Báo cáo nghiên cứu khoa học:" CHÍNH SÁCH CẤM ĐẠO THIÊN CHÚA CỦA TRIỀU NGUYỄN: NHỮNG HỆ LỤY CHÍNH TRỊ"
lượt xem 46
download
Trong giai đoạn 1833 – 1874, các vị vua của vương triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, đã ban hành hàng loạt các chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa với hi vọng chính sách này sẽ có thể ngăn chặn các nước phương Tây lợi dụng chiêu bài tôn giáo để xâm lược đất nước ta. Trong thực tế, chính sách này không những không thể phát huy được hiệu quả của nó, trái lại còn tạo ra những hệ lụy vô cùng tai hại trên các lĩnh vực kinh tế,...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Báo cáo nghiên cứu khoa học:" CHÍNH SÁCH CẤM ĐẠO THIÊN CHÚA CỦA TRIỀU NGUYỄN: NHỮNG HỆ LỤY CHÍNH TRỊ"
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 CHÍNH SÁCH CẤM ĐẠO THIÊN CHÚA CỦA TRIỀU NGUYỄN: NHỮNG HỆ LỤY CHÍNH TRỊ THE NGUYEN DYNASTY’S POLICY AGAINST CATHOLICISM : IMPACTS ON POLITICS Trương Anh Thuận Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Trong giai đoạn 1833 – 1874, các vị vua của vương triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, đã ban hành hàng loạt các chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa với hi vọng chính sách này sẽ có thể ngăn chặn các nước phương Tây lợi dụng chiêu bài tôn giáo để xâm lược đất nước ta. Trong thực tế, chính sách này không những không thể phát huy được hiệu quả của nó, trái lại còn tạo ra những hệ lụy vô cùng tai hại trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... Bài viết đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu những hệ lụy trên lĩnh vực chính trị mà chính sách cấm đạo Thiên Chúa của Triều Nguyễn đã để lại đối với lịch sử dân tộc, để giúp có cái nhìn khách quan và xác thực hơn về vương triều này. SUMMARY In the period 1833 - 1874, the Kings under the Nguyen Dynasty - the last feudal dynasty in the history of Vietnam promulgated a wide range of royal decrees against Catholicism in the hope of preventing Western colonial countries from taking advantage of a religious label to invade our country. In fact, this policy could not promote its efficiency; on the contrary, it created extremely serious consequences in the fields of economy, politics, culture and society...This article deals with a research into the political impacts caused by the Nguyen Dynasty’s policy against Catholicism on the national history. This will give us more objective and authentic views about this dynasty. 1. Mở đầu Có một thực tế mà sử sách vẫn còn ghi chép lại đó là trong giai đoạn 1833 - 1874, vương triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã ban hành hàng loạt các sắc dụ cấm đạo Thiên Chúa. Khi thực thi chính sách này, các ông vua triều Nguyễn những tưởng có thể ngăn chặn âm mưu xâm lược của chủ nghĩa thực dân thông qua công cuộc truyền giáo trên vương quốc của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, từ năm 1833 đến năm 1874, mặc dù triều đình liên tục cấm đạo và có nhiều khi còn tiến hành rất quyết liệt, nhưng vẫn không ngăn chặn được nguy cơ mất nước. Kết cục, người Thiên Chúa giáo vẫn kiên quyết giữ đạo và chủ quyền đất nước đã không được giữ vững, khiến cho nước ta phải nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Không những thế, chính sách cấm đạo của triều Nguyễn còn tạo ra những “phản ứng nghịch”, đưa tới những hệ lụy vô cùng tai hại trên nhiều lĩnh vực, trong đó nghiêm trọng nhất là trên lĩnh vực chính trị, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền độc lập tự chủ của đất nước và khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX. 2. Chính sách cấm đạo của triều Nguyễn đã tạo ra một cái cớ để thực dân Pháp xâm lược đất nước ta Ngay từ thế kỷ XVII, khi mới bắt đầu hướng sang phương Đông, công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris đã gắn liền với chủ nghĩa thực dân Pháp. 284
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 Các giáo sĩ thông qua công cuộc truyền giáo của mình sẽ là người dẫn đường cho một cuộc xâm lược thực dân sau đó. Thấy rõ nguy cơ này, các vua triều Nguyễn đặc biệt là từ Minh Mạng đã luôn đề phòng và ngăn chặn sự mở rộng truyền bá đạo Thiên Chúa ở trong nước. Họ cho ban hành các chỉ dụ cấm đạo, truy nã ráo riết các thừa sai. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm của triều đình, các thừa sai Pháp bằng cách này hoặc cách khác vẫn lén lút hoạt động và lôi kéo được nhiều người theo đạo. Chính vì vậy, càng về sau, chính sách cấm đạo của triều Nguyễn lại càng quyết liệt, đã dẫn tới một hậu quả là máu của các thừa sai và giáo dân đã đổ. Trong bối cảnh như vậy, các thừa sai đã kêu gọi sự giúp đỡ của nhà cầm quyền Pháp ở chính quốc. Và chỉ chờ có thế, các hạm đội của Pháp ở Viễn Đông được lệnh của chính quyền, đã tìm mọi cách để bảo vệ các thừa sai. “từ đó, luôn luôn thấy các chiến thuyền của Pháp tới Đà Nẵng, đòi can thiệp vào việc đạo, trước còn dùng lời lẽ ôn tồn, sau thì đe dọa và cuối cùng dùng đến đại bác và quân đội. Còn các giáo sỹ thừa sai Pháp ở Việt Nam luôn tìm cách liên lạc và phối hợp hành động với các chiến thuyền Pháp, kẻ tung, người hứng nhịp nhàng dẫn dắt đến cuộc can thiệp vũ trang của Pháp vào Việt Nam năm 1858 ”.[3, tr 151] Chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ điều này thông qua một số sự kiện lịch sử diễn ra trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX. Tháng 2 năm 1843, khi đem tàu Heroine đến Đà Nẵng, được cố đạo Chamaison báo tin về việc triều đình đang giam giữ 5 giáo sỹ Pháp (Galy, Charrier, Miche, Berneur, Duclos), Favin Léveque đã đòi tha cho 5 giáo sỹ Pháp và đe dọa: “…tôi đòi họ phải được tha và nếu lời đòi hỏi đó không được thực hiện, ông (quan trấn giữ cửa biển Đà Nẵng – TG chú thích) hãy coi chừng”, rồi gửi tiếp thư cho Trương Đăng Quế cũng với lời lẽ như vậy. Kết quả là triều đình phải nhượng bộ, tha cho 5 giáo sĩ này. Tiếp đến là trường hợp giáo sỹ Lefebvre, hai lần bị triều đình Nguyễn bắt giam vì lén lút truyền giáo ở trong nước (1844, 1846) thì cả hai lần đều được hải quân Pháp can thiệp xin tha. Cuối cùng triều đình cũng phải chấp nhận. Ở lần thứ hai (1846), Lefebvre bị trục xuất ra khỏi nước và dẫn độ về Singapo. Tuy nhiên, đến năm 1847, tưởng Lefebvre chưa được thả, hạm đội Pháp đến cảng Đà Nẵng bắn phá năm chiếc tàu đồng của triều đình rồi bỏ đi. Hành động liên quan đến việc giải cứu các giáo sỹ của Pháp như đổ thêm dầu vào lửa, làm cho việc cấm đạo của Thiệu Trị càng gay gắt hơn. Đến thời Tự Đức, với việc ban hành những chỉ dụ cấm đạo rất gắt gao, nhằm mục đích tận diệt Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, thì lại càng xuất hiện nhiều hơn việc các thừa sai kêu gọi sự can thiệp của Pháp vào Việt Nam để giải cứu cho người Thiên Chúa giáo mà Pellerin, Huc, Lefebvre là những trường hợp tiêu biểu. Không những thế, họ còn tỏ ra rất nôn nóng, thúc giục Pháp ngay lập tức phải tấn công xâm lược Việc Nam. Để đáp lại lời kêu gọi đó, núp dưới chiêu bài giải cứu các thừa sai và những người Thiên Chúa giáo, nhiều động thái quân sự của hải quân Pháp đối với Việt Nam đã diễn ra, mà cuộc tấn công vào cửa biển Đà Nẵng năm 1856 là một sự kiện tiêu biểu. Và không phải chờ đợi lâu, đến ngày 1 tháng 9 năm 1858, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã nổ vang trên bán đảo Sơn Trà và cái cớ giải thoát các thừa sai và người Thiên Chúa giáo cũng được Pháp dùng để biện giải cho sự kiện này. Như vậy, có thể nói rằng các thừa sai đã có một vai trò rất lớn trong cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. Mặc dù vấn đề Thiên Chúa giáo không phải là 285
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 nguyên nhân cơ bản đưa tới cuộc xâm lược, mục đích của Pháp khi tiến hành can thiệp quân sự vào Việt Nam cũng không chỉ để giải thoát các thừa sai và giáo dân, tuy nhiên, cần phải thấy rằng, lời kêu gọi của các thừa sai đã trở thành một cái cớ để làm cho cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp mang màu sắc chính nghĩa giả tạo, “đấu tranh” vì sự tự do tôn giáo. Nó như là một kịch bản đã được thực dân Pháp thảo ra từ trước: “cuộc truyền giáo hay nói cách khác cuộc chinh phục phần hồn, cuộc xâm hại văn hóa tất yếu sẽ dẫn tới sự chống trả của chính quyền bản địa và đó là cái cớ mà các thừa sai Pháp tạo ra để cho cuộc xâm lược mang cái vẻ hợp lý của nó” [3, tr 156] 3. Chính sách cấm đạo của triều Nguyễn đã dẫn đến phong trào Sát tả của Văn Thân đối với những người Thiên Chúa giáo Có thể nói rằng, ngay từ khi mới có mặt ở Việt Nam, các thừa sai và đạo Thiên Chúa đã bị sự phản đối quyết liệt của tầng lớp Nho sĩ trí thức phong kiến. Bởi theo họ: “sự xâm nhập của đạo Thiên Chúa đã làm tổn thương đến tư tưởng, tình cảm của dân tộc, làm xóa mòn các giá trị đạo đức có từ ngàn năm nay ” [1, tr 85]. Trong lòng họ luôn hiện hữu sự lo lắng về một cuộc đảo lộn trật tự xã hội phong kiến khi người Thiên Chúa giáo lên nắm quyền. Đến đầu thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đang đẩy mạnh việc bành trướng thế lực của nó sang phương Đông, tiến hành những cuộc xâm lược dã man và tàn bạo, người ta lại thấy sự tiếp tay của các thừa sai và một bộ phận người Thiên Chúa giáo cho giặc. Chính vì vậy, họ càng nhìn người Thiên Chúa giáo với con mắt thù hận, nghi ngờ và khinh khi. Trong khi đó, hàng loạt các chỉ dụ cấm đạo của triều đình ra đời, đã chứng tỏ vua quan triều Nguyễn cũng có cùng suy nghĩ với những nho sĩ trí thức đương thời. Vì vậy, như là một hành động yêu nước, giúp triều đình chống giặc, các Văn Thân đã quy kết một cách mù quáng “Tây là đạo”, “đạo là Tây”, mà “thù Tây” thì “ghét đạo”, nên đã tiến hành hàng loạt các hoạt động tàn sát người Thiên Chúa giáo mà người ta gọi là phong trào Sát tả của Văn Thân. Ngay từ năm 1867, sau khi quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, trong phong trào chống Pháp nổi lên mạnh mẽ khắp cả nước lúc bấy giờ, các Văn thân đã giương cao ngọn cờ “Bình Tây sát tả” Đến năm 1874, khẩu hiệu “sát tả” lại một lần nữa xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa do Trần Tấn và Đặng Như Mai lãnh đạo. Tuy nhiên, tất cả những sự kiện trên đây chỉ là màn dạo đầu của một bi kịch sắp diễn ra và đạt tới đỉnh điểm của nó sau khi chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi được ban ra ngày 13 tháng 07 năm 1885, mà hậu quả của nó gây ra đối với người Thiên Chúa giáo là không sao kể hết được. Nhiều giáo dân đã phải bỏ mạng, ly tán, chạy trốn trước sự truy đuổi, tàn sát của các Văn thân. Hàng trăm ngôi nhà thờ, tu viện, nhà nguyện, chủng viện…bị phá hủy. Như vậy, sau hiệp ước Patơnốt (6/6/1884), mặc dù giữa triều đình và thực dân Pháp đã có sự thỏa thuận về vấn đề tự do tôn giáo, nhưng người Thiên Chúa giáo Việt Nam vẫn còn phải trải qua một giai đoạn bách hại nữa, do phong trào sát tả của Văn Thân gây ra. Phong trào đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn những hậu quả của nó để lại thì vượt xa gấp nhiều lần thời gian mà nó tồn tại. Và nếu xem xét một cách thấu 286
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 đáo, có thể thấy rằng, phong trào sát tả của Văn thân có liên quan và là hệ quả trực tiếp của chính sách cấm đạo dưới triều Nguyễn. 4. Chính sách cấm đạo của triều Nguyễn đã vô tình đẩy một bộ phận người Thiên Chúa giáo yêu nước về phía giặc Trong lịch sử dân tộc ta giai đoạn cuối thế kỉ XIX, chúng ta đã từng chứng kiến trường hợp một bộ phận giáo dân phản bội lại lợi ích dân tộc, tiếp tay, dẫn đường cho hoạt động xâm lược của thực dân Pháp, mà sự giúp đỡ của người Thiên Chúa giáo khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn năm 1859 hay khi Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ nhất năm 1873… là những sự kiện tiêu biểu. “… người Thiên Chúa giáo không chỉ đơn thuần là kẻ theo tà đạo, tự thách thức mình với đời sống công dân và gia đình, từ chối việc thờ cúng tổ tiên mà còn là bạn của ngoại quốc, là kẻ phản bội và phản nghịch, từng kêu gọi quân xâm lược đến chiếm lĩnh nước mình” [6, tr 67]. Và cũng không có gì bất ngờ khi tìm thấy sự tham gia của nhiều giáo dân trong những cuộc nổi loạn chống lại triều đình như vụ Lê Văn Khôi, vụ Pedro Tạ Văn Phụng…. Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số, còn đại đa số người Thiên Chúa giáo Việt Nam vẫn luôn giữ tinh thần yêu nước. Mặc dù là tín đồ Thiên Chúa giáo nhưng không phải như vậy mà họ quên đi nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Họ luôn trung thành với lợi ích quốc gia và luôn có ý thức bảo vệ nền độc lập dân tộc trước sự xâm lược của kẻ thù. Cần khẳng định rằng: “trong sự sinh tử tồn vong của dân tộc, trên ngã ba đường giữa tôn giáo và dân tộc, lương tri Việt Nam của người Thiên Chúa giáo đã thức tỉnh cùng dân tộc. Sự kiện đó đã trở thành di sản quý mà người Thiên Chúa giáo Việt Nam đã lựa chọn: không chấp nhận mất nước thì Thiên Chúa giáo và dân tộc vẫn gắn liền” [5, tr 16]. Có thể dẫn ra đây một vài ví dụ tiêu biểu để chứng minh cho vấn đề này. Chẳng hạn như, khi chọn tấn công vào Đà Nẵng, thừa sai Pellerin đã nghiên cứu rất kỹ những điều kiện thuận lợi ở vùng đất này. Trong đó, theo ông ta, một trong những lợi thế lớn nhất khi quân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng là sẽ nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng người Thiên Chúa giáo ở đây. Nhưng trong thực tế, điều đó đã không xảy ra. Người Thiên Chúa giáo ở Đà Nẵng hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình đã thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” nhằm cô lập kẻ thù, đúng như lời của đô đốc Rigault than thở khi bị sa lầy ở Đà Nẵng: “đã không có một người Thiên Chúa giáo nào đến với chúng tôi” [2, tr 95]. Hay sau khi thất bại ở Đà Nẵng, Pellerin lại hướng quân đội Pháp tấn công ra Bắc Kỳ, vì theo ông, ở đây “ có nhiều người manh động, lại đông đảo giáo hữu có thể là chỗ dựa cho quân đội viễn chinh”. Tuy nhiên, một lần nữa kế hoạch lại bị thất bại bởi “ cuộc nổi dậy của các con chiên đã không hề có như mong đợi” [5, tr 15] Mặc dù vậy, nhưng do luôn mang trong đầu tâm lý hoài nghi, lo sợ về sự hiện diện của Thiên Chúa giáo ở Việt Nam và nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa thực dân, không phân biệt rạch ròi giữa những kẻ thông qua công cuộc truyền giáo để tiếp tay cho hành động xâm lược với toàn bộ cộng đồng người Thiên Chúa giáo sống phúc âm trong lòng dân tộc, nên các ông vua triều Nguyễn đã thi hành một chính sách cấm đạo nghiêm ngặt. Các chỉ dụ cấm đạo về cơ bản hướng vào các thừa sai nước ngoài và hàng linh mục bản xứ. Nhưng có những lúc, khi việc cấm đạo được đẩy lên cao như dưới thời Minh Mạng và đặc biệt là những năm đầu triều vua Tự Đức, thì nó đã tác động đến toàn bộ cộng đồng người Thiên Chúa giáo Việt Nam, gây bao chết chóc, đau thương và ly 287
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(40).2010 tán đối với họ. Đứng trước bối cảnh như vậy, người Công giáo biết đi về đâu? Trong khi một bộ phận phản bội lợi ích dân tộc, chạy đến tiếp tay, hỗ trợ cho công cuộc xâm lược của thực dân Pháp thì đại bộ phận người Công giáo Việt Nam, mặc dù không muốn đến với Pháp, nhưng để bảo toàn tính mạng trước sự truy đuổi, tàn sát của chính quyền, họ đã không còn cách nào khác. Như vậy, bằng chính sách cấm cách và bách hại đạo Thiên Chúa, triều đình đã vô tình đẩy một bộ phận người Thiên Chúa giáo yêu nước về phía giặc. “Người Thiên Chúa giáo Việt Nam đã bị đẩy đến ngã ba đường: họ biết đi về đâu khi Thiên Chúa giáo và dân tộc, giáo hội và quê hương bị chủ nghĩa thực dân đặt vào thế mâu thuẫn nhau” [5, tr 13]. Điều đáng tiếc ở đây là triều đình đã không thể tìm ra được một giải pháp hợp lý để cho người Thiên Chúa giáo được sống yên ổn và phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc bảo vệ nền độc lập tự chủ cho đất nước. 5. Kết luận Trên đây là những nghiên cứu bước đầu về một số hệ lụy trên lĩnh vực chính trị mà chính sách cấm đạo Thiên Chúa của triều Nguyễn đã để lại đối với lịch sử dân tộc ta trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Cần phải khẳng định rằng, trong bối cảnh thế kỷ XIX, khi mà chủ nghĩa thực dân đang đe dọa nền độc lập của đất nước ta, thứ tôn giáo mà nó đưa vào đang xâm hại một cách nghiêm trọng ý thức hệ phong kiến và nền văn hóa dân tộc, tiếp tay, mở đường cho công cuộc thực dân, thì chính sách cấm đạo Thiên Chúa được triều Nguyễn đưa ra có hạt nhân hợp lý khi xét về động cơ và mục đích của nó, vì “đó là yêu cầu tự vệ chính đáng của một nhà nước đang nắm chính quyền, là ý thức bảo vệ sự toàn vẹn của nền độc lập dân tộc cùng với sự toàn vẹn nền văn hóa truyền thống dân tộc mà họ ở cương vị gánh vác trách nhiệm” [4, tr 179]. Tuy nhiên, không phải như vậy mà chúng ta đánh giá thiếu xác thực hoặc phủ nhận tính chất thiễm cận, sự lầm lẫn và thiếu thức thời cũng như những hệ lụy từ chính sách này. Bởi vì “cái gì của nhà Nguyễn hãy trả về cho nhà Nguyễn” [5, tr 246]. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Văn Cảnh , Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885 - 1887), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2005. [2] Trương Bá Cần, “Lịch sử phát triển Công giáo Việt Nam”, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 118 tháng 10/2004, tr 90 - 144. [3] Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX, Viện nghiên cứu tôn giáo, Hà Nội, 2001. [4] Trần Nam Tiến, Ngoại giao giữa Việt Nam và các nước phương Tây dưới triều Nguyễn (1802-1858), NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, 2005. [5] Ủy ban khoa học xã hội - Ban tôn giáo Chính phủ, Một số vấn đề về lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Tp Hồ Chí Minh,1988. [6] Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, NXB Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh, 1990. 288
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU CHẤT LƯỢNG NƯỚC VÀ TÔM TỰ NHIÊN TRONG CÁC MÔ HÌNH TÔM RỪNG Ở CÀ MAU"
12 p | 1367 | 120
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều."
10 p | 614 | 45
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU PHỐI TRỘN CHI TOSAN – GELATI N LÀM MÀNG BAO THỰC PHẨM BAO GÓI BẢO QUẢN PHI LÊ CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG"
7 p | 528 | 45
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM ẢNH HƯỞNG CỦA MƯA AXÍT LÊN TÔM SÚ (PENAEUS MONODON)"
5 p | 455 | 44
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP PCR-GENOTYPI NG (ORF94) TRONG NGHIÊN CỨU VI RÚT GÂY BỆNH ĐỐM TRẮNG TRÊN TÔM SÚ (Penaeus monodon)"
7 p | 379 | 35
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC DINH DƯỠNG CÁ ĐỐI (Liza subviridis)"
6 p | 382 | 31
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC SINH SẢN CỦA CÁ ĐỐI (Liza subviridis)"
8 p | 339 | 29
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU CẢI TIẾN HỆ THỐNG NUÔI KẾT HỢP LUÂN TRÙNG (Brachionus plicatilis) VỚI BỂ NƯỚC XANH"
11 p | 388 | 29
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "Quan hệ giữa cấu trúc và ngữ nghĩa câu văn trong tập truyện ngắn “Đêm tái sinh” của tác giả Trần Thuỳ Mai"
10 p | 437 | 24
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU TẠO KHÁNG THỂ ĐƠN DÒNG VI-RÚT GÂY BỆNH HOẠI TỬ CƠ QUAN TẠO MÁU VÀ DƯỚI VỎ (IHHNV) Ở TÔM PENAEID"
6 p | 357 | 23
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ƯƠNG GIỐNG VÀ NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ THÁT LÁT (Notopterus notopterus Pallas)"
7 p | 311 | 22
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ KẾT (Kryptopterus bleekeri GUNTHER, 1864)"
12 p | 299 | 20
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU DÙNG ARTEMIA ĐỂ HẠN CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIÊM MAO TRÙNG (Ciliophora) TRONG HỆ THỐNG NUÔI LUÂN TRÙNG"
10 p | 368 | 18
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG THỦY VỰC DỰA VÀO QUẦN THỂ ĐỘNG VẬT ĐÁY"
6 p | 351 | 16
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU THIẾT LẬP HỆ THỐNG NUÔI KẾT HỢP LUÂN TRÙNG (Brachionus plicatilis) VỚI BỂ NƯỚC XANH"
10 p | 375 | 16
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU THAY THẾ THỨC ĂN SELCO BẰNG MEN BÁNH MÌ TRONG NUÔI LUÂN TRÙNG (Brachionus plicatilis) THÂM CANH"
10 p | 348 | 15
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ƯƠNG GIỐNG CÁ KẾT (Micronema bleekeri) BẰNG CÁC LOẠI THỨC ĂN KHÁC NHAU"
9 p | 259 | 9
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU SỰ THÀNH THỤC TRONG AO VÀ KÍCH THÍCH CÁ CÒM (Chitala chitala) SINH SẢN"
8 p | 254 | 7
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn