intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Ninh

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Ninh" giới thiệu về văn hóa của phum sóc là hồn cốt cơ bản nhất để bảo tồn bản sắc của người Khmer. Trong đó vai trò của già làng trưởng bản, sư sãi…là hết sức quan trọng. Đó là những người nắm giềng mối của sợi dây văn hóa truyền thống để truyền đời. Bên cạnh đó là những cung cách ứng xử giữa người với người, giữa người với Thần – Phật với thiên nhiên, tất cả tạo thành một thành trì vững chắc để bảo vệ khỏi những lai tạp bên ngoài. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Ninh

  1. VĂN HÓA PHUM SÓC CỦA NGƯỜI KHMER TÂY NINH NNC. Đào Thái Sơn56 I. Tóm tắt Nói đến địa bàn cư trú của người Khmer là nói đến phum sóc. Hình thức, đơn vị cư trú này có từ rất xa xưa, nó thể hiện đặc điểm tâm lý và văn hóa truyền thống của tộc người. Đó là những đơn vị xã hội tự quản lâu đời và dần dần hoàn chỉnh theo thời gian cũng như sự tác động của lịch sử, thời đại. Ở Tây Ninh, hơn trăm năm trước, những phum sóc đã trở thành làng thậm chí là xã, và ngày nay hầu hết là các đơn vị ấp. Nhưng nếu quan sát kỹ, thì trong mỗi ấp vẫn còn hồn cốt của cấu trúc phum sóc, chính vì vậy mà bản sắc từ bao đời này vẫn được giữ gìn một cách nguyên vẹn. Đó là đặc điểm riêng của cộng đồng xã hội Khmer từ mấy trăm năm qua trên vùng biên giới này. * Từ khóa: Người Khmer Tây Ninh; Văn hóa phum sóc; Khmer II. Khái quát về người Khmer Tây Ninh Có thể khẳng định một điều, người Khmer là dân tộc có mặt sớm nhất trên miền đất phên dậu này. Đó là những phum sóc nhỏ len lỏi giữa rừng già, ven bờ sông suối, bưng biền hay quanh vùng chân núi. Trải qua mấy trăm năm dâu bể lở bồi, người Khmer vẫn bám làng bám đất sinh sống làm ăn. Rồi trong quá trình cộng cư, người Khmer đã tiếp nhận nhiều cái mới, hòa nhập và phát triển ổn định cho tới ngày hôm nay. Trước TK XIX, người Khmer Tây Ninh còn sống theo lối du canh du cư. Bà con sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy và khai thác sản vật từ rừng. Những khoảnh rừng được cải tạo thành nương rẫy để trồng hoa màu và lúa mùa, các phum sóc cũng theo đó mà định cư, sau năm mười năm đất bạc màu thì di dời đi nơi khác, và cứ xoay vòng như thế. Mãi đến sau Hòa Ước năm Nhâm Tuất 1862, người Pháp đặt chân lên khai thác Tây Ninh thì các tổng làng Khmer mới được hình thành với tư cách là những đơn vị hành chính thực thụ. Ngoài những tổng làng của người Việt được Nhà Nguyễn thành lập trước đó, thì người Pháp tiến sâu vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thành lập các tổng mới và các làng thuộc những tổng này được gọi là làng lâm phần. Theo Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) của Nguyễn Đình Tư, thì các tổng Khmer có tên cụ thể như sau: Tổng Bang Chrum gồm 3 thôn; Tổng Chơn Bà Đen gồm 5 thôn ; Tổng Ta Bel Yul gồm có 7 thôn. Năm 1877, Pháp tiếp tục lập thêm một tổng Khmer nữa là Tổng Khán Xuyên (phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông) gồm 12 thôn. Như vậy tới thời điểm 16-8-1877 coi như Tây Ninh đã có 4 tổng 24 thôn làng của người Khmer. Nhưng sau đó ngày 6-3-1891 thì nhà cầm quyền Pháp lại nhập một số thôn làng lại với nhau, có khi lại chuyển thôn làng của tổng này qua tổng kia, sao cho tiện việc quản lý. Cho nên số thôn làng giảm còn lại ở con số 17 mà thôi. Nếu quan sát trên Bản đồ Hành chính Nam Bộ 1872 hoặc bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896, ta sẽ thấy địa bàn sinh sống của người Khmer Tây Ninh được phân bố rải rác khắp các 56 . Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh 246
  2. huyện thị ngày nay. Nhưng càng về sau do chiến tranh mỗi lúc một ác liệt, nên bà con Khmer có xu hướng lui dần ra các khu vực biên giới như Bắc Tây Ninh và huyện Châu Thành. Trước thế kỷ XIX, tuy đời sống kinh tế của bà con Khmer Tây Ninh còn muôn vàn khó khăn lạc hậu, nhưng đời sống văn hóa tinh thần vẫn giữ được những nét truyền thống từ xa xưa. Theo bác sỹ J.C. Baurac, trong Nam Kỳ và Cư Dân các tỉnh Miền Đông, thì 1898 Tây Ninh có 5365 người Khmer sinh sống, trong đó có 09 ngôi chùa. Ở các làng Khmer ngoài sư sãi đảm nhiệm hướng dẫn thực hiện các nghi lễ Phật giáo còn có những ban nhạc để phục vụ trong các nghi lễ vòng đời hoặc tôn giáo của phum sóc. Lúc bấy giờ, trong các nghi lễ tang ma, người Khmer đã có những bãi thiêu lộ thiên, song song với việc thổ táng. Người Khmer Tây Ninh ngoài tín ngưỡng Phật giáo còn có các tín ngưỡng dân gian khác như Niêng Khmau (Bà Đen), Lục Dầy, Neakta…Và có nhiều câu chuyện kể xung quanh các huyền tích như đắp núi, lơng Arak, cầu Neakta…còn lưu truyền cho đến tận ngày nay. Ngày nay, người Khmer là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất tỉnh. Theo tài liệu của Ban Tôn giáo Dân tộc thì năm 2023 Tây Ninh có 9229 người Khmer đang sinh sống, tập trung nhiều nhất là ở huyện Tân Châu 3735 người. Hiện nay, địa bàn cư trú của người Khmer, chủ yếu ở các xã như Trường Tây (TX Hòa Thành), Thạnh Tân (Tp Tây Ninh), Tân Hòa, Tân Thành, Tân Đông, Tân Phú (Tân Châu), Hòa Hiệp, Tân Phong, Tân Lập (Tân Biên), Thành Long, Hòa Hội, Hòa Thạnh, Biên Giới (Châu Thành). Trong những cụm dân cư này, bà con tôn tạo được 06 ngôi chùa đó là các chùa Kà Ốt, Khedol, Chung Ruk, Svay, Phum Ma và Tà Lơi. Đây là những trung tâm thực hành nghi lễ tôn giáo và các lễ hội dân gian của bà con. Ngoài ra các ngôi làng Khmer đều có nhà rông hay nhà văn hóa để bà con hội họp, sinh hoạt. III. Văn hóa phum sóc Phum [ ភូមិ ] theo Từ điển Khmer – Việt của Trường Đại học Trà Vinh giảng là “phum, ấp, thôn, bản, làng” (sđd, trang 420, NXN Chính trị Quốc gia sự thật – 2019). Nhưng xa hơn một chút, phum có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit “Bhumitra” còn có nghĩa là “mảnh đất, đất đai, vườn” là nơi cư trú của một nhóm dân cư nhỏ. Ở Nam Bộ nói chung và Tây Ninh xưa nói riêng, phum là một kiểu cụm dân cư. Trong phạm vi một mảnh đất, có từ vài gia đình cùng quan hệ huyết thống hay hôn nhân cư trú. Phum thường có hàng rào tre xanh bao quanh, có cổng phum, bên trong có nhà ở, chuồng gia súc, đất vườn, giếng nước… Mỗi phum đều có tên gọi riêng, thường là tên của vị tạo lập phum. Người đứng đầu phum gọi là mê phum. Bên cạnh phum là sóc [ស្រក - srok]. Theo định nghĩa của từ điển thì sóc (srok) có nghĩa ុ là: “quê hương, đất nước; huyện; nơi; vùng, miền” (Từ điển Khmer – Việt – Trường Đại học Trà Vinh, trang 651, NXN Chính trị Quốc gia sự thật – 2019). Có một điểm cần lưu ý, tuy về mặt ngữ nghĩa [srok có nghĩa là huyện] , nhưng ở địa bàn Tây Ninh xưa nay, sóc chỉ là đơn vị cư trú tương đương với một làng hay một xã mà thôi. Cụ thể là nhiều phum chung một địa bàn, có cùng đặc điểm địa lý thì kết hợp lại thành một sóc như Sóc Thiết, Sóc Tà Em, Sóc Con Trăng…chẳng hạn. Có khi một phum lớn cũng gọi là một sóc, ở đây khác hoàn toàn với bên nước bạn Camphuchia, sóc là đơn vị hành chính cấp huyện. 247
  3. Có thể nói ở Tây Ninh, phum và sóc rất khó phân biệt, hai danh từ này được gọi qua lại một cách rất tự nhiên. Lâu nay người dân xem phum và sóc là hai đơn vị cư trú như nhau, gọi là phum hay gọi là sóc chẳng qua do thói quen mà ra. Chứ không hẳn sóc lớn hơn phum, hay nhiều phum tạo thành một sóc như một số sách vở định nghĩa. Nhưng cái quan trọng ở đây là bản sắc văn hóa truyền đời của người Khmer được lưu lại, giữ gìn và thực hành ở mỗi phum sóc. Đó là nếp sống, lối ứng xử giữa người và người, giữa người và thần linh thông qua các nghi thức lễ hội, tôn giáo…cũng như vai trò của già làng, mê phum, mê sóc, achar, sư sãi trong các tổ chức cộng đồng trong đời sống tinh thần của người Khmer từ bao đời nay. Trước nhất, xin nói về vai trò của các vị già làng, mê sóc, mê phum, achar và sư sãi. Đối với các làng Khmer, xưa kia hoàn toàn không có chức danh già làng, chức danh này chỉ mới có về sau này mà thôi. Cơ bản các phum sóc trước đây, chỉ có người đứng đầu, chịu mọi trách nhiệm, đại diện cho cộng đồng là mê sóc hay mê phum. Vị này thường là người đàn ông lớn tuổi, am hiểu, có uy tín, đại diện cho thôn làng giao tiếp với các đơn vị cư trú khác hoặc chính quyền. Ngày nay mê sóc, mê phum kiêm nhiệm chức danh trưởng ấp và được xem là người đại diện về mặt chính quyền của cộng đồng dân cư này. Già làng trong các phum sóc hiện nay không hẳn phải là người đàn ông cao tuổi, mà vị trí này có khi là phụ nữ ở tuổi trung niên. Nhưng già làng phải là người có uy tín, có học thức, là người thực hiện nghiêm việc đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ dân tộc của mình; là người đi tiên phong trong việc giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, làm gương cho mọi người tất cả các phương diện trong đời sống… Ngoài già làng, thì bất cứ phum sóc Khmer nào cũng không thể thiếu các vị achar. Achar là người am hiểu và hướng dẫn thực hành các nghi lễ truyền thống của cộng đồng như các nghi lễ Phật giáo, nghi lễ vòng đời, quan hôn tang tế, các đám cúng...Có thể nói vai trò của các vị achar là hết sức quan trọng trong việc giữ gìn các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của bà con Khmer. Ngoài bộ ba nói trên, thì phum sóc nào có ngôi chùa thì luôn có mặt các sư sãi. Sư sãi Khmer được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sinh. Các vị sư, đặc biệt là sư cả luôn là người thầy được tôn kính và tin tưởng. Người Khmer quan niệm, thanh niên trong phum sóc cần phải vào chùa tu một thời gian, thậm chí tu suốt đời thì càng tốt. Đi tu đối với đồng bào Khmer không phải là việc lánh đời, yếm thế mà là cơ hội để học tập, rèn luyện giúp cho con người trưởng thành thật sự, có ích cho thôn làng. Tu là học, học để bắt kịp sự phát triển của xã hội và giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Tu là để trả hiếu cho ông bà, cha mẹ, là con đường hướng đến tri thức, để trở thành một người hữu ích cho gia đình và cộng đồng xã hội sau này. Ngoài việc ứng xử văn hóa giữa người và người trong mọi mặt của đời sống, người Khmer còn có cách ứng xử với các vị Thần – Phật mang tính nguyên tắc của truyền thống. Đó là thế giới siêu hình nhưng không xa vời, mà có cội rễ từ đời sống thực tế. Chính vì vậy mà cách ứng xử này vừa tạo dựng niềm tin, vừa đắp bồi đạo đức, làm bệ đỡ tinh thần vững chắc cho cộng đồng bước vào tương lai. Về tín ngưỡng dân gian, thông thường các phum sóc đều có thờ Neakta (ông Tà) và Arak (Á Rặc). Người Khmer Tây Ninh hiện nay vẫn giữ tục thờ cúng Neakta một cách phổ biến, hầu hết tất cả các phum sóc đều có các miếu thờ. Neakta là vị thần có vai trò bảo hộ, cai 248
  4. quản trông coi phum sóc, chùa chiền, bến nước, sông suối, cây đa, ngã ba đường…và sức khoẻ, đem lại sự thịnh vượng cho mọi người trong một làng, hoặc một địa bàn cư trú có liên quan nào đó. Lễ cúng Neakta hiện nay cũng được đơn giản hoá rất nhiều. Những nghi thức cúng bái truyền thống như tụng đọc những bài thần chú, thực hiện những bài múa, những động tác mang tính pháp thuật của như lên đồng, nhập xác…cũng đã được đơn giản hoá đi khá nhiều, ít mang tính thần bí như trước đây. Tuy nghi thức cúng bái có phần đơn giản hơn xưa là vậy, nhưng niềm tin của bà con Khmer vào Neakta vẫn là không hề thay đổi. Những ngôi miếu thờ vẫn có cái gì đó thâm u, mang màu sắc thần bí, bên cạnh đó là những câu chuyện về sự hiển linh của Neakta vẫn được người dân lưu truyền, ít ai dám có hành vi bất kính với vị thần này. Nếu Neakta là vị thần của thôn làng thì Arak là vị thần bảo hộ cho các gia đình, dòng họ. Người Khmer quan niệm, Arak có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc từ linh hồn người chết trở về để bảo vệ gia đình dòng họ của mình. Người Khmer tin rằng hễ trong gia đình có hữu sự như ốm đau bệnh hoạn, mất trộm, vợ chồng mâu thuẫn ghen tuông… thì cầu cúng Arak để thần giúp đỡ. Có thể nói, đây là dạng tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời của người Khmer cũng như các dân tộc khác tin tưởng vào ông bà tổ tiên đã khuất của mình vậy. Trong chừng mực nào đó, người Khmer xưa luôn đặt niềm tin, tìm chỗ dựa tinh thần vào tổ tiên dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp trong những khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, tai nạn, khổ đau...đó cũng là nét tâm lý phổ biến của cộng đồng và dần trở thành tín ngưỡng dân gian. Nhưng ngày nay, mọi phương tiện của đời sống ngày càng tốt hơn, ánh sáng khoa học soi rọi đến từng ngõ ngách, nên việc thờ cúng Arak cũng gia giảm một cách đáng kể. Các nghi thức lên đồng, các Rub Arak cũng từ từ lui dần về quá khứ. Bên cạnh các tín ngưỡng dân gian, người Khmer Tây Ninh đại đa số theo Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên thủy). Chính vì vậy mà ngôi chùa luôn có một vị trí đặc biệt trong mỗi phum sóc. Người Khmer chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của triết lý Phật giáo trong cuộc sống. Vì vậy người dân trong phum sóc luôn có ý thức tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Việc nhường cơm sẻ áo, hùn phước xây dựng chùa, cúng dường cho sư sãi không phải là sự ép buộc hay gánh nặng cuộc đời, mà là niềm hạnh phúc. Đó là đạo lý, là lẽ sống, là con đường để đạt sự siêu thoát cho cuộc sống mai sau tốt đẹp hơn. Một thực tế cho thấy, người Khmer Tây Ninh xưa kia rất ít có nhà khá giả, giàu có. Bởi bà con rất coi trọng các giá trị tinh thần mà xem nhẹ vật chất. Chỉ cần sống an nhàn, hạnh phúc là được. Và cái quan trọng hơn là không để thân tâm bị vẩn đục bởi những cám dỗ của tiền tài vật chất. Phần tiền bạc kiếm được phần lớn để góp phần tôn tạo chùa chiền, cúng dường chư tăng…đó mới là niềm vui thực sự. Một luật bất thành văn của phum sóc là mọi người đều có trách nhiệm chung tay gánh vác xây cất, tu sửa ngôi chùa mà không đùn đẩy cho bất cứ ai. Ta thường thấy, nhà ở của người Khmer đa phần rất đơn giản nhưng ngôi chùa của làng thì uy nghi, lộng lẫy. Đó là niềm hãnh diện chung cho cả làng. Điều này cũng cho thấy triết lý nhân sinh, lối sống mang nặng dấu ấn của Phật giáo thuần hành thấm sâu trong nền tảng tư tưởng của người dân tộc Khmer từ rất lâu đời. Ngày nay, bà con Khmer đã thay đổi khá nhiều về cách nghĩ cách làm. Các hộ gia đình ý thức hơn trong việc tạo dựng nền tảng kinh tế, nhà cửa khang trang đầy đủ tiện nghi, con 249
  5. cái học hành đến nơi đến chốn. Và điều này cũng giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn, từ đó chung tay tôn tạo xây dựng các công trình văn hóa chung của phum sóc rực rỡ hơn, tốt đời mà cũng đẹp đạo, lưỡng toàn cả hai. III. Kết luận Có thể nói, văn hóa của phum sóc là hồn cốt cơ bản nhất để bảo tồn bản sắc của người Khmer. Trong đó vai trò của già làng trưởng bản, sư sãi…là hết sức quan trọng. Đó là những người nắm giềng mối của sợi dây văn hóa truyền thống để truyền đời. Bên cạnh đó là những cung cách ứng xử giữa người với người, giữa người với Thần – Phật với thiên nhiên, tất cả tạo thành một thành trì vững chắc để bảo vệ khỏi những lai tạp bên ngoài. Nếu xâu chuỗi đan kết các nghi lễ dân gian và các nghi lễ Phật giáo của người Khmer lại với nhau, ta sẽ có một bức tranh đa diện, đa sắc, nơi đó bảo lưu tiếng nói thầm thì của bao lớp tiền nhân cho các thế hệ con cháu mai sau. Tài liệu tham khảo chính Văn hóa Khmer cùng đồng bằng sông Cửu Long – Viện Văn hóa – NXB Văn hóa dân tộc – 1993 Phum Sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long – Nguyễn Khắc Cảnh – NXB Giáo dục - 1998 Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) – Nguyễn Đình Tư – NXB Tổng hợp TpHCM 2017 Địa danh gốc Khmer ở Sóc Trăng – Trần Minh Thương (bản thảo – 2022) Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ - Tiền Văn Triệu - Lâm Quang Vinh – NXB Khoa học Xã Hội – 2015 Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ - Nguyễn Đình Tư – NXB Chính Trị Quốc Gia – 2008 Từ điển Khmer – Việt – Bộ Giáo dục và Đào tạo – Trường Đại học Trà Vinh – NXB Chính trị Quốc gia sự thật – 2020 Nam Kỳ và Cư Dân các tỉnh Miền Đông - J.C. Baurac – Hoàng Ngọc Linh dịch – NXB Thành phố Hồ Chí Minh - 2022 250
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2