SỞ HỮU TRÍ TUỆ - NHÃN HIỆU VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ - 3
lượt xem 56
download
Vấn đề này có thể được điều chỉnh bởi pháp luật về quảng cáo so sánh, theo đó có thể đòi hỏi rằng việc so sánh là được phép với điều kiện phải hợp lý. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc sử dụng nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh là không nhằm mục đích của nhãn hiệu để chỉ dẫn gốc, mà chỉ nhằm mục đích phân biệt hàng hóa thuộc sở hữu của thương nhân với hàng hóa của đối thủ cạnh tranh. Sử dụng một dấu hiệu cho hàng hóa hoặc dịch vụ Để cấu...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: SỞ HỮU TRÍ TUỆ - NHÃN HIỆU VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ - 3
- Trả lời Vấn đề này có thể được điều chỉnh bởi pháp luật về quảng cáo so sánh, theo đó có thể đòi hỏi rằng việc so sánh là được phép với điều kiện phải hợp lý. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc sử dụng nhãn hiệu của đối thủ cạnh tranh là không nhằm mục đích của nhãn hiệu để chỉ dẫn gốc, mà chỉ nhằm mục đích phân biệt hàng hóa thuộc sở hữu của thương nhân với hàng hóa của đối thủ cạnh tranh. Sử dụng một dấu hiệu cho hàng hóa hoặc dịch vụ Để cấu thành hành vi xâm phạm quyền, dấu hiệu phải được sử dụng kèm với hàng hóa hoặc dịch vụ. Các quy định về nhãn hiệu trong Hiệp định TRIPS cũng như Công ước Paris đều không đưa ra định nghĩa “sử dụng”. Do đó, một nhãn hiệu không được sử dụng theo ý nghĩa thích đáng trừ khi nó như một chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa. Như vậy, sử dụng trong quảng cáo so sánh hoặc nhằm mục đích biểu thị chất lượng sẽ không phải là sử dụng nhãn hiệu. Thông thường, một nhãn hiệu sẽ được sử dụng gắn với hàng hóa hoặc dịch vụ đã đăng ký. Điều này có thể thông qua việc gắn nhãn hiệu lên hàng hóa hoặc bao bì của hàng hóa hoặc trong các tài liệu giao dịch thương mại, như hóa đơn hoặc bảng giá. Trong một số hệ thống pháp luật, việc sử dụng nhãn hiệu trong quảng cáo hoặc các hình thức xúc tiến khác sẽ là bằng chứng cho việc sử dụng, tuy nhiên, cũng có thể yêu cầu rằng việc sử dụng phải đồng thời với việc cung cấp hàng hóa trên thị trường để được coi là “trong quá trình thương mại”. Câu hỏi tự đánh giá Câu 12 Trong một quảng cáo, một thương nhân so sánh sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Quảng cáo đó đề cập đến sản phẩm của đối thủ cạnh tranh bằng cách mô phỏng bao bì kể cả nhãn hiệu gắn trên sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Đây có phải là hành vi sử dụng xâm phạm quyền hay không? Trả lời. Luật nhãn hiệu không quy định việc sử dụng nhãn hiệu nhằm để chỉ nguồn gốc hàng hóa của người kinh doanh. Việc sử dụng nhằm mục đích so sánh thường không được coi là việc sử dụng nhãn hiệu. Việc đăng ký trái phép tên miền Internet là nhãn hiệu đã đăng ký của người khác sẽ không bị coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu đó cho hàng hóa hoặc dịch vụ, khi việc đăng ký được thực hiện chỉ vì mục đích bán lại tên miền đó. Tất nhiên, hành vi này có thể bị điều chỉnh bởi các quy định về tên miền được đăng ký. 33 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đã đăng ký cho hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại Loại xâm phạm quyền này thường đòi hỏi toà án so sánh nhãn hiệu bị nghi ngờ xâm phạm quyền với giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cấp cho chủ sở hữu và so sánh hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu với nhóm hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đã được đăng ký. Sử dụng dấu hiệu khi nhãn hiệu và hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự hoặc giống nhau Trong trường hợp khi có các nhãn hiệu tương tự cho cùng loại hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc khi hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự sử dụng các nhãn hiệu giống nhau thì nhất định sẽ có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thông thường, các thẩm định về khả năng nhầm lẫn được sử dụng để đánh giá mức độ nhầm lẫn phục vụ mục đích đăng ký. Do đó, như một quy tắc chung, hàng hóa là tương tự nếu khi được chào bán dưới cùng một nhãn hiệu tương tự thì công chúng tiêu dùng có khả năng tin rằng hàng hóa đó có cùng nguồn gốc. Cần xem xét mọi chi tiết gồm bản chất của hàng hóa, mục đích sử dụng, các kênh thương mại phân phối hàng hóa, đặc biệt là nguồn gốc thông thường của hàng hóa và các điểm bán lẻ thông thường. Một khía cạnh khác là bản chất và thành phần của hàng hóa. Nếu phần lớn hàng hóa được sản xuất từ cùng nguyên liệu thì chúng sẽ được coi là tương tự, thậm chí nếu chúng được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Nguyên liệu thô và sản phẩm hoàn thiện được sản xuất từ nguyên liệu thô thường là không giống nhau, tuy nhiên, chúng lại không được bán ra thị trường bởi cùng một công ty. Nhãn hiệu ít nhiều có thể giống nhau. Việc thẩm định để xem liệu chúng có tương tự đến mức gây nhầm lẫn hay không. Một nhãn hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước đó nếu nó được sử dụng cho hàng hóa tương tự và trùng với nhãn hiệu có trước đó đến mức mà người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa. Nếu người tiêu dùng bị nhầm lẫn, vai trò phân biệt của nhãn hiệu không phát huy tác dụng và người tiêu dùng có thể không mua được sản phẩm mong muốn. Điều này là không tốt đối với người tiêu dùng cũng như đối với chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ không bán được hàng hóa. Việc thẩm định không cần thiết nhằm vào sự cố ý gây nhầm lẫn từ phía người xâm phạm quyền cũng như nhầm lẫn trên thực tế. Khả năng gây nhầm lẫn mới là nội dung cần thẩm định. 34 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Vấn đề quan trọng nhất là người tiêu dùng không trực tiếp so sánh các nhãn hiệu; nhìn chung, người tiêu dùng phải đối mặt với nhãn hiệu bị xâm phạm quyền trong cửa hiệu mà không nhìn thấy sản phẩm mang nhãn hiệu mà người đó biết và nhớ chính xác ít hay nhiều. Người đó sẽ nhầm lẫn giữa các sản phẩm được chào bán dưới nhãn hiệu xâm phạm quyền và sản phẩm thật mà người đó thực sự muốn mua. Trong tình huống này, cần phải lưu ý rằng người mua trung bình cũng chỉ có trí nhớ trung bình và rằng việc người đó nghi ngờ nhãn hiệu đang gặp có phải là nhãn hiệu đã biết hay không là đủ. Do ngay từ ban đầu người tiêu dùng bình thường không thể nhận ra sự khác biệt giữa các nhãn hiệu mà đã có thể nhận ra nếu người đó bỏ thời gian tìm hiểu nhãn hiệu, và sản phẩm gắn với nhãn hiệu được chào bán một cách cẩn thận hơn nên ấn tượng đầu tiên của người đó sẽ có tính quyết định. Điều này là đặc biệt đúng đối với các sản phẩm tiêu dùng phổ biến được chào bán trong các cửa hàng tự phục vụ. Ngoài ra, người tiêu dùng bình thường, trình độ văn hóa thấp và trẻ em thường dễ bị nhẫm lẫn hơn. Người mua thiết bị, ôtô hoặc máy bay sành điệu và đắt tiền rõ ràng sẽ cẩn thận hơn người tiêu dùng trong các cửa hàng tự phục vụ. Do đó, trong các lĩnh vực này, các nhãn hiệu rất giống nhau sẽ cùng tồn tại, dễ có khả năng gây nhầm lẫn nếu chúng được sử dụng cho những loại hàng hóa tiêu dùng phổ biến. Khi thẩm định tính tương tự của các nhãn hiệu thì chúng cần được so sánh một cách tổng thể và cần chú trọng hơn vào các yếu tố giống nhau có thể dẫn đến sự nhầm lẫn mà không cần tập trung vào những khác biệt mà người tiêu dùng trung bình đã bỏ qua. Mặc dù nguyên tắc cơ bản về so sánh nhãn hiệu này là tổng thể và không chia các nhãn hiệu thành từng phần nhưng cấu trúc của các dấu hiệu là quan trọng. Các tiền tố phổ biến thường quan trọng hơn các hậu tố; nếu hai dấu hiệu rất giống nhau hoặc trùng lặp ở phần tiền tố, chúng có khả năng bị nhầm lẫn cao hơn là giống nhau ở phần hậu tố. Các từ dài có các ký tự đầu tiên giống nhau hoặc trùng lặp có nhiều khả năng bị nhầm lẫn hơn là các từ ngắn với ký tự đầu khác nhau. Các nhãn hiệu có tính phân biệt cao (các nhãn hiệu từ đặt hoặc ngẫu hứng) có khả năng bị nhầm lẫn nhiều hơn là các nhãn hiệu mang nghĩa kết hợp liên quan đến hàng hóa mà nhãn hiệu được đăng ký. Sự nhầm lẫn có thể phát sinh từ sự tương tự trong cách viết, cách phát âm và ý nghĩa của dấu hiệu, và sự tương tự ở một trong số các nội dung này cũng đủ để cấu thành hành vi xâm phạm quyền nếu nó gây nhầm lẫn cho công chúng. Câu hỏi tự đánh giá 35 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Câu 13 Những yếu tố nào được xem xét khi đánh giá nhãn hiệu SOLAROID tương tự gây nhầm lẫn với POLAROID? Trả lời. Sự tương tự trong thể hiện đồ họa của nhãn hiệu; tương tự trong cách phát âm; tương tự về ý nghĩa và ý tưởng được truyền đạt bởi cả hai nhãn hiệu; bản chất của hàng hóa mang nhãn hiệu; mục đích sử dụng nhãn hiệu và các kênh thương mại phân phối hàng hóa. Biện hộ cho hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được đăng ký Người sử dụng nhãn hiệu đang bị chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký phản đối sẽ có thể tránh được trách nhiệm pháp lý nếu người đó có thể đưa ra một trong số những lý lẽ biện hộ sau: • Hành vi bị khiếu kiện được thực hiện với sự đồng ý của chủ sở hữu; • Đăng ký hết hiệu lực hoặc bị hủy bỏ; • Bị đơn có quyền độc lập sử dụng nhãn hiệu; • Bị đơn chỉ đơn thuần sử dụng tên riêng và địa chỉ riêng của mình; • Bị đơn đang sử dụng các chỉ dẫn liên quan đến các đặc tính riêng của hàng hóa hoặc dịch vụ của mình; • Bị đơn đang thể hiện mục đích dự kiến của hàng hóa và dịch vụ; • Các lý lẽ biện hộ khác. Sự cho phép Hầu hết các luật nhãn hiệu đều quy định rõ rằng các quyền độc quyền đối với nhãn hiệu bị xâm phạm bằng việc sử dụng nhãn hiệu mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu. Việc thiếu sự đồng ý này phải được chủ sở hữu nhãn hiệu xác nhận. Nếu bị đơn dựa vào một hợp đồng li-xăng cụ thể hoặc sự cho phép khác trong việc sử dụng nhãn hiệu thì bị đơn có trách nhiệm chứng minh sự đồng ý của chủ sở hữu. Xâm phạm hiệu lực của đăng ký Sẽ là không phổ biến đối với một hành vi xâm phạm quyền của bị đơn nhằm tìm kiếm sự hủy bỏ nhãn hiệu của nguyên đơn. Các căn cứ hủy bỏ được đề cập dưới đây. Quyền sử dụng độc lập nhãn hiệu đã đăng ký Hầu hết các luật nhãn hiệu đều giới hạn quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện hành vi chống lại việc sử dụng nhãn hiệu có trước, thường là các nhãn hiệu đã và 36 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- đang được sử dụng trong vùng. Thông thường, phần lớn các luật nhãn hiệu đều yêu cầu việc sử dụng này phải là liên tục. Ví dụ, một nhãn hiệu có thể đã và đang được sử dụng trên cơ sở không đăng ký bởi một người trước chủ sở hữu có đăng ký. Lý lẽ biện hộ này sẽ là quan trọng đối với nhãn hiệu được cấp bởi các liên minh sở hữu trí tuệ khu vực, khi mà các trường hợp sử dụng đồng thời tại các nước khác nhau có thể xảy ra. Sử dụng tên riêng và địa chỉ riêng Một nhãn hiệu đã được đăng ký thường sẽ không bị xâm phạm quyền đối với nó nếu bị đơn sử dụng tên riêng và địa chỉ riêng của họ, với điều kiện việc sử dụng đó phù hợp với các tập quán thương mại trung thực. Tên riêng của bị đơn sẽ là thứ mà thông qua đó nó được người tiêu dùng biết đến. Ví dụ, chủ sở hữu nhãn hiệu MERCURY COMMUNICATIONS cho các dịch vụ viễn thông có thế kiện MERCURY INTERACTIVE sử dụng tên riêng của mình cho các dịch vụ tương tự khi chủ sở hữu được khách hàng của mình biết đến là MERCURY. Việc bị đơn sử dụng một cách trung thực nhãn hiệu của nguyên đơn có thể được xác định dựa vào mục đích sử dụng, nghĩa là: xem xét hành vi nào trong thương mại có thể được coi là hành vi sử dụng trung thực, hoặc dựa trên cơ sở mục đích, nếu thông qua đó việc sử dụng được xem là trung thực. Sử dụng các chỉ dẫn liên quan đến các đặc tính của hàng hóa hoặc dịch vụ Hầu hết các luật nhãn hiệu đều quy định rằng một nhãn hiệu đã được đăng ký sẽ không bị xâm phạm quyền đối với nó thông qua việc sử dụng các chỉ dẫn liên quan đến chủng loại, chất lượng, số lượng, mục đích dự kiến, giá trị, nguồn gốc, thời gian sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ hoặc các đặc tính khác của hàng hóa hoặc dịch vụ, với điều kiện việc sử dụng này phù hợp với các tập quán thương mại trung thực. Các khó khăn phát sinh khi nhãn hiệu của người khác được sử dụng nhằm chỉ các đặc tính so sánh về hàng hóa hoặc dịch vụ. Một hành vi sử dụng so sánh trung thực về nhãn hiệu của người khác có thể không bị phản đối. Mục đích dự kiến của hàng hóa hoặc dịch vụ Một nhãn hiệu đã được đăng ký sẽ không bị xâm phạm các quyền đối với nó trong khi sử dụng để chỉ mục đích dự kiến của sản phẩm, như các linh kiện hoặc bộ phận rời, miễn là việc sử dụng đó phù hợp với các tập quán thương mại trung thực. Phim này phù hợp với máy ảnh KODAK 37 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Nhà buôn VOLVO độc lập Chuyên gia BMW Các lý lẽ biện hộ khác Các hành vi không được chấp nhận về phía nguyên đơn cũng có thể tạo ra sự biện hộ cho hành vi xâm phạm quyền. Trong một số hệ thống pháp luật, việc trì hoãn lâu dài trong thực thi quyền về nhãn hiệu của một người có thể được xem như sự chấp thuận cho người khác sử dụng nhãn hiệu đó. Tương tự, việc sử dụng nhãn hiệu bởi người khởi kiện nhằm hỗ trợ hành vi gian lận hoặc lừa dối sẽ bị coi là hành vi không được chấp nhận. Ví dụ, việc sử dụng một nhãn hiệu hình ảnh nhằm chỉ xì gà được sản xuất tại Cuba trong khi chúng lại được sản xuất ở một nơi khác, có thể sẽ không giúp người khiếu kiện chống lại thương nhân đã sử dụng nhãn hiệu hình ảnh tương tự để chỉ dẫn về nguồn gốc thật ở Cu-ba. Hủy nhãn hiệu trong Đăng bạ do không sử dụng Nếu chủ sở hữu không gia hạn đăng ký nhãn hiệu của mình hoặc chính xác hơn là không nộp lệ phí gia hạn, điều này sẽ dẫn đến việc hủy bỏ nhãn hiệu khỏi Đăng bạ. Các cơ quan đăng ký thường cho phép một ân hạn để thanh toán khoản lệ phí gia hạn (thường là có tính phụ phí). Chủ nhãn hiệu đăng ký có thể tự mình, vào bất cứ thời điểm nào, từ bỏ việc đăng ký đối với toàn bộ hoặc một phần hàng hóa mang nhãn hiệu đăng ký. Do đó, theo yêu cầu của chủ nhãn hiệu đăng ký, về nguyên tắc, các cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy bỏ nhãn hiệu toàn phần hoặc từng phần. Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu của mình trong một khoảng thời gian ân hạn được pháp luật quy định, thì bên có liên quan bất kỳ, về nguyên tắc, cũng có thể yêu cầu việc hủy bỏ này. Nếu chủ sở hữu không thể giải thích một cách thỏa đáng cho việc không sử dụng thì tòa án sẽ ra lệnh hủy bỏ đăng ký. Nếu chủ sở hữu có thể chứng minh việc sử dụng hoặc giải thích một cách thỏa đáng về việc không sử dụng nhưng chỉ đối với một số hàng hóa đã đăng ký thì tòa án sẽ ra lệnh hủy bỏ từng phần. Việc hủy bỏ từng phần sẽ được thực hiện đối với tất cả các hàng hóa được đăng ký mà không thể chứng minh việc sử dụng hoặc ít nhất là đối với tất cả các hàng hóa không cùng loại với hàng hóa mà chủ sở hữu đã sử dụng. Nếu nhãn hiệu bao gồm một dấu hiệu không được đăng ký, nó có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bên có liên quan bất kỳ. Đôi khi, các luật nhãn hiệu cũng 38 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- quy định những thủ tục đương nhiên cho mục đích đó. Hậu quả của việc tuyên bố này là nhãn hiệu bị hủy bỏ khỏi Đăng bạ. Thông thường, việc hủy bỏ khỏi Đăng bạ chỉ được thực hiện nếu có căn cứ vô hiệu khi hàng hóa được đăng ký. Hơn nữa, ngay cả khi nhãn hiệu không được đăng ký do thiếu tính phân biệt thì việc hủy bỏ nhãn hiệu sẽ bị loại trừ nếu trong thời gian đó nhãn hiệu trở nên phân biệt được thông qua việc sử dụng. Tuy nhiên, tính phân biệt có đó không thể cản trở việc hủy bỏ nhãn hiệu chứa các thuật ngữ chung và có tính lừa dối. Ở hầu hết các nước, việc sử dụng nhãn hiệu được đòi hỏi nhằm duy trì việc đăng ký. Trong trường hợp này, Điều 19 Hiệp định TRIPS quy định rằng “việc đăng ký chỉ có thể bị hủy bỏ sau một thời gian gián đọan không sử dụng ít nhất là 03 năm, trừ khi chủ sở hữu nêu ra các lý do chính đáng về sự tồn tại của các trở ngại cho việc sử dụng này”. Lý do chính đáng giải thích việc không sử dụng được công nhận trong Điều này là “những hoàn cảnh phát sinh không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu nhãn hiệu” như “hạn chế xuất khẩu hoặc các yêu cầu khác của chính phủ đối với hàng hóa hoặc dịch vụ được bảo hộ theo nhãn hiệu”. Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Điều 19.2 Hiệp định TRIPS cho phép việc “sử dụng nhãn hiệu bởi người khác” phải được “thừa nhận là sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích duy trì đăng ký”, với điều kiện việc sử dụng nhãn hiệu đó “nằm dưới sự kiểm soát của chủ sở hữu”. Việc sử dụng có kiểm soát này của bên thứ ba được ủy quyền thường được thực hiện thông qua hình thức li-xăng. Điều 21 Hiệp định TRIPS cho phép các quốc gia thành viên quy định về việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Trong một số hệ thống pháp luật, quy định này sẽ được thực hiện thông qua hệ thống của người sử dụng có đăng ký, và cơ quan đăng ký có quyền quyết định liệu li-xăng có liên quan đến lợi ích công cộng hay không. Yêu cầu về kiểm soát của bên cấp li-xăng được giải thích thông qua nhận thức về chức năng cơ bản của nhãn hiệu như một chỉ dẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ. Do đó, việc bất kỳ người khác ngoài chủ sở hữu sử dụng nhãn hiệu, thì ban đầu, đều là lừa dối. Để khắc phục tình trạng người tiêu dùng có khả năng bị lừa dối trong trường hợp nguồn gốc của hàng hóa là của bên nhận li-xăng, mà không phải của chủ sở hữu nhãn hiệu, pháp luật đã quy định cho phép chuyển quyền sử dụng (li-xăng) như là biện pháp tốt thứ hai, thừa nhận rằng chức năng thứ hai của nhãn hiệu là đảm bảo chất lượng thông qua việc quy định rằng bên cấp li-xăng phải thực hiện việc kiểm soát bên nhận li-xăng một cách đầy đủ. Các quy định về việc kiểm soát chất lượng sẽ thường bao gồm một số điều khoản quy định về việc sử dụng các 39 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- thành phần, phương pháp sản xuất, thử nghiệm và lấy mẫu. Các điều khoản li-xăng có thể gây cản trở thương mại, ví dụ, yêu cầu của bên nhận li-xăng về quyền độc quyền, yêu cầu về giá bán hoặc giá bán lại hoặc hạn chế bên nhận li-xăng phân phối hàng hóa ở một số lãnh thổ sẽ bị coi là phạm luật. Có thể viện dẫn Điều 8.2 của Hiệp định TRIPS, trong đó quy định sự cần thiết phải có các biện pháp “nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu quyền hoặc áp dụng các hành động cản trở thương mại một cách bất hợp pháp”. Về cơ bản, hệ thống bảo hộ nhãn hiệu không áp đặt các thủ tục về chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Điểm quan trọng duy nhất mang tính cố hữu của hệ thống là chủ sở hữu thực hiện việc kiểm soát có hiệu quả đối với bên nhận li-xăng. Tầm quan trọng của nguyên tắc này được thừa nhận chung, mặc dù chỉ có một số ít luật pháp quy định về việc kiểm soát chất lượng trong các quy định về li-xăng nhãn hiệu (ví dụ, trong pháp luật của Hoa Kỳ và Sri Lanka). Thực vậy, văn bản hợp đồng sẽ là vô ích kể cả khi nó được đăng ký trong Đăng bạ và chứa đựng các điều khoản về mọi hình thức kiểm soát, nếu pháp luật không quy định về hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện việc kiểm soát. Tuy nhiên, nhiều luật nhãn hiệu quy định nghĩa vụ đăng ký li- xăng và thông thường người đăng bạ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các điều kiện mà bên cấp li-xăng áp đặt cho bên nhận li-xăng. Một loại thủ tục đặc biệt về việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là Hệ thống về Hợp đồng của người sử dụng được đăng ký của Anh. Nếu loại hợp đồng này được đăng ký, thì việc sử dụng nhãn hiệu bởi người sử dụng được đăng ký sẽ được xem như sử dụng bởi chủ sở hữu nhãn hiệu. Tuy nhiên, đây không phải là hợp đồng li-xăng thực tế giữa các bên phải đăng ký; pháp luật quy định một loại mẫu đơn giản, với một số điều kiện nhất định sẽ được điền vào trước khi người đăng bạ công nhận hợp đồng của người sử dụng được đăng ký. Điều kiện li-xăng chủ yếu mà cơ quan nhãn hiệu yêu cầu sẽ là yêu cầu bên cấp li-xăng thực hiện kiểm việc soát chất lượng. Do Sổ đăng ký nhãn hiệu sẽ bị để ngỏ cho việc điều tra, nên các bên trong hợp đồng li-xăng thường không đăng ký tất cả các điều kiện của hợp đồng mà chỉ đăng ký theo một mẫu đơn giản. Câu hỏi tự đánh giá Câu 11. Tại sao các quy định về kiểm soát chất lượng là cần thiết trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng (li-xăng) nhãn hiệu? 40 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Trả lời. Để khắc phục khả năng nhầm lẫn vốn có trong thực tiễn khi chủ nhãn hiệu không phải là nguồn cung cấp các sản phẩm mang nhãn hiệu Chuyển nhượng nhãn hiệu Chuyển nhượng là hình thức phổ biến nhất để thay đổi quyền sở hữu về nhãn hiệu. Các quy định về chuyển nhượng thông thường, nhưng không nhất thiết, là một phần của hợp đồng mua bán, theo đó nhãn hiệu được bán để đổi lấy một khoản tiền nhất định. Pháp luật của một số nước cho phép chuyển nhượng nhãn hiệu chỉ khi đi kèm với danh tiếng gắn với nhãn hiệu. Việc chuyển nhượng từng phần sẽ phức tạp hơn. Nhằm tránh cho công chúng không bị nhầm lẫn trong những tình huống này, đôi khi luật nhãn hiệu cho phép việc chuyển nhượng chỉ khi mà hàng hóa liên quan không tương tự với những hàng hóa của chủ sở hữu cũ. Do đó, người tiêu dùng sẽ tránh được nhầm lẫn vì hai nhãn hiệu có thể được đăng ký bởi các chủ sở hữu khác nhau ngay từ ban đầu. Về nguyên tắc, sự thay đổi về quyền sở hữu nhãn hiệu sẽ có hiệu lực mà không cần phải đăng ký. Điều này là hiển nhiên trong trường hợp chủ sở hữu nước ngoài bị chết hoặc phá sản hoặc sáp nhập. Thậm chí một sự thay đổi tự nguyện về quyền sở hữu thông qua chuyển nhượng, về nguyên tắc, sẽ không cần phải đăng ký để có hiệu lực, ít nhất là từng phần. Tuy nhiên, luật nhãn hiệu thường quy định về việc đăng ký sự thay đổi về quyền sở hữu vì hai lý do: – Chủ sở hữu mới không thể thực hiện một cách bình thường các quyền đối với nhãn hiệu của mình nếu chủ sở hữu đớ không phải là chủ sở hữu được đăng ký; – Về nguyên tắc, việc chuyển giao là không bắt buộc đối với bên thứ ba chừng nào mà nó chưa được đăng ký. Nguyên tắc này không thể được áp dụng mà không có giới hạn: nếu chủ sở hữu mới đã hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết, đó là nếu chủ sở hữu đó đã nộp tất cả các tài liệu cần thiết cho cơ quan nhãn hiệu để đăng ký sự thay đổi về quyền sở hữu, chủ sở hữu đó phải có khả năng hành động để bảo vệ nhãn hiệu của mình chống lại các hành vi xâm phạm. Đôi khi, thủ tục đăng ký rất lâu và rườm rà, và một số hệ thống pháp luật không cho phép ghi nhận các đơn tồn đọng. Trong trường hợp đó, chủ sở hữu mới thường sẽ bị phong tỏa hoàn toàn vì chủ sở hữu cũ cũng có thể không còn tồn tại, 41 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- hoặc ít nhất, có thể không còn quan tâm đến các vụ kiện chống lại hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũ của chủ sở hữu đó. Luật nhãn hiệu cũng thường quy định rằng người đăng ký sẽ từ chối đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nếu chủ sở hữu đó thấy rằng việc đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Sự vô hiệu của việc chuyển nhượng không dẫn đến việc vô hiệu của quyền đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, các quyền đối với nhãn hiệu sẽ ở lại với bên chuyển giao-chủ sở hữu cũ. Điều này có nghĩa là việc sử dụng nhãn hiệu bất kỳ của chủ sở hữu mới đăng ký sẽ không phải thực sự là việc sử dụng thực tế, và, sau khi ân hạn sử dụng nhãn hiệu đã hết hạn, nhãn hiệu sẽ bị để ngỏ cho việc hủy bỏ. Dĩ nhiên, bên chuyển giao và chủ sở hữu đăng ký cũ của nhãn hiệu, mà vẫn là chủ sở hữu nhãn hiệu, có thể sử dụng chúng trong thực tế, nhưng chủ sở hữu đó không thể làm như vậy bởi vì các bên thường không nhận thức được việc hết hiệu lực của chuyển nhượng. Vì sự an toàn về pháp lý, việc chuyển nhượng sẽ phải được thực hiện bằng văn bản. Đơn yêu cầu đăng ký chuyển nhượng cũng phải bằng văn bản, cho dù được làm bởi bên chuyển giao hay bên nhận chuyển giao. Nếu là bên chuyển giao nộp đơn đăng ký, thì một tờ khai duy nhất được bên đó hoặc người đại diện theo pháp luật của bên đó ký là đủ. Mặt khác, nếu đơn nộp bởi bên nhận chuyển giao hoặc bất kỳ chủ sở hữu mới nào khác có yêu cầu đăng ký sự thay đổi quyền sở hữu thì đơn yêu cầu cần phải có các tài liệu chứng minh kèm theo (hợp đồng chuyển nhượng được bên chuyển giao ký hoặc bằng chứng bất kỳ về việc thay đổi chủ sở hữu khác). Tuy nhiên, trong các trường hợp này, chỉ cần chữ ký đơn thuần của chủ sở hữu nhãn hiệu mới hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu đó yêu cầu thay đổi quyền sở hữu mới được coi là đủ, mà không cần phải chứng thực, hợp pháp hóa hoặc chứng nhận khác. Câu hỏi tự đánh giá Câu 10. Bên nhận chuyển giao nhãn hiệu cần thực hiện bước quan trọng nào để bảo vệ các quyền của mình và cần phải có các tài liệu gì? Trả lời. Thông báo cho cơ quan nhãn hiệu về sự thay đổi quyền sở hữu và nộp bản sao hợp đồng chuyển nhượng có chữ ký của bên chuyển nhượng, hoặc bằng chứng bất kỳ khác về sự thay đổi quyền sở hữu. E.4. Các điều ước quốc tế Thỏa ước Nice về Phân loại quốc tế hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu 42 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- (a) Giới thiệu Thỏa ước Nice là một điều ước quốc tế đa phương được ký kết ngày 15/6/1957. Thỏa ước có hiệu lực từ ngày 8/4/1961, được sửa đổi tại Stockholm ngày 14/7/1967 và tại Geneva ngày 13/5/1977 (văn kiện được sửa đổi cuối cùng được gọi tắt là "Văn kiện Geneva "). Phân loại quốc tế theo Thỏa ước Nice bao gồm: – Danh mục nhóm, kèm theo các chú giải thích hợp; Danh mục này bao gồm 34 nhóm hàng hóa và 8 nhóm dịch vụ; – Một danh mục hàng hóa và dịch vụ được xếp thứ tự theo bảng chữ cái (sau đây gọi tắt là "Danh mục"), phân loại các hàng hóa và dịch vụ trong mỗi nhóm. Bảng phân loại Nice được làm bằng hai ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh và tiếng Pháp. Cũng có các phiên bản chính thức hoặc bản dịch chính thức của Bảng phân loại Nice bằng các ngôn ngữ sau: Trung Quốc, Croatia, Czech, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Lit-va, Mác-xê-đô-ni-a, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Slô- ven-i-a, Tây Ban Nha và Thụy Điển. (b) Phạm vi pháp lý và áp dụng Bảng phân loại Nice Theo Điều 2(3) Thỏa ước Nice, các nước thuộc Liên minh Nice được yêu cầu đưa vào các văn bản và ấn phẩm chính thức liên quan đến đăng ký nhãn hiệu, số nhóm của Bảng phân loại mà hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu được đăng ký. Hiệu lực của Bảng phân loại Nice theo hiệu lực mà mỗi quốc gia thành viên Liên minh Nice quy định. Điều 2(2) của Thỏa ước Nice quy định rằng mỗi thành viên của Liên minh Nice sẽ bảo lưu quyền sử dụng Bảng phân loại Nice theo hệ thống chính và cả hệ thống phụ. Điều này có nghĩa là các nước thuộc Liên minh Nice tự do áp dụng Bảng phân loại Nice về hàng hóa và dịch vụ như Bảng phân loại duy nhất được sử dụng để đăng ký nhãn hiệu hoặc duy trì hệ thống phân loại quốc gia về hàng hóa và dịch vụ hiện hành và sử dụng Bảng phân loại Nice như một bảng phân loại bổ sung, được thể hiện trong các công bố chính thức về nhãn hiệu. Cuối cùng, Điều 2(4) của Thỏa ước Nice quy định rằng việc một hạng mục nằm trong Danh mục hàng hóa và dịch vụ của Bảng phân loại Nice sẽ không ảnh hưởng đến quyền vốn có bất kỳ của hạng mục đó. 43 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Bảng phân loại Nice thường xuyên được cập nhật. Việc cập nhật này do Ủy ban chuyên gia gồm đại diện các nước thành viên Thỏa ước Nice tiến hành. Ủy ban chuyên gia họp định kỳ 5 năm một lần theo lời mời của Tổng Giám đốc WIPO. Ủy ban chuyên gia quyết định việc sửa đổi Danh mục, cách diễn đạt các tiêu đề của nhóm, các chú giải tương ứng và các bình luận chung trước danh mục của các nhóm. Việc sửa đổi Danh mục có thể được thực hiện dưới các hình thức sau: – Xóa bỏ một hạng mục trong Danh mục. Việc này được thực hiện trong các trường hợp sản phẩm không còn tồn tại trên thị trường hoặc nếu có một thuật ngữ tổng quát hơn được sử dụng cho sản phẩm đang được nói tới đó. – Bổ sung một sản phẩm vào Danh mục. Các sản phẩm được bổ sung vào Danh mục là tất cả các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường trong thời gian giữa các kỳ họp của Ủy ban chuyên gia; – Sửa đổi cách diễn đạt một hạng mục trong Danh mục. Đôi khi cần trình bày chi tiết cách diễn đạt hiện tại bằng cách bổ sung thêm chức năng hoặc mục đích của sản phẩm hoặc phân biệt từ đồng âm mà được phân loại khác nhau; – Chuyển sản phẩm từ nhóm này sang nhóm khác. Mặc dù việc chuyển đổi này rất hiếm gặp, tuy nhiên, đôi khi cũng cần phải thực hiện việc này. Câu hỏi tự đánh giá Câu 12 Thỏa ước Nice bao gồm các thành phần nào? Trả lời. – Một Bảng danh mục 34 nhóm hàng hóa và 8 nhóm dịch vụ; – Một danh mục hàng hóa và dịch vụ được xếp loại thứ tự theo bảng chữ cái kèm theo các nhóm tương ứng với mỗi hàng hóa hoặc dịch vụ được phân loại. Công ước Paris Công ước Paris đề cập đến vấn đề sử dụng nhãn hiệu tại Điều 5C(1), (2) và (3). 44 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- (a) Sử dụng bắt buộc nhãn hiệu Điều 5C(1) quy định việc sử dụng bắt buộc nhãn hiệu đã đăng ký. Một số quốc gia quy định việc đăng ký nhãn hiệu cũng yêu cầu rằng một khi nhãn hiệu đã được đăng ký phải được sử dụng trong một thời hạn nhất định. Nếu không tuân thủ quy định này, nhãn hiệu đó có thể bị hủy bỏ khỏi danh bạ. Do đó, việc "sử dụng" nhìn chung được hiểu là việc bán hàng hóa mang nhãn hiệu, mặc dù pháp luật quốc gia có thế yêu cầu phạm vi rộng hơn mà việc sử dụng nhãn hiệu phải tuân thủ. Điều này cũng quy định rằng nếu có yêu cầu sử dụng bắt buộc, thì việc đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ vì không sử dụng chỉ sau khi kết thúc một thời hạn hợp lý và chỉ khi chủ sở hữu không giải thích một cách thỏa đáng cho việc không sử dụng này. Việc xác định thế nào là “thời hạn hợp lý” được để ngỏ cho luật pháp quốc gia của các nước thành viên hoặc các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời hạn hợp lý này nhằm tạo cho chủ sở hữu có đủ thời gian và cơ hội để sắp xếp việc sử dụng nhãn hiệu một cách thích hợp, trong nhiều trường hợp có tính đến việc chủ nhãn hiệu phải sử dụng nhãn hiệu của mình ở nhiều nước. Việc giải thích của chủ sở hữu về việc không sử dụng sẽ được chấp nhận nếu việc không sử dụng đó có cơ sở pháp lý hoặc kinh tế vượt khỏi khả năng kiểm soát của chủ sở hữu, ví dụ nếu việc nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu bị cấm hoặc trì hoãn bởi các quy định của chính phủ. Điều 5C(2) của Công ước cũng quy định việc sử dụng nhãn hiệu bởi chủ sở hữu, dưới hình thức khác về thành tố mà không làm thay đổi các đặc tính phân biệt của nhãn hiệu vốn có khi đăng ký tại một trong số các nước thành viên, sẽ không dẫn đến việc hủy bỏ đăng ký cũng như không thu hẹp phạm vi bảo hộ đã được cấp cho nhãn hiệu. Mục đích của quy định này là cho phép sự khác biệt không quan trọng giữa hình thức của nhãn hiệu đã được đăng ký và hình thức mà nó được sử dụng, ví dụ trong các trường hợp sửa chữa hoặc dịch một số thành tố cho việc sử dụng đó. Quy tắc này cũng được áp dụng đối với sự khác nhau về hình thức của nhãn hiệu được sử dụng tại một nước với nhãn hiệu đã được đăng ký gốc. Trong một số trường hợp cụ thể, sự khác nhau giữa nhãn hiệu đã được đăng ký và nhãn hiệu được sử dụng thực tế có làm thay đổi các đặc tính phân biệt hay không do các cơ quan quốc gia có thẩm quyền quyết định. (b) Sử dụng đồng thời 45 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Điều 5C(3) Công ước đề cập đến trường hợp khi hai cơ sở trở lên sử dụng cùng một nhãn hiệu cho hàng hóa trùng hoặc tương tự thì được coi là đồng sở hữu chủ của nhãn hiệu đó. Điều này được quy định là việc sử dụng đồng thời như vậy sẽ không ngăn cản việc đăng ký nhãn hiệu hoặc làm giảm việc bảo hộ ở nước thành viên bất kỳ của Liên minh, ngoại trừ việc sử dụng đó gây nhầm lẫn cho công chúng và trái với lợi ích xã hội. Các trường hợp như vậy có thể xảy ra nếu việc sử dụng đồng thời gây ra sự nhầm lẫn cho công chúng về nguồn gốc của hàng hóa mang cùng một nhãn hiệu được chào bán hoặc nếu chất lượng của hàng hóa đó khác với quan điểm cho là chúng có thể trái với lợi ích công cộng nhằm cho phép tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, điều khoản này không bao trùm trường hợp sử dụng đồng thời nhãn hiệu bởi các doanh nghiệp không phải là đồng sở hữu chủ nhãn hiệu, ví dụ, việc sử dụng đồng thời của chủ sở hữu và bên nhận li-xăng hoặc bên được nhượng quyền kinh doanh (franchisee). Luật quốc gia các nước sẽ điều chỉnh các trường hợp này. (b) Ân hạn cho việc nộp lệ phí gia hạn Điều 5bis quy định ân hạn nhằm cho phép thanh toán các khoản lệ phí duy trì hiệu lực quyền sở hữu công nghiệp. Đối với nhãn hiệu, quy định này liên quan trước hết đến việc nộp các khoản lệ phí gia hạn, bởi vì thông qua việc gia hạn hiệu lực mà đăng ký nhãn hiệu (và các quyền phụ thuộc vào đăng ký đó) mới được duy trì hiệu lực. Việc không gia hạn đăng ký sẽ dẫn đến sự mất hiệu lực của đăng ký và trong một số trường hợp làm chấm dứt quyền đối với nhãn hiệu. Ân hạn được quy định tại Công ước nhằm giảm bớt rủi ro của nhãn hiệu bị mất do việc trì hoãn không tự nguyện trong việc thanh toán các khoản lệ phí gia hạn. Các nước thành viên Liên minh Paris có nghĩa vụ ghi nhận ân hạn tối thiểu là 6 tháng cho việc thanh toán các khoản lệ phí gia hạn, nhưng có quyền quy định việc thanh toán một khoản phụ phí đối cho các khoản lệ phí gia hạn trong thời kỳ ân hạn. Ngoài ra, các nước thành viên còn có quyền quy định ân hạn dài hơn thời hạn tối thiểu là 6 tháng, như theo quy định của Công ước. Trong thời gian ân hạn, đăng ký vẫn tạm thời có hiệu lực. Nếu việc thanh toán lệ phí gia hạn (và phụ phí nếu có) không được thực hiện trong thời gian ân hạn, đăng ký sẽ bị chấm dứt hiệu lực vào ngày hết thời hạn ban đầu theo cách hồi tố. Câu hỏi tự đánh giá Câu 14 Ân hạn tối thiểu để nộp các khoản lệ phí gia hạn theo quy định của Công ước Paris là bao lâu? 46 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Trả lời. Các quốc gia thành viên Liên minh Paris có nghĩa vụ phải quy định ân hạn ít nhất là 6 tháng cho việc thanh toán các khoản phí gia hạn (d) Tính độc lập của nhãn hiệu Điều 6 Công ước thiết lập một nguyên tắc quan trọng về tính độc lập của nhãn hiệu tại các quốc gia khác nhau trong Liên minh, và đặc biệt là tính độc lập của nhãn hiệu được nộp hoặc đăng ký tại một quốc gia xuất xứ so với nhãn hiệu được nộp hoặc đăng ký tại các quốc gia thành viên khác trong Liên minh. Phần đầu của Điều 6 quy định áp dụng nguyên tắc cơ bản về đối xử quốc gia đối với việc nộp đơn và đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia trong Liên minh. Bất kể nguồn gốc của nhãn hiệu đăng ký bảo hộ, một quốc gia thành viên của Liên minh chỉ có thể áp dụng pháp luật quốc gia khi xác định các điều kiện nộp đơn và đăng ký nhãn hiệu. Việc áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia khẳng định quy tắc độc lập của nhãn hiệu, bởi vì việc đăng ký và duy trì nhãn hiệu sẽ chỉ phụ thuộc vào pháp luật quốc gia của mỗi nước. Điều khoản này cũng quy định rằng đơn đăng ký nhãn hiệu, do một người có quyền hưởng lợi từ Công ước nộp tại nước bất kỳ thuộc Liên minh, không thể bị từ chối, cũng như không bị hủy bỏ đăng ký với lý do việc nộp đơn, đăng ký hoặc gia hạn nhãn hiệu không có hiệu lực tại nước xuất xứ. Quy định này tạo ra một quy tắc là việc có được và duy trì một đăng ký nhãn hiệu ở bất kỳ nước nào trong Liên minh có thể không phụ thuộc vào đơn, đăng ký hoặc gia hạn đối với cùng một nhãn hiệu ở nước xuất xứ của nhãn hiệu đó. Do đó, không hành vi nào liên quan đến nhãn hiệu ở nước xuất xứ có thể bị yêu cầu như là điều kiện tiên quyết cho việc có được đăng ký nhãn hiệu này ở nước đó. Cuối cùng, Điều 6 quy định rằng nhãn hiệu được đăng ký hợp pháp ở một nước trong Liên minh phải được coi là độc lập với các nhãn hiệu được đăng ký ở nước khác trong Liên minh, kể cả nước xuất xứ. Điều này có nghĩa là nhãn hiệu một khi đã được đăng ký sẽ không tự động có hiệu lực bởi quyết định bất kỳ đối với các đăng ký tương tự cho cùng nhãn hiệu ở nước khác. Do đó, việc một hoặc nhiều đăng ký tương tự bị đình chỉ, hủy bỏ hoặc từ bỏ sẽ không ảnh hưởng đến việc đăng ký nhãn hiệu đó ở các nước khác. Hiệu lực của những đăng ký này sẽ chỉ phụ thuộc vào các quy định hiện hành phù hợp với pháp luật của từng nước có liên quan. Câu hỏi tự đánh giá 47 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
- Câu 15 Nguyên tắc độc lập của nhãn hiệu là gì? Trả lời: Việc có được và việc duy trì đăng ký nhãn hiệu tại nước bất kỳ của Liên minh có thể không phụ thuộc vào đơn đăng ký, việc đăng ký hoặc gia hạn cùng một nhãn hiệu tại nước xuất xứ của nhãn hiệu. (e) Biểu tượng chính thức Công ước quy định các dấu hiệu phân biệt của các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên chính phủ tại Điều 6ter. Điều này buộc một thành viên, trong những trường hợp nhất định, phải từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký và cấm sử dụng, kể cả nhãn hiệu hay các thành phần của nhãn hiệu, các dấu hiệu phân biệt của các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế liên chính phủ nhất định quy định tại Điều này. Các quy định tại Điều 6ter không được áp dụng nếu cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia thành viên cho phép sử dụng các dấu hiệu phân biệt của quốc gia này làm nhãn hiệu. Tương tự, các cơ quan có thẩm quyền của một tổ chức liên chính phủ có thể cho phép người khác sử dụng các dấu hiệu phân biệt của mình làm nhãn hiệu. Ngoài ra, trong trường hợp các dấu hiệu phân biệt của một quốc gia thành viên, thì công dân của quốc gia thành viên bất kỳ được phép sử dụng các dấu hiệu phân biệt của nước mình có thể sử dụng các dấu hiệu đó ngay cả khi chúng tuơng tự với các biểu tượng như vậy của quốc gia thành viên khác. Dấu hiệu phân biệt của quốc gia được đề cập tại Điều 6ter bao gồm: quốc huy, quốc kỳ và các biểu tượng khác, các dấu hiệu kiểm tra, xác nhận và đảm bảo chính thức và sự bắt chước bất kỳ mang đặc điểm của huy hiệu. Mục đích của các quy định nêu tại Điều 6ter liên quan tới các dấu hiệu phân biệt của quốc gia, nhằm loại trừ việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với quốc huy, quốc kỳ hoặc các biểu tượng khác của các quốc gia đó. Việc đăng ký các dấu hiệu này sẽ xâm phạm quyền của các quốc gia trong việc kiểm soát các dấu hiệu phân biệt về chủ quyền và, hơn nữa, có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về nguồn gốc của hàng hóa mang nhãn hiệu này. Để thực thi các quy định của Điều 6ter, một thủ tục được thiết lập theo Điều này, theo đó các dấu hiệu phân biệt của các quốc gia thành viên và các tổ chức liên chính phủ có liên quan sẽ được thông báo cho Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), về phần mình Văn phòng sẽ chuyển các thông báo này cho tất cả các quốc gia thành viên. 48 Bản dịch này do Chương trình hợp tác EC-ASEAN về sở hữu trí tuệ (ECAP II) cung cấp
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn