Bán trâu
lượt xem 2
download
Gà vừa gáy dứt canh năm, bà Tư đã lom khom trở dậy. Bà bước tới bàn thờ, nơi lúc nào cũng có một ngọn đèn dầu leo lét cháy để thắp thêm một ngọn đèn dầu khác rồi chậm rãi đi xuống bếp. Bà vo gạo, bắt nồi cơm lên bếp, nhóm lửa thêm ông táo bên kia để hâm lại nồi thịt kho tàu. Lửa cháy sáng bập bùng. Củi khô trong lò kêu lách tách. Bà bước ra sân, tới bên cây rơm rút ra một bó và ôm lại bỏ vào máng cỏ cho hai con...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bán trâu
- Bán trâu Kính dâng lên hương hồn Ngoại của tôi TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THÀNH NHÂN Gà vừa gáy dứt canh năm, bà Tư đã lom khom trở dậy. Bà bước tới bàn thờ, nơi lúc nào cũng có một ngọn đèn dầu leo lét cháy để thắp thêm một ngọn đèn dầu khác rồi chậm rãi đi xuống bếp. Bà vo gạo, bắt nồi cơm lên bếp, nhóm lửa thêm ông táo bên kia để hâm lại nồi thịt kho tàu. Lửa cháy sáng bập bùng. Củi khô trong lò kêu lách tách. Bà bước ra sân, tới bên cây rơm rút ra một bó và ôm lại bỏ vào máng cỏ cho hai con trâu ăn dặm thêm chút rơm cho chắc bụng trước khi ra đồng gặm cỏ. Ánh trăng hạ tuần lờ mờ sáng, bóng những nhành tre hắt lên mảnh sân cát trắng những đường nét mong manh, đậm nhạt, thỉnh thoảng lại lay động khi có gió nổi lên. Bóng bà cũng hắt lên sân, đơn lẻ, nhỏ nhoi, nhẫn nhục. Bà đứng nhìn cái bóng của mình một lúc rồi lại vào nhà để trông chừng nồi cơm. Từ phía nóc nhà bên phải, con tắc kè già chợt uốn lưỡi kêu re re mấy tiếng lấy giọng để bắt đầu cho một loạt tắc kè, tắc kèèè… quen thuộc, buồn buồn. Hôm nay nó kêu mười hai tiếng, vậy là trời nắng. Con tắc kè này đã sống chung một mái nhà với bà cả chục năm rồi. Nó là một người bạn già của bà. Có đôi khi lên thành phố thăm con cháu, giữa đêm khuya bà chợt nhớ tiếng kêu của nó lạ lùng. Sau khi đã dọn xong bàn cơm, bà Tư tới gần tấm phản kêu nho nhỏ: “An à, Tú à, dậy ăn cơm rồi đi sớm cho mát, mấy con.” Hai đứa nhỏ lồm cồm trở dậy, chạy ra sân súc miệng rồi bước vào nhà ăn cơm. Thằng An là đứa ở chăn trâu. Năm đó lụt lớn, quê nó mất mùa, ba má nó có người quen gần nhà bà Tư nên dắt nó tìm đến xin gửi cho nó ở lại chăn trâu giúp việc, tiền công xá bà muốn cho bao nhiêu cũng được, chỉ vì nhà nghèo mà quá đông con nên túng thế phải tùng quyền. Trước giờ, bà Tư vẫn gửi hai con trâu cho trẻ trong xóm chăn giữ giùm, mỗi năm mua cho chúng đôi ba tấm áo, thêm chút đỉnh tiền lì xì Tết. Nhưng cảm thương hoàn
- cảnh nhà thằng An, bà gật đầu đồng ý. Thế là nó ở với bà từ đó đến nay. Còn thằng Tú là cháu ruột, con của cô Hai con gái lớn của bà, mới về quê thăm bà hồi chiều hôm qua. Má nó theo người quen lên Sài Gòn tập tành làm ăn buôn bán từ hồi mới mười mấy tuổi, sau đó lấy chồng rồi cũng ở lại đó luôn. Bà chỉ có hai người con, thằng Ba lớn lên đi quân dịch bị cụt giò, về ở với bà được vài năm rồi cũng ra thị trấn mướn nhà mở tiệm sửa đồ điện tử. Thằng Ba nói rằng nó là thương phế binh còn có một giò, làm ruộng ráng ráng thì cũng được nhưng sao cho lại người ta. Thôi thì có cái nghề học được hồi còn nằm trong quân y viện, nó lấy đó làm miếng sinh nhai, còn ruộng nương đành bỏ phế. Mấy năm qua chiến tranh khốc liệt, làm ruộng cũng không được yên ổn, chỉ còn nước vào chợ sống qua ngày. Nhiều khi bà nghĩ chắc là phần số của mình phải sống lẻ loi như thế, thôi cũng đành chấp nhận. Lâu lâu con gái lớn dẫn mấy cháu về thăm, bà đã lấy làm vui rồi. Dịp này thằng Tú vừa thi đệ nhất lục cá nguyệt xong, nó được nghỉ mấy ngày nên đón xe đò một mình về thăm ngoại. Lẫm rẫm mà nó cũng đã sắp thành người lớn rồi, bà nghĩ tới đó, thấy vừa mừng vừa lo. Thời buổi chiến chinh giặc giã, con trai lớn lên không đi theo phe này cũng phải đi theo phe nọ, sống chết khó lường. Như ông Tư chồng bà, hồi chín năm kháng chiến chống Pháp, sau vài lần ghé về thăm bà đã bặt tin mất tích từ ấy đến nay. Bà Tư nhìn hai đứa nhỏ ăn uống ngon lành, thấy vui vui trong bụng. Bà nói với chúng: “Hai đứa con đi nhớ đội nón cho cẩn thận, nắng này để đầu trần là cảm như chơi. Thằng An rành rẽ đất cát ở đây, con phải nhắc nhở thằng Tú, nghe con.” Thằng An gật đầu dạ nhỏ. Còn Thằng Tú thì nhăn mặt. “Ngoại coi mình còn con nít lắm hay sao mà kêu thằng An làm giám hộ cho mình chớ,” nó bực bội nghĩ thầm. Nhưng khi nhìn lại bà ngoại, mái tóc đã bạc hơn nửa phần, gương mặt hằn sâu những nếp nhăn do tuổi tác và những buồn lo, nó bỗng thấy nao lòng và thương ngoại nó vô cùng. Trời vừa tờ mờ sáng, Tú theo An dẫn trâu ra bưng. Thằng An cho hai con trâu của bà Tư nhập bầy với mấy con trâu của một bạn mục đồng khác, nhờ nó coi chừng giùm, rồi dẫn thằng Tú đi tới một con suối nhỏ.
- Hai đứa đi men theo bờ suối cho tới khi gặp một cụm da xà cổ thụ, với những chùm rễ to dài mốc thếch như những con mãng xà đáng sợ đang thòng đầu xuống mặt nước. Ở mé bờ bên kia cũng có nhiều lùm bụi ô rô cóc kèn dày đặc. An nói với Tú: “Mình sẽ tát cá ở đây. Chỗ này nước không sâu lắm, bờ hẹp nên dễ tát. Mầy biết hôn Tú, tụi cá tôm chúng nó ưa mấy chỗ bóng ‘gâm’ với cây cối nhiều ‘dầy’ nè. Còn chỗ mấy cái ‘gễ’ cây đâm ‘ga’ bờ suối là chỗ mấy con cá lóc cá lăng thích chọn làm hang ổ…” Tú vừa thích thú nghe An giảng giải, vừa làm theo những hướng dẫn của nó. Thằng An bày cho nó móc bùn lên, đắp chặn ở một đầu suối, rồi đi ngược lên phía trên thượng nguồn con suối, cách chừng mười mét, tiếp tục đắp bờ còn lại. Sau đó hai đứa bắt đầu hì hục tát nước xuống mé hạ lưu dòng suối. Chúng làm việc một cách hăng hái với hai cái gàu mà thằng An đã xách theo sẵn. Tuy nhiên, thằng Tú vốn là “công tử bột” nên làm được chừng mười lăm, hai mươi phút, nó lại nhảy lên bờ, tới bên gốc da xà ngồi thở một lúc. Nó vừa ngồi nhịp nhịp chân vừa nhìn ngó mông lung. Ngó thằng An vẫn đều đều tát nước. Ngó những đám mây trắng xốp như bông gần như đứng yên không di động trên bầu trời xanh ngắt. Ngó về mé trảng cỏ rộng thênh trải dài tít tắp, nơi những đám chuồn chuồn đang bay rập rờn trong nắng, nơi những con trâu đang gặm cỏ tuốt đằng xa, thu nhỏ lại bằng những con chuột cống. Nhìn chán chê, nghỉ ngơi khoẻ khoắn rồi, nó lại nhảy xuống tiếp tay với thằng An. Sau gần ba tiếng, nước cạn dần, để lộ ra những cái lưng cá đen nhẻm, chắc nịch đang quẫy lách chách trong bùn. Tát hết đoạn suối đó, hai đứa bắt được cỡ năm ký cá tràu, trê, rô các loại và cả một mớ tép, cua đồng. Bắt được cá, thằng Tú khoái chí lắm, nhưng nó cũng thấy mệt đừ người. Phần khác, nó muốn giữ cho mấy con cá lia thia sống để đem về thành phố. Nó nói với thằng An: “Thôi, chắc tao phải về trước để rộng mấy con cá, chứ đợi tới chiều chắc chúng chết hết. Mầy dẫn tao ra tới đầu bưng là tao tự biết đường đi về nhà Ngoại được rồi. Có gì, mai tao xin Ngoại đi chăn trâu với mầy suốt cả ngày luôn, chịu hông?” Dĩ nhiên là thằng An phải gật đầu đồng ý rồi. Và thế là thằng Tú quay về nhà một mình với cái rộng cá đeo lủng lẳng bên hông. Về tới nhà, nó đưa cho bà ngoại nó cái rộng cá,
- chạy ra giếng kéo nước lên xối sơ vài gáo, rồi leo lên phản đánh một giấc thẳng tới chiều, bỏ luôn buổi cơm trưa. *** Chiều buông êm ả. Gió thổi rao rao qua bụi tre tàu ở mé đầu hồi bên phải, thỉnh thoảng lại nổi hứng uốn quằn mấy thân tre sang một phía, làm những nhánh lá rung lên xào xạc. Nắng xế dìu dịu xuyên qua tàng lá rậm, rọi xuống mặt sân những đốm tròn tròn vàng nhạt lung linh. Thằng Tú khệ nệ bưng cái hũ thủy tinh lớn tới một chỗ có đốm nắng xòe ra lớn bằng cái quạt mo cau. Nó đặt cái hũ xuống rồi ngồi chồm hỗm kế bên, thích thú nhìn mấy con cá lia thia trống đang giương vây trừng nhau trong hũ nước. Dưới ánh nắng, đầu và vây chúng ửng lên sắc đỏ tía, xanh lam. Mấy con cá kia Ngoại đã rộng vào cái lu sành để ăn dần. Còn mấy con cá lia thia này, thằng Tú nhất định phải đem về thành phố để khoe với đám bạn học của nó, và để làm bằng chứng cho câu chuyện hào hứng lâm ly mà nó đã bày sẵn trong đầu về “công cuộc ngăn sông tát cá” của nó. Nó khoái chí khi tưởng tượng ra những cặp mắt mở to và những cái miệng há hốc vì say mê và tò mò của lũ bạn khi nó trổ tài huênh hoang khoác lác. Nghĩ tới đây, nó bật cười khúc khích một mình, rồi lại nghiêng đầu ngắm nghía mấy con cá. Bất chợt, nó nhận ra mình đang ngâm nga rủ rỉ mấy câu hò mà cô giáo Hương ưa thích: “Hò ơ… Nước trong leo lẻo con cá lội ngược dòng. Anh nói anh thương quê mình lắm mà sao anh vẫn nằm chèo queo…Con cá lội ngược dòng lên kinh Xẻo Lấp. Anh thương quê mình thì tức tốc đi ngay. Chứ cứ dùng dằng ở lại nơi đây. Làng trên xóm dưới họ trách rầy mình đa anh…” Cô giáo giảng giải rằng câu hò này có ở quê cô lâu lắm rồi, được đặt ra để động viên những chàng trai hăng hái lên đường tham gia kháng Pháp. Cô dạy nó lớp nhì hồi năm ngoái. Năm nay lên lớp nhất nó học thầy Tùng. Nhưng thầy Tùng nghiêm quá ể, lại không hay hát hò, đọc thơ cho bọn nó nghe như cô Hương, nên Tú nhớ cô nhiều lắm. Mỗi giờ chơi, nó lại chạy tới cửa lớp, khoanh tay cúi đầu chào cô, chờ cô mỉm cười đáp lại hay bước ra vuốt đầu nó một cái, xong xuôi nó mới chịu chạy ra chơi giỡn với bạn bè.
- Từ trong nhà, mùi cá tràu kho tiêu bay ra thơm lựng. Một lát sau, bà Tư bước ra sân. Bà mỉm cười hỏi thằng Tú: “Lâu nay má con có kho cá kiểu của ngoại cho mấy đứa bây ăn hôn?” “Má bận việc buôn bán nên hay kho lạt cho nhanh Ngoại à. Con thèm món cá kho tiêu vừa cay vừa mặn mòi của Ngoại lắm. Phải chi Ngoại lên thành phố sống với tụi con luôn…” Tú vừa đáp vừa đưa ngón tay khỏ khỏ lên thành hủ để chọc tức một con cá hung hăng đang phồng mang lượn lờ đuổi cắn mấy con nhỏ hơn. Không nghe Ngoại nói gì, nó ngạc nhiên ngẩng đầu lên nhìn Ngoại. Nét mặt Ngoại trầm ngâm, đôi mắt mờ đục buồn buồn của Ngoại nhìn ra bụi tre, nhìn lên phía mé sông, nhìn quanh cây cối trong vườn, nhìn qua cái ảng nước cho trâu uống vốn là một cái nồi nấu cơm quân dụng bằng sắt to đùng, nhìn tới cái chuồng trâu ở chái nhà, nơi những cây cột gỗ đã lên nước bóng loáng do hai con trâu cọ mình gãi ngứa biết bao năm lên đó. Rồi Ngoại nói khẽ: “Ngoại sống ở đây lâu rồi, quen rồi, đi lên đó có con cháu thì vui được chốc lát, nhưng ngoại lại nhớ nơi đây lắm, con à.” Thằng Tú nhìn ngoại nó với đôi mắt tràn ngập thương yêu. Ngoại là người có học, thích đọc sách và còn biết làm thơ nữa. Má nó kể hồi còn trẻ, Ngoại là hoa khôi của cả một vùng, thanh niên trai tráng đeo đuổi nhiều vô số kể. Vậy mà số Ngoại lại truân chuyên quá đỗi. Chồng đi kháng chiến chống Pháp rồi mất tích luôn từ hồi Ngoại còn rất trẻ. Ngoại ở vậy nuôi con. Hồi nó còn nhỏ, Ngoại lên nhà chăm nom nó để má đi bán. Đến năm nó lên ba tuổi, đi nhà trẻ, Ngoại mới quay về quê. Lúc đó ở quê còn có cậu Ba chăm lo vườn ruộng. Còn bây giờ… bây giờ Ngoại đã già yếu, cậu nó lại bỏ nhà ra nơi phố chợ đông vui. Ngoại ở quê một mình thui thủi ra vào. May mà còn có thằng An. Ban ngày nó đi chăn hai con trâu, nhưng tối đến lại cùng cơm nước, chuyện trò với Ngoại. Hè năm trước về quê, có lần Tú đã nổi cơn ganh tỵ vì thấy Ngoại nói cái gì cũng nhắc tới thằng An, lúc nào cũng lo lắng quan tâm tới nó. Nào là: “Sao bữa nay ăn ít cơm vậy An, con có cảm cúm trúng gió thì nói để bà cạo gió…” Nào là: “An à, sáng mai con lùa trâu ra bưng nhớ
- đem theo mấy cái bánh ít bà để sẵn trong cái giỏ đệm nghen…” Nhưng sau đó, nó nghĩ đi nghĩ lại, thấy Ngoại thương thằng An cũng đúng. An ở với Ngoại từ năm tám tuổi, đến nay đã mười ba tuổi. Nó ở với ngoại suốt năm năm trời, chỉ có dịp Tết mới về quê thăm cha mẹ đôi ba bữa. Có nó, ngoại cũng đỡ phần lẻ loi hiu quạnh. Ở lâu tất phải mến tay mến chân. Vả lại, tiếng là ở đợ, thật ra Ngoại coi thằng An như con cháu ruột rà, có gì cũng chia sớt cho nó, thậm chí còn dạy cho nó biết đọc biết viết, biết tính toán cộng trừ. Ngoại cũng nào phải là người giàu có, là địa chủ gì đâu, chỉ có ba sào ruộng nát và hai con trâu để làm ruộng vần công với người ta. Còn nó, dù là cháu ruột của Ngoại, nhưng lâu lâu mới về thăm Ngoại một lần. Lần đó, sau khi suy ngẫm, nó gật gù ra vẻ ta đây rồi nói với Ngoại: “Con biết Ngoại thương thằng An hơn thương con. Nhưng không sao Ngoại à. Nó ở đây hàng ngày với Ngoại, có trái gió trở trời gì cũng chỉ có mình nó lo cho Ngoại, chứ con ở thành phố đâu có hay, đâu có lo cho Ngoại được.” Nó quay sang thằng An, tiếp tục lên mặt ông cụ non, “An nè, mầy may mắn được Ngoại tao thương yêu, thì phải thương Ngoại tao thật nhiều đó, nghe không. Tao với mầy là bằng hữu, là anh em kết nghĩa. Ngoại của tao cũng là Ngoại của mầy. Hôm nào tụi mình bắt chước mấy anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi Đào viên kết nghĩa ngày xưa, cùng cắt máu ăn thề nghe mậy. À, mầy có biết chuyện mấy ổng hôn? Hổng biết thì tối nay tao kể cho nghe há.” Thằng An lớn hơn nó hai tuổi, lẽ ra nó phải kêu bằng anh, nhưng nó ỷ mình biết chữ, đọc được nhiều truyện hay tích lạ, hiểu biết nhiều chuyện thế thái nhân tình, lại là dân “Sề Gòn” nữa, nên cứ xưng hô mày tao. Mới đầu hơi ngượng, nhưng lâu dần thành quen lại thấy khoái hơn là anh em này nọ. Nhà An ở tỉnh nào đó xa lắm, ba má nó nghèo rớt mồng tơi nên mới cho nó đi ở đợ… Xa xa, ngoài con đường làng cát trắng, văng vẳng có tiếng mỏ trâu lốc cốc, rồi tiếng mỏ lớn dần. Có đôi ba con nghé ọ lên mấy hồi như nhõng nhẽo với trâu mẹ của chúng, rằng, má ơi, sao mà về chuồng sớm thế, ngoài đồng còn biết bao nhiêu cuộc vui chưa dứt… Từng đàn trâu lớn nhỏ lần lượt đi qua trước ngõ nhà bà Tư, theo sau là những cô bé, chú bé chăn trâu. Tay chân chúng đen bóng, gò má chúng ngăm ngăm mà lại ửng hồng do
- suốt ngày phơi dưới nắng. Đứa nào cũng đeo bên hông một cái giỏ tre nằng nặng, trong đó chắc chắn phải có vài con cá, ếch nhái hay rắn nước bắt được ngoài đồng trong lúc thả trâu ăn cỏ. Con Pháo và con Xe, hai con trâu đực của bà Tư đã bước qua cái ngõ nhỏ trước sân, theo sau là thằng An. An cúi đầu chào bà Tư rồi nói lớn: “Bà à, sáng mai bà cho thằng Tú theo con qua trảng lớn chơi rồi ở đó tới chiều luôn mới dìa nghen bà. Cỏ mé dưới này gần hết ‘gồi’, trâu xóm mình phải chuyển lên đó gặm khoảng hơn tuần cho cỏ nó mọc lại.” Nó quay sang thằng Tú nháy mắt, “Nè, ngày mai qua trảng lớn, tao sẽ chỉ cho mầy coi thứ này ngộ lắm nghen.” Tú cười đáp lại. Nó quay sang nhìn hai con trâu đang đủng đỉnh bước tới cái ảng nước. Chúng cúi đầu xuống ảng uống một hơi dài thỏa thích. Sau đó, chúng lại đủng đỉnh bước tới cửa chuồng. Con Pháo là đàn anh nên luôn luôn đi sau. Nó chờ cho con Xe bước hẳn vào chuồng rồi mới bước tới cửa chuồng, cọ lưng vào khung cửa. Nó cọ tới cọ lui một lúc, cái đầu to tướng lúc lắc làm mấy cái mỏ treo ở cổ chạm nhau kêu lốc cốc. Cặp sừng to dài của nó hình như cũng lên nước theo tuổi đời, đen bóng dưới ánh nắng chiều sắp tắt. Theo lời thằng An, nó là một trong ba con trâu có cặp sừng lớn nhất trong xã. Khi ra đồng cỏ, nó là thủ lĩnh của tất cả những bầy trâu của các hộ trải dài từ mạn Bến Đục cho tới giáp mí đồng ông Cả Mẫn. Thằng An chờ cho hai con trâu vào chuồng xong, bước tới gài hai cây then lên cửa, gác cây roi tre đã lên nước bóng loáng cạnh cửa chuồng, rồi nó bước vào nhà lấy quần áo để ra giếng tắm. *** Thời gian trôi xuôi như nước. Nhưng thời gian không trôi êm ả như một dòng sông chảy giữa đồng xanh. Thời gian như một con suối trào ra nguồn núi, vượt qua những thác ghềnh biến thiên không thể nào lường. Và như nước, thời gian không bao giờ quay trở lại.
- Những ngày về quê thăm ngoại kể trên của thằng Tú là những ngày tươi đẹp không bao giờ còn có lại thêm lần nữa. Mùa hè năm sau, đất nước thống nhất sau hơn hai mươi năm chia cắt với những niềm vui của người thắng trận và những nỗi đau của người thua cuộc. Thằng Tú kết thúc năm học lớp nhất của nó vào mùa hè năm 1975, chờ học lên lớp sáu giữa rất nhiều đổi thay trong cuộc sống xung quanh, trong chính gia đình nó. Má nó vẫn tiếp tục ngồi bán bún, giá, mì, hủ tiếu ở cái chợ nhỏ Bình Hòa. Ba nó, một viên chức hành chánh nhỏ của chính quyền Sài Gòn, sau mấy ngày học tập được trả tự do, nhưng đã trở thành một con người bất đắc chí, buông xuôi tất cả. Ông bỏ mặc việc chăm lo các con cho người vợ đầu tắt mặt tối suốt ngày để đi tìm quên cùng vài người bạn “tri âm”. Những người đàn ông tự cho mình là kẻ bại trận ngồi với nhau, nhỏ to nhắc lại những ngày “oanh liệt”, chia sẻ tâm tình cho nhau với những ly rượu đế pha cồn, và chỉ trở về nhà khi “đất say đất cũng lăn quay”. Đó là những ngày thằng Tú thấy cuộc đời nó vô cùng khốn khổ. Má nó, do quá mệt mỏi với gánh nặng con cái, chỉ còn biết trút giận lên đầu nó. Nó phải chăm lo cho đàn em, phụ má làm tất cả những gì có thể làm để bảy cái miệng ăn trong nhà có cái nhét vào. Nhiều khi nó muốn bỏ Sài Gòn về ở với Ngoại. Về quê đi chăn trâu cùng thằng bạn kết nghĩa Đào viên năm trước. Về quê đi tát cá, đi bẫy chim. Về quê sống giữa đồng xanh gió lộng, sống với bà ngoại lẻ loi của nó. Nhưng không thể. Dù sao, thằng Tú là một đứa trẻ biết suy nghĩ chính chắn và khôn trước tuổi. Nó vẫn mơ mộng thoát khỏi cảnh sống bế tắc và mệt mỏi của mình, nhưng vẫn cố gắng làm hết sức mình để giúp má nó. Trong nhà, bây giờ nó không còn là một đứa trẻ con, mà là một người đàn ông. Một NGƯỜI ĐÀN ÔNG không thể bỏ mặc gánh nặng cho mẹ của mình, em của mình gánh chịu để tìm kiếm tự do vui thú riêng tư. Thằng Tú đâu biết rằng dù ở khía cạnh nào đó nó có thể là một người đàn ông nhỏ bé khi biết đón nhận trách nhiệm về mình, thật ra nó vẫn chỉ là một đứa trẻ con nhiều mơ mộng. Nó đâu biết rằng Ngoại nó cũng đang gặp lắm khó khăn, đang có nhiều lo nghĩ. Nó không biết gì hết. Nó chỉ biết mỗi một điều: cố gắng làm những gì có thể làm để giúp cả gia đình nheo nhóc của nó tồn tại giữa vòng xoáy cuộc đời.
- Và thời gian vẫn tiếp tục trôi. Như nước. Một ngày tháng 8/1977, cậu Ba của nó ghé thăm nhà. Ông bảo má nó ráng thu xếp để về thăm Ngoại. Ngoại của nó đang lâm bệnh nặng, không biết có qua khỏi hay chăng. Má nó gửi đứa con nhỏ nhất cho một người bạn thân, rồi dắt díu anh em nó về quê. *** Mấy mẹ con bước qua cái ngõ rào dâm bụt quanh nhà bà ngoại. Cậu Ba bước đi tập tễnh với chân giả dẫn đầu. Trong nhà ngoài ngõ vắng tanh. Thằng Tú bất giác nhìn ngay tới cái nồi nấu cơm quân dụng để cho trâu uống nước đặt trước chuồng trâu. Cái nồi vẫn xăm xắp nước. Nhưng nước đóng rêu nổi váng. Nó nhìn qua cái chuồng trâu. Chuồng vẫn còn như cũ. Vẫn những hàng cột gỗ lưa thưa. Vẫn những cây cột làm khung cửa chuồng lên nước đen bóng do lưng trâu cọ gãi ngứa lâu ngày. Vẫn cái máng cỏ còn vương vải dăm sợi rơm khô. Vẫn cây rơm nằm nép dưới bóng mát của cụm tre già. Nhưng có một cái gì đó, như là dự cảm, báo cho nó biết mọi thứ không còn như trước nữa. Nó nhìn cậu Ba nó với đôi mắt dò hỏi, và định cất tiếng, thì cậu nó đã hiểu ý và nói trước: “Hai con trâu ngoại bây bán cách đây mấy tháng rồi. Trâu bán được vài ngày, thằng An cũng khăn gói về quê của nó. Cậu về ở với ngoại trước khi nó đi hai bữa.” “Sao lại bán trâu đi?” Má thằng Tú hỏi, rồi bà nói tiếp ngay, “mà thôi, chuyện trâu bò gì đó nói sau, giờ vào xem má bệnh tình ra sao đã.” Bà Tư nằm nghiêng co người trên tấm phản giữa nhà. Khi mấy mẹ con thằng Tú ùa vào nhà, bà mở mắt ra, mệt nhọc trở người lại nhìn họ. Má thằng Tú bước tới ngồi xuống phản, nắm lấy tay bà, đôi mắt đỏ hoe. Cậu Ba ngồi xuống ghế, vấn một điếu thuốc rê, rít một hơi rồi trầm ngâm nhả khói. Bà Tư bị bệnh khá nặng nên cũng không thể chuyện trò nhiều ngay hôm đó. Nhưng sau khi mấy mẹ con thằng Tú xuống, bà đã có vẻ khá hơn. Có lẽ bà mang tâm bệnh nhiều hơn là đau ốm thật sự. Má thằng Tú ở lại đến hết hôm sau thì dắt mấy đứa em nó về thành phố
- trước để lo việc buôn bán làm ăn. Thằng Tú được má nó dặn ở lại chăm sóc và theo dõi sức khỏe của bà ngoại vài hôm nữa, nếu thấy ổn thì mới về thành phố. Dần dà, cậu Ba thằng Tú cũng kể rõ nguyên nhân vụ bán trâu. Ngoại nó đã già, trước giờ chỉ cho người làng mượn trâu cày ruộng, kéo xe để đổi lại công cấy gặt. Sau này có chủ trương vào hợp tác xã nông nghiệp, việc đổi công theo nếp cũ gặp lắm khó khăn. Phần khác, thằng An cũng đã lớn rồi, bà muốn trả nó về với cha mẹ để giúp họ làm ăn. Suy đi tính lại, bà quyết định bán cặp trâu đi. Thằng An khóc ròng mấy bữa, khi chào bà Tư ra đi nó cứ nấn ná mãi không muốn cất chân. Có lẽ nó thương bà hơn cả cha mẹ nó. Có lẽ nó thương bà hơn cả thằng Tú thương ngoại nó. “Ai mà biết được,” cậu Ba nó nói, “chỉ biết từ hôm bán trâu và thằng An đi rồi, ngoại con ngày càng buồn rầu suy sụp. Cậu phải bỏ cái cửa tiệm đang làm ăn khấm khá để về đây ở với ngoại con. Dần dà rồi cậu sẽ tìm cách khuyên ngoại con ra thị trấn ở với cậu. Chứ ở đây, buồn chịu sao cho thấu.” Mấy bữa sau, bà Tư khỏe lại. Tú chào bà và xin phép ra về. Khi ra gần tới ngõ, nó ngoái lại nhìn cái chuồng trâu trống rỗng. Con Pháo, con Xe với nó rất thân quen, nó đã biết chúng từ lúc nó vừa chập chững biết đi, khi được má nó dẫn về thăm Ngoại. Thằng An với nó cũng rất thân tình. Nhưng nếu không còn hai con trâu, không gặp thằng An nữa, hẳn nó cũng không quá buồn đến vậy. Buồn đến mức lâm bệnh như Ngoại. Nhưng, có thật vậy không? Có thật là nó cảm thấy đúng thế không? Vì khi quay lưng cất bước, đôi mắt nó đã nhòa đi dưới hai hàng nước mắt.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luyện tập Aikido
8 p | 300 | 77
-
Những bài văn bất hủ của học trò
5 p | 253 | 53
-
Những bài văn bất hủ của học trò (Phần 5)
2 p | 209 | 31
-
Truyện cười: Chuyện lạ phương xa
3 p | 123 | 27
-
Người đàn bà bán lộc - Truyện ngắn của Phan Trang Hy
2 p | 96 | 13
-
Vài món ngon bạn không nên bỏ qua khi tới Yên Bái
14 p | 99 | 13
-
Dũng Sài Gòn
3 p | 109 | 11
-
Về Bắc Kạn xem chọi bò
5 p | 138 | 9
-
Giáp tết trên chợ trâu Cán Cấu
7 p | 91 | 6
-
Xác chết loạn giang hồ - Hồi 45
8 p | 64 | 5
-
Chả giấu gì bác
4 p | 103 | 4
-
Yêu Người Nhân Hậu
10 p | 58 | 3
-
Trên Cánh Đồng Làng
7 p | 74 | 3
-
Thế gian một thẻo nhân tình - phần 2
11 p | 49 | 3
-
Người Đàn Bà Bán Lộc
2 p | 60 | 3
-
Thằng Đi Mất Biệt
3 p | 57 | 2
-
Câu truyện Ghen
9 p | 75 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn