BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH<br />
________________<br />
<br />
Lại Thùy Phương<br />
<br />
VẬN DỤNG DẠY HỌC DỰ ÁN VÀO TỔ CHỨC<br />
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA KIẾN THỨC<br />
CHƯƠNG “ĐỘNG LỰC HỌC CHẤT ĐIỂM”<br />
SÁCH GIÁO KHOA LỚP 10 NÂNG CAO<br />
<br />
Chuyên ngành<br />
<br />
: Lý luận và phương pháp dạy học vật lý<br />
<br />
Mã số<br />
<br />
: 60 14 10<br />
<br />
LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC<br />
<br />
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:<br />
PGS.TS. ĐỖ HƯƠNG TRÀ<br />
<br />
Thành phố Hồ Chí Minh – 2009<br />
<br />
LỜI CÁM ƠN<br />
Trước hết, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến PGS.TS Đỗ Hương Trà<br />
đã tận tình định hướng, hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực<br />
hiện nghiên cứu và hoàn thành luận văn.<br />
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Ban Giám Hiệu, Phòng KHCN – Sau<br />
Đại Học, khoa Vật lý trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, trường THPT chuyên<br />
Nguyễn Du, tỉnh Daklak, các thầy cô giáo, đồng nghiệp đã tạo điều kiện<br />
giúp đỡ tôi thực hiện luận văn.<br />
Cuối cùng, xin cám ơn gia đình, bè bạn đã động viên, hỗ trợ tôi suốt thời<br />
gian theo học chương trình cao học và hoàn thiện luận văn.<br />
<br />
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT<br />
<br />
PGS.TS.<br />
<br />
: Phó giáo sư, tiến sĩ<br />
<br />
SGK<br />
<br />
: Sách giáo khoa<br />
<br />
ĐHSP TPHCM :<br />
<br />
Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh<br />
<br />
THPT<br />
<br />
: Trung học phổ thông<br />
<br />
GV<br />
<br />
: Giáo viên<br />
<br />
HS<br />
<br />
: Học sinh<br />
<br />
CHKQ<br />
<br />
: Câu hỏi khái quát<br />
<br />
CHBH<br />
<br />
: Câu hỏi bài học<br />
<br />
CLB<br />
<br />
: Câu lạc bộ<br />
<br />
HĐNK<br />
<br />
: Hoạt động ngoại khóa<br />
<br />
GDĐT<br />
<br />
: Giáo dục đào tạo<br />
<br />
BGK<br />
<br />
: Ban giám khảo<br />
<br />
BGH<br />
<br />
: Ban giám hiệu<br />
<br />
NXB<br />
<br />
: Nhà xuất bản<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
<br />
1.<br />
<br />
Lý do chọn đề tài:<br />
<br />
Nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tiến vào hội nhập quốc tế.<br />
Yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi nguồn nhân lực phải được phát triển cả về số<br />
lượng và chất lượng. Mặt khác, khoa học công nghệ phát triển nhanh, mạnh với tốc độ mang tính<br />
bùng nổ, thể hiện qua sự ra đời của nhiều lý thuyết, thành tựu mới cũng như khả năng ứng dụng<br />
chúng vào thực tế cao, rộng và nhanh. Bản thân đối tượng học tập cũng được tiếp nhận với nhiều<br />
nguồn thông tin đa dạng phong phú; học sinh ngày nay linh hoạt, chủ động hơn, cho nên các em<br />
cũng có đòi hỏi cao hơn từ phía nhà trường. Giáo dục cần tập trung vào đào tạo học sinh trở thành<br />
những con người năng động, sáng tạo, có khả năng thích nghi với sự phát triển không ngừng của<br />
xã hội. Chính vì vậy mà nước ta đang thực hiện cải cách toàn diện giáo dục phổ thông.<br />
Một trong những trọng tâm của đổi mới giáo dục phổ thông là tập trung vào đổi mới phương<br />
pháp dạy học. Tiến trình dạy học cần được thực hiện dựa trên hoạt động tích cực, chủ động của<br />
học sinh với sự tổ chức và định hướng đúng đắn của giáo viên nhằm phát triển tư duy độc lập,<br />
sáng tạo, góp phần hình thành phương pháp và nhu cầu tự học, bồi dưỡng hứng thú học tập, tạo<br />
niềm tin và niềm vui trong học tập cho học sinh. Định hướng đổi mới này cũng gắn liền với việc<br />
đa dạng hoá các hình thức học tập: dạy học trong nhà trường và ngoài môi trường thực tế, học tập<br />
trong giờ học chính khoá và học qua các hoạt động ngoại khoá… Như thế, các phương pháp dạy<br />
học tích cực, hướng vào học sinh rất cần được áp dụng thường xuyên song song với việc gia tăng<br />
tiến hành các hoạt động ngoại khoá.<br />
Cùng với xu thế chung của đổi mới giáo dục, dạy học vật lý cũng cần có những đổi mới nhất<br />
định về hình thức và phương pháp. Chương trình, sách giáo khoa mới, những đổi mới trong quản<br />
lý và đánh giá đang là những thuận lợi cho giáo viên thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học<br />
của mình nhằm hướng vào tổ chức hoạt động học tập tích cực, sáng tạo cho học sinh. Tuy nhiên,<br />
thực tế sau 2 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở cấp THPT cho thấy chương trình<br />
lớp 10 ban nâng cao còn tồn tại mâu thuẫn giữa yêu cầu cao về kiến thức với thời gian chính khoá<br />
dành cho tiết học vật lý. Việc tiến hành áp dụng các phương pháp dạy học tích cực lại thường đòi<br />
hỏi khá nhiều thời gian dành cho hoạt động học tập tại lớp học. Để giải quyết thực tế khó khăn đó,<br />
một giải pháp đề xuất có thể xem xét tính hiệu quả là tăng cường tổ chức dạy học dự án – một hình<br />
thức dạy học mở, hiện nay đang rất phát triển ở các nước tiên tiến – thông qua các hoạt động ngoại<br />
khoá vật lý (Điều này có thể giải quyết được các áp lực về thời gian). Mặt khác, dạy học dự án<br />
thông qua các hoạt động ngoại khoá vật lý được tổ chức tốt còn làm tăng niềm yêu thích, hứng thú<br />
học tập môn vật lý, phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại khoá,<br />
các sinh hoạt đội nhóm bộ môn cũng là những hoạt động giáo dục cần thiết trong trường phổ thông<br />
và rất cần được nghiên cứu tìm hiểu thêm về lý luận để có thể vận dụng tốt nhất vào thực tế.<br />
Vì những lý do trên mà tôi chọn đề tài tốt nghiệp thạc sĩ của mình là “Vận dụng dạy học dự<br />
án vào tổ chức hoạt động ngoại khoá một số kiến thức chương “Động lực học chất điểm” SGK vật<br />
lý lớp 10 nâng cao”.<br />
2.<br />
<br />
Lịch sử nghiên cứu vấn đề:<br />
<br />
Dạy học dự án (hay dạy học theo dự án, dạy học tiếp cận dự án) xuất hiện từ khá sớm. Từ thế<br />
kỷ XIX, trên thế giới, dạy học dự án đã được vận dụng dưới nhiều hình thức khác nhau.<br />
Tại Việt Nam, từ những đòi hỏi mạnh mẽ về đổi mới phương pháp dạy học, dạy học dự án đã<br />
đựơc nghiên cứu, phổ biến để đưa vào vận dụng trong thực tế dạy và học. Năm 2004, phương pháp<br />
dạy học theo dự án đã được bồi dưỡng cho giáo viên và tiến hành thí điểm bằng việc đưa công<br />
nghệ thông tin vào dạy học thông qua chương trình “Dạy học hướng tới tương lai”. Chương trình<br />
này được sự hỗ trợ của Intel nhằm giúp các giáo viên khối phổ thông trở thành những nhà sư phạm<br />
hiệu quả thông qua việc hướng dẫn họ cách thức đưa công nghệ vào bài học, cũng như thúc đẩy kỹ<br />
năng giải quyết vấn đề, tư duy phê phán và kỹ năng hợp tác đối với học sinh. Cho đến nay, đã có<br />
33.251 giáo viên và giáo sinh từ 21 tỉnh/thành phố tham dự các chương trình dạy học của Intel [4].<br />
Chương trình này đã tạo ra những sự thay đổi tích cực trong thực tiễn dạy học và cả trong quản lý<br />
dạy học ở các trường phổ thông tại Việt Nam.<br />
Bên cạnh chương trình của Intel, dạy học dự án cũng xuất hiện trong chương trình “Partner in<br />
learning” của Microsoft. Chương trình này không chỉ đào tạo, bồi dưỡng phương pháp dạy học dự<br />
án kết hợp sử dụng công nghệ thông tin mà còn tổ chức cuộc thi “Giáo viên sáng tạo” thu hút sự<br />
tham gia của khá nhiều giáo viên trên cả nước với nhiều bài học vận dụng dạy học dự án rất hiệu<br />
quả ở hầu hết các bộ môn.<br />
Hoà cùng với việc tích cực vận dụng công nghệ trong dạy học, dạy học dự án đã được nhiều<br />
sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu giáo dục tìm hiểu để vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào thực tế<br />
nước ta. Có khá nhiều đề tài tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ tìm hiểu xây dựng tiến trình dạy<br />
học dự án một kiến thức vật lý trong chương trình phổ thông như : luận văn tốt nghiệp ĐHSP<br />
TPHCM niên khóa 2001-2005 của Hồ Thanh Liêm về vận dụng dạy học dự án vào dạy học<br />
chương “Dòng điện trong các môi trường”; đề tài tốt nghiệp thạc sĩ của Đào Thị Thu Thuỷ (Cao<br />
học K14, ĐHSP Hà Nội): “Tổ chức dạy học dự án vào một số kiến thức chương “Cảm ứng điện<br />
từ” sách giáo khoa Vật lý 11 nhằm phát triển hoạt động nhận thức tích cực, tự chủ của học sinh<br />
trong học tập” hay đề tài tốt nghiệp thạc sĩ của Nguyễn Thu Hằng (năm 2008) về tổ chức dạy học<br />
dự án một số kiến thức chương Tĩnh học vật rắn ở lớp 10 nâng cao, ... Những đề tài này đều tập<br />
trung tìm cách vận dụng dạy học dự án vào các giờ học chính khoá môn vật lý. Tuy nhiên, khi<br />
triển khai thực nghiệm dạy học dự án giáo viên gặp phải một số khó khăn như: phân phối thời gian<br />
cho tiết học trên lớp đều rất eo hẹp khó có đủ thời gian để học sinh hoàn thành dự án, trình độ và<br />
kĩ năng không đồng đều của học sinh. Hiệu quả của dự án vì thế không khỏi còn một số hạn chế.<br />
Dưới góc độ tổ chức hoạt động ngoại khoá trong dạy học vật lý, cơ sở lý luận và thực tiễn về<br />
tác dụng và sự cần thiết của hoạt động ngoại khoá đến việc giáo dục học sinh đã được thừa nhận.<br />
Tuy nhiên, vận dụng tổ chức ngoại khoá trong dạy học vật lý như thế nào cho hiệu quả thì vẫn còn<br />
là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Về tổ chức hoạt động ngoại khoá, PGS. TS. Nguyễn<br />
Văn Khải và Trương Đức Cường có bài viết “Tổ chức dạy học ngoại khoá phần Điện học lớp 12<br />
nhằm góp phần giáo dục kỹ thuật tổng hợp cho học sinh” trên tạp chí Giáo dục số 178 đề cập đến<br />
việc tìm hiểu các hình thức ngoại khoá trong dạy học vật lý, phương pháp thiết kế giáo án tổ chức<br />
dạy học ngoại khoá vật lý.<br />
Cho đến nay, đề tài nghiên cứu đề cập đến việc tổ chức dạy học dự án ngoài các giờ học<br />
chính khoá còn hạn chế. Nói cách khác, chưa có công trình nghiên cứu nào tìm hiểu để tổ chức<br />
dạy học dự án qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá dành cho những học sinh yêu thích học<br />
tập, tìm hiểu vật lý. Đây có thể là một hướng đi thích hợp để vận dụng linh hoạt cơ sở lí luận của<br />
<br />