intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bảy thợ mộc

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

45
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dễ đến 10 năm tôi không gặp hắn, từ cái dạo hắn làm cho tôi căn nhà gỗ, đâu khoảng tháng 9 năm 2000. Tôi cất nhà chữ đinh, cũng kiểu nhà kê táng Nam bộ, nhưng cái cánh én lại nằm phía trước, hai vì cột nằm hai bên được nối với nhau bằng những vì kèo, không cần cột hàng nhì, hàng ba. Lúc ấy ông xã tôi bận đi công tác ở xa, nên việc chuẩn bị vật liệu, vẽ lập lăng nhà rồi hậu cần bếp núc đều do tôi đảm nhiệm. Tính tôi thì hay...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bảy thợ mộc

  1. Bảy thợ mộc TRUYỆN NGẮN CỦA QUÁCH QUỲNH HƯƠNG Dễ đến 10 năm tôi không gặp hắn, từ cái dạo hắn làm cho tôi căn nhà gỗ, đâu khoảng tháng 9 năm 2000. Tôi cất nhà chữ đinh, cũng kiểu nhà kê táng Nam bộ, nhưng cái cánh én lại nằm phía trước, hai vì cột nằm hai bên được nối với nhau bằng những vì kèo, không cần cột hàng nhì, hàng ba. Lúc ấy ông xã tôi bận đi công tác ở xa, nên việc chuẩn bị vật liệu, vẽ lập lăng nhà rồi hậu cần bếp núc đều do tôi đảm nhiệm. Tính tôi thì hay lo xa, rất sợ mưa tạt gió lùa nên cái khung nhà dựng lên, tôi lại bảo hắn đâm thêm chái, bốn phía bốn cái chái trông xa cứ như cái nhà lồng chợ. Tưởng chỉ tôi lo xa, nhưng hắn thì lại cẩn thận hơn tôi. Ai đời, cột gỗ bạch đàn thế mà hắn bỏ công cưa xẻ, đẽo gọt tất tật thành cây vuông cả, hắn bảo như thế nhìn cho nó oai. Tôi chỉ bật cười, vì cái nhà làm bằng gỗ bạch đàn dù có thoa nhớt cặn kỹ đến mấy thì cũng chừng sáu, bảy năm là mọt ăn ruồng cả. Thấy hắn hì hục đục đẽo, bào bọt, tôi kệ. Với lại, tôi nghe người ta nói, mấy cha làm thợ, làm thầy này bùa ngải dữ lắm, mình trật ý hắn, hắn ếm vào cây cột cây kèo nào thì vợ chồng chủ nhà kể như khốn đốn vô cùng, không bệnh tật thì cũng tán gia bại sản hoặc chia lìa… Thế nhưng, cũng có cái khi tôi tư vấn hắn lại nghe. Ấy là lúc tôi thấy hắn vẽ lập lăng cái nhà, hắn vẽ cột kèo rồi đo từng cm sau đó phóng to ra ngoài thực tế. Thấy thế, tôi buồn cười quá, bảo hắn để tôi tính cho, chỉ cần cho tôi biết cây cột cao mấy mét, cây đội, cây xiên bao nhiêu là tính ra cây kèo. Tính bằng phương pháp hình học mà, hắn thấy tôi tính chính xác nên cứ mắt tròn mắt dẹt lẩm bẩm, mợ này hay thật (hắn gọi ông xã tôi bằng cậu, vợ hắn là cháu họ xa của ông xã tôi). Rước hắn làm thợ cho nhà tôi bao nhiêu ngày cũng là bấy nhiêu thời gian tôi phải vất vả vì hắn, hắn làm thì chăm chú, nhiệt tình, khéo léo, nhưng leo lên mái nhà, mới hai giờ
  2. chiều đã ơi ới nói vọng xuống, mợ ơi, mợ đánh tiết canh vịt là vừa rồi đấy. Chả là ở Nam bộ, sau vụ Hè Thu, vịt no đồng nên rẻ lắm, tôi thì biết đánh tiết canh, chồng tôi thường khoe với mọi người: vợ tui đánh tiết canh xeo đòn gánh, gánh chạy khắp bờ kênh mà không rớt. Không biết có đúng không, nhưng ơn trời, lần nào tôi đánh dĩa tiết canh cũng đỏ tươi và đông cứng ngắc. Thế nên, chừng hai ngày hắn lại nằn nì tôi, mợ ơi chiều nay đánh tiết canh nhé, tôi nghĩ bụng, quái, cái thằng này nó ăn mãi mà không ngán à? Hay là người nó thiếu máu? Tôi lại chặc lưỡi, thôi kệ nó, thịt cá, gà đang mắc, vịt thì rẻ, chịu khó bỏ công một chút là có món ngon cho hắn nhậu, càng đỡ tốn kém mà lại được tiếng là chiều thợ. Nên tôi hợp đồng với chủ trại vịt đóng ở cánh đồng phía sau nhà tôi, cứ hai ngày lại xách vào bán cho tôi hai con. Vừa đánh tiết canh, vừa kho gừng, vừa nấu thêm tô canh măng, thế là tươm tất có một bữa nhậu thịnh soạn cho hắn cùng năm người phụ. Nhưng thật ra, thứ hắn khoái khẩu nhất không phải là tiết canh, mà đó là rượu. Hắn thích uống rượu, rượu là ma lực quyến rũ đời hắn. Hắn bảo, xưa hắn có thế đâu. Ba hắn làm thợ, hắn đi theo riết rồi cũng thành thợ. Khi ba hắn yếu sức nghỉ hẳn ở nhà thì hắn vừa đem cái truyền thống của gia đình, vừa đem cái sáng tạo của hắn mà chính danh làm thợ cả đi kiếm cơm trong thiên hạ. Nhớ lại, những năm 1988 – 1998, đó là thời hoàng kim của hắn, ở cái huyện vùng sâu vùng xa này lúc ấy người dân được vay tiền đắp nền nhà vượt lũ, rồi thì họ đua nhau cất nhà kê tán, cột bằng gỗ bạch đàn hay gỗ tràm, vách dừng, mái lợp bằng lá dừa nước hoặc sang hơn thì bằng thiếc. Những tháng tốt ngày hợp tuổi, họ đua nhau rước hắn. Hắn nhận làm căn nhà nào cũng đều nói giá cả trước và đều cao hơn các thợ khác, nhưng ai cũng tìm rước hắn cho kỳ được. Lúc đó hắn mới đi bộ đội về, cưới vợ được hơn một năm, được nhà vợ quan tâm cho một mảnh đất cất nhà nên hắn cũng khá lo lắng và vun vén cho gia đình. Làm được bao nhiêu tiền hắn đều đem về cho vợ không thiếu một đồng. Công việc thì ngày một tiến triển, hắn vô xiên rất khéo, bảo đảm cây xiên luồn dài 9,9m không ai biết hắn nối ở chỗ nào, các đường bào thì mịn bóng, thoa chút nhớt cặn là lên nước nhẵn nhìn cứ như cột gỗ lim vậy. Cách hắn khóa mộng cũng cừ, những mộng cột hắn đã khoá, sau này, gia chủ có tháo ra muốn tận dụng nguyên vẹn cây cột ấy thì chỉ gọi
  3. hắn mới tháo ra được, còn gọi người khác á, chỉ có nước là cưa thôi. Có lẽ đây cũng là bí mật nghề nghiệp của hắn vậy. Thế nên, có thể nói là hắn tài, tài trong giới thợ mộc, hắn không chỉ cất nhà mà còn đóng giường tủ bàn ghế… tóm lại cứ gì liên quan đến đồ gỗ là hắn đều biết làm và làm rất giỏi. Người ta nói có tài thì lắm tật. Mà cái tật uống rượu của hắn ban đầu có phải do chủ quan của hắn đâu. Đã là dân Nam bộ chính hiệu thì chiều nào mấy ông không rủ nhau lai rai vài xị đế. Khi làm nhà, đóng giường tủ… cũng là các dịp quan trọng, nên lối 3 giờ chiều các bà vợ cũng chuẩn bị sẵn thức nhắm cho chồng cùng với kíp thợ, thế là nghiễm nhiên chiều nào hắn cũng được mời thỉnh ăn ngon, ly rượu đế ban đầu với hắn còn là thứ nước đắng ngắt, làm đỏ lựng mặt lên. Nhưng càng về sau, nó đã thành thứ nước không thể thiếu trong mỗi cơm chiều của hắn. Rồi dần dà thứ nước ấy lân la sang bữa trưa và bò đến cả bữa sáng của hắn. Lúc hắn làm nhà cho tôi thì hắn đã ghiền rồi, nhưng nghiền vẫn còn vừa sức, vẫn còn làm được. Cách đây khoảng 5 năm, tôi có nghe má chồng tôi kể, rằng vợ thằng Bảy dẫn hai đứa con bỏ nhà đi rồi. Nói khi đi, người vợ nó ốm xơ xác. Chả là khi nghiện rượu quá rồi, hắn có làm nổi nữa đâu, nhận được căn nhà nào hắn đều ứng tiền trước và lặn mất tăm, ngày dỡ gỗ cũng không đến, chỉ khi uống rượu hết số tiền ấy mới mò đến năn nỉ, xin lỗi gia chủ và cười xòa. Hắn đi nhậu suốt ngày, kể cũng lạ, sao cũng có lắm người cùng cảnh với hắn thế không biết, cứ bảnh mắt ra là đã hú hí tìm đến, ai vừa trúng mánh thì mua rượu, còn thức nhắm thì vườn nhà ai có ổi, xoài, chuối thì bọn hắn cứ nghiễm nhiên hái về dùng tự nhiên như của nhà vậy. Hắn đi nhậu suốt ngày, tối về đến nhà thì khật khưỡng say. Những tháng ngày lực lưỡng làm thợ của hắn còn lại căn nhà lợp thiếc, nền tráng gạch tàu và hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Khổ cho vợ hắn mới ngoài ba mươi mà hom hem như bà lão, điều này hơi hiếm đối với những người phụ nữ Nam bộ, vì thường thì phụ nữ nông thôn Nam bộ trước đây ít đi làm đồng, được chồng cưng chiều, chỉ ở nhà cơm nước chăm sóc chồng con, nên ai cũng phơi phới và trẻ hơn so với tuổi. Còn vợ hắn, từ ngày hắn nghiện rượu, bỏ bê công việc, thị phải lo hết các việc trong nhà, cũng đầu tắt mặt tối đi làm mướn để kiếm tiền
  4. mua từng lít gạo nuôi con. Rồi tối còn phải phục vụ chồng, phục vụ những cơn say, chịu đựng những cơn chửi người, chửi đời vô lối của hắn. Khi hắn tỉnh, thị cũng khuyên, cũng năn nỉ… nhưng tất cả như nước đổ lá môn, hắn ậm ừ rồi đâu lại vào đấy. Cái ngày định mệnh tan rã gia đình hắn đó là một buổi chiều hắn về sớm, không biết ma sui quỷ khiến thế nào mà hắn chửi và rượt đánh hai đứa con, rồi trong cơn phấn khích, hắn đem toàn bộ sách vở, quần áo của hai đứa con và cả những bộ đồ cũ rích màu cháo lòng của vợ hắn quẳng xuống sông. Vợ hắn về, đôi mắt thị vằn đỏ lên, tức nước thì vỡ bờ, thị vớ lấy cái cây hàng ngày dùng chống cửa sổ cứ nhằm vào người hắn mà phang lấy phang để. Vừa phang thị vừa gào lên: Bảy ơi! Mày chết đi, mày có còn là người không?Trời ơi! Sao tôi khổ vậy trời. Cũng may, vì thị ốm yếu lắm rồi nên sức đâu mà phang hắn, thị dừng tay hổn hển thở, rồi nước mắt cứ thế trào tuôn nơi gò má đã sạm đen và hốc hác của thị. Hắn thì say khướt nên cũng chỉ ngồi một chỗ chửi vợ, chửi con, chửi cả ông cố ông sơ họ hàng nhà vợ. Hàng xóm và cả anh em ruột của thị cũng ở gần đấy, họ nghe hết cả, nhưng họ đã quen cảnh nên chẳng ai ngó ngàng hoặc chạy sang can. Tối hôm ấy, vợ hắn đã dẫn hai đứa con đi biệt. Vậy là cuộc đời hắn đã rẽ vào bước ngoặt khác kể từ lúc vợ hắn bỏ đi, hắn sống lay lắt một mình trong căn nhà, tài sản duy nhất của hắn lúc này. Ba mẹ hắn đã theo ông bà hết rồi, nhà hắn có 8 anh em, kiến giả nhất phận, ai cũng vất vả lo kiếm sống, mỗi người một nơi nên chẳng ai quan tâm đến hắn. Mới 38 tuổi mà nhìn hắn cứ như một ông lão khọm. Hàng ngày hắn ngóng bạn rượu, hoặc ai nhờ việc vặt gì thì làm một lúc, xong xin độ 10 - 20 ngàn và đi uống rượu, chứ làm ròng rã suốt ngày thì hắn không làm nổi, và cũng chẳng có ai mướn hắn nữa. Căn nhà gỗ bạch đàn mà hắn làm cho tôi năm xưa, rồi cũng tới lúc nó mục, mỗi khi giông gió nghe nó sàng qua sàng lại là tôi không thể nào chợp mắt được. Vợ chồng tôi bàn nhau, phải xây nhà mà ở cho nó chắc chắn. Những việc làm ăn khác cứ gác lại, đất thổ cư thì rộng, cứ ưu tiên thời gian làm nhà đã. Nói là làm, chẳng cần xem ngày, vợ chồng tôi cứ nhằm ngày 19 mà khởi công, rồi thuê thợ làm, ông xã tôi huy động cứ hơn 20 thợ mỗi ngày, anh trực tiếp chỉ đạo các khâu.
  5. Sáng hôm ấy, mọi người đang ăn cơm sáng thì anh chở hắn về nhà. Tôi kéo chồng vào buồng bảo: Bộ anh hết người mướn rồi sao mà mướn nó. Anh bảo sáng nay anh uống càfê, gặp nó, hỏi chuyện thấy nó tội nghiệp quá, nó bảo cậu có việc gì làm cho con làm ăn cơm cũng được. Không phải anh tham, mà anh bảo để anh thử xem có vực đựơc con người nó lại được không thôi. Thấy anh nói thế, tôi chẳng biết nói sao đành chấp nhận vậy. Rồi lẳng lặng đi lấy chén đũa gọi hắn vào ăn cơm. Chén cơm tôi vừa bới xong cho hắn thì đã thấy hắn cầm hẳn một ly rượu thuốc màu nâu sóng sánh (cái ly uống trà đá, chứ không phải uống trà nóng), dễ cũng gần nửa lít, và tu cái ực một cái hết vèo. Hắn chùi mép và nói: Mợ ngâm rượu thuốc cho cậu ngon thật, uống thật đã. Tôi định lên tiếng thì chồng tôi liếc tôi, biết ý, nên tôi im luôn. Tôi đi làm mà lo ngay ngáy, chỉ sợ cái thân hình lỏng khỏng của hắn leo lên giàn giáo đóng laphong nhỡ rơi xuống đất thì vợ chồng tôi lãnh đủ, vì hắn đâu còn ai thân thích ở đây, bên vợ thì không ai dòm ngó rồi. Nên chốc chốc, tôi lại điện về hỏi con trai xem ba biểu anh Bảy làm gì. Con trai vâng mệnh lệnh của tôi nên cũng giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của hắn và báo cho tôi biết. Từ khi có hắn đến làm, dường như mọi câu chuyện đều xoay hẳn vào hắn. Ôi cái đám thợ, tay thoăn thoắt xây tô nhưng miệng cũng không ngơi khai thác hắn, kẻ tâng người bốc cứ nhộn nhạo cả lên. Nào là hắn sống như thế nào, ăn uống ra sao, có nhớ vợ con không, không vợ con có đi me em nào không… Còn hắn thì cứ thật thà, tồng tộc kể hết chuyện của hắn cho đám thợ nghe. Mà hình như hắn kể chuyện thì nhiều, chứ có làm mấy đâu, con trai tôi bảo anh ấy đóng được vài cây đinh lại tụt xuống ghế ngồi… thở và trả lời những câu hỏi nhâu nhâu của đám thợ. Miệng kể, nhưng mắt thì cứ dán vào keo rượu thuốc để ở góc nhà cũ bên này rồi nuốt nước miếng ừng ực. Những lúc chồng tôi chạy đi mua vật liệu, là hắn cứ tự nhiên múc một ly và tu ực một cái, xong chùi mép xem như vừa uống một ly nước đá vậy. Hắn làm mấy ngày, tôi xâu chuỗi qua những lời hắn kể và của đám thợ lắm điều cũng hình dung rõ thêm về con người, cuộc sống của hắn. Tôi nghe mà cứ như vừa xem bộ phim không tưởng vậy. Hắn bảo đã lâu lắm hắn không hề tắm giặt, đi nhậu từ sáng đến
  6. tối, lết về nhà thì trệu trạo nhai mì sống, từ ngày vợ hắn đi đến giờ, hắn chưa bao giờ nấu cơm cả. Nồi xoong bát đũa, tất tật những cái gì có thể đổi thành rượu, thành tiền thì hắn đã đổi hết rồi. Đồ nghề thợ mộc của hắn cũng chẳng còn gì cả, căn nhà hắn ở chỉ còn cái chiếu rách, một cái mền cũ, mấy cái chai rượu lăn lóc ở góc nhà và một sào quần áo rất chịu khó lưu trữ bụi bặm mồ hôi của hắn. Cái vách nhà cũng trống hoác mất đi vài tấm thiếc, hắn bảo làm nhà cứ nên đóng thiếc như thế, khi không còn tiền uống rượu gỡ vách bán ve chai mủ bể cũng có tiền uống. Trời ạ! Sáng kiến kinh nghiệm thật khác người. Lúc trầm tĩnh hắn nói mà như thủ thỉ với tôi: Mợ ơi! Mợ có tin suốt bốn ngày con không ăn gì không? Có lúc mệt quá, sáng con không thức nổi, nằm luôn… cứ thế nằm hẳn 4 ngày. Mà hàng xóm cũng chẳng ai quan tâm đến hắn nữa. Kể cũng phải thôi, đến vợ con hắn còn phải bỏ hắn mà đi thì ai thương xót nổi đây. Họa chăng khi hắn tắt thở, bốc mùi thì họ mới đến chắc là chỉ vì mục đích giữ vệ sinh môi trường thôi. Khi đói và mệt, trong cái khó ló cái khôn. Hắn bảo con kinh nghiệm lắm, khi mệt quá cứ quấn mền vào người cho thật chặt cho vã hết mồ hôi ra, thế là tỉnh, lại bò dậy đi kiếm rượu uống tiếp. Ôi! Tôi nghe mà cứ lùng bùng lỗ tai, thời này lại có một con người sống như thế ư? Đến Chí Phèo xưa khi ốm cũng còn có thị Nở nấu cho bát cháo hành mà tỉnh người. Sau khi nghe rõ chuyện về hắn, cả gia đình tôi cùng tốp thợ, bắt đầu làm một cuộc cách mạng với cuộc đời hắn, coi như thử nghiệm. Sáng, chồng tôi bắt hắn ăn hết 2 bát cơm, tất nhiên vẫn ưu ái dành cho nửa ly rượu. Giữa buổi keo rượu được cất vào tủ khóa lại đề phòng hắn uống trộm. Trưa và chiều cũng thế, cứ tăng dần lượng cơm và thức ăn, giảm dần lượng rượu. Vất vả nhất là cái khâu bắt hắn tắm, đám thợ bảo nếu hắn không tắm thì không thèm ngồi chung mâm, hắn bảo không ngồi chung thì dọn riêng cũng được. Chồng tôi nghĩ cách, bắt hắn lấy giấy nhám chà tường. Thấy hắn miết bàn tay run rẩy từng nhát trên tường cũng tội, rồi hắn cũng làm, chắc cũng nhờ mấy bát cơm nên hắn đã có sức trở lại, thế là mồ hôi mồ kê ra nhễ nhại, quyện vào với bụi của bột bê dính bê bết người hắn.
  7. Chiều hôm ấy, hắn vẫn chờn vờn trên bờ chứ chưa chịu xuống kênh tắm. Lũ thợ thấy thế nháy nhau và mỗi đứa một tay túm lấy hắn và quăng tùm xuống kênh, hắn biết lội nên không chìm mà nổi lên liền, cái đầu hắn lóp ngóp vào đến bờ thì bọn thợ lại đẩy ra xa, cứ thế mấy lần, hắn sợ quá phải hứa sẽ tắm tụi thợ mới cho lên cầu ngồi. Lần này thì hắn tắm và gội đầu thật, lại còn cả tự giặt quần áo nữa. Bữa tối hôm ấy mọi người rôm rả cười nói cứ như là vừa lập được thành tích ở một trận đánh lớn vậy. Còn hắn, vừa ăn, vừa uống rượu và cười khà khà, có lẽ tắm gội sạch sẽ nên hắn cũng dễ chịu một chút chăng. Được như thế độ 10 hôm thì hắn đã khá hơn, nhìn người đã có thần sắc hơn trước nhiều. Gia đình tôi tuy bộn bề việc làm nhà với bao lo toan vất vả nhưng thấy cải thiện hắn được một bước thấy cũng vui vui. Nhưng người ta nói ở đời, niềm vui mấy khi tày gang đâu, tối hôm đó cơm nước xong, hắn bỗng dưng sấn sổ bảo tôi tính tiền làm cho hắn. Chồng tôi bực nói tính cho hắn bằng công thợ phụ 100.000 đồng một ngày. Hắn không chịu, bảo phải tính theo giá thợ chính 150.000 đồng một ngày. Ui trời! Có phải tôi tiếc tiền mà tính toán mặc cả với hắn đâu. Điều chúng tôi buồn là tâm tánh của hắn vẫn như cũ, không hề thay đổi. Định để dành cho hắn phòng khi ốm đau, hoặc đưa từ từ cho hắn xài. Nếu tính nết hắn thay đổi, biết đâu vợ con hắn lại trở về với hắn. Nói nhỏ nhẹ với hắn, hắn còn gắt to hơn. Chúng tôi đành chịu, không muốn để xóm giềng hiểu sai khi dính líu với hắn. Tôi đưa cho hắn gần hơn ba triệu đồng mà thấy xót xa quá, vì nghĩ với số tiền này hắn tự do uống rượu chắc sẽ say rượu té kênh té đìa mà chết sớm thôi. Tôi bần thần nhìn hắn cầm nắm tiền mừng rú lên cười sằng sặc, bảo ôi nhiều quá, thích quá, cảm ơn tôi rối rít. Bước chân hắn ngả nghiêng xa dần ngõ nhà tôi, vầng trăng sáng rực của đêm rằm bỗng dưng tối sầm lại. Mấy hôm sau nữa, chẳng thấy hắn bén mảng đến nhà tôi, tốp thợ đang hoàn thành các công đoạn cuối của công trình, ai cũng có vẻ mỏi mệt nên không còn hơi sức mà bàn tán về chuyện của hắn nữa.
  8. Một buổi trưa, con trai tôi hớt hải về nhà, cu cậu hổn hển nói không lên lời: Ba mẹ ơi! Anh Bảy… Anh Bảy... Tôi hỏi dồn: Anh Bảy làm sao con? Trong tiếng nói đứt quãng của con tôi báo tin hắn đã chết. Và suy nghĩ của chúng tôi đã không nhầm, hắn đã té xuống bờ Kênh số 7 và chết đuối. Khi hắn nổi lên thì mọi người mới phát hiện. Vợ chồng tôi đưa mắt nhìn nhau, như thấy ân hận, có gì đấy nghèn nghẹn trong lòng. Có phải chúng tôi đã gián tiếp gây ra cái chết cho hắn, giá như chồng tôi đừng rước hắn về nhà hôm ấy, giá như tôi chịu điều tiếng với xóm giềng đừng đưa hết tiền cho hắn, giá như…
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2