intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cơ sở lý thuyết cho giải pháp giáo dục nghệ thuật trong nhà trường về nghệ thuật dân gian - dân tộc của thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Cơ sở lý thuyết cho giải pháp giáo dục nghệ thuật trong nhà trường về nghệ thuật dân gian - dân tộc của thành phố Hồ Chí Minh" bàn về việc thực hiện các hoạt động giáo dục nghệ thuật trong nhà trường trên cơ sở những lý thuyết khoa học cần được nhìn nhận như là nhóm giải pháp cấp thiết và mang tầm chiến lược, giúp học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về nghệ thuật dân gian – dân tộc của Thành phố. Đó là vấn đề mà nhóm tác giả đề cập trong tham luận này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cơ sở lý thuyết cho giải pháp giáo dục nghệ thuật trong nhà trường về nghệ thuật dân gian - dân tộc của thành phố Hồ Chí Minh

  1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT CHO GIẢI PHÁP GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG VỀ NGHỆ THUẬT DÂN GIAN - DÂN TỘC CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TS. Nguyễn Hồ Phong119, CN. Lê Thành Trung120 Tóm tắt: Nghệ thuật dân gian - dân tộc như hò huê tình, hò chèo ghe, hò cấy, nói thơ,…là những giá trị văn hoá độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh. Các loại hình nghệ thuật này phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và thẩm mỹ nghệ thuật của người dân Thành phố trước thực tiễn cuộc sống; đó còn là “không gian” để người lao động gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, an lành hơn, hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống đô thị rất sôi động và quá trình đô thị hoá rất mạnh mẽ, nghệ thuật dân gian – dân tộc ở Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra yếu thế so với nhiều loại hình giải trí hiện đại trong cuộc cạnh tranh thu hút công chúng. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện các hoạt động giáo dục nghệ thuật trong nhà trường trên cơ sở những lý thuyết khoa học cần được nhìn nhận như là nhóm giải pháp cấp thiết và mang tầm chiến lược, giúp học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về nghệ thuật dân gian – dân tộc của Thành phố. Đó là vấn đề mà nhóm tác giả đề cập trong tham luận này. Abstract: Folk art - folk culture such as ho hue tinh, ho cheo ghe, ho cay, noi tho, etc., are unique cultural values of Ho Chi Minh City. These forms of art reflect the worldview, outlook on life, and artistic aesthetics of the city's people towards the realities of life; they are also spaces for workers to express their thoughts, aspirations, and dreams for a better, more peaceful, and happier life. However, in the bustling urban life and the strong urbanization process, folk art - folk culture in Ho Chi Minh City appears to be weaker compared to many modern entertainment forms in the competition to attract the public. In this context, implementing artistic education activities in schools based on scientific theories should be considered as essential and strategic solutions, helping students to have more opportunities to access and deeply understand the folk art - folk culture of the city. This is the issue addressed by the authors in this paper. Từ khóa: Dân gian, dân tộc, lý luận, nghệ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh Keywords: Folk, ethnicity, theory, art, Ho Chi Minh City 1. Đặt vấn đề Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những siêu đô thị có quy mô kinh tế – văn hóa – giáo dục – xã hội, có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất Việt Nam. Về kinh tế, Thành phố 119 . Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh 120 . Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng 314
  2. Hồ Chí Minh là địa phương thường xuyên dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế với mức độ cạnh tranh quyết liệt. Tính đến năm 2022, Thành phố có 11.351 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 56.247,9 triệu USD. Trong đó, riêng trong năm 2022, Thành phố có 986 dự án đầu tư của nước ngoài được cấp phép với tổng vốn là 1.563,3 triệu USD. Đồng thời, tính theo lũy kế từ năm 2018 đến 2022, Thành phố có 45.425 doanh nghiệp đăng ký thành lập, và số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến thời điểm ngày 31/12 năm 2022 của Thành phố là 274.067 doanh nghiệp [Tổng Cục thống kê Việt Nam, 2022, tr. tr. 353, 359, 400]. Về mặt xã hội, đến cuối năm 2022, Thành phố có 9.389.700 người. Trong đó, dân số ở thành thị là 7.302.800 người, chiếm 77.77% trong tổng dân số. Dân số ở nông thôn là 2.087.000 người, chiếm 22,23% trong tổng dân số [Tổng Cục thống kê Việt Nam, 2022, tr. 106, 116, 118]. Về thành phần dân tộc, tính đến năm 2019, trong tổng số 8.993.082 người, người Kinh đông nhất với 8.523.173 người, chiếm 94,77%; tiếp đến là dân tộc Hoa với 382.826 người, dân tộc Khmer có 50.422 người, dân tộc Chăm có 10.509 người [Tổng Cục thống kê Việt Nam, 2020, tr.177 – 179]. Về giáo dục, tính đến năm 2022, ở cấp mẫu giáo, Thành phố có 1342 trường học, 11556 lớp học, 20167 giáo viên và 229661 học sinh. Về cấp phổ thông, tính đến thời điểm ngày 30/9/2021, Thành phố có 1004 trường, trong đó có 514 trường tiểu học, 279 trường THCS, 124 trường Trung học phổ thông, 7 trường phổ thông cơ sở và 80 trường trung học. Số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy tính đến ngày 30/9/2021 của Thành phố là 51500 người, trong đó tiểu học là 22202 giáo viên, Trung học cơ sở là 17293 người và Trung học phổ thông là 12005 người. Số học sinh phổ thông của Thành phố tại thời điểm ngày 30/9/2021 là 1360173 học sinh, trong đó có 679883 học sinh tiểu học, 447940 học sinh trung học cơ sở và 232350 học sinh trung học phổ thông. Thành phố cũng có 70618 học sinh thuộc các dân tộc thiểu số. Ở bậc đại học, tính đến năm 2020, Thành phố có 19126 giảng viên, 599782 sinh viên đại học [Tổng Cục thống kê Việt Nam, 2022, tr. 905, 908, 914, 920, 924, 930, 932]. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển khá toàn diện về mọi mặt đó, các loại hình nghệ thuật dân gian – dân tộc đang đứng trước những thử thách lớn, có phần nan giải trong việc tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các loại hình văn hóa giải trí mới. Vậy, các cơ quan hữu trách cần làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật dân gian – dân tộc mà Thành phố đang sở hữu? Đó là câu hỏi cần có đáp án trên những cơ sở lý luận phù hợp, và cũng là vấn đề mà tác giả bài viết này quan tâm nghiên cứu và đề xuất. 2. Khái quát về nghệ thuật dân gian – dân tộc tại Thành phố Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh – vùng đất từng được phong danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” đâu chỉ nổi tiếng về sự phát triển kinh tế, giáo dục; mà còn là nơi chứa đựng nhiều di sản văn hóa độc đáo của biết bao cộng đồng, tộc người đến định cư, sinh sống và sáng tạo nên trong suốt hàng trăm năm hình thành và phát triển. Trong đó, các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc là một thành tố quan trọng trong kho tàng đó. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Thành phố Hồ Chí Minh có các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: 315
  3. - Hò huê tình: Loại hò này “phổ biến khắp các huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh và được diễn xướng cả trong lúc chèo ghe, cấy lúa, đươn đệm, dệt chiếu,…Đặc điểm của hò huê tình là lời hò phát triển chủ yếu trên một cặp lục bát, tức câu hò ngắn, tốc độ diễn xướng chậm rãi và đặc biệt là giai điệu và âm hưởng của hò huê tình rất gần với hát ru con Nam Bộ, một làn điệu mà cơ bản không biến đổi mấy so với hát ru con Trung Bộ”. - Hò chèo ghe: Loại hình nghệ thuật này hình thành và phát triển trên cơ sở phương thức định cư, đi lại, kinh doanh,… đặc thù của miền sông nước. “Hò chèo ghe trở thành một hình thức diễn xướng phát triển tương đối trội hơn các loại hình ca hát dân gian khác. Trên sông nước, các tụ điểm hò hát và sinh hoạt đặc biệt sôi nổi và các giáp nước, những nơi mà sau đó thường trở thành chợ, thành thị tứ kiểu “trên bến dưới thuyền”. - Hò cấy: Sinh hoạt văn hóa dân gian này được khởi phát từ nghề trồng lúa nước truyền thống của người dân Thành phố. “Kết quả điều tra thực tế ở các xã ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rằng mỗi vùng đều tồn tại và ba điệu hò cấy khác nhau… Đây là kết quả của quá trình giao lưu giữa các vùng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trước hết là sự lưu động của các công cấy, tức các tay hò, đi cấy thuê từ vùng này sang vùng khác”. Cùng với thời gian, họ cấy phát triển thành nhiều dạng thức và tên gọi khác nhau như Hò mái Ố, Hò mái dài, Hò hòa hơ, Hò xay lúa,… - Lý: Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Lý “là hình thức diễn xướng thịnh hành của thế hệ nghệ nhân dân gian từ những thập niên 30 của thế kỷ này (tức thế kỷ XX) trở về trước và từ thời điểm này trở về sau, lý bắt đầu suy tàn”. “…đặc điểm cơ bản của lý là hình thức diễn xướng thuần nghệ thuật, tức chức năng của lý phân biệt với chức năng lao động của hò lao động, chức năng giao đãi của hò giao duyên,… Đặc điểm khác của lý là diễn xướng tập thể. Nó được diễn đồng ca, trong những trường hợp rất hiếm hoi nó mới được diễn xướng đơn lẻ”. - Nói vè, nói thơ, nói truyện, nói tuồng,…: Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho biết “Đây là tập hợp những hình thức diễn xướng chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt diễn xướng ở Sài Gòn – Gia Định, ở Nam Kỳ lục tỉnh nói chung… những hình thức diễn xướng này là phương cách phổ cập không chỉ những sáng tác tự sự dân gian mà cả tác phẩm văn học thành văn – đặc biệt là những tác phẩm tự sự – ra công chúng đông đảo; và cũng do đó, đã tạo nên một đặc tính của văn chương miền Nam là “nặng về nói và trình diễn”. - Hát bội: Tiền thân của hát bội là nói tuồng, cũng như những hình thức diễn xướng tổng hợp được gọi theo thói quen là hát. Qui mô và cách thức diễn hát bội hết sức đa dạng và cơ động như hát soát, hát đám, hát tuồng, hát ăn tiền thưởng, hát giúp, hát phá rạp, hát lễ tiên sư, hát xoãng mặt, hát lễ trường (hát bỏ đồ). Cũng theo Huỳnh Ngọc Trảng thì “Ca vũ, ở đây hiểu là hát bội, phát triển đến mức các quan cai trị thời trước phải lên tiếng phàn nàn… Dân chúng mê hát bội, học từng lớp, từng bài để biểu diễn giúp vui khi có cuộc tiệc vui với bè bạn. Tình hình này phổ biến đến mức đã trở thành một thứ hát bội dân dã, con nít cũng diễn được”. - Hát đưa linh: Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp giữa cách thức diễn của hát bội và hò dân gian, là sự giao thoa giữa hai loại hình diễn xướng, một truyền thống và một dân gian. Đây là hoạt động nghệ thuật có tính chất bán chuyên nghiệp của những đội mai tang 316
  4. (hay còn gọi là hội âm công, nhà vàng). Về sau, khi cải lương thịnh hành đã xâm nhập dần và từng bước hát bội không còn được dùng phổ biến trong các cuộc hát đưa linh. - Hát bóng rỗi: Loại hình nghệ thuật dân gian gắn với nghi lễ cúng miếu, cúng đình, nơi thờ tự các nữ thần. Đây cũng là hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp bao gồm nhiều tiết mục phong phú về thể loại diễn xuất, cũng như làn điệu bài bản ca xướng. Một chương trình hát bóng rỗi thường có cấu trúc các phần: Lễ khai tràng, Chầu mời – Thỉnh tổ, Chầu mời – mời tiên ra tuồng, Phước lộc, Trạng – Nàng, Địa – Nàng, Bóng múa và cuối cùng là hát chặp (hát trích đoạn các vở hát bội). - Đờn ca tài tử: Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian - dân tộc duy nhất của vùng Nam Bộ được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đờn ca tài tử là nền tảng quan trọng để hình thành nên nghệ thuật sân khấu cải lương sau này. Loại hình diễn xướng này ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 18, và dần phát triển rộng khắp vùng Nam Bộ, đến Trung Bộ, góp phần đem lại sức sống mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân từ nông thôn đến thành thị. Ngày nay, dù môi trường diễn xướng, thị hiếu, nhu cầu của công chúng Thành phố có nhiều thay đổi, nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn tìm được một chỗ đứng vững chắc trong lòng xã hội mới với nhiều CLB đờn ca tài tử ra đời, hoạt động đào tạo tài tử đờn, tài tử ca vẫn được các đơn vị sự nghiệp văn hóa thực hiện thường xuyên. Điều đó tạo nên những cơ hội mới để nghệ thuật dân gian - dân tộc này được bảo tồn, phát huy, phát triển tốt hơn trong xã hội đương đại. - Nghệ thuật sân khấu cải lương: Thuật ngữ “cải lương” đầu tiên được dùng với nghĩa là “cải cách” các mặt đời sống từ kinh tế, chính trị, xã hội đến văn hóa, chứ không nhằm để chỉ một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như ngày nay. Trong đó, phong trào cải cách này diễn ra mạnh mẽ đối với nghệ thuật hát bội để đáp ứng sự nhu cầu mới của công chúng vùng Sài Gòn – Gia Định xưa. Quá trình cải cách này thành công đã cho ra đời một loại hình ca – diễn mới trên nền của nghệ thuật hát bội và ca ra bộ (giai đoạn phát triển mới của ca tài tử) mà ngày nay gọi là “Nghệ thuật sân khấu cải lương” [Trần Văn Giàu & Trần Bạch Đằng (Chủ biên), 2018, tr. 15, 17, 21-26, 35, 54-56, 59-76, , tr. 171 - 176]. Như vậy có thể thấy, Thành phố Hồ Chí Minh rất giàu có tài nguyên nhân văn là các loại hình nghệ thuật dân gian – dân tộc. Đây là tài sản – di sản văn hoá quý giá để làm nền tảng, cơ sở cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh trong hiện tại và tương lai. Đó là lý do vì sao các loại hình nghệ thuật dân gian – dân tộc của Thành phố cần được bảo tồn, phát huy thông qua nhiều phương cách, trong đó có giải pháp đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghệ thuật trong nhà trường. 3. Sự thay đổi hành vi thưởng thức nghệ thuật dân gian – dân tộc của học sinh, sinh viên – những công chúng trẻ của Thành phố Hồ Chí Minh Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc muốn đạt sự thăng hoa cao nhất, đòi hỏi quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, và sự thưởng thức của công chúng phải diễn ra đồng thời tại không gian diễn xướng. Ở đó, công chúng không chỉ thưởng thức những cái hay, cái đẹp, cái bi, cái hài thông qua tài năng biểu diễn của người nghệ sĩ; mà họ còn có thể đóng góp trực tiếp vào quá trình sáng tạo nghệ thuật thông qua thái độ, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, tiếng 317
  5. vỗ tay, sự tán thưởng khi thưởng thức nghệ thuật. Vì lẽ đó, có thể nói, mối quan hệ hữu cơ, trực tiếp giữa công chúng và nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc là bản chất cốt yếu quyết định sự khác biệt giữa nghệ thuật truyền thống khác với một số loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại khác. Thế nhưng hiện nay, các thành tựu của khoa học công nghệ đã thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống văn hóa, xã hội và làm thay đổi hành vi, cách thức thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của công chúng Thành phố, trong đó có một bộ phận quan trọng là học sinh, sinh viên. Theo đó, với sự hỗ trợ của công nghệ số, công nghệ video được tích hợp vào các phương tiện kỹ thuật như điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet, Ipad, tivi thông minh,…, học sinh, sinh viên Thành phố ngày nay có nhiều cơ hội để lựa chọn, tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí của mình mà ít bị giới hạn bởi thời gian, không gian, khoảng cách địa lý. Nhưng chính điều đó đã thay đổi hành vi, phương cách thưởng thức một số loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc từ trực tiếp (xem, thưởng thức tại không gian diễn xướng), sang gián tiếp (xem, thưởng thức thông qua phương tiện kỹ thuật); từ nhóm (có thể xem khán giả ngồi tại không gian diễn xướng là một nhóm người cùng sở thích nghệ thuật) sang cá nhân (công chúng có thể thưởng thức nghệ thuật một mình bằng các phương tiện cá nhân như điện thoại, Ipad, máy tính, tivi,…). Điều này đã phá vỡ quá trình đồng sáng tạo của nghệ sĩ và công chúng đối với một số loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Hệ lụy là, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một do vắng bóng khán giả như học sinh, sinh viên. Tất nhiên trong bài viết này, tác giả không đặt ra vấn đề là nên hay không nên sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào việc thỏa mãn các nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí của học sinh, sinh viên nói riêng, công chúng nói chung bởi đó là xu hướng, là yêu cầu tất yếu của xã hội hiện đại. Vấn đề mà nhóm tác giả quan tâm là bằng cách nào đó có thể duy trì song hành cả hành vi thưởng thức nghệ thuật thông qua các phương tiện điện tử, đồng thời xây dựng, duy trì và phát triển thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp tại các không gian diễn xướng của công chúng Thành phố, trong đó đặc biệt là công chúng trẻ như học sinh, sinh viên. 4. Hoạt động giáo dục nghệ thuật trong nhà trường về nghệ thuật dân gian – dân tộc ở Thành phố Hồ Chí Minh qua lý thuyết cấu trúc bộ máy tư duy người của Sigmund Freud121 (a) Khái quát về lý thuyết cấu trúc bộ máy tư duy người của Sigmund Freud Theo S. Freud, cấu trúc bộ máy tư duy của con người được cấu thành bởi ba hệ thống: Vô thức (unconscious), tiền ý thức (preconscious) và ý thức (conscious). Trong đó, phần vô thức là phần trọng tâm nhất của hệ thống cấu trúc bộ máy tư duy người, là nơi tàng trữ các bản năng của con người. Nó có sức mạnh to lớn, mãnh liệt đến mức con người không thể dùng lý trí để điều khiển được. Hoạt động của vô thức phục tùng theo nguyên tắc khoái lạc, 121 Sigmund Freud (1856 – 1939) vốn là bác sỹ thần kinh và tâm thần. Ông sinh ngày 6 tháng 5 tại Freiberg, vùng Moravia, nước Áo (nay thuộc Cộng hòa Séc). Ông là con trai đầu của người vợ thứ ba trong một gia đình Do Thái, cha là Jacob Freud, một thương gia nhỏ về ngành dệt. 318
  6. luôn hướng con người hành động để được thoả mãn. Nên thực tế, mọi hoạt động của ý thức người đều phụ thuộc vào phần tư duy vô thức. Vì vậy S.Freud kết luận “nếu hiểu được cái thầm kín, bí mật sâu xa của vô thức thì chúng ta sẽ hiểu được bản chất nội tâm của con người” [Nguyễn Thị Bích Hằng, 2015, tr.62]. Những khám phá về bản chất của vô thức, mối quan hệ giữa vô thức với ý thức của S. Freud rất hữu dụng cho các nghiên cứu về sự thăng hoa trong sáng tạo văn học, nghệ thuật của người nghệ sĩ. Cũng theo S.Freud, tiền ý thức “là phần tinh thần đi ra từ vô thức nhưng chưa đến được ý thức và do đó chưa trở thành ý thức” [Nguyễn Thị Bích Hằng, 2015, tr.64]; là nơi lắng đọng kí ức của mỗi con người, lưu giữ “lương tâm và lý tưởng cá nhân được hình thành bởi những giá trị của chuẩn mực đạo đức, quy phạm xã hội, đạo đức và tôn giáo” [Nguyễn Thị Bích Hằng, 2015, tr.64]. Tiền ý thức giữ vai trò trung gian mang tính cảnh giới giữa ý thức và vô thức, có chức năng “kiểm duyệt” toàn bộ hệ thống, ngăn cản những bản năng mạnh mẽ ở phần vô thức của con người xâm nhập vào ý thức. Trong quá trình tương tác với các hệ thống khác, những gì đã thuộc về tiền ý thức nếu nhận được sự tiếp sức mạnh mẽ của ý thức nó sẽ được chuyển hóa thành ý thức. Trong cấu trúc bộ máy tư duy của con người, ý thức thuộc phần nổi, là phần tinh thần liên hệ trực tiếp với thế giới bên ngoài của con người. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của mình, S.Freud không tập trung nhiều đến phần ý thức bởi theo ông, mọi hoạt động của hệ thống ý thức đều chỉ ở vị trí phụ thuộc vào hệ thống vô thức. Chính vô thức với những xung lực của mình đã kích thích những hoạt động ý thức của con người. Vì lẽ đó, muốn hiểu hệ thống ý thức thì nghiên cứu hệ thống vô thức mới là điều quan trọng nhất. Theo S.Freud, trong hệ thống vô thức – tiền ý thức – ý thức có chứa 3 thành tố là cái ấy (id), cái tôi (ego), cái siêu tôi (super ego)122. Các thành tố này có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Trong đó: (1) Cái ấy (id): thuộc hệ thống vô thức, là thành phần sinh học của tư duy, chứa đựng năng lượng eros123 (bản năng sống) và thanatos124 (bản năng chết) vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy mọi hành vi của con người. Theo đó, eros thể hiện bản năng ham muốn, bản năng sinh tồn; trong khi thanatos là tập hợp những xung lực tàn phá, thúc đẩy con người có những hành vi như đập phá, hủy hoại mọi thứ bất chấp cái chết [Nguyễn Thị Bích Hằng, 2015, tr.83]. (2) Cái tôi (ego): là thành phần tâm lý (psychological component) của bộ máy tư duy, hình thành trên nền tảng nguyên thủy của cái ấy, là kết quả từ sự phát triển dần dần của nhận thức về thế giới xung quanh của con người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành, nó bị chi phối bởi nguyên lý thích ứng với thực tại môi trường sống, và có khả năng kìm hãm những khuynh hướng sai lệch của cái ấy. Như vậy, có thể nói, cái tôi tượng trưng cho phần ý thức và ý chí của cá nhân mỗi người. Freud đã coi cái tôi như là “viên trọng tài giữa những đòi hỏi bạt mạng của cái id và sự kiểm soát của thế giới bên ngoài” [Freud S., 1970, tr.10]. (3) Cái siêu tôi (superego): là thành phần xã hội (social component) của bộ máy tư duy người, được hình thành từ cái tôi, là kết quả từ sự học hỏi của mỗi cá nhân về các giá trị và quy tắc xã hội, 122Các thuật ngữ này ở Việt Nam được nhiều người dịch khác nhau. Có học giả gọi là ngã, bản ngã, siêu ngã; một số học giả giữ nguyên thuật ngữ tiếng Anh là id, ego, super ego. 123Eros là thuật ngữ gốc Hy Lạp được Freud sử dụng để biểu thị bản năng ham muốn, bản năng sinh tồn. 124 Thanatos là từ gốc Hy lạp, Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn hủy hoại” (death wish).. 319
  7. là các chuẩn mực bên ngoài được phóng chiếu vào bên trong của con người do kết quả nhập tâm của những lời dạy bảo của gia đình, của nền giáo dục, nền văn hoá. Nhiệm vụ của cái siêu tôi là hướng mọi hành vi của con người theo những giá trị, chuẩn mực được xã hội đặc định; buộc những hành động từ cái tôi không chỉ phải phù hợp với thực tế (nguyên tắc thích ứng), mà còn phải tương thích với lý tưởng, đạo đức cá nhân và quy chuẩn của xã hội. Theo Freud, dù các thành phần trong cấu trúc bộ máy tư duy con người thực hiện những chức năng khác nhau nhưng lại gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Trong đó, “cái tôi có sức mạnh vô cùng to lớn nên cái ấy và cái siêu tôi chỉ quay quanh cái “trục” của cái tôi” [Nguyễn Thị Bích Hằng, 2015, tr.69]. (b) Ứng dụng lý thuyết cấu trúc bộ máy tư duy người của S.Freud vào hoạt động giáo dục nghệ thuật trong nhà trường về nghệ thuật dân gian - dân tộc Theo lý thuyết của S. Freud, vô thức hoạt động theo nguyên tắc khoái lạc, hình thành xung lực thúc đẩy con người thực hiện các hành vi nhằm đáp ứng những nhu cầu của cơ thể, trong đó bao gồm cả nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần như thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí. Đây là nền tảng, cơ sở lý luận quan trọng để thực hiện các tác động vào cấu trúc bộ máy tư duy của công chúng Thành phố nhằm thay đổi hành vi, phương cách của họ trong việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc truyền thống. Bởi như S. Freud đã khẳng định “vô thức là tối thượng, là chính yếu, là chủ đạo, mọi hoạt động ý thức chỉ ở vị trí phụ thuộc” [Nguyễn Thị Bích Hằng, 2015, tr.62]. Cũng theo S. Freud, trong cấu trúc bộ máy tư duy của con người, tiền ý thức là nơi lắng đọng kí ức con người, nơi lưu giữ “lương tâm và lý tưởng cá nhân được hình thành bởi những giá trị của chuẩn mực đạo đức, quy phạm xã hội, đạo đức và tôn giáo” [Nguyễn Thị Bích Hằng, 2015, tr.64]; “cái tôi” là kết quả từ sự phát triển dần dần của nhận thức về thế giới xung quanh của con người; và “cái siêu tôi” là kết quả từ sự học hỏi của mỗi cá nhân về các giá trị và quy tắc xã hội, là kết quả nhập tâm của những lời dạy bảo của gia đình, của nền giáo dục, nền văn hoá. Như vậy, theo đó, để xây dựng, duy trì và phát triển hành vi thưởng thức trực tiếp tại các không gian diễn xướng của những loại hình nghệ thuật dân gian của người dân Thành phố, chúng ta có thể kết hợp với gia đình, nhà trường, đơn vị tổ chức biểu diễn thực hiện các hoạt động giáo dục nghệ thuật cho học sinh, sinh viên. Thông qua đó, học sinh, sinh viên ở Thành phố có cơ hội để nhận thức về những cái hay, cái đẹp; hình thành nên những ký ức, lý tưởng và hệ thống nhận thức về các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc truyền thống. Kết quả là, với sự thôi thúc của xung lực “eros”, sự vận hành của thành tố tiền ý thức, học sinh, sinh viên sẽ đến với nghệ thuật dân gian - dân tộc truyền thống để thưởng thức một cách tự nhiên, chủ động. Bên cạnh đó, cũng theo lý thuyết của S.Freud, “cái tôi (ego)” bị chi phối bởi nguyên lý thích ứng với thực tại môi trường sống. Nhiệm vụ của “nó” là nhận biết được thế giới xung quanh, kìm hãm những khuynh hướng sai lệch của “cái ấy”. Trong khi đó, “cái siêu tôi (superego)” đấu tranh để hướng mọi hành vi của con người theo những giá trị, chuẩn mực được xã hội đặc định. Điều này nghĩa là, để có thể tác động và thay đổi được hành vi thưởng thức nghệ thuật dân gian - dân tộc truyền thống hiện nay của học sinh, sinh viên Thành phố, công tác giáo dục nghệ thuật, đào tạo công chúng phải được thực hiện một cách có hệ thống, 320
  8. đồng bộ, lâu dài, cho nhiều đối tượng công chúng. Kết quả của những hoạt động này phải đủ sức để sức lan tỏa trong đời sống xã hội, đủ lớn để tạo nên những “khuynh hướng”, những “giá trị”, những “chuẩn mực” trong đời sống văn hóa tinh thần nói chung, đời sống văn hóa nghệ thuật của công chúng Thành phố nói riêng. 5. Giáo dục nghệ thuật trong nhà trường về nghệ thuật dân gian - dân tộc tại Thành phố Hồ Chí Minh nhìn qua lý thuyết vốn văn hóa (a) Tổng quan về lý thuyết “vốn văn hóa” (Cultural Capital) Trên thế giới, có lẽ Pierre Bourdieu125 là học giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ “vốn văn hóa” với tư cách là một khái niệm công cụ trong các công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn126. Hiện nay, “vốn văn hóa” đã trở thành một trong những nền tảng lý luận, là “chìa khóa” để tiến hành các nghiên cứu về nhu cầu, sở thích, hành vi tiêu dùng sản phẩm giải trí, nghệ thuật,…của công chúng trên toàn thế giới. Trong các nghiên cứu của mình, P.Bourdieu đặt ra câu hỏi “sở thích đối với các hoạt động giải trí khác nhau sẽ như thế nào và cái gì là cơ sở của sự lựa chọn?” [Bùi Hoài Sơn, 2008, tr. 519]. Để trả lời câu hỏi này, Bourdieu cho rằng phải tìm hiểu xem yếu tố nào tác động vào quyết định của công chúng trong việc lựa chọn hoạt động giải trí này, mà không chọn hoạt động giải trí khác. Qua thực tiễn nghiên cứu, P.Bourdieu cho rằng thói quen là cơ sở của bất cứ lựa chọn nào. Và vì thế, thông qua hình thành thói quen, cá nhân đạt được “khả năng văn hóa” hoặc “vốn văn hóa”, điều đó giúp cá nhân tiếp cận hoặc thực hiện các hoạt động giải trí một cách dễ dàng hơn hoặc khó khăn hơn. Thói quen của mỗi người được hình thành và nuôi dưỡng “rất sớm từ nhỏ trong gia đình và xã hội xung quanh” thông qua quá trình học tập, trải nghiệm và kinh nghiệm của bản thân [Bùi Hoài Sơn, 2008, tr. 521]. Từ đó có thể kết luận, môi trường gia đình, xã hội là những yếu tố then chốt quyết định đến quá trình hình thành “vốn văn hóa” của mỗi cá nhân, tác động đến “thói quen” của cá nhân đó đối với việc lựa chọn sản phẩm giải trí văn hóa nghệ thuật. Ở Việt Nam, Trần Đình Hượu là tác giả đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “vốn văn hóa” khi ông bàn “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc” in trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống [Trần Đình Hượu, 1994]. Dù rằng, nội hàm của thuật ngữ “vốn văn hóa” của Trần Đình Hượu không đồng nhất với nội hàm của khái niệm “vốn văn hóa” của P.Bourdieu, những điểm gặp nhau trong cách nhìn nhận về “vốn văn hóa” là cả hai nhà nghiên cứu đều thừa nhận sự tác động của không gian sống, điều kiện sống lên chủ thể sáng tạo văn hóa là con người. Họ đều thừa nhận “Vốn văn hóa” là kết quả của một quá trình lâu dài mà con người phải ứng xử, nhận thức trước môi trường sống của họ. (b) Ứng dụng lý thuyết “Vốn văn hóa” vào hoạt động giáo dục nghệ thuật trong nhà trường về nghệ thuật dân gian - dân tộc 125 Pierre Bourdieu (1930-2002), nhà xã hội học người Pháp có nhiều ảnh hưởng trong nửa sau thế kỷ XX với những lý thuyết về các loại vốn, thuyết sản sinh xã hội, thuyết quyền lực - thực hành và lý thuyết về trường. 126 Trong các nghiên cứu của mình, Pierre Bourdieu thường đặc khái niệm “vốn văn hóa” (Cultural Capital) trong mối tương quan với vốn kinh tế (Economic Capital) và vốn xã hội (Social Capital). Ông cho rằng, các loại vốn này có sự tương tác và chuyển hóa cho nhau. 321
  9. Khác với môi trường gia đình và làng xã, vai trò giáo dục, định hướng việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, quá trình trao dồi tri thức của cá nhân mang tính chất “phi chính thống”, “phi chính thức”, thì trường học lại là môi trường chính thức cho quá trình đó. Ở môi trường này, các cá nhân nhận được sự “giáo huấn” một cách có hệ thống, bài bản, “trường quy” để đảm bảo mỗi cá nhân có sự phát triển toàn diện cả về trí, đức, mỹ. Với sự hỗ trợ của đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo, cùng hệ thống cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án và trang thiết bị kỹ thuật khác, có thể nói, trong các môi trường xã hội có sự tác động lên quá trình hình thành “vốn văn hóa” của công chúng Thành phố, môi trường học đường có tác động chuẩn mực nhất. Nhận thức rõ vai trò của môi trường học đường đối với việc hình thành “vốn văn hóa nghệ thuật” của công chúng, trong những năm gần đây, Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp theo mô hình “sân khấu học đường”; tích hợp một số môn nghệ thuật truyền thống vào chương trình hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên Thành phố. Thế nhưng, hạn chế của phần lớn những chương trình theo mô hình này không có nguồn kinh phí đủ lớn để thực hiện với tần suất cao hơn, đối tượng rộng hơn, thời gian dài hơn trên cơ sở những nền tảng khoa học bài bản. Đồng thời, các cơ sở đào tạo lại thiếu nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất phù hợp để hỗ trợ việc học và dạy nghệ thuật tại trường. Vì vậy, trong tương lai, để những giải pháp này phát triển hiệu quả hơn, các cấp chính quyền, các đơn vị sự nghiệp liên quan cần huy động đủ nguồn lực cần thiết, trong đó đặc biệt là nguồn lực tài chính. Với những đặc trưng trên, công chúng Thành phố ngày nay chịu nhiều sự tác động để hình thành “vốn văn hóa” mới, mà trong “nguồn vốn” đó, yếu tố nghệ thuật dân gian - dân tộc truyền thống dễ dàng bị thay thế, hoặc ít ra cũng bị che lấp, bao phủ bởi những yếu tố nghệ thuật mới, hiện đại. Nhất là trong nền kinh tế mở hiện nay, không gian sống (cả thực và ảo) của công chúng Thành phố được mở rộng không giới hạn. Điều đó cho phép người Thành phố có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình giải trí hiện đại. Thực tế đó đặt ra yêu cầu: muốn người dân Thành phố chấp nhận và tiêu dùng những sản phẩm văn hóa nghệ thuật được sáng tạo từ chất liệu nghệ thuật dân gian - dân tộc, các cơ quan hữu quan cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng chương trình, tác phẩm nghệ thuật; đa dạng hóa hình thức thể hiện, cải tiến phương thức tiếp cận công chúng Thành phố,... Có như vậy, những nỗ lực để xây dựng, bồi đắp “vốn văn hóa nghệ thuật” cho công chúng Thành phố mới có thể mang lại những kết quả tích cực hơn. 6. Tạm kết Tóm lại, với gần 10 triệu dân, cùng lịch sử hơn 300 năm ra đời và phát triển, vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, giờ là Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn tài nguyên di sản nghệ thuật dân gian – dân tộc vô cùng phong phú. Những di sản văn hóa đó đã góp phần tạo nên những nguồn lực để Thành phố phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn. Nhưng sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số; sự bùng nổ của thị trường vui chơi giải trí, sự biến đổi của môi trường văn hóa xã hội đã làm thay đổi thị hiếu, nhu cầu và hành vi thưởng thức nghệ thuật của công chúng Thành phố. Thực tế là, lượng công 322
  10. chúng đến với các loại hình nghệ thuật này suy giảm rất mạnh mẽ, nhiều loại hình thậm chí không còn được người dân thực hành trong đời sống. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật dân gian – dân tộc, trong những năm gần đây, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp, đầu nhiều nguồn lực, từ tài chính, đến nhân lực, cũng như cơ sở vật chất. Nhưng kết quả thực tế chưa đạt được sự kỳ vọng. Khả năng tồn tại và phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian – dân tộc truyền thống của Thành phố vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải thỏa đáng. Từ thực tiễn đó, kế thừa, tham khảo những kết quả nghiên cứu ứng dụng trước đó, nhóm tác giả bài viết đề xuất thực hiện các giải pháp giáo dục nghệ thuật đối với học sinh, sinh viên cho các loại hình nghệ thuật dân gian – dân tộc ở Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở lý thuyết cấu trúc bộ máy tư duy của con người do S.Freud đề xuất, và lý thuyết vốn văn hóa của Pierre Bourdieu. Tài liệu tham khảo Trần Văn Giàu & Trần Bạch Đằng (Chủ biên) (2018), Địa chí văn hóa Tp. Hồ Chí Minh (tập III: Nghệ thuật) (Tái bản lần 2), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Thị Bích Hằng (2015), Lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay dưới lăng kính học thuyết hành vi người của FREUD, luận án tiến sỹ Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trần Đình Hượu (1994), “Nhìn về vốn văn hóa dân tộc” (trích từ phần II tiểu luận “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”, in trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống; bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, ngày 11/4/2011) (dẫn theo http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin- van-hoa/van-de-tim-dac-sac-van-hoa-dan-toc, truy cập ngày 10/8/2020). Freud S. (1970), Phân tâm học nhập môn, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản 2002. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bến Tre (2013), Kỷ yếu Hội thảo “Đờn ca tài tử với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng”, Thành phố Bến Tre. Bùi Hoài Sơn (2008), “Vốn văn hoá”, đăng trong: Bùi Quang Thắng (Chủ biên): 30 Thuật ngữ nghiên cứu văn hóa, tr. 519 – 528, Nxb. Khoa học xã hội. Tổng Cục thống kê Việt Nam (2020), Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, tr. tr.177 – 179. Tổng Cục thống kê Việt Nam (2022), Niên giám thống kê 2022, Nxb. Thống kê. 323
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2