intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dưới gầm cầu có người đàn bà biết hát

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:19

66
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chị đẹp. Ở tuổi ngoài bốn mươi người đàn bà vẻ mê mê, vẻ dại dại ấy vẫn khiến nhiều tay đàn ông phải suýt soa. Họ nhìn chị thấy thì cái lưỡi lia lia quanh vành môi đầy thèm thèm, bụm môi nuốt nước bọt đánh ực. Và rồi sau đó cũng thấy tiếc rẻ khi đã quay đầu đi nhưng mặt lại cứ ngước lại nhìn. Tá túc dưới gầm cầu An Bình, một cây cầu bê tông mới bắc qua sông Thương ở đoạn chảy ngang thị xã Phủ Lạng Thương đâu như hơn nửa năm nay....

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dưới gầm cầu có người đàn bà biết hát

  1. Dưới gầm cầu có người đàn bà biết hát TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRỌNG VĂN Chị đẹp. Ở tuổi ngoài bốn mươi người đàn bà vẻ mê mê, vẻ dại dại ấy vẫn khiến nhiều tay đàn ông phải suýt soa. Họ nhìn chị thấy thì cái lưỡi lia lia quanh vành môi đầy thèm thèm, bụm môi nuốt nước bọt đánh ực. Và rồi sau đó cũng thấy tiếc rẻ khi đã quay đầu đi nhưng mặt lại cứ ngước lại nhìn. Tá túc dưới gầm cầu An Bình, một cây cầu bê tông mới bắc qua sông Thương ở đoạn chảy ngang thị xã Phủ Lạng Thương đâu như hơn nửa năm nay. Một cái lán căng bằng tấm nilon cũ, lưng lán tựa vào trụ cầu cạn ngay lối đi lại của dân vạn thuyền, bất kể nắng hay mưa, bất kể ngày hay đêm. Một manh chiếu tàn tã, một đống quần áo cũ nhàu nhĩ, một lô gấu bông dính bùn đất là tất cả của cải của chị. Nhưng cái đáng quí nhất chị luôn giữ chặt trong tay lại là đứa con gái nhỏ của chị. Một đứa con gái có nét nhìn ngơ ngác, sợ sệt và luôn nín lặng. Chị cười. Hàm răng của người đàn bà vẻ điên, vẻ tỉnh lại đều tăm tắp. Những chiếc răng hạt na trắng như vừa bước ra khỏi phòng răng, rất đối nghịch với bộ mặt của chị như chẳng bao giờ được rửa. Hàng răng trắng nở ra khoe với nắng gió khi chị cất lên tiếng hát. Chị hát. "Bao quản lấm đầu thân là thân lươn kia. Bao quản lấm đầu. Anh hai về anh hai tính, để có đôi tôi về đôi tôi toán....." giọng hát cứ vời xa, vời xa, lâng lâng, chầm chậm mà loang loang trên mặt nước sông Thương. Độ này dòng sông Thương từ thượng nguồn đổ về lan lan màu đỏ. Mới đầu mùa hạ nên sông có hai dòng chảy, dòng chảy màu xanh và dòng
  2. chảy màu đỏ. Hai dòng chảy ấy lúc quyện vào nhau khi tách thành đôi, chảy hờ hững dưới chân cầu An Bình. - Này Kim. Không về nhà trông chồng à? Nó dẫn gái về hú hí với nhau. Đang bán dần đồ đạc đấy. Chị ngước mắt lên nhìn. Đôi mắt to không có gì là ngây dại cả. Chị lắc lắc đầu cười cười. Chẳng hiểu là chị cười vì không tin lời người kia nói hay chị cười trừ vì không nghe thấy người kia nói gì. Chị mở to mắt thế nhưng đôi tay lại ghì chặt lấy đứa con gái hơn. Đứa con gái cố vùng vẫy trong vòng tay mẹ, nó không nói gì mặc dù nó đã lên hai hay lên ba gì đó. Nó biết nói đã sõi, thỉnh thoảng nó mới cất tiếng gọi "mẹ". Nó gọi mẹ bằng cái giọng trẻ con nghe thương thương mà cũng lắm riết róng. Đấy là khi nó đói, nó chỉ gọi mẹ khi lúc nào đói thôi còn nói chung nó nín lặng trong vòng tay mẹ. Nó ngửa mặt nghe mẹ nó hát. Chị lại cất tiếng hát, giọng hát nghe khê khê kiểu như người hết hơi: "Có yêu nhau thì trò chuyện vân vi. Kẻo mai tiếng bấc tiếng chì. Lại bảo rằng tại em...". Quê chị như đâu ở huyện Việt Yên hay Yên Dũng gì đó. Chị nói về quê luôn lẫn lộn làm người nghe cũng thấy lẫn lộn hết. Nhưng nếu có ai nhắc chuyện về quê thì chị lại hào hứng khoe: - Mình có nhà to lắm. Nhà nhiều đồ đạc nữa. Nó có bán mãi cũng không hết được. Chị lại cười, nụ cười nhếch một bên mép của mẫu người có vẻ khinh của. Người kia nghe chị trả lời thế, nhìn nụ cười nhếch mép thế mà đâm chán thấy không châm chọc được nữa, người ấy bỏ đi. Vả lại có ai rỗi hơi mà đứng nói chuyện với "con dở hơi". Họ đi ngang qua cái lán ni lon gió thổi bay tông tốc, tiện mồm nói chơi chơi cho đỡ ngứa miệng. Nhưng nghe câu hát mà chị khe khẽ hát đã phần nào cho thấy chị là con gái vùng quan họ rồi. Các câu hát của chị thường nhằm vào lối hát vẻ như thân phận hay trách móc gì gì ai đó. Chị trách móc cũng có cơ sở. Những người sống bám vào dòng sông Thương quanh cầu An bình mỗi người nói về chị một cách. Người mê quan họ kể: Hồi còn trẻ tức là cách đây chừng hai mươi hai nhăm năm gì đó chị là "chị Ba" trong đám liền chị ở làng
  3. Vân. Chị ba quan họ tên Kim phải lòng "anh Ba" trong đám liền anh thôn Hà. Anh Ba quan họ thôn Hà lại mê chị Tư quan họ ở làng Xá. Chị Tư quan họ làng Xá lại thầm yêu nhớ vụng anh Năm quan họ ở tận huyện Lương Tài. Cứ vòng vo vậy nên chẳng ai yêu được ai. Họ làm khổ nhau đến hết đời chắc chưa xong khổ. Chị điên, điều đó thì chỉ nhìn nhoáng qua là biết. Nhưng vì sao mà lại bị điên và điên cũng có năm bảy đường điên? Điên tình chẳng hạn. Điên vì tình yêu không toại nguyện có. Điên vì lỡ dỡ tình duyên có. Điên vì mù quáng mà yêu cũng có. Nói chung chuyện tình yêu thường làm người ta... điên. Đôi khi vì điên tiết mà yêu, yêu như là không yêu mới lạ. Chị điên kiểu gì? Thây kệ. Người đàn bà điên trú ngụ dưới gầm cầu An Bình là ai đều biết. Năm chị hai mươi ba tuổi thì lấy chồng. Chị có yêu chồng không? nếu hỏi thế ai cũng chịu, đơn giản là ở người nhà quê giữa yêu và lấy chồng là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn. Chồng chị là con trai trưởng của một nhà giàu có. Nhà chồng chị có vài chục quả đồi chuyên trồng cam. Thứ cam Bố Hạ nổi tiếng không chỉ ở vùng Yên Thế, Nhã Nam mà còn nổi tiếng khắp cả nước. Con trai trưởng nhà giàu trồng cam lấy con gái quan họ đẹp như mộng thì thôi rồi khỏi phải bàn. Khắp một thời gian ai ai cũng nức nở nói về cặp đôi như trời cho ấy. Chị về nhà chồng đâu như hai tháng thì đẻ con. Một đứa con gái vừa sinh đã thấy nó sau này còn đẹp hơn cả mẹ. Nhưng chuyện đâu có được cầu toàn, đứa con gái mới sinh ra ngay lập tức gia đình nhà chồng chị đã đưa nó đi đâu không ai biết. Hồi đó lại khắp một vùng bàn tán xem xem con bé do chị sinh ra là con của ai? Chịu. Người lệ cổ bàn tán với giọng cay nghiệt: "Nó là đứa con hoang. Bỏ là phải". Người thoang thoáng nói nhẹ tênh: "Ôi dào, cá vào ao ai người ấy được". Cuộc bàn tán suýt xẩy ra đánh nhau nếu như không có sự can thiệp của chồng chị - người đàn ông hơn chị đúng một giáp. Chồng chị đứng giữa làng nói thẳng tưng: "Con gái thì bỏ. Con trai thì giữ". Hóa ra gia đình nhà chồng chị khát con trai một cách dữ dội. Chồng chị đã có một đời vợ. Người đàn bà làm vợ chồng chị trước chị đã đẻ hai cô con gái. Người ấy đã được mời đi khỏi nhà chồng. Có thế mới đến lượt chị ngoài hai mươi mới lấy chồng được gia đình nhà chồng chấp nhận.
  4. Ở quê con gái chỉ mười tám đôi mươi là xong rồi. Ngữ như chị hai mươi ba tuổi coi như đã ế. Xem ra chồng chị vẫn là người khôn chán. Anh ta mê mẩn chị trong một lần xem chị hát. Chị hát đêm ấy: "Lóng lánh là lóng lánh ơi. Mắt người là người lóng lánh cũng rằng như sao, là sao trên trời. Là chứ em có a yêu người, lóng lánh phú lý tình là đôi người ơi...." câu hát cứ như dao xoáy vào lòng người đàn ông vừa đuổi vợ đi. Tàn canh hát anh ta lân la lại gần chị, giữ chặt vạt áo tứ thân. Giữ chặt đến nỗi chị không dứt ra mà đi được. Chị không dám vùng vằng mạnh vì lẽ cái áo đang che cái bụng lùm lùm kia cũng dễ tuột. Chị đưa mắt nhìn quanh cầu cứu, khốn nỗi đêm đã khuya làm gì có ai đứng đâu đó chỉ chờ xông ra gỡ rối giúp chị. Chị thành vợ người ta khi cái thai trong bụng chưa có chủ nhân nào đứng ra nhận. Một quyết định cho cả đời được thực hiện với sự đồng tình của người đàn ông mê câu "lóng lánh....". - Này Kim. Chồng cưới đến cô vợ thứ năm rồi đây. Về nhà dạy dỗ các em đi. Chị không thèm ngẩng mặt lên. Lần này thì chị cúi gầm xuống. Bàn tay xoa xoa vào nhau kiểu cấn cá. Chị nghĩ ngợi gì ở câu nói này? Người kia đứng im phắc chờ đợi một thái độ nổi loạn của chị. Bàn tay chị cứ xoa xoa vào nhau làm rơi lả tả những hạt đất bám lâu ngày. Lần đầu tiên mới thấy bàn tay chị đẹp. Bàn tay có những ngón tay thon dài cứ từ từ trắng ra sau mỗi lần xoa xoa vào nhau của chị. Bàn tay ấy nếu hai mươi năm trước hay xa hơn nữa chắc có vô vàn người muốn nắm lấy nó. Giờ thì nó bỗng trở lại khiến người kia đang háo hức chờ sự phẫn nộ của chị phải ngẩn ra. Người kia cúi xuống: - Kim có muốn về nhà không? Về nhà cho đỡ khổ. Thì ra trước một vẻ đẹp cho dù chỉ là vẻ đẹp của đôi tay cũng khiến con người ta phải ngừng ngay lại những suy nghĩ độc địa. Người kia thong thả nâng đôi bàn tay chị lên ngắm nghía. Khiếp, đàn ông đã mê mẩn thì sạch bẩn hay điên dại chẳng có nghĩa lý gì sất. Người kia cầm bàn tay của chị mà chỉ chực cúi sát nó để hôn hít. Chị để yên đôi bàn tay mình cho người kia nắm, người kia thoa thoa tay mình trên mu bàn tay chị. Chị có
  5. cảm giác quen quen ở những vết chai của bàn tay người kia. Mắt chị nhắm lại, mơ mơ màng màng cố hình dung xem cái cảm giác quen quen ấy nó đã có ở đâu. Chợt chị hét lên, giọng thất thanh rồi vùng tay mình ra khỏi bàn tay của người kia. Chị cuống cuồng đứng dậy nhìn vội theo con đường mòn đi xuống mép sông. Đứa con gái của chị lần đầu tiên được giải phóng khỏi vòng tay mẹ, đang lẫm chẫm bước những bước chênh chênh. Nó sắp tới mép sông. Nghe tiếng hét thất thanh của mẹ, con bé dừng lại. Nó quay mặt lại, nhìn ngước lên và nhoẻn nụ cười. Chị há hốc mồm, toàn thân cứng đờ, chân không bước nổi. Con bé như không có chuyện gì xẩy ra, nó bước quay lên chỗ mẹ. Lúc mà hai mẹ con chị, kẻ hốt hoảng đứng trông, đứa như không có gì xẩy ra nở nụ cười con trẻ, thì người kia lén giấu vào giữa đống của nả bừa bộn của chị một bọc to. Làm xong cái công việc vẻ mờ ám đó người kia chạy ngược lên triền đê. Người kia chạy thật nhanh cốt để chị không gọi lại. *** Lối mòn dẫn từ triền đê xuống bến sông Thương dưới gầm cầu An Bình được hình thành từ trước khi cây cầu được bắc. Chỗ ấy xuất phát ban đầu vốn rậm rì cây cỏ lại là bến neo lý tưởng của những chiếc "míc". Gọi là "bến Míc" vì dọc đoạn sông Thương chảy ngang thị xã Phủ Lạng Thương luôn nô nức những chiếc thuyền nhỏ được dân làm ăn bên sông Thương gọi là "Míc". Những chiếc "míc" đậu dình dập, hễ có dịp là lao ra ngoài sông, chạy cặp kè bên mạn những chiếc sà lan chở than. Than từ sà lan được hối hả xúc chuyển xuống thuyền. Thuyền "míc" đầy than tự buông mạn sà lan trôi xuôi một đoạn rồi neo vào bên "míc". Bến Míc thành tên nhưng là cái tên chỉ nghe đã thấy sự tranh giành đầy chất giang hồ. Thôi thì đủ loại người, toàn là những người sẵn sàng lao vào nhau. Một xẻng than xúc thêm ra cũng có thể xẩy ra đánh nhau, một câu nói vu vơ cũng dẫn đến việc hai kẻ nào đó vơ thúng, vớ đòn gánh vừa phang thẳng lừ vào đầu vào mặt nhau vừa chống đỡ. Bến ấy người lành không dám qua nói gì có người đến đấy để tá túc.
  6. Chị đến tá túc ở dưới gầm cầu chỗ bến Míc vào một tối có mưa tầm tã. Hình như lúc đầu chị chỉ ghé đó để trú mưa nhưng cơn mưa tầm tã lại kéo dài những mấy ngày liền. Đang mưa tơi tả thì ai nỡ đuổi ai cho mang tiếng ác. Dứt cơn mưa chị đã trở thành người của "dân bến Míc". Nó là con điên, con dở hơi, con tâm thần, con người ấy vô thưởng vô phạt thì làm hại được ai nên dân bến Míc bỏ qua. Vả lại con người ấy nhìn kỹ đâu đến nỗi nào. Mấy tay lì lợm lúc mưa gió nằm dài trong lán nói với nhau: "Lợn sề còn hơn về không". Vừa nói với nhau mấy tay cười ha hả đánh mắt trông sang cái lán nilon của hai mẹ con chị. Nói thế nhưng đã có tay nào mò sang đâu, họ vẫn ghê ghê chị. Chắc họ sợ cái con điên. Thế là mẹ con chị được yên thân, được cho ăn. Dân bến Míc tiếng giang hồ nhưng còn thảo. Người dưới sông ngược lên cho chiếc bánh mì, kẻ trên đê đi xuống cho khúc cá, cho nắm rau. Hình như những người khốn cùng hay khố rách lại thương nhau hơn những người đầy đủ. Mẹ con chị trông thế mà có thiếu cái ăn đâu. Chỉ thiếu miếng ngon, miếng thơm thôi. Không vấn đề, quan trọng là không đói. Chị ngồi trên manh chiếu chẳng ra manh chiếu. Tay chị lúc lỏng ra không ghì chặt đứa con lại vô cảm bứt bứt, cào cào xuống mặt chiếu. Manh chiếu chỗ rách, chỗ đứt thành ra cứ như manh chiếu dùng để đắp chó. Nó tàn tạ nhưng còn gọi là chiếu, chị ôm con ngồi trên chiếu rách khi hứng lại hát. Chị hát "Người về tôi vẫn có mấy khóc thầm. Đôi bên là bên sông như vạt áo, mà này cũng ướt đầm, ướt đầm như mưa..." - Này Kim. Mày về mà xem con vợ thứ năm của chồng mày vừa sinh đứa con gái nữa kìa. Chị khóc. Lần đầu tiên dân bến Míc thấy chị khóc. Kể xem người đàn bà mê mê dại dại khóc cũng thấy ngồ ngộ. Tiếng khóc của người điên nghe thiểu não thế nào ấy. Nó không "hu hu", không "ai ai" mà cứ "ghư ghư" như mèo cái vào mùa động đực. Hình như câu hát lại vận vào hoàn cảnh nên tiếng "ghư ghư" não nề lắm, cồn cào lắm, oan nghiệt lắm. Chồng chị cưới cô vợ thứ năm vừa đâu như năm ngoái. Cô ấy chạc tuổi chị hồi chị về làm vợ anh ta. Hôm tổ chức lễ cưới chị vô tình thế nào lại lảng qua nhà chồng. Chuyện
  7. chị về được quê chồng và có dịp tình cờ lảng qua để gặp đám cưới ấy có nhiều chuân chuyên lắm. Chuyện ấy để lúc khác nhắc lại cũng chưa muộn. Chập tối chị khó nhọc một tay ôm đứa con gái mới tròn một tuổi, một tay cố nhấc chiếc túi căng phồng trong túi chẳng biết có gì len lén đứng nấp sau khóm cây rậm rịt. Chị đứng lén không dám lộ diện vì lộ diện là sẽ bị người nhà chồng kéo ra đuổi đi ngay. Chị đi khỏi nhà đó lâu rồi. Trước chị đã có một người vợ đẻ hai con gái phải ra đi. Sau chị cũng có thêm hai người vợ cũng đẻ hai con gái đã ra đi. Chị mò về như việc của kẻ cùng đường quen lối dạng như chó nhớ nhà chủ cũ mà về thôi. Chị cố nghển cổ để nhòm vào trong sân. Đời là thế, người cũ thường cố xem người mới đến thay mình mặt mũi, đầu tóc như thế nào. Cay cú chuyện xưa có, mà tò mò cũng có. Chị tò mò là chính vì chị căm cái nhà ấy, căm lão chồng đốn mạt ấy ngỡ có dịp là lao vào băm vằm ra nhiều mảnh. Khốn, cái thân tàn tã của chị cộng với đứa con gái đỏ hỏn đã không cho phép chị hành động. Chị tỉnh táo nghĩ đợi khi nào con lớn sẽ về lại nói chuyện sau. Chị đứng nhìn trộm chừng tưởng đã thất vọng thì cô vợ thứ năm của chồng bước ra ngoài cổng. Cho dù ánh đèn dọi từ trong sân ra không đủ sáng lắm nhưng chị cũng nhận rõ gương mặt của cô dâu mới. Quái, gương mặt ấy thấy quen kinh khủng. Quen đến nỗi khiến chị phải đưa tay hạ chiếc túi xuống đất cạnh để cạnh chân, bàn tay chị rờ rờ lên mặt mình. Chị lần tìm qua động tác rờ rờ lên mặt để cố nhớ gương mặt này chị đã thấy ở đâu. Cô dâu mới với nụ cười tươi rói như trăm ngàn cô dâu mới về nhà chồng, vẻ mãn nguyện pha chút háo hức làm gương mặt cô dâu mới trông rạng rỡ hẳn lên. Chị đần người ra nghĩ nát óc mà chưa thể nhớ gương mặt ấy mình đã gặp ở đâu. Nếu như đứa con gái một tuổi không ré lên tiếng khóc thì có lẽ chị cứ ngẩn ra mà cố nghĩ. Tiếng khóc của đứa con gái làm chị hốt hoảng xách vội chiếc túi chạy như ma đuổi. Chị chạy một mạch, chạy mấy ngày liền cho đến khi mệt quá. Chị cùng đứa con gái chạy vội đến trú cơn mưa bất chợt đổ xuống dữ dội. Chỗ mẹ con chị trú mưa chính là gầm cầu An Bình này, ngay lối dẫn từ triền đê xuống bến Míc. - Kim? Khóc vì cái gì thế?
  8. Chị không thể trả lời đâu câu hỏi của người kia. Chị nấc lên đau đớn. Giờ thì tiếng khóc mới thực sự là tiếng người khóc. Tiếng người khóc khác hẳn tiếng mèo gào, khác hẳn tiếng tru của loài chó. Tiếng khóc của người nghe thảm thiết, nghe như đang kể chuyện. Tiếng khóc của chị giờ không là tiếng khóc của người điên điên dài dại nữa. Nó thật sự làm mủi lòng cho bất kỳ ai nghe thấy. - Quân chó má. Thằng khốn nạn. Lần đầu tiên người kia mới thấy chị cất lên tiếng nói sau biết bao câu hỏi của mình. Người kia im lặng, dảo mắt tìm chỗ để ngồi xuống bên cạnh chị. Lần này người kia không dám động đến đôi bàn tay chị mà chỉ lẳng lặng nắm chặt tay mình nhìn chị khóc. *** Tá túc dưới gầm cầu được một tuần thì chị mới hồi tâm phần nào. Hôm đó trời trong veo và mát mẻ. Với kiểu thời tiết ấy thì những người mắc chứng tâm thần phân liệt thường tỉnh táo. Chị tỉnh táo lạ lùng, đưa tay rờ rờ mặt mình cảm thấy như đến lúc cần phải lau rửa. Tiện có người đàn bà thường ngày qua lại hay cho mẹ con chị mẩu bánh, lại đang nuôi con nhỏ xuống bên đi ngang qua, chị mạnh dạn xin cho con bé bú nhờ. Khổ thân con bé, từ lúc sinh ra nó luôn phải trong lòng mẹ lang thang khắp ngả. Được bú nó như gặp phép màu rạng mặt hẳn lên. Con bé ôm chặt bầu vú của người đàn bà xa lạ bú chùn chụt. Nó hình như từ khi sinh ra giờ mới được bú một cách thỏa thê. Cũng phải thôi, chị lang thang, chị đói ăn lấy đâu ra sữa mà cho nó bú. Con bé lớn qua ngày bằng mọi thứ chị xin được, chị được người ta cho. Nó bú đã đời rồi quay ra ngủ tít mít, cũng lần đầu tiên nó được ngủ ngon lành như thế. Chị nhờ người đàn bà tốt bụng ấy trông con rồi lần xuống mép sông. Sông Thương đang tiết cuối xuân đầu hạ nên dòng sông trong veo. Màu xanh leo lẻo như một chiếc gương rộng đủ soi cả người chị. Chị thong thả chụm hai lòng bàn tay lại vốc nước lên rửa mặt. Vốc nước vã lên mặt tới đâu chị tỉnh thêm tới đó. Chị rửa mặt khá lâu, lâu lắm rồi chị mới rửa mặt nên những vốc nước có tác dụng rõ rệt. Chị ngừng tay chờ cho mặt nước lặng đi rồi cúi đầu xuống soi vào mặt nước. Một gương mặt đẹp và quen quen khẽ chao chao qua gợn nước. Nó tĩnh lặng và hiện rõ những nét xa xưa. Chị nhìn sâu hơn vào chiếc gương nước ấy. Những giọt nước mắt tự dưng trào ra hai bên
  9. khóe mặt. Trào ra thành giọt rơi xuống mặt nước làm gương mặt đẹp và quen ấy vỡ tan ra. Chị khóc. Tiếng khóc khi nghẹn ứ trong cổ, lúc hoảng loạn như kẻ đường cùng không nơi chốn. Chị đã nhớ ra gương mặt quen quen của cô gái về làm vợ thứ năm của chồng chị. Gương mặt đó chính là gương mặt của chị hơn hai mươi năm trước. Đứa con gái chị sinh ra sau hai tháng về nhà chồng tưởng lưu lạc phương nào lại chính là cô vợ thứ năm mà chồng chị cưới về. Chị chới với chực ngã nhào xuống mặt sông nhưng sau lưng có tiếng nhắc nhẹ. - Này! Trông con bé. Tôi đi đây. Chị ngồi ôm con, mặt cúi gằm, hát: "Gió đưa phú lý tình là đưa cây cải . Phú lý tình là đưa cây cải. Bớ cái duyên cái duyên có bên tình ơi. Bớ cái nhân có bên tình ơi. Ấy a giời, ấy a về giời để cái chốn ấy à cây răm. Ấy a chịu nhời ấy a nhời để cái chốn ấy à đắng cay....". Chị hát mãi, hát mãi hát đến tối mịt thì khản tiếng. Chị hát nhưng chính chị cũng không nghe thấy mình hát câu gì nữa. Dân bến Míc nói với nhau: "Con Kim điên rồi. Nó bị điên thật rồi". Chị mê mê dại dại từ đấy. Ai hỏi gì cũng lắc đầu. Ai cho gì thì nhận. Chị ngồi trên manh chiếu ôm chặt đứa con vào lòng như sợ bị ai đó đến lấy đi. Đêm nằm cũng ôm ghì đứa con chỉ lo nó tuột lăn đâu mất. Nhưng trời còn có mắt, trời cho mẹ con chị sức khỏe dù tàm tạm. Vạ vật thế mà mẹ con chị có đau ốm gì đâu. Con bé kể cũng lạ, nó cứ im thít trong lòng mẹ, ngửa cổ nghe mẹ hát. Hình như những người quan họ hát nó ngấm vào máu thịt từ chính những hoàn cảnh như vậy. Người quan họ có lối hát day dứt, xao lòng người nghe hát. Câu hát như vận vào người tê tái mà không thổn thức. Chỉ gợi lên những uẩn khúc cuộc đời như cuộc đời của chị. Ngày đứa con đầu bị đem cho đi, Kim cũng buồn một dạo. Nhưng ở người đàn bà đang độ dậy tình ấy lại được anh chồng đang khao khát con trai thì chuyện có thai trở lại không khó khăn. Chị mang thai lần thứ hai, lần này đích thị là của chồng rồi. Chồng chị đón 'thày" về tận nhà gieo quẻ để cái thai ấy sẽ là thai con trai. Chị cũng mong như thế. Mong có con trai để gia đình nhà chồng khỏi thất truyền dòng dõi. Mong có con trai để mình được yên thân trong cái gia đình không thiếu tiền chỉ thiếu tình này. Nhưng đời éo
  10. le lại luôn kéo thêm sự éo le. Chị sinh đứa con thứ hai mẹ tròn con vuông trong sự chán nản của chồng, trong sự hụt hẫng của gia đình nhà chồng. Một đứa con gái nữa chắc sau này sẽ đẹp hơn mẹ không đem lại nguồn vui cho chị. Chị nhìn đứa con đỏ hỏn đầy căm ghét. Căm ghét sao nó lại là con gái, căm ghét ông trời ăn ở không công bằng, căm ghét nhà chồng với ông chồng của chị không biết tạo ra giống đực. Chuyện đẻ con trai sinh con gái ở quê vốn quan trọng lại càng trở nên quan trọng. Điều quan trọng ấy được cụ thể hóa bằng việc chồng chị cưới luôn cô vợ thứ ba. Hôm đón cô ba về chị không được phép lộ mặt. Những người tin vào tín ngưỡng cho rằng sự lộ mặt của người đã từng sinh con gái sẽ đem lại điều không may. Tối ấy gia đình nhà chồng chị mượn đâu được bốn năm bà sinh toàn con trai đến. Mấy bà đó ngồi như dãi thẻ trên giường cưới được dành cho cô dâu mới. Họ ngồi lâu đến mức chiếc chiếu mới dành cho lễ động phòng hoa trúc nóng ran lên. Kể thì cặp mông đàn bà cũng lắm sinh lực, chiếc chiếu còn ngai ngái mùi cói bỗng rạo rực. Chồng chị háo hức lắm, anh ta tin rằng lần này sẽ có con trai. - Kim hôm nay không hát ư? Người kia đến cạnh mẹ con chị từ lúc nào. Lần này giọng nói không vẻ châm chọc hay kích động nữa. Giọng nói của người kia hôm nay có vẻ thông cảm. Chị không nhìn lên vì nếu có nhìn lên thì vẫn là người kia mà thôi. Người kia cũng không cần chị phải nhìn mình. Người ấy mỗi lần ngang qua hỏi chị đều thấp thỏm mong chị đừng nhìn lên. Bất chợt chị nói đủ nghe: - Tôi còn nợ anh nữa à? Người kia hốt hoảng thực sự, anh mắt ngó quanh quẩn như sợ đâu đó có người nghe thấy. Không lẽ đấy lại là lời của một người điên? Không lẽ mình bị ám ảnh mà bật lên câu nói trong tai. Người kia thấy vững tâm hơn vì xung quanh không có ai ngang qua. Hôm nay lạ thế, bến Míc bỗng vắng như bến bỏ. Người kia lại gần hơn, anh ta ngồi xuống trước mặt chị. - Kim nhận ra tôi thật à?
  11. Chị hát: "Anh Hai về anh Hai tính. Để có đôi tôi về đôi tôi toán. Tính toán mà làm chi. Tính toán nữa đi, tính toán làm gì. Có thương nhau thì.......". Chị bỏ lửng câu hát, mắt ngước lên nhìn xa xăm. Ánh mắt ấy làm người kia giật mình hơi thu người lại. Anh ta thấy vẻ nài nỉ, vẻ khẩn cầu, vẻ buông xuôi chợt hiện về. Sau cái ngước mắt nhìn xa xăm, chị vội vòng tay giữ chặt đứa con gái. Con bé vốn đã quen với những tình huống như vậy nên không khóc và cũng không cưỡng lại. Nó ngoan ngoãn nép chặt trong vòng tay mẹ, mắt nhắm lại như đang ngủ. Người kia không biết sẽ tiếp tục câu chuyện như thế nào. Anh ta đưa nắm tay phải lên như muốn chụm lấy miệng, Nét mặt đang căng thẩng chợt giãn ra, hơi hơi mừng, hơi hơi lo. Người kia biết – chị tỉnh táo hẳn. Thực ra chị không bị chồng, bị gia đình nhà chồng đuổi ra khỏi nhà như người vợ đầu. Chị đẹp nên chị được ở lại nhưng ở lại trong nhà không khác gì con ở. Cũng phải thôi, chị cam lòng nhẫn nhịn sống trong cái gia đình luôn dư dả vật chất nhưng cũng luôn thiếu tình người ấy. Chị được cho ở tại nhà ngang ngay lối dẫn ra đồi cam. Sáng chị lên đồi cam xáo xới những gốc cam, chiều chị về gian ở của mình lúi cúi chơi với đứa con gái. Ngày tháng cứ lầm lũi qua đi cho đến một ngày con bé tròn mười lăm tuổi. Mặc dù sống thiếu tình thương của cha, thiếu sự bù đắp của gia đình họ hàng bên nội nhưng nhờ trời con bé càng ngày càng đẹp. Vào tuổi mười lăm trông nó đã ra dáng một thiếu nữ tràn trề nhựa sống. Dáng cao cao, nước da trắng hồng, đôi gò bồng đào tròn như hai trái đào mơn mởn. Đôi gò bồng đào cứ lồ lộ sau vạt áo cũ giặt nhiều lần đâm ra đã mỏng lại thêm mỏng, nó khơi gợi bao bàn tay chùng chình đan vào nhau chỉ muốn đưa ra động vào đấy, níu kéo bao cái nhìn đàn ông vừa hau hau vừa dè chừng. Con bé là nguồn sống cho chị suốt mười lăm năm qua. Chị nhìn con, linh cảm như sắp xẩy ra điều gì hệ trọng lắm. Chị nghĩ lan man lan man tới những điều chẳng lành có thể xẩy đến, rồi tự an ủi mình bằng cách dằn lòng mình mà nói: "Con gái mới lớn đứa nào chả hừng hực". Một tối không thấy con bé về nhà sau buổi học. Chị ra đầu đường ngóng lên ngóng xuống cũng không thấy bóng dáng con bé. Mắt chị chực khóc, miệng chị chực vỡ òa lên tiếng kêu. Tình thương và trách nhiệm của người mẹ mách bảo với chị: "Nó đang bị hại. Hãy đi cứu nó". Chị nhào ra ngoài đường lớn. Chạy cuống cuồng về phía ngả dẫn ra đường
  12. quôc lộ. Con đường quốc lộ dài hun hút như ghìm bước chân chị lại. Chị chạy mà đôi chân nặng chình chịch như đeo đá, chị gục xuống bên đường. Lúc này tiếng khóc mới nấc lên đau đớn. Chị đi khỏi nhà chồng từ đêm hôm ấy, chị không nói gì với chồng vì chị biết chồng chị bao năm nay có đoái hoài gì đến hai mẹ con chị. Nói ra chỉ tổ thêm bấn vào thân. Tự mình phải đi tìm con thôi, chị nhủ với mình thế rồi cố gượng dậy thất thiểu bước đi. Chị đã hình dung con bé bị người ta lừa sang bên kia biên giới. Chị hình dung vậy bởi gần đây đã có nhiều câu chuyện gần xa mách bảo. Con bé dù xinh đẹp lại sinh ra trong gia đình giàu có nhưng bị bên nội xa lánh, nên nó có cuộc sống của những đứa trẻ vất vưởng. Lối sống đó chính là "con mồi" cho những kẻ nhẫn tâm. Chị bước đi nặng nhọc, trong lòng trách mình, lại thêm oán trách nhà chồng bạc bẽo. Chị tới được Lạng Sơn thì bộ dạng vốn thiểu não lại thêm thất thiểu. Nhìn bộ dạng của chị, nghe chị hớt hải trình bày, nghe chị sụt sùi cầu khẩn cũng có bao người mủi lòng. Nhưng khốn nỗi, thương thì thương, động lòng thì động lòng nhưng giúp chị thì ai cũng lắc đầu. Chị lang thang mấy ngày trên xứ Lạng mà chưa tìm được lối đi nào cho con đường tìm con và cứu con. Đến mọt hôm, chị ngồi trong quán nước ven đường thì có một người đàn ông độ trên năm mươi đến bên cạnh. Ông ta thoạt đầu rất hờ hững không điếm xỉa gì đến có một người đàn bà tuyệt vọng cũng ngồi đó. Sự hờ hững ấy khiến chị tin ngay khi bà chủ quán thong thả buông câu: "Ông hay qua bên kia. Ông xem có giúp gì bà này không?". Người đàn ông ngồi trong quán hờ hững nhìn chị và nghe cũng rất hững hờ. Cuối cùng với vẻ miễn cưỡng ông ta ậm ừ kiểu không chắc chắn lắm đã nhận lời đưa chị qua biên giới tìm con. Chị mừng lắm coi như đã có được chỗ tin cậy. Chị theo người đàn ông sang bên kia biên giới không khó khăn lắm. Ông ta khá thông thạo đường đi lối lại, khá quen biết nhiều. Một chiều sau hai ngày ông ta dẫn chị đi lần tìm manh mối, chị được đưa lên một chiếc xe tải nhỏ. Xe chạy ròng ròng rất lâu trên con đường xa lạ dài tít tắt. Chị tới một nơi nếu giờ bảo chị tự về chắc chị chịu. Khi chị nhận ra bộ mặt thật của người đàn ông có thái độ hững hờ ấy thì đã muộn. Ông ta giả vờ như một người tốt đến độ khiến chị không mảy may nghi ngờ. Khi chị nhận ra
  13. mấy ngày vừa qua ông ta dẫn chị đi lần tìm manh mối chỉ là giả tạo thì đường về đã đóng sập lại. Chị bị đưa bán về làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc chừng ngoài sáu mươi. Đó là một ông lão vợ mới mất nhưng nhục dục dường như không giới hạn. Lão già dâm dê lao vào chị như một con thú khát thịt sống. Cùng đường lại bơ vơ giữa chốn xứ người chị cam chịu để cho lão già cào cấu trên cơ thể chị. Chị thành vợ xứ người mà lòng không nguôi ý chí tìm lại đứa con bị lường bán. Những hôm tối trời, gió núi thổi buốt sống lưng, chị thẫn thờ nhìn vào khoảng thinh không nung nấu tìm con đường trở về. Để tạo niềm tin cho ông chồng Trung Quốc, chị thỏa mãn mọi nhu cầu xác thịt của lão già đồng thời tranh thủ dò hỏi đường xá. Chị có được sự tin cậy của lão chồng già ham dục vọng. Lão cho phép chị được giao tiếp với hàng xóm. Những lần giao tiếp đó đã mách lối cho chị. Chị trốn nhà chồng người Trung Quốc vào một ngày gió bấc thổi lộng óc. Gió thổi thành tiếng gầm rít trên chặng đường hun hút. Những đồng tiền dành dụm được qua mỗi lần chị làm cho ông chồng già thỏa mãn đã giúp chị có được chỗ ngồi trên thùng chuyến xe hàng chạy về phía biên giới Trung - Việt. Lẫn trong đám hàng hóa gồm toàn hoa quả và vải vóc chị hứng những cú xóc nẩy người theo xe ra tới biên giới. Đến nơi, trong vai người gánh hàng chị gia nhập đội quân gánh thuê vượt những cánh rừng cỏ lau lút lối vắt qua đường biên. Chuyến hàng trót lọt hay chính cuộc chạy trốn của chị trót lọt. *** - Kim còn nhận ra tôi chứ? Còn nhớ tôi chứ? Người kia cầm bàn tay chị hỏi với giọng động viên. Chị cúi đầu nhưng bây giờ cái đầu gật gật. Người kia mừng ra mặt nắm tay chị chặt hơn làm chị hơi nhăn mặt. Hồi lâu chị nhìn thẳng vào mắt người kia, ánh mắt dò xét. - Sao anh cứ theo mẹ con tôi như thế? Người kia không trả lời. Mọi câu trả lời lúc này đều trở nên vô nghĩa. Chỉ có sự im lặng chân thành mới đủ lý chí cho con người ta xác nhận. Để yên bàn tay mình trong tay người kia chị vẫn chưa hết bàng hoàng.
  14. Về tới Việt Nam khi sức lực đã kiệt. Chị quẳng gánh hàng cho nó lăn vào vệ cỏ ven đường rồi cứ để nguyên quần áo nhầu bụi mà nằm ngay đó thở. Đói, lạnh và chưa hết sợ hãi chị như kẻ vô hồn không có chỗ bấu víu. Đang cơn túng bấn chị mơ hồ nghe tiếng xe máy chạy tới. Cứ nằm nguyên bên đường như vậy chị không có ý định nhỏm dậy tránh đường. Mà thực ra chị không đủ sức để đứng dậy nữa. Tiếng xe máy phanh gấp ngay chỗ chị nằm, rồi có tiếng hỏi đủ nghe: "Này. Sống hay chết đấy?". Câu hỏi thật nực cười vì nếu đã chết thì còn trả lời làm sao được. Chị he hé mắt, bụng phập phồng thở để chứng tỏ mình còn sống. Động tác ấy của chị đã tỏ ra có tác dụng, người đi xe máy cúi xuống xốc chị lên yên xe, anh ta nói đủ nghe: "Bám chặt vào tôi". Chiếc Mink lộc cộc lộc cộc đưa chị tới một ngôi nhà tềnh toàng khá xa biên giới. Chị buông xuôi không thèm để ý mọi sự sẽ ra sao nữa. Đối với chị thì nhục nhã, đọa đầy đã dư thừa rồi thì thêm một lần nhục nhã đọa đầy nữa cũng chẳng mất mát gì. Nghĩ như vậy nên chị mặc kệ cho người chạy xe máy bế lên đặt trên giường. Anh ta nói với giọng nhỏ nhưng dứt khoát: "Cứ nằm đây nghỉ đã. Có gì tính sau". Chị ở trong ngôi nhà nhỏ tềnh toàng đó. Một căn nhà vốn bỏ hoang được những người chạy xe ôm và dân gánh thuê tự phân ngăn ra để ở, đâu như dăm hôm thì khỏe hẳn. Đến lúc này chị mới để ý tới người đàn ông tốt bụng đã cưu mang mình. Một người đàn ông bằng hoặc kém chị một hai tuổi. Anh ta có nước da của loại người suốt ngày hứng nắng gió. Có cách nói kiệm lời của thứ người chỉ biết kiếm tiền bằng sức lực. Lạ nhất là cách cư xử, anh ta cư xử với chị rất chừng mực, luôn giữ một khoảng cách trong lời ăn tiếng nói. Từ hôm chị đến đây, anh ta không khi nào nói chuyện một cách cởi mở chứ nói gì đến tâm sự với chị về gia cảnh mình. Với linh cảm đàn bà, chị lờ mờ đoán ở người đàn ông trung niên này đang cố giấu đi chuyện tình cảm. Chị biết với những người đàn ông sống khép kín kiểu như anh ta hẳn phải có một quá khứ không muốn nhắc lại. Với dạng người như thế này chắc chắn đời sống riêng có điều gì đấy không muốn nhắc lại. Chị biết vậy nên cũng không khơi chuyện, vả lại cuộc đời của mình cũng đã nhiều oan nghiệt biết thêm ở người khác chỉ tổ thêm đau lòng.
  15. Anh ta đi ra khỏi nhà từ sáng sớm để mặc chị trong gian nhà cho cũng chắc không ai lấy. Chị dần dà quen với khung cảnh ấy và tối tối nấu cho anh ta bữa cơm bằng những gì anh ta để sẵn trong nhà. Hơn hai mươi năm đi lấy chồng. Trải qua hai đời chồng nhưng chị chưa lần nào được chăm cơm cho chồng. Ở cái tuổi bốn mươi lần đầu tiên chị có được cảm giác đứng đợi cơm, trông chừng bóng dáng của một người đàn ông. Người đàn ông xa lạ này khác hẳn hai người đàn ông trước. Ở hai người đàn ông trước chỉ có những cái cào cấu nhục dục, chỉ có những tiếng thở hổn hển, nồng nồng, lợm lợm mùi mồ hôi trộn lẫn mùi rượu. Người đàn ông này chị với anh ta chưa có cảm giác động chạm vào thân thể nhưng sao chị thấy nhớ nhớ, thấy sốt ruột mỗi khi anh ta về muộn. Chị ủ nồi cơm trên cái bếp được bắc bằng ba hòn đá khói ám đen kịt. Nồi cơm để lâu đến gần nguội làm chị lo lắng, chị ngóng mắt hóng tiếng xe máy chạy qua lại cố mường tượng ra tiếng xe máy của anh ta. Lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm chị có lại cảm giác bồn chồn, ngóng đợi của một người đàn bà dành cho một người đàn ông. Lần thứ ba chị làm vợ. Lần đầu có cưới xin. Lần thứ hai bị lường bán nhưng lần này là chị tự nguyện. Chị tự nguyện như là cách bù trì cho người đã cưu mang mình, chị bù trì cho sự chân thành của người đàn ông cũng khốn khó như mình. Hai số phận một kiếm ăn lầm lũi, một sa cơ lỡ bước gắn kết với nhau trong mái nhà tềnh toàng nhưng có những bữa cơm chờ đợi. Đêm đêm hai số phận ấy ôm lấy nhau bù trì cho nhau những thiệt thòi của cuộc đời. Với chị đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất nhưng nỗi đau thất lạc cả hai đứa con cứ làm chị day dứt. Người đàn ông thứ ba trong đời chị có lẽ là người không mặn mà lắm với chuyện chăn gối. Anh ta chỉ nhẹ nhàng quắn lấy người còn lại là sự nín thinh. Hay chắc anh ta không muốn làm chị phật lòng bởi anh ta biết chị đã có quá nhiều nỗi đau đời. Sự nương tựa như định mệnh ấy không dài. Một tối chị nói với anh ta rằng chị vẫn muốn đi tìm đứa con thất lạc của mình. Người đàn ông vốn ít nói giờ càng thêm nín lặng. Anh ta nín lặng khi chị cất lên tiếng hát. Chị hát: "Đêm i hôm qua mình i tôi nhớ bạn i. Linh tính a lính tình tinh i, này a có a tôi buồn, tôi ớ buồn về ai là chứ tai tôi nghe. Tai i tôi nghe giọt đồng hồ nó mấy kêu á là kêu
  16. thánh i thót í buồn lại tôi ngâm câu thơ. Dế nó lại giăng i theo, lòng lại tôi thêm í buồn. Lòng tôi i là tôi bối i rối........". Ấy là chị mượn câu hát để giấu lòng mình đó thôi. Buồn thì chị có cả núi để buồn, đau thì chị có rừng nỗi đau. Những ngày sống trong gian nhà hoang với người đàn ông do tình cờ mà họ có được nhau, chị vẫn cảm thấy có gì day dứt. Anh ta không dám cho chị ra khỏi nhà để kiếm việc gì đó để làm, đơn giản là cả chị và người đàn ông này vẫn sợ người chồng Trung Quốc của chị mò sang bắt đem về bên kia. Nhưng cứ sống như đeo đỉa vào người đàn ông xa lạ và nghèo túng chẳng khá hơn mình thì chị cũng thấy bất tiện. Vả lại là người từng làm vợ nên chị biết trong bụng mình đang cựa quậy một mầm sống mới. Không lẽ lại làm vướng bận thêm cho nhau. Từ chính những mất mát trong đời, chị có linh cảm nếu cứ ở đây; ở cái nơi hoang rừng, hoang người, hoang đời, hoang gia này chắc đứa con trong bụng khi sinh ra chị lại sẽ mất nó. Một sáng trời dịu mát, đâu như thời tiết đang chuyển sang thu. Chị đợi người đàn ông xa lạ dắt chiếc xe máy cà khổ đi ra khỏi ngôi nhà. Anh ta không hề biết được sau lưng anh, chỉ chốc nữa thôi là chị xa anh., chị lại trốn chạy như đã từng trốn chạy. Ngoái nhìn lại như để dặn dò chị điều gì, người đàn ông xa lạ sau mấy tháng ăn ở bên chị mới nở một nụ cười. Hẳn anh ta có ý nói chị cứ bình thản với những gì đang có. Chị gật đầu chào anh mà cảm thấy tội lỗi. Những giọt nước mắt khẽ trào mi, chị hình dung ra cảnh tối nay anh ta về không thấy chị, chị hình dung ra sẽ là những ngày tiếp theo anh ta lại lúi cúi bấc nồi cơm nhỏ lên ba hòn đá khói bám đen kịt. Những ngày tháng qua dù sao thì anh ta cũng có những bữa ăn được bàn tay đàn bà chuẩn bị, dù sao anh ta cũng có cảm giác được đón đợi khi mình trở về sau một ngày chạy xe như ma đuổi trên những con đường đôi khi chẳng ra đường. Nhưng ý đã quyết, chị lần nữa ra đi. Hai lần trước chị ra đi là hai lần chị muốn chạy trốn thực sự, còn lần này chị ra đi dù luyến tiếc cũng phải ra đi. Chị ra đi để không muốn làm khổ người khác. Chị về chính quê chị. Làng quê sau hơn hai mươi năm kể từ ngày chị được người đàn ông mê câu "lóng lánh" đón về làm vợ nay chị mới trở lại. Nhiều thứ đã khác. Khác đến nỗi con người chị cùng
  17. thân phận của chị dường như không ai biết. Âu cũng là lẽ thường, nhất là vòng xoáy của cuộc mưu sinh khiến những người lắm chuyện nhất ở làng cũng phôi pha chuyện cũ. Chị ở nhờ trong nhà của một người bà con xa. Người bà con này đang sống một mình. Những đứa con của bà đi làm ăn xa nên chị không phiền hà lắm. Người nhà quê dù tính cách còn quê nhưng xem ra họ vẫn còn tốt. Chị sinh đứa con thứ ba vào giữa hôm rằm tháng bảy ta. Theo lối giải thích quê mùa thì con gái sinh ngày rằm lại là rằm tháng bảy sau này sẽ lận đận. Nhìn đứa ngủ ngon trong lòng chị chạnh lòng nghĩ tới thân phận mình "Không lẽ thân phận đời mẹ chưa xong đời con còn mắc?". - Đã ... đã mấy tháng ... tôi ... tôi đi tìm Kim mãi. Người kia nói khó khăn nhưng cũng đủ để khẳng định về việc anh ta cứ bám theo mẹ con chị. Chị cười, hàm răng trắng đều tăm tắp như hạt na. Nụ cười ấy chứng tỏ chị không thấy vướng víu trước những gì mà người kia đang làm. Rồi chị hát. Câu hát giờ nghe có phần dịu dàng hơn, da diết hơn chứ nó không ai oán như những lần trước chị hát. - Tôi bỏ chạy xe ôm trên biên giới lâu rồi...Kim....Kim đem con bé theo tôi về nhà .... nhà mình đi. Biết là mình nói ấp úng nhưng thành mạch, anh ta đã nói hết điều định nói với chị. Chị im lặng. Không hiểu chị còn cấn cá hay chị đồng ý. Người kia cũng thấy không nên giục giã nhiều, anh ta quay sang đùa với đứa con gái nhỏ đang tròn đôi mắt. Nó vẫn nín lặng như thế trước mọi câu chuyện, trước mọi hành động của mẹ nó. Chị rời quê, rời người bà con xa khi con bé được một tuổi. Không lẽ lại làm khó thêm một người khó nữa? Chị nghĩ vậy và cho dù người bà con xa có níu kéo thế nào chị cũng bế con ra đi. Nhưng đi đâu thì chị chưa đoán định. Bước chân còn mung lung ấy đưa đẩy thế nào dẫn chị về lại ngôi nhà của người chồng đầu với một hy vọng nhỏ nhoi: "Biết đâu đứa con gái thứ hai của chị đã về được nhà. Thêm nữa nó cũng là sự quen mà thôi. Chị biết lỡ rồi nhưng cảnh người chồng đầu cưới cô vợ mới khiến chị tò mò. Đàn bà thường hay tò mò nhưng lần tò mò này đầy oan nghiệt. Tiếng khóc ré lên của đứa con một tuổi như cứa vào tim chị những nỗi đau tê tái. Con đầu bị người ta đưa đi mất và khi nó xuất
  18. hiện trước mắt chị lại trong hoàn cảnh trớ trêu. Đứa con thứ hai bị lường bán mất tâm mất tích. Chị vùng chạy thật xa để không muốn đứa con thứ ba lại mang số phận như hai chị nó. Nhưng đi đâu và ở đâu cho nó được an toàn giữa những cám dỗ cùng bao rình rập. Chị điên. Một người đàn bà điên luôn ôm chặt đứa con gái trong vòng tay mình. Chị điên. Một người đàn bà điên biết hát dưới gầm cầu An Bình. - Anh thực sự tìm mẹ con tôi chứ? - Vậy là... là Kim không phải bị điên. Chị gật đầu. Cái gật đầu đồng ý. Người kia giơ tay đón đứa con gái mà chị đưa như đẩy vào lòng. Con bé im thít trong vòng tay người kia. Nó mở tròn đôi mắt nhìn gương mặt người đàn ông mà lần đầu tiên từ khi sinh ra nó được thấy gần đến thế. Chị mỉm cười, hàng răng trắng đều tâm tắp như hạt na và tươi như một tia nắng. Rồi chị bước xuống mép nước. Rât lâu rồi chị mới có được phút giây thảnh thơi, có được tâm trí tĩnh tại không phải lo giữ đứa con gái nhỏ. Chị vốc từng vốc nước lên. Đầu tiên là chị rửa mặt. Chị rửa thong thả không vội vàng. Bàn tay chị gỡ dần chiếc áo. Ở tuổi ngoài bốn mươi nhưng người đàn bà này còn đẹp. Đôi vai tròn cùng vầng ngực trắng như căng dưới làn nước. Chị đẹp. Lập lờ bên sóng nước trông chị lại càng đẹp hơn. Người kia ôm đứa con gái trên tay, anh đứng trên bờ ngay lối mòn dẫn từ triền đê xuống bến Míc. Anh giơ nó lên qua đầu mình để nó trông thấy mẹ nó. Đứa con gái nhoẻn nụ cười, nó cười ngồ ngộ. Nụ cười con trẻ bật thành tiếng "Khanh khách. Khanh Khách". Chị cất lên câu hát. Lời câu hát lặn vào dòng sông.
  19. Lời câu hát cứ mang mang mà chảy trôi. Lời câu hát cứ bồng bềnh, bồng bềnh hệt như một đám mây trắng đang in xuống mặt nước. Nước sông Thương tầm này dòng màu đỏ lan lan như đang cố hòa vào dòng màu xanh. Dòng màu xanh chùm lên dòng màu đỏ.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2