intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Lớp học giữa rừng

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

85
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Năm 1965, trong chiến khu chống Mỹ rừng miền Đông tôi đang trong đợt tập sự làm phóng viên chiến trường, theo sư đoàn 9 bộ binh tham gia chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài, chưa viết được bài nào một hôm cùng một đại đội hành quân bị lạc giữa rừng, chẳng đến được nơi phải đến trở về cũng không biết đường nào, loanh quanh trong vùng rừng già ma thiêng nước độc cả tuần lễ, ban chỉ huy quyết định dừng lại cho trinh sát đi các ngả tìm cơ quan đơn vị hỏi thăm đường,...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Lớp học giữa rừng

  1. Lớp học giữa rừng TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ VĂN THẢO NVTPHCM- Năm 1965, trong chiến khu chống Mỹ rừng miền Đông tôi đang trong đợt tập sự làm phóng viên chiến trường, theo sư đoàn 9 bộ binh tham gia chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài, chưa viết được bài nào một hôm cùng một đại đội hành quân bị lạc giữa rừng, chẳng đến được nơi phải đến trở về cũng không biết đường nào, loanh quanh trong vùng rừng già ma thiêng nước độc cả tuần lễ, ban chỉ huy quyết định dừng lại cho trinh sát đi các ngả tìm cơ quan đơn vị hỏi thăm đường, mất tuần lễ nữa một mủi trở về báo tìm được một kho gạo giữa rừng. Hay lắm, vừa lúc hết gạo xin một ít hoặc vay mượn hỏi đường đi tiếp. Nhưng kho gạo cương quyết không cho, nói không được phép, đây là gạo dự trữ quan trọng dành cho sư đoàn chủ công chiến dịch (thì chúng tôi đây), phải có giấy cấp của ban chỉ huy đóng dấu ký tên, ai biết chúng tôi là đơn vị nào người ngợm như thế nào. Tổ trưởng giữ kho gạo tuổi trung niên, mặt đen người to đùng, rất nghiêm nghị nguyên tắc, và tổ viên là ba cô gái trẻ, kể cũng lạ ở giữa rừng hoang vu như thế này. Nhưng chúng tôi không bình luận gì cả, không một cái liếc mắt lời nói đẩy đưa, trước mắt là vấn đề sinh tử cần phải có gạo ăn hỏi đường đi, ra sức năn nỉ nhưng tay tổ trưởng mặt đen cương quyết lắc đầu không một chút nao núng. “Tôi nói không được là không được”, gã nói, vững vàng như vị bồ tát trên tòa sen. “Chúng tôi có thể chết đói ở đây, ngay trước mặt anh”, đại đội trưởng hăm dọa. “Thì chết”, tổ trưởng gầm gừ. “Mấy anh có thể nhai tạm lá rừng, chúng tôi có vuông rẫy phía sau hái ít rau ăn phụ vào, có luồng bẩy ra đó kiếm ít thịt. Nhưng gạo thì không được, tôi nói rồi, đó là máu của chiến trường”.
  2. Ban chỉ huy lại họp, đại đội trưởng nháy mắt với chúng tôi “mạnh dùng sức yếu dùng chước”, giờ đây yếu thế rồi phải “đánh cửa hậu” giở trò mua chuộc thôi. Đại đội trưởng cho gom hết tiền bạc tư trang nếu có, cả đồng hồ đeo tay chỉ giữ lại một chiếc đi đường, một mình vào gặp tổ trưởng. Đôi bên thương thảo rất lâu, rồi đại đội trưởng đi ra mặt mày hớn hở, tiền của vẫn còn nguyên, cho mọi người đi xúc gạo vào ruột tượng chuẩn bị lên đường. Sau đó anh có việc bàn riêng với tôi. Chuyện là như vầy: anh đã hỏi đường rồi, hóa ra cũng gần trận địa thôi, đại đội sẽ đi thẳng đến đó nhào vô đánh liền, tôi là nhà báo không mắc mớ gì phải chịu nguy hiểm, tài liệu đã lấy nhiều rồi về nhà mà viết, tôi ở lại kho gạo vài ngày anh sẽ cho người đến đưa đi. Vậy cũng được. Tôi ở lại, nhưng đại đội vừa đi khỏi tay tổ trưởng kêu tôi bảo lập chương trình dạy học cho ba cô gái. Dạy học gì? Tôi hỏi. Thì còn gì nữa, tổ trưởng nói, đại đội trưởng hứa lấy gạo đổi lại việc tôi ở lại đây làm thầy giáo. Đúng một tháng. Ba cô gái dốt đặc ghi chép sổ sách chỉ toàn vạch đứng vạch ngang, tổ trưởng có biết chữ nhưng không thể dạy được, hằng ngày phải đi cảnh giới, cả đám chúi đầu vào học biệt kích tới không chết cũng ở tù rục xương. Hóa ra là như vậy, tay đại đội trưởng mắc dịch. Thế là tôi ở lại kho gạo làm thầy giáo bất đắc dĩ, đúng ra là bị ở tù, rủa tay đại đội trưởng cả tuần lễ, tuần sau vẫn còn rủa. Được cái ba cô gái học rất chăm chỉ, giữ kho gạo chẳng tốn nhiều thì giờ phần lớn chúng tôi dành cho việc học. Nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi, ngoài ra chẳng nên cơm cháo gì, ba cô gái lớn tồng ngồng chữ a chữ b không biết, số 1 số 2 cũng không, đếm mười ngón tay còn không hết, một vòng tròn chữ o mất cả buổi, vặn hết cả người chữ o vẫn cong queo dèm dẹp. Nhưng tôi cứ dạy, tới đâu thì tới, đã ăn cơm của người ta rồi, tôi nói với tay tổ trưởng không cần biết kết quả như thế nào, đúng một tháng là tôi dông. Trước đây thường ngày tay tổ trưởng đi cảnh giới quanh kho gạo, rồi đi xa hơn, dò xét các dấu vết biệt kích thám báo, nhưng từ ngày có tôi dạy học anh ta chỉ lẩn quẩn quanh bàn học, không biết cảnh giới cái gì.
  3. Lớp học không có chuyện gì về việc học, nhưng lại xảy ra chuyện khác. Ba cô gái quê đồng bằng sông Cửu Long (tay tổ trưởng người miền Bắc) biết tôi cùng quê hỏi đủ chuyện, tôi nói tôi đi lâu rồi cũng hỏi, các cô nhớ nhà muốn thư giãn vậy thôi, tôi cũng nhớ quê nhiều khi không cưỡng được, thế là giữa các con chữ con toán chúng tôi nói chuyện cá linh mùa nước nổi, bông súng bông điên điển, tháng này đã có cá chạch lấu chưa và người ta lưới bắt cá hô ra làm sao, tay tổ trưởng cầm súng dậm chân thình thịch bên ngoài ho khan nhảy mũi chúng tôi vẫn cứ nói. Lúc đó vào cuối năm rừng khu Sáu lạnh như cắt da, tối đến chúng tôi phải đốt đống lửa lớn cạnh võng nhưng cũng chỉ ngủ được từng chập, lửa tàn ngọn một chút phải trở dậy nhóm thêm. Đã gần Tết rồi, ba cô gái càng nhớ nhà hơn, cô gái nhỏ tuổi nhứt, người trắng trẻo cao dong dỏng một đêm thấy tôi trở dậy nhóm lửa đến cùng ngồi chuyện vãn một chút rồi nói: “Anh à, em nhờ anh chuyện này…” “Chuyện gì?”, tôi hỏi. “Sắp hết tháng tôi đi rồi…”. “Thì anh cứ đi, nhưng trước khi đi anh viết dùm em bức thư...”. “Vậy tôi dạy cô học làm gì?”. “ Nhưng em chưa viết được, anh biết rồi, em chỉ mới biết đánh vần chưa viết được thành câu”. “Vậy tôi viết như thế nào?”. “Em nói cho anh nghe ý em, anh viết thành thư rồi em chép lại. Em có thể nhờ anh tổ trưởng nhưng ở đây giao liên lâu tới lắm, lại sắp Tết rồi, anh đi mang dùm thư em đi”. Tôi không thể từ chối, đến gặp tay tổ trưởng: “Đáng lý mai tôi đi, có giao kèo rồi, nhưng tôi ở lại thêm ít nữa cho mấy cô viết được thành câu…”. Tay tổ trưởng trố mắt nhìn tôi, tôi bực mình nói tiếp:
  4. “Tôi nói cho anh biết tôi chẳng màng đâu, tôi ở cơ quan văn nghệ con gái có đến hàng trăm, diễn viên văn công không đẹp nhiều cũng đẹp ít, đây là tôi muốn phụ giúp các cô gái của anh khỏi vạch ngang vạch dọc trong những lần đong gạo”. Tay tổ trưởng vẫn ngậm miệng cóc. Như vậy là xong, tôi ở lại, nhiệm vụ phải hoàn thành, ngày đêm vẫn dạy đều, chăm chút nhiều hơn đến cô em út, bức thư phải hoàn thành, của cô cũng là của tôi. Tôi nói cơ quan tôi có nhiều cô văn công nhưng không ai giống cô gái này, cao dong dỏng trắng trẻo xinh đẹp như diễn viên múa lại cứ cúi gằm mặt như mắc cỡ về sự dốt nát của mình, cả về sắc đẹp của mình. Cô chưa từng đi học, chưa bận áo dài, chưa thấy con ngựa, nghe nói có loại nước đá cục lạnh ngắt cô rất ngạc nhiên. Dạy thêm nửa tháng nữa tôi thấy cô có thể viết được, đúng ra phải qua hai công đoạn: cô nói nội dung tôi viết thành bức thư, rồi cô theo đó chép lại coi như thư của cô. Buổi tối hôm đó được phép tổ trưởng hai chúng tôi bắt chiếc bàn đốt ngọn đèn dầu giữa rừng, hai cô gái kia rình ngó đằng xa, tổ trưởng đằng xa nữa. Trời lạnh chúng tôi phải đốt đống lửa. Qua ánh lửa bập bùng trông cô có vẻ hồi hộp sợ sệt, như sắp lao vào một chuyện gì ghê gớm lắm. Tôi hiểu tâm trạng của cô: nhớ nhà, sắp đưa được tiếng nói của mình về với cha mẹ, hẳn cô hình dung bức thư là như thế. Cô nói nhiều lắm, tôi ghi tóm tắt những ý chính, nếu không tôi phải viết một trường thiên tiểu thuyết.
  5. Cô kể chuyện ở rừng ít thôi, không nói rõ cô giữ kho gạo mà nói cô làm việc trong ngành hậu cần, ba cô gái biến thành một trung đội, anh chàng tổ trưởng thành ban chỉ huy, nói “ở đây gạo ăn phủ phê muốn bao nhiêu cũng có, cứ vào bồ xúc nấu ăn, không như ở quê chạy ăn từng bữa”. Cô nói toàn chuyện sung sướng, như đây là chỗ nghỉ mát. Rồi cô hỏi sang chuyện nhà thăm sức khỏe tất cả mọi người, cha mẹ anh chị em bà con họ hàng không sót ai, chuyện mần ăn lúa đã gặt hết chưa, con trâu Pháo chừng nào đẻ, chừng nào tát chiếc đìa sau nhà, cây me keo sau nhà mùa trái chín chắc chim trao trảo về nhiều lắm, gần Tết cô nhớ tiếng chim tu hú quá chừng. Rồi không ăn nhập vào đâu cô nói chuyện đám cưới nào đó, cô mới mười lăm tuổi cũng được làm phù dâu bận áo dài tô môi son. Ngưng một lúc, như sắp khóc cô hỏi cha mẹ, như hai ông bà đang ngồi trước mặt, rằng cô ở rừng lâu lấy chồng trên này được không, không hỏi ý kiến cha mẹ được không. Rồi suy nghĩ một lúc lâu nữa, cô lắc đầu nói không được, cô không lấy chồng trên rừng, cũng không lấy chồng lúc này, chừng yên giặc rồi cô về quê lấy chồng, có cha mẹ chứng kiến nhà cửa cơ ngơi sanh con đẻ cái. Một chuyện cô nhắc đi nhắc lại mãi, bảo tôi ghi cho kỹ, đó là hôm cô đi tòng quân, đơn vị hành quân đi ba má cô đi bám theo băng qua cả cánh đồng, cô tức giận la lối ba má làm vậy con mắc cỡ với bạn bè, con có còn là con nít đâu. Giờ nhớ lại chuyện đó cô hối hận lắm, muốn gặp ba má để xin lỗi, sao cô lại la lối ba má mình như thế, cô mong chiến tranh mau chấm dứt về nhà phụng dưỡng ba má chuộc lại lỗi lầm xưa. Cô nói suốt đêm nhưng sáng hôm sau tôi viết chỉ mất nửa tiếng, chẳng thể đem nước mắt vào trong thư, chuyện tát đìa chim tu hú cũng chẳng đáng gì phải kể lể. Sau đó cô chép lại mất cả buổi, gò lưng nắn nót từng chữ một, mồ hôi tuôn đầm đìa cuối cùng cũng xong, bức thư hai trang giấy học trò xếp lại bằng ba ngón tay, tôi lấy cất vào ba lô ra đi, từ đó đến hết chiến tranh tôi không trở lại vùng đó không biết kho gạo với ba cô gái chàng trai ở đó như thế nào.
  6. Bức thư tôi cũng không gởi đi được, sau đó tôi đụng nhiều trận ác liệt đầu óc mông lung về tới cơ quan lục không thấy thư đâu cả, không biết hỏi ai, rồi quên đi trong những năm tháng chiến tranh dồn dập tiếp theo. Sau giải phóng nhiều năm, một hôm vợ tôi lục soạn chiếc ba lô cũ thấy lá thư nằm dưới đáy. Vậy là đã hơn hai mươi năm trôi qua, tôi ân hận quá có ý hỏi thăm người này người kia, và một lần gần như tìm gặp được. Ấy là lần trong lễ cắt băng khánh thành công trình đầu tư, giờ giải lao ngoài hành lang đại biểu tụ họp chuyện vãn, bỗng có người phụ nữ nói rằng hồi xưa trong chiến khu chị giữ một kho gạo trong rừng. Tôi mừng rỡ hỏi tới nữa, nhưng chẳng có chuyện học hành viết bức thư gì cả. Làm sao học? Ai dạy? Bản thân chị hồi đó chữ nghĩa không bao nhiêu nhưng cũng không hề nhờ ai viết thư, thật ra cũng ít viết, gia đình nhận được thư càng nhớ thương đâu ích gì. Lát sau vào họp chị phụ nữ lên đọc thuyết trình, mới biết ra đó là vị tiến sĩ tên tuổi đã từng học nước ngoài, có nhiều công trình luận án đăng báo. Chị phụ nữ thuyết trình dài lắm mọi người vỗ tay nhưng tôi không nghe, đầu óc chìm đắm vào chuyện cũ với cô gái nhờ tôi viết thư, trong vùng rừng âm u tối đen, mong biết chừng nào giờ đây cô cũng được vẻ vang như thế, tuy rằng có thể ngược lại, người phụ nữ sau chiến tranh số phận thường là hẩm hiu. Nhưng tất cả những chuyện đó không quan trọng gì, người sang kẻ hèn rồi cũng thế thôi, cái chính phải chi hồi đó bức thư được chuyển đi, cha mẹ cô gái nhận được đang ở quê còn khói lửa, đêm ba mươi năm hết Tết đến, điều đó quí giá hơn vạn lần những tràng pháo tay cắt băng khánh thành như thế này.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2