở Hội An và Huế. Các đề tài, đồ án và bố cục ô hộc được sử dụng trong trang trí trên kiến trúc của các ngôi đình ở Hội An đã thực sự tạo nên những diện mạo mới lạ, những dấu ấn riêng biệt trong dòng chảy của nền mỹ thuật cổ. Mỹ thuật thời Nguyễn như là một giai đoạn nền để đến thời các vua Nguyễn nó được thể hiện đầy đủ và mực thước hơn và quá trình này được ghi nhận trên nhiều thuộc tính trang trí trong các ngôi đình ở Hội An. Về nghệ thuật khảm sành sứ: Đây là một lối trang trí kiến trúc thời Nguyễn được thể hiện rõ nét nhất ở Hội An. Với kỹ thuật này sẽ tạo ra được những hình thù cầu kỳ và đẹp mắt, nề vữa dù có úa màu thời gian cũng không bị lộ ra ngoài bởi những màu men luôn rực rỡ với thời gian. Với những dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn ở Hội An đã thể hiện rằng: Một nền văn hóa luôn có sự vận động và có chiều sâu thẩm mỹ thì luôn chứa đựng trong mình những phong cách, đặc điểm văn hóa vùng rất rõ nét. Điều này được chứng minh thông qua những giá trị nghệ thuật tinh tế được pha trộn trên dải đất miền Trung - Huế - Hội An. Là một vùng kế cận với Kinh đô Huế về mặt địa lý thì việc lĩnh hội những tinh hoa nghệ thuật phong cách thời Nguyễn là lẽ hiển nhiên. Nghệ thuật khảm sành sứ là một dấu ấn trang trí kiến trúc thời Nguyễn đậm nhất ở Hội An được phản ánh qua kỹ thuật ốp sành sứ. Với kỹ thuật này, người thợ tận dụng những mảng màu sắc bên ngoài mảnh vỡ của sành sứ để tạo nên những hình thù cầu kỳ và đẹp mắt, nền vữa dù có úa màu thời gian cũng không bộc lộ, bởi khoảng che chắn của những màu men luôn rực rỡ. Sau đó được cải tiến kỹ thuật bằng sự cân nhắc và tạo hình trước khi đặt nó vào vị trí cần thiết, cũng như độ nghiêng, kích cỡ, hình dáng của mảnh vỡ khi khảm vào nền vữa. Đó là những dạng mảnh khác nhau của chất liệu sành, sứ được khảm lên các diện, mảng khác nhau. Nghệ nhân cần có sự tính toán để đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Khoảng mí ghép của các mảnh vỡ được tô màu sao cho tạo được sự kín đáo, tự nhiên nhất có thể. Điều dễ nhận thấy là màu sắc của sành sứ ở Huế khác với màu sắc sành sứ ở Hội An. Với Huế, ta có thể thấy nghệ thuật khảm sành sứ được biểu hiện bởi rất nhiều màu sắc, một mảng đề tài trang trí đã được các nghệ nhân sử dụng nhiều màu sắc khác nhau như: đỏ, xanh lá, vàng, nâu, xanh lam… trong đó của đủ các sắc độ từ đậm đến nhạt bởi nhiều màu khác nhau của sành, sứ để để phối hợp thành một bảng màu sinh động. Còn nghệ thuật khảm sành sứ ở Hội An có thể thấy đa số các nghệ nhân thường sử dụng màu tương đồng của gốm sứ, tức là trên một màu chủ đạo là xanh lam thì xuất hiện các màu tương tự trong phổ màu này như: trắng, xanh nhạt, xanh lam, xanh đậm... Còn các màu sắc khác 146
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) như: Xanh lá, vàng, đỏ… xuất hiện trong mảng trang trí của sành, sứ thì là do sự kết hợp với nề họa chứ không phải màu của gốm sứ như ở Huế. Như đã trình bày ở trên, có thể nhận thấy nghệ thuật khảm sành sứ ở Hội An có sự ảnh hưởng lớn trong phong cách và kỹ thuật của khảm sành sứ của Huế. Tuy nhiên, về nội dung thì nhà nghiên cứu, họa sĩ Vĩnh Phối cho rằng: “Nghệ thuật khảm sành sứ đã xuất hiện ở Huế từ thế kỷ XVII, vốn xuất xứ trong dân gian đã du nhập vào nghệ thuật cung đình Huế. Khảm sành sứ với nề thường được sử dụng để trang trí ở chùa chiền, am miếu”. Điều này chứng tỏ một điều rằng các ngôi đình ở Hội An đều mang âm hưởng của nghệ thuật trang trí ở Huế. Bởi lẽ có thể thấy trong các ngôi đình ở Hội An thì việc trang trí bằng cách khảm sành sứ xuất hiện khắp nơi, từ cổng, bình phong đến ngoại thất chính đình. Dấu ấn thời Nguyễn thể hiện rõ nét trên đề tài, bố cục và kiểu thức trang trí ở các ngôi đình ở Hội An. Hình 7. Phụng hồi khảm sành sứ – Đình Sơn Phong Hội An (Nguồn: Tác giả) 147
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An Hình 8. Long hồi khảm sành sứ – Đình Dương Nổ - Huế (Nguồn: Phạm Đăng Nhật Thái) Hình 9. Mặt rồng khảm sành sứ – Lăng Khải Định - Huế (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam) 2. BẢO TỒN PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT THỜI NGUYỄN TẠI CÁC NGÔI ĐÌNH Ở HỘI AN Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thời Nguyễn hiện đang được rất nhiều người chung tay, đồng lòng cùng giữ gìn, phát huy các giá trị về văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật… vẫn còn được hiện diện và luôn tỏa sáng. Tại hội thảo khoa học "Giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn" do Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 31/10/2023 tại thành phố Huế, PGS-TS Nguyễn Văn Đăng đã nhấn mạnh rằng: "Huế trở thành một vùng văn hóa đặc sắc của Việt Nam với những thành tựu nổi bật 148
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) được phát triển đến đỉnh cao do những yếu tố cấu thành trong thế kỷ 19, và từ đó các sắc thái của văn hóa Nguyễn trên đất Huế có sức lan tỏa khắp cả nước". Lịch sử đã chứng minh mỗi vùng miền đều có những sự kết tinh và hội tụ tinh hoa bởi dòng chảy của văn hóa. Những ngôi đình ở Hội An là minh chứng cho nghệ thuật thời Nguyễn đã có sức mạnh lan tỏa và nó cũng chính là sự đồng hành, tiếp nhận và thấm sâu tư tưởng văn hóa, thẩm mỹ. Những ngôi đình ở Hội An hội tụ, tích hợp, thẩm thấu và dung nạp trên cơ sở có chọn lọc giữa nghệ thuật thời Nguyễn, phong cách Trung Hoa và tính bản địa. Đây là nét đặc trưng hiếm có của đình ở Hội An so với hệ thống đình làng Việt bởi do yếu tố lịch sử và địa lý đặc biệt tạo nên. Có thể thấy với bối cảnh đó, những ngôi đình ở Hội An đã được hun đúc và tích hợp cho mình một một nền văn hóa phong phú và đặc sắc, vừa có sự kế thừa những truyền thống văn hóa thời Nguyễn và Trung Hoa, vừa tiếp thu những yếu tố mới của văn hóa bản địa tại Quảng Nam. Từ đó khởi tạo cho mình một sắc thái thẩm mỹ đặc biệt, vừa có những nét chung, lại mang đậm bản sắc riêng biệt của vùng văn hóa Quảng Nam. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật các ngôi đình ở Hội An cần lưu ý đến các vấn đề sau: Thường xuyên tổ chức các sự kiện tích hợp gồm trưng bày, giới thiệu và trải nghiệm… để thu hút người dân bản địa và khách du lịch tham gia. Đặc biệt, tổ chức các triển lãm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến trang trí thời Nguyễn, Trung Hoa, văn hóa bản địa… sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của chúng. Ngoài ra, có thể tạo các hoạt động trải nghiệm bằng cách tự in các họa tiết hoa văn này lên áo bằng các phương pháp in thủ công… Trải nghiệm hệ thống hoa văn, họa tiết đặc trưng của các ngôi đình ở Hội An trên dữ liệu công nghệ 4.0. Đây được xem như là một dữ liệu, thư viện… để cho mọi đối tượng quan tâm đều có thể dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, có thể tương tác gần hơn với người dân, du khách, học sinh, sinh viên… thông qua việc được trải nghiệm trên không gian ảo về các họa tiết hoa văn, không gian kiến trúc… Hơn nữa, còn có thể ứng dụng các giải pháp thông minh để hỗ trợ như: Dùng mã QR để nghe thuyết minh, quảng bá về các ngôi đình với các ngôn ngữ khác nhau. Thúc đẩy sáng tạo và phát triển nghệ thuật thông qua giáo dục và đào tạo. Đây là một giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật các ngôi đình ở Hội An thông qua việc truyền lại kiến thức và kỹ năng cho thế hệ trẻ. Điều này cũng giúp tăng cường nhận thức và tình yêu cho di sản văn hoá của Quảng Nam. Ứng dụng màu sắc, họa tiết hoa văn vào thiết kế các sản phẩm lưu niệm của địa phương. Ngoài ra, cần có chính sách hoặc chủ trương hỗ trợ các nghệ sĩ và nhà thiết kế để tạo ra các sản phẩm mới với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cũng là một giải pháp hiệu quả để bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật này trong thời đại mới. 149
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An 3. KẾT LUẬN Để gìn giữ và phát huy được những giá trị nghệ thuật đặc sắc này thì cần có những nhận diện rõ ràng hơn về sự kế thừa, tiếp thu thành tựu nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại. Điều này được xem như một sự kết nối nhân văn giữa quá khứ và hiện tại để tạo nên những giá trị nghệ thuật đích thực mà các ngôi đình ở Hội An vẫn còn lưu lại được cho đến hiện nay. Người dân gắn bó với đình làng thì cộng đồng làng xã sẽ được gắn kết với nhau. Đình làng sẽ có chỗ dựa vững chắc trong tương lai và sẽ không bao giờ mất đi bản sắc khi đô thị Hội An ngày càng phát triển. Sự kết nối với quá khứ và nhịp sống hiện đại giúp cho các ngôi đình được đánh thức thông qua những hoạt động truyền thống thu hút người dân bản địa và khách du lịch, mang đến cho các công trình di sản một đời sống mới, hòa vào dòng chảy đương đại là một hướng đi đúng đắn cho Hội An. Những giá trị nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình làng ở Hội An đã cho thấy một nền văn hóa luôn vận động, có chiều sâu thẩm mỹ luôn chứa đựng trong mình những phong cách, đặc trưng văn hóa vùng miền rất khác nhau. thông thoáng. Điều này được chứng minh qua những giá trị nghệ thuật tinh tế đan xen trên dải đất miền Trung - Huế - Hội An. Sự kết hợp giữa tinh hoa truyền thống với xu hướng chung của thời đại là sự phát triển tất yếu của xã hội, mang đến sự phong phú về kỹ thuật của nghệ thuật tạo hình. Nằm trong dòng chảy của đình Việt, đình Hội An vẫn mang những nét độc đáo và rất khác biệt của văn hóa địa phương. Điều này đã tạo nên những hiệu quả và giá trị không ngờ trong góc nhìn thẩm mỹ hiện đại. Từ đó, cần phải có những động thái cụ thể và rõ ràng hơn về sự kế thừa, tiếp thu thành tựu nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại như một sự kết nối nhân văn giữa quá khứ và hiện tại để tạo nên những giá trị đích thực mà đình ở Hội An vẫn còn lưu lại được cho đến hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Ánh (2005), “Nhà gỗ Hội An những giá trị và giải pháp bảo tồn”, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An, Quảng Nam. [2] Phan Thanh Bình (2020), “Nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn, những giá trị hình thành từ yếu tố văn hóa vùng”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, Tập 129, số 6, tr.67 - 73. [3] Trần Kinh Hòa (1974), Historical Notes on Hoi An (Faifo) (Ghi chép lịch sử về Hội An (Faifo)), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Nam Illinois, Carbondale. [4] Quốc Hưng (2012), “Hình tượng rồng trên di tích kiến trúc ở Hội An”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2, tr.42 - 44. [5] Vũ Tam Lang (1987), “Bố cục tạo hình trong kiến trúc truyền thống”, Tạp chí Kiến trúc, số 1, tr.27. [6] Léopold Michel Cadière (2020), L’Art à Hué (Nghệ thuật Huế), Lê Đức Quang dịch, Nxb Hà Nội, Hà Nội. 150
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 25, Số 1D (2024) [7] Vĩnh Phối (1999), “Những kiểu thức trang trí Huế”, Tập san Nghiên cứu Huế, tập 1, Trung tâm Nghiên cứu Huế, tr.116 - 132. [8] Nguyễn Hữu Thông, Dương Phước Luyến, Lê Văn Sách, Mai Khắc Ứng, Trần Đại Vinh (1992), Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb. Hội nhà văn, Thành phố Hồ Chí Minh. [9] Nguyễn Chí Trung (2017), Tổng quan về đình làng ở Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An. https://hoianheritage.net/vi/trao-doi-chuyen-nganh/chuyen-de-nghien-cuu trao-doi/tong- quan-ve-dinh-lang-o-hoi-an-589.html. [10] Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc tế - Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (2006), Kiến trúc phố cổ Hội An - Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 151
- Dấu ấn mỹ thuật thời Nguyễn trong trang trí kiến trúc đình làng ở Hội An AESTHETICS OF THE NGUYEN PERIOD IN THE ARCHITECTURAL DECORATION OF COMMUNAL HOUSES IN HOI AN Nguyen Thi Hong Tuoi Faculty of Architecture, Danang University of Architecture Email: tuointh@dau.edu.vn ABSTRACT If Vietnamese people shift their residential space while expanding their territory, their concepts and thoughts will change. Decorative art on communal houses architecture will be the place to demonstrate this most clearly. Under the Nguyen Dynasty (1802 -1945), royal decorative art was considered a developing trend, vigorously spreading and maintained until the first half of the 20th century. During this period, communal houses in Hoi An - Quang Nam had folk and royal elements through the talent and skills of artisans. The inheritance in the decorative arts of the Nguyen Dynasty has undergone modifications and changes to better suit Hoi An. That is expressed through designs, decorative motifs, layouts (squares, balance... ), porcelain mosaics... These factors have contributed to affirming the mark of Nguyen Dynasty fine art for decorative art on village communal house architecture in Hoi An. A constantly moving culture with aesthetic depth always contains evident regional cultural styles and characteristics within itself, which is proven through the exquisite artistic values mixed on the heritage strip of Central Vietnam - Hue - Hoi An. Keywords: Village communal house architecture, fine arts of the Nguyen Dynasty, decorative arts. Nguyễn Thị Hồng Tươi sinh ngày 15/12/1980 tại Nha Trang – Khánh Hòa. Bà tốt nghiệp cử nhân ngành Thiết kế nội thất – Khoa Mỹ thuật Ứng dụng tại trường Đại học Nghệ thuật Huế năm 2004, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Giáo dục năm 2013 tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Nhận học vị Tiến sĩ năm 2023 tại Viện văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Bà công tác tại Khoa Kiến Trúc - Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng từ năm 2007. Lĩnh vực nghiên cứu: Nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, giáo dục. 152

ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:

Báo xấu

LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn
