intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký

Chia sẻ: Trọng Tử | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:18

141
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nguyễn Ngọc Ký (sinh năm 1947, quê ở Hải Hậu, Nam Định) là nhà giáo tại Việt Nam. Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và bị bại liệt cả 2 tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình và trở thành nhà giáo ưu tú, lập được 1 kỷ lục Việt Nam. Từ năm 1951, khi lên 4 tuổi, ông bị bệnh và dẫn đến bị liệt 2 tay. Năm 7 tuổi, ông bắt đầu học viết bằng chân.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký

  1. Nguyễn Ngọc Ký Nguyễn Ngọc Ký (sinh năm 1947, quê ở Hải Hậu, Nam Định) là nhà giáo tại Việt Nam. Từ năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và bị bại liệt cả 2 tay, nhưng ông đã cố gắng vượt qua số phận của mình và trở thành nhà giáo ưu tú, lập được 1 kỷ lục Việt Nam. Từ năm 1951, khi lên 4 tuổi, ông bị bệnh và dẫn đến bị liệt 2 tay. Năm 7 tuổi, ông bắt đầu học viết bằng chân. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, ông đạt được hạng 5 và được chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Hồ Chí Minh.[2] Từ năm 1966 đến 1970, ông học Ngữ văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên. Từ năm 1994, ông chuyển vào sống tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh và từ đó đến năm 2005, ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên cấp 2, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến. Ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước Năm 1992, ông được nhận danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết". Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Vệt Nam, ông là 1 trong 24 tấm gương "Hạt giống tâm hồn" của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm Hội nghị White Palace (thành phố Hồ Chí Minh). Ông đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký của hôm nay Tấm gương phi thường như huyền thoại của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có thể khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ vì những gì thầy đã đạt được từ ngày bắt đầu đi học cho đến nay với đôi cánh tay bị liệt. Năm 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt cả 2 cánh tay sau cơn bạo bệnh. Tưởng rằng, cuộc đời của cậu bé Ký đã bị "đóng đinh" vào số phận tật nguyền. Vậy mà, bằng
  2. nghị lực phi thường, Nguyễn Ngọc Ký không những đã “vượt lên chính mình” mà còn đã đạt được những thành công khiến nhiều người phải mơ ước... Nay, đã ở độ tuổi 67, “cậu bé” Nguyễn Ngọc Ký ngày xưa đã thêm hai “nhà” nữa là nhà văn và nhà tư vấn cho... tổng đài 1080! Ở ông, đã hội tụ nhiều tinh hoa chắt lọc suốt hơn nửa thế kỷ cố gắng phấn đấu không mệt mỏi, ngay cả lúc đang phải nằm chạy thận hàng ngày… Thầy Ký ăn bằng chân Mới đi bệnh viện chạy thận về, thầy Ký nằm trên giường nói chuyện. Ái ngại vì sợ thầy mệt, nhưng kỳ lạ thay, giọng ông vẫn sang sảng: "Không sao, không sao! Người ta qua 3 tiếng chạy thận ai cũng mệt mỏi, còn tôi tận dụng, biến 3 tiếng đó thành 3 giờ hữu ích bằng cách thiền nhân định, dưỡng sinh, tác dụng rất phi thường. Chính các bác sĩ chạy thận cũng rất ngạc nhiên. Thông thường bệnh nhân, chạy thận dồn máu phải mất 5 phút, còn tôi, chỉ 30 giây là xong!" Thầy giáo đặc biệt Nguyễn Ngọc Ký đã có buổi tâm sự rất chân tình với chúng tôi. Thưa thầy, thầy nói rõ hơn về phương pháp thầy đang áp dụng? Năm 1972 tôi thăm lớp huấn luyện đặc công ở Phủ Lý được một ông thầy là đại tá đặc công hướng dẫn vận khí, thở sâu. Tác dụng tốt lắm. Sau đó, khoảng 1992 – 1993 vào Nam sống, tôi tập dưỡng sinh và học nhân điện, nói nôm na là thông qua tâm – ý – khí điều tiết cơ thể, thu hút tinh khí của đất trời.
  3. Hàng ngày ta hướng ngoại nhiều, giờ tập trung hướng nội cho năng lượng đi vào. Nói theo quan điểm duy vật là tập trung tinh thần. Kết quả kỳ diệu lắm, tôi ăn không nhiều, rất điều độ nhưng rất khỏe. So với người bình thường, tôi phải ngồi nhiều nhưng phần bụng không to, cơ thể cân đối… Thầy tập luyện những phương pháp đã cho “kết quả rất kỳ diệu” như thầy nói, nhưng tại sao thầy vẫn phải chạy thận, tức không tránh được căn bệnh khá phổ biến hiện nay? (Cười) Tôi nay đã U70 rồi còn gì. Từ nhỏ đã bị mắc bạo bệnh, liệt hai tay, cơ địa ốm yếu, đâu được như người bình thường hả em? Vậy mà, ngoài những cố gắng, nỗ lực gấp bội so với người bình thường để làm được công việc của một người bình thường, tôi phải có sức khỏe nữa chứ. Tôi lấy ví dụ cho em hiểu, hồi còn học cấp 1, vào giờ thủ công, để gấp con chim, các bạn chỉ gấp chừng 1 phút là xong, còn tôi phải gấp bằng chân cả trăm lần mới được! … đọc báo cũng bằng chân Tính ra, từ năm 4 tuổi đến nay, bắt đầu đi học lớp 1 đến học đại học, làm thầy giáo đứng lớp, tham gia nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện, hội thảo ở mọi miền đất nước, tôi phải tốn sức khỏe nhiều gấp bội lần người bình thường. Tính ra, tôi đã tham gia 1.330 buổi nói chuyện chứ có ít đâu. Khoảng 60 năm sống học tập và làm việc như vậy, ngoài ý chí, nghị lực thì phải kèm theo sức khỏe nữa mới làm được em ạ…
  4. Nếu tôi không tập luyện thì làm sao có sức khỏe để được như hôm nay? Con người có ai tránh được vòng sinh – bệnh – lão – tử đâu? Chúng ta cố gắng tập luyện để sống khỏe, sống tốt hơn, hữu ích hơn là quý nhất rồi…. Thưa “nhà tư vấn” Nguyễn Ngọc Ký, qua thời gian làm cho tổng đài 1080, thầy nhìn nhận thế nào về những thay đổi của xã hội ta hiện nay so với những năm tháng thầy còn trẻ tuổi? Xã hội ta đang phát triển rất nhanh nên có nhiều trật tự, giá trị đã thay đổi rất nhiều. Tôi vôi cùng thấm thía điều này: Hạnh phúc bị đóng khung trong những giá trị xơ cứng sẽ trở thành bất hạnh! Những người gọi đến tôi thường là học sinh, phụ huynh và các đối tượng khác, song chủ đề chính lại là tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình… Có người chuẩn bị uống thuốc rầy tự tử, gọi đến tôi hỏi vài câu rồi uống thuốc. Tôi nghe xong bảo: “Cô còn gặp may lắm, tôi ước gì được như cô…”. Câu chuyện của cô ấy thực ra rất nhiều người trong xã hội ta đang gặp phải, song vấn đề là họ không tìm ra lời giải nên bị bế tắc. Hoặc một trường hợp khác rất rắc rối, bi kịch. Anh chồng là doanh nhân thành đạt, có cô vợ trẻ đẹp, ít hơn anh 20 tuổi. Do áp lực và thời gian với công việc, gia đình không được hạnh phúc, cô vợ ngoại tình với nhân viên trẻ của anh này. Anh chồng có tiền và có quyền, cô vợ có nhan sắc, rơi vào hoàn cảnh này, xu hướng tan vỡ là cái chắc. Tôi nghe xong đã tư vấn cho cậu ấy thấy đâu là nguyên nhân dẫn tới bi kịch này, quan trọng hơn là cách tháo gỡ. Chiều hôm ấy anh chồng nhắn tin cho vợ gặp ở một địa điểm yên tĩnh, lãng mạn để nói chuyện theo đúng “kịch bản” của tôi. Sau đó, vợ chồng họ đã vượt qua nguy cơ tan vỡ. Họ có một buổi tối hàn gắn đầy hạnh phúc. Hôm sau anh chồng dẫn vợ đến gặp tôi cảm ơn: “Tiếc là không gặp thầy sớm hơn”! Cô vợ ngoại tình rồi mà vẫn hàn gắn lại được hả thầy? Đấy, đấy! Vì cứ nghĩ vậy nên dồn tình cảm đến chỗ tan vỡ! Phải nhìn vấn đề ngoại tình một cách nghiêm khắc và nhân văn hơn. Mặt nào đó ngoại tình là triệu chứng biểu hiện của trục trặc, khiếm khuyết nào đó trong tình cảm. Nếu không phát hiện nguyên nhân của triệu chứng này thì ắt xảy ra mất hạnh phúc, thậm chí tan vỡ! Không phải ngoại tình là dở cả đâu. Vấn đề là phải biết xử lý như thế nào cho nhân văn.
  5. Thật ra tình cảm, hạnh phúc ở đời là có duyên của nó. Người trong cuộc lắm khi chỉ thấy cây mà không thấy rừng, nên lúng túng khi gặp phải những phát sinh ngoài ý muốn. Người đứng ngoài có thể khách quan hơn, nhìn thấy vấn đề rõ hơn để giải quyết một cách uyển chuyển… Xã hội ta bây giờ “thoáng” hơn hồi trẻ của thầy nhiều phải không thầy? Xu hướng bây giờ tình yêu gắn liền với tình dục. Nhưng cũng có xu hướng chỉ có tình dục đơn thuần thôi. Đây chỉ là bản năng, một phần của nhân tính. Đó là thực tế khá phổ biến hiện nay… Phút thư giãn, tưới hoa bằng miệng của thầy Ký Là nhà tư vấn trên cái nền nhà giáo, nhà văn, thầy có đánh giá thế nào về xu hướng của giới trẻ hiện nay cũng như các vấn đề xã hội mà thầy thường gặp khi tư vấn? Đúng là xã hội ta đang ngày càng thoáng hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có chừng mực, điều kiện nhất định. Không thì sẽ rơi từ cực đoan này qua cực đoan khác.
  6. Như một trường hợp có cậu học sinh có cha mẹ ở bên Mỹ bảo lãnh qua bên đấy nhưng cậu không chịu, nhất quyết ở lại Việt Nam. Bởi cậu này thích được bơi trong thế giới tự do một mình. Cậu ta ở trong căn nhà sang trọng, có người giúp việc nấu cơm cho ăn, giặt quần áo cho mặc, dọn dẹp nhà cửa; có lái xe cho đi… Năm học lớp 11 cậu ta dẫn bạn gái về nhà ngủ chung… Đây là dạng thả lỏng bản năng, nhu cầu, buông xuôi tất cả, mất hết ý chí. Những trường hợp như thế này, đáng tiếc thay, rơi vào số con em cán bộ có chức có quyền hoặc các gia đình giàu có rất nhiều. Ngược lại, có những em học sinh cực kỳ tốt, chí thú lo học hành, rất siêu đẳng, mới học lớp 10, 11 đã sử dụng ngoại ngữ thành thạo, say mê học hỏi, giao lưu với bạn bè khắp thế giới qua Internet… Ngày đêm đầu tư cho kiến thức học tập, chuẩn bị cho tương lai. Số này cũng không ít đâu. Đó là sự phân hóa trong xã hội hiện nay, nhất là ở giới trẻ, học sinh. Nhận diện được như vậy thì chẳng có gì ngạc nhiên hay băn khoăn cả. Trong xu thế chung của thời đại, ta cần hỗ trợ thêm để các bạn trẻ có định hướng đúng đắn… Khó khăn, gian khổ rèn luyện nên người tốt hơn là đầy đủ, sung sướng? Từ kinh nghiệm của mình, thầy thấy thế nào về kết luận như vậy? Gian khổ tôi luyện nên người là đúng rồi. Trong lần giao lưu mới đây, có bạn sinh viên hỏi tôi: “Từ cậu bé liệt cả 2 cánh tay để trở thành nhà giáo, thầy đã làm thế nào mà đạt được kết quả như vậy? Có khi nào thầy mặc cảm không?”. Tôi trả lời thế này: “Mặc cảm chứ, mặc cảm nhiều lắm. Tôi biết mình là ai, một người khuyết tật! Muốn bù đắp lại những gì thua thiệt, phải cố gắng hơn người bình thường, cố gắng một cách phi thường! Đó là lối đi của người khuyết tật như tôi, mặc cảm mà không tự ti, không lẩn trốn, không buông xuôi. Hoặc ngược lại, mặc cảm mà lạc quan tếu thì đó là sai lầm”. Cuộc đời tôi là cuộc đời của người khuyết tật nên tôi luôn tìm cách bù lại bằng thời gian và nỗ lực cố gắng, sáng tạo cùng ước mơ và quyết tâm thực hiện. Quãng thời gian đi học của tôi luôn phải chịu cảnh này, ban đầu bè bạn hay trêu chọc, tôi chỉ lặng lẽ với đôi tay khuyết tật nhưng lòng tôi luôn nung nấu quyết tâm phải bù lại bằng trí tuệ. Kết quả là chỉ sau một thời gian, nhiều đứa bạn đã từng trêu chọc tôi lại quay qua hỏi bài tôi, chơi với tôi !
  7. Thầy Nguyễn Ngọc Ký: ‘Muốn thành đạt phải cắt bỏ cái thừa’ Trò chuyện trực tuyến với độc giả VnExpress.net sáng 27/9, người thầy liệt hai tay Nguyễn Ngọc Ký khuyên tuổi trẻ muốn thành công phải biết ước mơ, nuôi khát vọng và dũng cảm cắt những cái thừa, đặc biệt là thừa thời gian. - Anh dạy học trên giảng đường thế nào? (Ngô Chân Thành, 55 tuổi, Địa chỉ: P2202 Nhà B Keangnam Hà Nội) - Kính chào độc giả VnExpress! Xin chào bạn Ngô Chân Thành. Rất xúc động khi bạn quan tâm đến công việc gắn bó với bục giảng của thầy. Sau 35 năm đứng lớp, rất nhiều người băn khoăn thầy đã viết bảng như thế nào, đứng lớp như thế nào để có thể dạy học trò rồi trở thành nhà giáo ưu tú. Thầy rất xúc động khi lần được gặp bác Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vốn cũng là một nhà giáo. Bác khuyên thầy về dạy học, chị gái thầy rất lo và bảo "em cháu không có tay sao viết bảng để dạy được bác ơi". Bác cười và nói một câu rất vui nhưng rất chân lý "Cháu không việc gì phải lo, cái quan trọng của nghề dạy học, đặc biệt dạy Văn không phải ở những dòng chữ viết trên bảng mà chính là những dòng chữ viết nơi tâm hồn. Vì thế bác tin con hãy mạnh dạn bước lên bục giảng và chắc chắn con sẽ dạy tốt như con đã học tốt theo cách riêng của mình". Quả thật khi về dạy học, nhiều khó khăn đã đến với thầy. Nhưng nhớ lời dạy của bác Đồng, thầy đã tìm cách vượt qua bằng tất cả sự công phu và sáng tạo. Không viết được bảng bình thường, thầy đã nghĩ ra cách viết bảng bằng cách viết sẵn một tờ giấy lớn ở nhà, đến lớp thầy nhờ trò treo lên bảng. Thầy lại dùng tờ giấy khác che phủ bên ngoài. Khi dạy đến đâu, thầy từ từ kéo tờ giấy trắng tuột xuống, những dòng chữ bên trong lộ ra trước ánh mắt tràn đầy ngạc nhiên và thích thú của các em. Song, để cuốn hút các em, đưa các em hòa nhập vào thế giới văn chương, thầy đã công phu tìm ra những câu hỏi tình huống dẫn dắt các em đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. - Thầy ơi làm sao để thu phục tình cảm của cả hai người phụ nữ như vậy hả thầy? Em 24 tuổi, trải qua hai mối tình đơn phương, không được đáp lại nên giờ rất chán nản. Thầy cho em lời khuyên. Chúc thầy mạnh khỏe, hạnh phúc (Thanh nam, 24 tuổi) - Vâng, xin chào bạn Thanh Nam. Tôi không có đôi tay bình thường nên cuộc đời của tôi gặp nhiều bất hạnh. Tuy nhiên bên cạnh đó tôi cũng gặp được rất nhiều may mắn. Một trong những may mắn lớn là được gặp hai người phụ nữ của cuộc đời mình. Để thu phục
  8. tình cảm phụ nữ, thầy nghĩ phải kết hợp cả hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là bản thân mình phải có cái gì để hấp dẫn họ, đấy là điều cơ bản. Điều thứ hai không thể thiếu là nghệ thuật, là cách thể hiện tình cảm chân thành của mình trong quá trình tiếp xúc và gặp gỡ trực tiếp. Chúc bạn sẽ tìm được một nửa đích thực sau lần thứ ba gặp được người phụ nữ mới. Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký tại tòa soạn VnExpress. - Kính chào thầy. Em có may mắn từng được nghe thầy về trường nói chuyện khi còn học lớp 7. Em vừa nghe vừa khóc, đến giờ vẫn nhớ những lời thầy dạy. Tuổi thơ của em đã gắn với những câu chuyện về thầy. Những câu chuyện tình bạn trong truyện "Tôi đi học" của thầy thật xúc động. Đến giờ tình bạn ấy vẫn còn đẹp chứ thầy? Làm sao để mình nuôi dưỡng được những tình bạn đẹp hả thầy? (Thien Ly, 35 tuổi) - Chào bạn, câu chuyện của bạn đã gợi lại cho thầy những buổi giao lưu của thầy. Những buổi giao lưu đó không chỉ thầy động viên các em mà chính các em đã động viên thầy. Khi em nhắc lại buổi giao lưu đó thầy rất xúc động. Trong hành trình của mỗi người để tới tương lai, không ai có thể đơn độc giành chiến thắng. Mọi thành công đều có sự hợp sức của nhiều sức mạnh. Chúng ta sẽ không thể là người nếu không được cha mẹ sinh ra,
  9. chăm sóc. Chúng ta không có tri thức nếu không có sự dạy dỗ của thầy cô giáo. Chúng ta cũng không thể trưởng thành nếu không có sự yêu thương đùm bọc, giúp đỡ của bạn bè. Có một câu danh ngôn rất hay là "Ai đẩy tình bạn ra khỏi đời mình tức đã đẩy Mặt Trời ra khỏi Trái Đất". Vì thế thầy vô cùng trân trọng và cảm ơn nghìn lần những tình bạn từ thời ấu thơ cho đến nay. Nhờ họ mà thầy mới có hôm nay. Bạn nhắc về "Tôi đi học", thầy lại nhớ tới Bằng, tới Liễu, tới Nghiệp đen trong những năm tháng học phổ thông. Những người bạn đó đến nay thầy vẫn liên hệ, đặc biệt anh bạn Nghiệp đen đã nghỉ hưu sau nhiều năm dạy đại học Bách Khoa. Bây giờ Nghiệp cùng gia đình luôn gắn bó với gia đình thầy như máu thịt trong mọi buồn vui. Hiện khi thầy cũng đã nghỉ hưu, có rất nhiều những người bạn đã trở thành nguồn động viên vô giá cho thầy dù thầy chưa một lần gặp mặt, chỉ trao đổi qua thư, Internet... Có những người chưa học thầy một chữ nhưng vẫn đến với thầy bằng danh xưng học trò như chính em đây. Thầy cảm ơn em rất nhiều! - Thật khâm phục thầy, thầy cho tôi hỏi khi bị liệt 2 tay thì có khó khăn gì trong sinh hoạt không? Nghị lực nào để thầy tiếp tục sống và đạt được nhiều thành quả như ngày hôm nay? (Trần Hoàng, 34 tuổi) - Như bạn biết, đôi chân dùng để đi, đôi tay dùng để làm mọi việc. Khi bị liệt 2 tay, không còn cách nào khác, thầy buộc phải dùng chân để thay thế. Vì thế mọi sinh hoạt đều gặp không ít cản ngại, khó khăn. Từ chuyện ăn, chuyện mặc áo quần, đánh răng, rửa mặt..., mọi sinh hoạt hằng ngày với người không có tay quả không đơn giản chút nào. Không thể ỷ lại mãi sự chăm sóc của gia đình, của mọi người, thầy đã tìm cách dùng đôi chân thay đôi tay theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thầy tự dùng thìa để ăn cơm, dùng những ngón chân để đánh máy vi tính... Thay bằng việc giơ tay để đánh răng, rửa mặt, chải đầu, thầy nghĩ ra cách cấu trúc một điểm tựa trong nhà tắm để gác chân lên đó thực hiện các động tác này. Khi đánh vi tính, ngón chân ngắn và to hơn ngón tay nên rất dễ bị dính phím. Thầy nghĩ ra cách hai chân cầm hai cây bút chì trên đầu có gắn cục tẩy để ấn phím. Tóm lại để khắc phục những khó khăn trong cuộc sống đời thường thì vấn đề không chỉ ở chỗ rèn luyện mà còn ở chỗ tìm ra, sáng tạo những cách cho riêng mình. - Con từng được dạy về tấm gương vươn lên vượt qua số phận của chú từ lúc còn ở trường. Và ba con cũng là một người vượt lên số phận gần như vậy. Con muốn biết qua điểm của chú về bộ phận lớn thanh niên thất nghiệp hiện nay. Theo chú, đó là họ không đủ năng động, hay môi trường xã hội bị bó hẹp trước thời cuộc? Liệu đó là thiếu ý chí vươn lên hay thiếu các cơ hội phát triển? (Hua Linh, 31 Ly Chinh Thang, tp DNang) - Hứa Linh ơi, như vậy trước hết con cứ nhìn vào chính cha con để tìm câu trả lời cho chính mình. Con muốn biết quan điểm của chú về bộ phận thanh niên thất nghiệp hiện
  10. nay ư? Thực ra có nhiều nguyên nhân lắm, môi trường xã hội cũng có. Song nguyên nhân trước hết là do tự khẳng định của mỗi người chưa tốt. Như vậy tiên trách kỷ, hậu hãy trách nhân con ạ. Bởi con đã thấy đấy, không ít người khuyết tật có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng họ đã tự khẳng định mình, được nhiều doanh nghiệp đón nhận và đôi khi chính họ cũng trở thành những chủ doanh nhân thành đạt. Vậy trước khi đòi hỏi xã hội đã đáp ứng cho mình như thế nào, con hãy hỏi chính mình đã phấn đấu và rèn luyện được những gì để đáp ứng yêu cầu của họ. Chúc con may mắn! - Em đọc "Tôi đi học" của thầy viết từ hơn 10 năm nay, đến nay rất tiếc không còn giữ được cuốn sách đó. Em đã mất rất nhiều công đi khắp các hiệu sách Hà Nội, năm nào cũng qua cửa hàng sách NXB Kim Đồng với hy vọng cuốn sách được tái bản, mà từ lâu lắm rồi không tái bản thêm lần nào. Thầy có kế hoạch tái bản cuốn sách đó không ạ, nếu không thầy có thể cho em biết cách gì để em có được cuốn sách đó. Trân trọng cảm ơn thầy và gửi tới thầy lòng ngưỡng mộ, khâm phục. (Tạ Ngọc Diệp, 41 tuổi, Hoài Đức Hà Nội) - Ngọc Diệp ơi, cuốn truyện "Tôi đi học" của thầy đã ra đời từ năm 1970, đến nay đã tái bản ít nhất 9 lần. Rất tiếc em chưa có điều kiện bắt gặp. Hiện nay theo kế hoạch của nhà xuất bản, tháng 1/2014 sẽ tái bản lần thứ 10. Bây giờ thầy biết trên thị trường các nhà sách phía Bắc vẫn đang lưu hành cuốn sách của thầy do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Con hãy tìm và mua nhé. Nếu không mua được, con gửi địa chỉ cho thầy, thầy sẽ gửi tặng con một cuốn trong nay mai. - Kính chào thầy. Trước hết cho em được bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ thầy như một tấm gương sáng đã tiếp thêm động lực cho em. Cho em hỏi với tuổi đời và khó khăn bệnh tật như hiện nay mà thầy vẫn đang hăng say, minh mẫn để viết sách và làm công việc tư vấn, vậy thầy đã có phương pháp gì để luyện tập và giữ gìn sức khỏe được như vậy? (Tien Dung, 39 tuổi, Quan Tan Binh) - Thầy phải vượt qua những khó khăn trong tuổi về hưu, cùng với căn bệnh suy thận giai đoạn 5, mỗi tuần phải đi bệnh viện 3 lần để chạy thận; hệ quả của việc chạy thân cũng rất nặng nề, nào huyết áp cao, nào mất ngủ, ngứa, dị ứng, viêm tắc mạch... song không vì thế mà thầy bỏ rơi các hoạt động khác. Chính nhờ có những hoạt động như đi giao lưu, làm tư vấn tâm lý qua tổng đài 1088, viết lách... đã cuốn hút tâm trí thầy, giúp thầy quên đi bệnh tật. Làm thế nào để phân phối được thời gian, tạo sức mạnh để cùng một lúc vừa chữa bệnh, vừa làm các công việc đó? Thầy có 3 điều tâm đắc: một là sống vui, hai là sống thoáng, ba là sống đơn giản. Để có sức khỏe, thầy cũng thực hiện phương châm 3 điều: giữ gìn, điều độ và rèn luyện. Con biết không, chính trong những lúc thầy đang nằm để chạy thận nơi bệnh viện, khi những người khác khắc khoải nằm để chờ kết thúc hết giờ chạy thận
  11. thì thầy đã tranh thủ rèn luyện bằng phương pháp thiền nhân điện ngay trong lúc nằm. Chính vì vậy nên vẫn cảm thấy đủ sức để thực hiện mọi công việc. Cảm ơn con. - Con năm nay 23 tuổi, nhìn bạn bè xung quanh con ai cũng vui tươi, cũng có công việc tốt phụ cho gia đình mà con thấy chán nản và cảm thấy mình vô dụng lắm. Con cũng học đại học, may mắn ra trường tìm được việc làm luôn, cứ tưởng mọi thứ sẽ tốt đẹp thì tai họa ập tới, con phát hiện con bị ung thư buồng trứng giai đoạn IV. Con đã có thời gian suy sụp, mọi người trong nhà luôn động viên con không phải lo lắng gì, chỉ cần chăm chữa bệnh, khỏe lại rồi tính tiếp. Nhưng thật sự bệnh này nếu chữa khỏi cũng phải theo dõi ít nhất 5 năm nữa. Có lúc con muốn được chết đi cho khỏe khi mà những đợt vào hóa chất bị thuốc hành, trong người khó chịu không muốn ăn uống, nhìn bạn bè thì khỏe mạnh đi làm còn con là chị cả, tưởng giúp đỡ được gia đình sau khi tốt nghiệp, mà không ngờ lại thành gánh nặng. Bây giờ con đã xong đợt điều trị hóa chất rồi, chỉ phải theo dõi thôi, nhưng tóc con chưa đủ dài để tự tin đi phỏng vấn đâu cả. Hoặc nếu đội tóc giả thì con rất ngại bị người khác phát hiện ra, đôi khi con cảm thấy sợ nếu nói thật con sẽ không được tuyển dụng vì làm gì có công ty nào muốn nhận người nhân viên sức khỏe kém. Con muốn đi du học nước ngoài nhưng gia đình lại sợ con không thể tự lo cho bản thân và gia đình cũng không thể lo cho con. Nhiều ước mơ, hoài bão của con giờ cứ xa vời mà khó với tới. Tương lai con vô định và bất định quá thầy ạ. Con chỉ muốn được khóc, được thét lên nhưng không có chỗ nào cả, chỉ biết nhịn, giữ trong lòng và luôn nở nụ cười trên môi, đôi khi không chịu được thì con chỉ biết khóc một chút để nhẹ nỗi lòng mà thôi. Xin thầy cho con lời khuyên. (Jessica, TP HCM) - Chào con, thầy rất xúc động khi nhận được những lời chia sẻ ngợi ca về thầy mà con gửi tới. Và thầy cũng rất băn khoăn thương mến khi biết con đã tốt nghiệp đại học nhưng gặp căn bệnh hiểm nghèo. Con ơi, cuộc đời không ai biết trước điều gì, nếu ta có năng lực, ta có sự lạc quan, ta sẽ có niềm tin. Như vậy không có lý do gì ta lại không có việc làm. Con đừng nghĩ tới ngày chấm hết cuộc đời mà cứ nghĩ rằng mình còn sống được năm nào, tháng nào, thậm chí ngày nào là mình còn niềm vui, còn hạnh phúc, còn lao động để sáng tạo. Vì thế theo thầy, con nên tìm những công việc, những hợp đồng đơn giản phù hợp với sức khỏe của con, dù có thể đồng lương hơi thấp nhưng sẽ giúp con rất nhiều trong việc giải tỏa stress, tìm được niềm vui sống. Chúc con luôn lạc quan, thay bằng việc ngồi nguyền rủa bóng đêm, xin con hãy thắp sáng thêm những ngọn nến. - Là một nhà giáo ưu tú đã nghỉ hưu, thầy có nhận định như thế nào về giáo dục VN trong tương lai và người thầy ngày nay ạ? Xin cảm ơn và kính chúc thầy luôn mạnh khỏe. (Vu Phuong, Quang Ninh)
  12. - Hiện nay trong cái nhìn về giáo dục có nhiều ý kiến khác nhau. Với riêng tôi, tôi vẫn khẳng định nền giáo dục Việt Nam đang đi đúng hướng và tương lai của nó nếu được điều chỉnh sẽ phát triển tốt. Nói về giáo dục là nhắc đến người thầy và những học trò. Trước hết nói về học trò, tôi cảm nhận học trò ngày nay đa phần các em thông minh hơn, nhanh nhạy hơn vì có điều kiện sống và học tập tốt hơn nhiều thế hệ trước. Song rất tiếc một bộ phận không nhỏ học sinh đã không biết tận dụng những thuận lợi về điều kiện để phát triển mà thay vào đó ỷ lại, sa ngã, tốn thời gian cho những việc vô ích, những trò chơi vô bổ. Trong rèn luyện không ít bạn còn buông thả nề nếp, lễ giáo, lễ độ, lễ phép. Đa phần không ngoan bằng thế hệ xưa. Về người thầy, tôi cảm nhận thế hệ các nhà giáo bây giờ kiến thức tự nhiên họ rất vững nhưng kiến thức xã hội dường như có điều gì đó còn băn khoăn. Thế hệ ngày xưa của chúng tôi dạy học không chỉ dạy chữ mà thực sự còn truyền hồn cho các em. Bây giờ một bộ phận không ít các thầy cô giáo hơi nặng dạy chữ cho nên một số giáo viên biến thành "thợ dạy" hơn là "thầy dạy". Do đó có khoảng cách thầy trò. Đấy cũng là lý do để sự tôn sư trọng đạo ngày nay có phần vơi cạn hoặc hơi mang tính thực dụng hóa. Người vợ luôn ở bên thầy Ký. - Chào bác Ký, từ nhỏ cháu đã được biết bác qua các bài học, các bạn trong lớp cháu ngày đó cũng xem câu chuyện cô giáo kể về bác như một huyền thoại. Không ngờ giờ đây lại được nói chuyện với bác. Được đọc những câu chuyện mới về bác, cháu càng khâm phục bác hơn. Bác ơi, cháu chỉ muốn bác cho lớp trẻ chúng cháu một lời khuyên về gìn giữ hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con thật tốt. Cháu cảm ơn bác và chúc bác, gia đình bác sức khỏe, hạnh phúc! (Minh Thu, 34 tuổi, Hà Nội)
  13. - Được nói chuyện với Minh Thu về chủ đề gia đình bác rất vui. Hiện nay bác đã có 9 cháu nội ngoại, đứa lớn nhất đã vào đại học. Các con của bác đều tốt nghiệp và làm nhà giáo từ tiểu học đến đại học. Hai bà vợ của bác đã kế tiếp nhau trọn đời hết lòng yêu thương giúp bác vượt qua mọi gian khó để có hạnh phúc như hôm nay. Để giữ gìn hạnh phúc một gia đình, chuyện đó thực không đơn giản, cái quan trọng là ở thái độ sống, hành động sống của mỗi thành viên trong gia đình ấy. Mỗi người là một tiểu vũ trụ nên chẳng ai giống ai. Vì thế muốn tạo gia đình hạnh phúc trước hết phải tạo không khí an hòa, có đại an mới có đại phúc, đại lộc. Vì thế đã là vợ chồng buộc phải chấp nhận phương châm, chấp nhận phải thỏa hiệp và tự điều chỉnh, luôn luôn biết cách đơn giản hóa những chuyện phức tạp, không làm phức tạp hóa những chuyện đơn giản. Khi có những sự cố, sự việc nảy sinh trong quan hệ vợ chồng, kể cả với con cái, bố mẹ, hãy gắn nhanh chóng, kịp thời, biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự, và như vậy tiếng cười thay cho tiếng khóc sẽ xuất hiện. Phấn đấu để mỗi chúng ta khi đã là thành viên của tổ ấm, gia đình luôn đạt được tâm lý "vui từ đầu ngõ vui ra" nhưng cũng "vui từ ngã bảy ngã ba vui về". Để nuôi dạy các con ngoan, giỏi, việc đầu tiên các bậc bố mẹ phải luôn là tấm gương sáng ở mọi góc nhìn, mọi sự việc, từ lời ăn tiếng nói đến cách quan hệ với mọi người. Bởi thế giới tâm hồn trẻ là bản sao của các bậc làm cha mẹ. Để trẻ ngoan giỏi, cha mẹ còn phải biết cách giáo dục con theo hướng quan tâm đến mọi suy nghĩ, trò chơi, việc học hành của con. Tuy nhiên tuyệt đối không làm thay con mà hãy rèn cho trẻ các kỹ năng tự chơi, tự học, tự rèn luyện. Cháu nên nhớ hãy chấp nhận thua con để giáo dục con, nghĩa là trong giáo dục con tuyệt đối bố mẹ không được áp đặt, hãy coi con như một người bạn, hãy lắng nghe những suy nghĩ rất ngây ngô nhưng rất đẹp của bé, gắng khuyến khích bé, khen ngợi bé nhiều hơn trách phạt bé. - Được tận mắt xem về sinh hoạt đời thường của thầy, em thấy khâm phục thầy quá đỗi. Thầy đã sống cuộc đời thật đáng sống mà thế hệ trẻ giờ ít ai được. Em cũng rất thích viết lách nhưng do bận nhiều việc cho kinh tế nên chưa có thời gian. Nghe nói thầy mới xuất bản tự truyện thời đi học đại học. Chắc là thầy phải ấp ủ lâu lắm nên đến giờ mới thành sách. Để lâu như vậy cảm xúc có bị nguội nhiều không thầy? Mong thầy mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. (Tran Thi Lan, 27 tuổi, Bình Thạnh, TP HCM) - Như Lan biết đấy, khi học phổ thông thầy được giải Toán nhưng lúc được đọc tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, thầy đã "phải lòng" hình ảnh Paven và gắn bó với môn Văn từ đó. Khi tốt nghiệp đại học thầy đã có tác phẩm đầu tay "Tôi đi học". Cho đến nay gia tài sáng tác của thầy đã có 30 đầu sách. Còn tác phẩm mới "Tôi học đại học" mà con vừa nhắc tới, quả thật thầy đã viết nó trong hành trình 43 năm từ sau ngày tốt nghiệp đại học 1970. Thực ra, thời gian có thể xóa nhòa những cái cần xóa nhưng sẽ ngày càng nổi trội đậm thêm dấu ấn những cái không
  14. bao giờ quên. Vì thế những trang viết trong cuốn sách này, nhất là phần sau dù đã cách đây hơn 40 năm thầy vẫn nhớ như in những kỷ niệm không bao giờ quên ấy. Vì thế việc thể hiện nó trên mỗi trang bản thảo, cái khó không phải là ở chỗ kỷ niệm ấy đã mờ phai mà chính ở chỗ tái dựng nó như thế nào, theo cách nào để lôi cuốn bạn đọc nhất, gửi được những giá trị nhân văn cao nhất tới bạn đọc. Và thầy cảm thấy đã phần nào đáp ứng những điều đó. Xin cảm ơn em đã quan tâm đến cuốn sách mới của thầy. - Thưa thầy! Trước hết cho con gửi lời chào sức khỏe đến thầy! Sau, thầy cho con hỏi, con cũng là một người yêu nghề giáo và đã tham gia công tác giảng dạy được một năm. Bản thân con có rất nhiều nhiệt huyết, nhưng từ khi đi dạy con bị rất nhiều áp lực và bị chi phối việc giảng dạy bởi các hoạt động của trường, hầu như con không thể chủ động được việc dạy học. Đặc biệt điều làm con buồn lòng chính là sự đấu đá nhau trong môi trường giáo dục. Thầy có cách nào giúp con có thể tiếp tục đam mê và đi dạy, vì con rất yêu ngành giáo dục. Hiện con là giảng viên một trường đại học ở TP HCM. (Quốc Anh, 23 tuổi, Tp.HCM) - Chúc mừng con đã bước lên giảng đường ở tuổi rất trẻ. Hiện nay những băn khoăn của con, theo thầy cũng là những băn khoăn chung của các nhà giáo. Thật ra đôi lúc ta hơi lý tưởng hóa môi trường giáo dục, song thực chất giảng đường cũng như sân trường đều là một bộ phận của xã hội phát triển. Do đó sự đấu đá cạnh tranh cũng là điều tất yếu, đây là quy luật của thời phát triển. Để tự khẳng định niềm tin yêu nơi bục giảng, mỗi người trong danh dự của mình, nơi chỗ đứng của mình, hãy luôn biết mình là ai, đừng nên vội chủ quan với những kiến thức vừa học. Con hãy luôn tỏ ra khiêm tốn, học hỏi các thế hệ đàn anh đi trước, trao đổi thân thiện với các nhà giáo trẻ đồng trang lứa, luôn hết lòng chăm lo, luôn sáng tạo trong từng buổi dạy, từng lời dạy khi lên lớp mỗi ngày. Làm được những điều đó, thầy tin con sẽ bước qua mọi giới hạn để thanh thản trong tâm hồn, để vui với nghề mà mình đang tâm đắc. Chúc con thành công. - Thưa bác Ký, hồi còn nhỏ cháu đã được đọc trong sách giáo khoa bài văn xuôi "Anh Ký đi học". Ngày ấy cháu chỉ tưởng tượng qua trí óc của mình về một người rất kiên định, vững vàng của một người không may mắn. Nhưng hình ảnh của bác luôn in đậm trong tâm trí tuổi học trò. Cháu cho rằng lúc khó khăn thì chúng ta rất cần những tấm gương để vượt qua, và bác là hình mẫu lý tưởng. Cháu muốn hỏi, có khi nào bác nản chí và muốn buông xuôi tất cả không ? Và làm thế nào để bác vượt qua được suy nghĩ chán nản đó (nếu có) ạ. Cám ơn bác nhiều và chúc bác thật khỏe mạnh. (Lương Thuỳ Liên, 40 tuổi, 521 Kim Mã Ba đình Hà nội) - Xin chào bạn Thùy Liên. Mỗi người trong hành trình cuộc sống, niềm vui cũng lắm mà nỗi buồn cũng không ít. Trước những thất bại, không ai lại không nhận một chút nỗi buồn, nỗi xao xuyến. Với bác, từ những công việc rất nhỏ như dùng chân để làm thủ
  15. công, cắt khâu vá, dùng compa...; khi học đại học làm sao để ghi kịp bài giảng của giáo sư, ngay cả trong mùa đông lạnh cóng bàn chân ở xứ Bắc; rồi khi đi dạy làm sao để viết được bảng, giảng được bài, chinh phục được trái tim học trò... là những bài toán hóc búa khó tìm lời giải. Không ít lần như vậy bác đã nhận thất bại nhưng tuyệt đối chưa bao giờ đầu hàng. Bằng sự kiên nhẫn và lòng khát khao chiếm lĩnh, bác đã lần lượt vượt qua những khó khăn ấy để tự khẳng định mình. Bác nhớ ngày học cấp 3, vì chiến tranh, trường sơ tán học đêm, 11h khuya trên đường đi học về, gặp trận mưa lớn, bác bị ngã và gãy một cánh tay, phải đi bó bột ở bệnh viện Nam Định. Mươi hôm sau, bác lại bị trượt chân ngã ở cầu ao. Cánh tay bị gãy còn nằm trong bong bột như bị long ra, gãy lại, đau buốt tận tủy. Không muốn để bố mẹ buồn, bác nằm im nhưng không ngủ được. Sáng hôm sau các cụ đi làm, bác ngồi dậy học bài, cơn đau lại nhói lên dồn dập. Một khoảng tối trong ý nghĩ đã đến với bác "Chúng nó khỏe mạnh thì không sao, mình đã tay chân thế còn ngã đi ngã lại, liệu có nên sống nữa không". Ngay lúc đó bác giật mình nhớ tới một câu nói của Paven "Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu đựng được nữa". Như được truyền thêm sức mạnh diệu kỳ, bác ngồi dậy và ngồi học bài bình thường. Một chân cầm bút, một chân cầm thước gõ vào băng bột để đỡ đau. Và kết quả bài kiểm tra tiếng Nga ngay đêm đó bác vẫn đạt được điểm tối đa. - Chào thầy, em rất khâm phục sự nghị lực của thầy. Thầy nghĩ gì khi một doanh nhân bỏ mấy chục tỷ chỉ để mời người khuyết tật nước ngoài, trong khi Việt Nam mình còn rất nhiều trường hợp để quan tâm - chia sẻ? Thầy có thấy chạnh lòng cho người khuyết tật Việt Nam không? (Nguyen Nam, Q10 - TP.HCM)
  16. - Trong câu hỏi của em, thầy biết em muốn đề cập đến chuyện mời Nick Vujicic, người không tay không chân đến giao lưu với khán giả Việt Nam đúng không? Vâng, quả thật một doanh nghiệp bỏ ra hơn 30 tỷ đồng để mời Nick đến truyền bá nghị lực sống cho thế hệ trẻ Việt Nam, nhìn ở góc độ nào đó có vẻ quá lãng phí và hiệu quả xem chừng chưa hẳn đã cao. Theo góc nhìn của thầy, có những cái hay của nước ngoài không vì ý thức dân tộc hẹp hòi mà bỏ qua. Trong xu thế mở cửa cùng với đón nhận những doanh nghiệp lớn đến làm ăn tại Việt Nam, thì những tấm gương lớn như Nick đến để truyền cảm hứng cho người Việt Nam là rất đáng quý. Cái gì cũng có giá của nó cả. Trong buổi gặp gỡ với Nick hôm đó, thầy là một trong 24 tấm gương được vinh danh nghị lực ý chí Việt Nam. Như vậy rõ ràng nhờ chuyện Nick đến Việt Nam mà lần đầu tiên Việt Nam vinh danh những người có ý chí nghị lực. Cho nên trong buổi gặp Nick hôm đó, thầy cảm thấy mình được học tập Nick không ít những bài học quý, hiểu người, càng hiểu thêm mình. Đấy là cơ hội quý để tôi tự hoàn thiện mình hơn nữa. Tôi cảm ơn Nick, cảm ơn chương trình rất nhiều. - Con cũng là con của mảnh đất Hải Thanh - Hải Hậu. Rời quê hương ra đi cũng mong lập nghiệp nơi đất khách quê người, nhưng với nội lực, sự chăm chỉ và kiến thức hình như không có thể đứng vững trước những thân thế con ông cháu cha. Thưa thầy, đây có phải là một sự chấp nhận thực tế hay mình phải đấu tranh để rồi thân bại danh liệt? Con phải làm gì trong tình huống này. Con cảm ơn thầy, chúc thầy luôn luôn khỏe ạ. (Nguyễn văn du, 32 tuổi, Gò vấp -Tp HCM) - Chào con, thầy rất vui khi được gặp con, người đồng hương với thầy nơi xã Hải Thanh yêu quý. Câu hỏi của con động chạm đến nhiều vấn đề về mặt tâm lý cũng như về ý thức và thái độ sống. Theo thầy, tốt nhất con nên thực hiện phương châm "6 cặp M" sau, tương lai sẽ mỉm cười với con: Mơ mộng - Miệt mài - Mưu mẹo - Mạnh mẽ - Mềm mại - May mắn. Chúc con thành công. - Ngày nay các bạn trẻ nước ta không còn nhiều người mặn mà với văn chương và văn hoa dân tộc nữa. Có người cho rằng tương lai của giới tri thức Việt Nam là nằm trên vai những sinh viên du học với trình độ kiến thức chuyên môn cao. Là một nhà giáo có kinh nghiệm nhiều về văn chương và văn hóa dân tộc, thầy nghĩ tương lai văn chương xứ ta sẽ ra sao? (Trần Minh Trung, 28 tuổi, Q3, TPHCM) - Vâng chào bạn, câu hỏi của bạn động đến các giá trị bảo tồn văn hóa, văn chương dân tộc. Đây cũng là một vấn đề bức xúc của những người tâm huyết với văn chương, với các giá trị văn hóa dân tộc. Nói là tương lai của dân tộc đang nằm trên vai những du học sinh có trình độ kiến thức cao phần nào cũng có lý bởi trong hội nhập, chúng ta muốn phát triển, chúng ta phải dám đi ra biển lớn, biết học hỏi các kiến thức tầm cao của các nước phát triển để về nhanh chóng biến xứ Việt từ một nước chưa phát triển sớm trở thành một
  17. quốc gia công nghiệp phát triển. Song chính trong sự phát triển đó, chúng ta rất sợ đánh mất bản sắc dân tộc. Muốn giữ được bản gốc văn hóa, hồn cốt dân tộc tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách phải dành sự quan tâm đặc biệt cho sự bồi đắp và phát triển ngành khoa học nhân văn. Tôi rất băn khoăn khi chương trình sách giáo khoa hiện tại về môn Văn còn lại rất ít những bài ca cách mạng, những hình tượng người anh hùng. Thay vào đó lại xuất hiện hơi nhiều mảng văn học lãng mạn những năm 30-45 thế kỷ trước. Theo tôi hơn bao giờ hết trong giới trẻ hiện nay, chúng ta phải tìm cách bồi dưỡng, dạy dỗ thế nào để các em hiểu được một thời oanh liệt, một thời hào hùng đã đi qua. Để rồi khi đất nước càng phát triển thì những giá trị dân tộc ấy càng được tỏa sáng. - Thưa thầy! Cháu rất vui được đọc được nhưng tâm sự rất chân thành của thầy khi trả lời các bạn đọc. Thầy đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để trở thành một nhà giáo ưu tú. Một thực trạng khá nhức nhối của giới trẻ hiện nay là suy thoái đạo đức, coi việc học là trò chơi, không quan tâm vào việc học, suy nghĩ lệch lạc về đạo đức, văn hóa của con người, chạy theo nhưng xu hướng không tốt cho việc phát triển con người cũng như xã hội. Là một nhà giáo ưu tú, thầy có những chia sẻ cũng như những lời khuyên nào cho giới trẻ hiện nay để cho xã hội, đất nước chúng ta phát triển vững mạnh. Cám ơn thầy. Chúc thầy và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trên con đường chèo lái đưa các em học trò qua sông. (Trần Đình Dương, 32 tuổi, 70 Nguyễn Lương Bằng - Buôn Ma Thuột- Đắk Lắk) - Dương thân mến, câu hỏi của con nếu trả lời một cách cụ thể, thấu suốt chắc hơi dài dòng. Ở đây thầy chỉ muốn chuyển tới con một ý nghĩ nhỏ, mong con biến nó thành hiện thực. Đây cũng là bài học kinh nghiệm của thầy để có hôm nay. Vâng, muốn thành đạt mỗi chúng ta, đặc biệt tuổi trẻ phải luôn "Biết mơ những khoảng trời/ Biết cười trong nước mắt/ Biết cắt những cái thừa". Ở đây thầy muốn nói, để thành đạt trước hết ta đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, hãy luôn nuôi những khát vọng từ lớn tới bé. Có những khát vọng hàng thập kỷ nhưng có những khát vọng từng tháng, từng ngày. Cùng với biết mơ ước, ta không thể không hành động. Tuy nhiên đã hành động để có thành công thì không ai không trải qua thất bại. Khi đó ta phải biết "cười trong nước mắt", lạc quan tự tin để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến thách thức thành cơ hội". Nhưng cái quan trọng nhất để thành đạt là mỗi người phải biết "cắt những cái thừa". Người phương Tây có câu "Mọi cái thừa đều là nguyên nhân của đau khổ". Ăn thừa, ngủ thừa, chơi thừa... đặc biệt thừa thời gian là nguyên nhân của biết bao hệ lụy khôn lường. Còn gì là tương lai nếu ta phung phí tuổi trẻ nơi cho những việc vô bổ phải không? Nếu làm được đúng vậy thầy tin con cũng như mọi người sẽ bước tới chân trời hứa hẹn không xa.
  18. Còn rất nhiều câu hỏi của quý độc giả quan tâm dành cho thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký nhưng do thời gian có hạn nên thầy xin tạm biệt. Chúc quý độc giả luôn an vui, hạnh phúc. Thầy gửi tặng mọi người 4 câu thơ: Mỗi ngày thêm mỗi bất ngờ Niềm vui òa đến mỗi giờ mỗi giây. Lộc tài, hoa phúc, quả may Vui cây tâm đức thỏa say xuân đời. Xin chào độc giả VnExpress. Lê Phương Ảnh: Hà Mai
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2