YOMEDIA
ADSENSE
Biển, đảo Việt Nam (Tập 3): Phần 2
15
lượt xem 7
download
lượt xem 7
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Cuốn sách "Biển, đảo Việt Nam những thông tin cơ bản (Tập 3) Khai thác sử dụng biển đảo Việt Nam" được biên soạn nhằm góp phần cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về biển, đảo Việt Nam và tình hình khai thác, sử dụng biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam, tiếp theo tập 1, 2 của bộ sách Biển, đảo Việt Nam - Những thông tin cơ bản. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung phần 2 dưới đây!
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Biển, đảo Việt Nam (Tập 3): Phần 2
- II THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP KHAI THÁC, SỬ DỤNG BIỂN VIỆT NAM Câu hỏi 6: Lịch sử khai hoang lấn biển ở Việt Nam diễn ra như thế nào? Trả lời: Từ xưa ông cha ta đã nói, Việt Nam là đất nước “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, ngụ ý rằng, nước ta có biển rộng, nhiều núi đồi, nhưng rất ít đất ở và trồng trọt. Đất đã chật, người lại đông, bởi thế công cuộc khai hoang để mở mang, khai phá ruộng đất, phát triển kinh tế - xã hội đã được chú ý và bắt đầu từ lâu đời với quy mô và hình thức khác nhau. Các hoạt động khai hoang lấn biển được tiến hành ở các vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, đất tốt và dễ canh tác, nhất là vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Một cách tự nhiên, đây là những vùng “châu thổ lấn tiến” ra biển và ở vùng ven biển của hai đồng bằng này hình thành nên các bãi bồi phù sa rộng lớn, tốc độ vươn ra biển hằng năm khá nhanh. Mục đích chung và xuyên suốt trong thời gian dài của hoạt động khai hoang lấn biển là để tăng 23
- diện tích đất trồng lúa, tạo dựng nền văn minh “trồng lúa nước” điển hình ở nước ta. Đầu tiên dân ta lấn các bãi bồi ven sông, sau đó chuyển sang lấn biển kết hợp “thau chua, rửa mặn” để ngọt hóa làm nông ở quy mô nhỏ lẻ, lâu dài dần chuyển thành làng mạc. Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, vùng đất bãi bồi ven biển đồng bằng sông Hồng rộng mênh mông hầu như chưa được khai phá, chỉ có vài làng tự phát, nhà cửa thưa thớt phía trái sông Hồng. Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên có công khai hoang lấn biển ở “quy mô lớn”, hình thành nên đơn vị cấp huyện từ khai hoang lấn biển là Tiền Hải (1828), nay thuộc tỉnh Thái Bình, và Kim Sơn (1829), nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Sự nghiệp lấn biển cũng gắn với tài tổ chức của Nguyễn Công Trứ, ông tập hợp người lao động nghèo, phát triển sinh kế mới và khát vọng hướng biển lập cơ đồ. Trong những năm 1961 - 1970, Chính phủ ta đã phát động phong trào khai hoang các vùng đất mới, gồm đồi núi hoang vu và lấn biển với mục đích để giãn dân, phát triển các vùng kinh tế mới, cải thiện đời sống của người dân. Ở vùng ven biển, lấn biển vẫn chủ yếu canh tác nông nghiệp, một số nơi lập nên những nông trường rộng lớn, sau này kết hợp làm các khu đầm nuôi thủy sản thông qua hình thức “quai đê” lấn biển. Các khu vực ven biển có rừng ngập mặn và đất chua phèn, sau khi lấn biển thì năng suất lúa và tôm đều thấp do đất ở đây dùng vài năm bị suy thoái, bị cứng rắn hóa, 24
- bị chua phèn và giải phóng lưu huỳnh tự sinh gây độc cho môi trường nước mặn - lợ. Càng về sau, lấn biển càng được thực hiện cấp tập hơn, đất lấn biển được sử dụng với mục đích xây dựng hoặc mở rộng đô thị, làm khu công nghiệp, trang trại nuôi thủy sản,... theo cách “đồng nhất hóa” việc sử dụng các vùng đất ven biển khác nhau về bản chất. Hệ lụy là nhiều vùng đất sau đó bị hoang hóa, thay đổi về chất, không cho năng suất như mong muốn. Tuy nhiên có thể nói, dù có những thành bại thế nào thì lấn biển/tiến biển vẫn luôn là khát vọng của người Việt, không chỉ để mưu sinh mà còn để tiến ra biển khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc1. Công cuộc khai hoang, chinh phục những vùng đất mới là việc làm không thể thiếu được của mỗi triều đại hay mỗi một thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Thời Trần, các vương hầu, quý tộc được Nhà nước cho phép tổ chức khai hoang lập ra các điền trang thái ấp ở Nam Định có Trần Liễu, Trần Nhật Duật,... Thời Lê sơ, Nhà nước tập trung khai hoang ở địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định,... Cho đến nhà Nguyễn đã xác lập hình hài của lãnh thổ đất liền nước ta hình chữ S ven bờ Biển Đông. Triều đình Nguyễn cũng đã khai phá khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long ven sông Tiền, sông Hậu 1. Nguyễn Chu Hồi: “Lịch sử và tương lai của công cuộc lấn biển”, tạp chí Kiến trúc và Quy hoạch, Hà Nội, 2021. 25
- đến tận ven sông Vàm Cỏ gọi là vùng Mỹ Tho - Long Hồ (Vĩnh Long - Mỹ Tho - Cần Thơ - An Giang). Đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ rất tốt, quanh năm có nước ngọt, mùa lũ không ngập, một vùng đất lý tưởng để làm ruộng, trồng màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng cau, dừa và các loại cây trái đặc sản. Đây cũng là vùng giàu có nhất nước về cây ăn quả, về thủy hải sản. Ba nền văn minh về nông nghiệp của Nam Bộ cũng xuất hiện phần lớn ở vùng này. Đó là văn minh lúa nước, văn minh miệt vườn và văn minh kênh rạch Nam Bộ. Những cuộc khai hoang mang lại ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, vì thuế ruộng đất là nguồn thu chủ yếu cho ngân khố quốc gia của các triều đại phong kiến. Ruộng đất canh tác càng nhiều thì tỷ lệ với nó là số ruộng đất đóng thuế nhiều lên và số lượng thuế thu được cho triều đình cũng gia tăng. Cũng vì lẽ đó mà trong bản điều trần của Nguyễn Công Trứ dâng lên vua Nguyễn, để xin khai hoang vùng Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) cũng nhấn mạnh vấn đề thu lợi cho ngân sách quốc gia và lợi ích kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, trong lịch sử dân tộc đã nổi lên một số cuộc khởi nghĩa nông dân liên quan đến vấn đề ruộng đất. Đối với nông dân, ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Triều đình phong kiến lấy biện pháp khai hoang để xung đất thành ruộng công rồi đem chia cho dân, coi đây là giải pháp nhằm dẹp yên các cuộc khởi nghĩa nông dân. Ngay cả việc 26
- chiêu mộ dân phiêu tán, binh lính và tù phạm đi khai hoang cũng được xem là biện pháp mang lại nhiều lợi ích. Vì đất hoang khi đã sinh ra lời rồi thì tự nó nuôi sống những binh lính và tù phạm, ngoài ra còn góp phần không nhỏ vào vốn đất công cho nhà nước, làm gia tăng nguồn thuế cho triều đình. Chủ trương này còn làm bình ổn xã hội, tạo việc làm cho một số người thuộc đối tượng chống đối. Do vậy, từ thế kỷ XI về sau, các triều đại liên tục thực hiện chủ trương này. Năm 1044, Lý Thái Tông đem hơn 5.000 tù binh Chiêm Thành về khai hoang ở Nghệ An và Hưng Hoá. Năm 1230, nhà Trần dùng tội nhân bị đày làm lính Lao thành phải làm việc phát cỏ rậm. Năm 1481, Lê Thánh Tông đã dùng binh lính lập thành 42 đồn điền tập trung ở vùng Nam Trung Bộ, nơi đã bình Chiêm, để khai phá đất mới. Năm 1572, Nguyễn Hoàng cho tù binh nhà Mạc đi khai hoang vùng Gio Linh (Quảng Trị) lập ra 36 làng. Năm 1741, Trịnh Doanh đã dùng binh lính lập ra 33 sở đồn điền ở kinh kỳ và các trấn. Đặc biệt, nhà Nguyễn đã sử dụng đông đảo lực lượng binh lính và tù phạm tham gia khai hoang, năm 1822 lập 117 sở đồn điền ở Nam Kỳ. Nhà Nguyễn coi khai hoang, lấn biển là quốc sách, có quan “doanh điền sứ” trông coi. Quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã lấy địa bàn cấp huyện làm quy hoạch khai hoang và lấy thủy lợi làm căn cứ tổ chức quy hoạch ruộng đất. Chỉ tính từ năm 1826 đến năm 1842, 27
- Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khai hoang, lấn biển được khoảng 16.480 ha. Sau năm 1954, Nhà nước ta đã chủ trương tiến hành khai hoang xây dựng các vùng kinh tế - dân cư mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa III (tháng 7/1961) đã nêu: “Phải tận dụng những đất còn bỏ hoang, bỏ hóa, những đất bồi ở ven sông, ven biển”1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa III nêu cụ thể hơn: “Trong 5 năm, phải khai hoang thêm khoảng 45 vạn hécta”2. Để quản lý việc này, Chính phủ đã thành lập Cục Khai hoang nhân dân thuộc Bộ Nông trường. Đến tháng 02/1963, Cục này được nâng lên thành Tổng cục Khai hoang trực thuộc Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm hoạch định kế hoạch và tổ chức khai hoang trên toàn miền Bắc, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 17/CP ngày 21/02/1963 của Hội đồng Chính phủ. Tại Thông tư liên bộ giữa Bộ Nội vụ và Tổng cục Khai hoang ngày 07/3/1963 đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy khai hoang của địa phương. Theo đó, căn cứ tính chất việc tổ chức nhân dân khai hoang và khối lượng công tác của từng địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thành lập Ty khai hoang hoặc 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.22, tr.425. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.24, tr.475. 28
- Phòng khai hoang trực thuộc Ủy ban hành chính. Sau khi thống nhất đất nước (1975), việc lấn biển, khai thác các bãi bồi và bảo vệ đất đai, chống xói lở bờ biển càng được chú trọng đặc biệt. Theo thống kê những năm 1958 - 1994, tại miền Bắc đã có 56 công trình khai hoang lấn biển với tổng diện tích là 55.465 ha. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tại Cà Mau, diện tích đất bồi tự nhiên bồi lấn ra biển trung bình hằng năm từ 80 đến 100 m. Câu hỏi 7: Quá trình từ lấn biển làm nông nghiệp đến lộ trình phát triển đô thị biển diễn ra như thế nào? Trả lời: Vào những năm 1997 - 1998, kinh tế Việt Nam đã có những biến động lớn do chịu ảnh hưởng lan truyền từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ của khu vực Đông Á. Hàng loạt rào cản đối với nền kinh tế quốc dân từ cuộc khủng hoảng trên đã bộc lộ, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta bị chậm lại, GDP/người đã không thể tiếp tục duy trì và giảm xuống còn 4% vào giai đoạn 1998 - 1999; các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký tham gia khi đó chưa kịp phát huy tác dụng; đầu tư nước ngoài cũng hạn chế,... Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tiến ra biển, dựa vào biển vẫn là khát vọng cháy bỏng của Việt Nam. Chính thời điểm đó ở Việt Nam vẫn xuất hiện dấu ấn của việc chuyển từ “lấn biển” sang “tiến biển” 29
- theo nghĩa vượt ra khỏi không gian ven bờ để nối kết với không gian đảo gần bờ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển. Trong bối cảnh đó, mô hình những đô thị “tiến biển” dọc theo chiều dài đất nước đã xuất hiện, đánh dấu bước chuyển dịch quan trọng về nhận thức và tư duy với niềm tin vào những bước đột phá tiếp theo. Để làm được điều đó, cần có thể chế, chính sách mới và cần độ mở về cơ chế đủ để đánh thức tiềm năng vốn có của biển, đảo và vùng ven biển nước ta, đó là bài học quý được rút ra cho đến nay. Công cuộc đổi mới nào cũng cần có con người và nguồn lực, đặc biệt là từ các doanh nghiệp và doanh nhân, khi đất nước ta chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa “biển” đòi hỏi những người tiến biển phải có tố chất dám nghĩ, dám làm, thậm chí phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro vì suất đầu tư vào dự án biển thường lớn nhưng cho hiệu quả lâu dài. Đảo Tuần Châu có thể xem là một ví dụ, khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng”, tranh thủ huy động vốn doanh nghiệp bằng “cơ chế” đúng, chấp nhận “đánh đổi” nhưng hai bên đều có lợi. Ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Công ty Âu Lạc - rất tự tin và quyết đoán đã mạnh dạn đầu tư vào đảo Tuần Châu, điều chỉnh linh hoạt và từng bước nâng cấp theo hướng hiện đại hóa rõ rệt. Đích cuối của ông là biến hòn đảo gần bờ, hoang sơ thành một khu đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế. 30
- Tuần Châu đã trở thành một khu đô thị du lịch đảo nổi tiếng thế giới trong quần thể đảo vịnh Hạ Long - Cát Bà với những giá trị di sản ngoại hạng toàn cầu. Tuy nhiên, vị thế và vẻ đẹp Tuần Châu sẽ được tôn vinh hơn thế nữa nếu tiến biển, nối kết bờ với hòn đảo này, khi đó không phải bằng một con đường mà bằng một cây cầu đẹp về kiến trúc, có giá trị văn hóa biển riêng, “tính đảo” của Tuần Châu còn nguyên vẹn chứ không bị “đất liền hóa” theo cách lấn biển xưa cũ. Tuy đi sau, nhưng Công ty cổ phần Vinpearl, thành viên của Tập đoàn Vingroup đã xây dựng thành công Khu du lịch Hòn Ngọc Việt trên đảo Hòn Tre, trong vịnh Nha Trang (một trong những vịnh đẹp toàn cầu), tỉnh Khánh Hòa. Ban đầu là một khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng quy mô khiêm tốn ở Vũng Me, bãi Trũ thuộc đảo Hòn Tre (đảo rộng khoảng 36 km2), mở cửa vào năm 2003, sau được nâng cấp, mở rộng và có thể xem là một kiểu “Tiểu đô thị du lịch - dịch vụ đảo” đa dạng, một thiên đường du lịch biển, đảo của Việt Nam có đẳng cấp quốc tế với tên gọi mới từ năm 2006 - Vinpearl Land Nha Trang. Câu chuyện về khu đô thị ven biển mới khang trang bên bờ biển Tây nhờ lấn biển ở vịnh Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cũng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Người dân địa phương tự hào về sự “thay da, đổi thịt” của thành phố Rạch Giá và đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai phát triển của nó. 31
- Nhớ lại, dự án lấn biển Rạch Giá được chính thức khởi công từ năm 1999 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 420 hécta, khu Tây Bắc gần 100 hécta (khởi công năm 2015) và khu vực bãi bồi tự nhiên 16 hécta. Chỉ riêng dự án lấn biển, Rạch Giá đã giải quyết đất ở cho 60.000 người dân cùng với việc xây dựng các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, quảng trường, bệnh viện, trường học,... Công ty cổ phần đầu tư Phú Cường là đơn vị đầu tiên được tỉnh Kiên Giang bàn giao khoảng 160 hécta đất trong dự án biển Rạch Giá để xây dựng khu đô thị mới, có hạ tầng đồng bộ, các công trình đẳng cấp và hấp dẫn phục vụ cư dân địa phương và du khách,... Nhờ lấn biển, thành phố Rạch Giá có tầm vóc mới, có giá trị vị thế mới, xứng đáng là “thủ phủ” phía tây nam Tổ quốc. Gần đây, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 hécta đã được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư. Nếu được triển khai, đây sẽ là một trong những dự án tạo ra bước đột phá mới cho huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước trong việc phát triển kinh tế biển. Có thể nói, dự án này kế thừa không gian vốn có của thị trấn Cần Giờ hiện nay trên một cồn cát cửa sông đã cơ bản ổn định và sẽ bồi mở rộng về phía biển. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho khả năng nối kết và hài hòa sinh thái với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, phát huy các giá trị của 32
- “Khu rừng Sác” lịch sử cũng như những khu đô thị, công nghiệp lân cận,... Song, để phát huy các lợi thế vốn có, Cần Giờ cần phát triển theo mô hình đô thị sinh thái ven biển xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng với các ưu tiên cho phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn rừng ngập mặn, sử dụng năng lượng tái tạo, và là một trung tâm tài chính - văn hóa, thương mại - dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh. Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài và nhiều đảo với các lợi thế cơ bản về phát triển cảng biển, đô thị, các khu công nghiệp và kinh tế biển đa lĩnh vực. Trong đó, cần phải phát triển các đô thị biển, bao gồm đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị trên biển và đô thị dưới đáy biển đang là một xu hướng thực tế, khách quan, không xa với sự “can thiệp” của công nghệ đại dương. Phát triển các đô thị biển là vấn đề chiến lược dài hạn để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển, tiến ra biển. Thời gian qua, các đô thị ở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã có những đóng góp to lớn về phát triển kinh tế. Bởi vậy, đô thị biển không chỉ là nơi tích tụ dân số, mà phải là các trung tâm kinh tế biển lớn - kinh tế đô thị biển. Phát triển hệ thống đô thị biển được tiến hành như sau: Thứ nhất là, phải thể chế hóa, tạo cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp/doanh nhân 33
- và người dân. Thứ hai là, các đô thị biển phải có vị trí xứng đáng trong “Quy hoạch không gian biển quốc gia” thực hiện Luật quy hoạch năm 2017. Thứ ba là, kinh tế đô thị biển phải được nhìn nhận như một lĩnh vực quan trọng của kinh tế biển nước ta, tương xứng các ngành/lĩnh vực kinh tế biển khác. Phát triển các đô thị biển cần có thời gian dài và lộ trình hợp lý. Trước hết là, chỉnh trang, nâng cấp và xây mới các đô thị ven biển, chú trọng các đô thị ven biển gắn với cảng nước sâu, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa) gắn với cảng cùng tên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gắn với cảng Vũng Áng, Chu Lai (Quảng Nam) gắn với cảng Kỳ Hà, Núi Thành (Quảng Ngãi) gắn với cảng Dung Quất,... Thứ hai là, sớm xây dựng chuỗi đô thị đảo tiếp theo thành phố đảo Phú Quốc, có thể là thành phố Côn Đảo, thành phố đảo Phú Quý, thành phố đảo Lý Sơn, Vân Đồn, Cô Tô,... Thứ ba là, xây dựng các đô thị trên biển gắn với các cụm đảo nhỏ, các vị trí bảo tồn biển,... Đây cũng là căn cứ thu hút sự quan tâm và định hướng sự vào cuộc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngày nay, lấn biển và tiến biển đa dạng hơn, nhiều mục đích hơn, quy mô rộng lớn hơn, chất lượng ở đẳng cấp cao hơn nhiều với việc áp dụng chọn lọc và hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra một khu kinh tế, một khu đô thị xanh, sạch và thông minh. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại các bài học khai hoang lấn biển của cha ông trong quá khứ và tiến biển của 34
- thế giới hiện đại. Trong đó, phát triển các đô thị biển gắn với kinh tế đô thị và bảo đảm quốc phòng an ninh ở tất cả các mảng không gian ven biển, đảo, biển và đáy biển là yêu cầu cấp bách và mang tầm chiến lược để “Việt Nam không mãi đứng ở ven bờ”. Câu hỏi 8: Nước ta đã biến các “lợi thế” thành “lợi ích” biển như thế nào? Trả lời: Trong thực tế, đầu tư vào biển cũng là một dạng đầu tư “mạo hiểm”, do đó rất cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng từ phía Nhà nước để khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp chủ động tham gia. Ở nước ta, ngày càng có nhiều dự án lấn biển, tiến biển ra đời, được thực hiện ở hầu hết địa phương ven biển với quy mô khác nhau. Bên cạnh những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động lấn biển cũng đặt ra những vấn đề phải giải quyết, nhất là về mặt môi trường và xã hội. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các luật, cũng như các văn bản dưới luật liên quan tới khai thác, sử dụng biển, đảo, bao gồm hoạt động lấn biển, tiến biển. Tuy nhiên, để các dự án lấn biển đạt hiệu quả cao, bảo đảm an toàn sinh thái và môi trường, cần phải có chính sách, cơ chế, quy định cụ thể đối với các hoạt động đặc thù này. Nghị định của Chính phủ về lấn biển với tinh thần chung là tháo gỡ quy định chồng chéo giữa các luật, chính sách trong cùng ngành, giữa các ngành, 35
- giữa Trung ương và địa phương; bảo đảm lợi ích của người dân liên quan dự án; bảo đảm hài hòa giữa phát triển và môi trường; khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án lấn biển, tiến biển,... Bên cạnh đó, Nghị định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển, tiến biển, bảo đảm lợi ích “kép”, bảo tồn để phát triển và ngược lại. Theo tinh thần của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nước ta phải hướng ra biển, tiến ra biển và dựa vào biển để biến các lợi thế thành lợi ích, trong khi vẫn duy trì được khối tài sản tự nhiên biển quốc gia - yếu tố đầu vào của kinh tế biển xanh. Cho nên, cần chú trọng khai thác các giá trị không gian, giá trị phi vật chất và giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái biển. Tổ chức lại không gian kinh tế biển theo hướng ưu tiên phát triển các khu kinh tế biển, các đô thị lấn biển/tiến biển để hình thành các vùng kinh tế biển động lực, các “cực phát triển” kinh tế biển mạnh và có khả năng lan tỏa; bảo đảm liên kết vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh vùng miền. Phát triển kinh tế biển giàu mạnh là cách tốt nhất để bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên biển; góp phần duy trì môi trường hòa bình và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Trong công cuộc tiến biển, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân cực kỳ quan trọng. Kinh tế biển nước ta rất cần có sự chung tay của “các đầu 36
- tàu kinh tế”, đặc biệt khi nhu cầu đầu tư trí lực, tài lực, vật lực và nhân lực cho các phương án tiến biển có chất lượng cao và mang lại lợi ích chiến lược được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư cho các dự án tiến biển còn ít, chủ yếu vẫn dựa vào lấn biển để mở rộng vùng ven biển. Tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các phương án tiến biển xứng tầm là một nhu cầu thực tế khách quan. Việt Nam cần tiến biển với tâm thức mới, tư thế mới, ý chí mới cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự chung tay của các doanh nhân, cùng với những người lao động biển của các ngành kinh tế biển khác để không còn đơn thuần là ra biển chỉ để làm kinh tế, làm giàu cho gia đình, cho doanh nghiệp, mà còn là góp phần quyết định vào việc khẳng định và thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông. Câu hỏi 9: Tác động môi trường từ hoạt động khai hoang lấn biển? Trả lời: Vùng ven biển nước ta đa dạng về các hệ tự nhiên và hệ sinh thái, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, luôn biến đổi theo thời gian và dưới tác động từ các hoạt động của con người. Đặc biệt, nằm trong vùng nhiệt đới ẩm với sự hiện diện của hai đồng bằng châu thổ lấn tiến (sông Hồng và sông Mêkông) và đồng bằng cát ven biển miền Trung, quanh năm 37
- bồi tụ ở mức khác nhau. Do vậy, quỹ đất “dự phòng” quốc gia ven biển ở nước ta luôn gia tăng và cũng thường xuyên biến động do thiên tai, biến đổi khí hậu và quá trình khai thác, sử dụng của con người, đáng kể là hoạt động khai hoang, lấn biển. Thực tế những năm gần đây cho thấy ngày càng có nhiều dự án lấn biển được thực hiện, trong đó nhiều dự án lấn biển quy mô lớn ở khu vực biển nông ven bờ, trên nhiều bãi bồi - đối tượng tiềm năng cho hoạt động lấn biển. Diện tích có khả năng đưa vào khai hoang, lấn biển khu vực ven biển nước ta đạt hơn 100.000 ha. Vì thế, lấn biển vẫn là một “hướng mở” cho tương lai của các đô thị, khu kinh tế và dân cư ven biển,... Đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội biển, mà còn là giải pháp “chủ động ứng phó” với tình trạng xói lở bờ biển và nước biển dâng đang tác động hiện hữu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thu được thì hoạt động lấn biển cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết. Hoạt động lấn biển thường làm thay đổi một phần hoặc toàn bộ hệ thống tài nguyên ven biển, biển và đảo. Các công trình, hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; làm thay đổi động lực tương tác sông - biển ở vùng cửa sông ven biển, cũng như hệ dòng chảy biển nông ven bờ, gây sa bồi các cảng biển; tạo thuận lợi cho bồi lắng, sạt lở khu vực ven biển lân cận và gây xói lở bờ biển, 38
- làm mất an toàn cho chính các công trình ven biển. Hoạt động lấn biển cũng tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, tác động xấu tới đời sống của người dân ven biển. Xói lở bờ biển không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, tiền của, đất đai, tài sản, mà còn tác động mạnh đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến dân sinh - kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững vùng bờ biển nước ta. Việc quai đê, lấn biển để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ở các vùng cửa sông lớn giàu phù sa và đào hút cát và nước ngầm ngọt để nuôi tôm trong vùng đất cát đã và đang tác động đáng kể đến tài nguyên và môi trường ven biển. Lấn biển tự phát, tràn lan từ Bắc vào Nam, thiếu quy hoạch hợp lý và không được kiểm soát chặt chẽ đã dẫn tới ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái về mặt diện tích, suy thoái về chất lượng,... khiến cho nhiều loài thủy sinh vật, động vật sống ở ven biển và cửa sông giảm đáng kể. Cùng với nước biển dâng, quá trình xói lở, bồi tụ diễn biến phức tạp cả về quy mô lẫn cường độ tùy từng khu bờ biển phụ thuộc mức độ thay đổi điều kiện thủy động lực cụ thể. Ngoài ra, hoạt động lấn biển còn ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển, phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục. Một số dự án đầu tư liên quan đến lấn biển là dự án bất động sản đã “quây kín” mặt biển và đường ra biển, biến các không gian công 39
- cộng ven biển này thành “của riêng”, cản trở quyền tiếp cận của người dân với biển, hạn chế tiềm năng phát triển du lịch biển. Trong thực tế đã có những dự án phải ngừng triển khai do chưa cân nhắc kỹ càng về sự can thiệp kỹ thuật, về tác động kinh tế - xã hội, về ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh biển, đảo, thậm chí vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan, phá vỡ quy hoạch, biến tướng các dự án để tiến hành lấn biển trái phép, thậm chí một số địa phương buông lỏng quản lý,... đã làm nảy sinh một số vấn đề khá phức tạp như ở Quảng Ninh (Hạ Long, Cẩm Phả), Hải Phòng (Cát Bà), Thanh Hóa (Sầm Sơn), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh),... Câu hỏi 10: Quy định của pháp luật đối với hoạt động khai hoang, lấn biển hiện nay? Trả lời: Lợi ích và tác động của hoạt động lấn biển rất lớn, trong khi hệ thống pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. Pháp luật về đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung đối với việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định liên quan đến thẩm quyền đối 40
- với một số dự án lấn biển có quy mô lớn. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động lấn biển chủ yếu lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm). Pháp luật bảo vệ môi trường có quy định một số dự án lấn biển quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên không có yêu cầu quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển. Việc xem xét, thẩm định, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động liên quan đến lấn biển đối với đê, kè biển, cảng biển, lấn biển để trồng rừng ngập mặn đã được quy định rõ ràng hơn trong Luật đê điều, Bộ luật hàng hải, Luật lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhưng các yêu cầu về kỹ thuật cũng chưa được quy định cụ thể. Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa quy định trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ của các cấp, các ngành liên quan đối với hoạt động lấn biển, đặc biệt là không có các quy định, yêu cầu cụ thể đối với hoạt động lấn biển để bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững. Rõ ràng, việc thiếu các quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh hoạt động lấn biển là một trong 41
- những nguyên nhân dẫn đến tính tiêu cực của hoạt động lấn biển và nếu không được kịp thời bổ sung sẽ gây ra những hệ lụy phức tạp, khó lường trong thời gian tới. Vì vậy, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã yêu cầu: “Kiểm soát chặt chẽ các dự án quai đê, lấn biển”. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ xem xét, ban hành một nghị định về khai hoang, lấn biển. Câu hỏi 11: Thực trạng khai thác muối biển ở nước ta hiện nay? Trả lời: Là một quốc gia biển, nên nghề làm muối/ ngành muối (diêm nghiệp) cũng phát triển sớm ở nước ta và là một ngành kinh tế biển truyền thống, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ và chặng đường phát triển còn nhiều gian truân. Tuy nhiên, sản phẩm muối là thực phẩm không thể thay thế trong bữa ăn hằng ngày của con người và là thực phẩm lý tưởng nhất để bổ sung iốt cho người dân. Đây cũng là vấn đề mang tính toàn cầu trong phòng và chống bệnh bướu cổ - căn bệnh dẫn đến thiểu năng trí tuệ và ảnh hưởng đến tố chất giống nòi của các thế hệ mai sau. Không những thế, muối còn là nguồn nguyên liệu quan trọng không giới hạn để sản xuất các hóa chất cơ bản như NaCl và Sôđa tổng hợp - 42
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn