
106 | KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2024
...................................................................................................................................................................................
VAI TRÒ MỚI CỦA GIẢNG VIÊN NGOẠI NGỮ
TRONG KỶ NGUYÊN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
NGUYỄN DUY AN*
Tóm tắt: Trong bối cảnh quốc tế hóa và tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,
Việt Nam đã nhận thấy tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành giáo dục. Trong
lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ tại các trường đại học, AI không chỉ làm thay đổi phương pháp
giảng dạy truyền thống mà còn mang lại cơ hội phát triển các phương pháp học tập đa dạng,
thông minh và cá nhân hóa. Nghiên cứu này thảo luận về vai trò mới của giảng viên ngoại ngữ
trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, nơi giảng viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức
mà còn là người hướng dẫn, đồng hành cùng sinh viên. AI được áp dụng để giải phóng giảng
viên khỏi những công việc lặp lại và ít hiệu quả, cho phép họ tập trung vào việc cải thiện chất
lượng đào tạo và phát triển kỹ năng cá nhân cho sinh viên. Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết
của việc giảng viên ngoại ngữ phải nắm bắt công nghệ mới và thích nghi với xu hướng giáo
dục thời đại mới, đảm bảo rằng họ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo thế hệ
tương lai trong một thế giới ngày càng số hóa và toàn cầu hóa.
Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, Vai trò của giảng viên, Giảng dạy ngoại
ngữ, Giáo dục đại học, Cách mạng công nghiệp 4.0
1. Đặt vấn đề
Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục (Artificial Intelligence in Education, AIED) hiện đang
được coi là một lĩnh vực tiềm năng lớn trong ngành công nghệ giáo dục. Mặc dù đã được phát
triển trong khoảng nửa thế kỷ, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức trong việc khai thác toàn
diện các lợi ích sư phạm của nó. Tại Việt Nam, việc áp dụng AIED trong các trường đại học
ngày càng trở nên quan trọng do những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến quá trình học tập
của sinh viên và vai trò của giảng viên. Do đó, việc nghiên cứu những ảnh hưởng này là cần
thiết để xác định và tối ưu hóa các tác động tích cực, đồng thời giảm thiểu những ảnh hưởng
tiêu cực, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đại học [1] .
Đến nay, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) đã đạt được những bước tiến đáng
kể về mặt lý thuyết và thực tiễn và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. AI không chỉ
là lực lượng chủ chốt trong cuộc cách mạng công nghệ hiện đại mà còn làm thay đổi cách thức
sản xuất, sinh hoạt và học tập của con người, mở ra một kỷ nguyên thông minh mới. Vào cuối
tháng 11/2022, OpenAI đã giới thiệu mô hình ngôn ngữ ChatGPT, một bước tiến quan trọng
trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Vào ngày 13/5/2024, sự ra đời của GPT-4o đã kết hợp
* TS, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; Email: annd@huflit.edu.vn