Vọng phu làng Cát
lượt xem 2
download
Mạ nói, thằng Văn đi như thế cũng đã được sáu năm rồi, tình nghĩa con dành cho nó mạ thấy không mấy ai bằng, bây chừ có người nào thương yêu thì con cứ nhận lời đi... Mưa không nói như mạ mà vẫn ngậm ngùi buồn thương, dăng dăng từ cửa sông Linh vào, trắng xóa. Biển, gần thôi, ầm ào sóng dội dưới bầu trời chưa được thắp sáng. Màu trắng của mưa, màu trắng của cát và có lẽ cả màu trắng của những ngọn sóng vỗ bờ nữa đang hòa trộn vào nhau, nao nao...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Vọng phu làng Cát
- Vọng phu làng Cát TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN HỮU QUÝ Mạ nói, thằng Văn đi như thế cũng đã được sáu năm rồi, tình nghĩa con dành cho nó mạ thấy không mấy ai bằng, bây chừ có người nào thương yêu thì con cứ nhận lời đi... Mưa không nói như mạ mà vẫn ngậm ngùi buồn thương, dăng dăng từ cửa sông Linh vào, trắng xóa. Biển, gần thôi, ầm ào sóng dội dưới bầu trời chưa được thắp sáng. Màu trắng của mưa, màu trắng của cát và có lẽ cả màu trắng của những ngọn sóng vỗ bờ nữa đang hòa trộn vào nhau, nao nao trắng, trong nỗi thổn thức của người góa phụ tuổi ba mươi. Dạ, mạ cứ để từ từ cho con nghĩ, bên con đã có mạ, có thằng Hiếu và cả chồng con nữa... cũng ấm áp lắm rồi. Con chẳng muốn gì hơn, chỉ thương mạ ngày một già yếu thêm, thằng Hiếu mồ côi cha sớm quá. Trà từ tốn trả lời mạ rồi bước đến bàn thờ thắp mấy nén hương cho người đã khuất. Người trong ảnh thờ là một thiếu úy hải quân có khuôn mặt hiền từ, nở nụ cười nhỏn nhoẻn. Trần Văn. sinh cùng năm. Ở cùng xóm. Giá như đừng có những trái bom của Mỹ dội xuống đây thì tuổi thơ của Văn và Trà bình yên đẹp đẽ biết bao nhiêu. Sau lễ thôi nôi của Văn và Trà, hai người cha trẻ lên đường nhập ngũ. Chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc, hậu phương cũng mịt mù khói lửa của đạn bom. Người đi, đi biền biệt, không mẩu tin gửi về. Người chờ, chờ thăm thẳm, hoang hoải cả tâm can. Văn và Trà lớn lên bên nhau, tự nhiên gắn bó bởi những trò con nít nhăng nhít vui vẻ. Sau này, đi học cũng thế, Trà luôn luôn bám theo Văn. Trà sợ ma lắm, mỗi khi đi qua bụi duối đầu làng đều níu chặt áo Văn không rời một phút. Cả hai đứa đều được nghe kể nhiều về chuyện ma ở bụi duối này. Nhiều ma lắm, ma mẹ ru con ời ời, ma nữ ma nam trêu nhau kèn kẹt, ma nít tranh nhau quả duối chín í óe. Một lần, trời chập choạng tối, hai đứa có việc phải đi ngang đó, Trà sợ cuống chân không bước nổi, Văn bảo, để tau trị bọn
- ma này cho. Nói xong, cu cậu vạch quần đùi, lôi chim ra tè vào bụi duối một trộ dài dài. Trà thèn thẹn, vừa cười vừa phải quay mặt đi chỗ khác. Năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất hòa bình nhưng cha của Văn và Trà vẫn không về. Bao nhiêu câu hỏi nghi vấn nổi lên trong làng, trong xã xoay quanh việc bặt vô âm tín của hai người. Chỉ đến lúc Quân đội thông báo cha của Văn và Trà là chiến sĩ đoàn tàu không số đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Vũng Rô thì làng xã mới ngẩn ngơ thương tiếc, tự hào. Lễ tưởng niệm hai liệt sĩ được xã tổ chức rất trang nghiêm. Khi ấy, Văn và Trà mười ba tuổi. Mưa chưa ngớt dù đã sắp hoàng hôn. Có một điều gì đó bồn chồn trong Trà. Chắc là anh ấy nhắc mình ra đây? Sáu năm rồi, ngày nào cũng như ngày nào, đúng vào giờ này, Trà thường ra chỗ ấy với anh. Một cây phi lao thân xù xì lá thẫm xanh, vi vút gió. Mấy khóm hoa tứ quý màu hồng thắm rung rinh, rung rinh. Trà tựa lưng vào cây, nhìn ra biển, nhìn ra vời vợi mênh mang, nhìn ra mịt mù thăm thẳm và im lặng trò chuyện với chồng mình. * Láng giềng của Trà là gia đình người đàn ông trạc năm mươi tuổi Đặng Đại Trung. Trên khu vườn rộng rãi do ông cha để lại, Trung dựng lên một ngôi nhà ba tầng rất bề thế, tường ngoài lăn sơn màu hồng. Chủ nhân của cơ ngơi hoành tráng này vốn thích màu hồng, màu đỏ. Trong những dịp quan trọng, dân làng Cát thấy anh hay mặc áo đỏ, áo hồng hoặc nếu mang màu khác thì không thể không có chiếc cà vạt đỏ thắm. Trung mới nổi lên mấy năm nay, nhờ đi buôn đá quý. Đại Trung có một cơ ngơi nữa trên thành phố Hoa Hồng nhưng giao cho con trai đầu quản lý, anh thích sống ở làng Cát vừa là quê cha đất tổ vừa thoáng mát yên tĩnh. Vợ anh, người đàn bà ít lời, lớn hơn Trung hai tuổi vừa qua đời tám tháng nay do bị ung thư phổi. So với cơ ngơi lừng lững của Đặng Đại Trung, ngôi nhà cấp bốn lợp ngói của mạ con Trà chỉ như chiếc thuyền câu bé tẹo đậu cạnh hạm tàu lớn. Tình thân giữa hai gia đình trước đây ở mức bình thường, chỉ từ lúc Trần Văn hi sinh thì Đặng Đại Trung mới siêng qua lại nhà Trà. Thằng Hiếu cũng hay được bác Trung cho quà, Trà ngại không cho con nhận thì
- bị người láng giềng nói ngay, chà, cô cứ hay khách khí, tôi quan tâm tới cháu là quan tâm tới con liệt sĩ, có chi không đúng, không phải đâu nào. Trà chưa kể chuyện này với Văn, bởi vài thứ quà trẻ con có là gì đâu chứ. Chiều nay, mười bốn ta, cô lại ra chỗ cây phi lao xù xì, vọng biển, đợi Văn về tâm sự. Anh đấy à? Gio nom hom nay long long, mat qua em nhi. Hôm nay, rằm đó, anh nhớ không? Nho chu, cai hom anh ve tham em de ra Truong Sa cung ram, dung khong? Dạ, đúng. Ram thang tu, trang rat dep... Đêm đó là rằm tháng tư, biển trời tràn ngập ánh trăng mùa hạ dịu mát. Trăng vàng mơ trải lụa trên bãi cát làng. Bóng cây phi lao đổ xuống mặt cát như hình dáng cây phong cầm nơi Văn và Trà ngồi. Vi vu, vi vút gió reo. Gió trời, gió biển, gió cây hòa âm vào nhau, man mác xôn xao. Này em, Văn cười cười, cô giáo đã nghe câu ca dao mới này chưa? Trà xoa xoa lên bàn tay chồng, câu gì anh? Hay lắm, hay lắm đấy, nhưng mà thôi, anh không đọc nữa? Ứ, không đọc em bỏ về đây, bỏ anh ngồi lại một mình cho ma cái nó bắt. Dào ơi, ma là cái đinh gỉ, em không nhớ à, thời con nít anh đã đái cho cả bầy ma ướt đó rồi còn gì, bây giờ lính biển nghiêm văn chỉnh rồi thì có ma tàu anh cũng chả ngán. Thôi, biết rồi, ma sợ anh nhưng em không sợ đâu nhé, có đọc không thì nói. Bất chợt, Trà xô Văn ngã xuống cát rồi lấy toàn thân mình đè lên, thiếu úy, có đọc không thì nói? Văn cười sằng sặc, cả thân rung lên, thôi thôi anh thua rồi, đọc ngay đây, đọc đây, cô giáo nhớ kỹ để mai truyền lại cho học sinh nghe, Vợ là cơm nguội của ta/ Nhưng là đặc sản thằng cha láng giềng. Dào, tưởng mới mẻ gì, câu này, mấy ông ở trường em đọc rồi. Chưa hết đâu, còn câu này mới là độc, của lính hải quân anh đó, Vợ là đặc sản của ta/Cũng là đặc sản thằng cha láng giềng. Lính hải quân quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển hay ở đảo xa tít mít mù khơi, lúc nào cũng nhớ vợ, thèm vợ, lâu lâu mới được về nhà nên thấy vợ mình lúc nào cũng mới, cũng hay, cũng ngon chả khác chi đặc sản, hi hi hi, Văn giải thích thêm. Nằm trên Văn, Trà cười nấc lên, thế anh có sợ vợ anh thành đặc sản thằng cha láng giềng không? Anh không sợ, không sợ, thằng láng giềng nào đụng vào vợ anh, anh thiến cái ấy đến tận gốc.
- Trà cười rũ ra khi nghe Văn nói. Đêm ấy, hai vợ chồng được một bữa tiệc trăng no nê trên cát. Đặng Đại Trung qua nhà Trà dày hơn và chẳng bao giờ quên mang theo quà tặng mạ và thằng Hiếu. Món quà mới nhất là chiếc máy mát xa nhãn hiệu Mỹ anh tặng mạ và chiếc máy bay trực thăng điện tử mác Tàu anh cho thằng Hiếu. Toàn là thứ đắt tiền. Thằng cu Hiếu thấy chiếc máy bay thì vồ lấy ngay, cảm ơn bác Trung ríu rít còn mạ thì từ chối khéo. Nhưng Đặng Đại Trung còn khéo hơn, anh nói, những gì tốt nhất phải dành cho các mẹ liệt sĩ, con là một doanh nhân cũng phải có trách nhiệm tri ân chứ. Nói hay, nói đúng như thế thì người được tặng khó từ chối lắm và sự băn khoăn cũng vợi đi rất nhanh. Chuyện này thì Trà đã kể cho Văn nghe. Cô thủ thỉ, anh biết không, em càng ngày càng nhớ anh hơn, em cứ nghĩ rằng một ngày nào đó anh sẽ về với mẹ con em. Thì anh đang ơ ben em day.Tra oa khoc.Em dung khoc nua, nuoc mat em khong lam cho anh tro lai bien duoc dau. Anh, này anh, đừng trở lại biển nữa, ở lại đây với em... Ánh đêm buông xuống nhập nhoạng, mơ hồ. Trà, tối rồi sao em chưa về mà còn ở đây, vang bên tai Trà tiếng nói đàn ông. Văn, anh quay lại với em à? Anh đến với em đây, cô giáo ạ. Thế mà, em cứ tưởng anh về với biển rồi! Ơ, biển nào, anh vừa từ xóm ra, nghe mạ nói em ra biển, anh đi tìm Trà đây. Cô sực tỉnh, trước mắt mình là Trung. Anh Trung đấy à, anh đi dạo mát hay sao mà ra đây? Trung cười, anh đi tìm em... Tìm em? Trà ạ, cho anh được nói với em điều hệ trọng này, anh yêu em. Yêu, tôi có chồng rồi, làm sao anh yêu tôi được. Kìa Trà, em đang ngủ mơ hay sao, Văn của em đã chết rồi. Nói bậy, anh Văn chết làm sao được, những người như anh ấy chết làm sao được, giọng Trà căng dần. Anh Văn hi sinh trong trận chiến đấu không cân sức với bọn bành trướng trên quần đảo Trường Sa năm 19...em quên rồi à? Tôi không quên nhưng nói cho anh biết nhé, Văn vẫn sống cùng tôi, chiều nào anh ấy cũng về với tôi. Trời ơi, em vẫn đang mê sảng, Trung kêu lên, nỗi đớn đau làm cho em lẫn lộn thực hư rồi. Dù đau khổ đến mấy thì vẫn phải sống em ạ. Tôi nguyện làm điểm tựa cho em trong cuộc sống mới Trà ạ.
- Trung vừa nói vừa định cầm tay Trà. Cô lùi lại, giọng rắn đanh, anh đứng yên, đừng đụng vào tôi, tôi không yêu anh đâu. Em, Trà... em tỉnh lại đi... anh yêu em nhiều lắm. Trà nhìn xoáy vào mắt Trung, tôi nói cho anh biết nhé, vợ anh vừa mới mất chưa được một năm, không khí tang tóc chưa tan hết trong nhà, thế mà anh đã chực lấy vợ rồi, anh nghĩ sao thế anh Trung. Người chết thì đã chết rồi, người sống phải sống em ạ, Trung biện hộ. Trà không thèm nói thêm lời nào, bỏ đi. Trung xộc tới ôm chặt lấy Trà, đôi cánh tay cứng như gọng kìm xiết chặt tấm thân mảnh mai của cô. Trà xẵng giọng, anh buông tôi ra ngay và thôi cái trò bậy bạ này đi, tôi kêu lên đấy. Mắt Trung đỏ rực lên như mắt hổ đói, kêu đi, cô kêu đi, giờ này ai về nhà nấy rồi, còn ma nào ở đây nữa mà kêu, cô ngoan ngoãn nghe theo tôi thì mọi việc sẽ an lành sung sướng. Bằng không, tôi cũng sẽ chiếm đoạt cô. Vừa nói, Trung vừa nghiến răng trèo trẹo, hắn ôm chặt Trà làm cho cô muốn nghẹt thở. Buông tôi ra, đồ khốn nạn! Trà vừa giãy giụa vừa thét lên. Hắn vật cô xuống cát, cả tấm thân nặng gần bảy mươi cân đè lên người cô. Môi hắn đã đặt lên môi cô. Tay hắn đã đặt lên cạp quần cô. Hắn đang tìm cách cởi ra. Chiếc quần bò với những chiếc cúc đồng chắc chắn làm cho hắn lúng túng. Tay trái ghì Trà rất chặt, tay phải hắn mở chiếc cúc quần của cô. Được rồi. Hắn kéo tiếp chiếc phéc mơ tuya xuống. Trà hét lên Anh Văn ơi! Một luồng khí ào qua, lạnh và xoáy khác thường quật qua Đặng Đại Trung. Hắn bật ra khỏi người Trà, ôm bụng rên rỉ, trời ơi, đau quá, đau quá! Hắn trợn mắt, ôm bụng lăn lộn trên cát chiều đang dịu lại... * Tu nay, chieu toi em dung ra bien mot minh nua nghe. Anh va em se gap nhau trong ngoi nha cua minh. Ke ac, cai ac dang con nhieu lam tren tran gian. Khong the khong canh giac em a. May ma chieu nay, anh da nghe tieng em goi và bay tro lai... Trà đã đọc được những dòng ký tự này trong một giấc mơ sau cái đêm khủng khiếp ấy. Theo lời chồng dặn, cô giáo Trà chiều chiều không ra chỗ cây phi lao xù xì có vóc dáng như một cây phong cầm xanh để trò chuyện với Trần Văn nữa. Ở làng Cát, cuộc sống vẫn trôi đi bình thường, đàn ông ra biển đánh cá, đàn bà ở nhà chợ búa nội trợ, trẻ con đến
- lớp. Chỉ có một chuyện khác thường là cây phi lao nơi chiều chiều cô giáo Trà ra trò chuyện với chồng tự nhiên biến đổi kỳ lạ. Tất cả biến thành màu trắng. Thân trắng. Cành trắng. Lá trắng. Màu trắng của cát, của sóng đã nhiễm vào cây. Cả rừng phi lao chạy dài theo bãi biển duy nhất chỉ có một cây này thôi. Vọng phu làng Cát. Đi tới đâu tôi cũng nghe dân làng này gọi tên cây phi lao như thế.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn