intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai

Chia sẻ: Trọng Tử | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

91
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Hoàng Như Mai (1919 - 2013) là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân và là nhà văn Việt Nam. Ông sinh ngày 3 tháng 8 năm Kỷ Mùi (26 tháng 9 năm 1919) tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Quê quán ông ở thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lớn lên, ông lần lượt học ở Trường Bưởi, Đại học Y khoa và Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai

  1. Hoàng Như Mai Hoàng Như Mai (1919 - 2013) là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân và là nhà văn Việt Nam. Ông sinh ngày 3 tháng 8 năm Kỷ Mùi (26 tháng 9 năm 1919) tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Quê quán ông ở thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Lớn lên, ông lần lượt học ở Trường Bưởi, Đại học Y khoa và Đại học Luật khoa Đông Dương ở Hà Nội. Năm 1943, khi đang là sinh viên Đại học Luật, ông bắt đầu đứng trên bục giảng ở Trường trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương). Đến năm 1948, ông được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình mời làm Hiệu trưởng Trường trung học Phan Thanh. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ sau: - Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc (1951). - Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp trung ương (1953). - Cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1959). - Cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (1980). - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trương Vĩnh Ký (1997- từ 1988 - đến khi qua đời). - Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1988 - đến khi qua đời). Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai vừa qua đời lúc 15 giờ 20 phút ngày 27 tháng 9 năm 2013 ở Bệnh viện 175, Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 95 tuổi [1]. Trong quá trình công tác, ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư (1982), phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1990) và được tặng Huân chương Lao động hạng nhất Sáng tác  Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948)  Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957, xuất bản 2001)  Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1982, xuất bản 2001).  Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993) Nghiên cứu  Văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo Dục, 1961)  Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982)
  2.  Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986)  Nhận định về cải lương (1986)  Giới thiệu sân khấu cải lương (1986)  Thơ một thời (1989)  Hoàng Như Mai tuyển tập (NXB Giáo Dục, 2005) . GS Hoàng Như Mai: Muốn được 'chết' với kịch thơ 'Kiều Loan' Thethaovanhoa.vn) - Hoàng Như Mai (1919-2013) là một nhà giáo kì cựu, với 70 năm cống hiến cho ngành giáo dục, điều mà rất ít người làm được. Thế nhưng, đằng sau cặp “mắt kiếng” sư phạm ấy là một tâm hồn kịch nghệ dạt dào, nó giúp ông có những tiết giảng sinh động, thu hút. Trong lĩnh vực kịch nghệ, ngoài diễn kịch, Hoàng Như Mai còn viết vài kịch bản đáng nhớ như Tiếng trống Hà Hồi(1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982)…; theo nhà thơ Phan Hoàng thì ông còn viết Sát Thát, Người tù binh. Kịch sĩ “liều” Ở tuổi đôi mươi, hai vợ chồng Hoàng Như Mai đã khóa trái cửa nhà gửi hàng xóm để đi diễn kịch. Cơ duyên của điều này vì ông chơi thân với nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Sĩ Tiến từ năm 1940. Năm 1946, họ rủ nhau Nam tiến để diễn kịch tuyên truyền chống thực dân Pháp. Đoàn kịch có tên Độc Lập, gồm Đào Mộng Long, Sĩ Tiến, Tô Hải, Thu Hà, Hoàng Như Mai và vài người khác.
  3. GS Hoàng Như Mai. Ảnh: Nguyễn Đình Toán Ông kể: “Chúng tôi đi vào Nam bằng tàu hỏa. Đến Huế thì dừng lại, tập kịch. Tôi nhớ lúc sắp ra mắt đồng bào thì bỗng có lệnh bắt “Việt gian” Đào Mộng Long (sau đó mới biết là bắt nhầm). Anh Long tự ra nộp mình. Đã quảng cáo rồi, không thể thôi được và cũng cần phải diễn để kiếm tiền (đoàn chúng tôi tự túc), nhưng thiếu anh Long, không biết làm cách nào. Ai cũng có vai cả, chỉ còn mình tôi là người lo công tác giao dịch nên không nhận vai diễn. Vậy là tôi liều nhận đóng thay các vai của Đào Mộng Long. Cho đến lúc đó, tôi chưa một lần lên sân khấu”. Chỉ lần “cứu bồ” đó thôi mà ông thành diễn viên kịch dài cả chục năm, đi lưu diễn “chui” (nhằm tránh thực dân Pháp) ở miền Trung, miền Nam. Ông kể, bản thân cũng có tham
  4. gia diễn vở Tiếng trống Hà Hồi của mình một vài lần. Vở này lúc đó cũng được lưu truyền chui, nhưng nhiều nơi diễn và được nhiều người xem. Trong cuộc trò chuyện với Phan Hoàng, ông nhận xét: “Tôi nghĩ vở kịch cũng được thôi, không có gì xuất sắc, nhưng vì khán giả thấy ở nó tín hiệu tổng phản công quét sạch quân xâm lược cho nên nó thành ra nổi tiếng”. Chính quãng thời gian diễn kịch này đã là nguồn cảm hứng lớn để khi trở lại giảng đường, Hoàng Như Mai là người rất có duyên với nghiên cứu, giảng dạy về sân khấu. chuyên đề về kịch nói của ông lúc nào cũng thu hút rất nhiều sinh viên vào nghe, dù đó có thể không phải là tín chỉ của họ. Đọc những sách như Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986)… đã thấy thích thú, nghe ông giảng trực tiếp còn thú vị hơn. Đôi khi lên lớp, ông dành ra một hai tiết “xé rào” để đi sâu vào một vở diễn hay vấn đề sân khấu nào đó. Phiêu lưu cùng Kiều Loan Thi sĩ - GS Đông Hồ bình giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang và chết đang lúc cao hứng trên bục giảng ngày 25/3/1969 tại giảng đường ĐH Văn khoa (Sài Gòn) là câu chuyện mà vài lần GS Hoàng Như Mai đã kể lại. Ông hay cảm thán: Còn gì tuyệt diệu hơn khi được trút hơi thở cuối cùng với tác phẩm mà mình cao hứng, với tôi thì có chết với kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm cũng xứng đáng. Cũng xin nhắc lại, Kiều Loan được viết từ 1942, năm 1946 diễn một suất duy nhất và “bị xếp xó” trong khoảng 59 năm, mãi đến 2005, Anh Tú mới tái dựng để làm vở diễn tốt nghiệp khóa đạo diễn. Cuộc đời hoạt động văn học của Hoàng Cầm và Hoàng Như Mai cũng khác nhau, vậy thì tại sao từ khá sớm ông đã giảng dạy Kiều Loan tại nhiều trường đại học? Không gì khác hơn, biết đâu là chân giá trị. Có vài nguồn tin cho rằng bản in Kiều Loan năm 1992, trước sự phê phán gay gắt của nhiều nơi, ông là người bênh vực hết lời, nên NXB thêm vững tin. Mà không chỉ có Kiều Loan, trong các tiết dạy, Hoàng Như Mai đã giới thiệu các kịch thơ khác của Hoàng Cầm - một hành động dũng cảm. Trong một tiết học, Hoàng Như Mai bỏ micro bước xuống giữa lớp, nơi có hơn 100 sinh viên đang tập trung, rồi ngâm lớn: “Vua ở đâu? Tôi chỉ ngủ một mình/ Nằm mê thấy vua nhà ai bỏ vợ/ Cưới ngay được một bông hoa bé nhỏ/ Một đêm trăng hoa đẹp nở người tiên/ Vội vàng hoàng đế phát điên/ Xé tan người ngọc, cười nghiêng bệ rồng”. Cả lớp sững sờ, vì chẳng biết thơ của ông hay của ai, thì Hoàng Như Mai nói đó là lời ai oán của Kiều Loan, kịch thơ Kiều Loan. Chuyện này xảy ra khi Kiều Loan đang là một cái tên còn bị phủ mờ trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại và cả tiểu sử của chính Hoàng Cầm. Để xiển dương tinh thần đại học, giảng đường luôn luôn cần những tấm gương vì chân lý, vì cái đẹp đích thực như GS Hoàng Như Mai. VĂN BẢY Thể thao & Văn hóa
  5. Giáo sư Hoàng Như Mai: Người thầy mẫu mực, nhân từ… (Dân trí) - Mẫu mực và nhân từ! Đó là ấn tượng cho bất kỳ ai từng vinh hạnh được học với Giáo sư Hoàng Như Mai - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã mở đầu tâm sự của mình trong một cuốn tự truyện… “Thương tiếc Giáo sư Hoàng Như Mai, nhà nghệ sĩ trên bục giảng!” Và đây cũng là tình cảm mà học trò Nguyễn Ngọc Ký đã chia sẻ với PVDân trí khi được biết người thầy yêu quý của mình vừa đi vào cõi vĩnh hằng! Giáo sư Hoàng Như Mai (1919 - 2013). (Ảnh tư liệu, ĐH Văn Hiến cung cấp) Mỗi tiết lên lớp của thầy là một niềm mong đợi, khát khao. Mỗi bài giảng của thầy là một kho kiến thức rộng lớn đầy khám phá, mới mẻ, cuốn hút. Thế nhưng, điều háo hức, tâm đắc và ấn tượng ở mỗi sinh viên khi được học thầy không chỉ ở chỗ được truyền những
  6. kiến thức quý giá ấy mà còn luôn được “truyền lửa” trong mỗi lời giảng của thầy. Giọng thầy lúc nào cũng sang sảng vang ngân, nồng ấm - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký nhớ lại. Thầy còn chinh phục lũ sinh viên chúng tôi bằng sự thân thiện cởi mở không chỉ trong lời giảng mà còn trong rừng cử chỉ, trong những xúc cảm phô bày nơi khóe miệng luôn thường trực nụ cười, nơi ánh mắt luôn dạt dào niềm trìu mến cảm thông. Nụ cười hiền hậu của GS Hoàng Như Mai lúc sinh thời. (Ảnh tư liệu, ĐH Văn Hiến cung cấp) Người ta thường nghĩ giảng viên đại học xưa nay mỗi khi lên lớp chỉ quan tâm việc truyền bá kiến thức chứ rất hiếm ai quan tâm đến học trò. Nhiều thầy dạy cả học phần dài vẫn không hề biết tên một trò nào. Với GS Hoàng Như Mai, điều này hoàn toàn ngược lại. Tiếp xúc với thầy khi ngồi ở lớp hay khi giao tiếp gặp gỡ thường ngày, dù biết sự
  7. cách biệt giữa thầy với mình tới một hai thế hệ nhưng ai cũng cảm thấy nồng đượm sự trân trọng ấm áp, thân thương, gần gũi như không hề có khoảng cách… Tiết dạy đầu tiên thầy đến với lớp tôi - khi ấy là một căn nhà đơn sơ, lợp tranh nứa, trông như một lô cốt nằm thu mình dưới chân núi Tràng Dương (là nơi trường Đại học Tổng hợp ngày đó đi sơ tán thuộc Đại Tứ, Thái Nguyên), vào một sáng đầu đông, khi những đợt gió lạnh đầu mùa vừa tràn về... Tôi nhớ mãi khi giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, thầy đã dạy chúng tôi bài học sống động về sức mạnh của lý tưởng và tình cảm “Đấy các anh chị thấy không, một khi có lý tưởng sống cao đẹp, có tình bạn, tình đồng chí chân chính người ta vẫn có quyền thăng hoa ngay cả những lúc thưởng chừng chỉ có nước mắt… …Dường như chính trong gian khó, con người trở nên tốt hơn, đẹp hơn, dễ thông cảm, thương yêu gắn bó với nhau hơn. Và dường như cũng trong gian khó con người trở nên lãng mạn hơn, lung linh những giá trị thẩm mỹ kỳ diệu bất ngờ hơn… Đó chính là hình ảnh “đầu súng trăng treo”. Và tôi rất mong và tin nơi đầu ngọn bút của các anh chị cũng luôn treo những vầng trăng như vậy. Song để có được những vầng trăng ở đầu ngọn bút của mình thì trước hết mỗi chúng ta phải luôn có vầng trăng ấy trong mỗi trái tim…” - Bằng cách nào đó thật tài tình, thầy Hoàng Như Mai đã “dẫn dắt” để một bài giảng không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức mà thầy còn “xây dựng” tâm hồn, nhân cách và tiếp lửa cho lũ sinh viên chúng tôi ngày ấy… - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký nhớ lại. Tôi còn cảm tưởng trong thầy lúc nào cũng thường trực những tình cảm đặc biệt dành cho tôi. Cứ có cơ hội là thầy sẽ biểu hiện nó bằng những việc làm, bằng lời động viên chân tình, sâu đậm bất ngờ! GS Hoàng Như Mai không chỉ quan tâm, lo lắng và theo sát nâng đỡ từng bước đi của tôi trong suốt bốn năm học đại học mà trong suốt những năm sau đó, khi tôi đã ra trường, hầu như thầy vẫn luôn “song hành”, chia sẻ và giúp đỡ tôi vượt qua bao thử thách, “thác ghềnh” của phận người... Và phải chăng vì thế, từ đó đến nay, mỗi khi có niềm vui lớn, mỗi khi gặp trắc trở tôi đều đến thăm thầy để tâm sự, giãi bày. Mỗi lần như vậy là mỗi lần tôi lại cảm thấy mình vui thêm, tự tin thêm và khỏe mạnh thêm mọi nhẽ. Dù ở độ độ tuổi 90, mái tóc đã trắng xóa màu mây phấn, bước đi đã chậm chạp song nhiệt huyết của thầy dành cho sự nghiệp giáo dục, với cuộc đời… dường như vẫn sung sức, trẻ trung, nồng thắm như ngày nào. Thầy vẫn luôn là niềm tự hào là bài học sống cho chúng tôi, cho cuộc đời hôm qua, hôm nay và mãi mãi! - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký ngậm ngùi xen lẫn tự hào khi nói về GS Hoàng Như Mai - người thầy mình suốt đời chịu ơn. “Vỹ thanh” bài viết, xin được trích nguyên văn đoạn kết của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký trong tự truyện của mình khi nhớ về những kỷ niệm với GS Hoàng Như Mai: “Khi tôi đang ngồi viết những dòng kỷ niệm không thể quên này về thầy, thì nghe ngoài phố có tiếng trẻ ồn ào náo động. Tôi mở cửa sổ nhìn ra mới biết hôm nay là Trung thu, các cháu nhỏ trong khu phố tôi đang cùng nhau chơi rước đèn. Tôi bất chợt nhận ra nơi khung trời xanh cao vời vợi kia một vầng trăng non vạnh sáng trong như chưa bao giờ sáng và đẹp đến thế. Tôi lịm đi trong giây lát và miên man với suy nghĩ tôi đang lạc vào giữa dòng sông trăng huyền ảo kia, dòng sông trăng tấm lòng thầy tôi - Giáo sư Hoàng Như Mai - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai muôn vàn kính yêu của tôi”.
  8. Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai sinh ngày 3/8 năm Kỷ Mùi 1919 (tức 26/9/1919) tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, quê quán tại thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thầy xuất thân trong một gia đình trí thức quý tộc quan lại cao cấp. Trước Cách mạng Tháng Tám, Giáo sư Hoàng Như Mai học ĐH Y khoa, ĐH Luật. Thầy đến với nghề giáo bắt đầu bằng sự nể nang bạn bè nên dạy giúp môn văn học Việt Nam và Văn học Pháp ở Trường Trung học tư thục Đông Hải ở thị xã Hải Dương năm 1943. Trong kháng chiến chống Pháp, thầy được Tỉnh hội Việt Minh tỉnh Thái Bình cử làm hiệu trưởng Trường Trung học Chuyên khoa tư thục Phan Thanh. Năm 1950, thầy cùng đồng nghiệp xây dựng thành công Trường Sư phạm Việt Bắc và đã từng đưa các giáo sinh của trường sang học ở Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc). Sau đó, thầy đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu và lãnh đạo ở Trường Sư phạm trung cấp Trung ương (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Với giáo trình Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1960, thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Đến năm 1980 thầy về dạy ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Trường ĐH KHXH-NV thuộc ĐH Quốc gia TPHCM). Từ năm 1997, GS Hoàng Như Mai làm hiệu trưởng Trường trung học phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký, TPHCM. Đồng thời, thầy cũng là người sáng lập trường Đại học dân lập Văn Hiến. Từ năm 1988, thầy chính là người sáng lập Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM và đã được hội tín nhiệm cử làm chủ tịch từ đó đến nay. Ngoài nghề dạy học, GS Hoàng Như Mai còn viết nhiều cuốn sách có giá trị cùng hàng nghìn bài báo, nhiều tác phẩm thơ, văn, kịch có tiếng. Các quyển sách như: Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản, Lênin và Cách mạng Tháng 10… cho tủ sách Vỡ lòng của Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Tác phẩm: Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948), Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957, xuất bản 2001), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1982, xuất bản 2001), Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993). Tác phẩm nghiên cứu gồm: Văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo Dục, 1961), Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải
  9. lương (1982), Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986), Thơ một thời (1989), Hoàng Như Mai tuyển tập (NXB Giáo Dục, 2005). Năm 1982, thầy được phong học hàm giáo sư, năm 1988 thầy được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú, năm 1990 thầy được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân (NGND) và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 65 năm gắn bó với nghề giáo, GS Hoàng Như Mai có rất nhiều học trò, trong đó có nhiều người đã thành danh, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Tháng 9/2013, GS Hoàng Như Mai bị tai nạn và điều trị tại Bệnh viện 175 TPHCM. Sau thời gian điều trị, GS-NGND Hoàng Như Mai đã qua đời lúc 15 giờ 20 ngày 27/9, hưởng thọ 95 tuổi. Lễ khâm liệm tiễn đưa GS-NGND Hoàng Như Mai tiến hành lúc 11g ngày 28/9 tại Bệnh viện 175 (TPHCM). Sau đó, 6g ngày 29/9, gia đình sẽ đưa linh cữu giáo sư về nhà tang lễ TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8g ngày 29/9. Lễ truy điệu: 7g30 ngày 1/10. Lê Phương Việt Khuê Lược ghi theo tâm sự và tự truyện của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký
  10. Giáo sư Hoàng Như Mai (1919-2013)- Người thầy suốt đời tôi ngưỡng vọng (TTH) - Nhân vật thứ hai trong bộ tam: “ Viết như Kỵ, giảng như Mai, tài như Cẩn” vừa ra đi vào ngày 27 tháng 9 năm 2013 - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai. (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ thì đã ra đi từ năm 2010. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tài Cẩn năm nay đã bước sang tuổi 87, đang định cư tại Cộng hòa liên bang Nga). Giáo sư Hoàng Như Mai là người gắn bó với ngành giáo dục hơn nửa thế kỷ, đã sáu lần làm hiệu trưởng các trường khác nhau, được tôn vinh là người giảng dạy vào hàng cự phách trong nền giáo dục đại học của Việt Nam. Giáo sư Hoàng Như Mai Giáo sư Hoàng Như Mai sinh năm 1919, tại Hưng Yên, thuộc thế hệ Tây học đầu tiên, sau khi tốt nghiệp tú tài, từng là sinh viên ngành Y rồi chuyển sang ngành Luật, khi “cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ” (Giang Nam), ông tham gia đoàn quân Nam tiến và là một trong những người có công trong việc thành lập đoàn kịch Độc lập, một đoàn kịch có tiếng vang, có nhiều đóng góp vào cuộc kháng chiến ở Liên khu Năm thời đó, đồng thời, là tiền thân của Đội tuyên truyền vũ trang của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1947, trở ra Bắc, ông là thành viên tích cực vận động thành lập Hội văn hóa kháng chiến Hưng Yên, do ông làm Tổng thư ký kiêm Trưởng đoàn kịch
  11. kháng chiến. Năm 1948, khi mặt trận vỡ, đoàn kịch chuyển sang Thái Bình, ông được điều động về dạy học và được cử làm Hiệu trưởng Trường chuyên khoa Phan Thanh của Tổng bộ Việt Minh Thái Bình, khi mới 29 tuổi. Năm 1950, khi địch chiếm Thái Bình, ông được điều lên Việt Bắc, công tác ở Bộ Giáo dục, tháng 9 năm đó, khi thành lập Trường Sư phạm Việt Bắc (hệ sơ cấp), ông được cử làm Hiệu trưởng. Chẳng bao lâu sau, khi hành lang Việt Nam - Trung Quốc được khai thông, ông được cử sang Trung Quốc làm Hiệu trưởng Trường trung cấp Khoa học xã hội vừa mới được thành lập, đặt tại khu học xá Nam Ninh, Quảng Tây. Sau 1954, ông được điều về làm Hiệu phó rồi Hiệu trưởng Trường trung cấp Sư phạm Trung ương tại Hà Nội. Năm 1960, ông được chuyển về giảng dạy bộ môn văn học Việt Nam hiện đại tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, để tăng cường cho vùng mới giải phóng, ông được cử vào giảng dạy tại Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Mình. Năm 1990, ông nghỉ hưu theo chế độ, nhưng vẫn còn nặng nợ với sự nghiệp trồng người, nên đã dốc hết tâm huyết thành lập và làm Hiệu trưởng Trường trung học Trương Vĩnh Ký, một mô hình giáo dục mới được xã hội quan tâm, đồng thời kiêm luôn Hiệu trưởng danh dự Đại học dân lập Văn Hiến cho đến khi qua đời. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thế hệ từng là học trò của Giáo sư Hoàng Như Mai, trong đó có tôi, đã từng bị hút hồn bởi những lời thầy giảng, đã đúc kết và tôn vinh phẩm chất kiệt xuất của người thầy như một niềm tự hào, rằng “giảng như Mai”! Phẩm chất ấy trước hết là do bẩm sinh, thiên phú, từ chất giọng, cử chỉ, tác phong, tài năng hùng biện đến trình độ tư duy, sự uyên thâm về tri thức, có sức lay động tận đáy tâm hồn người nghe, lại được rèn luyện thông qua thực tiễn công tác từ ngành sân khấu kịch nghệ, nơi mà thời đó, ông vừa là trưởng đoàn, vừa là người soạn kịch bản, vừa là diễn viên, có khi còn làm cả vai trò đạo diễn, trong đó có các vỡ một thời lay động đời sống tinh thần trong kháng chiến như Tiếng trống Hạ Hồi, Sát Thát, Người tù binh... Chính điều này là cơ duyên, là bản mệnh, là định mênh, không chỉ cho ông sau này có các công trình nghiên cứu sân khấu đặc sắc như Nhà soạn kịch - cải lương Trần Hữu Trang (1968), Giới thiệu sân khấu cải lương (1968)... mà còn hun đúc nên khả năng cảm thụ tác phẩm một cách đặc biệt để nhen nhúm và truyền lửa vào trong giảng dạy và nghiên cứu, phê bình văn học. Trước hết, Hoàng Như Mai không chỉ là một nhà giáo mẫu mực mà còn là một nghệ sĩ tài hoa. Dạy học, đối với ông không chỉ là một nghề truyền thụ kiến thức mà còn là một nghệ thuật, thậm chí cao hơn, một thứ siêu nghệ thuật. Ông không giảng dạy mà là biểu diễn nghệ thuật giảng dạy. Nghe ông giảng, người nghe luôn hưng phấn bởi cách giảng biến hóa, linh động tùy theo đề tài, vấn đề, tác phẩm cụ thể. Những điều người nghe tri nhận được ở ông bằng con đường tổng hợp có chọn lọc, trong đó ông không chỉ thuần túy đóng vai nhà thuyết giáo mà còn là một nhà nghệ thuật ngôn từ. Thao tác luận của ông là chọn lựa, sắp xếp các chi tiết, các tình tiết trong những quan hệ tương phản, xung đột, một thủ pháp ưu thế của phương pháp kịch trường, tạo tâm cảm cho người nghe có lúc lắng lại, có lúc bừng lên tới độ cao trào. Những chi tiết lấy làm ví dụ của ông, đôi khi chẳng liên quan gì đến nội dung bài giảng, nhưng tạo điều kiện cho người nghe không chỉ hình dung được vấn đề, mà còn hiểu sâu, nhớ lâu, mỗi khi nhớ đến ví dụ là nhớ nội dung. Đặc biệt là ông không chỉ có kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực, nhiều thành tựu văn học thế giới để đối chiếu so sánh, mà còn am hiểu một cách tường tận những tinh hoa văn học, ở mỗi tác giả luôn thấm phần đặc sắc nhất, trong tình huống nào, nội dung nào ông cũng có thể dẫn ra so sánh đối chiếu để làm nổi bật vấn đề, nội dung mỹ cảm và đặc tính
  12. văn chương của tác phẩm văn học. Và, cũng chẳng lạ gì khi những gì tâm đắc nhất gắn liền với tâm trạng thế hệ ông, những cảm xúc bất tử thời trai trẻ của ông như tâm trạng của chính các tác giả Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, T.T.KH, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng... Ông nói về họ mà như đang giải bày chính tâm trạng của mình. Tôi nhớ chuyên đề ông giảng cho lớp tôi thời đó là Thơ văn Hồ Chủ tịch nhưng ông nói say sưa về hình ảnh người lính “Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm / Bụi trường chinh phai bạt áo hào hoa”, những câu mà thời đó còn bị phê bình là chủ nghĩa anh hùng cá nhân thuộc phạm trù tư tưởng phong kiến, được ngân lên từ nhiệt huyết của ông trở nên đẹp một cách lộng lẫy và xác đáng, có sức thuyết phục vô cùng. Ông phê phán nhược điểm của người ta bằng chính cách lý giải vì sao người ta mắc phải nhược điểm ấy, khiến cho nhược điểm cũng ánh lên vẻ đẹp mang nội dung mỹ cảm mới. Chất nghệ sĩ của con người Giáo sư Hoàng Như Mai không chỉ hiện lên ở vóc dáng bên ngoài mà còn ở nội dung tâm hồn và tính cách bên trong. Thoạt nhìn, ông như một tài tử điện ảnh siêu hạng: bộ đồ vét màu trắng, dáng cao, mái tóc bạc trắng để dài bồng bềnh chải ngược về phía sau, đi lại khoan thai, đĩnh đạc, ra dáng một quý tộc Hà thành. Đôi mắt sáng trong, hiền từ, toát ra một ánh nhìn trìu mến. Đằng sau tất cả những điều ấy ẩn chứa bên trong một tâm hồn đa cảm, giàu chất nhân văn, yêu quý con người, nhất là những người cần lao. Nếu tôi không sợ quá lời, có thể nói rằng ông ca ngợi người lao công quét dọn sân trường, người tạp vụ vệ sinh, người gác cổng cũng hay như khi ông đọc thơ. Cái ma lực, cái đẹp và sự vi diệu của nghệ thuật giảng văn chính là ở chỗ đó. Và, cũng chính vì thế văn chương một khi đã được lọc qua tấm thảm ấm áp của tâm hồn ông, đã được nâng lên trong một tầm tri nhận mới. Điều cần nói là, ông có biệt tài giảng thơ và văn xuôi đều hay. Dường như trong giọng đọc của ông có hơi ấm tro than, mỗi câu mỗi chữ phát ra đều có linh hồn. Ông giảng bài mà cứ như người ta kể chuyện. Ông kể chuyện lại cứ như đang giảng bài. Dạy học là một nghề luôn tự đòi hỏi ở mình. Phải biết điều hành và vận dụng các chiêu thức như người luyện võ công. Không phải ai có kiến thức cũng dạy người khác được. Quan trọng là ở phương pháp. Nội dung thì giống nhau nhưng phương pháp mỗi thầy mỗi khác. Giáo sư Hoàng Như Mai ý thức rất rõ điều này và tự mình hình thành một phương pháp giảng dạy riêng, đó là bắt đầu từ những vấn đề khái quát, khơi gợi ra phương pháp tư duy rồi lấy những chuyện “bếp núc” làm đòn bẩy để tạo ra những đường dây liên tưởng cho người học, gợi mở những suy nghĩ, khám phá. Mỗi người học hình thành nên một bài học riêng của chính mình. Phương pháp lập ngôn này còn thể hiện trong các công trình nghiên cứu văn học của ông như Cảm nhận thơ mới, Văn học kháng chiến chống Pháp, Thơ văn Hồ Chí Minh... Là người học trò nhỏ của thầy, đã từng có những năm tháng thời trai trẻ ngồi trên ghế nhà trường ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, nghe như uống từng dòng mật ngọt từ những bài giảng nặng đầy tri thức, đánh thức khát vọng đời người ở tuổi thanh xuân, và cũng đã có cơ hội đi theo con đường mà thầy đã đi, đến nay cũng đã gần đến tuổi nghỉ hưu, tôi vẫn thấy mình còn bé dại, không sao theo kịp dấu chân thầy. Thầy chính là người thầy đích thực, trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò, là bóng cổ thụ tỏa bóng, suốt một đời tôi ngưỡng vọng. Phạm Phú Phong
  13. Trái tim người thầy đã sống gần trọn một thế kỷ, trong đó có 70 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" (1943-2013) ngừng đập chiều ngày 27/9/2013. Người thầy kính yêu đó là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013). Lớp lớp thế hệ sinh viên, học sinh ở cả hai miền Nam - Bắc được thầy dìu dắt, dạy dỗ nhớ mãi hình ảnh và nhân cách cao đẹp của thầy. Trái tim người thầy đã sống gần trọn một thế kỷ, trong đó có 70 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" (1943-2013) ngừng đập chiều ngày 27/9/2013. Người thầy kính yêu đó là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai (1919-2013). Lớp lớp thế hệ sinh viên, học sinh ở cả hai miền Nam - Bắc được thầy dìu dắt, dạy dỗ nhớ mãi hình ảnh và nhân cách cao đẹp của thầy. Tấm gương ngời sáng Mới gần đây thôi, sáng chủ nhật, 22/9/2013, lớp Văn khóa 8, Khoa Ngữ - Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi họp mặt kỷ niệm 50 năm tựu trường (1963-2013). Chúng tôi tuổi tác đã trên, dưới 70, đều hồ hởi nhắc đến những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc về tình nghĩa thầy, trò; tình bạn bè trong suốt bốn năm ngồi trên ghế giảng đường đại học. Một trong những giáo sư đã để lại cho chúng tôi tấm gương sáng ngời về cốt cách, bản lĩnh người thầy; truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình và tình yêu văn học, nghệ thuật để hướng tới chân, thiện, mỹ là thầy giáo Hoàng Như Mai. GS Hoàng Như Mai (bên phải) tiếp đoàn đại biểu UBND TP.HCM nhân Ngày nhà giáo VN năm 2007. Như Hùng Những giờ lên lớp của thầy thật sinh động và hấp dẫn vô cùng. Thầy hoàn toàn làm chủ bài giảng, tuy có mang theo giáo án và tài liệu minh họa, nhưng thầy hầu như không sử dụng. Thầy giảng rõ ràng, mạch lạc, đầy sức truyền cảm, thuyết phục. Giọng thầy rất ấm và vang nên càng làm cho bài giảng có sức cuốn hút sinh viên một cách kỳ lạ. Thầy có biệt tài cảm thụ tinh tế và phát hiện được nhiều cái hay, cái đẹp do văn học mang lại cho
  14. con người và cuộc đời. Chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh thầy ung dung, với giọng nói hết sức tự nhiên như rót vào tai sinh viên khi thầy phân tích, diễn giải có lý có tình về những bài thơ tuyệt vời mà có thời kỳ bị coi là "có vấn đề", vì giọng điệu bi quan, “tiểu tư sản”. Đó là các bài Tây tiến của Quang Dũng, Không nói của Nguyễn Đình Thi, Màu tím hoa sim của Hữu Loan... Tôi nhớ đến bài giảng của thầy về chuyên đề thơ ca đấu tranh thống nhất nước nhà. Tôi rất ngạc nhiên về trí nhớ đặc biệt của thầy. Thầy thuộc lòng khá nhiều bài thơ, đoạn thơ hay của Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Trinh Đường, Lưu Trọng Lư, Trần Nguyên... Có thể nói thời gian học đại học hai năm cuối ở nơi sơ tán ở thôn Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là dịp chúng tôi được học tập, gần gũi thêm với các thầy giáo, cô giáo. Nhà thầy Hoàng Như Mai chỉ là hai gian tranh tre, nứa lá, dựng tạm bên con suối Đôi thơ mộng. Mùa mưa bão, nhà thầy bị gió mạnh thổi tốc mái, siêu vẹo, nước tràn vào sân. Mấy sinh viên chúng tôi gọi nhau ra sửa giúp nhà cho thầy. Lúc giải lao, thầy, cô mời chúng tôi ăn mấy miếng sắn bở, ngon và tươi mới nhổ ở vạt đất vườn. Tôi tranh thủ giở xem mấy cuốn sổ tay đặt trên bàn thầy. Thầy giáo thấy tôi chăm chú xem, bèn bảo: "Em mang về xem rồi trả cho thầy sau nhé". Đêm hôm ấy (20/3/1966), bên ngọn đèn dầu của nhà bác Nguyễn Đình Chung, tôi đã miệt mài chép những tư liệu quý của thầy. Đó là truyện ngắn Nỗi buồn của thầy Mạnh của Minh Đạo, đăng trên báo Tự trị của Tổng hội sinh viên số 10, 22/6/1945; các bài thơ Độc hành ca 2 của Thâm Tâm, Hẹn về cố đô của Đinh Hùng, Giản dị của Lê Khắc Thiền... Tôi thầm càng cảm phục thầy, vì mặc dù thầy cảm thụ rất sâu, thuộc rất nhiều áng văn, thơ nhưng thầy vẫn chịu khó ghi chép và suy ngẫm, bình luận văn chương. Tâm hồn tươi trẻ mãi Thầy Hoàng Như Mai đến với con đường văn học, nghệ thuật và giáo dục như một lẽ tự nhiên. Trong lá thư tay dài 4 trang giấy, khổ A4, viết từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho tôi, đề ngày 25/11/2003, thầy đã cắt nghĩa lý do thầy gắn bó với sự nghiệp "trồng người": "Vì học sinh, sinh viên làm cho tôi yêu mến nghề thầy giáo. Nghề thầy giáo luôn cho tôi được sống với tuổi thanh xuân". Quả thật vậy, cho đến tận những năm cuối đời, khi sức khỏe đã giảm sút nhiều, thầy vẫn giữ được phong độ và tâm hồn thanh xuân ấy. Thương tiếc thầy đi xa, tôi lại nhớ những lời dạy quý báu của thầy năm xưa. Trong sổ tay, tôi đã ghi hầu như nguyên văn bài nói chuyện của giáo sư Hoàng Như Mai về thơ Bác, tại Câu lạc bộ Hội nhà báo Việt Nam, tối ngày 29/4/1968. Trong hai giờ đồng hồ liền, giáo sư đã nói "vo", dẫn chứng chính xác cả thơ chữ Việt lẫn thơ chữ Hán của Bác, cuốn hút sự chú ý của hàng trăm nhà báo, trong đó có nhiều người là học trò của thầy giáo. Bây giờ đọc lại sổ tay, tôi cảm thấy những ý kiến chí lý của thầy vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự, hấp dẫn. Tôi xin dành bài viết này như một nén tâm nhang thành kính dâng lên Giáo sư Hoàng Như Mai - người thầy đức độ, tài hoa đã cùng với bao thầy, cô khác ở Khoa Ngữ - Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tận tâm, tận lực chăm sóc, đào tạo lớp lớp học trò trở
  15. thành những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, những nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội v.v... tâm huyết, trong đó có các nhà báo đã và đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí, xuất bản khác. Hà Nội, đêm 27/9/2013. Nguyễn Huy Thông - Nhà phê bình văn học
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2