intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tổng quan về kĩ năng và năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

7
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này trình bày kết quả tổng quan từ 24 tài liệu nhằm hướng đến tìm hiểu 4 nội dung chính: 1) Tổng quan về khái niệm về kĩ năng và năng lực của thế kỉ XXI; 2) Tổng quan về khung năng lực thế kỉ XXI; 3) Tổng quan về năng lực thành phần của thế kỉ XXI; 4) So sánh các năng lực thế kỉ XXI với yêu cầu năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể tại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tổng quan về kĩ năng và năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể tại Việt Nam

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0164 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 5, pp. 61-73 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn TỔNG QUAN VỀ KĨ NĂNG VÀ NĂNG LỰC CỦA THẾ KỈ XXI VÀ SO SÁNH VỚI YÊU CẦU NĂNG LỰC TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG – CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ TẠI VIỆT NAM Đặng Thị Diệu Hiền Viện Sư phạm Kĩ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Tóm tắt. Bài viết này trình bày kết quả tổng quan từ 24 tài liệu nhằm hướng đến tìm hiểu 4 nội dung chính: 1) Tổng quan về khái niệm về kĩ năng và năng lực của thế kỉ XXI; 2) Tổng quan về khung năng lực thế kỉ XXI; 3) Tổng quan về năng lực thành phần của thế kỉ XXI; 4) So sánh các năng lực thế kỉ XXI với yêu cầu năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu về kĩ năng và/ hoặc năng lực thế kỉ XXI cho thấy: 1) Khái niệm kĩ năng và/hoặc năng lực riêng lẻ của của thế kỉ XXI có nhiều cách phát biểu khác nhau nhưng vẫn có một số đặc điểm chung; 2) Có rất nhiều nhóm năng lực thành phần trong khung năng lực của thế kỉ XXI, song chưa có sự thống nhất về tên gọi mặc dù một số nhóm năng lực có cùng năng lực cụ thể; 3) Kết quả thống kê năng lực thành phần của 13 nghiên cứu điển hình cho thấy có 45 năng lực thành phần được đề cập, trong đó, 10 năng lực được nhiều nghiên cứu đề cập đến gồm: Hợp tác, hiểu biết về công nghệ, sáng tạo, năng lực công dân, hiểu biết về thông tin, giao tiếp, tự định hướng, phản biện, giải quyết vấn đề, quản lí/ lãnh đạo; 4) Kết quả so sánh chỉ ra tất cả 13 năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông - chương trình tổng thể đều được đề cập trong các nghiên cứu điển hình của thế kỉ XXI, trong đó, có 6 năng lực thuộc top 10, 6 năng lực thuộc top 20 năng lực của thế kỉ XXI được đề cập nhiều nhất. Từ khóa: kĩ năng thế kỉ XXI, năng lực thế kỉ XXI, năng lực cốt lõi, tổng quan, khung năng lực. 1. Mở đầu Bước vào thế kỉ XXI, nền kinh tế tri thức, công nghệ phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi người lao động không chỉ có tay nghề cao mà còn phải đối mặt với các nhiệm vụ ngày càng phức tạp và cần có sự tương tác. Người lao động trình độ cao phải có khả năng chắt lọc lượng kiến thức khổng lồ có sẵn một cách hiệu quả từ đó áp dụng những kiến thức đó trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống. Những người lao động này không chỉ cần có kĩ năng chuyên môn xuất sắc mà còn cần có đủ kĩ năng cốt lõi để thích ứng với những yêu cầu thay đổi của công việc [1]. Dưới góc độ giáo dục và đào tạo, phát triển năng lực cốt lõi bên cạnh năng lực chuyên môn của người học để có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi theo sự thay đổi của xã hội, theo yêu cầu công việc là rất cần thiết [2]. Sự phát triển của kinh tế và xã hội đòi hỏi các hệ thống giáo dục phải hình thành và phát triển cho người học những kĩ năng và năng lực cốt lõi, cần thiết để họ không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế dựa trên nền tảng tri thức mà còn giúp họ thành công trong công việc [2], [3]. Những kĩ năng hoặc năng lực này thường được gọi là kĩ năng hoặc năng lực của thế kỉ XXI, là những kĩ năng hoặc năng lực có liên quan nhiều hơn đến nhu cầu của các mô hình phát triển kinh tế, xã hội mới trong thế kỉ này so với các mô hình của thế kỉ trước [2]. Ngày nhận bài: 21/10/2022. Ngày sửa bài: 22/11/2022. Ngày nhận đăng: 10/12/2022. Tác giả liên hệ: Đặng Thị Diệu Hiền. Địa chỉ e-mail: hiendtd@hcmute.edu.vn 61
  2. Đặng Thị Diệu Hiền Nghiên cứu về các kĩ năng hoặc năng lực của thế kỉ XXI được sự quan tâm rất lớn cả trong và ngoài nước thể hiện qua hơn 1.820 triệu kết quả tìm kiếm với từ khóa “21st century skills”, gần 28 triệu kết quả với từ khóa “21st century competencies” và từ khóa “kĩ năng của thế kỉ XXI” với 29 triệu kết quả. Nghiên cứu về lĩnh vực này không chỉ có sự tham gia của các tổ chức ở cấp độ quốc gia điển hình như tổ chức Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ (National Research Council), Singapore Misnistry of Education, Employment and Social Development Canada… mà còn các tổ chức liên quốc gia gồm Tổ chức Hợp tác Kinh tế thế giới (OECD), Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Hợp tác cho các kĩ năng thế kỉ XXI (Partnership for 21st century skills (P21)), Trung tâm đánh giá và giảng dạy kĩ năng của thế kỉ XXI (Assessmnet and Teaching of 21st-Century Skills (ATC21S)), European Commission… và cả sự đầu tư tìm hiểu của các cá nhân như Griffin P. và cộng sự, Todd R. Kelley, Van Laar E. và cộng sự... Phân tích và tổng hợp các tài liệu cho thấy, xu hướng nghiên cứu của các tổ chức đa số tập trung vào xác định các kĩ năng hoặc năng lực riêng lẻ và từ đó phân loại chúng, các tiêu chí nhận dạng từng kĩ năng... để làm cơ sở xây dựng các chương trình giáo dục từ đó phát triển năng lực cho học sinh. Trong khi đó, nghiên cứu của cá nhân thường xoay quanh nghiên cứu tổng quan, nghiên cứu thang đo hoặc nghiên cứu phát triển các kĩ năng riêng lẻ. Riêng tại Việt Nam, mặc dù có rất nhiều kết quả tìm kiếm, song các bài viết chủ yếu đề cập đến tầm quan trọng của các kĩ năng của thế kỉ XXI hoặc nghiên cứu phát triển từng kĩ năng riêng lẻ chưa có nghiên cứu tổng quan về lĩnh vực này và đặc biệt cũng chưa thấy nghiên cứu so sánh về sự tương đồng hay khác biệt giữa kĩ năng của thế kỉ XXI với những năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể. Do đó, bài viết này tập trung vào trình bày kết quả tổng quan về khái niệm, khung năng lực của năng lực của thế kỉ XXI, năng lực thành phần của một số nghiên cứu trên thế giới để tìm ra những năng lực nào được quan tâm nhiều nhất từ đó so sánh với những kĩ năng yêu cầu về năng lực chung cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể tại Việt Nam. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng 2 phương pháp chính là tổng quan tài liệu và phương pháp so sánh. - Phương pháp tổng quan tài liệu có hệ thống được sử dụng trong nghiên cứu này theo tiến trình tóm lược sau: o Tìm kiếm tài liệu: Tìm kiếm tài liệu online bằng các công cụ tìm kiếm chính trên Google và cơ sở dữ liệu của trên các trang công bố các nghiên cứu như sciencedirect.com, eric.edu.gov, academia.edu, researchgate.net/… với các từ khóa: 21st century skills, 21st century competency hoặc competencies, 21st century skills and/ or competencies, 21st century skills framework, 21st century competency (hoặc competencies) framework, key competencies, kĩ năng của thế kỉ XXI, năng lực thế kỉ XXI. o Đánh giá tài liệu: Tài liệu thu thập được lựa chọn theo các tiêu chí: ▪ Loại tài liệu xuất bản: bài báo tạp chí hoặc hội thảo, báo cáo, khung năng lực thế kỉ XXI của một số nước, sách. ▪ Loại hình nghiên cứu: điều tra thực nghiệm, nghiên cứu lí thuyết, nghiên cứu tổng quan. ▪ Giai đoạn xuất bản: 2000 – 2022. ▪ Nơi xuất bản: trên toàn thế giới. ▪ Phương pháp nghiên cứu: định tính và định lượng. Dựa trên các tiêu chí, nghiên cứu sàng lọc được 24 tài liệu thỏa mãn các tiêu chí sử dụng cho phân tích tổng quan trong nghiên cứu này. 62
  3. Tổng quan về Kĩ năng và Năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu… o Phân tích, tổng hợp nội dung các tài tài liệu thỏa tiêu chí đánh giá tài liệu tiến hành nghiên cứu tổng quan. - Phương pháp so sánh được sử dụng để so sánh về khái niệm, khung năng lực và các năng lực thành phần của những kĩ năng của thế kỉ XXI với những kĩ năng yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể tại Việt Nam. 2.2. Kết quả nghiên cứu 2.2.1. Khái niệm Thuật ngữ ‘Kĩ năng của thế kỉ XXI’ và ‘năng lực thế kỉ XXI’ đã được sử dụng dần dần kể từ cuối thế kỉ 20 và trở nên khá phổ biến hiện nay để mô tả sự kết hợp nhiều loại kĩ năng mà học sinh cần phải thành thạo để thành công trong cuộc sống, có phạm vi rộng, khá mơ hồ và không dễ định nghĩa, không phải lúc nào cũng rõ ràng về mặt ý nghĩa [5]. Để phân biệt giữa thuật ngữ kĩ năng và năng lực, OECD phân biệt khái quát như sau: Kĩ năng là khả năng thực hiện công việc và giải quyết vấn đề trong khi đó năng lực không chỉ là kiến thức và kĩ năng mà bao gồm cả khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp bằng các thu hút nguồn tâm lí xã hội (bao gồm cả kĩ năng và thái độ) trong một tình huống cụ thể hoặc khả năng vận dụng chuẩn đầu ra một cách đầy đủ trong bối cảnh xác định [2]. Theo số liệu tìm kiếm trên Google cho thấy từ kĩ năng của thế kỉ XXI được sử dụng nhiều gấp khoảng 65 lần từ năng lực của thế kỉ XXI. Trong thời gian gần đây, thuật ngữ năng lực có xu hướng được sử dụng nhiều hơn thuật ngữ kĩ năng. OECD tiếp cận khái niệm cả về kĩ năng lẫn năng lực như sau: Kĩ năng và năng lực thế kỉ XXI là những kĩ năng và năng lực mà thanh niên cần phải có để làm việc hiệu quả người lao động và công dân trong xã hội tri thức của thế kỉ XXI [2]. Ngoài các định nghĩa trên, định nghĩa về kĩ năng và năng lực thế kỉ XXI được phát biểu theo nhiều cách khác nhau: Voogt và Roblin (2010, 2012) định nghĩa kĩ năng của thế kỉ XXI là ‘năng lực mới’ mà xã hội đang ngày càng đòi hỏi cao đối với lực lượng lao động hiện nay, về mặt giáo dục, đó là những yêu cầu mà người trẻ cần được đào tạo ngày hôm nay cho công việc và nghề nghiệp trong tương lai. Theo nhóm tác giả, thuật ngữ kĩ năng thế kỉ XXI - hay năng lực thế kỉ XXI là một khái niệm bao quát cho kiến thức, kĩ năng và thiên hướng mà công dân cần có để có thể đóng góp vào xã hội tri thức [6], [7]. Scott (2015) cho rằng kĩ năng thế kỉ XXI là kiến thức, kĩ năng và thái độ cần thiết để cạnh tranh trong lực lượng lao động thế kỉ XXI, tham gia thích hợp vào một xã hội ngày càng đa dạng, sử dụng công nghệ mới và đối phó với sự thay đổi nhanh chóng nơi làm việc [8]. Glossary of Education phát biểu kĩ năng của thế kỉ XXI đề cập đến một loạt kiến thức, kĩ năng, thói quen làm việc và đặc điểm tính cách được các nhà giáo dục, nhà cải cách trường học, giáo sư đại học, nhà tuyển dụng và những người khác tin rằng - là cực kì quan trọng để thành công trong thế giới ngày nay [9]. Central Board of Secondary Education (2020) rút ra kết luận một cách đơn giản là Kĩ năng thế kỉ XXI đề cập đến các kĩ năng cần thiết để cho phép một cá nhân đối mặt với những thách thức của thế giới trong thế kỉ XXI đang hoạt động toàn cầu, chuyển đổi số, hợp tác tiến lên phía trước, tiến bộ một cách sáng tạo, tìm kiếm nguồn nhân lực có năng lực và nhanh chóng áp dụng các thay đổi [10]. Chalkiadaki (2018) trong bài báo về tổng quan về kĩ năng và năng lực của thế kỉ XXI về giáo dục tiểu học đã dựa trên bối cảnh của thế kỉ XXI một kỉ nguyên được đặc trưng bởi sự phát triển của công nghệ và công nghệ thông tin và truyền thông, toàn cầu hóa và nhu cầu đổi mới, cuộc cách mạng công nghệ, sự thay đổi về văn hóa, chính trị, xã hội… đã nhận định thế kỉ XXI đã sinh ra một tiếp cận mới đối với các kĩ năng được coi là cần thiết cho học sinh để có thể trải nghiệm thành công trong học tập và cuộc sống [11]. 63
  4. Đặng Thị Diệu Hiền Nội dung khái niệm kĩ năng và/ hoặc năng lực của thế kỉ XXI được phát biểu những cách khác nhau nhưng vẫn có thể nhận thấy một số điểm chung nổi trội được đề cập trong các khái niệm như sau: - Là yếu tố cần thiết cho người lao động, thanh niên được đào tạo để làm việc hiệu quả, cạnh tranh, đối mặt với thách thức và cũng giúp thành công trong lực lượng lao động, xã hội tri thức của thế kỉ XXI. - Gồm kiến thức, kĩ năng, thái độ, thói quen làm việc và đặc điểm tính cách cần thiết giúp mỗi cá nhân thích ứng nhanh với sự phát triển toàn cầu, sự thay đổi về công nghệ, văn hóa, xã hội. - Bao gồm nhiều nhóm kĩ năng hoặc năng lực cũng như kĩ năng thành phần. Mỗi kĩ năng gồm nhiều mức độ khác nhau. Qua phân tích và tổng hợp những khái niệm trên cho thấy, mặc dù các nghiên cúu sử dụng khái niệm ‘kĩ năng’ song nội hàm của đa số các khái niệm theo xu hướng ‘năng lực’, bao hàm cả kiến thức, kĩ năng và thái độ (Voogt và Roblin, Scott, Glossary of Education). Ngoài ra theo quan sát, phân tích của người nghiên cứu nhận thấy: khác với trước kia, trong thời gian gần đây, từ ‘năng lực’ có xu hướng sử dụng nhiều hơn so với từ ‘kĩ năng’ trong các nghiên cứu về kĩ năng hoặc năng lực. Với kết quả này, để đảm bảo tính thống nhất trong việc sử dụng khái niệm ‘kĩ năng’ và ‘năng lực’, phần tiếp theo của bài viết sẽ nhất quán sử dụng hai khái niệm này tương ứng với các trường hợp sau: - Khái niệm ‘kĩ năng’ được sử dụng chỉ khi trích dẫn, phân tích, tổng hợp về một hoặc các nghiên cứu mà trong đó tất cả đều sử dụng từ kĩ năng. - Khái niệm ‘năng lực’ được sử dụng trong các trường hợp còn lại như khi tài liệu gốc sử dụng thuật ngữ này, khi trình bày kết quả tổng hợp của các nghiên cứu mà trong đó có một số nghiên cứu sử dụng từ kĩ năng và một số khác dùng từ năng lực... 2.2.2. Khung năng lực của thế kỉ XXI Theo nghiên cứu của Chalkiadaki, Joynes C., Rossignoli S., Fenyiwa Amonoo-Kuofi E. (2019), Central Board of secondary education (2020), Ontario (2015) cho thấy một số khung năng lực thế kỉ XXI của các tổ chức và cá nhân được trích dẫn nhiều gồm: OECD, EnGauge, Partnership for 21st century skills, National Research Council, ATC21S, The European Parliament and the Council of the Eroupean Union và UNESCO. Trong các nghiên cứu trên, mặc dù UNESCO không đề cập trực diện về các năng lực của thế kỉ XXI mà trình bày những lĩnh vực học tập cần thiết trong tương lai nhưng cũng được các tác giả nghiên cứu về tổng quan liệt kê vào những nghiên cứu về năng lực của thế kỉ XXI. Khung năng lực các nghiên cứu được tóm tắt như sau: OECD (2005) Sử dụng công cụ tương tác: Sử dụng ngôn ngữ, kí hiệu và văn bản một cách tương tác, sử dụng kiến thức và thông tin một cách tương tác, sử dụng công nghệ một cách tương tác; Tương tác với nhóm không đồng nhất: Có mối quan hệ tốt với mọi người, hợp tác thực hiện công việc trong nhóm, quản lí và giải quyết xung đột; Hành động tự chủ: Hành động hướng đến tổng thể, lập và thực hiện kế hoạch cuộc đời và dự án cá nhân, bảo vệ khẳng định quyền lợi và nhu cầu [12]. EnGauge 21st century skills Tư duy phát minh: Thích ứng, quản lí sự thay đổi và tự định hướng, tò mò, sáng tạo và đối mặt với những rủi ro, tư duy bậc cao và lập luận logic; Giao tiếp hiệu quả: Làm việc nhóm, hợp tác và giao tiếp, trách nhiệm cá nhân, xã hội và dân sự, giao tiếp tương tác; Hiểu biết về công nghệ số: Hiểu biết cơ bản về kĩ thuật, kinh tế và khoa học, hiểu biết về hình ảnh/thị giác và thông tin, hiểu biết về đa văn hóa và quan tâm đến toàn cầu; Năng suất cao: Lập thứ tự ưu tiên, lên kế hoạch và quản lí kết quả, sử dụng công cụ trong thế giới thực hiệu quả, khả năng 64
  5. Tổng quan về Kĩ năng và Năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu… sản xuất những sản phẩm liên quan, sản phẩm chất lượng cao [13]. P21 (Partnership for 21st century skills, 2009) Kĩ năng học tập và đổi mới: Phản biện và giải quyết vấn đề, đổi mới và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác; Kĩ năng thông tin, đa phương tiện và công nghệ: hiểu biết về thông tin, đa phương tiện, giao tiếp và công nghệ; Kĩ năng sống và kĩ năng nghề nghiệp: Linh hoạt, thích ứng, chủ động, tự định hướng, kĩ năng xã hội và liên văn hóa, năng suất và trách nhiệm, lãnh đạo và chịu trách nhiệm [3]. National Research Council Năng lực nhận thức: Nhận thức về quy trình và chiến lược: tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, phân tích, lí luận/ lập luận, giải thích, ra quyết định, học tập thích ứng, chức năng điều hành; Kiến thức: Hiểu biết về thông tin (nghiên cứu sử dụng bằng chứng và nhận biết về các nguồn thông tin khác nhau), hiểu biết về công nghệ thông tin và giao tiếp, giao tiếp bằng lời và bằng chữ viết, lắng nghe tích cực; Sáng tạo: sáng tạo, đổi mới. Năng lực nội tâm: Cởi mở về trí tuệ: linh hoạt, thích ứng, đánh giá cao văn hóa và nghệ thuật, trách nhiệm đối với cá nhân và xã hội (bao gồm năng lực và sự quan tâm về văn hóa), đánh giá cao sự đa dạng, thích ứng, học tập suốt đời, quan tâm đến trí tuệ và sự tò mò; Đạo đức làm việc/ lương tâm: sáng kiến, tự định hướng, trách nhiệm, kiên trì, năng suất, bản lĩnh, tự điều chỉnh loại 1 (siêu nhận thức, bao gồm suy nghĩ trước, sự thể hiện và phản ánh), tính chuyên nghiệp/ đạo đức, liêm chính, công dân và định hướng nghề nghiệp; Tự đánh giá sự tích cực cốt lõi: tự điều chỉnh loại 2 (tự giám sát, tự đánh giá, tự củng cố), sức khỏe thể chất và tinh thần. Năng lực tương tác (interperonal): Làm việc nhóm và hợp tác: giao tiếp, cộng tác, làm việc nhóm, hợp tác, phối hợp, tương tác, thông cảm, kiên trì, sự tin tưởng, định hướng hành động, giải quyết xung đột, thương lượng; Lãnh đạo: lãnh đạo, trách nhiệm, quyết đoán trong giao tiếp, tự trình bày, ảnh hưởng xã hội với những người khác [4]. ATC21S (2012) Cách thức suy nghĩ: Sáng tạo và đổi mới, phản biện, giải quyết vấn đề, ra quyết định, lãnh đạo việc học tập, siêu nhận thức; Cách thức làm việc: Giao tiếp, hợp tác; Công cụ làm việc: Hiểu biết về thông tin, hiểu biết về công nghệ số; Sống trong thế giới: Công dân địa phương và toàn cầu, cuộc sống và nghề nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội (bao gồm năng lực nhận thức và năng lực văn hóa) [14]. UNESCO (2013) Sức khỏe thể chất: sức khỏe thể chất và vệ sinh, thực phẩm và dinh dưỡng, hoạt động thể chất; Xã hội và tình cảm: giá trị xã hội và cộng đồng, giá trị công dân, sức khỏe tinh thần và hạnh phúc; Văn hóa và nghệ thuật: nghệ thuật sáng tạo, kiến thức văn hóa, nhận dạng bản sắc văn hóa của bản thân và cộng đồng, nhận thức và tôn trọng sự đa dạng; Biết đọc biết viết và giao tiếp: nói và nghe, từ vựng, viết, đọc; Phương pháp tiếp cận học tập và nhận thức: Kiên trì và chú ý, sự hợp tác, giải quyết vấn đề, tự định hướng, tư duy phản biện; Số học và toán học: Các khái niệm và phép toán số, hình học và các mẫu, ứng dụng toán học, dữ liệu thống kê; Khoa học và công nghệ: Nghiên cứu khoa học, khoa học đời sống, khoa học vật lí, khoa học trái đất, nhận thức và sử dụng công nghệ kĩ thuật số [15]. The European Parliament and the Council of the Eroupean Union (2006) Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, giao tiếp bằng ngoại ngữ, năng lực toán học và năng lực cơ bản về khoa học công nghệ, năng lực số, học để học, năng lực xã hội và công dân, ý thức chủ động và tinh thần kinh doanh, nhận thức và thể hiện văn hóa [16]. 65
  6. Đặng Thị Diệu Hiền Dựa trên khung năng lực của các nghiên cứu trên cho thấy, hầu hết các nghiên cứu đề cập phân loại các năng lực của thế kỉ XXI thành 3 đến 6 nhóm. Cụ thể, nếu nghiên cứu của OECD, P21, National Research Council, ATC21S chia thành 3 nhóm kĩ năng, thì nghiên cứu của EnGauge chọn phân loại các kĩ năng thành 4 nhóm, UNESCO phân thành 6 nhóm lĩnh vực học tập, riêng The European Parliament and the Council of the Eroupean Union không chia thành nhóm kĩ năng mà liệt kê từng kĩ năng riêng lẽ cần thiết trong thế kỉ XXI. Tên gọi của các nhóm kĩ năng hầu như không có sự tương đồng giữa các nghiên cứu mặc dù có một số năng lực thành phần tương tự nhau. Ví dụ nhóm những năng lực liên quan đến hiểu biết thông tin, công nghệ số, đa phương tiện… cũng được nhiều nghiên cứu lựa chọn làm năng lực của thế kỉ XXI nhưng với cách đặt tên khác nhau như Hiểu biết về công nghệ số (EnGauge), Kĩ năng thông tin, Đa phương tiện và công nghệ (P21), Công cụ làm việc (ATC21S), Năng lực số (The European Parliament and the Council of the Eroupean Union). Một ví dụ khác, các năng lực tư duy sáng tạo, phản biện, giải quyết vấn đề đa số các nghiên cứu xếp chung nhóm nhưng nghiên cứu của P21 gọi tên là ‘Tư duy phát minh’, còn nghiên cứu của National Research Coucil xếp vào nhóm ‘Năng lực nhận thức’, trong khi đó ATC21 đặt tên nhóm có các kĩ năng này là ‘Cách thức suy nghĩ’. Để dễ dàng hiểu và nhớ cách thức phân loại, trong sổ tay của Ban trung tâm giáo dục phổ thông Ấn độ đề xuất chia các kĩ năng của thế kỉ XXI thành 3 nhóm kĩ năng, kĩ năng của mỗi nhóm được viết tắt theo chữ cái đầu tiên của mỗi kĩ năng và được sắp xếp theo cách dễ nhớ theo Hình 1 [10]. Hình 1. Các kĩ năng của thế kỉ XXI theo phân loại của Ban trung tâm giáo dục phổ thông Ấn Độ Chalkiadaki nghiên cứu tổng quan về các kĩ năng của thế kỉ XXI cho học sinh tiểu học đã tổng hợp những kĩ năng của thế kỉ XXI thành 4 nhóm, trong mỗi nhóm có các kĩ năng cụ thể như sau [11]: - Kĩ năng cá nhân: Tự quản lí và tự chủ (tự quản lí, tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự định hướng, suy nghĩ độc lập, hành động tự chủ, khả năng lập và thực hiện kế hoạch cuộc đời/ dự án, tự bảo vệ lẽ phải, thông minh cảm xúc); Sáng tạo (tò mò, tưởng tượng, tạo những sản phẩm sáng tạo, cùng sáng tạo, đổi mới); Giải quyết vấn đề và phản biện (môi trường học tập thực, tư duy phân tích, phân tích và đánh giá chứng cứ, khả năng đưa ra các giải pháp khi có thách thức, tư duy bậc cao, đưa ra lí do, ra quyết định, sáng tạo); Thể hiện trong môi trường toàn cầu (thích nghi, nhanh nhẹn, quản lí sự thay đổi, quản lí rủi ro). - Kĩ năng xã hội: Giao tiếp, hợp tác (kĩ năng giao tiếp tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ thông qua lời nói và chữ viết, làm việc nhóm đặc biệt là những nhóm khác biệt, tư duy cởi mở, giải quyết xung đột); Quan tâm đến văn hóa, quan tâm đến toàn cầu (có khả năng đánh giá cao giá trị của 66
  7. Tổng quan về Kĩ năng và Năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu… những nền văn hóa khác nhau, chủ đích xây dựng mối quan hệ và mạng lưới giữa các nền văn hóa); Lãnh đạo (nội động cơ, đưa ra ý kiến mới, tinh thần doanh nhân, dẫn đầu bởi những ảnh hưởng). - Thông tin và kiến thức: Học tập (tự phản ánh, tự đánh giá, tự phát triển, siêu nhận thức, học tập qua công nghệ số, học tập tự định hướng, tự học, xây dựng kiến thức, học tập xã hội và hợp tác, quản lí rủi ro thông minh); Quản lí thông tin (hiểu biết về thông tin, truy cập và phân tích dữ liệu, quản lí được nguồn thông tin đa dạng, ứng dụng kiến thức vào tình huống mới, sáng tạo kiến thức, kiến thức nội dung). - Hiểu biết về công nghệ số: Tự tin sử dụng phương tiện truyền thông và công nghệ kĩ thuật số, thành thạo trong việc sử dụng công cụ kĩ thuật số, kĩ năng tương tác công nghệ số, sử dụng công nghệ số một cách có phản biện (phân tích, phê bình, đánh giá, sáng tạo), khả năng tham gia vào môi trường công nghệ số một cách có đạo đức, có trách nhiệm và có văn hóa. Qua phân tích các nghiên cứu về xây dựng các năng lực và một số nghiên cứu tổng quan cho thấy: năng lực của thế kỉ XXI gồm nhiều năng lực thành phần, được chia thành nhiều nhóm. Tuy chưa có sự thống nhất về cách phân loại các nhóm năng lực thành phần trong từng nghiên cứu, song cũng có thể nhận thấy các nghiên cứu cùng đề cập đến một số năng lực thành phần cụ thể. Các năng lực thành phần cụ thể được nghiên cứu trong phần tiếp theo của bài viết. 2.2.3. Năng lực thành phần của thế kỉ XXI Để xác định những năng lực thành phần nào được đề cập nhiều nhất, nghiên cứu lựa chọn một số công trình tiêu biểu theo năm tiêu chí được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau: Thứ nhất: các nghiên cứu phải thuộc 24 tài liệu đã thỏa mãn các tiêu chí đánh giá tài liệu được trình bày trong phương pháp nghiên cứu; Thứ hai, lựa chọn những tài liệu có khung năng lực của thế kỉ XXI gốc, do các tác giả hay tổ chức nghiên cứu xây dựng hoặc đề xuất và công bố; Thứ ba, khung năng lực trong các tài liệu được nhiều trích dẫn (OECD, National Research Council, EnGauge 21st Century Skills, ATC21S); Thứ tư: khung năng lực của tổ chức liên quan đến giáo dục có uy tín (UNESCO, The EU Parliament and the Council of the EU Union, Partnership for 21st century skills, Premier’s Technology Council); Thứ năm: khung năng lực của các quốc gia có nền giáo dục phát triển (Singapore, Canada, Finland…). Kết quả có 13 nghiên cứu thỏa các tiêu chí và được sử dụng cho phân tích từng kĩ năng hoặc năng lực. Từng năng lực thành phần của 13 nghiên cứu này được thống kê, sắp xếp thứ tự theo tần số xuất hiện, và xác định số lượng tổng của các kĩ năng hoặc năng lực được đề cập trong mỗi nghiên cứu (Bảng 1.). Kết quả thống kê cho thấy, số lượng các năng lực thành phần trong thế kỉ XXI được các nghiên cứu xác định thấp nhất là 9 (Ontario) và nhiều nhất là 25 (National Research Council), còn lại đa số các nghiên cứu xác định từ 11 đến 15 năng lực thành phần. Thống kê tần số xuất hiện các năng lực cho thấy có 45 năng lực thành phần được các nghiên cứu đề đề cập. Trong đó 10 năng lực được đề cập nhiều nhất gồm: Hợp tác/làm việc nhóm (11/13), hiểu biết về công nghệ/ thông tin (10/13), sáng tạo và đổi mới (10/13), năng lực công dân/ công dân toàn cầu (10/13), hiểu biết về thông tin (9/13), giao tiếp (9/13), tự định hướng (8/13), phản biện (8/13), giải quyết vấn đề (8/13), quản lí/ lãnh đạo (8/13). Các năng lực trong top 10 được mô tả khái quát như sau: - Hợp tác/ làm việc nhóm: Hợp tác trong thế kỉ XXI đòi hỏi khả năng làm việc theo nhóm, học hỏi và đóng góp vào việc học của những người khác, sử dụng các năng lực mạng xã hội, thể hiện sự đồng cảm khi làm việc với những người khác, đòi hỏi học sinh, sinh viên phát triển trí tuệ tập thể [17]. Ngoài ra, năng lực hợp tác cũng thể hiện khả năng làm việc hiệu quả và tôn trọng với các nhóm đa dạng, linh hoạt và sẵn sàng giúp đỡ trong việc đưa ra những thỏa hiệp cần thiết để hoàn thành một mục tiêu chung, đảm nhận trách nhiệm chung cho công việc hợp tác và đánh giá cao những đóng góp cá nhân của từng thành viên trong nhóm [3]. - Hiểu biết về công nghệ (thông tin)/ kĩ thuật: Hiểu biết về kĩ thuật, theo truyền thống, đề cập đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, ngày nay khái niệm này được hiểu rộng hơn gồm việc sử dụng công nghệ kĩ thuật số, các công cụ truyền thông, hiểu biết về thông tin và / hoặc mạng để truy cập, quản lí, tích hợp, đánh giá và tạo ra thông tin nhằm hoạt 67
  8. Đặng Thị Diệu Hiền động trong một xã hội tri thức [18]. P21 xác định các tiêu chí của hiểu biết về công nghệ gồm: Sử dụng công nghệ như một công cụ để nghiên cứu, tổ chức, đánh giá và truyền đạt thông tin; Sử dụng công nghệ kĩ thuật số, các công cụ truyền thông / mạng và mạng xã hội một cách thích hợp để truy cập, quản lí, tích hợp, đánh giá và tạo thông tin nhằm hoạt động thành công trong nền kinh tế tri thức; Áp dụng hiểu biết cơ bản về các vấn đề đạo đức / pháp lí xung quanh việc tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin [3]. Bảng 1. Thống kê các năng lực thế kỉ XXI của một số nghiên cứu - Sáng tạo và đổi mới: Năng lực sáng tạo và đổi mới là những năng lực để khám phá và tạo ra những cách tư duy mới. Sáng tạo đề cập đến cách nhìn hoặc cách làm mới và bao gồm bốn thành phần: Tạo ra ý tưởng mới, linh hoạt, hình thành cái mới và xây dựng dựa trên ý tưởng của người khác. Năng lực sáng tạo và đổi mới có nghĩa là sử dụng khả năng tư duy để phát triển một cái gì đó mới / độc đáo / cải tiến / khác biệt [10]. Năng lực tư duy sáng tạo và đổi mới gồm 3 tiêu chí đánh giá chính: suy nghĩ sáng tạo, làm việc với người khác một cách sáng tạo và ứng dụng những ý tưởng sáng tạo để đóng góp hữu ích cho lĩnh vực sáng tạo [3]. - Năng lực công dân, công dân toàn cầu và hội nhập: Năng lực công dân dựa trên kiến thức về các khái niệm dân chủ, công lí, bình đẳng, công dân và quyền công dân. Các năng lực thành phần của năng lực công dân liên quan đến khả năng tương tác hiệu quả với những người khác trong lĩnh vực công cộng và thể hiện sự đoàn kết và quan tâm trong việc giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương và rộng hơn [16]. Công dân toàn cầu liên quan đến khả năng đánh giá cao sự đa dạng văn hóa và xã hội ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu [20]. Griffin và các cộng sự đề xuất quyền công dân gồm 3 lĩnh vực kiến thức, kĩ năng và thái độ. Kiến thức đề cập đến sự hiểu biết về các quyền công dân, hiến pháp nước sở tại, hoạch định chính sách, hiểu biết về các khái niệm dân chủ, dân quyền, về sự chuyển động của các dân tộc và nền văn hóa của thế giới… Kĩ năng thể hiện qua khả năng đoàn kết để giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng, giao tiếp hiệu quả đối với các tổ chức, thu lợi từ các cơ hội do quốc gia sở tại và các chương trình quốc tế mang lại, tham gia vào quá trình ra quyết định dân chủ… Thái độ biểu hiện qua việc sẵng sàng tham gia vào quá trình ra quyết định dân chủ, làm tình nguyện viên, tôn trọng các giá trị và quyền riêng tư, chấp nhận bình đẳng giữa nam và nữ, đánh giá cao sự khác biệt giữa các hệ thống giá trị của các nhóm tôn giáo hoặc dân tộc khác nhau [14]. 68
  9. Tổng quan về Kĩ năng và Năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu… - Năng lực hiểu biết về thông tin: Khả năng tiếp cận, tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, đánh giá thông tin một cách nghiêm túc và thành thạo, đồng thời sử dụng thông tin một cách thích hợp, chính xác và sáng tạo [18], [13]. Theo OECD, trong bối cảnh bùng nổ thông tin đòi hỏi các năng lực mới để truy cập, đánh giá và tổ chức thông tin trong môi trường kĩ thuật số. Đồng thời, trong những xã hội mà tri thức không chỉ cần có khả năng xử lí và tổ chức thông tin mà còn phải có khả năng mô hình hóa và biến đổi nó để tạo ra tri thức mới hoặc sử dụng nó như một nguồn cho những ý tưởng mới. Thành tố điển hình trong năng lực hiểu biết về thông tin là khả năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề vì cả hai đều liên quan đến việc xác định, tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn, tổ chức, phân tích và giải thích thông tin [2]. - Năng lực giao tiếp: Năng lực giao tiếp thể hiện qua sự diễn đạt các suy nghĩ và ý tưởng một cách hiệu quả bằng cách sử dụng ngôn ngữ có lời, ngôn ngữ không lời, giao tiếp bằng văn bản trong nhiều hình thức, ngữ cảnh, môi trường đa dạng bao gồm cả môi trường đa ngôn ngữ. Năng lực giao tiếp còn thể hiện qua việc lắng nghe hiệu quả để giải mã ý nghĩa, bao gồm kiến thức, giá trị, thái độ và ý định. Năng lực giao tiếp cũng thể hiện qua việc sử dụng nhiều phương tiện và công nghệ, đồng thời biết cách đánh giá hiệu quả của chúng một cách ưu tiên cũng như đánh giá tác động của chúng [3]. Ngoài ra, theo OECD, năng lực giao tiếp liên quan đến khả năng trao đổi, phản biện, trình bày thông tin và ý tưởng, bao gồm cả việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tham gia và đóng góp tích cực vào nền văn hóa số [2]. - Năng lực tự định hướng: Tự định hướng thể hiện sự suy nghĩ về việc học của bản thân theo định hướng các mục tiêu cụ thể [19]. Năng lực tự định hướng cũng thể hiện sự chủ động để nâng cao trình độ theo hướng chuyên nghiệp, thể hiện cam kết học tập như một quá trình suốt đời, phản ánh một cách nghiêm túc về những kinh nghiệm trong quá khứ để thông báo về sự tiến bộ trong tương lai, để khám phá và mở rộng khả năng học tập của chính một người cũng như cơ hội để đạt được kiến thức chuyên môn [3]. - Năng lực phản biện: Năng lực phản biện là khả năng thu nhận, xử lí, diễn giải, hợp lí hóa và phân tích một cách có phê phán khối lượng lớn thông tin thường mâu thuẫn nhau đến mức đưa ra quyết định sáng suốt và hành động kịp thời [20]. Phản biện đưa ra lí do bằng cách sử dụng nhiều kiểu lập luận khác nhau (quy nạp, suy diễn…) phù hợp với tình huống; Sử dụng tư duy hệ thống như phân tích cách các bộ phận riêng lẽ tương tác với nhau để tạo ra kết quả tổng thể trong các hệ thống phức tạp; Phân tích và đánh giá hiệu quả bằng chứng, lập luận, tuyên bố và niềm tin, các quan điểm thay thế chính; Tổng hợp thông tin và tạo kết nối giữa thông tin và đối số; Giải thích thông tin và đưa ra kết luận dựa trên phân tích tốt nhất; Phản ánh một cách nghiêm túc về kinh nghiệm và quy trình học tập [3]. - Năng lực giải quyết vấn đề: Năng lực giải quyết vấn đề thể hiện qua việc xác định lỗ hỏng kiến thức, đặt những câu hỏi quan trọng để làm rõ các quan điểm khác nhau và dẫn đến các giải pháp tốt hơn [14]. Giải quyết vấn đề có thể là những phán đoán có mục đích, đánh giá độ chính xác thực tế, độ tin cậy, ý nghĩa của thông tin sau khi phân tích tổng hợp và đánh giá. Ngoài ra, giải quyết vấn đề thể hiện qua khả năng giải quyết các loại vấn đề quen thuộc lẫn không quen thuộc theo cả cách thông thường và cách đổi mới, độc đáo, sáng tạo; Xác định và đặt những câu hỏi quan trọng làm rõ các quan điểm khác nhau và dẫn đến các giải pháp tốt hơn [3]. - Năng lực quản lí/ lãnh đạo/ quản lí sự thay đổi: Trong bối cảnh toàn cầu hóa vốn đã phức tạp càng trở nên phức tạp hơn, tốc độ thay đổi nhanh đòi hỏi cá nhân phải có khả năng lập kế hoạch, thiết kế và quản lí theo những cách mới có tính đến các trường hợp bất thường, dự đoán các thay đổi và hiểu được sự phụ thuộc lẫn nhau trong các hệ thống vì vậy năng lực quản lí rất cần thiết. Năng lực quản lí thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau như: Quản lí tài nguyên (thời gian, không gian, vật liệu) để thực hiện một kế hoạch thành công [13]; Quản lí dự án (xác định và thực hiện mục tiêu, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lập kế hoạch, quản lí công việc…); Quyền lãnh đạo (dẫn dắt những người khác, gây ảnh hưởng và hướng dẫn người khác đến mục tiêu, tận dụng điểm mạnh của những người khác để hoàn thành mục tiêu chung, thể hiện sự chính trực và 69
  10. Đặng Thị Diệu Hiền hành vi đạo đức trong việc sử dụng ảnh hưởng và quyền lực, có trách nhiệm với người khác) [3]; Quản lí mục tiêu và thời gian (đặt mục tiêu, cân bằng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; tận dụng thời gian và và quản lí khối lượng công việc hiệu quả) [14]; Quản lí các vai trò khác nhau trong cuộc sống cá nhân, cân bằng giữa việc học, việc làm và các ưu tiên khác trong cuộc sống [21]. 2.2.4. So sánh các năng lực của thế kỉ XXI với yêu cầu năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông - chương trình tổng thể tại Việt Nam 2.2.4.1. Khái quát về yêu cầu năng lực cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông - chương trình tổng thể của Việt Nam Chương trình giáo dục phổ thông - chương trình tổng thể của Việt Nam (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung của chương trình được sắp xếp vào 9 đề mục: (I) Quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, (II) Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, (III) Yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực, (IV) Kế hoạch giáo dục, (V) Định hướng về nội dung giáo dục, (VI) Định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, (VII) Điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, (VIII) Phát triển chương trình giáo dục phổ thông và (IX) Giải thích chương trình [25]. Trong đó, năng lực học sinh cần đạt được trình bày tổng quát tại nội dung thứ 2, Mục III. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực, gồm hai nhóm năng lực chính là nhóm năng năng lực chung và năng lực đặc thù. Trong đó: - Nhóm năng lực chung có 6 năng lực cụ thể được chia thành 3 nhóm chính gồm: Năng lực tự chủ và tự học; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực này được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. - Nhóm năng lực đặc thù có 7 năng lực thành phần gồm: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất. Những năng lực này được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định. Bên cạnh các năng lực được trình bày khái quát tại Mục III, những yêu cầu cần đạt cụ thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được quy định tại mục IX Chương trình tổng thể và tại các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Theo đó, năng lực thành phần của từng nhóm năng lực, biểu hiện cụ thể của từng năng lực tương ứng với từng cấp học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) còn được giải thích cụ thể tại nội dung 3, Mục IX của Thông tư này. (Xem chi tiết tại nội dung 3, Mục IX của Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018). 2.2.4.2. Nội dung so sánh các năng lực của thế kỉ XXI với yêu cầu năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông - chương trình tổng thể tại Việt Nam So sánh các năng lực yêu cầu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với các kết quả nghiên cứu tổng quan về 3 nội dung gồm: khái niệm, khung năng lực chung và các năng lực thành phần của thế kỉ XXI. Kết quả so sánh cho thấy: - Về khái niệm: Chương trình giáo dục phổ thông - chương trình tổng thể của Việt Nam sử dụng thuật ngữ ‘năng lực’ thay vì ‘kĩ năng’. Việc sử dụng khái niệm năng lực thay vì kĩ năng không những chỉ yêu cầu cần đạt được một cách toàn diện cả về mặt kiến thức, kĩ năng lẫn thái độ của học sinh mà còn phản ánh sự cập nhật thuật ngữ theo xu hướng chung của thế giới. - Về khung năng lực chung: Các năng lực chung trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gồm 13 năng lực được chia thành hai nhóm: năng lực chung và năng lực đặc thù. Cách đặt tên của các nhóm năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng không đồng nhất với bất kỳ các nghiên cứu đã đề cập. Kết quả này một lần nữa cho thấy, cách thức gọi tên nhóm các năng lực thành phần của các nghiên cứu khác nhau là khác biệt mặc dù các năng lực thành phần có thể giống nhau. Kết quả này có lẽ là do sự khác biệt về quan điểm tiếp cận, cách thức xây dựng, bối cảnh, mục tiêu đào tạo… của các quốc gia, các tổ chức không hoàn 70
  11. Tổng quan về Kĩ năng và Năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu… toàn giống nhau. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề như thế nào cần có những nghiên cứu sâu để giải thích cặn kẽ hơn. - Về năng lực thành phần: Tổng cộng có 13 năng lực chính trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, số lượng năng lực này tương đương với số lượng các năng lực trong phần lớn các nghiên cứu đã đề cập. Trong đó, có 6 trong 13 năng lực của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thuộc top 10 năng lực được đề cập nhiều nhất trong thế kỉ XXI là năng lực gồm: Năng lực hợp tác, năng lực công nghệ, năng lực sáng tạo, năng lực tự chủ, năng lực giao tiếp và năng lực giải quyết vấn đề. Chỉ riêng năng lực về thể chất nằm ngoài top 20 năng lực được các nghiên cứu đề cập, 6 năng lực còn lại trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thuộc top từ 10 đến 20 năng lực của thế kỉ XXI gồm: Năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ, năng lực tin học, năng lực tự học, năng lực tính toán, năng lực khoa học. Nếu so sánh theo góc độ các năng lực cụ thể trong từng nhóm năng lực chung và năng lực đặc thù của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho thấy: 5 trong số 6 năng lực thuộc nhóm năng lực chung (gồm: hợp tác, sáng tạo, tự chủ, giao tiếp, giải quyết vấn đề) thuộc top 10 năng lực được đề cập nhiều nhất của thế kỉ XXI. Chỉ riêng năng lực tự học thuộc top 10 đến 20 năng lực của thế kỉ XXI; 5 trong 7 năng lực trong nhóm năng lực đặc thù thuộc nằm trong top từ 10 đến 20 năng lực được đề cập nhiều nhất trong thế kỉ XXI. Riêng năng lực về công nghệ lọt vào top 10 và năng lực thể chất năm ngoài top 20 năng lực của thế kỉ XXI được đề cập nhiều nhất. Qua so sánh cho thấy, các năng lực trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam đều thuộc những năng lực thế kỉ XXI của các nghiên cứu điển hình. Tuy nhiên, có một số năng lực trong top 10 năng lực được đề cập nhiều nhất của thế kỉ XXI nhưng trong chương trình phổ thông của Việt Nam chưa có là: năng lực công dân/ công dân toàn cầu, hiểu biết về thông tin, phản biện, quản lí/ lãnh đạo/quản lí sự thay đổi. Kết quả này có thể luận giải khung năng lực của mỗi tổ chức, quốc gia khi xây dựng chịu sự tác động của nhiều yếu tố như cách thức tiếp cận, mục tiêu giáo dục, bối cảnh…nên không thể nào giống nhau hoàn toàn. Khung năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam về cơ bản đã thể hiện được sự dung hòa giữa mục tiêu giáo dục của quốc gia, khung trình độ của quốc gia và xu thế chung của thế giới. 3. Kết luận Kết quả tổng quan một số nghiên cứu nổi bật về năng lực thế kỉ XXI của các tổ chức và cá nhân cho thấy mặc dù chưa có sự thống nhất về tên gọi của các nhóm kĩ năng hoặc năng lực, nhưng có sự tương đồng khá lớn về những năng lực thành phần của thế kỉ XXI. 10 năng lực thành phần nổi trội hơn gồm: Hợp tác/làm việc nhóm, hiểu biết về công nghệ/ thông tin, sáng tạo và đổi mới, năng lực công dân/ công dân toàn cầu, hiểu biết về thông tin, giao tiếp, tự định hướng, phản biện, giải quyết vấn đề, quản lí/ lãnh đạo. So sánh năng lực yêu cầu cần đạt được trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với các năng lực của thế kỉ XXI của một số nước trên thế giới cho thấy các năng lực của chương trình phổ thông đều thuộc tổng hợp các năng lực của thế kỉ XXI mà các tổ chức và cá nhân nghiên cứu. Tuy nhiên, chỉ có 6 trong số 13 năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thuộc nhóm 10 năng lực nổi trội trong các năng lực của thế kỉ XXI gồm Hợp tác, năng lực công nghệ, sáng tạo, tự chủ, giao tiếp và giải quyết vấn đề. Kết quả nghiên cứu là một trong những cơ sở có giá trị để lựa chọn các năng lực trong giai đoạn hiện nay để phát triển cho học sinh nhằm giúp học sinh tiệm cận với các năng lực theo xu hướng chung của thế giới trong thế kỉ XXI. Các biện pháp khuyến nghị để phát triển năng lực cần thiết của thế kỉ XXI cho học sinh gồm: Đưa nội dung dạy học các kĩ năng vào chương trình học chính khóa thông qua các môn học; Tích hợp phát triển năng lực thông qua các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm để học sinh tham gia để từ đó phát triển năng lực của thế kỉ XXI. 71
  12. Đặng Thị Diệu Hiền TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Van Laar E., Van Deursen A.J.A.M., Van Dijk J.A.G.M. & Jos de Haan, 2017. The The Relation Between 21st-Century Skills and Digital Skills: A Systematic Literature Review. Computers in Human Behavior, 72. 577-588. [2] OECD, 2009. 21st Century Skills and Competences for New Millennium Learners in OECD Countries. [3] Partnership for 21st Century Skills, 2009. Framework for 21st Century Learning. Truy cập http://www.p21.org/ ngày 22.03.2022. [4] National Research Council, 2012. Education for Life and Work: Developing Transferable Knowledge and Skills in the 21st Century. Committee on Defining Deeper Learning and 21st Century Skills, James W. Pellegrino and Margaret L. Hilton, Editors. Board on Testing and Assessment and Board on Science Education, Division of Behavioral and Social Sciences and Education. Washington, DC: The National Academies Press. [5] Lamb S., Maire Q. and Doecke, 2017. Key Skills for the 21st Century: An Evidence – Based Review. Victoria University Australia. [6] Voogt, J., & Roblin, N. P., 2010. 21st Century Skills (Discussion Paper). Enschede: University of Twente. [7] Voogt, J., & Roblin, N. P. 2012. A Comparative Analysis of International Frameworks for 21st Century Competences: Implications for National Curriculum Policies. Journal of Curriculum Studies. 44(3),299–321.doi:10.1080/00220272.2012.668938 [8] Scott, Cynthia, L. S, 2015. The Futures of Learning 2: What Kind of Learning for the 21st Century? (ERF Working Paper No. 14). Paris: UNESCO Education Research and Foresight. Truy cập https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000242996 ngày 25/3/2022. [9] Glossary of Education, 2016. 21st Century Skills. Truy cập https://www.edglossary.org/21st-century-skills/ ngày 15. 03. 2022. [10] Central Board of Secondary Education. (2020). 21st Century Skills Handbook. India. P.14. [11] Chalkiadaki. A, 2018. A Systematic Literature Review of 21st Century Skills and Competencies in Primary Education. International Journal of Instruction, 11(3), 1–16. Truy cập http://www.e-iji.net/dosyalar/iji_2018_3_1.pdf 22/3/2022. [12] OECD, 2005. The Definition and Selection of Key Competencies. Excutive summary. [13] Lemke, Cheryl (2002). EnGauge 21st Century Skills_Digital Literacies for a Digital Age, North Central Regional Educational Lab., Naperville, IL.; North Central Regional. [14] Griffin P., McGaw B., Care E, 2012. Assessment and Teaching of 21st Century Skills. Springer Netherlands. [15] Unesco, 2013. Toward Universal Learning What Every Child Should Learn _ Excutive Summary 1. Center for Universal Education at Brookings. Truy cập https://www.brookings.edu/wp- content/uploads/2016/06/LMTFRpt1TowardUnivrslLearning_ExSum.pdf ngày 26/3/2022. [16] The European Parliament and the Council of the Eroupean Union, 2006. Recommendation of the European Parliament and of the Council of 18 December 2006 on key competences for lifelong learning (2006/962/EC). Official Journal of the European Union. Retrieved from https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32006H0962 &from=EN ngày 24/3/2022. [17] Ontario, 2015. Phase 1. Towards Defining 21st Century Competency for Ontario_21st Century Competencies Foundation Document for Discusion. Queen’s Printer for Ontario, Canada. 72
  13. Tổng quan về Kĩ năng và Năng lực của thế kỉ XXI và so sánh với yêu cầu… [18] Joynes C., Rossignoli S., & Fenyiwa Amonoo-Kuofi E, 2019. 21st_Century Skills: Evidence of Issues in Definition, Demand and Delivery for Development Contexts (K4D Helpdesk Report). Brighton, UK: Institute of Development Studies. [19] Premier’s Technology Council, 2010. A Vision for Century Education, British Columbia, Truy cập http://epubgeneration.weebly.com/uploads/5/5/8/8/5588196/a_vision_for_21st _century_education.pdf ngày 24/3/2022. [20] C21 Canada (Canadians for 21st Century Learning and Innovation), 2012. Shifting minds: A 21st Century Vision of Public Education for Canada. Truy cập: http://www.c21canada.org/wp-content/uploads/2012/05/C21-Canada-Shifting-Version- 2.0.pdf ngày 22/3/2022. [21] Goverment of Alberta, 2011. Framework for Student Learning_Competencies for Engaged Thinkers and Ethical Citizens with an Entrepreneurial Spirit. Alberta Education. Truy cập http://education.alberta.ca/department/ipr/curriculum.aspx ngày 21.03. 2022. [22] Unesco, 2013. Toward Universal Learning_A Global Framework for Mearurering Learning _ Excutive Summary 2. Center for Universal Education at Brookings. Truy cập https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000225210 ngày 27/3/2022. [23] Singapore, 2021. 21st Century Competencies. Truy cập https://www.moe.gov.sg /education-in-sg/21st-century-competencies ngày 25/3/2022. [24] Finland Ministry of Education, 2012. Key Competencies for Lifelong Learning in Finland Education 2010 – Interim. Truy cập https://static.aminer.org/pdf/PDF/000/248/291/ information_systems_application_educational_needs_of_small_enterprises_a_survey.pdf [25] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình giáo dục phổ thông_Chương trình tổng thể. Truy cập https://data.moet.gov.vn/index.php/s/LETzPhj5sGGnDii#pdfviewer ngày 10/4/2022. ABSTRACT Literature review of 21ST-century Skills and Competencies comparing with required competencies in national educational program - General Educational Programme in Vietnam Dang Thi Dieu Hien Institute of Technical Education, Ho Chi Minh City University of Technology and Education The overview of 24 documents, aims to gain 4 main contents: 1) An overview of the definitions of the 21st-century skills and/or competencies; 2) an Overview of 21st-century competencies frameworks; 3) Overview of 21st-century component competencies; 4) Comparison of 21st-century competencies with required competencies in the National Education Programme – General Educational Programmes in Viet Nam. The results indicate that: 1) Definitions of 21st-century skills as well as competencies in each research have many different expressions but still have some commonalities; 2) There are many sub-competencies in 21st- century competency frameworks, but there is no consensus on the naming and classification of these sub-competencies; 3) There are 45 detail competencies were mentioned in 13 typical competency frameworks, in which, top 10 mentioned competencies including: Collaboration or teamwork, technology literacy, creativity and innovation, citizenship, information literacy, communication, self - direct, critical thinking, problem solving, management or leadership; 4) All 13 competencies in the National Education Programme – General Educational are mentioned in the typical 21st-century competency frameworks, in which, 6 competencies belong to top 10, 6 competencies are in the top 20 of the most mentioned 21st century competencies. Keywords: 21st-century skills, 21st-century competencies, key competencies, literature review, competency framework. 73
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2