intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghe lỏm chuyện ba nhà sư ngồi bên Chùa Đồng

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

75
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chiều hôm đó tiết trời rất đẹp. Nắng hanh hanh vàng và dậy lên mùi gió núi. Thứ mùi của gió núi có vị của lá trúc mục qua mưa gặp nắng, vừa ngai ngái vừa hoai hoai tạo nên cảm giác như đang đi trong rừng trúc và không trộn lẫn. Những người có tuổi nói rằng: Chưa có khi nào tiết trời ở đây lại đẹp đến thế. Đứng từ Chùa Đồng nhìn xuống, đoàn người hành hương nối nhau tưởng như không ngớt. Người đi lên nhấp nhấp mái đầu chưa tới đỉnh đã chen cái dáng...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghe lỏm chuyện ba nhà sư ngồi bên Chùa Đồng

  1. Nghe lỏm chuyện ba nhà sư ngồi bên Chùa Đồng TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRỌNG VĂN Chiều hôm đó tiết trời rất đẹp. Nắng hanh hanh vàng và dậy lên mùi gió núi. Thứ mùi của gió núi có vị của lá trúc mục qua mưa gặp nắng, vừa ngai ngái vừa hoai hoai tạo nên cảm giác như đang đi trong rừng trúc và không trộn lẫn. Những người có tuổi nói rằng: Chưa có khi nào tiết trời ở đây lại đẹp đến thế. Đứng từ Chùa Đồng nhìn xuống, đoàn người hành hương nối nhau tưởng như không ngớt. Người đi lên nhấp nhấp mái đầu chưa tới đỉnh đã chen cái dáng tưng tưng của người đi xuống. Dòng người tuy đông đúc nhưng lại biết nhường nhịn bởi sự xô bồ không có ở chốn linh thiêng. Nhỡ có ai sẩy chân thì có ngay những bàn tay chìa ra đỡ đần hoặc là những câu an ủi. Càng về chiều gió càng mát, bóng nắng tạo ra từ các đám mây trôi vắt từ sườn núi này sang vạt núi khác như một cuộc đuổi nhau của bầy trâu lội trên cánh đồng ào ạt, thoắt ẩn thoắt hiện, thoắt đến, thoắt đi. Đã sang thu nên nắng không còn nồng nã mà chỉ làm quang quẻ thêm vẻ lồng lộng của vòm trời trên đầu núi. Chiều hôm đó tiết trời rất trong và thoáng. Đứng từ Chùa Đồng, một ngôi chùa nhỏ làm hoàn toàn bằng đồng được đặt ở đỉnh cao nhất trên dẫy Yên Tử, nhìn rộng ra xung quanh tầm mắt tưởng chừng vô biên, phóng khoáng. Từ đây nhìn về phía đông thấy xa xa màu xanh của biển. Nếu có chút liên tưởng sẽ có cảm giác như với tay là chạm tới cửa sông Bạch Đằng, chạm vào những cọc gỗ vót nhọn từng nhấn chìm thuyền chiến Nguyên Mông hồi cuối thế kỷ 13. Còn ngoảnh lại phía tây, đâu như thấp thoáng cửa Lục Đầu đỏ ngầu sóng nước; nhắm mắt lại còn nghe âm vang tiếng trống lệnh rền vang của cuộc luyện quân năm nào và khí phách Đông A
  2. trong Hội nghị Bình Than bàn kế chống giặc Thát. Hướng về phía nam là trải dài màu lúa xanh mút mắt của đồng bằng Bắc bộ; một nét quê tảo tần khiến lòng nao nao nhớ nhung mùi cơm gạo mới. Quay lại hướng bắc, gió thổi tung những cánh lá nhọn như kim của rặng thông già ngàn tuổi; nghe đâu rặng thông chính là phên dậu che chắn ải bắc, tai mắt phòng giặc. Chiều hôm đó tiết trời rất mát mẻ. Du khách hành hương lên đỉnh sau chặng leo núi chênh vênh, gập ghềnh, trơn trượt, mệt đứt hơi như bừng cảm nhận là lạ, trong veo, thanh nhẹ trong lòng. Đám người hành hương khi đã lễ bái xong xuôi liền tản ra thưởng ngoạn, họ í ới gọi nhau, họ loay hoay tìm vị trí đứng để chụp mấy kiểu ảnh hay lặng im chống tay vào gậy trúc mà thở lấy lại sức cho chặng đường đi xuống núi. Có ba nhà sư tách khỏi đám đông ngồi tĩnh tọa dưới chân Chùa Đồng. Chỗ họ ngồi khuất sau khối đá mồ côi lớn cỡ bằng chú voi con nên ít người để ý thấy. Đó là một phiến đá khá phẳng, tiện cho việc ngồi và quan sát từ trên xuống. Ba nhà sư thật thanh thản và dường như họ ngồi đây là để chiêm nghiệm, bằng chứng là thi thoảng họ trao đổi với nhau những câu đủ nghe. Ngồi ngoài cùng bên phải theo hướng nhìn là một nhà sư nữ, bà tầm ngoài năm mươi, đầu đội mũ len màu nâu, vẻ mặt chất phác của người thôn quê. Nhà sư nam giới duy nhất còn khá trẻ, chừng dưới ba mươi tuổi. Nhà sư này ngồi bên trái cùng, gương mặt trắng trẻo, bầu bĩnh của người dường như chưa phải lo công to việc lớn. Vị sư nam có vẻ bồn chồn hay tính hiếu động của tuổi trẻ còn vướng vất nên chốc chốc lại quay hẳn người sang hai nhà sư nữ để nói. Nhà sư nữ ngồi giữa tuổi nhỏ hơn nhà sư ngồi bên phải, khá thư thái, bà ngồi im như thiền, cả khi nói lẫn khi nghe cũng vậy, bà đều như bất động, cặp mắt chăm chú nhìn xa về phía trước. Từ đây nhìn rất rõ Thiền viện Trúc Lâm với những mái nhà ngói đỏ, lớp lớp như bậc thang, ẩn khuất dưới tán lá thông mùa này đang ngả sang màu vàng đỏ; nhìn xa tuốt đỉnh dốc là con đường trải nhựa trông mượt như tấm lụa nối từ đường 18 vào Yên Tử. - Bạch hai thày. Cho con được hỏi?
  3. Nhà sư nam giới lên tiếng trước, giọng rụt rè nhưng bộc lộ rõ vẻ háo hức của người lần đầu lên Yên Tử: - Chắc hai người đã lên đây nhiều lần. Con thấy hai người không bận tâm lắm với chuyện nhìn ngắm? - A di đà phật. Người còn trẻ. Lên trước lên sau có ý nghĩa gì. Chỉ không lên đây mới đáng trách. - Dạ. Con cũng nghĩ vậy, cảm phiền hai người. - Nói như vậy là chưa đúng. Người quê đâu ta? Nhà sư ngồi ngoài cùng bên phải lên tiếng phản bác và hỏi nhỏ, bà vẫn tĩnh tọa nhưng cách hỏi tỏ rõ muốn nhà sư đàn ông phải trả lời. Chiếc mũ len trên đầu hơi động đậy, toàn thân lại rất vững trong dáng ngồi của người thường xuyên ngồi như vậy. Hơi đánh đầu về bên hai nhà sư nữ vị sư nam cất tiếng trả lời: - Dạ, con quê miền Nam. Thì ra họ không cùng một đoàn, sự cuốn hút của khung cảnh đã níu họ lại bên nhau, tự nguyện ngồi đây thưởng ngoạn đất trời, hít hơi thở Phật. Hai nhà sư nữ chưa đáp lại lời của nhà sư nam, hai bà vẫn trông về xa xa nét mặt hơi nhíu lại như nghĩ ngợi. - Con ở Đà Lạt. – Nhà sư nam hồ hởi nói. – Trong đó nhiều cây thông hơn ngoài này, chỉ có điều tuổi của cây ít hơn. - Người nói chưa phải. – Nhà sư đội mũ len nói bằng giọng kiểu chấn chỉnh. – Mỗi nơi mỗi cảnh. Chắc người nhập môn theo các thày ở Thiền viện trong đó? - Dạ. Con theo Phật từ hồi còn nhỏ. Bạnh hai thày, hai người chắc nhiều lần lên Yên Tử? - Ta năm nào cũng theo hầu Đức Phật Hoàng.- Nhà sư đội mũ len nói. – Còn vị đây – Bà nói ý chỉ nhà sư nữ ngồi giữa – Ta chưa chắc. - A di đà phật. Con mới chỉ lên đây lần này là lần thứ hai thôi. Bạch thày, người đi nhiều chắc sáng nhiều?
  4. - Người lại nói chưa đúng rồi. Đi nhiều chưa chắc đã sáng. Mà đi ít chưa chắc là đã chưa khai thông. - Con hiểu. Còn tùy vào cái tâm. Ba nhà sư lại ngồi im lặng. Đỉnh Yên Tử hình như tầm này khách hành hương vào thời điểm đông nhất. Dòng người lên lên xuống xuống chừng mãi nối nhau không ngớt. Được bữa tiết trời đẹp du khách lại nô nức nhiều hơn. Nếu như các năm trước khách hành hương lên Yên Tử thường chọn vào dịp đầu năm thì từ khi tuyến cáp treo từ Hoa Yên lên An Kỳ Sinh được vận hành du khách dường như cứ có cơ hội là lên lễ chùa Đồng được nhiều hơn. Khách hành hương có, khách tham quan có. Du khách có ở khắp mọi miền đều hành hương lên đây. - Trước khi con lên đây. – Nhà sư nam cất tiếng phá tan im lặng – Nghe nói đường đi gian nan lắm. Không ngờ đâu có vậy. - Người sai rồi. - Thày nói thế là sao? – Nhà sư nam hỏi lại nhà sư đội mũ len. - Con người ta nếu nhìn thấy cái đích phải tới thì việc đi dễ. Đích tới mờ mịt trông còn chưa ra người đời đôi lúc sinh nản, có khi còn bỏ cuộc. - Bạch thày. Người nói lại rõ hơn được không? Nhà sư nữ đội mũ len không đáp. Bà chăm chú nhìn ra xa. Dưới chân núi, con đường ngoằn ngoèo như rắn lượn, ẩn hiện qua mỗi góc núi. Chốc chốc từng chiếc xe hơi chạy ra chạy vào lúc như hiện ra, khi như biến mất tạo cho con đường thêm mông lung. Nhà sư đội mũ len hướng mắt về mấy cột ống khói của nhà máy điện Uông Bí nói: - Ví như mấy cái cột ống khói kia, giờ ta nhìn thấy gần. Người giơ tay ra là có thể chạm tới. - Con đã hiểu. Bạch thày, người dạy chí phải. Đường đi gian nan hay không tùy vào cái đích mà mình nhận biết. Đích đến rõ ràng đường đi thuận lợi, đích đến mù mịt đường đi chẳng hiểu.
  5. - A di đà phật. – Nhà sư nữ ngồi giữa chen vào. – Hai thày cho con thêm lời. - Người cứ tự nhiên. - Lần đầu con lên đây thấy đường đi vất vả lắm. Lần thứ hai thấy nhàn tênh. - Mô phật. Người hiểu chưa hết.- Nhà sư đội mũ len vẻ gay gắt. - Đấy là người đã biết rồi. Phàm cái gì đã biết thì còn gì là lạ nữa. Một đám mây trôi qua đỉnh Yên Tử. Bầu trời, mắt đất cùng như thẫm lại. Bóng ba nhà sư ngồi như tan biến vào vách đá. Khi bóng mây theo gió trôi đi ba nhà sư chợt hiện ra im phăng phắc như họ là một phần của đất đá. Dòng người hành hương vẫn nối nhau nhẫn nại và thành tâm. Không có tiếng phàn nàn nào cất lên cho dù họ phải chen chúc nhau trước cửa của chốn linh thiêng. Con người có thể xô bồ nơi đâu chứ nơi này cái sự xô bồ. Khói hương bốc nghi nhút ngào ngạt cả đỉnh núi. - Thừa người sinh ra sự chen chúc. Thừa khói sinh ra đám cháy. – Nhà sư nữ ngồi giữa vốn ít nói chợt triết lý. – Hai thày có thấy thừa mà thiếu không? - Còn quá nhiều cái thừa. – Nhà sư đội mũ len khẳng định. – Cái thiếu ở khắp nơi. – Nói rồi bà chùng giọng xuống. – Xưa Đức Phật Hoàng khi lên đây hẳn Ngài đã đúng “Ở đời vui đạo cũng tùy duyên”. – Bà không đọc hết bài thơ của Đức Phật Hoàng. - Đang thừa cái hiếu kỳ nhưng thiếu cái tâm. Hai người nhìn xem, Đức Phật Hoàng chọn nơi thâm u đâu phải dành cho sự ồn ã. Đức Ngài chọn sự tĩnh để lấy lại cân bằng cho bao biến động. Cửa thiền luôn rộng mở nhưng là cái rộng mở tấm lòng. Hai nhà sư kia lặng thinh, hình như họ chưa hiểu hết ý của nhà sư đội mũ len. Ánh mắt họ chăm chú nhìn đoàn người lúc này xuống núi nhiều hơn lên đỉnh. Trời đang ngả về phía tây, gió thổi từ dưới thung lũng lên làm gai gai trên mặt. Một chút lạnh về chiều dễ làm người ta rùng mình hay nghĩ ngợi dăm chiêu. Hình như ráng chiều bắt buộc con người phải gấp gáp hơn, chạy đua hơn. - Mô phật. Con hỏi không phải, hai thày quê có gần đây không?- Nhà sư nam giới định thay đổi chủ đề.
  6. - Chùa ta ở Nam Định. Gọi là gần quê Đức Ngài. Còn... - A di đà phật. Con mãi trong xứ Thanh. Người quê con còn nghèo. – Nhà sư nữ ngồi giữa trả lời ngay. – Hai thày khi nào rời núi? - Người nghèo ở mọi chỗ. Người giàu có khắp nơi. Giàu nghèo là cái số. Danh phận cũng do cái số. Không cố được. Không tự dưng có được. - Con chưa hiểu. – Nhà sư nam giới hỏi lại nhà sư nữ đội mũ len. - Tôi dám chắc trong số những người lên đây. Chẳng có ai khấn cầu cho muôn dân an lạc. Họ cầu khấn cho danh gia phú quí, họ cầu khấn cho bản thân tấn lộc tấn tài. Thế là trái với giáo lý mà Đức Phật Hoàng tốn bao công sức. - Cũng không hẳn thế. – Vị sư nam có ý chưa chịu. – Cũng có người đến đây chỉ mong được thỏa ngưỡng mộ mà chiêm bái công đức của Đức Ngài. - Có ai được như Ngài đâu. Người xưa thật biết nhún mình, biết dừng khi phải dừng. - A di đà phật. Thày nói đúng.- Nhà sư nữ ngồi giữa chợt thay đổi tư thế ngồi. Cách thức khác với hiện hữu từ đầu đến giờ. – Quyền bính bao nhiêu cũng tiêu tan. Chỉ là hư vô cả thôi. Cái để lại cho hậu thế là gì mới đáng. - Mấy ai dám. – Nhà sư nam lần này lại tỏ ra thông hiểu. – Con nghĩ hai thày... - Người lại sai rồi. - Ý thày là sao? – Nhà sư nam băn khoăn. - Đức Phật Hoàng không tìm cái đã mất. Ngài không tìm nơi để sám hối. - Thày nói rõ hơn. - Đức Phật Hoàng đi tìm và Ngài đã thấy chân lý. Chân lý Ngài có được là tìm được sự cân bằng cho những biến động. Con người ta phải biết tự điều chỉnh mình nhưng không phải cái thấy sai thì sửa. - A di đà phật. Thày nói vậy có gì mới đâu?
  7. - Người chưa biết hết. – Nhà sư đội mũ len chậm rãi. – Phải sửa để không lặp lại cái sai khác. Cái sai sau tệ hơn cái sai trước. Nếu nói: sai để sửa thì luôn lặp lại cái sai. - Con hiểu thế này. Xin phép hai thày. – Nhà sư nam mạnh dạn hẳn lên. Ông nói vẻ chắc chắn. – Tìm nơi tu hành để tĩnh tại. - Người còn trẻ mà hiểu sai nhiều quá. Như thế khác gì trốn chạy. Khác gì rũ bỏ trách nhiệm.- Nhà sư đội mũ len nghiêm nét mặt. Toàn bộ cơ đầu của nhà sư giật giật khiến chiếc mũ len đang đội trên đầu như sắp rơi ra. - Mô phật. Con xin người thứ lỗi. - Người trẻ chưa hiểu thì không có lỗi. – Nhà sư nữ đội mũ len nói với giọng thông cảm. Lại một đám mây trôi ngang qua nhưng lần này bóng mây lại trôi qua sườn núi trước mặt. Cái mảng thẫm của bóng mây làm vạt rừng phía trước như già cội hơn. Cái mảng thẫm của bóng mây làm cánh rừng thêm u tịch nhiều bí hiểm. Chốc lát chỉ thấy toàn màu xám nhưng rồi khi bóng mây trôi đi cánh rừng lại hiện ra rực rỡ dưới nắng hanh vàng. Có cảm tưởng như thấy rõ từng thân cây trong rừng cây vô vàn thân cây lớn nhỏ. Rừng Yên Tử có hai loài cây đặc hữu, thứ nhất là thông. Cây thông Yên Tử cao vút, lá nhọn và thưa nên bề mặt dưới đất luôn dược hưởng khí trời mà thoáng đãng. Còn cây trúc lại khác, từng thân trúc mọc ken nhau bền bỉ giữ dòng nước chảy mỗi khi mưa đổ xuống nên mặt đất luôn ẩm ướt, chỗ cho bầy muỗi vắt sinh sôi nhưng được cái sự sống loài trúc không cạn kiệt. - Chẳng gì che giấu được, - Nhà sư đội mũ len lần này lên tiếng trước, bà nói như vừa phát hiện ra điều gì đấy. – Hai người thấy không? Nếu không có gió thổi làm di chuyển những đám mây thì đâu có những cảnh rừng cây cho ta thỏa ngắm? - Và nếu không có những đám mây che ánh nắng chắc cánh rừng đâu có dịp thâm u.- Nhà sư nam nói quả quyết. - Người sáng nhiều đấy. – Nhà sư đội mũ len nói khen. – Nhưng ánh sáng sẽ phơi bầy tất cả.
  8. - A di đà phật. Cái động làm lộ ra cái tĩnh. Sự động làm sự tĩnh thấy được mình. – Nhà sư ngồi giữa giọng tâm đắc. – Con hiểu vậy phải không thày? - Ở đời cũng thế. Tĩnh lâu quá đâm mu muội mà động nhiều khiến người ta lãng cả tâm. Nói rồi nhà sư đội mũ lên thong thả đưa hai tay từ từ khép lại chắp trước ngực. Bà lẩm nhẩm những câu gì đó. Thoảng trong tiếng gió thổi hắt ngược từ thung lũng lên những âm thanh ran rát làm ghê ghê hàm răng. Đó là tiếng gió luồn qua mấy khóm lau già, lá lau già đưa đẩy chạm vào nhau bật lên âm thanh khiến đỉnh núi không trầm mặc nữa. Gió làm xông lên mùi hoa cúc rừng nở muộn cuối thu gặp hơi nước nên hương hoa cúc tỏa hăng hăng. - Xưa Đức Phật Hoàng luôn dạy: “ Thiền không có nghĩa là bất động” Ngài tâm niệm rằng: “Ngồi cũng là thiền, đi cũng là thiền. Đến khi nào vừa leo núi vừa thiền là đắc”. – Nhà sư đội mũ len vẫn chắp tay trước ngực nói tiếp. - Đức Ngài luôn coi cái động song hành cùng cái tĩnh. Vạn vật, đất trời có khi nào chỉ có tĩnh hay chỉ có động đâu. Nhà sư đội mũ len thong thả doãi hai cánh tay về phía trước. Hai bàn tay mở ra kề sát vào nhau tạo thành bản rộng như đang đẩy một thứ gì. Bà hít hơi thở sâu rồi thở ra hơi dài. Cứ như vậy nhà sư đội mũ len làm đi làm lại động tác đó. Hai nhà sư bên cạnh cũng làm theo, họ vừa làm vừa lặng lẽ quan sát nhà sư đội mũ len. - Hai người thấy có sảng khoái không? - Bạch thày, người dạy phải. – Cả hai nhà sư ngồi bên cùng nói. - Đấy là vận. Cũng là cách để nhận từ thiên nhiên khí tốt. - Con chưa hiểu được ý này của người. – Nhà sư nam thú thật. - Người trẻ nên học sớm. Học muộn khó sửa. - Thưa, con càng không hiểu. Nhà sư đội mũ len lại không trả lời ngay. Bà thong thả làm thêm vài lần động tác tay nữa. Nhìn thái độ ấy, nhà sư ngồi giữa vội nói chen vào: - Chắc ý thày muốn nhắc việc học phải ngấm cái trước rồi mới tiếp cái sau?
  9. - Người biết cách hiểu. - A di đà phật. Tuy ánh nắng trên đỉnh núi đã tắt nhưng tiết trời phong quang nên bóng tối chưa lan tới. Chỗ ngồi của ba nhà sư chỉ cách chùa Đồng đoạn chừng hơn chục mét. Những người xuống núi chợt quay lại sẽ thấy họ như là một phần của ngôi chùa, bóng áo nâu nhập vào vách đá trong thứ nắng nguội cuối ngày sẽ có cảm tưởng họ đã hiện hữu ở đó lâu lắm rồi. Một liên tưởng linh thiêng rờn rợn cùng gió núi mang hơi nước lành lạnh khiến ai đấy ngài ngại. Hình như hiểu được tình thế đó nhà sư đội mũ nói với hai nhà sư bên cạnh: - Ta chỉ khác người đời bởi cái áo. Cởi áo ra ta có khác họ đâu. - Thày dạy phải. Nhưng.... - Người nhưng điều gì? - Cái áo khoác lên như cái danh, danh là phận. Danh phận thường bất công. - Danh phận không bất công chỉ có con người bất công với nhau. – Nhà sư ngồi giữa nói giọng đầy phấn khích, nét mặt bà giãn ra. - Đã phàm là bậc tu hành thì làm gì có danh. – Nhà sư nam khẳng định. - Người hiểu rồi đấy. – Nhà sư đội mũ len an ủi. - Đã thông lên nhiều. - A di đà phật. Hai thày nên xuống núi. Con thấy trời đã tối, đường xuống khó khăn. - Ở đời lên đã khó. Biết khi nào xuống lại càng khó. – Nhà sư đội mũ len động viên. – Hai người lúc lên đây dễ dàng vì nhìn rõ đường lên, nay xuống trời tối nên cẩn thận. - Người không phải lo cho con. Con ngại người có tuổi sẽ khó hơn. Nhà sư đội mũ len như không để ý đến chuyện xuống núi khó hay dễ. Bà đứng dậy rồi nói thư thả: - Đêm nay ta ở lại.- Bà quay sang hai nhà sư đã ngồi cùng mình suốt buổi chiều. - Đợi mai trời sáng, đường quang ta xuống, có gì mà phải hấp tấp. - Bạch thày. Đến khi nào con hiểu sáng được như người?
  10. - Khi người biết là xuống thế nào cho thuận. Tối hôm đó bầu trời trên đỉnh Yên Tử rất trong sáng và chi chít sao. Ngàn ngàn vì sao sà như sát vào đỉnh núi, ngỡ với tay là chạm tới. Những người có tuổi nói rằng: “Đây chính là ranh giới giữa trời và đất”. Ba nhà sư lặng lẽ quay sang nhau, họ cùng chắp tay bái.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2