YOMEDIA
ADSENSE
Bình luận án lệ số 21/2018/AL về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê tài sản trước thời hạn
48
lượt xem 6
download
lượt xem 6
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết phân tích và có những luận giải về thực tiễn xét xử có áp dụng Án lệ số 21/2018/AL trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn. Bài viết còn đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng xét xử đối với những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự Án lệ số 21/2018/AL.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bình luận án lệ số 21/2018/AL về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê tài sản trước thời hạn
- BÌNH LUẬN ÁN LỆ SỐ 21/2018/AL VỀ XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN TRƯỚC THỜI HẠN TS. Lê Nguyễn Gia Thiện Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM Phạm Phương Thảo Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM Tóm tắt Dưới góc độ pháp luật của các nước civil law, trong đó có Việt Nam, án lệ có vai trò giải thích những điều luật chưa rõ ràng hay có thể được hiểu theo nhiều cách. Bên cạnh đó, án lệ còn tạo ra các giải pháp lý, tạo sự thống nhất trong xét xử. Thông qua bài viết, chúng tôi sẽ phân tích và có những luận giải về thực tiễn xét xử có áp dụng Án lệ số 21/2018/AL trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn. Bài viết còn đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng xét xử đối với những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự Án lệ số 21/2018/AL. Từ khóa: Án lệ, Án lệ số 21/2018/AL, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thiệt hại thực tế là khoản tiền thuê còn lại trong hợp đồng. 1. Tổng quan về án lệ Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, điều tiên quyết là hệ thống tư pháp phải khắc phục được những điểm còn thiếu sót, lỗi thời nhằm tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, mang đến niềm tin công lý cho các bên tranh chấp. Trong quá trình nộp đơn xin gia nhập WTO, pháp luật Việt Nam đã tiến hành thay đổi cũng như ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật để bắt kịp với xu thế quốc tế như Luật Thương mại 2005, Pháp lệnh trọng tài Thương mại 2003,… Án lệ cũng không nằm ngoài xu thế đó, được đề cập như một nhiệm vụ cải cách tư pháp tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; theo đó: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm…” Nhằm thực thi Nghị quyết trên, Quốc hội đã xây dựng và ban hành Luật tổ chức Toà án nhân dân (có hiệu lực từ ngày 01/06/2015). Theo đó, theo Điều 22.2(c) Luật trên, HĐTP TANDTC được lựa chọn quyết định giám đốc thẩm, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Để tạo cơ sở hướng dẫn cho việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, HĐTP TANDTC đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ- HĐTP và thay thế bằng Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP. Theo Điều 2 Nghị quyết 04/2019, tiêu chí lựa chọn một quyết định trở thành án lệ khi hội đủ các điều kiện sau: (1) quyết định đó phải có giá trị làm rõ quy định của pháp luật, khi giải thích các sự kiện 319
- pháp lý phải chỉ ra nguyên tắc hay quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc thể hiện được lẽ công bằng với những vấn đề chưa có luật quy định cụ thể; (2) quyết định trên phải có tính chuẩn mực và (3) có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Khi áp dụng án lệ, những tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau, tuy nhiên, Tòa án cũng có thể từ chối áp dụng án lệ mặc dù tình huống pháp lý tương tự nhưng phải nêu rõ lý do (Điều 8 Nghị quyết 04/2019). Thêm vào đó, theo Điều 9 Nghị quyết, án lệ cũng có thể được bãi bỏ nếu không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật hay bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ. 2. Phân tích nội dung Án lệ số 21/2018/AL Án lệ số 21/2018/AL được HĐTP TANDTC thông qua ngày 17/10/2018 và công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA (06/ 11/2018) của Chánh án TANDTC. Nguồn của Án lệ số 21/2018/AL được trích từ Quyết định giám đốc thẩm số 08/2016/KDTM-GĐT (“QĐ số 08”) ngày 20/5/2016 của HĐTP TANDTC về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản” giữa nguyên đơn là Công ty D với bị đơn là Công ty C. Nội dung Án lệ số 21/2018/AL nằm tại đoạn 1 phần “Nhận định của Tòa án” của QĐ số 08. Án lệ đưa ra hai giải pháp pháp lý: Thứ nhất, phải xác định đó là lỗi của bên thuê trong trường hợp có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê khi không có thỏa thuận cũng như căn cứ theo quy định pháp luật Thứ hai, vì lỗi đó dẫn đến thiệt hại thực tế nên cần xem xét thiệt hại đó là khoản tiền cho thuê trong thời gian còn lại của hợp đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ trích chi tiết nội dung Án lệ số 21/2018/AL nhằm làm rõ hơn những phân tích: “[1] Ngày 10-4-2006, Công ty D cho CTCP C thuê hai đầu máy vỏ thép và lai dắt tàu ra vào tại cảng, có hiệu lực từ ngày ký đến ngày 31-12-2006 theo Hợp đồng kinh tế số 1141/HĐ-CNQN. Trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 17-8-2006, CTCP C có Văn bản số 2349 thông báo chấm dứt hợp đồng từ ngày 20-8-2006 với lý do “không có nhu cầu thuê 2 đầu máy”. Thời gian Công ty C ra văn bản thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, đã gây thiệt hại cho Công ty D do không thể có được hợp đồng khác thay thế ngay. Lỗi thuộc về Công ty C nên phải chịu trách nhiệm đối với khoản thiệt hại đã gây ra cho Công ty D. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng.” Từ nội dung Án lệ số 21/2018/AL, có thể xác định các tình tiết pháp lý chính bao gồm: (i) hợp đồng là loại loại hợp đồng thuê tài sản có thời hạn nhưng các bên không thỏa thuận về điều kiện chấm dứt hợp đồng. Bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng chưa được bên cho thuê đồng ý; 320
- (ii) thời gian từ khi bên thuê ra thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn, dẫn đến thiệt hại là bên cho thuê không thể có hợp đồng khác thay thế ngay trong thời gian còn lại của hợp đồng thuê trước đó; (iii) xác định bên có lỗi là bên thuê do đó họ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đã gây ra. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê trong thời gian còn lại của hợp đồng đã bị chấm dứt. Giữa hai bên trong tranh chấp có tồn tại một hợp đồng thương mại, cụ thể ở đây là Hợp đồng cho thuê. Theo Điều 269 Luật Thương mại 2005 (“LTM”), cho thuê là việc một bên chuyển quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hoá (bên cho thuê) cho bên khác (bên thuê) trong một thời hạn nhất định để nhận tiền cho thuê. Bên cạnh đó, vì đây bản chất cũng là một quan hệ hợp đồng dân sự nên các bên cũng phải tuân thủ các quy định liên quan trong BLDS nếu Luật Thương mại không có nội dung điều chỉnh. Quyết định chứa nội dung Án lệ số 21/2018/AL sử dụng Điều 426 BLDS 2005 để phân tích về quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Cụ thể, một bên chỉ có quyền đơn phương CDHĐ nếu (1) các bên có thỏa thuận hoặc (2) pháp luật có quy định. Trong vụ việc, hai bên không có thỏa thuận về điều kiện chấm dứt thực hiện hợp đồng nên không thể áp dụng trường hợp 1. Pháp luật quy định hợp đồng thuê tài sản chỉ chấm dứt khi (Điều 491 BLDS 2005): (i) thời hạn thuê đã hết; (ii) có thỏa thuận về việc chấm dứt trước hạn; (3) hợp đồng bị hủy bỏ hoặc bị đơn phương chấm dứt và (4) tài sản thuê không còn. Luật còn dự liệu các trường hợp bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt: khi tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng nếu không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được hoặc tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết (Điều 485.2.c BLDS 2015) và có tranh chấp về quyền sở hữu xảy ra đối với tài sản thuê vì thế mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định (Điều 486.2). Căn cứ phía bị đơn đưa ra để chấm dứt là do không còn nhu cầu sử dụng không thuộc các trường hợp có thỏa thuận hay luật quy định,, do đó hành vi đơn phương chấm dứt của bị đơn là không phù hợp theo quy định pháp luật. Hành vi của Công ty C dẫn đến sự vi phạm nghĩa vụ dân sự vì tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật mà nghĩa vụ đó do luật định - tuân thủ Điều 426 BLDS 2005 để đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo Điều 308 BLDS, người nào thực hiện không đúng nghĩa vụ do có lỗi phải chịu trách nhiệm dân sự, cụ thể ở đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Từ tình tiết vụ việc, hành vi của bị đơn đã cấu thành nên lỗi vì họ chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và căn cứ bồi thường xác định theo Điều 307 BLDS 2005. Dẫn chiếu đến Điều 302, 303 LTM, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi: (1) có hành vi vi phạm hợp đồng; (2) có thiệt hại thực tế; (3) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Sự vi phạm hợp đồng đã rõ vì bên thuê chấm dứt hợp đồng không có căn cứ hợp pháp và bên cho thuê không đồng ý. Tòa án nhận định thiệt hại thực tế ở đây là khoản tiền còn lại trong hợp đồng mà bị đơn không nhận được bắt nguồn từ việc từ lúc thông báo đến lúc chấm dứt là quá ngắn làm bên cho thuê không đủ thời gian để cho thuê lại. Chính từ việc không thể cho thuê lại sau khi bên thuê tự ý 321
- chấm dứt hợp đồng “bất ngờ” dẫn đến hậu quả là Công ty D có thời gian quá ít tìm bên thuê lại, mất đi khoản tiền cho thuê đáng lẽ được nhận đến ngày 31/12/2006. Tóm lại, Án lệ số 21/2018/AL xác định hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn không đúng quy định là một vi phạm hợp đồng 544. Hành vi trên dẫn đến thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền thuê trong thời gian còn lại của hợp đồng vì thông báo chấm dứt hợp đồng được được đưa ra trong thời hạn quá ngắn. Điều đó làm bên cho thuê không thể tìm được người thuê thay thế và mất đi khoản tiền thuê đáng lẽ được hưởng nếu không có sự chấm dứt của bên thuê. 3. Đánh giá thực tiễn áp dụng Án lệ số 21/2018/AL Với sự ra đời của Án lệ số 21/2018/AL, các tòa án trong quá trình xét xử có giải pháp lý quan trọng để học hỏi kinh nghiệm cho những tranh chấp có tính tương tự. Trong thực tế, đã có những quyết định sử dụng Án lệ số 21/2018/AL, thế nhưng có trường hợp Viện kiểm sát đã can thiệp và kháng nghị việc sử dụng Án lệ số 21/2018/AL. Đầu tiên, đến với tranh chấp tòa án đã viện dẫn nội dung Án lệ số 21/2018/AL để đưa ra quyết định, cụ thể như sau545: Công ty Đình H có ký hợp đồng về việc lắp đặt bồn chứa khí ga, hệ thống đầu đốt sấy mủ cao su cho Công ty Cao su N thuê trong thời hạn 96 tháng (08 năm) kể từ ngày kể từ ngày bàn giao (28/11/2013). Đến tháng 12/2016, Công ty N ngưng không thanh toán tiền thuê nhưng không có gửi văn bản nào cho Công ty Đình H. Đại diện bị đơn trình bày do giá mủ cao su liên tục giảm dẫn đến việc kinh do- anh của Công ty N thua lỗ trầm trọng, do đó đã đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thể hiện qua biên bản làm việc ngày 20/01/2017 và ngày 04/5/2017 nhưng hai bên chưa thống nhất chi phí cho thanh lý hợp đồng. Tại bản án sơ thẩm số 02/2019/KDTM- ST ngày 10/7/2019, Tòa án quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện yêu cầu Công ty N trả tiền thuê bồn chứa ga và hệ thống đầu đốt từ tháng 01/2017 đến tháng 6/2019. Công ty Đình H kháng cáo quyết định trên, Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Đình H buộc Công ty N thanh toán tiền thuê bồn chứa ga và hệ thống đầu đốt từ tháng 01/2017 đến tháng 6/2019. Tòa phúc thẩm nhận định rằng tình huống vụ án này tương tự như tình huống Án lệ số 21. Các bên có thỏa thuận về việc cho thuê bồn chứa và hệ thống đầu đốt trong thời hạn 96 tháng kể từ ngày bàn giao, không quy định về điều kiện chấm dứt hợp đồng nhưng Công ty N đã chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ ngày 01/01/2017 mà không được sự đồng ý và gây thiệt hại cho Công ty Đình H. Do đó, theo Án lệ số 21/2018/AL phải xác định Công ty N có lỗi và chịu trách nhiệm đối với thiệt hại gây ra cho nguyên đơn. Thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền cho thuê bồn chứa ga, hệ thống đầu đốt trong thời gian còn lại của hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty Đình H khởi kiện chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền thuê từ tháng 01/2017 đến tháng 06/2019, nên chỉ buộc bị đơn bồi thường số tiền thuê tương ứng thời gian đó. 544 Lưu Tiến Dũng (2021), Án lệ Việt Nam - Phân tích và luận giải, Tập 1, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr 372 545 Bản án 05/2019/KDTM-PT ngày 16/10/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và thuê tài sản 322
- Phân tích nhận định trên của Tòa phúc thẩm, chúng tôi cho rằng hướng tiếp cận trên là phù hợp với tinh thần Án lệ số 21/2018/AL. Tương tự vụ việc trong Án lệ số 21/2018/AL, hợp đồng thuê giữa hai bên có xác định thời hạn và không thỏa thuận về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng. Về yếu tố lỗi, Công ty N đã đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ về thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật quy định. Do đó theo Điều 426 BLDS 2005, Công ty N đã có lỗi vì sự vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự. Vì sự vi phạm trên dẫn đến thiệt hại là Công ty Đình H mất đi khoản tiền thuê từ lúc chấm dứt (01/01/2017). Tuy nhiên, khác với vụ việc trong Án lệ số 21/2018/AL, Công ty N có chủ động hợp tác với Công ty Đình H để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, không đặt người cho thuê trong tình trạng thời gian quá ngắn từ lúc thông báo đến lúc chấm dứt. Đáp lại sự thiện chí đó, nguyên đơn chỉ yêu cầu Công ty N bồi thường 29 tháng tiền thuê còn lại (thời gian còn lại của hợp đồng thực tế là hơn 04 năm). Tình tiết vụ việc trên đã đáp ứng đủ hai điều kiện trong giải pháp lý của Án lệ số 21/2018/AL. Đối chiếu với quy định hiện nay là BLDS 2015, điều kiện để đơn phương chấm dứt hợp đồng được bổ sung là có sự vi phạm nghiêm trong nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia. Công ty Đình H không có sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng theo tình tiết vụ việc nên áp dụng theo luật hiện hành, phán quyết trên vẫn hợp lệ. Tiếp theo, đến với quyết định kháng nghị việc sử dụng Án lệ số 21/2018/AL: bản án sơ thẩm số 40/2018/DSST ngày 29/11/2018 đã chấp nhận yêu cầu đòi số tiền thuê còn lại trong hợp đồng tương tự như những nhận định của tòa phúc thẩm trên, tuy nhiên, VKSND cấp tỉnh Đ đã không đồng tình với quyết định nên đã quyết định kháng nghị phúc thẩm. Nguyên đơn là bà Loan đã ký “Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất” với Công ty PAG để công ty xây dựng trụ sở do bà Hường làm Giám đốc, thời hạn thuê từ ngày 26/11/2013 đến ngày 26/12/2019. Đến ngày 15/12/2017, Công ty PAG thông báo về việc trả lại nhà không thuê nữa. Bà Loan khởi kiện bà Hường, yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà đất, buộc bồi thường thiệt hại số tiền nhà hai năm còn lại theo hợp đồng. Phía PAG đưa ý kiến rằng bà Loan không sửa chữa nhà khi xuống cấp gây hư hỏng tài sản, mãi đến tháng 8/2017 mới cho sửa chữa. Đồng thời bà Loan tăng giá tiền thuê nhà mà không thông báo cho bên thuê theo thỏa thuận. Công ty đã thông báo bằng miệng về việc chấm dứt hợp đồng năm 2018, đến ngày 25/10/2017 gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà cho bà Loan. Tòa sơ thẩm đã sử dụng Án lệ số 21/2018/AL ra quyết định Công ty PAG bồi thường cho bà Loan khoản tiền cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời gian còn lại của hợp đồng là 02 năm. VKSND cấp tỉnh Đ cho rằng quyết định sử dụng Án lệ số 21/2018/AL là không phù hợp vì tình tiết, sự kiện pháp lý không tương tự như vụ việc trong Án lệ số 21/2018/AL. Khác với giải pháp pháp lý của Án lệ số 21/2018/AL là bên thuê có lỗi, trong khi Công ty APG trong trường hợp này không có lỗi hoàn toàn và thiệt hại thực tế chưa xảy ra đầy đủ. Sự chấm dứt trước hạn của bị Công ty APG đến từ những sự vi phạm trước của bà Loan. Bên cạnh đó, thời gian thuê còn lại trong hợp đồng vụ việc trong Án lệ số 21/2018/AL là 4 tháng 14 ngày, khá gần cho đến thời điểm kết thúc. Trong khi đó, vụ việc này, APG chấm dứt trước 02 năm do đó để xem xét thiệt hại thực tế là tiền thuê theo hợp đồng đến ngày 26/12/2019 là không có cơ sở, vì tính đến ngày xét xử 323
- (29/11/2018) thì không thể xác định đến ngày 26/12/2019 có thiệt hại thực tế xảy ra không, vì hiện nay bà Loan đã lấy lại nhà đất và quản lý sử dụng. VKS đề nghị TAND tỉnh Đ xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm như đã phân tích trên. Dựa vào tình tiết trong quyết định trên, chúng tôi phân tích vụ việc qua các căn cứ sau: Điều 473 BLDS 2015 quy định giá thuê do các bên thỏa thuận, tuy nhiên, bà Loan đã tự ý nâng giá thuê. Bà cũng không hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê khi không sửa chữa tài sản lúc xuống cấp ngay (Điều 477). Căn cứ để PAG đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp đến từ sự tự ý tăng tiền thuê của bà Loan, đây là sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo Điều 428 BLDS 2015, khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, bà Hường đã thông báo trước sẽ chấm dứt hợp đồng vào năm 2018, đến ngày 25/10/2017 đã gửi thông báo, trước thời điểm đến hạn kết thúc hợp đồng là 02 năm. Đối chiếu với vụ việc trong Án lệ số 21/2018/AL cũng như vụ việc Công ty Đình H: phía Công ty C và Công ty N đã tự ý chấm dứt không dựa trên thỏa thuận của các bên và căn cứ pháp luật cho phép, do đó cả hai công ty có sự vi phạm nghĩa vụ pháp lý là đơn phương chấm dứt hợp đồng không có căn cứ, phải chịu trách nhiệm dân sự do hành vi thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình theo Điều 302 BLDS 2005. Còn vụ việc nêu trên, bên thuê đã đơn phương chấm dứt hợp đồng vì sự vi phạm nghĩa vụ trong giá thuê từ phía bên cho thuê trái với thỏa thuận của các bên. Mặc dù tình tiết vụ việc không đề cập đến việc đây là căn cứ các bên thỏa thuận để chấm dứt , tuy nhiên bản chất hợp đồng trong vụ việc là hợp đồng thuê nhà. Do đó hành vi tự ý tăng giá thuê hay chậm thực hiện sửa chữa là căn cứ để đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo Điều 498 BLDS 2005. Việc đơn phương chấm dứt của Công ty PAG thỏa Điều 426.1 BLDS 2005, không có lỗi trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tiếp đến, Công ty C thông báo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khoảng 04 tháng hơn, còn Công ty N đã chấm dứt hợp đồng khi không có sự thỏa thuận với bên cho thuê, Công ty Đình H chấm dứt vì sự vi phạm nghĩa vụ của bên kia. Bên cạnh đó, đặc điểm của đối tượng thuê trong ba vụ việc cũng khác tính chất nhau. Trong Án lệ số 21/2018/AL là đầu máy kéo, đối tượng của Bản án 05/2019/KDTM-PT là bồn chứa ga, hệ thống đầu đốt, còn trong vụ việc này là tài sản gắn liền với đất. Có thể thấy đối tượng ở vụ việc trên dễ cho thuê hơn, bà Loan cũng đã nghe thông báo trước về việc chấm dứt hợp đồng, do đó bên cho thuê có điều kiện để tìm kiếm người thuê mới dễ dàng hơn so với hai vụ việc kia. Ở nội dung của Án lệ số 21/2018/AL, Công ty D đã không tìm được người thuê thay thế sau khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, còn vụ việc nêu trên, bà Loan đã lấy lại nhà đất để quản lý và sử dụng. Thêm vào đó, bà cũng không chứng minh được từ lúc Công ty PAG chấm dứt hợp đồng đến ngày xét xử, bà không cho thuê lại được hay bị thiệt hại vì hành vi đơn phương chấm dứt của bị đơn. Từ ba vụ việc nêu trên, căn cứ chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là yếu tố tiên quyết để quy trách nhiệm bồi thường. Án lệ đã xác định hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định cũng là một loại vi phạm hợp đồng. Cơ sở lỗi phát sinh ở 324
- tình tiết là từ khi “thông báo đến khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn” 546. Thiệt hại thực tế được yêu cầu trong ba vụ việc đều là tiền thuê tài sản trong khoảng thời gian còn lại của hợp đồng vì nếu không có sự chấm dứt đó, họ vẫn nhận được tiền thuê. Tuy nhiên, ở vụ việc của bà Loan, bên thuê chấm dứt hợp đồng vì có sự vi phạm nghĩa vụ tăng giá thuê của bên cho thuê còn hai vụ việc kia bên cho thuê không có hành vi vi phạm - đây là điểm làm cho Quyết định sơ thẩm 40/2018/DSST bị kháng nghị. Thêm vào đó, điểm chung của ba vụ việc là tòa án không xác định trong thời gian từ lúc chấm dứt, bên cho thuê đã tìm được người thuê mới chưa, vì nếu đã cho thuê lại được, họ không mất đi khoản thu nhập có thể có từ hợp đồng thuê, vấn đề bị bỏ ngỏ của Án lệ số 21/2018/AL chưa được khắc phục. 4. Các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng áp dụng Án lệ số 21/2018/AL Có thể nói Án lệ số 21/2018/AL đã đem đến một giải pháp pháp lý trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước khi đến hạn trong hợp đồng thuê tài sản. Trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng là có lỗi vì không đúng theo căn cứ thỏa thuận hoặc luật định. Từ đó dẫn đến thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản tiền thuê bị mất do sự đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thực tế một số vụ việc có tình huống pháp lý tương tự đã áp dụng Án lệ số 21/2018/AL để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy Án lệ số 21/2018/AL còn một số khoảng trống về mặt lý luận cần rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xét xử. Trong Quyết định giám đốc thẩm số 08/2016/KDTM-GĐT chứa nội dung Án lệ số 21/2018/AL, tòa nhận định bên thuê là bên có lỗi, tuy nhiên trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại lỗi được xác định là mặc định. Trong cả Điều 303 LTM 2005, BLDS 2005 hay luật cảnh hiện tại là BLDS 2015 (Điều 361) cũng không đề cập cần có lỗi mới phát sinh trách nhiệm bồi thường. Chỉ cần có hành vi vi phạm nghĩa vụ, bên vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Thậm chí, bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự cả trong trường hợp không có lỗi khi vi phạm nghĩa vụ 547. Trừ hai trường hợp tại Điều 351 khoản 1 và 2 BLDS 2015 bên vi phạm mới không chịu trách nhiệm bồi thường: do sự kiện bất khả kháng và lỗi hoàn toàn thuộc về bên có quyền. Cả luật thành văn và giải pháp của Án lệ số 21/2018/AL cũng không giải thích như thế nào là lỗi nhưng theo tinh thần Điều 364 BLDS 2015, lỗi là hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại. Thiệt hại do sự vi phạm nghĩa vụ nếu xét về thiệt hại vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được trong đó có thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 361 BLDS 2015). Điều 302.2 LTM 2005 cũng xác định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Có hai yếu tố để xác định tổn thất, gồm tổn thất trực tiếp và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng, Án lệ số 21/2018/AL xác định thiệt hại theo yếu tố thứ hai. Thiệt hại thực tế cần xem xét trong vụ việc ở Án lệ số 21/2018/AL là là khoản tiền cho 546 Tòa án nhân dân Tối cao (2020), Án lệ và bình luận, Quyển 2, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 85 547 Nguyễn Ngọc Điện (2021), Giáo trình Luật Dân sự Tập 2, Trường Đại học Mở TP. HCM, tr. 226 325
- thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng. Tuy nhiên, đây không phải là giá trị sẽ được bồi thường ngay mà chỉ dùng đưa vào xem xét để xác định thiệt hại vì những lý do sau: Thứ nhất, bên cho thuê muốn nhận được tiền thuê, họ phải thực hiện các hành động theo thỏa thuận hợp đồng thuê, trong nội dung Án lệ số 21/2018/AL là bố trí nhân lực, trả tiền thuê cho họ để thực hiện hoạt động lai dắt, BLDS 2015 còn quy định các nghĩa vụ của họ tại Điều 476- 478. Sau khi hợp đồng chấm dứt, bên cho thuê không cần tốn chi phí nhân công, không phải thực hiện hỗ trợ lai dắt, do đó tiền thuê còn lại trong hợp đồng còn lại phải được khấu trừ vì bên cho thuê đã không chịu khoản thiệt hại thực tế từ việc tốn chi phí nhân lực 548. Thứ hai, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có nghĩa vụ hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được theo Điều 305 LTM. Tại Điều 362 BLDS 2015 cũng quy định bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình. Nếu không thiện chí trong việc ngăn chặn thiệt hại, bên bị vi phạm phải tự gánh chịu hậu quả do sự thiếu mẫn cán của mình. Do đó, trong vụ việc của Án lệ số 21/2018/AL, phải xem xét phía Công ty D có nỗ lực tìm đối tác khác để thuê tài sản hay không, nếu họ đã tìm được ngay sau khi Công ty C chấm dứt hợp đồng, thì bên cho thuê không chịu tổn thất vì không mất đi phần thu nhập thực tế đáng lẽ được hưởng. Giả sử, nếu bên cho thuê tìm được đối tác sau hai tháng từ khi chấm dứt thì bên Công ty C chỉ nên chịu trách nhiệm với thiệt hại trong thời gian hai tháng Công ty D không tìm được đối tác thuê. Do đó, giá trị bồi thường không hẳn là toàn bộ tiền thuê còn lại trong hợp đồng thuê tài sản, phải xem xét thực tế bên bị vi phạm có gánh chịu thiệt hại toàn bộ từ sự chấm dứt hợp đồng không cùng với đó có thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất hay không. Trên cơ sở đó, tòa án sẽ căn cứ có những khấu trừ hợp lý nhằm bảo đảm lợi ích cho các bên. Bàn thêm về nghĩa vụ hạn chế tổn thất, tòa án xét xử vụ việc chứa nội dung Án lệ số 21/2018/AL theo tình tiết vụ việc cũng không đề cập trong khoảng thời gian còn lại của hợp đồng cho thuê, nguyên đơn đã có những hành động nào làm giảm thiểu tổn thất không như tích cực tìm một đối tác thuê mới hay đã có cho thuê được tài sản chưa. Dù trong khung cảnh luật định BLDS 2005 chưa quy định nghĩa vụ này nhưng với tính chất là hợp đồng thương mại, bên cho thuê phải tuân thủ theo Điều 305 LTM. Như phân tích trên, nếu bên cho thuê đã tìm được đối tác thuê mới chứng tỏ họ đã cố gắng thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất của mình. Hội đồng xét xử ở Án lệ số 21/2018/AL có thể đã cho rằng tiền thuê phương tiện trong thời gian còn lại của hợp đồng cần xem xét là thiệt hại thực tế vì thời gian còn lại của hợp đồng cũng còn khá ít (hơn 4 tháng) và tài sản được 548 Đỗ Văn Đại, Án lệ số 21-Bồi thường thiệt hại khi đơn phương chấm dứt hợp đồng (VIAC phối hợp tổ chức, 05/07/2020), tại [https://www.youtube.com/watch?v=pGs1vFd5hRo], truy cập ngày 12/11/2021 326
- cho thuê là đầu máy không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng vì đây là thiết bị mang tính đặc thù, chuyên dụng cho công việc cụ thể là lai dắt tàu. Tuy nhiên, không vì thế mà loại bỏ yếu tố nguyên đơn có mẫn cán thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất hay không vì với tính chuyên biệt trong ngành nghề kinh doanh, có khá ít công ty cung cấp thiết bị này trong khi bên cầu lại khá lớn vì phương tiện vận chuyển hàng hóa phổ biến nhất hiện nay là tàu thuyền trên biển. Công ty D sau sự chấm dứt trên nếu nỗ lực có thể liên hệ các đối tác có nhu cầu , những khách hàng cũ nhằm tìm kiếm người thuê mới. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất không bị giới hạn thời gian, ngay khi xảy ra thiệt hại, bên bị thiệt hại phải tích cực có những biện pháp không làm lan rộng thêm thiệt hại đặc biệt là trong trường hợp thời hạn còn lại của hợp đồng dài và tài sản cho thuê không phải quá khó để tìm được người thuê mới. Do đó, chỉ với nguyên nhân thời gian thông báo đến khi ra quyết định chấm dứt quá ngắn làm bên cho thuê không thể tìm được đối tác mới vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục, tạo khoảng trống cho việc bên bị vi phạm cố tình không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất hay không mẫn cán thực hiện. Từ những khoảng trống pháp lý nêu trên, chúng tôi cho rằng để áp dụng Án lệ số 21/2018/AL cũng như đưa ra các quyết định đảm bảo tính công bằng nhất, các vụ án có tính tương tự như sau tòa án có thể áp dụng Án lệ số 21/2018/AL: Hợp đồng trong vụ việc phải là hợp đồng thuê tài sản hoặc là loại hợp đồng có tính tương tự như hợp đồng thuê, chẳng hạn như hợp đồng vay. Vì hợp đồng vay cũng có một bên khai thác tài sản của người khác và có đền bù một khoản tiền, cụ thể là tiền lãi 549. Giả sử, giữa bên đi vay và bên cho vay ký kết hợp đồng xác định thời hạn, bên đi vay chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không có sự đồng ý của bên cho vay hay căn cứ luật định. Phần tiền lãi đáng ra bên cho vay được nhận nếu không có sự chấm dứt cũng cần được xem xét là thiệt hại thực tế. Các đối tượng trong hợp đồng không nhất thiết phải có tính tương tự như trong vụ việc Án lệ số 21/2018/AL, bản chất của hợp đồng mới là yếu tố quan trọng. Tiếp theo, hai bên trong tình huống Án lệ số 21/2018/AL ký kết hợp đồng thương mại, giả sử có tranh chấp phát sinh từ sự đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nhưng hợp đồng là hợp đồng dân sự trước thời hạn. Vẫn nên áp dụng Án lệ số 21/2018/AL vì các yếu tố trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm hành vi vi phạm, thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả của hai loại quan hệ trên như phân tích là tương tự nhau. Nội dung quan trọng nhất của Án lệ số 21/2018/AL chính là việc một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không vì các lý do được luật điều chỉnh hay thỏa thuận của các bên, cấu thành sự vi phạm nghĩa vụ. Điều đó dẫn đến thiệt hại thực tế cần xem xét là khoản thu nhập cho thuê vì hành vi chấm dứt trên. Tuy nhiên, có những trường hợp hai bên có điều kiện để được chấm dứt hợp đồng thế nhưng bên chấm dứt không thỏa được điều kiện đó, việc chấm dứt trên cũng được xem là trái pháp luật do đó có tình tiết pháp lý tương tự để áp dụng Án lệ số 21/2018/AL. 549 Đỗ Văn Đại, tlđd, chú thích số 8. 327
- Về nghĩa vụ ngăn chặn thiệt hại, đây là nghĩa vụ pháp lý luật định dành cho bên bị vi phạm. Do đó, thời gian còn lại của hợp đồng và khả năng tìm người thuê thay thế cũng cần xem xét để áp dụng Án lệ số 21/2018/AL. Trong nội dung Án lệ số 21/2018/AL, thời gian từ lúc thông báo đến lúc chấm dứt quá ít và tài sản không dễ dàng cho thuê nên không tìm được người thuê thay thế được ngay. Điều kiện trên đặt bên bị vi phạm vào hoàn cảnh dù đã nỗ lực thực hiện tìm kiếm người thuê mới cũng không thực hiện được nghĩa vụ của mình 550. Giả sử tình huống vụ việc là bên cho thuê đã có thể cho thuê tài sản ngay khi bị chấm dứt hợp đồng, hay họ phải tốn các chi phí để giảm thiểu thiệt hại (phải trong thời hạn còn lại của hợp đồng) như phần chi phí để tìm đối tác mới, vì vậy, số tiền bồi thường phải được xem xét trong từng vụ việc cụ thể. Cũng cần đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ việc áp dụng Án lệ số 21/2018/AL nếu thời gian còn lại của hợp đồng khá dài, tài sản thuê là tài sản dễ đưa vào sử dụng trong đời sống. Như trong Án lệ số 21/2018/AL, thời gian từ lúc thông báo đến khi chấm dứt chỉ là 03 ngày và thời hạn của hợp đồng còn khoảng 04 tháng, với tính chất tài sản chuyên dụng thì có căn cứ cho rằng thời gian ngắn như trên không đủ để bên cho thuê khắc phục thiệt hại. Vì Án lệ số 21/2018/AL không giải thích như thế nào là “ngắn”, phải hết sức cẩn thận dựa vào tình tiết vụ việc, hoàn cảnh hay tập quán cụ thể của từng loại tài sản trong quá trình được thuê để có những khấu trừ hay tính thêm các phần chi phí hợp lý. Nội dung Án lệ số 21/2018/AL có những nét tương đồng với pháp luật một số quốc gia khác về giải pháp pháp lý. Cụ thể, theo Uniform Residential Landlord And Ten- ant Act (URLTA)551, đạo luật Hoa Kỳ điều chỉnh điều chỉnh việc cho thuê tài sản thương mại và nhà ở: chủ nhà (landlord) hoặc người thuê (tenant) không thể thông báo kết thúc sớm thời hạn thuê nhà cố định. Tuy nhiên, có một số lựa chọn ngoại lệ nếu cả hai bên đồng ý. Nếu bên thuê chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc không được bên cho thuê đồng ý, bên cho thuê có thể kiện đòi bồi thường cho khoản tiền thuê đến hạn từ lúc chấm dứt hợp đồng thuê đến khi hết thời hạn hợp đồng 552. Bên cho thuê chỉ có thể kiện sau khi đã giảm nhẹ thiệt hại bằng cách chuyển nhượng hợp đồng cho người thuê nhà khác hoặc cho thuê lại. Sau đó họ có thể kiện người thuê nhà bồi thường những chi phí hợp lý như chi phí quảng cáo việc thuê lại, phần tiền thuê bị mất trong lúc chờ người thuê mới. Đạo luật trên xác định thiệt hại thực tế bao gồm khoản tiền thuê còn lại trong hợp đồng 553. Thông qua chương trình Tenancy Law and Housing Policy in Multi-level ở các nước EU 554, chúng tôi có cơ hội tiếp cận luật của các nước châu Âu trong việc xác định trách nhiệm bồi thường khi có sự chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn. Chẳng hạn, bên 550 Lưu Tiến Dũng, tlđd. chú thích số 4. 551 The URLTA was completed by the Uniform Law Commission (ULC) in 1972 No. 98-84. 552 Section 604 tiểu mục (d) If the landlord: (2) leases the abandoned unit to another person for a term beginning before the expiration or (3) makes a reasonable effort to lease the abandoning tenant’s unit but is unable, they may recover actual damages from the abandoning tenant.. 553 Section 102: “Actual damages” means compensation for direct, consequential, or incidental injuries includes: (A) amounts payable to a landlord or tenant under the lease for a violation of the lease; and (B) diminution in the value of a dwelling unit. 554 European Commission, “Tenancy Law and Housing Policy in Multi-level Europe”, [https://cordis.europa.eu/project/id/290694] (truy cập ngày 14/11/2021). 328
- thuê nếu muốn chấm dứt hợp đồng, phải có nghĩa vụ thông báo trước theo thời hạn luật định, ở Tây Ban Nha yêu cầu thông báo cho chủ nhà ít nhất 30 ngày (Art 9.1 LAU), khoản bồi thường các bên có thể thỏa thuận nếu không đó sẽ là số tiền tương đương với khoản thanh toán tiền thuê hàng tháng cho mỗi khoản còn lại của hợp đồng thuê nhà 555. Hay ở Đức, các bên có thể thỏa thuận về thời hạn chấm dứt trước khi đến hạn 556. Ngoại trừ những trường hợp người thuê có thể chấm dứt hợp đồng trước mà không phải đáp ứng nghĩa vụ thông báo (Art 543, 569.I, II BGB) hay khi chấm dứt mà giới thiệu được người thuê mới ngay sẽ không phải bồi thường, các trường hợp chấm dứt trước thời hạn khác phải bồi thường tiền thuê còn lại trong hợp đồng 557. Kết luận Từ những phân tích và các giải pháp khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực xét xử khi áp dụng Án lệ số 21/2018/AL, bài viết đã đem đến những điểm cần lưu ý trong các vụ việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê tài sản trước thời hạn. Thông qua cách xác định của tòa án trong Án lệ số 21/2018/AL về trách nhiệm bồi thường cũng như thiệt hại thực tế, đã tạo nên kinh nghiệm xét xử có giá trị trong việc bảo vệ lợi ích của bên bị thiệt hại cũng như căn cứ để quy trách nhiệm cho bên chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tài liệu tham khảo A. Danh mục văn bản pháp luật 1. Bộ luật Dân sự 2005; 2. Bộ luật Dân sự 2015; 3. Luật Thương mại 2005; 4. Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014; 5. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP; B. Danh mục các loại tài liệu khác 1. Uniform Residential Landlord And Tenant Act; 2. Martin Dixon (2007), Textbook on International Law, Oxford, 6th ed; 3. Lưu Tiến Dũng (2021), Án lệ Việt Nam - Phân tích và luận giải, Tập 1, NXB Tư pháp, Hà Nội; 4. Nguyễn Ngọc Điện (2021), Giáo trình Luật Dân sự Tập 2, Trường Đại học Mở TP. HCM; 5. Đỗ Văn Đại, Án lệ số 21-Bồi thường thiệt hại khi đơn phương chấm dứt hợp đồng (VIAC phối hợp tổ chức, 05/07/2020), tại [https://www.youtube.com/watch?v=pGs1vFd5hRo]; 555 Tenancy Law and Housing Policy in Multi-level Europe_National Report for Spain, page 150-151 556 Cf. Blank, in: Schmidt-Futterer, annex to s. 542 BGB, rec. 1. 557 Tenancy Law and Housing Policy in Multi-level Europe_National Report for Germany, page 160-1631 329
- 6. Trương Hòa Bình, “Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển án lệ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án nhân dân”, [https://tks.edu.vn/thong-tin- khoa-hoc/chi-tiet/120/764]; 7. Tòa án nhân dân Tối cao (2020), Án lệ và bình luận, Quyển 2, NXB Tư pháp, Hà Nội; 8. Tenancy Law and Housing Policy in Multi-level Europe, National Report Spain; 330
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn