Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lâm nghiệp: Nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của rừng cao su ở Nông trường cao su Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương
lượt xem 3
download
Đề tài nghiên cứu nhằm 2 mục tiêu: Tính toán khả năng hấp thụ CO2 của các bộ phận rừng cao su trên mặt đất; xác định được chi phí môi trường tại thời điểm nghiên cứu hấp thụ CO2 của rừng cao su. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lâm nghiệp: Nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của rừng cao su ở Nông trường cao su Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương
- 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Lý do chọn đề tài Biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống của toàn nhân loại trên thế giới. Cộng đồng thế giới đang có những nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 15) cũng đã diễn ra từ 07-18/12/2009 tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch nhằm ký kết một thỏa thuận ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Là một bán đảo thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa Đông Nam Á, Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia có nhiều khả năng chịu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trên thực tế Việt Nam đã có những biểu hiện của BĐKH về các yếu tố khí hậu cơ bản (nhiệt độ, lượng mưa...) cũng như các yếu tố thời tiết cực đoan (bão, mưa lớn, hạn hán...). Theo “Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu ở Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) năm 2009. Nhiệt độ tăng ít nhất 1,1 – 1,9oC, nhiều nhất 2,1 – 3,6oC; lượng mưa tăng ít nhất 1,0 – 5,2% và nhiều nhất từ 1,8 – 10,1%; mực nước biển dâng ít nhất 65 cm, nhiều nhất 100 cm so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999. Tác động tiềm tàng BĐKH ở Việt Nam thể hiện trong tất cả các lĩnh vực chủ yếu: tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, sức khỏe. Nhìn chung, tác động của biến đổi khí hậu là nghiêm trọng nhất đối với nông nghiệp và tài nguyên nước. Những hậu quả đó là do tình trạng phát thải khí CO2 trong khí quyển ngày càng tăng. Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (The Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC, 2001) dự báo sự thay đổi việc sử dụng đất rừng nhiệt đới hoặc sự tàn lụi của nó sẽ làm phát thải đi khoảng 1,5 tỷ tấn carbon. Con số đó gây nên việc phát thải khí CO2 trong tầng khí quyển lên đến 1/5 tổng lượng phát thải khí CO2 vào môi trường. Lượng khí CO2 phát thải do sự thay đổi việc sử dụng đất rừng nhiệt đới nhiều hơn cả phát thải khí CO2 trong giao thông toàn cầu. Vì thế, vấn đề đặt ra cho con người là làm sao giảm bớt hàm lượng
- 2 khí thải CO2, giảm bớt tình trạng suy thoái môi trường bằng nhiều hoạt động thiết thực trong số đó việc phục hồi những cánh rừng hay phát triển các cây công nghiệp lâu năm giữ vai trò quan trọng. Hội nghị thay đổi khí hậu gồm 187 nước trên thế giới họp tại Indonesia bàn và ký kết Thỏa hiệp Bali ngày 15 tháng 12 năm 2007. Hội nghị đã nêu lên chương trình giúp đỡ việc hạn chế sự phá hủy vùng rừng nhiệt đới trên thế giới để giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Chương trình có tên “Giảm thiểu khí phát thải từ suy thoái và mất rừng” tên tiếng Anh là Reducing Emissions from Deforestation and Degradation (viết tắt là REDD). Các nước đang phát triển cũng là những đối tác quan trọng tham gia chương trình REDD. Theo đó các nước phát triển sẽ phải chi trả phí dịch vụ môi trường cho các nước đang phát triển ở việc mua các tín dụng carbon của những cánh rừng hấp thụ CO2. Việt Nam là nước nằm trong số đối tác của dự án REDD “Reduced Emission from Deforestation and forest Degradation” cần xây dựng việc hoạch tính quỹ tín dụng carbon từ những cánh rừng của mình, trong số đó có rừng trồng cao su. Mặc dù, rừng cao su không thể thay thế được rừng tự nhiên và không thể hiện đầy đủ các giá trị và chức năng của rừng với những yếu tố đa dạng sinh học, cân bằng môi trường sinh thái. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiệu quả mang lại từ khả năng hấp thụ CO2 của rừng cao su, đó là những hiện thực cần được tính toán và thống kê với vai trò góp phần giảm thải sự phát thải CO2 trong khí quyển. Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 12 và cả năm 2010 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây cao su đạt 740.000 hecta. Đây là con số khá lớn về diện tích cao su trong nước, do vậy Việt Nam cũng cần có những tính toán để cung cấp thông tin về khả năng hấp thụ CO2 của cây cao su nói chung và cho Nông trường cao su Long Tân nói riêng. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài: Nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của rừng cao su ở Nông trường cao su Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
- 3 Mục tiêu và giới hạn đề tài * Mục tiêu nghiên cứu - Tính toán khả năng hấp thụ CO2 của các bộ phận rừng cao su trên mặt đất. - Xác định được chi phí môi trường tại thời điểm nghiên cứu hấp thụ CO2 của rừng cao su. * Gới hạn nghiên cứu - Về nội dung: Do giới hạn thời gian và kinh phí thực hiện đề tài cho phép nên đề tài chỉ nghiên cứu về khả năng hấp thụ CO2 của cao su trên mặt đất thông qua các bộ phận thân, cành, lá. Không nghiên cứu sinh khối vỏ riêng của cao su, do không được phép tách vỏ của cây cao su khai thác và cũng không nghiên cứu về lập địa, đất đai, lượng hấp thụ CO2 dưới mặt đất. - Phạm vi nghiên cứu: Khu vực nghiên cứu tại Nông trường cao su Long Tân, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. - Thời gian: Thời gian thực hiện luận văn từ tháng 8/2011 đến tháng 2/2012.
- 4 Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN NGHIÊN CỨU 1.1.1. Lịch sử phát triển cây cao su và đặc điểm thực vật học 1.1.1.1. Lịch sử phát triển cây cao su Việt Nam + Giai đoạn trước 1990 Cây cao su được du nhập vào VN được trên 110 năm (kể từ 1897). Thời rực rỡ của trồng và sản xuất cao su thiên nhiên ở Việt Nam là các năm 1920- 1940. Năm 1930 đã khai thác trên 10.000 ha, sản xuất 11.000 tấn. Năm 1950, sản xuất 92.000 tấn, trên diện tích khai thác gần 70.000 ha. Nhờ chính sách khuyến khích của chính quyền thuộc địa (chính sách đất đai và chính sách cho vay lãi suất thấp), tư bản Pháp đã thiết lập các đồn điền lớn như Công ty Đất đỏ (Compagnie des Terres rouges), SIPH, Công ty đồn điền Michelin, ở các tỉnh miền Đông và ở Tây Nguyên. Xuất khẩu cao su và gạo lúc đó là “hai vú sữa cho nền kinh tế Việt Nam” Cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, Việt Nam phát động phong trào cao su tiểu điền (small holding) như Malaysia, Indonesia và Thailand, nhưng với nét khác biệt là chương trình cao su dinh điền. Các tiểu điền cao su dinh điền thiết lập liên canh, liên địa thành diện tích lớn với các dòng năng suất cao lúc đó là GT1, PB86…Chương trình cao su dinh điền dự trù phát triển đến 200.000 ha ở những vùng sinh thái thích hợp (miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên). Trong hơn 5 năm, từ 1958 đến 1963 diện tích cao su dinh điền đã lên đến 30.000 ha. Năm 1962 chương trình cao su được khuyến khích tài trợ và giúp đỡ kỹ thuật cho các tư nhân Viêt Nam (cả cho các đồn điền nào muốn mở rộng thêm diện tích khai thác hay trồng lại nhiều vườn cao su đã già cỗi, khai thác đã trên 30 - 40 năm). Chương trình cao su Viêt Nam dự tính diện tích cao su tiểu điền có năng suất cải thiện là 500.000 ha, nghĩa là bằng diện tích cao su tiểu điền Malaysia và Indonesia các thập niên này. Tuy nhiên, chiến tranh tàn khốc đã làm tan hoang các đồn điền, công ty và nhất các cao su tiểu điền, dinh điền. Trong thập niên 1970, chích sách phát triển kinh tế tập thể đã không còn hỗ trợ
- 5 phát triển tư nhân tiểu điền cao su nữa. Theo thống kê năm 1976, tổng diện tích cao su mới chỉ có 76.600 ha (riêng các tỉnh phía Bắc có khoảng 5.000 ha), với sản lượng 40.200 tấn. Trong thập niên 80, chính sách đổi mới bắt đầu cho phép tiểu nông thuê khai thác tiểu điền, đã đem lại phần nào sinh khí cho ngành cao su Viêt Nam. Tuy nhiên, do giá cao su vào thập niên thập niên 80 giảm mạnh, các tiểu điền cũng như đồn điền cũ chưa tạo ra được bước phát triển đáng kể cho ngành cao su Việt Nam. + Giai đoạn sau năm 1990 đến nay Sau khi Liên Xô tan rã, diện tích cao su không phát triển được vào những năm đầu thập niên 90. Năm 1990, diện tích cao su Việt Nam là 250.000 ha và sản lượng là 103.000 tấn (diện tích cao sản chỉ khoảng 15%, trong khi đó Thái Lan có 1.884.000 ha, với 52% diện tích cao sản, mức sản xuất mủ khô là 1.786.000 tấn; Indonesia cứ 3.155.000 ha, nhưng sản lượng ít hơn Thái Lan 1.429.000 tấn). (Trần Đức Viên, 2008). Nhờ chủ trương phát triển kinh tế thị trường những năm 1990, cao su tiểu điền lại được khuyến khích phát triển và cũng trong thời kỳ này giá cao su xuất khẩu đã lên đến đỉnh với 1.500 USD/tấn và ngành cao su khởi sắc trở lại. (Trần Đức Viên, 2008). Đến năm 2000 sản lượng cao su đạt 290,8 ngàn tấn. Trước tính hình cạnh tranh đất trồng giữa các loại cây công nghiệp khác có cùng yêu cầu sinh thái như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả... Chính phủ đã chủ trương chỉ phát triển ngành cao su với quy mô 400.000ha. Tuy nhiên, đến năm 2001 diện tích cao su trên toàn quốc đã lên tới trên 405.000 ha và các địa phương vẫn tiếp tục ủng hộ phát triển cao su, nhất là các tỉnh duyên hải miền Trung. Trước năm 2005, Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên đứng thứ 6 trên thế giới (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, và Trung Quốc). Vị thế của ngành cao su Việt Nam trên thế giới ngày càng được khẳng định. Từ năm 2005, nhờ sản lượng tăng nhanh hơn Trung Quốc, Việt Nam đã vươn lên hàng thứ 5. Riêng về xuất khẩu, từ nhiều năm qua Việt Nam đứng hàng thứ 4 thế giới. (Trần Đức Viên, 2008).
- 6 1.1.1.2. Đặc điểm thực vật học Cao su có danh pháp khoa học: Hevea brasiliensis, là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đại kích (Euphorbiaceae) và là thành viên có tầm quan trọng kinh tế lớn nhất trong chi Hevea. Hình 1.1. Cây cao su (Hevea brasiliensis Muell Arg). Thông thường cây cao su có chiều cao khoảng 30 mét, có nơi đất tốt cây có thể cao trên 30 mét, vanh thân có thể đạt tới 5 mét, tán lá rộng và có thể sống trên 100 năm. Cây cao su trong sản xuất được trồng đại trà, thường với số lượng lớn để sản xuất công nghiệp. Là cây đã được ghép của những dòng vô tính, được chọn lọc để bảo đảm tính tương đối, đồng nhất của vườn cây và ổn định năng suất. - Rễ: Cao su vừa có rễ cọc vừa có rễ bàng, rễ cọc cắm sâu vào đất giúp cây đứng vững suốt đời sống và hút nước, dinh dưỡng từ tầng đất sâu. Còn hệ thống rễ bàng phát triển rất rộng và phần lớn tập trung ở tầng đất canh tác, hệ thống rễ có nhiệm vụ chủ yếu là hút nước và hút dinh dưỡng. - Thân: Là bộ phận kinh tế nhất của cây cao su với lớp vỏ nhẵn màu nâu nhạt, mang những ống chứa mủ, đây là nơi khai thác mủ trong suốt quá trình kinh doanh sau đó là khai thác gỗ khi sản lượng mủ giảm ở độ tuổi già. - Lá: Cây cao su thuộc loại lá kép có ba lá chét với phiến lá nguyên, mọc cách và mọc thành từng tầng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây có giai đoạn rụng lá qua đông tập trung ở những vùng có mùa khô rõ rệt.
- 7 - Hoa, quả và hạt: Hoa thuộc loại hoa đơn, hoa đực bao quanh hoa cái nhưng thường thụ phấn chéo, vì hoa đực chín sớm hơn hoa cái; quả cao su là quả nang có 3 mảnh vỏ ghép thành 3 buồng, mỗi nang một hạt hình bầu dục hay hình cầu, đường kính 02 cm, có hàm lượng dầu đáng kể được dùng trong kỹ nghệ pha sơn Cây phát triển tốt ở vùng nhiệt đới ẩm, có nhiệt độ trung bình từ 220C đến 300C (tốt nhất ở 260C đến 280C), không có sương muối về mùa đông; cần mưa nhiều (tốt nhất là 2.000 mm) nhưng không chịu được sự úng nước và gió. Độ dốc dưới 30 độ; Tầng đất dày tối thiểu 0,7 m; Độ sâu mực nước ngầm lớn hơn 1,2 m và không bị ngập úng khi có mưa; Thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt. Mức độ kết von, đá lẫn trong tầng đất canh tác < 50% . Hoá tính đất: hàm lượng mùn tầng đất mặt > 1,0 %, pH: 4 – 6. Vùng đất trồng cao su phải được thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo điều kiện để thâm canh và chống xói mòn (Hứa Đức Nhị, 2009). Việc cạo mủ rất quan trọng và ảnh hưởng tới thời gian và lượng mủ mà cây có thể cung cấp. Khi cây đạt độ tuổi 5 – 6 năm thì người ta bắt đầu thu hoạch nhựa mủ: Các vết rạch vuông góc với mạch nhựa mủ, với độ sâu vừa phải sao cho có thể làm nhựa mủ chảy ra mà không gây tổn hại cho sự phát triển của cây và nhựa mủ được thu thập trong các thùng nhỏ. Quá trình này gọi là cạo mủ cao su. Các cây già hơn cho nhiều nhựa mủ hơn, nhưng chúng sẽ ngừng sản xuất nhựa mủ khi đạt độ tuổi 26 - 30 năm. Bình thường bắt đầu cạo mủ khi chu vi thân cây khoảng 50 cm. Cạo mủ từ trái sang phải, ngược với mạch mủ cao su. Độ dốc của vết cạo từ 20 đến 350, vết cạo không sâu quá 1,5 cm và không được chạm vào tầng sinh gỗ làm vỏ cây không thể tái sinh. Khi cạo lần sau phải bốc thật sạch mủ đã đông lại ở vết cạo trước. Thời gian thích hợp nhất cho việc cạo mủ từ 7 đến 8 giờ sáng. 1.1.2. Những nghiên cứu về sinh khối Nghiên cứu sinh khối thực vật nói chung, sinh khối rừng nói riêng đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm từ rất sớm. Hiện tại chúng ta đã thấy rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày một tăng, môi trường tự nhiên dần dần bị thay đổi theo chiều hướng bất lợi… Dẫn đến khí hậu trái đất thay đổi. Điều đó nói
- 8 lên tính cấp bách của loài người phải đoàn kết, cùng nhau xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng được coi là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu, thì việc nghiên cứu về sinh khối cũng như nghiên cứu về khả năng hấp thụ khí CO2 càng trở nên cấp thiết hơn cả. Sinh khối là tổng lượng vật chất mà cây đã tích lũy được trong quá trình sinh trưởng và phát triển, là chỉ tiêu đánh giá sinh trưởng và sản lượng của rừng. Trong thời gian gần đây, các phương pháp nghiên cứu định lượng và mô hình dự báo sinh khối cây rừng thông qua các mối quan hệ giữa sinh khối cây với các nhân tố điều tra dễ đo đếm trở nên phổ biến hơn, giúp cho việc dự đoán sinh khối nhanh chóng và tiết kiệm hơn. Sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm tới 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Ở các nước đang phát triển, sinh khối thường là nguồn năng lượng lớn nhất, trung bình đóng góp khoảng 35% trong tổng năng lượng cung cấp. (Nguyễn Quang Khải, 2006) Hệ sinh thái rừng đóng vai trò rất quan trọng trong chu trình carbon toàn cầu. Nó lưu trữ khoảng 80% ở trên mặt đất và khoảng 40% ở dưới lòng đất (IPCC, 2001). Theo tổ chức FAO (2004) đã định nghĩa sinh khối là những vật liệu hữu cơ cả trên mặt đất và dưới lòng đất, còn sống hay đã chết, ví dụ như: Cây xanh, cây, cỏ, rác cây, rễ... Sinh khối trên mặt đất là tất cả sinh khối sống trên đất bao gồm cả thân, gốc, nhánh, vỏ cây, hạt và tán lá. Dưới mặt đất bao gồm tất cả sinh khối rễ sống trừ những rễ nhỏ (đường kính nhỏ hơn 2 mm). Trong các nghiên cứu sinh khối rừng, hai đơn vị năng lượng sinh khối được sử dụng là: Trọng lượng tươi và trọng lượng khô. Sinh khối là đơn vị đánh giá năng suất của lâm phần. Theo (Brown, 1997) thì sinh khối được xác định là tất cả chất hữu cơ ở dạng sống và chết (còn ở trên cây) ở trên hoặc dưới mặt đất. Mặc khác, để có được số liệu về hấp thụ cacbon, khả năng và động thái quá trình hấp thụ cacbon của rừng, người ta phải tính từ sinh khối của rừng. Chính vì vậy điều tra sinh khối cũng chính là điều tra hấp thụ cacbon của rừng (Ritson and Sochacki, 2003).
- 9 Sinh khối đã trở thành một phần quan trọng của lâm nghiệp trong cả nước. Sự loại bỏ sinh khối do khai thác cây cối để sản xuất bột giấy, nhu cầu năng lượng, hoặc gỗ làm nhà… gây ra những tác động không mong muốn đến môi trường tự nhiên. Do đó, khai thác sinh khối phải đảm bảo trên nguyên tắc bảo vệ tất cả các giá trị của rừng, muốn vậy phải làm cho rừng phát triển mạnh hơn và cần sự hợp tác của cả cộng đồng. Sinh khối của rừng cao su có giá trị về khoa học, kinh tế đối với con người mà nó còn có vai trò rất quan trọng trong quá trình giảm thiểu khí thải nhà kính thông qua quá trình quang hợp 1.1.2.1. Nghiên cứu sinh khối ở ngoài nước Biến đổi khí hậu sẽ khiến cho công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên ngày càng phức tạp hơn theo thời gian và bao gồm nhiều khía cạnh giảm thiểu và thích ứng. Nhiều tác động lâu dài của biến đổi khí hậu chưa được biết chắc, nhưng rõ ràng nhiệt độ sẽ tăng, có thể từ 2 đến 4°C vào cuối thế kỷ này. Nếu so sánh trên toàn cầu, Việt Nam chưa phải là nước phát thải nhiều khí nhà kính. Theo Viện Tài nguyên Thế giới, Việt Nam phát thải khoảng 177 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e) trong năm 2005, là năm gần đây nhất có số liệu so sánh quốc tế. Trên cơ sở đó, Việt Nam được xếp thứ 35 về mức phát thải tuyệt đối trên thế giới và chiếm khoảng 0,5% tổng lượng phát thải toàn cầu. Mức phát thải bình quân đầu người giữ ở mức khoảng 2 tấn CO2e, xếp thứ 111 trên thế giới. Tuy nhiên, phát thải khí nhà kính ở Việt Nam được dự kiến sẽ tăng đáng kể theo thời gian. (Báo cáo phát triển Việt Nam, 2010) Theo Báo cáo của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế Giới (WWF) và Hội Công nghiệp sinh khối Châu Âu (AEBIOM), sinh khối cung cấp một nguồn năng lượng hiệu quả đồng thời lại là nguồn năng lượng carbon trung tính, có thể đảm bảo tới 15% nhu cầu năng lượng của các nước công nghiệp vào năm 2020. Hiện tại, nguồn này mới chỉ đạt 1% nhu cầu này. Báo cáo còn nêu thêm rằng, tăng nhiều sinh khối để sản xuất năng lượng sạch chỉ đòi hỏi gần 2% đất trồng của các nước công nghiệp và không cần cạnh tranh với sản xuất lương thực và bảo tồn thiên nhiên. Trong báo cáo khuyến nghị rằng Chính phủ các nước cần triển khai và thực hiện các chính
- 10 sách nhằm tăng tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo như sinh khối trong ngành năng lượng, kêu gọi Chính phủ các nước công nghiệp cải cách các chính sách nông nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất sinh khối thông qua việc đẩy mạnh trồng cây cho năng lượng. Khuyến nghị Chính phủ các nước cần triển khai và tăng cường hiệu lực các thông lệ tốt nhất để sản xuất sinh khối nhằm giảm thiểu mọi tác động tiêu cực tới xã hội, kinh tế hoặc môi trường (Nguyễn Quang Khải, 2006) Tại Thái Lan, Aksornkoae, S(1982) đã nghiên cứu sinh khối rừng đước đôi (Rhizophora apiculata) trồng ở tuổi 6, 10 và 15 lần lượt là 50 tấn/ha; 103,13 tần/ha và 206,25 tần/ha tại Chanthaburi. Aksornkoae và ctv (1987) đã nghiên cứu sinh khối rừng ngập mặn tự nhiên của các loài bần, đước, vẹt, xú. Trong đó, sinh khối rừng đước có chỉ số cao nhất là 710,9 tấn/ha, vẹt là 243,75 tấn/ha và thấp nhất là xú chỉ có 20,1 tấn/ha. Một nghiên cứu của Palm. C.A và ctv (1986), đã cho thấy lượng carbon trung bình trong sinh khối phần trên mặt đất của rừng nhiệt đới Châu Á là 185 tấn/ha và biến động từ 25 - 300 tấn/ha. Còn theo Brown (1991), thì rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á có lượng sinh khối trên mặt đất từ 50 - 430 tấn/ha (tương đương 25 - 215 tấn C/ha) và trước khi có tác động của con người thì các trị số tương ứng là 350 - 400 tấn/ha (tương đương 175 - 200 tấn C/ha). Tác giả Irvin K, Samalca (2007) thực hiện nghiên cứu về dự đoán của sinh khối rừng ở Kalimantan, Indonesia. Tác giả đã đưa ra năm mô hình từ 1 - 5, Kết quả từ bảng dưới cho ta thấy rằng mô hình hàm số (1 và 5) phù hợp hơn nhiều so với các mô hình khác. Bảng 1.1. Mô hình dự toán sinh khối rừng của Irvin K. Samalca, (2007) TT Phương trình I CV% RMSE 1 ln(DW)= ln(a) + b*ln(DBH) + ln(&) 127,665 32,770 0,1479 2 DW= a+b(DBH)2+c(DBH)3+& 130,972 34,799 0,0451 3 DW=a + b(D2H)+& 134,726 35,948 0,0027 4 sqrt(DW) = a + b(DBH)+& 137,617 35,699 0,0521 5 DW=a(DBH)b +& 127,907 32,796 0,0316 Chỉ số thảm thực vật và tỷ lệ các băng được tính bằng cách sử dụng các dữ
- 11 liệu quang phổ khác nhau của ảnh Landsat ETM. Các phân tích thống kê chỉ ra rằng chỉ số thảm thực vật và các tỷ lệ điều tra băng hiển thị có mối quan hệ tuyến tính rất ít với sinh khối rừng trên mặt đất. Sự thay đổi của năng lượng sinh khối được giải thích bằng các dữ liệu quang phổ là rất thấp với (p-values > 0,05). Với những kết quả này, dự báo mô hình để ước lượng sinh khối trên mặt đất bằng cách sử dụng chỉ số thực vật hay tỷ lệ băng đang được điều tra, tỷ lệ có thể không được thành lập. Akira, K. và ctv (1987, 2000) đã nghiên cứu sinh khối và kích thước rễ dưới mặt đất với tổng sinh khối là 137,5 tấn/ha và tỉ lệ sinh khối trên mặt đất và rễ của Dà vôi (Ceriops tagal) ở Nam Thái Lan là 1,05, sinh khối thân là 53,35 tấn/ha, cành: 23,61 tấn/ha; lá: 13,29 tấn/ha; rễ: 1,99 tấn/ha và dưới mặt đất là 87,51 tấn/ha. Magcale – Macandong và cộng sự (2006) đã xây dựng mô hình dựa trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) để dự đoán không gian sinh khối trên mặt đất của rừng thứ sinh ở Philippin. Nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về đặc điểm vật lý (loại đất, độ dốc, độ cao so với mặt biển) và thời tiết (vùng khí hậu nông nghiệp, lượng mưa hàng năm) của những đơn vị hành chính khác nhau của Philippin dựa vào số liệu thứ cấp và bản đồ hiện hành. Các tác giả đã sử dụng những số liệu công bố về đường kính ngang ngực của những cây mẫu ở rừng thứ sinh và rừng trồng hai loài cây Swietenia macrophylla và Dipterocarpus sp. để ước lượng sinh khối trên mặt đất bằng phương trình hồi quy. Mối quan hệ của các yếu tố về thời tiết (các biến độc lập) và sinh khối trên mặt đất (biến phụ thuộc) được xác định thông qua phân tích hồi quy tuyến tính đa biến. Kết quả phương trình để dự đoán sinh khối tiềm năng trên mặt đất của rừng thứ sinh ở nước này. Từ đó hình thành một bản đồ ước lượng sinh khối trên mặt đất của rừng thứ sinh. Nghiên cứu cũng chứng minh tiềm năng của GIS trong việc đánh giá sinh khối rừng ở những địa phương khác nhau và những điều kiện môi trường khác nhau. Đánh giá sinh khối của rừng nhằm hướng đến hai mục đích chính là: Sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên rừng - môi trường. Trong sử dụng nguồn tài
- 12 nguyên rừng cần xác định được bao nhiêu sinh khối sẵn có để sử dụng tại một thời gian nhất định. Còn đối với mục tiêu quản lý môi trường thì việc đánh giá sinh khối là quan trọng để đánh giá năng suất và tính bền vững của rừng. Sinh khối cũng là một chỉ số quan trọng trong việc thu hồi carbon phục vụ cho mục đích sử dụng và cần biết bao nhiêu sinh khối bị mất hoặc tích lũy theo thời gian. 1.1.2.2. Nghiên cứu về sinh khối ở Việt Nam Nghiên cứu sinh khối ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã được nhiều nhà khoa học quan tâm. Những kết quả của các tác giả cũng đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành Lâm nghiệp. Viên Ngọc Nam (1998) đã nghiên cứu sinh khối và năng suất sơ cấp rừng Đước (Rhizophora apiculata) trồng ở Cần Giờ. Kết quả là sinh khối rừng đước có lượng tăng sinh khối từ 5,93 – 12,44 tấn/ha/năm, trong đó tuổi 4 có lượng tăng sinh khối thấp nhất và cao nhất ở tuổi 12; Lượng tăng đường kính 0,46 – 0,81 cm/năm, trữ lượng thảm mục tích lũy trên sàn rừng 3,4 - 12,46 tấn. Viên Ngọc Nam (2003), đã nghiên cứu sinh khối và năng suất sơ cấp quần thể mấm trắng (Avicennia alba BL.) tự nhiên tại Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh. Tác giả đã tìm ra được tổng sinh khối, lượng tăng trưởng sinh khối, năng suất vật rụng cũng như năng suất thuần của quần thể mấm trắng trồng tại Cần Giờ. Tác giả đã mô tả mối tương quan giữa sinh khối các bộ phận cây mấm trắngvới đường kính bằng dạng phương trình logW = a + blog D1,3 và cũng đã lập được bảng tra sinh khối cây cá thể loài mấm trắng. Vũ Văn Thông (1998), đã nghiên cứu cơ sở xác định sinh khối cây cá lẻ và lâm phần keo lá tràm tại tỉnh Thái Nguyên. Tác giả cũng đã thiết lập được một số mô hình dự đoán sinh khối cây cá lẻ bằng phương pháp sử dụng cây mẫu. Tác giả cũng đã đưa ra dạng hàm W = a + bD1,3 và LnW = a + bLn D1,3 để mô tả mối quan hệ giữa sinh khối các bộ phận với chỉ tiêu sinh trưởng đường kính. Tuy nhiên, đề tài này cũng mới dừng lại ở việc nghiên cứu sinh khối các bộ phận trên mặt đất, chưa tiến hành nghiên cứu sinh khối rễ và lượng vật rơi.
- 13 Lê Hồng Phúc (1997) đã có công trình “Đánh giá sinh trưởng tăng trưởng, sinh khối và năng suất rừng trồng thông ba lá (Pinus keysia) vùng Đà Lạt, Lâm Đồng”. Tác giả đã kết luận rằng mật độ rừng trồng ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng, tăng trưởng, sinh khối và năng suất của rừng. Nguyễn Ngọc Lung và Đào Công Khanh (1999), đã tính toán sinh khối của cây thông 3 lá ở Việt Nam bằng mô hình hệ thống các phương trình kinh nghiệm dự báo khối lượng khô, dựa vào từng bộ phận từng cây thông 3 lá: Wi = b0 + b1*D1,3 + b2*Hvn + b3* D1,3*Hvn + Toàn cây:Wi = -5,44 + 9,844*D1,3 – 9,589*Hvn + 0,02906*D1,3*Hvn + Thân cây cả vỏ:Wi = -3,58 + 4,283*D1,3 – 5,029*Hvn + 0,02228*D1,3*Hvn + Lá:Wi = -1,34 + 0,803*D1,3 + 0,356*Hvn + 0,00019*D1,3* Hvn + Cành nhánh:Wi = 0,69 + 3,162*D1,3 – 3,415*Hvn + 0,00185*D1,3*Hvn Theo Nguyễn Văn Dũng (2005), khẳng định rừng trồng thông mã vĩ thuần loài 20 tuổi có tổng sinh khối tươi (trong cây và vật rơi rụng) là 321,7 - 495,4 tấn/ha, tương đương với lượng sinh khối khô là 173,4 - 266,2 tấn. Rừng keo lá tràm trồng thuần loài 15 tuổi có tổng sinh khối tươi (trong cây và trong vật rơi rụng) là 251,1 - 433,7 tấn/ha, tương đương với lượng sinh khối khô thân là 132,2 - 223,4 tấn/ha. Ngô Đình Quế và cộng sự (2005), với tổng diện tích là 123,95 ha sau khi trồng keo lai 3 tuổi, quế 17 tuổi, thông 3 lá 15 tuổi, keo lá tràm 12 tuổi thì sau khi trừ đi tổng lượng carbon của đường cơ sở, lượng carbon thực tế thu được qua việc trồng rừng theo dự án CDM là 7.553,6 tấn carbon hoặc 27.721,9 tấn CO2. Lê Thị Liễu (2007) Nghiên cứu sinh khối sinh khối quần thể Dà vôi (Ceriops tagal C. B. Rob) trồng tại Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ cũng đã sử dụng dạng phương trình logW = a + blog D1,3 để lập bảng tra sinh khối cây cá thể tươi và khô. Phương trình sinh khối tươi và cây cá thể của Dà vôi thể hiện như sau: Tổng tươi: logWtt = 0,4717 + 0,1508*D1,3 Tổng khô: logWtk = 0,1943 + 0,1528*D1,3
- 14 Ngoài ra tác giả cũng xây dựng phương trình tính sinh khối của quần thể Dà quánh thông qua phương trình sau: logWtkqt = 2,8564 + 1,0769*logHvn - 0,3329*logN Wtkqt: Tổng sinh khối khô của quần thể Nguyễn Thị Hà (2007), đã nghiên cứu sinh khối làm cơ sở xác định khả năng hấp thụ CO2 của rừng keo lai trồng tại Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Khả năng hấp thu CO2 trung bình hằng năm của rừng keo lai 7 tuổi đạt 18,56 tấn/ha/năm, đạt 18,77 tấn/ha/năm đối với rừng 5 tuổi và 14,50 tấn/ha/năm đối với rừng 3 tuổi. Có giá trị bằng tiền thu nhập từ 3 - 5 triệu/năm bằng sử dụng phần mềm Version 3.0 (Richards. G và ctv, 2005). Võ Đại Hải và cộng sự (2007) nghiên cứu khả năng hấp thụ carbon đối tượng rừng mỡ thuần loại tại hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ đã kết luận: Lượng carbon tích lũy trong tầng cây gỗ lâm phần rừng mỡ thay đổi rõ theo cấp đất và cấp tuổi. Cấu trúc carbon cây cá thể mỡ là thân 54 - 80 %, rễ 14 - 30 %, cành 3 - 11 %, lá 1- 6 %. Tổng lượng carbon tích lũy trong lâm phần rừng trồng mỡ dao động khá lớn từ 40.933 - 145.041 kg, bao gồm 4 thành phần chính là carbon trong đất (38 - 75 %), trong tầng cây gỗ (19 - 60 %) trong vật rơi rụng (1,56 - 7,91 %) và carbon trong cây bụi thảm tươi (0,21 - 3,25%). Bảo Huy và Phạm Tuấn Anh (2008) đã nghiên cứu ước tính hấp thụ CO2 của rừng tự nhiên lá rộng thường xanh ở huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nông, đã giải tích 34 cây để xây dựng các phương trình khả năng hấp thụ CO2 của cây cá thể có dạng log 2 vế với các nhân tố là D1,3 và V. Nguyễn Hoàng Trí (1986) đã nghiên cứu sinh khối và năng suất quần xã đước đôi (Rhizophora apiculata BL.) ở Cà Mau – Minh Hải. Kết quả sinh khối của loại rừng nhân tạo là 33.846 kg/ha, sinh khối rừng tự nhiêu là 1.400,40 kg/ha và sự phân bố sinh khối thẳng đứng của các bộ phận trên mặt đất trong quần xã đước đôi là giảm dần từ gốc đến ngọn. Nhưng tác giả chỉ đề cập đến bốn loại rừng như: Rừng trưởng thành, rừng tái sinh tự nhiên, rừng tái sinh nhân tạo và rừng xấu mà không
- 15 đề cập đến tuổi rừng trồng. Phan Nguyên Hồng (1991) đã nghiên cứu sinh khối trên mặt đất của rừng Đước trồng 10 năm tuổi tại các vùng đất bị rải chất diệt cỏ. Trong đó, có khu vực Tắc Cống và Tắc Ông Địa thuộc Tiểu khu 13 – Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ. Kết quả mức độ ngập triều khác nhau dẫn đến sinh khối cũng khác nhau. Nguyễn Đức Tuấn (1995) đã nghiên cứu sự tăng trưởng và sinh khối của rừng Đước (Rhizophora stylosa) và rừng Đước (Rhizophora apiculata) được trồng ở Hà Tĩnh và Cần Giờ Tp. Hồ Chí Minh. Tác giả đưa ra nhận định ở 2 năm tuổi, so với rừng đước sinh trưởng trên nền đất cao, bùn cứng thì rừng đước sinh trưởng trên nền đất mềm có sinh khối tổng cao hơn 2 lần, sinh khối các bộ phận tương ứng cũng cao hơn từ 1,5 lần tới hơn 3 lần (Thân = 1,6 lần; cành = 1,94 lần; lá = 3 lần; rễ chống = 3,3 lần và rễ dưới đất = 2,5 lần). Tương tự rừng Đước sinh trưởng trên nền đất bùn sét mềm, ít cát cũng có sinh khối tổng ccao hơn 2 lần và sinh khối các bộ phận tương ứng cao hơn từ 1,5 lần tới hơn 3 lần so với đất ít dinh dưỡng và có cát (Thân = 2,5 lần; cành = 1,7 lần; lá = 1,4 lần; rễ chống = 2,2 lần và rễ dưới đất = 2,9 lần). Trương Văn Vinh (2008) nghiên cứu đánh giá sinh khối và năng suất sơ cấp của rừng neem (Azadirachta indica A. JUSS) trồng tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tác giả lập ô tiêu chuẩn có diện tích 500 m2 và tiến hành đo đếm các chỉ tiêu sinh trưởng như: Hvn, D1,3 Dtán số liệu thu được về đường kính tiến hành phân chia cấp đường kính với cự ly 2 cm một cấp và đề tài xác định được 10 cấp kính. Ở mỗi cấp đường kính chọn 2 - 3 cây tiêu chuẩn đại diện cho cấp đường kính đó để giải tích thân cây, bằng cách chặt hạ, cắt thành các đoạn có chiều dài 1 mét để xác định các chỉ tiêu sinh trưởng D1,3, Hvn, V cho từng tuổi. Ngoài ra, tác giả tiến hành đo đếm sinh khối theo từng bộ phận riêng lẻ như: Thân, cành, lá, hoa, quả và cân đo từng bộ phận sinh khối với độ chính xác 0,1 kg. Cộng dồn các bộ phận sinh khối tươi để xác định tổng sinh khối tươi trên mặt đất và tiến hành lấy mẫu từng bộ phận sinh khối tươi với mỗi loại 1kg để dùng vào việc xác định sinh khối khô trong phòng thí nghiệm. Các bộ phận như lá, quả sấy khô ở nhiệt độ 800C, thân và cành sấy khô ở nhiệt độ 1000C. Kết quả cho thấy tổng sinh khối tươi các bộ phận trên
- 16 mặt đất của loài neen tại khu vực nghiên cứu thì sinh khối thân tươi chiếm tỉ lệ cao nhất, trung bình khoảng 57,82% tổng sinh khối của cây, cành chiếm 29,12%, lá chiếm khoảng 10,51% và phần còn lại là quả chiếm khoảng 2,52%. Tổng sinh khối khô các bộ phận của cây cá thể, thì sinh khối thân khô chiếm khoảng 54,0 – 66,7%, sinh khối cành khô chiếm khoảng 18,4 – 33,7%, lá chiếm khoảng 5,8 – 10,9% và sinh khối khô của quả chiếm khoảng 1,8 – 4,2%. Võ Thị Bích Liễu (2007) đã nghiên cứu sinh khối quần thể dà vôi (Ceriops tagal C. B. Rob) trồng tại Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Tác giả lập ô tiêu chuẩn có diện tích 100 m2 (10 m * 10 m), các ô mang tính đại diện cho từng tuổi rừng. Trong đó, tác giả sử dụng 37 ô để xây dựng phương trình sinh khối quần thể và 6 ô dùng để kiểm tra tính thích ứng của các phương trình sinh khối quần thể. Trong từng ô tiêu chuẩn tiến hành đo các chỉ tiêu sinh trưởng như: Đường kính (D1,3, Dt), chiều cao (Hvn, Hdc). Tiến hành chặt hạ 37 cây tiêu chuẩn (32 cây sử dụng để xây dựng phương trình sinh khối cây cá thể, 5 cây còn lại dùng kiểm tra tính thích ứng các phương trình sinh khối cây cá thể) có cỡ đường kính thân cây ở vị trí 1,3 m từ nhỏ đến lớn, tiến hành cân trọng lượng tươi theo từng bộ phận (thân, cành và lá) ngay tại thực địa. Cây giải tích sau khi chặt hạ xuống chia thành các đoạn có chiều dài 1 m để xác định chỉ tiêu sinh trưởng và thể thể tích của cây dà vôi tại khu vục nghiên cứu. Mỗi cây chặt hạ chia thành 5 đoạn bằng nhau và cân theo từng bộ phận riêng lẻ, sau đó lấy mẫu tươi (mỗi loại 1 kg) của thân và cành đem về phòng thí nghiệm sấy khô ở nhiệt độ 1050C và bộ phận lá sấy khô ở nhiệt độ 800C cho đến khi trọng lượng khô không đổi. Kết quả sinh khối khô của quần thể: Thân khô chiếm tỷ lệ lớn nhất 41,56 ± 0,30%, cành khô 36,60 ± 0,76% và lá khô 21,84 ± 1,03% so với tổng sinh khối của quần thể. Sinh khối khô bình quân ở các quần thể tuổi 1; 12 và 14 lần lượt là 128,66 tấn/ha; 103,15 tấn/ha và 110,90 tấn/ha. Tác giả đã mô tả mối tương quan giữa sinh khối các bộ phận cây dà vôi với đường kính bằng dạng phương trình logW = a + b*logD1,3 để mô tả mối quan hệ giữa sinh khối các bộ phận với chỉ tiêu sinh trưởng đường kính. Nguyễn Thị Hạnh (2009) khi nghiên cứu sinh khối loài keo lai
- 17 (Acaciaauriculiformis X A. mangium) tại xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã kết luận rằng: Khả năng hấp thụ CO2 của cây cá thể có đường kính trung bình là 11,73 cm thì tích lũy được 26,96 kg C, hấp thụ được 98,94 kg CO2/cây. Khả năng hấp thụ CO2 của quần thể keo lai tuổi 3 đạt 88,19 tấn CO2/ha, tuổi 4 đạt 174,21 tấn CO2/ha và tuổi 5 đạt 236,03 tấn CO2/ha. Lượng hấp thụ trung bình hằng năm ở quần thể tuổi 3 là 29,40 tấn CO2/ha/năm, tuổi 4 là 43,55 tấn CO2/ha/năm, tuổi 5 là 47,21 tấn CO2/ha/năm. Tổng trữ lượng hấp thụ của quần thể keo lai tuổi 3 đạt 5.291,15 tấn CO2, tuổi 4 đạt 6.968,48 tấn CO2 và tuổi 5 đạt 9.441,01 tấn CO2. Tác giả cũng đã dò tìm ra mô hình quan hệ giữa khả năng hấp thụ CO2 với các nhân tố điều tra cá thể là: log(CO2cây) = -0,71414 + 2,44101*log(D1,3). Với R = 0,9683 Nguyễn Thị Hoài (2009) đã nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của Thông ba lá (Pinus kesiya Royle ex.Gordon) tự nhiên tại huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng. Tác giả lập ô tiêu chuẩn có diện tích 1.000 m2 (20 x 50 m), kích thước mỗi ô đo đếm: Ô1 với diện tích 50 m2 (5 x 10 m), Ô2 với diện tích 595 m2 (17 x 35 m), Ô3 với diện tích 1.000 m2 (20 x 50 m). Trong khi lập ô đo đếm, sử dụng la bàn, dây ba màu, sơn và thước dây dài để tăng sự chính xác cho ô cần lập. Trong từng ô đo đếm tiến hành đo các chỉ tiêu sau: + Chiều cao Hvn: Đo chiều cao vút ngọn cây. + Chu vi CV1,3: Đo chu vi 1,3 m từ đó suy ra đường kính D1,3 + Thống kê số cây trong ô đo đếm (n) Đường kính D1,3 được đo đếm theo quy định cho từng ô liên kết + Ô nhỏ đo cây có D1,3: 5 - 20 cm tương ứng với CV1,3 từ 17 – 62 cm, ô trung bình đo cây có D1,3: 20,1 - 50 cm tương ứng với CV1,3 từ 63 – 157 cm, + Ô lớn đo cây có D1,3 > 50 cm tương ứng với CV1,3 > 157 cm. Tác giả tính sinh khối khô dựa trên phương trình sinh khối khô từng bộ phận cây và của cây của Nguyễn Ngọc Lung và Đào Công Khanh (1999): Wi = b0 + b1*D1,3 +b2*H + b3D1,32*Hvn. + Toàn cây:
- 18 Wi = -5,44 + 9,844*D1,3 – 9,589*Hvn + 0,02906*D1,32Hvn + Thân cây cả vỏ: Wi = -3,58 + 4,283*D1,3 – 5,029*Hvn + 0,02228* D1,32Hvn + Lá: Wi = -1,34 + 0,803*D1,3 + 0,356*Hvn + 0,00019*D1,32Hvn + Cành nhánh: Wi = 0,69 + 3,162*D1,3 – 3,415*Hvn + 0,00185*D1,32Hvn. Đơn vị đo: D (cm), Hvn (m). Kết quả tính toán khả năng hấp thụ CO2 ở thân: Giá trị nhỏ nhất là 144,21 kg, giá trị lớn nhất là 3.638,75 kg, khả năng hấp thụ CO2 trung bình của thân là 1.258,56 kg, khoảng biến động giá trị là 3.494,51 kg. Phạm vi biến động ứng với độ tin cậy 95% là 1.258,56 ± 279,55 (kg). Kết quả tính toán khả năng hấp thụ CO2 ở lá: Giá trị nhỏ nhất là 32,64 kg, giá trị lớn nhất là 132,87 kg, khả năng hấp thụ CO2 trung bình của lá là 73,42 kg, khoảng biến động giá trị là 100,23 kg. Phạm vi biến động ứng với độ tin cậy 95% là 73,42 ± 8,11 (kg). Kết quả tính toán khả năng hấp thụ CO2 ở cành: Giá trị nhỏ nhất là 53,27 kg, giá trị lớn nhất là 1.358,65 kg, khả năng hấp thụ CO2 trung bình của cành là 498,36 kg, khoảng biến động giá trị là 1.305,38 kg. Phạm vi biến động ứng với độ tin cậy 95% là 498,36 ± 105,74 (kg). Cho đến nay, nghiên cứu sinh khối rừng ở nước ta còn hạn chế, nhất là rừng tự nhiên và rừng cây công nghiệp. Còn đối với rừng ngập mặn phần lớn những công trình đều nghiên cứu ở các bộ phận trên mặt đất. Do vậy, nghiên cứu sinh khối quần thể và cá thể của các khu rừng trên lãnh thổ nước ta cần được đặt ra nhằm phục vụ trước mắt là đánh giá chất lượng rừng và cung cấp thông tin về trữ lượng carbon để có những giải pháp thích hợp cho sự phát triển rừng tự nhiên cũng như rừng trồng và rừng cây công nghiệp.
- 19 1.2. HẤP THỤ CO2 1.2.1. Những vấn đề liên quan đến hấp thụ CO2 Việt Nam với diện tích khoảng 32.931,4 km2, nằm trên bán đảo Đông Dương trong vùng nhiệt đới gió mùa. Lãnh thổ trải dài trên 15 vĩ độ từ phía Bắc xuống phía Nam với hơn 3.260 km bờ biển, Việt Nam là nước có sự đa dạng cao về khí hậu và tài nguyên sinh học. Biến đổi khí hậu những nghiên cứu gần đây cho thấy, biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam về cơ bản phù hợp với xu thế BĐKH đã và đang xảy ra trên toàn cầu và trong khu vực. Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,10C mỗi thập kỷ, nhiệt độ trung bình một số tháng mùa hè tăng 0,1 – 0,30C mỗi thập kỷ. Về mùa đông, nhiệt độ giảm đi trong các tháng đầu mùa và tăng lên trong các tháng cuối mùa; Lượng mưa trung bình năm không có biến đổi nhiều giữa các thập kỷ, song lượng mưa trung bình tháng có sự thay đổi lớn và ngẫu nhiên; Trong 5 thập kỷ gần đây, hiện tượng ENSO ngày càng có tác động mạnh mẽ đến chế độ thời tiết và đặc trưng khí hậu trên nhiều khu vực của Việt Nam. Bên cạnh đó, các dạng thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán cũng gia tăng về số lượng, cường độ và độ bất thường. Nhận biết được tầm quan trọng của của việc hạn chế sự gia tăng khí nhà kính và sự ấm dần lên của trái đất. Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và Phát triển năm 1992 đã thông qua Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và chính thức có hiệu lực vào tháng 3/1994. Tính đến tháng 5/2004, có 188 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này, trong đó Nghị định thư Kyoto được thông qua tháng 12/1997 dựa trên Công ước khung đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cắt giảm khí nhà kính. Theo đó, các nghiên cứu liên quan tập trung vào tìm dẫn chứng về kho dự trữ carbon tại các lớp phủ thực vật và làm thế nào để các bể dự trữ này có thể gia tăng lưu trữ CO2 từ khí quyển. Đây là những nghiên cứu rất quan trọng, đặc biệt đối với các nước công nghiệp cần đạt được sự giảm phát thải theo Nghị định thư Kyoto (Dương Tiến Đức và ctv, 2007). Nhằm làm giảm tác hại từ khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nghiên cứu được tiến hành và liên tục công bố những kết quả xác nhận giá trị không thể thay thế được của thực vật và rừng trong vai trò làm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng
- 20 nhà kính. Điều này cho thấy cây xanh có vai trò quan trọng trong hấp thụ CO2, thải oxy cung cấp sự sống đối với mọi sinh vật trên trái đất. Đồng thời giúp con người có những giải pháp mang tính định hướng, giảm thiểu và hạn chế những tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu gây ra, mà nguyên nhân sâu xa lại là do chính bản thân con người trong việc ứng xử với thiên nhiên. Vì lẽ đó những nghiên cứu trong những năm gần đây góp phần giải quyết bài toán biến đổi khí hậu đã tập trung vào nghiên cứu về năng suất, sinh khối cũng như tính toán khả năng hấp thụ CO2 của một số loài cây rừng, nhưng còn ít nghiên cứu về các loài cây công nghiệp, cây ăn trái. Thị trường CO2 cũng đang dần được hình thành. Theo nguồn http://www.vnagency.com.vn thì ngày 1/01/2005 thành lập thị trường mua bán hạn ngạch các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Liên minh châu Âu (EU) để trao đổi, buôn bán hạn ngạch khí điôxít các bon (CO2) và 5 loại khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính nhằm khuyến khích các công ty cắt giảm các loại khí thải nguy hiểm ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu. Ủy ban châu Âu (EC) trước đó cho biết cơ chế buôn bán này cũng là một trong những chính sách chủ chốt nhằm đảm bảo EU cũng như các nước thành viên hạn chế hoặc giảm các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đặng Thị Phương (2007) cho thấy dự báo cho các năm 2008 – 2013 của khối thị trường chung Châu Âu, thì giá CO2 tương đối ổn định và biến động trong khoảng 19 – 25 Euro/tấn CO2, tương đương với giá khoảng 23 – 30 USD/tấn CO2. Qua khảo sát về giá carbon trên thị trường Châu Âu ngày 03 tháng 09 năm 2009. Mỗi tấn CO2 tương đương có giá khoảng 15,43 Euro. Với thông tin thị trường này cho thấy tiềm năng cung cấp dịch vụ lưu giữ khí phát thải nhà kính của rừng trong những năm tới ngày càng tăng ở thị trường Châu Âu. Theo ước tính, hoạt động trồng rừng và tái trồng rừng trên thế giới có thể hấp thụ CO2 ở sinh khối trên mặt đất và dưới mặt đất là 0,4 – 1,2 tấn/ha/năm ở vùng cực bắc, 1,5 – 4,5 tấn/ha/năm ở vùng ôn đới và 4 – 8 tấn/ha/năm ở các vùng nhiệt đới (Dixon và ctv, 1994; IPCC, 2000; trích dẫn bởi Phan Minh Sang và Lưu Cảnh Trung, 2006).
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn: Ảnh hưởng của văn học dân gian đối với thơ Tản Đà, Trần Tuấn Khải
26 p | 791 | 100
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học: Bài toán tô màu đồ thị và ứng dụng
24 p | 495 | 83
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học: Bài toán màu và ứng dụng giải toán sơ cấp
25 p | 376 | 74
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học: Bài toán đếm nâng cao trong tổ hợp và ứng dụng
26 p | 414 | 72
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học: Nghiên cứu thành phần hóa học của lá cây sống đời ở Quãng Ngãi
12 p | 547 | 61
-
Luận văn thạc sĩ khoa học Giáo dục: Biện pháp rèn luyện kỹ năng sử dụng câu hỏi trong dạy học cho sinh viên khoa sư phạm trường ĐH Tây Nguyên
206 p | 302 | 60
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học: Nghiên cứu vấn đề an ninh mạng máy tính không dây
26 p | 526 | 60
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học: Bài toán tìm đường ngắn nhất và ứng dụng
24 p | 346 | 55
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học: Bất đẳng thức lượng giác dạng không đối xứng trong tam giác
26 p | 316 | 46
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn: Đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa của ngôn ngữ “chat” trong giới trẻ hiện nay
26 p | 334 | 40
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học: Bài toán ghép căp và ứng dụng
24 p | 269 | 33
-
Tóm tắt luận văn thạc sĩ khoa học xã hội và nhân văn: Phật giáo tại Đà Nẵng - quá khứ hiện tại và xu hướng vận động
26 p | 239 | 22
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học: Nghiên cứu biến tính mùn cưa làm vật liệu hấp phụ chất màu hữu cơ trong nước
26 p | 195 | 14
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học: Nghiên cứu ảnh hưởng của quản trị vốn luân chuyển đến tỷ suất lợi nhuận của các Công ty cổ phần ngành vận tải niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam
26 p | 290 | 14
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn: Thế giới biểu tượng trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư
26 p | 263 | 13
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn: Đặc điểm ngôn ngữ của báo Hoa Học Trò
26 p | 216 | 13
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn: Đặc điểm tín hiệu thẩm mĩ thiên nhiên trong ca từ Trịnh Công Sơn
26 p | 208 | 5
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn: Ngôn ngữ Trường thơ loạn Bình Định
26 p | 194 | 5
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn