intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Nhân học: Tín ngưỡng Tống Hậu: Nghiên cứu trường hợp đền mẫu Ninh Cường

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:152

56
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu diễn trình lịch sử của một vùng đất gắn liền với việc thờ phụng một vị thần biển mang gốc gác Trung Hoa. Vị trí của Tống Hậu với tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt nói chung và tục thờ nữ thần gốc Trung Hoa nói riêng. Mời các bạn tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Nhân học: Tín ngưỡng Tống Hậu: Nghiên cứu trường hợp đền mẫu Ninh Cường

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- ĐỖ VĂN CƢỜNG TÍN NGƢỠNG TỐNG HẬU NGHIÊN CỨU TRƢỜNG HỢP ĐỀN MẪU NINH CƢỜNG XÃ TRỰC PHÚ, HUYỆN TRỰC NINH, NAM ĐỊNH LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyên ngành: Nhân học Hà Nội-2016
  2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- ĐỖ VĂN CƢỜNG TÍN NGƢỠNG TỐNG HẬU NGHIÊN CỨU TRƢỜNG HỢP ĐỀN MẪU NINH CƢỜNG XÃ TRỰC PHÚ, HUYỆN TRỰC NINH, NAM ĐỊNH Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Nhân học Mã số: 60 31 03 02 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Văn Chính Hà Nội-2016
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi; các tư liệu được sử dụng trong luận văn là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng, những phát hiện được đưa ra trong luận văn là kết quả nghiên cứu của tác giả luận văn. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những nội dung có trong luận văn. Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2016 Tác giả Đỗ Văn Cƣờng
  4. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn này, tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Chính, người thầy đã hướng dẫn và chỉ bảo tôi trong suốt thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Tôi xin được gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giảng viên khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã giảng dạy và tạo điều kiện cho tôi học tập nghiên cứu trong thời gian học tập bậc Cao học. Tôi xin cảm ơn tới nhân dân và chính quyền địa phương các xã: Trực Phú, Trực Thái, Trực Hùng, Trực Cường đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội trực tiếp nghiên cứu trên thực địa, tiếp xúc với các cá nhân và tổ chức trên địa bàn để thu thập tư liệu. Tôi xin cảm ơn gia đình và bạn bè đã động viên, giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn của mình. Tôi luôn biết ơn và trân trọng những tình cảm đó. Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2016 Đỗ Văn Cƣờng
  5. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN LỜI CẢM ƠN DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................ 1 2. Mục đích nghiên cứu.................................................................................. 2 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu ............................................................ 2 4. Phƣơng pháp nghiên cứu .......................................................................... 3 5. Đóng góp của luận văn .............................................................................. 4 Chƣơng 1.TỤC THỜ NỮ THẦN VÀ TÍN NGƢỠNG TỐNG HẬU Ở VIỆT NAM VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ PHƢƠNG PHÁP TIẾP CẬN . 5 1.1.Khái niệm về tục thờ nữ thần và cơ sở khoa học của vấn đề................ 5 1.2.Các khuynh hƣớng tiếp cận nghiên cứu tín ngƣỡng Nữ thần ở Việt Nam ................................................................................................................... 9 1.3.Tống Hậu: Lịch sử thờ cúng và các nghiên cứu liên quan.................. 14 1.4.Vấn đề nghiên cứu, lý thuyết và phƣơng pháp tiếp cận ...................... 26 1.5.Tóm lƣợc về địa bàn nghiên cứu............................................................ 31 Tiểu kết chương 1........................................................................................... 40 Chƣơng 2.TÍN NGƢỠNG TỐNG HẬU TẠI NINH CƢỜNG: LỊCH SỬ VÀ NGHI LỄ ................................................................................................. 41 2.1. Lịch sử tục thờ Tống Hậu ở Ninh Cƣờng ............................................ 41 2.2. Nghi lễ và thực hành thờ cúng .............................................................. 50 2.3. Quản lý, coi sóc và tu bổ đền ................................................................. 70 2.4. Vị trí tục thờ Tống Hậu trong thần đạo địa phƣơng .......................... 75
  6. Tiểu kết chương 2........................................................................................... 77 Chƣơng 3. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA TÍN NGƢỠNG TỐNG HẬU TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI TỤC THỜ NỮ THẦN Ở VIỆT NAM ...... 78 3.1. Đặc điểm tục thờ các nữ thần gốc Hoa ở Việt Nam ............................ 78 3.2. Đặc điểm của tục thờ nữ thần gốc Việt ................................................ 84 3.3. Vị trí của Tống Hậu trong hệ thống nữ thần Việt Nam ..................... 92 3.4. Phụ nữ và nữ thần .................................................................................. 94 3.5. Những thay đổi trong tục thờ cúng Tống Hậu ở Ninh Cƣờng và xu hƣớng thế tục hóa, thƣơng mại hóa hoạt động tâm linh ........................... 97 3.6. Nữ thần, bản sắc văn hóa địa phƣơng và vấn đề bảo tồn di sản văn hóa ......................................................................................................... 103 Tiểu kết chương 3......................................................................................... 105 KẾT LUẬN .................................................................................................. 107 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 110 PHỤ LỤC ..................................................................................................... 117 Phụ lục 1: Ảnh ............................................................................................. 117 Phụ lục 2: Danh sách những ngƣời cấp tin............................................... 128 Phụ lục 3: Giới thiệu đền Quốc Mẫu Ninh Cƣờng thờ Tống Thái hậu . 129 Phụ lục 4: Thần tích các làng thờ Tứ vị Thánh nƣơng ........................... 133 Phụ lục 5: Tứ Đại Cờn Sự Tích Văn ......................................................... 137 Phụ lục 6: Văn Tứ vị Vua Bà đền Cờn Môn............................................. 143
  7. DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU Bảng 2.1: Các vị thần được phối thờ tại đền Mẫu Ninh Cường ..................... 50 Bảng 3.1: Bảng thống kê số người đến lễ đền Mẫu trong ngày đầu tháng 10, 11, 12 âm lịch 2015 ......................................................................................... 96
  8. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT GS Giáo sư HTX Hợp tác xã km Ki lô mét m Mét Nxb Nhà xuất bản PGS Phó giáo sư PGS.TS Phó giáo sư, Tiến sĩ Tr. Trang TS Tiến sĩ UBND Ủy ban Nhân dân
  9. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Văn hóa thờ nữ thần phổ biến ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam. Các vị nữ thần thậm chí được tôn lên thành một hệ thống các vị thần Sáng Tạo đứng đầu Tứ Phủ (Mẫu Địa, Mẫu Thủy, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thượng Thiên). Bên cạnh các vị thần đứng đầu Đạo Mẫu còn có các vị nữ thần có công giúp dân, giúp nước được nhân dân tôn kính và thờ cúng. Đôi khi chỉ là những vị nữ thần không tên tuổi nhưng đã linh ứng che chở cho dân làng, bảo vệ dân làng khỏi những tai ương . Những vị thần ấy có thể là những vị nhân thần, thiên thần có nguồn gốc bản địa, hoặc nguồn gốc nước ngoài. Hiện nay, các hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo đặc biệt là sự phát triển nhanh của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trong quá trình hiện đại hóa. Sự nở rộ của các lễ hội đã bộc lộ những bất cập và những vấn đề mới đòi hỏi phải được tìm hiểu. Những trường hợp cụ thể như hiện tượng thờ cúng ở Phủ Giầy (Nam Định), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Bà Chúa Xứ (An Giang), hay một vài địa điểm nổi trội về tín ngưỡng tâm linh như Chùa Hương (Hoài Đức, Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), v.v là những điểm gây chú ý với dư luận trong nước và quốc tế. Có một đặc điểm chung là đối tượng thờ cúng ở những địa điểm này đa phần là nữ thần. Nghiên cứu của tôi về tín ngưỡng Tống Hậu, một vị thần có gốc Trung Hoa nhưng đang được các cư dân vùng sông biển thờ cúng. Vị thần này được thờ cúng chủ yếu tại những cửa sông lớn dọc theo bờ biển Việt Nam trở thành một trong những vị thần chủ đạo đối với nghề sông nước và đi biển. Đó là tín ngưỡng Tứ vị Thánh nương với vai trò trung tâm là Tống Hậu, một Hoàng Thái hậu thời nhà Tống. Tín ngưỡng này đã vào sâu trong đất liền tới trung tâm Thăng Long, Phố Hiến và được phối thờ rải rác khắp các vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam. Từ một vị thần biển, trải qua thời gian, Tống Hậu trở thành nữ thần được gán cho nhiều chức năng hơn ban đầu mang lại sự sinh sôi, mùa màng, con cái, công danh, tài lộc đáp ứng các nhu cầu tâm linh của người dân địa phương, được người 1
  10. dân tôn bà làm Quốc Mẫu. Tục thờ Tống Hậu đã nhanh chóng hòa cùng các tín ngưỡng nữ thần khác ở Việt Nam đặc biệt là Đạo Mẫu góp phần làm đa dạng hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Tôi chọn đề tài nghiên cứu về Tín ngƣỡng Tống Hậu: Nghiên cứu trƣờng hợp đền mẫu Ninh Cƣờng với mong muốn tìm hiểu sự hình thành và phát triển tín ngưỡng Tống Hậu tại Ninh Cường (xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, Nam Định), một trong 12 địa điểm được vua Lê Thánh Tông ban chỉ dụ sau khi đánh Chiêm Thành thắng lợi (1470). Trong luận văn, tôi sẽ trình bày những phát hiện về nghi lễ thờ phụng và những thay đổi trong phong tục thờ cùng Tống Hậu trước và sau Đổi mới (1986), vai trò của nữ thần trong cộng đồng cư dân địa phương. Qua đó, góp phần làm rõ hiện trạng và những xu hướng trong văn hóa tâm linh tín ngưỡng nữ thần ở Việt Nam, những đặc điểm của một vị thần có nguồn gốc du nhập từ Trung Quốc. Hi vọng đây sẽ là một nghiên cứu trường hợp có thể cung cấp thêm một phần nào đó tư liệu cho các nghiên cứu khác về nữ thần ở Việt Nam. 2. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu diễn trình lịch sử của một vùng đất gắn liền với việc thờ phụng một vị thần biển mang gốc gác Trung Hoa. Vị trí của Tống Hậu với tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt nói chung và tục thờ nữ thần gốc Trung Hoa nói riêng. Những thay đổi trong tập tục thờ cúng, văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương cùng vai trò của nữ thần đối với người dân đặc biệt là với phụ nữ. Qua đó chúng tôi tập trung trả lời các câu hỏi sau: - Tục thờ Tống Hậu ở Ninh Cường diễn ra như thế nào? - Tục thờ Tống Hậu ở Ninh Cường có những đặc điểm gì và tại sao bà lại được người dân thờ cúng? - Vị trí của tục thờ Tống Hậu và mối liên hệ lịch sử văn hóa với tục thờ nữ thần của người Việt nói chung và tục thờ nữ thần gốc Trung Hoa nói riêng? 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tục thờ Tống Hậu, quá trình hình thành và xác lập tín ngưỡng trên vùng đất Ninh Cường. Những 2
  11. thay đổi trong tục thờ và vị trí của Tống Hậu trong đời sống của người dân địa phương. Trong nghiên cứu này tôi tập trung vào những người thường xuyên đi lễ, niềm tin của họ vào vị thần, sự linh thiêng và những mong muốn của họ khi tìm đến với Tống Hậu. Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu Tục thờ Tống Hậu trên địa bàn vùng đất thuộc tổng Ninh Cường xưa, ngày nay là bốn xã Trực Phú, Trực Thái, Trực Hùng, Trực Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, trung tâm là đền Mẫu Ninh Cường (đền Quốc Mẫu Ninh Cường). Tuy nhiên, không chỉ có cư dân bốn xã này thờ Tống Hậu, người dân ở các nơi khác xung quanh cũng thường xuyên về đây lễ bái như huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, vì nhiều đền ở các địa phương này rước chân nhang từ đền Mẫu Ninh Cường về thờ. Ngoài ra, rất nhiều người ở các nơi khác cũng về để cúng bái do họ được nghe rằng đây là một ngôi đền linh thiêng trong đó có các đoàn hầu đồng, những người làm ăn và sinh sống ở nơi xa v.v. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu Để thực hiện luận văn của mình tôi sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chủ yếu là tài liệu điền dã dân tộc học, đó là những bản văn chép tay, bia ký, nguồn tài liệu phỏng vấn và quan sát tại thực địa. Trong nghiên cứu của mình, tôi tập trung vào sử dụng phương pháp định tính, trong đó tôi có hơn một năm quan sát và thực hiện các cuộc phỏng vấn cấu trúc và phi cấu trúc cũng như các cuộc tiếp xúc trò chuyện cùng với người dân, đặc biệt là những người thường xuyên có mặt tại đền Mẫu Ninh Cường. Tôi đã có mặt trong hầu hết các nghi lễ lớn nhỏ tại đền diễn ra trong năm 2015, trong đó có: ba ngày lễ hội, lễ tết Nguyên Đán, ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, lễ tịch điền, một số ngày rằm, mùng một; được nghe người dân nơi đây chia sẻ những câu chuyện về sự linh thiêng của Tống Hậu, niềm tin của họ về vị thần và quá trình thay đổi trong tập tục thờ cúng từ xưa tới nay. Bên cạnh đó tôi sưu tầm và tham khảo các nguồn tài liệu thứ cấp, các bài nghiên cứu của những nhà nghiên cứu đi trước trong các hội thảo, sách chuyên khảo, tạp chí và nguồn tài liệu từ internet. Đó là những nguồn tư liệu không thể 3
  12. thiếu trong quá trình phân tích, xử lý tư liệu để đạt được một cái nhìn tổng quan và so sánh. 5. Đóng góp của luận văn Trên phương diện thực tiễn: đây là một đề tài nghiên cứu từ những trăn trở của bản thân tác giả khi quan sát việc thực hành nghi lễ tại địa phương nơi mà mình sinh ra và lớn lên. Đền Mẫu Ninh Cường là một ngôi đền có ảnh hưởng lớn tới đời sống tín ngưỡng của người dân trong vùng. Những vấn đề và câu hỏi được đặt ra khi tham dự các nghi lễ, lễ hội tại ngôi đền này. Mặt khác tôi muốn liên hệ với sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ trong thời gian gần đây. Trên phương diện lý luận: tôi áp dụng các quan đểm của lý thuyết chức năng trong Nhân học về nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo vào việc giải thích một số hiện tượng nghi lễ và sự phát triển của tín ngưỡng nữ thần ở Việt Nam. Trên cơ sở đó tôi đưa ra một số nhận định về xu hướng phát triển của các tín ngưỡng tôn giáo trong tương lai, đặc biệt nhìn nhận từ góc độ người dân, những người thực hành tín ngưỡng – là chủ thể của văn hóa tín ngưỡng đương đại. 4
  13. Chƣơng 1 TỤC THỜ NỮ THẦN VÀ TÍN NGƢỠNG TỐNG HẬU Ở VIỆT NAM: VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ PHƢƠNG PHÁP TIẾP CẬN 1.1. Khái niệm về tục thờ nữ thần và cơ sở khoa học của vấn đề Trước khi đi vào nghiên cứu tục thờ Nữ thần, Mẫu thần ở Việt Nam, chúng ta cần phải làm rõ một số thuật ngữ liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo bởi trong văn hóa Việt Nam để phân biệt hai khái niệm này vô cùng phức tạp. Về mặt ý nghĩa của hai khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo theo Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh (2005) thì “tôn giáo”(宗教) là một thứ tổ chức lấy thần đạo làm trung tâm mà lập nên giới ước để khiến người ta tín ngưỡng; còn “tín ngưỡng” (信仰) là lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa. Thuật ngữ tôn giáo bắt nguồn từ phương Tây, từ “Religion” (tôn giáo) bắt nguồn từ religio, xuất phát từ tiếng Latinh là legere, relegere có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên (Đặng Nghiêm Vạn 2001:16-17). Religio có nghĩa kép là sự tồn tại của một quyền năng bên ngoài mà con người tuân theo và thể hiện lòng mộ đạo vào quyền năng đó (Nguyễn Thị Hiền 2012:24). Tuy nhiên thuật ngữ này được thay đổi ngữ nghĩa nhiều lần qua từng giai đoạn lịch sử (xem Đặng Nghiêm Vạn 2001, Nguyễn Thị Hiền 2012). Ở phương Đông, thuật ngữ religion lần đầu tiên được người Nhật dịch thành “tông giáo” vào đầu thế kỷ XVIII, sau đó du nhập vào Trung Hoa. Tuy nhiên, khi đó ở Trung Hoa tông giáo bao hàm một ý nghĩa khác nhằm chỉ giáo lý nhà Phật (Giáo: lời giảng của Phật, Tông: lời của đệ tử Đức Phật) (xem Đặng Nghiêm Vạn 2001, Trác Tân Bình 2007). Đến thế kỷ XIX, thuật ngữ tông giáo được du nhập vào Việt Nam, nhưng do kị húy vua Thiệu Trị nên được dịch thành tôn giáo. Học giả Trung Quốc Trác Tân Bình cho rằng tôn giáo là quan niệm của “con người” về “thần tính” hoặc “thần thánh”, mà loại “quan niệm này” lại nói lên rằng tôn giáo chính là một loại học thuyết quan hệ “giữa trời và người”; nếu không có tâm linh con người hoặc “quan niệm” thần tính với ý nghĩa tu tập tâm linh, tức lĩnh 5
  14. hội thì sẽ không cấu thành quan hệ, do đó cũng không có tôn giáo (Trác Tân Bình 2007:13). Thuật ngữ “tín ngưỡng” (Belief) có thể có hai nghĩa. Khi nói đến tự do tín ngưỡng, người ngoại quốc có thể hiểu đó là niềm tin nói chung (belief, believe, croyance) hay niềm tin tôn giáo (belief, believe, croyance religieuce). Nếu hiểu tín ngưỡng là niềm tin thì có một phần ở ngoài tôn giáo, nếu hiểu là niềm tin tôn giáo (belief, believe theo nghĩa hẹp là croyance religieuce) thì tín ngưỡng là một bộ phận chủ yếu nhất cấu thành của tôn giáo (Đặng Nghiêm Vạn 2001:68). Như vậy, chúng ta có thể thấy, nếu theo định nghĩa của Đào Duy Anh (2005), Đặng Nghiêm Vạn (2001), Trác Tân Bình (2007) thì tín ngưỡng chỉ là một thành tố cấu thành nên tôn giáo chứ chưa phải là tôn giáo. Sau đây chúng ta sẽ xem khái niệm về tôn giáo của các nhà Nhân học phương Tây: Theo B.Malinowski, những thực hành mang tính tâm linh, ma thuật cũng giống như khoa học ở chỗ chúng luôn luôn có những mục đích nhất định, gắn liền với bản năng, nhu cầu và niềm mong muốn của con người. Thực hành tâm linh dựa trên kinh nghiệm cụ thể của những trạng thái tinh thần mà trong đó sự thật được bộc lộ không chỉ bằng lý trí mà còn bằng hoạt động tình cảm con người. Khoa học được xây dựng trên lòng tin vững chắc bằng kinh nghiệm, nỗ lực, lí trí, và được chỉ đạo bởi logic, lý thuyết. Thực hành tâm linh được thiết lập với niềm tin rằng hi vọng không thể thất bại, được chỉ đạo bởi một liên kết các ý tưởng dưới sự tác động của lòng mong muốn. Tambiah cho rằng “Khái niệm chung về tôn giáo không chỉ nằm ở lĩnh vực niềm tin và giải thích duy lý về sự vận hành của vũ trụ, mà còn nằm trong nhận thức đặc biệt về cái siêu việt và những hành động giao tiếp biểu tượng” (Nguyễn Thị Hiền 2012:24-33). Định nghĩa tôn giáo của E.Herbert gồm những đặc điểm sau: Có một vị thần tối cao (1), Vị thần đó phải được thờ cúng (2), Đức hạnh kết hợp với mộ đạo là phần chủ yếu của cúng thần (3), Con người phải ăn năn về tội lỗi của họ và từ bỏ chúng (4), Thưởng và phạt sau đó đến từ lòng tốt và công minh của Chúa cả trong cuộc sống này lẫn sau đó (5). Năm điều này chứa đựng toàn bộ học thuyết của giáo 6
  15. hội Công giáo thực sự, có nghĩa là tôn giáo lí trí. E.B.Tylor cho rằng cái tối thiểu hoặc đơn giản nhất có thể của tôn giáo là “niềm tin vào đấng siêu nhiên”; Jame Frazer thì lại định nghĩa tôn giáo là “sự làm nguôi ngoai hay hòa giải những những sức mạnh mạnh hơn con người mà những sức mạnh đó được tin là dẫn dắt và kiểm soát quá trình của tự nhiên và cuộc sống con người”; William James cho rằng tôn giáo chính là “những tình cảm, hành động” và trải nghiệm của cá nhân con người trong cô đơn, tới chừng mực mà họ hiểu chính họ đại diện cho bất kể điều gì mà họ có thể cho là thánh thần. Paul Radin làm sáng tỏ về khía cạnh tình cảm hơn, “Tôn giáo bao gồm hai phần: phần thứ nhất để định rõ, nếu không phải cụ thể chính xác là tình cảm; phần thứ hai là một số hành động, tập quán, niềm tin và khái niệm liên quan đến tình cảm này. Niềm tin gắn bó chặt chẽ nhất với tình cảm , cụ thể là niềm tin vào thần thánh ở bên ngoài con người, được nhận thức là có sức mạnh hơn con người và như vậy kiểm soát tất cả những yếu tố này trong cuộc sống và qua đó con người đặt niềm tin vào. Với Clifford Geertz cho tôn giáo là: (1) Một hệ thống biểu tượng hoạt động nhằm (2) thiết lập những tâm trạng và động cơ mạnh mẽ, rộng khắp và tồn tại lâu dài trong con người bằng cách (3) hình thành nên những khái niệm về một trật tự chung về sự tồn tại và (4) khoác lên những khái niệm này bằng hào quang của sự thật mà (5) những tâm trạng và động cơ dường như là hiện thực duy nhất (Nguyễn Thị Hiền 2012:24-33). Otto Rank nghĩ rằng đó là trải nghiệm huyền bí của cái “thiêng”; S.Freud thì nghĩ đó là sự thể hiện của quá trình tâm lý vô thức; Lucien Levy Bruhl thì nghĩ đó là sản phẩm của trí tuệ nguyên thủy; Robin Horton nhấn mạnh “trong mỗi tình huống mà được gọi chung là mang tính tôn giáo chúng ta đối mặt với hành động hướng tới đấng tối cao mà được tin là ứng với một số phạm trù trong văn hóa riêng của chúng ta bao gồm mục đích, trí tuệ, tình cảm… Áp dụng những phạm trù này vào đấng tôi cao, tức là chúng ta đã nhân cách hóa họ. Mối quan hệ giữa con người và các nhân vật mang tính tôn giáo có thể được xác định xa hơn khi được thống trị bởi một số ý tưởng về mẫu hình và sự bắt buộc như là việc khắc họa các mối quan hệ của con người. Nói một cách ngắn gọn, tôn giáo có thể được xem xét như là sự mở rộng lĩnh 7
  16. vực của mối quan hệ xã hội của con người vượt lên trên giới hạn của xã hội loài người thuần túy” (Nguyễn Thị Hiền 2012:24-33). Như vậy, các nhà Nhân học phương Tây không phân biệt giữa tôn giáo và tín ngưỡng, đặc điểm chung của các định nghĩa đều nhấn mạnh đến niềm tin vào cái thiêng, có một hệ thống biểu tượng và con người đặt tình cảm của mình vào đó. Rõ ràng với khái niệm tín ngưỡng nêu ở trên cũng mang đầy đủ các sắc thái tôn giáo này. Trong nghiên cứu này tôi sử dụng khái niệm tín ngưỡng với hàm nghĩa tôn giáo của các nhà Nhân học phương Tây, bên cạnh đó những khái niệm tương đương như “tục thờ” có thể hiểu là phong tục thờ cúng và một phần nào đó trong thuật ngữ “đạo” đều nằm trong phạm vi của các khái niệm này. Nữ thần là những vị thần linh mang giới tính nữ được con người tín ngưỡng, thờ phụng. Các nữ thần thường được xây dựng trên các chức năng của người phụ nữ như sản sinh, tồn trữ, che chở… (Ngô Đức Thịnh 2012:30-31). Trong văn hoá nông nghiệp, tính chất âm tính dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ, và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần. Và vì cái đích mà người Việt Nam hướng tới là sự phồn thực, cho nên nữ thần của ta không phải là các cô gái trẻ đẹp, mà là các bà Mẹ, các Mẫu (Trần Ngọc Thêm 2000:132-133). Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, một nữ thần có thể trở thành một Mẫu thần khi vị thần ấy: có khả năng sinh đẻ, có công lao, tài năng và đức hạnh và đặc biệt phải hiển linh trong một số sự kiện nào đó. Vị đó không nhất thiết phải có quan hệ thân thích với Vua như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Thiên Yana, v.v. Có thể là mẹ vũ trụ, mẹ loài người, mẹ vua hoặc mẹ của một vĩ nhân nào đó trong lịch sử (xem Vũ Ngọc Khánh 2001, 2005; Nguyễn Hữu Thụ 2010; Ngô Đức Thịnh 2012). Theo Trần Thị An (2013) Tống Hậu - Tứ vị Thánh nương là những Nữ thần cai quản 12 cửa biển từ miền Trung trở ra, sau đó bà được tăng thêm các quyền lực trở thành vị thần của cư dân sông nước và đi biển dọc duyên hải Việt Nam. Bà được tôn xưng là Mẫu, sau đó là Quốc Mẫu với các mỹ tự dành cho bà như: “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương”; “Quốc Mẫu Vương bà Tứ Vị Thượng 8
  17. Đẳng Thần”; “Đại Càn Thánh Nương Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần” người dân một số nơi gọi với những tên thân mật hơn: bà Giàng Lạch, Tống Hậu, Tứ vị Thánh nương v.v. Nơi thờ chính của bà tại đền Cờn, phường Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Theo thống kê chính thức của Viện Hán Nôm, hiện cả nước có 1968 đền thờ bà, ngoài ra một số lớn đền điện từ miền Trung trở vào phối thờ bà với các vị thần địa phương như Thiên Y A Na, thần Cá Ông, Thiên Hậu, v.v. Theo một số tài liệu, ở Nam Định tín ngưỡng Tống Hậu được hình thành từ thế kỷ XIV, trong đó Ninh Cường (Trực Ninh) được xem là một trong những nơi đầu tiên trong vùng xuất hiện tín ngưỡng này. Vậy tục thờ Tống Hậu ở Ninh Cường diễn ra như thế nào? Tại sao bà lại được thờ cúng ở nơi đây? Và vị trí của bà trong mối liên hệ lịch sử văn hóa với tục thờ nữ thần của người Việt nói chung và tục thờ các vị nữ thần người Hoa nói riêng như thế nào? Trong nghiên cứu của mình, tôi sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi bằng các thông tin điền dã và tìm hiểu từ các nguồn thứ cấp. Qua đó tôi sử dụng các cách tiếp cận trong Nhân học văn hóa để tiếp cận vấn đề, đặc biệt là hướng tiếp cận liên ngành trong khoa học xã hội. 1.2. Các khuynh hƣớng tiếp cận nghiên cứu tín ngƣỡng Nữ thần ở Việt Nam Thật khó có thể thống kê được hết các công trình nghiên cứu tín ngưỡng Nữ thần, Mẫu thần và Đạo Mẫu ở Việt Nam. Ngày càng nhiều các công trình nghiên cứu với những hướng tiếp cận mới cho chúng ta những cách nhìn mới về tôn giáo tín ngưỡng đặc biệt là về Nữ thần, Mẫu thần. Tuy nhiên, tôi tóm lược trong hai khuynh hướng tiếp cận chính với những công trình tiêu biểu có ảnh hưởng tới các nghiên cứu khác về tôn giáo tín ngưỡng: 1) khuynh hướng tiếp cận văn bản học; và 2) khuynh hướng tiếp cận Dân tộc học/Nhân học văn hóa. 1.2.1. Khuynh hướng tiếp cận văn bản học Các nghiên cứu về nữ thần ở Việt Nam theo khuynh hướng này chủ yếu tập trung vào nội dung của các văn bản truyền thuyết, thần tích, thần sắc, các văn bản thơ ca, câu đối, các ghi chép của người xưa về thực hành nghi lễ tín ngưỡng v.v. 9
  18. Nghiên cứu tín ngưỡng Nữ thần, Mẫu thần luôn luôn có sức hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Một số câu chuyện về nữ thần được ghi chép từ sớm trong các tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp vào khoảng thế kỷ thứ XIV sau đó được Vũ Quỳnh, Kiều Phú san định lại thế kỷ thứ XV. Tiếp theo là Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên thế kỷ XV. Thế kỷ XVI, Nguyễn Bính san định lại các thần tích, thần phả cho phù hợp với nội dung tư tưởng của triều đình nhà Lê Sơ, từ đó hầu hết các học giả phong kiến đều sao chép hoặc san định lại các câu chuyện thần tích theo ý của mình nhưng vẫn giữ được nội dung cốt truyện. Từ đầu thế kỷ XX, học giả Phan Kế Bính (2005) trong Việt Nam phong tục (xuất bản lần đầu năm 1915) đã mô tả hiện tượng Thanh đồng và Đồng cốt với con mắt phê phán của một nhà Nho như một thứ hủ tục, thực chất đó là nghi lễ của Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đào Duy Anh (2006) trong Việt Nam văn hóa sử cương (xuất bản lần đầu năm 1938) với con mắt của nhà nghiên cứu hiện đại lại xếp các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu vào Đạo giáo phù thủy. Nguyễn Văn Huyên (1996) nghiên cứu Bà chúa Liễu Hạnh trong sự luân chuyển các kiếp sống dưới trần bằng các câu chuyện thần tiên về sự đầu thai theo mô hình Đạo giáo thần tiên. Đến năm 1984, Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc xuất bản cuốn Các nữ thần Việt Nam, đây là cuốn sách đầu tiên đi vào việc sưu tầm các câu chuyện thần tích về nữ thần một cách có hệ thống. Vũ Ngọc Khánh đã sưu tầm 120 câu chuyện về Nữ thần và Thánh Mẫu Việt Nam chia ra thành bốn loại: Nữ thần trong thần thoại; Nữ thần của các dân tộc thiểu số; các Thánh Mẫu và các chư thần cùng các biến dị của truyện. Ông cho rằng, trải qua thời gian, các triều đình phong kiến đã tăng cường ảnh hưởng của mình bằng cách phân phong cho các vị thần thành “thượng – trung – hạ đẳng thần” cùng với việc ghi lại nội dung thần tích, thần phả mang đậm dấu ấn tư tưởng theo đạo đức Nho giáo, dốc lòng vì đế nghiệp, tôn trọng kỷ cương. Nhưng nhân dân có lẽ không quan tâm mấy về những ân sủng ấy đối với vị thần của họ, họ kỷ niệm các vị anh hùng, các vị thần của mình bằng những ngày hội hè, diễn xướng, họ tổ chức các trò chơi cộng đồng, v.v. Tuy nhiên, những vị thần ấy chủ yếu là những vị thần được thờ 10
  19. theo tín ngưỡng phồn thực, hoặc những thần văn hóa, thần nghề nghiệp. Thần nữ nhiều hơn thần nam. Nhân dân cũng không cần biết là loại thần nào, thượng đẳng hay hạ đẳng. Họ chỉ gọi là bà, là mẹ, là Thánh mẫu, Tiên nương. Những thần trong thần phả không phải là những nữ thần được quan niệm trong thần thoại (Vũ Ngọc Khánh 2005:23-24). Ngô Đức Thịnh dựa trên các văn bản truyền thuyết, thần tích các phong tục và tín ngưỡng thờ mẫu đương đại đã phân chia các cấp bậc trong tín ngưỡng nữ thần ở Việt Nam bao gồm: nữ thần, mẫu thần, đạo mẫu Tam phủ, Tứ phủ theo dạng hình tháp nhọn dưới đáy tháp là tín ngưỡng nữ thần, trên cùng là đạo mẫu Tam, Tứ phủ. Ông cho rằng Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hình thành và phát triển trên nền tảng thờ Nữ thần và Mẫu thần, nhưng sau khi đã hình thành rồi thì Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ lại tác động ảnh hưởng theo xu hướng “Tam phủ, Tứ phủ hóa” tín ngưỡng thờ nữ thần và mẫu thần. Điều này chúng ta thấy khá phổ biến ở các đền, miếu thờ Nữ thần, thể hiện ở cách phối thờ, các hình thức trang trí, tranh tượng, các lễ vật, tục hát chầu văn…” (Ngô Đức Thịnh 2012:38-39). Ngày nay chúng ta thường bắt gặp hiện tượng này trong các ngôi đền thờ nữ thần, mẫu thần mà những vị thần ấy không nằm trong hệ thống Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, các đền thờ Tống Hậu – Tứ vị Thánh nương là một điển hình tiêu biểu như vậy. Năm 2013, Hội thảo khoa học quốc tế về “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và Châu Á, bản sắc và giá trị” diễn ra tại Nam Định do Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định, Hội Folklore Châu Á phối hợp tổ chức, kết quả là tập Kỷ yếu khá dày dặn cùng tên ra đời với những tham luận nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu dưới các góc nhìn khác nhau. Các tham luận nghiên cứu theo hướng tiếp cận này của Nguyễn Thị Huế (2013) với “Nữ thần trong thần thoại Việt Nam, bản sắc và giá trị”; Chu Xuân Giao (2013) với “Mẫu Liễu Thanh Sam: bước đầu nghiên cứu về nhóm văn bản chép sự tích Liễu Hạnh công chúa xuất hiện từ thời Lý”; Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Thị Lệ Hằng (2013) với “Bản sắc và giá trị văn hóa thờ nữ thần của người Việt ở vùng Tây Nam Bộ”; Đặng Văn Bài, Nguyễn Thị Thu Trang (2013) với “Đạo Mẫu nhìn từ bản sắc 11
  20. văn hóa Việt Nam”; Nguyễn Thị Bích Hà (2013) với “Thờ mẫu và mã tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa Việt Nam” v.v. Những nghiên cứu này với lối tiếp cận văn bản học đặc biệt sử dụng cốt truyện thần tích, thần phả diễn giải nguồn gốc tín ngưỡng và các giá trị văn hóa tinh thần của Nữ thần, Mẫu thần với đời sống tín ngưỡng người dân Việt Nam. Như vậy, với khuynh hướng tiếp cận từ văn bản thần thoại với một góc nhìn hẹp hơn là nghiên cứu nội dung cốt truyện, câu chuyện về quá trình hình thành tín ngưỡng Nữ thần, Mẫu thần đã cho thấy việc dân gian đã kết nối các sự kiện một cách hoàn hảo tạo thành một nhân vật cụ thể sống động, những sáng tạo vượt trội có sự chỉnh sửa qua nhiều thế hệ, một cốt truyện bền chặt qua thời gian. Sự sáng tạo tập thể hay cá nhân, sự bồi đắp các tín ngưỡng cho phù hợp thời đại, các cách diễn giải nguồn gốc loài người, công lao vị thần đối với cộng đồng đó là những yếu tố giúp tín ngưỡng ăn sâu vào lòng dân gian. 1.2.2. Khuynh hướng tiếp cận Dân tộc học/Nhân học văn hóa Khuynh hướng tiếp cận Dân tộc học/Nhân học văn hóa về tôn giáo tín ngưỡng đang ngày càng được các giới học giả quan tâm nhất là những nghiên cứu sâu về hành vi, tập tục thờ cúng, các diễn giải văn hóa từ góc độ cộng đồng và từ chính chủ thể văn hóa. Một trong những người đi đầu trong nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam theo hướng này phải kể đến Đặng Nghiêm Vạn. Trong cuốn “Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam” (2001), ông cho rằng việc thờ nữ thần xuất hiện từ thời đồ đá giữa khi con người chuyển dần sang trồng trọt chăn nuôi. Các hiện vật được tìm thấy ở thời kỳ này là những tượng phụ nữ với những đặc điểm nữ tính nổi bật (vú to, mông lớn, bụng như có mang) hoặc các quan hệ âm - dương liên quan tới mùa màng phong đăng. Họ tin có một mối quan hệ vô hình giữa khí âm và dương, giữa đực và cái, và nhờ vào sự giao hòa đó mà đất đai phì nhiêu, cây lúa nhiều bông, v.v. Vì vậy, khi bắt đầu làm mùa, trong lễ hội nông nghiệp, việc thờ và rước các sinh thực khí theo tín ngưỡng phồn thực (rước nõn nường) thờ Linga, hay các trò chơi tượng trưng như như ném còn, đánh đu… vẫn ngang nhiên diễn ra trong các xã hội phong kiến vốn rất coi trọng lễ nghi Nho giáo. Và cũng từ 12
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2