intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thi hành án dân sự tại Việt Nam: Thách thức và cơ hội

Chia sẻ: Tưởng Trì Hoài | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

11
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thi hành án dân sự tại Việt Nam: Thách thức và cơ hội" tập trung vào việc đánh giá bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thi hành án dân sự tại Việt Nam. Bài viết tập trung làm rõ các thách thức và cơ hội liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm nguy cơ vi phạm quyền riêng tư và khả năng sử dụng công nghệ để thúc đẩy quá trình thi hành án. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thi hành án dân sự tại Việt Nam: Thách thức và cơ hội

  1. BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN TRONG QUÁ TRÌNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TẠI VIỆT NAM: THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI Nguyễn Lê Bảo Ngọc Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Tóm tắt. Bài viết này tập trung vào việc đánh giá bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thi hành án dân sự tại Việt Nam. Bài viết tập trung làm rõ các thách thức và cơ hội liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm nguy cơ vi phạm quyền riêng tư và khả năng sử dụng công nghệ để thúc đẩy quá trình thi hành án. Bài viết cũng đề cập đến rào cản và rủi ro của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, đồng thời đề xuất các biện pháp để đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng vẫn đảm bảo việc tổ chức thi hành bản án, quyết định một cách hiệu quả. This article discusses the safeguarding of personal data during civil execution proceedings in Vietnam. It aims to shed light on the obstacles and prospects of protecting personal data, such as the dangers of privacy violations and using technology to streamline the execution process. Furthermore, the article tackles the hindrances and hazards linked to personal data protection in the field of civil execution. It suggests solutions to guarantee lawful personal data protection while maintaining the efficient execution of the court’s judgments and decisions. Sự cần thiết của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Việt Nam Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần thượng tôn tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và lợi ích của Nhà nước, qua đó đóng góp phần mình vào việc giữ gìn trật tự trị an, ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững và củng cố lòng tin của nhân dân vào Nhà nước và chế độ. 551
  2. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến tháng 4/2023, thế giới có 51,8 tỷ người sử dụng Internet (chiếm gần 65% dân số thế giới) với gần 29 tỷ thiết bị kết nối Internet. Việt Nam cũng đang hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số với hơn 77,93 triệu người sử dụng Internet (chiếm hơn 79% dân số), xếp thứ 12 trên thế giới về tỉ lệ người sử dụng Internet. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn thông tin và dữ liệu cá nhân được tạo ra và chia sẻ qua các nền tảng trực tuyến. Danh tính số hóa (Digital Identity) được hình thành từ dữ liệu cá nhân (Personal Data): Thuật ngữ này thường được sử dụng để đề cập đến một tập hợp các thuộc tính và thông tin được ghi lại và lưu trữ điện tử có khả năng định danh một người cụ thể. Danh tính số hóa của một cá nhân có thể bao gồm nhiều đặc điểm, bao gồm nhưng không giới hạn dữ liệu về đặc điểm cá nhân (ví dụ: tên, tuổi, giới tính, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú) và dữ liệu sinh trắc học (ví dụ: vân tay, quét mống mắt, giọng nói), cũng như các đặc điểm khác liên quan đến cá nhân hoặc thông tin mà người khác biết về cá nhân đó. Khi những dữ liệu này được thu thập và xác minh, chúng có thể được sử dụng để nhận biết một cá nhân bằng cách trả lời câu hỏi "bạn là ai?". Các đặc điểm này, cùng với các giấy chứng nhận được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ (ví dụ: số định danh cá nhân duy nhất, tài liệu điện tử, thẻ căn cước công dân điện tử, số di động có xác thực), sau đó cũng có thể được sử dụng như các yếu tố xác thực để trả lời câu hỏi "bạn có thực sự là người đó không?". Các đặc điểm và yếu tố xác thực được sử dụng trong danh tính số hóa có thể thay đổi từ ngữ cảnh hoặc quốc gia này sang ngữ cảnh hoặc quốc gia khác tùy thuộc vào loại hệ thống danh tính. Trong bối cảnh này, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đặc biệt, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thi hành án dân sự là vấn đề cần được quan tâm về bảo mật thông tin tài sản cá nhân. Khi một cá nhân hoặc doanh nghiệp tham gia vào tranh chấp liên quan đến việc thi hành một hoặc nhiều bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, trọng tài thương mại, quyết định phá sản; phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản; việc thi hành án hành chính thì thông tin dữ liệu cá nhân và thông tin về tài sản của họ thường phải được thu thập, tiết lộ cho tòa án và các bên liên quan. Nếu dữ liệu này không được bảo vệ đúng cách, điều này có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin và tiềm ẩn nguy cơ bị mất mát tài sản hoặc lạm dụng thông tin của cá nhân và tổ chức. Thực tiễn truy tìm dữ liệu cá nhân và thông tin tài sản của người phải thi hành án 2.1. Việc xác minh, truy tìm tài sản do người được thi hành án tự thực hiện 552
  3. Khoản 5 Điều 44 Luật THADS quy định: người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS. Trường hợp người phải thi hành án là người quen, hoặc đối tác có thông tin rõ ràng trong giao dịch, thì việc xác định cung cấp thông tin tài sản như phương tiện đi lại, địa chỉ nhà, căn cước công dân, số tài khoản của người phải thi hành án không quá khó khăn đối với người được thi hành án. Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới quy định rõ: công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia-dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy, nếu công dân gặp khó khăn trong việc tự mình tìm kiếm thông tin của người phải thi hành án, thì có thể sử dụng dịch vụ để có được những thông tin liên quan đến tài sản hoặc thông tin cá nhân của người phải thi hành án. Tuy nhiên phương án này phát sinh gánh nặng kinh phí cho người sử dụng dịch vụ, đồng thời, người được thi hành án cũng cần cân nhắc nguồn cung cấp thông tin đến từ đơn vị cung cấp dịch vụ có chính xác hay không. Chính vì vậy, trường hợp công dân không tự mình xác minh được do không có thông tin, gặp khó khăn trọng việc tự mình đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cung cấp thông tin, cũng không có sẵn kinh phí để thuê dịch vụ điều tra, thì có phương án cuối cùng và phù hợp với quy định pháp luật là đề nghị cơ quan THADS xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, và đồng thời sử dụng thông tin đó là hình thức cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS. Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được bất kỳ điều kiện thi hành án nào của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên (CHV) tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh. Người được thi hành án khi yêu cầu CHV xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc 553
  4. yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, với sự gia tăng của tài sản số hóa, người được thi hành án cũng phải đối mặt với việc xác định và khai thác tài sản số hóa, chẳng hạn như quyền sử dụng dữ liệu cá nhân hoặc tài khoản tiền điện tử. Việc xác định và truy tìm các loại tài sản này đòi hỏi kiến thức chuyên môn về tiền điện tử và khả năng tìm kiếm thông tin trực tuyến. Trường hợp người được thi hành án xác định rõ người phải thi hành án đang sở hữu một số lượng lớn tiền điện tử, như Bitcoin, Ethereum, Dogecoin… mà không có giấy tờ vật lý, thì khi cung cấp thông tin cho cơ quan THADS để xử lý tài sản thi hành án cũng đang gây lúng túng cho các cơ quan THADS. Việc các tài sản số nói chung và tài sản mã hóa nói riêng chưa được công nhận chính thức là tài sản dẫn đến quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân đối với đối tượng này cũng không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một loạt “các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp”. Trong khi đó, tại một số quốc gia phát triển lại có công nhận và cơ chế giải quyết đối với tài sản này. Đơn cử như Singapore cho phép tịch thu tài sản tiền điện tử - "Tài sản có thể di động" có thể bị tịch thu theo quyết định thi hành bản án, bao gồm tiền điện tử hoặc loại tiền điện tử kỹ thuật số khác. Một vấn đề khác được đặt ra ở khía cạnh cá nhân người được thi hành án chủ động truy tìm, thu thập, trích xuất dữ liệu của người phải thi hành án, đó là vấn đề quyền riêng tư và bảo mật. Trong bối cảnh công nghệ và kinh tế ngày càng phát triển, dữ liệu cá nhân trở thành một thứ tài sản được ghi nhận trên nhiều quốc gia thế giới. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn coi quyền đối với dữ liệu cá nhân như một loại quyền nhân thân, đồng thời quy định rõ về việc dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vậy thì, việc quy định như vậy tuy bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân này, nhưng có mâu thuẫn với quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khác hay không, khi họ không được tiếp cận, sử dụng, mua bán dữ liệu cá nhân của người phải thi hành án? Câu trả lời được đưa ra tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể như sau: “Điều 17. Xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu … 554
  5. 4. Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.” Như vậy, người được thi hành án có yên tâm để sử dụng các cách thức phù hợp, tiết kiệm thời gian nhất để có thể cung cấp dữ liệu cá nhân của người phải thi hành án, giảm khối lượng công việc xác minh cho cơ quan THADS và việc THADS được tổ chức ngắn gọn, hiệu quả hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được thi hành án. 2.2. Việc cung cấp dữ liệu cá nhân, thông tin tài sản do người phải thi hành án chủ động thực hiện Khoản 1, Điều 44 Luật THADS quy định rõ “người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”. Thực tế, những trường hợp người phải thi hành hợp tác với cơ quan THADS thì quy định nêu trên không có nhiều giá trị. Có trường hợp người phải thi hành án chủ động nộp đơn yêu cầu thi hành án, hoặc khi có Quyết định thi hành án được tống đạt, thì người phải thi hành án chủ động thực hiện nghĩa vụ. Do vậy, trường hợp người phải thi hành án chủ động hợp tác không cần đến trách nhiệm cung cấp thông tin tài sản, thu nhập và điều kiện thi hành án của họ. Trong thực tế, đa phần những người phải thi hành án chống đối, không hợp tác với cơ quan THADS, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, trường hợp người phải thi hành án không kê khai đầy đủ, trung thực thì CHV cũng khó có thể xác minh được các tài sản không đăng ký như tiền mặt, trang sức, các tài sản khác mà người phải thi hành án cố tình giấu diếm, không kê khai. Trường hợp xác định được tài sản có đăng ký và căn cứ thi hành, nhưng người phải thi hành án cố tình chống đối, hoặc tẩu tán tài sản thì thực tế vẫn còn nhiều CHV lúng túng, chưa biết sử dụng “cây gậy” được pháp luật trao quyền để buộc người phải thi hành án thực hiện việc cung cấp thông tin, thực hiện việc thi hành án. Thực tế, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính của hệ thống THADS chỉ gói gọn trong 11 Quyết định, gắn liền với mục đích truy cứu tội “không chấp hành án” theo điều 304 Bộ Luật hình sự. Những vụ việc này được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, nhưng chưa được thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường tính răn đe, từ đó nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. 2.3. Việc Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện xác minh, thu thập dữ liệu cá nhân, thông tin tài sản của đương sự 555
  6. Trong công tác THADS thì xác minh điều kiện thi hành án là nhiệm vụ quan trọng và bắt buộc đối với CHV. Việc xác minh chính xác là căn cứ để đảm bảo bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời và đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc xác minh điều kiện thi hành án trong thực tiễn là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều cơ quan khác nhau, do vậy quá trình tổ chức xác minh điều kiện thi hành án không tránh khỏi thiếu sót, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, người phải thi hành án, người mua tài sản trúng đấu giá, việc thu hồi tài sản cho nhà nước. Nội dung xác minh điều kiện thi hành án thường bao gồm các nội dung sau đây: (1) Địa chỉ thường trú, tạm trú của người phải thi hành án: CHV phải thực hiện xác minh địa chỉ căn cứ trong bản án hoặc thông tin do đương sự cung cấp, hoặc thông tin về trại tạm giam, trại giam nơi người phải thi hành án chấp hành hình phạt tù. (2) Thu nhập của người phải thi hành án: Theo Điều 78 Luật THADS thì thu nhập của người phải thi hành án bao gồm: Tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. Việc xác minh thu nhập thường được ưu tiên trong trường hợp bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập; hoặc bản án, quyết định tuyên người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nghĩa vụ theo định kỳ, hoặc khoản tiền phải thi hành không lớn. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành nghĩa vụ về tài sản của mình thì thu nhập cũng là loại tài sản phải tiến hành xác minh. Trong đó, CHV thu thập dữ liệu liên quan đến tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, các thu nhập hàng tháng…, mức thu nhập, thời gian, cách thức chi trả thu nhập. (3) Xác minh tài khoản, chứng khoán tại Ngân hàng, các tổ chức tín dụng: Đối với tài khoản, CHV xác minh, thu thập thông tin tại Ngân hàng, các tổ chức tín dụng như số tài khoản, nơi mở tài khoản, số dư trong tài khoản, số dư để duy trì tài khoản, thời điểm phát sinh các giao dịch trong tài khoản. Đối với chứng khoán, CHV xác định số lượng và thời điểm sở hữu, Giá trị của loại chứng khoán, chứng khoán đó được niêm yết hay chưa được niêm yết, các hạn chế và cách thức giao dịch đối với số chứng khoán được xác minh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng trống trong việc xác minh tiền trong các ví điện tử, dù thực tế có thể xác minh theo khoản 2 Điều 16 Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019: “Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ngân hàng có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến giao dịch thanh toán thông qua dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin cá nhân của khách hàng, tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng và chỉ được cung cấp thông tin trong các trường hợp sau: 556
  7. a) Theo yêu cầu của khách hàng; b) Theo quy định của pháp luật.”. (4) Xác minh động sản phải đăng ký quyền sở hữu: xác minh làm rõ chủ sở hữu tài sản, thời điểm đăng ký tài sản, số loại, nhãn hiệu, màu sắc đã đăng ký, năm sản xuất tài sản, hạn sử dụng, thông tin việc chuyển dịch tài sản. (5) Xác minh động sản không phải đăng ký quyền sở hữu: thu thập thông tin thông qua lời trình bày, giấy tờ chứng minh sở hữu và thực tế xác minh để xác định màu sắc, nhãn hiệu, chủng loại tài sản. (6) Xác minh tài sản là bất động sản: thông tin chủ sở hữu chung hoặc riêng; ghi nhận địa chỉ bất động sản ở đâu, có đúng với địa chỉ ghi trong bản án hay trong giấy chứng nhận không; Diện tích, kích thước cụ thể của thửa đất; Tài sản trên đất là gì, số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản cụ thể có trên đất; Địa hình, giao thông xung quanh; Bất động sản có thể phân chia hay không; Tình trạng bất động sản có xây dựng, sửa chữa hay phá dỡ so với bản án hay không; Ai là người đang trực tiếp quản lý, sử dụng bất động sản; có cho thuê, cho mượn cho ở nhờ hay không; gia đình cho thuê mượn ở nhờ là ai, nhân hộ khẩu, nghề nghiệp, giấy tờ nhà hiện do ai nắm giữ, các nhân khẩu đang sinh sống trong nhà là những ai; Các tài sản có trong nhà bao gồm những tài sản gì; bất động sản có tranh chấp hay không và thông tin của người tranh chấp. Như vậy, mỗi CHV không chỉ cần thực tế thực địa, mà còn cần linh hoạt trong sử dụng công nghệ và phần mềm hiện đại để theo dõi và xác minh thông tin. Nhằm giảm tải khối lượng công việc cũng như tăng tính hệ thống trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan THADS cần được truy cập và hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, CHV cần có khả năng sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến, khai thác dữ liệu trên internet, có hiểu biết và có quyền sử dụng dữ liệu cá nhân của các đương sự và có căn cứ để nhập, lưu hồ sơ chứa dữ liệu điện tử trong hồ sơ thi hành án. Cơ hội, tiềm năng của việc thu thập thông tin, phục vụ việc xác minh thi hành án trong thời đại số hóa Thu thập dữ liệu dân cư Quy định tại khoản 2, điểm I, Điều 1 Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ thướng Chính phủ, dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo 557
  8. quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Quy định trên cho thấy trong dòng chảy số, việc thu thập dữ liệu dân cư là công việc quan trọng được đặt ra, đồng thời việc thu thập dữ liệu đã trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Các công cụ và hệ thống kỹ thuật số cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Việc này bao gồm thông tin cơ bản như tên, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, bằng lái xe, đăng ký xe, cũng như thông tin về thuế, bảo hiểm xã hội và các thông tin khác liên quan đến tài sản và quyền sở hữu. Biểu đồ: Hệ sinh thái dữ liệu dân cư 558
  9. Kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu dân cư đối với thi hành án dân sự Trong hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, có cơ sở dữ liệu của các ngành, nghề khác nhau như: bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, tài chính, quản lý tài sản, thu nhập, Khoa học và công nghệ, thuế, sổ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, hộ tịch điện tử, bản án, quyết định của Tòa án, hồ sơ vụ án, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, công chứng, thi hành án dân sự… Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Đầu tiên, việc này có thể giúp xác minh thông tin cá nhân của đương sự một cách nhanh chóng và chính xác. Thông tin về địa chỉ, tên, ngày tháng năm sinh, và hộ tịch của công dân có thể được truy cập ngay, giúp cơ quan THADS xác định đúng người cần thi hành án và đảm bảo rằng việc thông báo, tống đạt quyết định tới họ là hợp pháp và chính xác. Kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc tịch có thể giúp đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin về quốc tịch của đương sự. Điều này quan trọng để xác định quyền và trách nhiệm pháp lý của người đó trong quá trình thi hành án, hỗ trợ tốt hơn trong việc ủy thác tư pháp và hỗ trợ việc tổ chức THADS đối với đương sự có yếu tố nước ngoài hoặc có tiền, tài sản tại nước ngoài. Tóm lại, việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu THADS nói chung có thể giúp cải thiện toàn bộ quá trình thi hành án, giảm thiếu gánh nặng cho Chấp hành viên nói riêng và hệ thống THADS nói chung. Việc này cho phép Chấp hành viên hoặc cơ quan THADS truy cập thông tin về đương sự một cách toàn diện, từ thông tin cá nhân cơ bản đến thông tin thu nhập, tài sản và các thông tin khác có thể tác động mạnh và thúc đẩy, rút gọn quá trình thi hành án. Việc tích hợp cơ sở dữ liệu THADS trong tương lai có thể tích hợp chức năng cảnh báo, nhắc nhở người phải thi hành án về nghĩa vụ thi hành, tiện lợi hơn cho người phải thi hành án, cũng như giảm thiểu các chi phí và lãi suất họ phải chịu khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ. Tại Thái Lan, cơ quan thi hành án dân sự cũng có app LED Debt Info, là một ứng dụng để kiểm tra số dư thanh toán và số nợ còn lại để lập kế hoạch trả nợ cho người phải thi hành án. Tại Thái Lan, việc áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các quy trình làm việc (đầy đủ) bao gồm quản lý vụ án dân sự điện tử, quản lý vụ phá sản điện tử, đấu giá điện tử, quản lý dữ liệu tái cơ cấu điện tử, trọng tài điện tử, thanh toán điện tử và nộp hồ sơ điện tử. Phát triển tự động hóa Văn phòng để thực hiện quản lý và phục vụ công dân một cách linh hoạt và độc lập hơn. Tiềm năng của việc tích hợp ví điện tử, thông tin tài khoản và áp dụng khấu trừ, hoàn tiền vào hệ sinh thái dữ liệu dân cư 559
  10. Giai đoạn năm 2022 – 2023, Chính phủ đẩy mạnh tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử. Việc tích hợp ví điện tử vào hệ sinh thái dữ liệu dân cư có thể đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình THADS. Ví điện tử là một công cụ thanh toán trực tuyến phổ biến, cho phép người dân thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng và an toàn. Bằng cách tích hợp ví điện tử vào hệ thống thi hành án, cơ quan THADS có thể nhận tiền, thanh toán nợ, và thậm chí cả kích hoạt các biện pháp cưỡng chế thông qua giao dịch trực tuyến. Điều này giúp giảm bớt quy trình, thủ tục cho đương sự và tăng cường tính hiệu quả của quá trình tổ chức thi hành án. Ngoài ra, tích hợp này còn giúp giảm bớt sự cần thiết phải di chuyển đến các trụ sở cơ quan THADS để thực hiện giao dịch tài chính, làm cho quá trình này trở nên đơn giản, thuận tiện hơn đối với đương sự. Một lợi ích quan trọng khác là tích hợp này giúp đảm bảo tính chính xác của các giao dịch tài chính và quá trình tổ chức thi hành án. Việc sử dụng ví điện tử và thông tin tài khoản có thể tạo ra các bản ghi điện tử về các giao dịch, làm giảm thiểu sai sót và dễ dàng truy soát, kiểm tra thông tin cho các bên đương sự và cơ quan THADS. Thay vì việc tìm và rà soát biên lai (có thể rách, bẩn, thất lạc, tăng yêu cầu lưu trữ hồ sơ) thì các dữ liệu này tự động được cập nhật vào hệ thống thông tin THADS trong hệ sinh thái dữ liệu dân cư. Thách thức đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thi hành án Từ việc xác định phạm vi của việc xác minh thi hành án, cũng như tiềm năng của việc tích hợp, kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu dân cư đối với THADS, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thi hành án trở thành thách thức lớn đối với hệ thống THADS, nhưng cũng đồng thời đóng vai trò là một khía cạnh quan trọng của quá trình này. Tiềm năng rò rỉ thông tin cá nhân của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án Trong quá trình tổ chức thi hành án, việc thu thập thông tin cá nhân là bắt buộc, và không thể tránh khỏi. Thông tin này thường bao gồm tên, địa chỉ, thông tin tài chính, và nhiều thông tin khác liên quan đến đương sự và các bên liên quan. Về cơ bản, thông tin cá nhân là thông tin liên quan đến một cá nhân còn sống, bao gồm những thông tin không mang tính đánh giá dữ liệu, chỉ đơn thuần là dữ liệu. Tuy nhiên, việc quản lý và bảo vệ thông tin này có thể gặp khó khăn, và có thể có rủi ro về việc thông tin cá nhân này bị rò rỉ đến các nguồn khác không phục vụ cho công tác THADS. Trong trường hợp thông tin cá nhân bị rò rỉ, có thể xảy ra nhiều vấn đề. Đầu tiên, quyền riêng tư của cá nhân bị xâm phạm. Thông tin cá nhân ở đây đề cập đến bất 560
  11. kỳ thông tin nào liên quan đến một cá nhân tự nhiên được xác định hoặc có thể xác định (người có quyền dữ liệu); người tự nhiên có thể xác định trực tiếp hoặc gián tiếp, đặc biệt là thông qua việc tham chiếu đến một chỉ số như tên, một số nhận dạng, dữ liệu vị trí, một chỉ số trực tuyến hoặc thông qua một hoặc nhiều yếu tố cụ thể liên quan đến danh tính vật lý, sinh lý, di truyền, tâm lý, kinh tế, văn hóa hoặc xã hội của người tự nhiên đó; và họ có thể trở thành mục tiêu của việc bị ảnh hưởng xấu từ phía các bên khác. Thứ hai, việc rò rỉ thông tin này có thể dẫn đến sự mất uy tín của hệ thống pháp luật và cơ quan thi hành án. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp vào quy trình thi hành án và quản lý thông tin cá nhân. Thứ ba, là việc có khả năng truy cập thông tin cá nhân một cách trái phép. Trong quá trình thi hành án, thông tin cá nhân thường được lưu trữ trong hồ sơ, trên các hệ thống và cơ sở dữ liệu. Nếu không có các biện pháp bảo mật và kiểm soát đủ, thông tin này có thể bị truy cập bởi những người không có quyền truy cập, bao gồm cả Chấp hành viên không trực tiếp giải quyết vụ việc, hoặc công chức làm công tác thi hành án dân sự. Hậu quả của việc truy cập trái phép này có thể rất nghiêm trọng. Nó không chỉ là việc xâm phạm quyền riêng tư, mà còn có thể dẫn đến lạm dụng thông tin cá nhân, gian lận tài chính, hoặc thậm chí là việc sử dụng thông tin này để tạo ra các hậu quả pháp lý đối với đương sự hoặc các bên liên quan. 4.2. Mất quyền kiểm soát, định đoạt thông tin và tình trạng không bảo vệ quyền riêng tư trong quá trình THADS Trong quá trình thi hành án, đương sự thường mất quyền kiểm soát hoặc không biết nhiều về cách thông tin cá nhân của họ được sử dụng. Điều này có thể tạo ra sự lo ngại và cảm giác không bảo vệ cho quyền riêng tư của họ. Đương sự có thể không biết liệu thông tin cá nhân của họ có được bảo vệ đúng cách hay không và có thể không được trao cơ hội kiểm tra và chỉnh sửa thông tin sai lệch. Tại Điều 6 Thông tư số 11/2012/TT-BTP, ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bô trưởng Bộ Tư pháp quy định: “Điều 6. Bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công chứng 1. Công chứng viên có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ yêu cầu công chứng, hồ sơ công chứng và tất cả thông tin biết được về nội dung công chứng trong quá trình hành nghề cũng như khi không còn là công chứng viên; trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng hoặc pháp luật có quy định khác. 561
  12. 2. Công chứng viên có trách nhiệm bảo quản hồ sơ công chứng trong quá trình giải quyết yêu cầu công chứng và bàn giao đầy đủ hồ sơ công chứng để lưu trữ theo quy định của pháp luật. 3. Công chứng viên có trách nhiệm hướng dẫn nhân viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng, của mình không được tiết lộ bí mật thông tin về việc công chứng mà họ biết theo nội quy, quy chế của tổ chức hành nghề công chứng, quy định của pháp luật; đồng thời, giải thích rõ trách nhiệm pháp lý của họ trong trường hợp tiết lộ những thông tin đó.” Tại Quyết định số 1577/QĐ-BTP ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chấp hành viên có 06 yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, cụ thể: “1. Thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý; 2. Khách quan, đúng mực, dân vận khéo; 3. Yêu nghề, bản lĩnh, chuyên nghiệp;4. Chia sẻ, tôn trọng, đoàn kết; 5. Tích cực, chủ động, chặt chẽ, trách nhiệm; 6. Gương mẫu, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính.” Từ 02 quy định nêu trên, có thể thấy rõ công chứng viên, nhân viên phải giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ yêu cầu công chứng, hồ sơ công chứng và tất cả thông tin liên quan đến nội dung công chứng trong quá trình thực hiện nghề cũng như sau khi không còn là công chứng viên. trong khi đó, không có bất kỳ quy định nào yêu cầu Chấp hành viên thực hiện nghĩa vụ giữ bí mật thông tin này. Như vậy, có thể thấy tuy Chấp hành viên được tiếp cận đến toàn bộ hệ sinh thái dữ liệu quốc gia về dân cư, nắm thông tin cá nhân của đương sự, nhưng lại không có giới hạn để bảo vệ thông tin của đương sự. Để đối phó với các nguy cơ này, cần thiết phải thiết lập các biện pháp bảo mật và kiểm soát mạnh mẽ trong quá trình thi hành án dân sự. Điều này bao gồm việc đảm bảo rằng thông tin cá nhân chỉ được sử dụng cho các mục tiêu hợp pháp và có kiểm soát chặt chẽ về quyền truy cập và sử dụng thông tin này. Cần có cơ chế để đảm bảo tính riêng tư và bảo mật của thông tin cá nhân trong quá trình thi hành án và để đảm bảo rằng đương sự và các bên liên quan có quyền kiểm soát thông tin cá nhân của họ. 4.3. Tăng cường bảo vệ quyền bảo mật dữ liệu cá nhân – khó khăn cho công tác THADS? Trong việc đối mặt với trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh trách nhiệm, chúng ta phải đối diện với một tình huống phức tạp và nhạy cảm trong quá trình THADS. Việc này có thể xảy ra khi các đương sự hoặc bên liên quan cố gắng che giấu thông tin và tài sản của họ để tránh bị thi hành án. Điều này đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo tính hiệu quả của quá trình thi hành án. Một số khía cạnh quan trọng cần xem xét như sau: 562
  13. Một là, bảo vệ quyền riêng tư: Trong một cuộc hành trình để xác định và thu hồi tài sản của người phải thi hành án, việc bảo vệ quyền riêng tư của họ và các bên đương sự vẫn phải được tuân thủ và tôn trọng. Thông tin cá nhân của họ không thể bị tiết lộ một cách trái phép. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quá trình thi hành án có thể đưa ra những thông tin riêng tư về tài sản, tài chính, và tình trạng cá nhân. Hai là, quản lý thông tin: Việc quản lý thông tin là yếu tố quan trọng trong việc đối phó với trường hợp người phải thi hành án trốn tránh trách nhiệm. Hệ thống quản lý thông tin phải được cải thiện và tối ưu hóa để đảm bảo sự cập nhật liên quan đến tài sản và tình trạng của người phải thi hành án. Các thông tin này phải được cập nhật đều đặn và đáng tin cậy để ngăn chặn việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, hoặc tẩu tán tài sản. Ba là, công nghệ và quy trình bảo mật dữ liệu: Sử dụng công nghệ và quy trình bảo mật dữ liệu là một phần quan trọng nhưng cũng là thách thức trong việc ứng phó với trường hợp người phải thi hành án trốn tránh trách nhiệm. Điều này giúp ngăn chặn việc truy cập trái phép vào thông tin cá nhân và tài sản của họ. Hệ thống an ninh mạng phải được triển khai một cách mạnh mẽ để đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật của dữ liệu. Tuy bước chân vào dòng chảy số của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng yêu cầu về cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống dữ liệu vấn là một vấn đề áp lực lớn đối với hệ thống THADS, cụ thể như: hạn chế của cơ sở hạ tầng tại Bộ Tư pháp, phần mềm đang giới hạn dung lượng, số lượng các file đính kèm (5MB/01 file và chỉ cho phép đính kèm tối đa 10 file, khoảng 50 đến 60 trang tùy thuộc độ phân giải) cho 1 hồ sơ, nên một số lượng lớn hồ sơ có nhiều tài liệu không thể cập nhật đầy đủ do dung lượng quá lớn. Trang thiết bị (máy tính, máy quét tài liệu) nhiều địa phương còn thiếu; cấu hình kỹ thuật không đảm bảo, một số bị hư hỏng chậm được bổ sung, nâng cấp; Một số Chấp hành viên, công chức chưa chủ động rà soát, cập nhật thường xuyên hồ sơ thi hành án theo thời gian thực lên phần mềm, dẫn đến cập nhật không đầy đủ, chậm, dồn ứ vào giai đoạn cuối tháng gây ảnh hưởng đến tốc độ truy cập của hệ thống. Bốn là, đào tạo Chấp hành viên, người làm công tác thi hành án và các chức danh khác: Chấp hành viên phải được đào tạo về quyền riêng tư và các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này giúp họ nhận biết và xử lý tình huống liên quan đến việc người phải thi hành án trốn tránh trách nhiệm một cách hiệu quả và hợp pháp. Việc đào tạo này có thể giúp họ hiểu rõ hơn về các quy định và luật pháp liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống và lòng tin của nhân dân. 563
  14. Năm là, tuân thủ quy định về quyền riêng tư: Việc đảm bảo tính công bằng, công lý và bảo vệ quyền riêng tư là quan trọng nhất trong quá trình thi hành án dân sự, ngay cả khi đối diện với trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh trách nhiệm. Quá trình thi hành án phải tuân thủ các quy định và quy tắc về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân định sẵn trong pháp luật. Các biện pháp thi hành án phải được thực hiện trong khung pháp lý và đạo đức, đảm bảo tính hợp pháp và công bằng cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân quá chặt chẽ có thể gây khó khan cho việc Chấp hành viên tổ chức thi hành án, kéo dài việc xác minh thực địa thực tế của vụ việc. Giải pháp Nhằm tối ưu hóa quy trình thi hành án trong môi trường số hóa và đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn về vi phạm quyền riêng tư trong quá trình THADS, cần tìm hiểu cách cải thiện quá trình thi hành án bằng cách áp dụng công nghệ số hóa và đồng thời tập trung vào việc bảo vệ quyền riêng tư của các bên liên quan. Thứ nhất, cần tối ưu hóa quy trình THADS dân sự trong môi trường số hóa. Việc tối ưu hóa quy trình thi hành án trong môi trường số hóa là một bước quan trọng trong việc cải thiện tính hiệu quả và công bằng của quá trình thi hành án dân sự. Dưới đây là một số phương pháp và cơ hội để tối ưu hóa quy trình này: Thứ hai, là sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu số. Một trong những cách quan trọng để tối ưu hóa quy trình thi hành án là sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu số (DMS). DMS cho phép lưu trữ, quản lý, và truy cập dữ liệu liên quan đến các vụ án dân sự một cách hiệu quả. Điều này giúp giảm bớt thời gian tìm kiếm thông tin, đồng thời cải thiện sự chính xác và toàn vẹn của dữ liệu, sử dụng dữ liệu cá nhân của đương sự trong thực tế tổ chức thi hành án. Thứ ba, là thông báo thi hành án và làm việc trực tuyến với đương sự: Việc sử dụng hệ thống thông báo và giao tiếp trực tuyến cho phép các bên tham gia dễ dàng tiếp cận thông tin về quá trình thi hành án. Điều này giúp tạo sự minh bạch và tiện lợi cho cả các đương sự và cơ quan thi hành án. Thứ tư, là tự động hóa các quy trình: Tự động hóa các quy trình trong quá trình thi hành án có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào công việc thủ công và giúp tăng cường tính hiệu quả. Việc này có thể bao gồm tự động hóa việc phát hành quyết định thi hành án, thông báo cho các bên liên quan, và theo dõi tiến độ tổ chức thi hành. 564
  15. Năm là, lưu trữ hồ sơ thi hành án điện tử, thay vì lưu hồ sơ dạng giấy truyền thống: điều này đảm bảo tính thống nhất, hệ thống, minh bạch trong báo cáo và giảm thiểu gánh nặng đối với yêu cầu về kho lưu trữ, cũng như tự động hóa khâu lập danh mục, đánh bút lục cho Chấp hành viên. Trong ngữ cảnh hiện nay, Việt Nam cũng đang chứng kiến sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực số hóa. Sự chuyển đổi từ tài liệu giấy sang tài liệu điện tử là một phần quan trọng của quá trình này, mang lại nhiều cơ hội về hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên, đối diện với những cơ hội này là những thách thức liên quan đến bảo mật thông tin và quyền riêng tư. Khi thảo luận về cơ hội, Việt Nam có thể tận dụng sự số hóa để cải thiện quy trình thi hành án, giúp ngăn chặn việc người phải thi hành án trốn tránh trách nhiệm và tối ưu hóa quy trình thu hồi tài sản. Các công cụ số hóa, hệ thống thông tin và giao tiếp trực tuyến có thể cung cấp thông tin nhanh chóng và minh bạch cho các bên liên quan. Tuy nhiên, điều quan trọng là không bỏ qua thách thức của việc đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu cá nhân trong quá trình số hóa. Bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là điều không thể bỏ qua. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ an ninh mạng, quản lý tài liệu điện tử một cách cẩn thận và đào tạo và ràng buộc pháp lý cụ thể đối với Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Ngay bây giờ, các tòa án khác nhau ở Đức đang thực hiện các dự án thử nghiệm bằng cách sử dụng các khối dữ liệu có cấu trúc; trong khi những dự án này đang được thực hiện ở chế độ thử nghiệm, toàn bộ quy trình xử lý tài liệu về vụ án và, trên tất cả - việc trao đổi dữ liệu - chỉ diễn ra dưới dạng điện tử. Việc trao đổi dữ liệu dưới dạng PDF đã trở thành một điều hiển nhiên, nhưng con đường dẫn đến việc quản lý tài liệu hoàn toàn điện tử sẽ không mở ra trước khi đảm bảo quy định pháp luật và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, con người và, do đó, khả năng xem dữ liệu và truy cập dữ liệu một cách đáng tin cậy sẽ được cung cấp. Kết luận cuối cùng là trong môi trường số hóa, nguyên tắc truyền thống "Quod non est in actis, non est in mundo" vẫn đúng, nhưng cần được điều chỉnh và thích nghi để phù hợp với môi trường số hóa hiện đại. Liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, hiện Liên minh Quốc tế của Cán bộ Tư pháp (UIHJ) đang triển khai dự án PACE "Tạo sự nhận thức về quyền riêng tư trong thi hành án dân sự" nghiên cứu sự giao điểm giữa THADS và bảo vệ dữ liệu, nhằm đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả và thống nhất của luật EU trong các thủ tục THADS. Để đạt được điều này, các khóa đào tạo thông minh dựa trên bằng chứng sẽ được thiết kế, hơn 300 cán bộ tư 565
  16. pháp từ 26 quốc gia thành viên cùng 4 quốc gia ứng cử (Serbia, Bắc Macedonia, Albania, Montenegro) sẽ được đào tạo, và một nhóm nhân sự chủ chốt có khả năng truyền đạt kiến thức sẽ được tạo ra. Việc duy trì sự cân nhắc giữa tính hiệu quả và tính bảo mật là quan trọng để đảm bảo rằng quy trình thi hành án dân sự ở Việt Nam vẫn đảm bảo tính công bằng, hiệu quả, và đảm bảo quyền riêng tư cho công dân. Danh mục tài liệu tham khảo 1. Quốc hội, hiến pháp 2013, 2. Https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2013/12/hp.pdf, 26/9/2023 3. Lê thành long (2016), thi hành án dân sự 70 năm xây dựng và trưởng thành, nhà xuất bản tư pháp, hà nội 4. Nguyễn dịu, quán triệt, phổ biến nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong công an nhân dân, 5. Https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/tin-tuc/hoat-dong-pbgdpl-o-trung-uong/quan-triet- pho-bien-nghi-dinh-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-trong-cong-an-nhan-dan-d3- t1081.html, 23/9/2023. 6. World bank, digital identity: towards shared principles for public and private sector cooperation, 7. Https://documents1.worldbank.org/curated/en/600821469220400272/pdf/107201-wp- public-wb-gsma-siadigitalidentity-web.pdf, 27/9/2023. 8. Ts. Nguyễn minh oanh và ths. Nguyễn huy hoàng nam, kỷ yếu hội nghị đối thoại về khung pháp lý liên quan ứng dụng công nghệ blockchain, tlđd, tr.69 9. Vikram nair, (2022), international conference on civil judgment: contemporary challenges in e-enforcement, awareness of other laws and regulations related to e- enforcement. 10. Chính phủ, (2023), nghị định số 13/2023/nđ-cp về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2023/4/13nd.signed.pdf , 16/9/2023 11. Quốc hội, (2022), văn bản hợp nhất số 09/vbhn-vpqh luật thi hành án dân sự, 12. Https://quochoi.vn/content/tintuc/lists/news/attachments/71574/2022-09- luat%20thi%20hanh%20an%20dan%20su%20-%20hn%20lan%203%20- %20hoai.pdf, 16/9/2023 13. Tòa án nhân dân tối cao, (2023), trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định, 566
  17. 14. Https://congbobanan.toaan.gov.vn/0t15at1cvn1/tra-cu-ban-an, 16/9/2023 15. Ngân hàng nhà nước việt nam (2019), thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 39/2014/tt-nhnn ngày 11 tháng 12 năm 2014 của thống đốc ngân hàng nhà nước việt nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, 16. Https://vbpl.vn/nganhangnhanuoc/pages/vbpq-toanvan.aspx?Itemid=139072, 28/9/2023 17. Thủ tướng chính phủ, (2022), quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/01/06.signed.pdf, 28/9/2023. 18. Ornouma kengtangdee, 2017, “development of information technology in the enforcement of the kingdom of thailand”, information technology in the sphere of enforcement, russia, pp.318-319. 19. L b curzon (1993), dictionary of law, pitman publishing, london, pp.284 20. Liên minh châu âu, (2018), những quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân grdp, https://gdpr-info.eu/, 29/9/2023 21. Bộ tư pháp, (2012), thông tư ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, 22. Https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?Pageid=27160&docid=165541, 29/9/2023 23. Bộ tư pháp, (2021), quyết định về việc ban hành chuẩn mực đạo đức chấp hành viên, 24. Https://moj.gov.vn/qt/tintuc/lists/chidaodieuhanh/attachments/3292/qd1577.pdf, 29/9/2023 25. Andreas zedel, 2017, “german justice on the way from "paper" to "electronic" document: challenges, risks, and opportunities”, information technology in the sphere of enforcement, russia, pp.428-432. 26. Cecl – tsatsos foundation & uihj, (2023), pace: creating privacy awareness in civil enforcement, 27. Https://www.cecl.gr/en/category-projects/justice/2023/05/19/pace-creating-privacy- awareness-in-civil-enforcement/, 29/9/2023 567
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0