BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG BIẾN ĐỘNG<br />
TRONG HỆ GIÁ TRỊ ĐỨC<br />
Nguyễn Thị Bích Phượng<br />
<br />
<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
<br />
Nước Đức thường nổi tiếng với nhiều thi sĩ và nhà tư tưởng lớn. Người Đức cũng<br />
nổi tiếng với những tính cách đặc biệt như “lao động cần cù, chân tay cũng như trí<br />
óc, là sự đúng giờ, là tính chính xác, sống có nguyên tắc, kỷ luật, trật tự và vệ sinh”<br />
[Nguyễn Xuân Xanh 2004: 21]. Đó có thể được xem như là giá trị văn hóa Đức<br />
chăng? Còn có những giá trị nào quan trọng nữa? Liệu những giá trị này có bị thay<br />
đổi hay phai mờ đi theo thời gian hay không?<br />
<br />
Đã nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này, trong đó có công trình của TS Xã<br />
hội học Petra Altmann với tựa đề “Vom Wert der Werte: was im Leben wirklich<br />
zählt” (Về giá trị của các giá trị - điều gì thực sự đáng giá trong cuộc sống, 2003);<br />
công trình của tác giả Bernhard Buel (và nnk) với tựa đề “Alte Werte, neue Werte –<br />
Schlaglichter des Wertewandels” (Những giá trị cũ, những giá trị mới – hào quang<br />
của sự thay đổi giá trị, 2008) phân tích vấn đề ở góc độ kinh tế; công trình của<br />
Joseph Ratzinger mang tên “Werte in Zeiten des Umbruchs” (Giá trị trong thời kỳ<br />
đổi mới, 2005) xem xét vấn đề dưới góc độ tôn giáo; và một số bài viết của các tác<br />
giả Gerhard Mackenthun và Martin Thome. Trên cơ sở hệ thống những công trình đã<br />
nghiên cứu mảng đề tài này ở nhiều khía cạnh khác nhau, bài viết sẽ phân tích chuẩn<br />
giá trị Đức dưới góc nhìn văn hóa học và làm một cuộc khai quật bước đầu đề tài rất<br />
bao quát này.<br />
<br />
2. Một số khái niệm cơ bản<br />
<br />
Phần này đề cập đến ba khái niệm chính liên quan đến bài viết, đó là giá trị (ở đây bàn<br />
về giá trị văn hóa), chuẩn giá trị và hệ giá trị.<br />
<br />
Theo từ điển bách khoa mạng về đề tài chăm sóc (trẻ em, người già, người bệnh) thì<br />
“giá trị là những mục đích mà xã hội đặt ra để quy định cách chung sống (của các thành<br />
viên) có ý nghĩa và đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau. Xã hội quy định những giá trị nói<br />
chung, được cụ thể hóa bằng những chuẩn mực” [www.pflegewiki.de/wiki/<br />
Normen_und_Werte]. Phạm Minh Hạc thì định nghĩa “giá trị là cái quy định mục đích<br />
của hoạt động” [dẫn theo Trần Ngọc Thêm 2013: 95]. Còn F.Chzel thì định nghĩa giá trị<br />
là “những tiêu chuẩn về cái có thể ao ước được, chúng xác định các mục đích chung của<br />
hành động” [dẫn theo Trần Ngọc Thêm 2013: 95].<br />
<br />
Cả ba định nghĩa trên đều có cùng điểm chung, đó là giá trị phản ánh cách chúng ta<br />
hành động. Bài viết chọn khái niệm giá trị theo định nghĩa của Phạm Minh Hạc.<br />
Chuẩn giá trị bao gồm những giá trị mang tính định hướng cho các thành viên trong<br />
cộng đồng xã hội đó, còn hệ giá trị là toàn bộ giá trị của một nền văn hóa.<br />
<br />
Có những giá trị cốt lõi sẽ tồn tại vượt thời gian, có những giá trị sẽ thay đổi tùy theo<br />
hoàn cảnh chính trị và xã hội cũng như tình hình phát triển kinh tế của nơi đó. Ngay cả sự<br />
giao lưu, tiếp xúc văn hóa cũng có thể làm cho chuẩn giá trị bị ảnh hưởng, biến đổi, hoặc<br />
mất đi và chuẩn giá trị mới mới sẽ hình thành.<br />
<br />
3. Chuẩn giá trị Đức truyền thống<br />
<br />
Giá trị truyền thống của người Đức bao gồm những phẩm chất tốt như là “đúng giờ,<br />
siêng năng, ý thức trách nhiệm, nguyên tắc, trật tự, trung thành, vâng lời, có đạo đức và<br />
thực hành tôn giáo” [www.pflegewiki.de/was-war-frueher-normal] đã tồn tại từ khi Đế<br />
chế thứ nhất được thành lập (năm 1871). Ngay cả J.W. Goethe đã từng phát biểu rằng<br />
“thà chịu sự bất công chứ không thể chấp nhận sự mất trật tự” [Hellpach, Willy 1954:<br />
188]. Hai tác giả Thea Dorn và Richard Wagner trong công trình “Tâm hồn người Đức”<br />
(Die deutsche Seele) đã nhận định rằng “người Đức sinh ra từ tinh thần của sự trật tự hơn<br />
là tinh thần tự do” [Dorn Thea, Wagner Richard 2011: 364]. Thí dụ về sự đúng giờ là<br />
triết gia Immanuent Kant. Ông có một nhật trình chính xác mỗi ngày . Ngay cả trong thời<br />
kỳ Đức Quốc Xã thì những giá trị này cũng được tận dụng tối đa.<br />
<br />
Trong 50 năm qua, những giá trị truyền thống này đã thay đổi khá nhiều. Bắt đầu<br />
những năm 60, khi phong trào sinh viên phản kháng và phong trào giải phóng phụ nữ<br />
diễn ra, rất nhiều giá trị truyền thống đã bị thay đổi hoàn toàn, ví dụ như vâng lời hay<br />
thực hành tôn giáo, vì một mặt họ không đồng ý với những chính sách mà đảng liên minh<br />
cầm quyền đưa ra, sinh viên ở các trường đại học không đồng ý với các quy định của nhà<br />
trường; mặt khác, những phụ nữ thời ấy đấu tranh đòi bình đẳng và yêu cầu bỏ luật cấm<br />
phá thai, một điều đi ngược với quy định của tôn giáo. Những giá trị mới như sự sáng tạo,<br />
khả năng phản biện, khát vọng tự khẳng định mình đã hình thành và những giá trị giúp<br />
hoàn thiện cá nhân được đề cao.<br />
<br />
Trong những năm gần đây, vấn đề chuẩn giá trị lại được người Đức hết sức quan tâm,<br />
vì những lý do sau:<br />
<br />
(1) Phần lớn những giá trị Đức truyền thống đều ít nhiều xuất phát từ tôn giáo (Thiên<br />
chúa giáo – bao gồm cả Cơ đốc giáo và Tin Lành). Hiện nay bức tranh này đã hoàn toàn<br />
khác đi. Theo thống kê năm 2009, hiện có đến 34,1% dân số Đức không theo tôn giáo<br />
nào , có 5,5% dân số theo Hồi giáo. Như vậy những chuẩn giá trị trước đây xem ra không<br />
còn phù hợp nữa.<br />
<br />
(2) Tình hình kinh tế thế giới, kinh tế của cộng đồng Châu Âu gặp nhiều khó khăn.<br />
Khủng hoảng kinh tế, tài chính cũng làm cho quan niệm về giá trị trong cuộc sống thay<br />
đổi.<br />
<br />
Nhiều vấn đề xã hội cũng như các vấn đề môi trường, thiên tai đã ít nhiều ảnh hưởng<br />
đến cách nhìn cuộc sống của người Đức.<br />
(3) Chiến tranh cùng những căng thẳng chính trị vẫn diễn ra đó đây cũng đem đến<br />
những suy nghĩ về cuộc sống hiện tại và sự trăn trở điều gì là quan trọng nhất trong cuộc<br />
đời của mỗi người.<br />
<br />
(4) Những vấn đề trong nước Đức, đặc biệt là tình hình chính trị, các chính sách của<br />
liên minh Đảng cầm quyền cũng làm giảm lòng tin của người Đức vào chính quyền.<br />
<br />
4. Sự biến đổi chuẩn giá trị Đức hiện nay<br />
<br />
Rất nhiều những khảo sát được tiến hành hàng năm để tìm hiểu xem liệu những giá trị<br />
đã gắn với người Đức lâu nay có còn quan trọng nữa hay không và những giá trị nào là<br />
quan trọng nhất đối với họ hiện tại.<br />
<br />
Tạp chí Readers Digest (www.rd-presse.de) đã đặt hàng cho Viện nghiên cứu ý kiến<br />
Emnid tiến hành một khảo sát bao gồm hai phần để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đã nêu<br />
trên.<br />
<br />
Trong phần đầu của khảo sát, 1002 người (cả nam và nữ) trên 14 tuổi được yêu cầu<br />
sắp xếp 24 giá trị cho sẵn (xem bảng 1) theo trật tự từ 1 (hoàn toàn không quan trọng)<br />
đến 24 (rất quan trọng). 24 giá trị này được lựa chọn sao cho nó bao quát được hết tất cả<br />
các lĩnh vực, kể cả những giá trị truyền thống lẫn những giá trị thể hiện vai trò cá nhân<br />
(như khát vọng thành đạt hoặc khả năng gây ảnh hưởng đến người khác).<br />
<br />
Bảng 1. Những giá trị nào sau đây là quan trọng với bạn? (%)<br />
<br />
1. Sự trung thực 74 13. Sự vị tha 41<br />
2. Gia đình 68 14. Siêng năng 37<br />
3. Sự công bằng 64 15. Tin tưởng vào người khác 35<br />
4. Tôn trọng người khác 61 16. Sẵn sàng lập thành tích 33<br />
5.Sự tự do 60 17. Hưởng thụ cuộc sống 26<br />
6.Sẵn lòng giúp người<br />
54 18. Sự dạn dĩ 21<br />
khác<br />
7.Có trách nhiệm 53 19. Tiết kiệm 19<br />
8.Sự lịch thiệp 51 20. Tôn trọng uy quyền 18<br />
9.Giáo dục 51 21. Truyền thống 15<br />
10.Sự an toàn 50 22. Niềm tin tôn giáo 14<br />
11.Sự tự lập 43 23. Lòng yêu nước 8<br />
24. Gây ảnh hưởng đến người<br />
12. Chung sống hòa bình 41 4<br />
khác<br />
<br />
Joachim Behnke – giáo sư (GS) chính trị học thuộc Đại học tổng hợp Munnich –<br />
người đã nghiên cứu đề tài chuẩn giá trị rất lâu, đã phân tích danh mục 24 giá trị này như<br />
sau: “1/3 các giá trị này đề cập đến sự khẳng định mình trong cuộc sống (ví dụ như sự tự<br />
do, sự hưởng thụ cuộc sống). Ngoài ra còn có những giá trị mang tính toàn cầu – nghĩa là<br />
bất kỳ con người ở xã hội nào cũng xem trọng, chẳng hạn như sự trung thực, sự công<br />
bằng” [Kochanek, Doris 2007: 55].<br />
Kết quả cho thấy sự trung thực được xem là giá trị quan trọng nhất (74%), điều này<br />
đúng với câu tục ngữ Đức “Sự trung thực có giá trị lâu bền nhất” (Ehrlichkeit währt am<br />
längsten). Đứng vị trí thứ 2 là gia đình (68%), thứ 3 là sự công bằng (64%), kế tiếp là biết<br />
tôn trọng người khác (61%) và sự tự do (60%). Những giá trị thường gắn với người Đức<br />
như siêng năng, tiết kiệm hay khát vọng thành tích không còn quan trọng nữa, vì – theo<br />
giải thích của GS Behmke – những giá trị này gắn với nhu cầu vật chất, “khi những nhu<br />
cầu cơ bản của con người đã được thỏa mãn thì họ xem những giá trị nhằm tự khẳng định<br />
mình quan trọng hơn” [Kochanek, Doris 2007: 56], nghĩa là “có thực” rồi bây giờ họ<br />
muốn “vực đạo”.<br />
<br />
Vì sao sự trung thực lại được đánh giá cao nhất? Trong giai đoạn mà liên tục các cuộc<br />
khủng hoảng, từ kinh tế, chính trị đến xã hội xảy ra thì những rủi ro có thể đến bất kỳ lúc<br />
nào. Sự trung thực sẽ củng cố niềm tin của họ vào cuộc sống vốn nhiều bất ổn. Trong<br />
một khảo sát khác của GS nghiên cứu về xã hội Horst Opaschowski thực hiện từ tháng 1<br />
đến tháng 4 năm 2004 thì 88% người Đức cho rằng gia đình là quan trọng nhất, vì “gia<br />
đình đảm bảo cho họ sự ổn định và an toàn trong cuộc sống; gia đình như là nơi cất giữ<br />
tiền, nơi đảm bảo cho tương lai về sau và là nơi có dịch vụ chăm sóc tốt nhất”<br />
[Opaschowski, Horst 2014]. Điều này – một lần nữa - khẳng định cho kết quả khảo sát<br />
trên của Reader Digest là đáng tin cậy.<br />
<br />
Bảng 2. Theo bạn thì bao nhiêu người xem sự trung thực là quan trọng? (%)<br />
Sự trung thực 74<br />
Gia đình 68<br />
Sự công bằng 64<br />
Sự tự do 60<br />
<br />
Điều bất ngờ trong khảo sát của Reader Digest là rất nhiều người được hỏi cho rằng,<br />
những giá trị mà họ cho là quan trọng không được phần đông người Đức chia sẻ. Cụ thể<br />
là chỉ có 17% những người được hỏi tin rằng hầu hết người Đức xem sự trung thực là giá<br />
trị rất quan trọng. Nghĩa là trong khi gần 750 người (74% của 1002 người) lựa chọn giá<br />
trị này là quan trọng nhất, có đến 500 người không tin rằng gần 80 triệu người Đức xem<br />
sự chân thật là quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Ở giá trị biết tôn trọng người<br />
khác cũng có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi 61% những người được hỏi đánh giá rất cao<br />
việc cần phải tôn trọng người khác thì chưa đến một nửa số đó tin rằng đây là giá trị quan<br />
trọng đối với phần lớn người Đức. Sự khác biệt này rất đáng lo ngại, vì theo giáo sư<br />
Behnke thì những giá trị như sự trung thực, hay biết tôn trọng người khác được xem như<br />
là “vốn” của xã hội, là chất kết dính xã hội, giúp tạo ra niềm tin và sự sẵn sàng đóng góp<br />
cho cộng đồng. Nếu ai không còn tin rằng “mình trung thực thì người khác sẽ trung thực<br />
với mình” [Kochanek, Doris 2007: 56] thì tự anh ta sẽ tách mình ra khỏi cộng đồng.<br />
Ngoài ra, khi những giá trị được nhiều người chia sẻ, nghĩa là việc nhiều người cùng xem<br />
trọng những giá trị nhất định sẽ giúp cho bản thân họ nhận diện được mình trong cộng<br />
đồng đó và họ cảm thấy mình thuộc về cộng đồng. Chỉ cần một thành viên nào đó trong<br />
cộng đồng có chuẩn giá trị khác thì anh ta sẽ trở thành “cá biệt” và điều này dễ tạo ra<br />
những căng thẳng trong xã hội. Những khác biệt trong thang đo giá trị dù thực sự tồn tại<br />
hay chỉ là cảm nhận thì đều tạo ra khoảng cách giữa các nhóm xã hội với nhau. Những<br />
khác biệt càng lớn thì khả năng hòa nhập càng khó khăn, đặc biệt là đối với những người<br />
nước ngoài nhập cư vì họ thường mang theo chuẩn giá trị của riêng mình khi đến Đức.<br />
Trong số các nhóm người được hỏi thì người lớn tuổi là bi quan nhất, vì chỉ có 9%<br />
trong số họ tin rằng tất cả người Đức đều chân thật, trong khi con số này ở độ tuổi từ 14-<br />
19 là 26%. Đối với những giá trị khác như “biết tôn trọng người khác, sự công bằng hay<br />
vị tha” thì người lớn tuổi cũng cho thấy họ bi quan hơn thanh niên. Theo GS Behnke, một<br />
phần vì người lớn tuổi hay than phiền về lớp thanh niên ngày nay, phần khác vì bản thân<br />
họ cũng thấy những giá trị này không mang tính ràng buộc như trước đây nữa. Vì điều<br />
kiện sống đã thay đổi nên người ta đi lại nhiều hơn, cuộc sống trong đô thị cũng khép kín<br />
hơn, người ta ít biết về nhau nên nhiều mối quan hệ xã hội đã mất, những mối quan hệ<br />
mới cũng không dễ tạo ra để thay thế. Rõ ràng, khi người ta không biết nhiều về nhau thì<br />
khó mà đánh giá người khác có phải là người trung thực hay không.<br />
<br />
Điều gây sốc từ kết quả khảo sát của Reader Digest là học vấn của người được hỏi<br />
càng cao thì xác suất lựa chọn giá trị trung thực là quan trọng nhất càng thấp. 46% những<br />
người có trình độ cấp hai, 37% những người có trình độ trung cấp và chỉ 30% những<br />
người có trình độ trung học và đại học coi giá trị này là quan trọng nhất. Như vậy, nếu<br />
muốn thành công trên con đường học vấn, nếu muốn tuyệt đối hóa những mong ước của<br />
riêng mình thì người ta phải giả dối? Kết quả này đồng nghĩa với “Chỉ có người ngu dốt<br />
mới trung thực”. Điều này sẽ gây hiểu lầm lớn, bởi vì sự trung thực được xem là “vốn”<br />
xã hội và rất quan trọng đối với tất cả mọi người.<br />
<br />
Kết quả khảo sát cũng cho thấy truyền thống và niềm tin tôn giáo là hai giá trị hiện<br />
chỉ đóng vai trò thứ yếu. Làn sóng nhập cư trong hai thập kỷ qua ở Đức rất lớn dẫn dến<br />
việc nước Đức hiện tại đa sắc tộc và đa tôn giáo nhất trong lịch sử. Để tất cả các thành<br />
viên trong xã hội Đức có thể chung sống hòa bình thì những giá trị mới phải có tính trung<br />
lập về mặt tôn giáo. Cũng dễ hiểu khi chỉ có 8% những người được hỏi xem lòng yêu<br />
nước là rất quan trọng. Để lý giải điều này cần nhìn lại hệ lụy của Thế chiến thứ 2 mà<br />
nước Đức đã gây ra. Sau biến cố đó, một thời gian rất dài, người Đức dẹp bỏ tất cả những<br />
gì thể hiện hoặc phô trương tinh thần dân tộc và họ kiểm soát lẫn nhau, nhắc nhở nhau<br />
không bao giờ được để cho mầm mống của chủ nghĩa dân tộc có cơ hội phát triển lần<br />
nữa. Bởi vậy, khi đội tuyển bóng đá Đức ăn mừng chiến thắng World cup 2014 một cách<br />
thái quá đã bị dư luận và giới truyền thông lên án ngay lập tức.<br />
<br />
Kết luận<br />
<br />
Những thay đổi giá trị Đức qua các khảo sát cho thấy người Đức hiện nay ít quan tâm<br />
đến những giá trị thể hiện tính cách (mang tính cá nhân) bằng những giá trị thể hiện sự<br />
gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, những giá trị này cũng không tồn tại lâu bền như trước đây<br />
mà thay đổi tùy theo những thay đổi trong cuộc sống cá nhân cũng như biến động của xã<br />
hội. Đó là lý do vì sao cứ hai năm một lần, người ta tiến hành khảo sát lại trên diện rộng<br />
để cập nhật kết quả khảo sát trước đây. Như đã nói trong tựa bài viết, đây mới chỉ là<br />
những tìm hiểu bước đầu về mảng đề tài rất rộng này, vì vậy những phân tích, kết luận<br />
trên chỉ mang tính gợi mở. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những khảo sát định tính và vận<br />
dụng những phương pháp nghiên cứu khác trong ngành Văn hóa học nhằm bổ sung vào<br />
những kết quà này để bức tranh về chuẩn giá trị Đức hiện tại được đầy đủ hơn.<br />