Ứng phó với bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục của học sinh trung học phổ thông
lượt xem 3
download
Nghiên cứu được tiến hành trên HS trung học phổ thông để làm rõ thực trạng nhận thức, mức độ phổ biến, các kiểu ứng phó của HS đối với BL kinh tế và BL tình dục và nguyên nhân của thực trạng này, góp phần tìm kiếm các giải pháp làm giảm BLHĐ ở HS hiện nay.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ứng phó với bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục của học sinh trung học phổ thông
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0044 Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1A, pp. 181-189 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn ỨNG PHÓ VỚI BẠO LỰC KINH TẾ VÀ BẠO LỰC TÌNH DỤC CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Hoàng Trung Học Khoa Tâm lí – Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bạo lực học đường (BLHĐ) trong những năm gần đây trở thành một trong những vấn đề giáo dục phức tạp, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giáo dục và phát triển của học sinh (HS). Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã tập trung làm rõ bản chất, đánh giá thực trạng, tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn nạn BLHĐ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu tiếp cận dưới góc độ xã hội học hoặc điều tra phổ rộng để đánh giá mức độ phổ biến của BLHĐ. Những nghiên cứu BLHĐ dưới góc độ tâm lí học vẫn còn khá khiêm tốn, đặc biệt là đối với bạo lực (BL) kinh tế và BL tình dục. Nghiên cứu được tiến hành trên HS trung học phổ thông để làm rõ thực trạng nhận thức, mức độ phổ biến, các kiểu ứng phó của HS đối với BL kinh tế và BL tình dục và nguyên nhân của thực trạng này, góp phần tìm kiếm các giải pháp làm giảm BLHĐ ở HS hiện nay. Từ khóa: Bạo lực học đường; tình huống bạo lực học đường; ứng phó với bạo lực học đường; bạo lực tình dục; bạo lực kinh tế. 1. Mở đầu Những năm gần đây, BLHĐ trở thành một trong những vấn đề nhức nhối trong đời sống học đường. Với những ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều mặt đến quá trình giáo dục và sự phát triển của HS, BLHĐ trở thành vấn đề giáo dục mang tính toàn cầu. Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã được tiến hành để đánh giá thực trạng, tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn nạn BLHĐ. Khi phân tích các công trình nghiên cứu tiêu biểu trong lĩnh vực này, có thể thấy, các nhà nghiên cứu tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản sau: (1) Đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến BLHĐ; (2) Chỉ rõ mức độ ảnh hưởng của BLHĐ đến sự phát triển tâm lí của HS và mối quan hệ của BLHĐ với các hiện tượng tâm lí tiêu cực khác trong đời sống học đường; (3) Làm rõ bản chất, phân loại và tìm kiếm các giải pháp ứng phó với BLHĐ [1-8]. Kết quả của các nghiên cứu về BLHĐ đã chỉ ra rằng, BLHĐ là hiện tượng tồn tại phổ biến, trở thành một trong những nguyên nhân căn bản gây tổn thương cho đời sống tâm lí, cản trở quá trình phát triển tích cực của trẻ trong mọi độ tuổi, từ mầm non cho đến HS trung học phổ thông và sinh viên đại học. Phân tích các nghiên cứu trong lĩnh vực này đã chỉ ra rằng, tác giả chủ yếu Ngày nhận bài: 7/12/2016. Ngày nhận đăng: 22/2/2017. Liên hệ: Hoàng Trung Học, e-mail: hoangtrunghoctlgd@gmail.com. 181
- Hoàng Trung Học tiếp cận BLHĐ dưới góc độ xã hội học hoặc điều tra phổ rộng để đánh giá mức độ phổ biến, tầm ảnh hưởng của BLHĐ. Những nghiên cứu BLHĐ chuyên sâu, dưới góc độ tâm lí học vẫn còn khá khiêm tốn. Khi tiếp cận điều tra phổ rộng về các loại BLHĐ, tác giả nhận thấy, BL tình dục và BL kinh tế là hai loại BL hoặc tồn tại tương đối phổ biến (BL kinh tế), hoặc thường để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với tâm lí của cá nhân và đạo đức học đường (BL tình dục) [4; 5]. Vì vậy, việc nghiên cứu chi tiết bản chất của hai loại BL này, đặc biệt là nhận thức và những đặc trưng trong cách ứng phó của HS đối với BL về kinh tế và tình dục có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong nghiên cứu này tác giả bài báo hướng đến đánh giá thực trạng nhận thức, mức độ phổ biến, loại và các kiểu hành vi tiêu biểu trong cách ứng phó của HS với BL kinh tế và BL tình dục. Việc nghiên cứu BLHĐ và khả năng ứng phó của HS, đặc biệt là các phương thức hành vi trong tình huống BLHĐ về tình dục, kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng những chương trình can thiệp, trợ giúp học sinh ứng phó hiệu quả trong các tình huống BLHĐ. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Một số khái niệm công cụ và phương pháp nghiên cứu Vấn đề BLHĐ có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong nghiên cứu này, BLHĐ được nghiên cứu với khái niệm công cụ như sau: BLHĐ là những hành vi vô tình hay cố ý gây tổn thương cho người khác, để lại hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, xảy ra trong phạm vi nhà trường [4]. BLHĐ thường xảy ra trong mối quan hệ giữa HS với HS, giữa giáo viên với HS hoặc ngược lại. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ tập trung làm rõ loại BLHĐ có liên quan đến kinh tế và tình dục giữa HS với HS trong phạm vi nhà trường. Ứng phó của HS trong tình huống BLHĐ là những nỗ lực tâm lí và hành vi nhằm xử lí kịp thời những tình huống liên quan đến hành vi BL do một cá nhân hoặc một nhóm HS khác gây ra trong phạm vi nhà trường, để hạn chế hậu quả hoặc ngăn chặn nguy cơ tái diễn những hành vi tương tự trong tương lai [2, 5, 7, 8]. Xuất phát từ khái niệm ứng phó với BLHĐ như trên, chúng tôi tiến hành xác lập các kiểu ứng phó với BLHĐ của HS trên cơ sở các tiêu chí căn bản sau: 1-Đặc điểm của hành vi ứng phó; 2-Mức độ hiệu quả; 3-Tính chủ động của chủ thể. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi tập trung làm rõ 5 kiểu ứng phó của HS được phân loại theo thứ tự giảm dần về mức độ chủ động và hiệu quả gồm: Tích cực chủ động; Tìm kiếm sự hỗ trợ; Xoa dịu căng thẳng; Lảng tránh; Tiêu cực. Các kiểu ứng phó được nghiên cứu trên 2 loại tình huống điển hình ở HS Trung học phổ thông, bao gồm: BL tình dục và BL kinh tế. Nghiên cứu được tiến hành tại một trường Trung học phổ thông trên địa bàn huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhóm khách thể được lựa chọn gồm 300 HS, chia đều cho các khối 10, 11, 12 với tỉ lệ 150 nam, 150 nữ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng phương pháp chủ đạo là điều tra viết, phỏng vấn và phân tích chân dung tâm lí điển hình. Để làm rõ khả năng ứng phó của HS trong các tình huống BLHĐ, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn HS, giáo viên của trường được khảo sát, xây dựng những tình huống mang tính điển hình trong lĩnh vực: BL kinh tế; BL tình dục. Các tình huống sau khi được thiết kế khác nhau, phù hợp cho nam và nữ, đã được tiến hành điều tra sơ bộ, sàng lọc để đảm bảo những tình huống này 182
- Ứng phó với bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục của học sinh trung học phổ thông mang tính đại diện, đặc trưng cho nhóm khách thể được điều tra. Thông qua kết quả ứng phó của HS với những tình huống giả định, chúng tôi rút ra kết luận về kiểu ứng phó và những biểu hiện hành vi đặc trưng trong các kiểu ứng phó cụ thể của HS trong các tình huống BLHĐ. Số liệu thống kê được sử dụng trong bài báo được phân tích bằng phần mềm thống kê SPSS, phiên bản 20.0. Các tình huống được sử dụng để nghiên cứu về kiểu ứng phó với BL kinh tế và BL tình dục ở HS gồm: Tình huống 01: Em xử lí như thế nào nếu phải đối mặt với tình huống sau? (Sử dụng để nghiên cứu kiểu ứng phó với BL tình dục ở HS nữ). Em là một nữ sinh có ngoại hình ưa nhìn, được nhiều bạn trong trường để ý. A là học sinh cá biệt nổi tiếng trong trường, rất thích em, nhiều lần đòi gặp em, rủ em đi chơi nhưng em đều từ chối. A rất tức giận, gần đây A thường xuyên nhắn tin cho em, lúc thì chửi tục, đe dọa, lúc thì dụ dỗ với những lời lẽ thô tục. Một lần, A gửi cho em một số hình ảnh với khuôn mặt của em được ghép vào những hình ảnh khỏa thân của người khác và đe dọa nếu không gặp mặt thì A sẽ tung hình ảnh này lên mạng. Tình huống 02: Em xử lí như thế nào nếu phải đối mặt với tình huống sau? (Sử dụng để nghiên cứu kiểu ứng phó với BL tình dục ở HS nam). Trong một lần chơi ở nhà người bạn thân cùng các bạn trai trong lớp khác, các bạn đã rủ nhau cùng xem một bộ phim sex vì cả bọn chưa biết sex là gì. Em đã tỏ ý khó chịu và phản đối. Sau khi không thuyết phục được em, các bạn còn lại đã cùng nhau xem, trong khi em về trước. Những ngày hôm sau, các bạn thường xa lánh, cô lập, không chơi với em và còn thường mỉa mai em là “thằng trẻ con”. Một số bạn còn thường gửi tới máy điện thoại của em những hình ảnh khiêu dâm hoặc những câu chuyện tình dục khiến em rất khó chịu. Tình huống 03: Em xử lí như thế nào nếu phải đối mặt với tình huống sau? (Sử dụng để nghiên cứu kiểu ứng phó với BL kinh tế ở cả HS nam và nữ). A là học sinh cá biệt nổi tiếng trong trường. A và một số người bạn thân của mình thường đi bắt nạt, đe dọa các học sinh khác để lấy tiền, đồ dùng học tập. Một lần, sau khi tan học, bên ngoài cổng trường, trên một đoạn đường vắng, A và nhóm bạn của mình chặn đường, yêu cầu em đưa tiền và cặp để kiểm tra. 2.2. Kết quả nghiên cứu thực trạng ứng phó với BL tình dục và BL kinh tế của học sinh THPT 2.2.1. Nhận thức của HS về BL tình dục và BL kinh tế Nhận thức của HS về các loại BL có ảnh hưởng lớn đến thái độ khi chứng kiến BL và cách ứng phó với BLHĐ. Kết quả thống kê nhận thức của HS về hành vi BLHĐ cho thấy: - HS chưa nhận thức đầy đủ về các biểu hiện của BLHĐ. Tất cả những biểu hiện tại bảng 1 đều là những biểu hiện về mặt hành vi của BLHĐ. Tuy nhiên, không có biểu hiện nào được 100% học sinh lựa chọn. Cá biệt, ở một số biểu hiện, tỉ lệ học sinh nhận biết là biểu hiện của BLHĐ rất thấp (ít hơn 20%). 183
- Hoàng Trung Học - Học sinh có nhận biết tương đối đầy đủ về các hành BL dễ quan sát, mang tính điển hình như: “Đánh, đập” (96%); “Dọa đánh” (87,4%); “Mắng chửi, xúc phạm” (73,7%). Như vậy, đối với những hành vi BLHĐ có liên quan đến bạo lực thể chất, mang tính điển hình, bộc lộ rõ nguy cơ, HS có thể nhận biết tương đối chính xác. - Đối với một số biểu hiện của BL tinh thần và BL tình dục, hầu hết HS nhận thức chưa tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với loại BLHĐ về tinh thần, tình dục, HS không nhận biết được ngay cả đối với những biểu hiện tương đối điển hình như: “Cố tình cô lập bạn” (56,7%); “Động chạm vào vùng nhạy cảm (59,3%), “Trêu đùa ác ý” (80,3%). Đối với những biểu hiện của BL kinh tế, tỉ lệ HS nhận biết đúng cao hơn, nhưng vẫn còn khoảng 30% HS chưa nhận biết được những biểu hiện của BL trong lĩnh vực này. Điều này đặt ra những vấn đề khá nghiêm trọng trong khả năng nhận biết và ứng phó của các em trong các tình huống BLHĐ liên quan đến lĩnh vực tinh thần, kinh tế và tình dục. Nhận biết kém, các em sẽ không thể ứng phó chủ động trước những loại BLHĐ kiểu này. Bảng 1. Nhận thức của HS về những hành vi BLHĐ Nam Nữ Stt Hành vi SL % SL % TBC 1 Đánh, đập 145 96,7 143 95,3 96 2 Mắng chửi, xúc phạm 107 71,3 114 76 73,7 3 Dọa đánh 129 86 133 88,7 87,4 4 Mỉa mai, chế giễu 68 45,3 78 52 48,7 5 Cưỡng bức tình dục 81 54 76 50,7 52,4 6 Động chạm vào vùng nhạy cảm 56 37,3 69 46 41,7 7 Ép phải đưa tiền, đồ đạc 107 71,3 106 70,7 71 8 Ép xem phim, truyện sex 65 43,3 67 44,7 44 9 Cố tình cô lập bạn 62 41,3 68 45,3 43,3 10 Trêu đùa ác ý 29 19,3 30 20 19,7 Như vậy, về cơ bản, HS chưa nhận thức đầy đủ về những biểu hiện của BLHĐ, đặc biệt là đối với những biểu hiện của BL tình dục, BL tinh thần và BL kinh tế. Trong nhận thức của HS, BLHĐ là phải gắn liền với việc “Đánh đập” hoặc “Xúc phạm”. Những hành vi kiểu như “Trêu đùa ác ý” hoặc “Cố tình động chạm vào những vùng nhạy cảm” đa phần các em không coi đó là biểu hiện của hành vi BLHĐ. 2.2.2. Thực trạng mức độ phổ biến của BL kinh tế và BL tình dục ở HS Để nghiên cứu sâu về thực trạng các kiểu ứng phó của HS Trung học phổ thông trong tình huống BL kinh tế và BL tình dục, chúng tôi tiến hành đánh giá mức độ phổ biến của hai loại BLHĐ này. 184
- Ứng phó với bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục của học sinh trung học phổ thông Bảng 2. Thực trạng mức độ phổ biến của BL kinh tế và BL tình dục ở HS BL Loại BLHĐ BL tình dục kinh tế Trấn tiền, Cưỡng bức Động vào vùng Ép xem phim, Biểu hiện cụ thể đồ đạc tình dục nhạy cảm truyện sex Thường Sl 11 6 10 6 xuyên % 7,3 4 6,7 4 Sl 30 5 26 12 Đôi khi Nam % 20 3,3 17,3 8 Không Sl 109 139 114 132 bao giờ % 72,7 92,7 76 88 Giới X 1,35 1,11 1,31 1,16 tính Thường Sl 5 2 2 1 xuyên % 3,3 1,3 1,3 0,6 Sl 49 6 19 7 Đôi khi Nữ % 32,7 4 12,7 4,7 Không Sl 96 142 129 142 bao giờ % 64 94,7 86 94,7 X 1,39 1,05 1,15 1,06 Kết quả thống kê cho thấy: - Gần 30% HS cho rằng, các em đã từng “Đôi khi”, thậm chí “Thường xuyên” chứng kiến những hành vi BLHĐ liên quan đến kinh tế. BL về kinh tế được hiểu là những hành vi BL giữa các HS, trong đó nạn nhân bị cưỡng ép phải đưa đồ đạc hoặc những giá trị vật chất cho một hoặc một số HS khác, thường được biểu hiện bằng hành vi trấn lột đồ đạc, cưỡng ép đưa tiền hoặc phải làm những việc không mong muốn để tạo ra sản phẩm vật chất bất chính cho đối tượng. Kết quả khảo sát cho thấy, hành vi BL kinh tế trong lĩnh vực học đường chủ yếu xuất hiện với biểu hiện “Trấn tiền, đồ đạc”. Đây là hành vi bạo lực tương đối nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí HS, làm sói mòn đạo đức học đường, là hiện tượng đáng báo động, cần được lưu tâm. - BLHĐ về tình dục được hiểu là những hành vi ép buộc đối tượng chứng kiến hoặc thực hiện hành vi tình dục ở các cấp độ khác nhau, cố tình động chạm vào những vùng nhạy cảm hoặc bàn luận về những chủ đề tình dục mà đối tượng không mong muốn. Kết quả thống kê cho thấy, khác với BLHĐ về kinh tế, BLHĐ về tình dục biểu hiện với các hành vi đa dạng hơn, tập trung với 3 loại hành vi cơ bản: “Cưỡng bức tình dục”; “Động vào vùng nhạy cảm”; “Ép xem phim, truyện sex”, trong đó hành vi “Động vào vùng nhạy cảm” là hành vi xuất hiện phổ biến hơn cả. - Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, việc hành vi “Động vào vùng nhạy cảm” tồn tại tương đối phổ biến ở HS (19%) xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất, nhận thức của HS tương đối kém về những biểu hiện của BL tình dục, dẫn đến nhiều em không cho rằng, “Động vào vùng nhạy cảm” cũng là biểu hiện của BL nên đã không tỏ thái độ quyết liệt, làm cho hành vi này có xu hương tăng. Thứ hai, trong nhà trường hiện chưa có cơ chế thực sự hữu hiệu để quản lí hành vi này ở 185
- Hoàng Trung Học HS. Riêng hành vi “Cưỡng bức tình dục”, kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, việc “Cưỡng bức tình dục”chủ yếu xảy ra với biểu hiện: “Cưỡng hôn” (hơn 57% trường hợp phỏng vấn); “Cầm tay hoặc ôm” (gần 30% trường hợp phỏng vấn). Hành vi cưỡng ép giao cấu rất ít khi xảy ra. Như vậy, nhìn hình thức, BL tình dục dù ít xảy và không xuất hiện những hành vi đặc biệt nguy hiểm như “Cưỡng bức giao cấu”, nhưng những biểu hiện khác của BL tình dục vẫn tồn tại trong đời sống học đường. Thực trạng này rất đáng lưu tâm đối với cha mẹ, thầy cô giáo, vì loại BL này khi đã xảy dù với những hành vi đơn giản như cố tình động chạm vào những vùng nhạy cảm; cưỡng ép hôn, ôm hoặc cầm tay thì cũng đã để lại những hậu quả rất nặng nề về tâm lí cho người bị hại, làm sói mòn các chuẩn mực đạo đức trong nhà trường. Bên cạnh đó, trong trạng thái không tự chủ được về cảm xúc, hành vi, BL tình dục hoàn toàn có thể bị đẩy tới những hành vi nguy hiểm hơn, đặc biệt là hành vi “Cưỡng bức giao cấu”. 2.2.3. Ứng phó của HS trong tình huống BL kinh tế và BL tình dục Để tìm hiểu các kiểu ứng phó và các dạng hành vi điển hình của HS biểu hiện trong các kiểu ứng phó với BLHĐ, chúng tôi đã yêu cầu HS đặt mình ở vị trí là người đang phải đối mặt với tình huống BLHĐ. Kết quả thống kê cho thấy: Bảng 3. Các kiểu ứng phó của HS trong tình huống BLHĐ Giới tính Kiểu ứng phó Nam (%) Nữ (%) TBC TBC BL BL BL BL tình dục kinh tế tình dục kinh tế Tích cực chủ động 64 51,3 57,6 84,9 71,3 78,1 Tìm kiếm sự hỗ trợ 14 10 12 8,4 2 5,2 Xoa dịu căng thẳng 8,7 12,7 10,7 2 22 12 Lảng tránh 9,3 4 6,7 4 0 2 Tiêu cực 4 22 13 0,7 4,7 2,7 Như vậy: - HS đã biết cách ứng phó “Tích cực, chủ động” trong các tình huống BLHĐ (57,6% ở HS nam và 78,1% ở HS nữ). Tuy nhiên, kĩ năng ứng phó với BLHĐ của HS vẫn còn khá nhiều vấn đề khi chúng ta kỳ vọng các em có thể ứng phó tốt, hiệu quả trong mọi tình huống BLHĐ để hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng nhà trường trở thành môi trường giáo dục văn minh, thân thiện. - Kiểu ứng phó được sử dụng cao thứ 2 là “Tìm kiếm sự hỗ trợ”, “Xoa dịu căng thẳng”. Trong quá trình ứng phó với BLHĐ, việc tìm kiếm sự hỗ trợ là rất cần thiết trong một số tình huống, đặc biệt là tình huống khẩn cấp hoặc để giải quyết triệt để các mâu thuẫn kéo dài; hoặc chủ thể phải biết “Xoa dịu căng thẳng”, tự chủ cảm xúc ở chừng mực nhất định trước nỗi sợ hãi. Mặc dù vậy, so với cách ứng phó tích cực, ở hai kiểu ứng phó này, HS đã giảm tính chủ động, có xu hướng bộc lộ sự lệ thuộc, trông cậy vào các nguồn lực trợ giúp bên trong, bên ngoài. - Những kiểu ứng phó kém hiệu quả, mang màu sắc tiêu cực ở các cấp độ khác nhau như: “Tiêu cực”; “Lảng tránh” ít khi được sử dụng, đặc biệt là ở các HS nữ. Tuy nhiên, có thể dự đoán 186
- Ứng phó với bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục của học sinh trung học phổ thông rằng, những HS ứng phó với BLHĐ bằng những kiểu này sẽ không mang lại kết quả mong muốn, thậm chí có thể gây hại trực tiếp cho các em. Thực trạng này cho thấy, trong thực tế, vẫn còn tồn tại một số lượng không nhỏ HS, đặc biệt là HS nam ứng phó tiêu cực hoặc không hiệu quả trong các tình huống BLHĐ. Phân tích kết quả thống kê theo giới tính cho thấy: - HS nữ có xu hướng ứng phó với BL “Tích cực, chủ động” hơn so với các HS nam. Bên cạnh đó, HS nam khi phải đối mặt với các tình huống BLHĐ có xu hướng “Tìm kiếm sự hỗ trợ”, hoặc phản ứng “Tiêu cực” với BL cao hơn HS nữ. Như vậy, HS nữ ứng phó tốt hơn so với học sinh nam trong các tình huống BLHĐ. Điều này có thể lí giải bằng các đặc điểm tâm lí có liên quan đến giới. Khi gặp tình huống BLHĐ, HS nữ ở tuổi Trung học phổ thông thường bình tĩnh, có xu hướng suy nghĩ tích cực hơn, từ đó chủ động giải quyết theo kiểu “Tích cực”. Trong khi đó, HS nam, thường không suy nghĩ thấu đáo, dễ nổi nóng, dễ bị kích động, có khuynh hướng sử dụng kiểu ứng phó “Tìm kiếm sự giúp đỡ” (trong trường hợp này thường tìm đến nhóm bạn cùng tuổi), thậm chí là phản ứng manh động, ứng phó theo kiểu “Tiêu cực” trong các tình huống BLHĐ. Phân tích kết quả thống kê theo loại tình huống BLHĐ cho thấy: - So với BL về kinh tế, ứng phó của HS trong tình huống BL về tình dục tương đối tốt, đặc biệt là ở các HS nữ. Khi ứng phó với BL về tình dục, bên cạnh những HS nam tích cực, chủ động trong việc giải quyết tình huống thì vẫn còn 22% HS nam có xu hướng tự “Xoa dịu căng thẳng”, “Lảng tránh”, thậm chí ứng phó “Tiêu cực” trong loại BL này. Trái lại, hầu hết các HS nữ đều khá: “Tích cực chủ động” hoặc “Tìm kiếm sự giúp đỡ” để giải quyết dứt điểm BL về tình dục. Thực trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do quan niệm xã hội, đa số đều chỉ nhìn nhận BL tình dục một chiều, thường xảy ra với nữ. Vì vậy, các HS nam khi bị đặt vào tình huống này đã khá lúng túng. Thứ hai, là vấn đề nhạy cảm, lại được truyền thông, giáo dục nói nhiều trong những năm gần đây, BL tình dục được các nữ HS nhận thức khá tốt. HS nữ là bên yếu thế, dễ bị tổn thương, do đó, ngay từ trong gia đình, trẻ em nữ đã được cha mẹ dạy các kĩ năng ứng phó với những tình huống loại này, do đó các em có kĩ năng và tương đối chủ động trong cách ứng phó với BL tình dục. - Phân tích định tính những hành vi cụ thể biểu hiện trong các kiểu ứng phó trong tình huống BL tình dục giả định chúng tôi nhận thấy, HS nam có xu hướng độc lập hành động, tự thương thuyết với các đối tượng gây ra bạo lực để giải quyết vấn đề (35,1%). Một số khác lại có xu hướng hành động theo kiểu “Lảng tránh, tự trấn an mình” (14,4%). Khác với các HS nam, các HS nữ trong tình huống BL tình dục thường không ngần ngại chọn các phương án giải quyết mạnh mẽ, quyết đoán như: “Thông báo với cha mẹ, người thân” (27,6%), thậm chí có thể “Báo công an” (23,5%). Xu hướng hành động này một mặt phản ánh sự khác biệt trong những đặc điểm về giới, mặt khác cũng thể hiện rõ sự khác biệt trong thái độ ứng xử giữa nam và nữ về những vấn đề có liên quan đến BL tình dục. - Với bạo lực kinh tế, bên cạnh những HS có cách ứng phó tích cực, số liệu thống kê cũng chỉ ra, HS nam có xu hướng ứng phó “Tiêu cực” hoặc “Tìm kiếm sự hỗ trợ” cao hơn hẳn HS nữ. Phân tích những hành vi cụ thể của HS nam trong tình huống BL về kinh tế cho thấy, 22% HS nam sẵn sàng chống lại đến cùng để bảo vệ đồ đạc của mình hoặc đối đầu, đánh lại kẻ cướp đồ để lần sau đối tượng không dám tiếp tục chặn đường cướp nữa. Bên cạnh đó, HS nữ lại có xu hướng thụ động, mất bình tĩnh nghiêm trọng trong tình huống BL về kinh tế. Phân tích định tính về cách 187
- Hoàng Trung Học giải quyết các tình huống BL kinh tế chỉ ra rằng, 22% nữ HS có xu hướng không biết làm gì, chỉ cố gắng kéo dài thời gian và “hi vọng có ai đó đến đúng lúc để giúp đỡ”. Tình huống BL kinh tế có liên quan đến việc trấn, cướp đồ là những tình huống khẩn cấp, cần giải quyết ngay với cách thức khôn khéo, quyết đoán, nếu không có thể các em không chỉ mất đồ mà còn có thể ảnh hưởng cả đến sức khỏe và tính mạng. Như vậy, dù ứng phó với những phương thức hành động khác nhau thể hiện những đặc trưng về giới nhưng đây đều là những hành vi không phù hợp trong tình huống này: HS nam có xu hướng manh động, tiêu cực, có thể bị tổn thương thể chất; HS nữ lại thụ động, tiêu cực, trông chờ vào sự trợ giúp (trong tình huống này là rất khó xảy ra) từ bên ngoài. Như vậy, so sánh sự khác biệt trong kiểu ứng phó với tình huống BLHĐ và phân tích định tính về các hành vi cụ thể trong từng kiểu ứng phó giữa HS nam và nữ đã chỉ ra rằng, HS nữ có khả năng ứng phó tích cực, chủ động hơn học sinh nam trong các tình huống BLHĐ. Sự khác biệt giữa những đặc điểm tâm lí liên quan đến giới cũng được thể hiện khá rõ trong các kiểu ứng phó, đặc biệt là các hành vi trong các kiểu ứng phó giữa HS nam và HS nữ trong các tình huống BL kinh tế và BL tình dục. 3. Kết luận Là một hiện tượng giáo dục tiêu cực, BLHĐ nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các nghiên cứu đã tập trung làm rõ bản chất, phân loại, nguyên nhân của BLHĐ, đề xuất các giải pháp góp phần giảm thiểu vấn nạn BLHĐ trong môi trường học đường. Đối với BL kinh tế và BL tình dục, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, HS nhận thức khá tốt BL thể chất; nhận biết được những biểu hiện cụ thể, điển hình của BL kinh tế; chưa nhận biết được đầy đủ những biểu hiện của BL tình dục. BL về kinh tế và tình dục là hiện tượng tồn tại với tần suất không cao nhưng khá nguy hiểm ở một số HS được khảo sát. Về cơ bản, HS đã biết cách ứng phó tích cực, chủ động hoặc biết tìm đến sự trợ giúp khi phải ứng phó với BLHĐ, đặc biệt đối với các tình huống bạo lực tình dục. Đối với các tình huống BL kinh tế, HS ứng phó kém chủ động, tích cực hơn, thường có xu hướng tìm kiếm sự trợ giúp của nhóm bạn, người lớn, thầy cô (HS nam), hoặc thụ động, phó mặc trông chờ vào những nguồn lực ngẫu nhiên từ bên ngoài (HS nữ). Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt có ý nghĩa giữa HS nam và HS trong các hành vi cụ thể của các kiểu ứng phó với BL kinh tế và BL tình dục. Kết quả nghiên cứu đặt ra những vấn đề rất nghiêm túc trong việc nâng cao khả năng nhận thức của HS về BLHĐ, đặc biệt là các biểu hiện ít phổ biến trong BL kinh tế và BL tình dục. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, việc giáo dục kĩ năng sống, giúp HS tăng cường hơn nữa tính chủ động, tích cực, hiệu quả trong việc ứng phó với BL tình dục là rất cần thiết, đặc biệt với HS nam. Đối với BL kinh tế, việc tăng cường kĩ năng ứng phó, tự chủ về mặt cảm xúc, quyết đoán, khôn khéo khi phải đối mặt với các tình huống BL là rất cần thiết, nên được tiến hành sớm cho cả nam và nữ HS. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Christie, C.A., C.M. Nelson, and K. Jolivet, 2005. Privention of antisocial and violent behavior in youth: A review of the literature. Lexington, KY: University of Kentucky. Retrieved 2009-05-01. 188
- Ứng phó với bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục của học sinh trung học phổ thông [2] Galand, B., C. Lecocp, and P. Philipott, 2007. School violence and teacher professional disengagement. British Journal of Educationa Psychology, 77: (p. 465-477). [3] Hoàng Trung Học, 2015. Thực trạng hành vi cố ý gây thương tích ở người chưa thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tạp chí Khoa học, Số 60, 8B, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr. 75-81. [4] Hoàng Trung Học, 2016. Ứng phó của học sinh Trung học phổ thông với bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần. Kỉ yếu hội thảo quốc tế Tâm lí học đường lần thứ 5: “Phát triển tâm lí học đường trên thế giới và ở Việt Nam”, Nxb Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tr. 582-590. [5] Hoàng Trung Học, 2016. Ứng phó của HS Trung học phổ thông trong các tình huống bạo lực học đường. Kỉ yếu hội thảo quốc gia “Phòng chống bạo lực học đường trong bối cảnh hiện nay - thực trạng và giải pháp”, Trường Đại học Đồng Nai, tr. 186-192. [6] Lichfield, J., 2000. Violence in the lycees leaves France reeling, The independence, London. [7] Phan Thị Mai Hương, 2007. Cách ứng phó của trẻ vị thành niên với hoàn cảnh khó khăn. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [8] Tran, C.V., 2012. Relation between peer victimization, self-cognition and depression in the US and Vietnam in Faculty of Graduate school. Vanderbilt university: Nashville, Tennessee (p. 156-161). ABSTRACT Coping with sexual and economic violences of high school students Hoang Trung Hoc Faculty of Psychology and Pedagogy, Hanoi National University of Education Recently, school violence has become a complex educational issue that has serious effect on the process of education and development of students. Many domestic and international researchers have focused on clarifying the nature, assessing facts of school violence, finding solutions to solve this problem. However, studies have mainly approached through sociological side or common researches to assess the popularity of school violence. The studies about school violence through psychological perspective are still limited, especially for sexual and economic violence. The study was conducted at high school students to clarify the awareness reality; level of popularity; types of response to situation of economic and sexual violence and causes of these isues. It contributes to finding solutions for reducing school violence at high school. Keywords: Situations of school violence; Coping with sexual and economic violences of high school students; Economic violence; Sexual violence. 189
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ BIỂN DÂNG
20 p | 284 | 114
-
Phát triển nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư
18 p | 39 | 3
-
Một vài ý kiến về vấn đề điều động cán bộ đáp ứng yêu cầu sản xuất và chiến đấu hiện nay
5 p | 37 | 2
-
Bài giảng Chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lí
49 p | 75 | 1
-
Một số vấn đề đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay
7 p | 5 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn