Chỗ trống dưới ngón tay Phật
lượt xem 2
download
“Đài chứng tích nấm mồ chung liệt sĩ Nhưng khói hương này xin thắp cả đôi bên” (Thắp Cho Thành Cổ - Nguyễn Hữu Quý) NVTPHCM- Tôi là chỗ trống trong đáy mắt ứ máu của mẹ tôi. Tôi là chỗ trống tím ngát đớn đau trên quê hương tôi. Tôi sinh ra dưới chân núi Đá Bia. Mãi quẩn quanh nơi mình sinh ra, tôi và những người bạn của tôi không siêu thoát được, vĩnh viễn không siêu thoát được, có lẽ vậy. Bầu trời thẳm xanh nhìn tôi công tâm và thấu hiểu. Ngôi nhà vách ván lộng...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chỗ trống dưới ngón tay Phật
- Chỗ trống dưới ngón tay Phật TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN HIỆP “Đài chứng tích nấm mồ chung liệt sĩ Nhưng khói hương này xin thắp cả đôi bên” (Thắp Cho Thành Cổ - Nguyễn Hữu Quý) NVTPHCM- Tôi là chỗ trống trong đáy mắt ứ máu của mẹ tôi. Tôi là chỗ trống tím ngát đớn đau trên quê hương tôi. Tôi sinh ra dưới chân núi Đá Bia. Mãi quẩn quanh nơi mình sinh ra, tôi và những người bạn của tôi không siêu thoát được, vĩnh viễn không siêu thoát được, có lẽ vậy. Bầu trời thẳm xanh nhìn tôi công tâm và thấu hiểu. Ngôi nhà vách ván lộng gió nhìn tôi độ lượng thân thương. Chiến tranh đẩy cha con tôi về hai phía: Cha tôi đồng hành với con đường kháng chiến của dân tộc, tôi bị bắt quân dịch, bị đưa vào cuộc chiến đấu không tưởng của phía bên kia. Ra khỏi quân trường Đồng Đế với khuôn mặt cháy nắng và mái tóc húi cua, tôi tháp tùng những cuộc hành quân, thi hành những sự vụ lệnh luân đổi quẩn quanh từ bụng Cù Mông đến lưng Đèo Cả, lùng sục châu thổ sông Ba, truy kích từng chiếc mũ tai bèo trong những lùm xương rồng bàn chải dưới chân Chóp Chài, Núi Nhọn. Bạn bè gọi tôi là “anh hùng nhát gan yếu mật”, là con thỏ to đùng, là thằng lính làm thơ, bắn chỉ thiên thành thạo.
- Ác mộng tôi tràn những đêm tiệc máu, máu của cha và máu của dân mình. Đêm của tôi là những đêm thảng thốt bàng hoàng đau thắt trái tim. Tôi hãi hùng thấy mình đang bò người ra liếm láp máu me, chung quanh tôi xác người la liệt, tay chân đầu mắt nát đứt la liệt, tóc tai ruột phổi vắt vẻo cành gai la liệt… Tâm hồn tôi xói lở ý thức làm người. Đụng trận là điều tôi sợ hãi nhất trong chuỗi ngày bi thiết cõi nhân sinh, nhưng rồi tôi cũng phải giáp mặt, phải giằng xé, phải tự đả thương trái tim mình. Nheo mắt. Nín thở. Ngón tay tôi ngập ngừng ôm vào cò súng, một dòng điện lạnh chạy dọc sống lưng. Trong vòng ngắm của tôi, đỉnh đầu ruồi đang thẳng hàng với chiếc mũ tai bèo thấp thoáng. Ánh sáng chia tư. Linh hồn tôi chia hai. Một là bản năng tự vệ. Một tim máu nghĩa tình. Nheo mắt. Nín thở. Bắn! Mệnh lệnh siết cò vừa phát ra trong đầu, tôi đã nghe tiếng cười của ba tôi hòa trong tiếng hân hoan trẻ thơ nắc nẻ giòn tan của tôi. Ba cõng tôi trên vai, nâng hai cánh tay tôi giang ra quay vòng, quay vòng. Chúng tôi chơi trò “Bay lên, thần tiên bay lên!” trên mảnh vườn sau nhà. Năm ấy, vườn mai nhà tôi nở muộn, cả một vùng vàng rực, lung linh, mai quê tôi sực nức hương thơm không đâu bằng. Năm ấy… Mẹ tôi nhắc đó là thời điểm tháng ba âm lịch. Năm ấy… hằn nét u buồn quắc quay lên mắt mẹ tôi. Ba tôi đi tập kết. Cuộc tự phân ly của gia đình tôi diễn ra trong lén lút, bí mật, nước mắt cũng dụi giấu thật sâu vào lòng mẹ tôi. Mẹ gánh tôi trên một đầu thúng tròn, đầu kia mấy cục đá cháy đen thui. Tôi nhìn ngược lên mặt mẹ tôi, mắt mẹ đỏ ướt, sa sầm làm cho tôi vô cùng lo sợ. Mắt mẹ tôi đã chết từ dạo đó. Từ ngày hay tin ba tôi vượt Trường Sơn về lại địa đạo Gò Thì Thùng, nỗi lo sợ càng dâng lên trong tôi mạnh mẽ, mỗi lần thấy xác người chết trận tôi đều nhào tới xem có phải khuôn mặt thân thương xa vắng của cha. Những lúc ấy, tim tôi đập thình thịch, tôi đau thắt tim nhận lỗi về mình và mong cha tôi tha tội cho thằng con bất hiếu. Nheo mắt. Nín thở. Tôi chợt lạnh toát người rút ngón tay ra khỏi cò súng, gục đầu lên báng súng, nấc nghẹn. Một loạt đạn ngược chiều chợt xé roẹt qua đỉnh đầu tôi. Cơ thể tôi đông cứng. Tâm hồn tôi đông cứng. Mồ hôi lạnh tuôn túa nhòe nhoẹt hai bên thái dương đông cứng. Khoảnh khắc thoát chết gang tấc nhắc tôi sự nghiệt ngã của chốn đạn bom:
- Tôi không bắn người, người sẽ bắn tôi. Tôi hình dung mường tượng đến những vết nhăn cũng đang kéo dùn trên trán cha tôi với bao đau đớn. Không biết cha có thấy con trai mình bị ép nằm phục sau bụi xương rồng này không!? Chiếc mũ tai bèo nào con cũng nghĩ là cha, cha ơi! Bắn cha mình? Bắn cha? Lẽ nào tôi lại phạm tôi ác giết cha tày đình?! Đỉnh đầu ruồi trên nòng súng của tôi chợt nhòe mờ run rẫy, tôi vội giật nòng hướng khoảng không, siết cò. Lá rách rụng lã chã. Tôi thở ra nhẹ nhõm cho một lần thoát tội. Nheo mắt. Nín thở. Nòng súng ngoái đầu nhìn tôi, tia mắt đen lạnh lùng, vô cảm nhìn tôi, nó phả vào mặt tôi mùi thuốc súng khét lẹt như một cách trêu ngươi, mai mỉa. Cái đỉnh đầu ruồi to dần, to dần rồi lao ngược vào mắt tôi như một viên đạn vãi tung nhiệt lực, vút mạnh vô tâm. Tôi giật mình suýt hét lên. Thái độ giằng co phân vân, những cú giật mình của tôi đã không qua được đôi mắt cú vọ của tay trung đội trưởng, nó ra lệnh cho tôi bò lên nhập vào nhóm trên, nhóm đỡ đạn. Những lúc tạm yên, vào vị trí gác, tôi nghĩ nhiều đến việc tự đả thương để giải ngũ nhưng rồi tất cả những cơ hội của tôi đều qua nhanh. Có lần tôi đã quấn chiếc mền dù quanh bàn tay phải, chuyển súng lên tay trái, tôi đã dí nòng xuyên qua lớp mền dày, bàn tay phải đã cảm nhận được dòng điện lạnh ngắt sắp phát ra của thương tích, của mất mát một phần cơ thể thì ngay lúc ấy tôi được điều động sang vị trí khác. Mãi mãi nó chỉ là ý nghĩ nung nấu trong tôi mà không thực hiện được. Tôi được điều về đại đội biệt kích đóng quân ở Hòn Ngang. Những cái tên Bắc Lý, Đông Hòa, Tây Hòa, Tân Sơn Định… là những nỗi khiếp hãi làm run chân khụy gối những người mặc áo lính ủi hồ. Một trận đánh ác liệt dọc đường Số Bảy. Sau khi pháo binh từ Củng Sơn dọn đường, những chiếc GMC chở lính đổ xuống xanh cả vạt rừng khô nhưng loay hoay mãi mà không tiến lên được đành phải đánh đến đâu đào chiến hào đến đó, đến chiều, khi gọi trực thăng tiếp viện thì tình hình thay đổi được chút ít. Vừa núp vừa bắn. Có lúc vừa lùi vừa bắn. Hai bên miếng lừa miếng tung hết cỡ hỏa lực vào nhau để chiếm lấy từng bụi xương rồng nhấp nhô, từng tảng đá thụt thò. Tôi chỉ còn con đường lao lên, lao lên để tự vệ với đạn từ bên kia và cả với khẩu côn từ phía sau của thằng trung đội
- trưởng khét tiếng. Tôi ngoái nhìn xác của thằng bạn tôi vừa đổ gục xuống mà tê dại, mà cuống cuồng, mà điên máu, điên hồn. - Lên! Thằng nào không lên tao bắn! Ngay sau câu dọa nạt là tiếng súng đanh lạnh bắn ra từ đồng đội, bạn tôi ngã gục, tôi quay lại chỉ kịp nhìn thấy thằng trung đội trưởng thổi phù phù vào nòng khẩu ru-lô rồi đánh tay cho ổ đạn quay rè rè. Meee…ẹ! Đó là tiếng chửi thề đầu tiên trong đời của tôi. Một trận đánh ác liệt hơn ngay trên đồng lúa Long Tường. Trời khóc. Lúa khóc. Những bờ ruộng khóc. Cánh đồng lúa vàng tan vụn ra dưới những cú vốc tung tàn nhẫn của đạn cối. Lúa ngã rạt, vung vãi. Hương lúa con gái cháy khét. Hương lúa trổ đòng cháy khét. Lúa cũng tan xương nát thịt như người. Lúa cũng tê tái điếng đau như người. Cả vùng quê đẹp như tranh chợt điêu linh, chợt bị nhâm nhe hủy diệt, chợt biến hình loang lỗ sậm nâu. Bức tranh tang thương được khắc bằng dày đặc, chật nêm xác những người trai trẻ, tô bằng trăm trăm ngàn ngàn mớ não óc vỡ toang, trắng nhoẹt, đỏ lòm… Một bức tranh đầy âm khí. Tiếng súng dừng đột ngột như một cuộc hưu chiến đuối rã bất ngờ vô điều kiện. Sự im lặng trước cơn bão hay Việt cộng đã rút thật? Tôi khấp khởi mừng thầm, rời mắt khỏi đỉnh đầu ruồi, gác nòng súng lên một xác chết, tay phải buông khỏi cò, phẩy bớt bùn rồi lau miết lên lưng áo. Tôi chợt thấy sợ, lúc nào đó, có thể khoảnh khắc tới đây thôi, bàn tay này, bàn tay phải vừa phẩy bùn, cũng không lau được nước mắt, mồ hôi cho chính mình nữa. Tôi khẽ nhúch nhích cơ thể, nhúch nhích bộ đồ trận đầy máu và bùn, đưa mắt
- bao quát cánh đồng đầy rẫy những ngoặt ngoẹo, những co quắp, những đứt đoạn, những vô nghĩa loạn cuồng. Vài đôi mắt từ đằng kia căng cố nhìn lại, những chiếc nón sắt khẽ lắc lắc ra hiệu. Vẫn án binh bất động. Tôi chợt thấy nhớ nhà đến nao người, nhớ đến nhũn cả “sắt thép” trong ý chí một thằng con trai, nhớ như là đang chết đuối giữa bầu trời rỗng không, giữa mặt đất nhầy nhụa. Tôi không biết, hoàn toàn không biết mình đang làm gì ở đây. Tại sao có cuộc giết chóc khủng khiếp như vậy?! Bộ đồ trận đang ngập trong bùn này, cánh chim đại bàng trên tay áo này, những trái lựu đạn dắt đầy thắt lưng này, đôi giày trận bout de shaut ngập bùn này… Tất cả là gì vậy? Tại sao nó gắn vào cuộc đời tôi? Tại sao tôi không phải là người nông dân hiền lành chất phát như cha ông bao đời? Tại sao giờ này tôi không được ở nhà sửa lại giàn mướp, sửa lại cái chuồng gà nho nhỏ cho mẹ? Tại sao giờ này tôi không xúng xính trong bộ đồ vía quấn quýt người sương phụ áo đen hàng xóm của tôi, để ngửi hít mùi nàng, để rón rén ngắm cơ thể trắng hồng của nàng bằng ánh mắt hươu non, để nghe tim hồi hộp cất tiếng hoan ca, để ngạc nhiên cảm nhận cái nóng ran rạo rực ngọt ngào của một vùng thanh tân cường tráng. Tôi không biết, hoàn toàn không biết mình đang làm gì ở đây. Tôi chết đuối, ngộp thở trong nhớ thương quay quắc, hoang hoãi phận người, trong bất lực, tuyệt vọng. Đầu óc tôi, tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi gục xuống như một tượng người súc cốt, rút co trong tột cùng rát đau, trong nguyên thủy ban sơ vỡ vụn, trong bay lên chìm xuống nhập nhòe. Tôi chợt nghĩ nhiều đến chỗ trống của mình trong nhà. Mẹ tôi tới bữa ăn sẽ nhìn vào chỗ tôi thường ngồi mà thở ra thườn thượt, mẹ tôi không còn nước mắt để khóc cho tôi, những nếp da quanh đuôi mắt mẹ dùn lại, ép lại, ráo hoảnh. Đôi mắt mẹ đã chết hai lần. Mẹ tôi, mẹ tôi, người góa phụ vá áo để mặc mũi kim đâm vào đầu ngón tay, đâm vào óc tim tê dại. Ngày tôi bị bắt lính, bị đẩy lên chiếc xe GMC, mắt mẹ cũng dại tê như thế, ai đó đã kịp thời đỡ được mẹ không, mẹ ngã xĩu khi thùng xe đóng rầm một tiếng lạnh lùng và chiếc xe chở tôi, chở bạn bè tôi lao vút đi. Chỗ trống ơi! Tôi sẽ về, sẽ lấp đầy cho bù nỗi nhớ da diết của mẹ. Tôi sẽ về cầm lại đôi đũa tre mòn nhẵn dấu tay mình, bữa ăn lại đầm ấm, mẹ sẽ gắp thức ăn cho tôi thật nhiều,
- mẹ sẽ khẽ nhắc tôi không được lật con cá trong dĩa vì người dân biển miền Trung tin như vậy ghe sẽ lật chìm khi giáp làn sóng cả. Tôi sẽ về ngôi nhà vách ván của mình, sẽ ngắm những sọc nắng từ vách soi vào in trên từng đồ vật; vàng ơi, nâu ơi, xanh ơi, tôi thuộc lòng vị trí của từng mảng màu trong nhà ngay cả khi tôi ngồi lim dim mắt, ngay cả khi tôi đang lồm cồm trên đồng ruộng bầm đỏ máu người này đây. Tôi sẽ về tì tay lên khung cửa sổ không đóng bao giờ của căn phòng riêng tôi, vì nó chỉ là một ô nho nhỏ vuông vuông, nó là con mắt nhìn ra vườn, nhìn những chùm khế ngọt trĩu quả vàng xanh, những “mâm xôi” đơm đầy bông khế tím ngát. Không biết ở nhà giờ này khung cửa sổ ấy có thay tôi ưỡn ngực, căng tai khoan khoái hứng lấy ngọn gió nam non mát rượi mang cả tiếng chuông nhà thờ vang ngân hay không? Tôi sẽ về, sẽ về! Mẹ chờ con nghen mẹ! Con sợ tóc mẹ sẽ bạc nhiều, mắt mẹ sẽ ùn đầy vết chân chim vì thương nhớ con, vì lo lắng cho con. Con sợ mắt mẹ sẽ mù lòa vì mãi ngóng con về. Mẹ hay nói “hòn tên mũi đạn biết đâu mà lần”, kiểu nói nôm na của người Phú Yên, của mẹ nhiều lúc khiến con bật cười nhưng giờ nhớ lại, nghe lại giữa trận địa như thế này sao mắt con cứ rưng rưng. Mẹ có biết con đang cười ra nước mắt!? Trai thời chiến không được khóc đâu mẹ, con chỉ rưng rưng một mình thôi, không ai thấy được đâu, xung quanh con giờ chỉ toàn xác chết, người chưa chết gần nhất cũng nằm tít bờ bên kia đám ruộng. Án binh bất động, chúng con đang chờ lực lượng đến giải vây. Trận địa rộng lắm, đã ba hôm rồi con chỉ ăn vài ngụm gạo sấy, một ít lá ớt quơ vội ở bìa vườn ngang qua. Nội ngày hôm nay không được giải cứu, bọn con sẽ xé đường máu mà chạy thôi. Bạn bè con nằm xuống như rạ, không đếm xuể đâu mẹ. Chiến tranh thật tàn nhẫn, người mới đó rồi mất đó. Ông Phật quả không nói láo, vô thường, sinh diệt vô thường, cái ngón tay của Phật to lớn trên núi Đá Bia đang chỉ về hư vô có phải là một tiên đoán cho ngày tận diệt này không. Con đang gác cây súng lên vồng ngực đã ngừng thở của một anh bạn Việt cộng trẻ măng mà cứ ngỡ bạn ấy nằm ngủ, đôi mắt to khép hờ dưới cặp mày kiếm gần giao nhau mạnh mẽ của bạn ấy làm con xúc động, mong rồi bạn ấy sẽ trở dậy, sẽ về, sẽ lấp đầy nỗi nhớ trong ngôi nhà mình, mẹ bạn ấy chắc mừng đến phát khóc,
- đến quýnh quíu tay chân… Bà mẹ Việt nào thấy đứa con mình rứt ruột đẻ ra bị tan xương nát thịt mà không quặn đau, mà không tê dại phải không mẹ!? Bạn ấy ra trận cũng để lại chỗ trống ở nhà như tôi. Một người ra đi mà nhà có biết bao chỗ thành trống vắng? Chỗ trống trong phòng sách của tôi chắc giờ đã phủ bụi, những André Gide, những Jean Paul Sartre, những Rimbaud, Valery… Ôi! Những cơn run rẩy tuyệt đối, những sa đọa của ý thức… phê phán ấy giờ có nghĩa gì đâu. Lời lời không đầu không cuối. Lời lời dở dang khi tiếng súng vang lên, khi máu đang đổ ra từng ngày, từng giờ, từng phút giây ứ đầy đất mẹ. Tôi sẽ về! Sẽ ngồi vào chỗ trống cạnh kệ sách để đọc và lắng nghe những gì có nghĩa, có tình của nhân loại này. Tôi sẽ về với tất cả mọi người, với nồng nàn, âu yếm, với bước lang thang đường quê trưa hè, với giấc mộng chung hực sáng buổi mai. Tôi sẽ về để đọc cho nhàu nhĩ, đọc cho thấm thía Mùa Địa Ngục của Rimbaud: “Tìm thấy lại rồi! Cái gì? Vĩnh cửu Đó là biển trộn lẫn Mặt trời…” Tôi sẽ cất giọng gầm vang như sư tử: “Không có lời ngụy biện nào cho chiến tranh”. Tôi sẽ về gối đầu nằm hàng trăm quyển sách, sẽ ràn rụa yêu thương, sẽ oặn mình nước mắt. Quê hương ơi, ngôi nhà ơi, mẹ ơi, con sẽ về! Tôi sẽ về! Có chiếc nón lá của sương phụ áo đen mãi đợi tôi cầm nghiêng che nắng, có những đường cong mê hồn của cơ thể nàng đang đợi ánh mắt hau háu của tôi, có cái mùi ngọt ngào thơm tho của da thịt nàng đang đợi chờ cơn mụ mị đắm say của chàng trai mới lớn là tôi! Hình như cơn mưa đang đợi một cặp đôi đứng nép vào nhau để nghe tim nhau đập rộn. Hình như đêm khuya đang đợi lời thì thầm yêu thương tha thiết. Hình như mây đang chờ kéo mộng viễn phương… Và mùi nàng, mùi cánh đồng, mùi mây, mùi gió đã mất đi thật rồi, chỉ còn một mùi máu tanh nồng mà thôi.
- Tôi sẽ về, chỗ trống ơi! Khi chiến tranh khép lại, khi điêu tàn biến mất, khi máu thẫm ngừng tuôn, tôi sẽ về chỗ trống của tôi. Và tôi đã về thật. Một viên pháo thổi tung chỗ tôi nằm, thổi cả bùn tơi ra tung tóe. Tôi bay lên trơ trọi, nhẹ thênh. Con đang về nhà đây mẹ! Chỗ trống sẽ được con lấp đầy, vĩnh viễn lấp đầy. Mẹ hãy gọi tên con là Chỗ Trống! Quê hương ơi, người thân ơi, sương phụ áo đen ơi, hãy gọi tên tôi là Chỗ Trống! Chỗ Trống. Chỗ Trống. Chỗ Trống… Một trong trăm ngàn chỗ trống bóng ma của cả hai phía không siêu thoát được dưới ngọn núi mang hình ngón tay của Phật, ngọn Đá Bia quê tôi. Phú Yên, 4.2012 THEO VĂN NGHỆ
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn