
1
PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khóa XI)
về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã chỉ ra nhiệm vụ của ngành giáo dục hiện
nay là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại;
phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của
người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung
dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật
và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực”. Nghị quyết đã chỉ rõ năng lực tự
học của học sinh là một trong những năng lực cốt lõi; phát triển năng lực tự học là
điều kiện tiên quyết để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục hiện nay.
1.2. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (năm 2018) được áp dụng cho
khối THPT từ năm học 2022-2023. Chương trình mới có nhiều sự thay đổi từ mục
tiêu, cấu trúc, nội dung, hình thức đến phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông mới không còn sử dụng chung một bộ
sách giáo khoa và ưu tiên lựa chọn các dạng bài tập nhằm phát huy khả năng vận
dụng kiến thức vào thực tiễn…Vì vậy người dạy còn thiếu kinh nghiệm; người học
còn bỡ ngỡ, chưa theo kịp với yêu cầu.
1.3. Trong chương trình dạy học hiện hành, yêu cầu đổi mới phương pháp đặt
ra vấn đề phát huy vai trò chủ động, tích cực của học sinh trong quá trình dạy học,
giáo viên thay vì làm hộ học trò nay chuyển sang vai trò người định hướng, dẫn
đường, người trọng tài trong quá trình học tập của học sinh. Tuy nhiên, từ lí thuyết
đến thực tế vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Phần lớn GV vẫn chịu ảnh hưởng
của chương trình và phương pháp dạy học cũ nên vẫn khai thác kiến thức nhiều
hơn là cung cấp phương pháp cho HS chiếm lĩnh văn bản cùng loại. Kết quả là
nhiều HS sau khi rời ghế nhà trường vẫn không có khả năng phát hiện và cảm thụ,
không có khả năng tự học những văn bản ngoài sách giáo khoa, khả năng tự học
những vấn đề thực tế cuộc sống, kĩ năng nói và viết cũng hạn chế.
Hơn thế, đặt trong bối cảnh hiện tại, kiến thức bùng nổ, việc học theo chương
trình, theo khóa đào tạo hay sự hướng dẫn của GV sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu
về tri thức của người học, cũng như đòi hỏi cao của xã hội. Vì vậy con đường
nhanh nhất và khả thi nhất chính là rèn luyện cho HS khả năng tự học, phương
pháp tự chiếm lĩnh tri thức. Đây cũng chính là cốt lõi trong nhiệm vụ đổi mới
chương trình giáo dục mới mà Đảng và nhà nước ta hướng đến.
1.4. Trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 10 (bộ Kết nối tri thức với
cuộc sống), “Thu hứng”(Đỗ Phủ) là một trong những văn bản thơ được chọn học
trong bài Vẻ đẹp thơ ca. Đây là một tác phẩm mẫu mực của thơ Đường luật Trung
Quốc, chứa đựng nhiều triết lí sâu sắc về cuộc sống. Tuy nhiên đây là một tác
phẩm khó khi có nhiều đơn vị kiến thức mang tính hàn lâm, thời lượng ngắn nên
người dạy còn lúng túng, người học thường cảm thấy khó khăn, nặng nề. Trong khi