intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: Thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

8
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Công trình số 26 Lê Lợi, thành phố Huế được xây dựng vào giai đoạn đầu những năm 1900. Trải qua nhiều biến đổi, cải tạo, công trình cơ bản giữ nguyên phong cách kiến trúc nguyên bản của mình. Kiến trúc công trình mang phong cách địa phương Pháp với hình thức đối xứng, đăng đối ở mặt đứng. Nghiên cứu này tập trung vào thực trạng kiến trúc công trình tọa lạc số 26 Lê Lợi và đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: Thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) CÔNG TRÌNH PHÁP THUỘC SỐ 26 LÊ LỢI: THỰC TRẠNG KIẾN TRÚC VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN Nguyễn Ngọc Tùng1*, Lê Nghi Minh Hiếu2, Nguyễn Phong Cảnh1, Trần Thị Thùy Hương3 1 Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế 2 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế 3 Khoa Tài nguyên đất và Môi trường nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế *Email: kts.nguyentung@hueuni.edu.vn Ngày nhận bài: 27/11/2023; ngày hoàn thành phản biện: 27/12/2023; ngày duyệt đăng: 24/6/2024 TÓM TẮT Công trình số 26 Lê Lợi, thành phố Huế được xây dựng vào giai đoạn đầu những năm 1900. Trải qua nhiều biến đổi, cải tạo, công trình cơ bản giữ nguyên phong cách kiến trúc nguyên bản của mình. Kiến trúc công trình mang phong cách địa phương Pháp với hình thức đối xứng, đăng đối ở mặt đứng. Hình khối theo nguyên tắc cân bằng với khối đế đặc. Khối tầng 2 xẻ rãnh theo phân vị ngang. Hệ thống cửa 2 lớp. Công trình số 26 Lê Lợi có giá trị kiến trúc tương đối cao qua khảo sát các chuyên gia với 8 tiêu chí đánh giá, đó là: lịch sử; niên đại; văn hóa; xã hội; nghệ thuật; công nghệ và điều kiện xây dựng; khuôn viên công trình; và ngoài khuôn viên công trình. Để bảo tồn và phát huy giá trị, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp cụ thể cho công trình này trong tương lai. Từ khóa: Kiến trúc địa phương Pháp, Kiến trúc Pháp thuộc, Công trình 26 Lê Lợi. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sau biến cố “thất thủ kinh đô” năm 1884, người Pháp đã đặt ách thống trị trên khắp nước Việt Nam. Để phục vụ cho các mục đích và hoạt động của mình tại Việt Nam, người Pháp đã cho xây dựng khác nhiều công trình trong thời kỳ đô hộ. Các công trình kiến trúc giai đoạn này đa dạng và nhiều thể loại như kiến trúc công cộng, trụ sở, nhà ở thuộc địa va một số dạng khác. Phong cách kiến trúc giai đoạn này có thể chia làm 5 phong cách chính, đó là kiến trúc tiền thuộc địa; kiến trúc Tân cổ điển; kiến trúc địa phương Pháp; kiến trúc Art Deco; và kiến trúc Đông Dương ([1] và [2]). Ngoài ra, một số công trình giai đoạn này có thể có phong cách kiến trúc khác như kiến trúc Pháp - Hoa, Hoa - Ấn, và kiến trúc Neo - Gothic [6]. 111
  2. Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn Huế là một trong những tỉnh, thành phố ở Việt Nam còn khá nhiều các công trình kiến trúc Pháp thuộc. Tuy nhiên, các công trình này đang dần biến mất hoặc bị biến dạng, cải tạo bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong 3 năm trở lại đây, ít nhất 5 công trình Pháp thuộc đã bị phá hủy tại thành phố Huế1. Bên cạnh đó, một số công trình Pháp thuộc đang trong tình trạng không sử dụng, để trống hoặc chờ quyết định của chính quyền để xác định “số phận” của mình như công trình Công ty An Tân Phú (số 148 Bùi Thị Xuân), công trình Trung tâm tư vấn công nghiệp và tiết kiệm năng lượng (số 51 Hàm Nghi), công trình tọa lạc tại số 3 Đống Đa, công trình Trụ sở cũ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tại số 26 Lê Lợi… Phạm vi nghiên cứu này tập trung vào thực trạng kiến trúc công trình tọa lạc số 26 Lê Lợi và đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Nhóm tác giả sử dụng phương pháp thu thập số liệu thứ cấp bằng cách tiến hành thu thập những các bài báo, tạp chí, văn bản, bản vẽ,… liên quan đến kiến trúc Pháp thuộc tại Huế và nguồn gốc, lịch sử, công năng sử dụng, biến đổi của công trình khảo sát. Phương pháp này giúp cung cấp thông tin tổng quan kiến trúc Pháp thuộc tại thành phố Huế và công trình 26 Lê Lợi. Phương pháp khảo sát đo vẽ thực địa được sử dụng để có hồ sơ kiến trúc hiện trạng của công trình. Hồ sơ bản vẽ là nguồn tài liệu quan trọng để tổng hợp, phân tích kiến trúc công trình. Bên cạnh đó, 8 chuyên gia là nhà văn hóa, nghiên cứu Huế và kiến trúc sư được phỏng vấn nhằm đánh giá giá trị của công trình. Từ đó, có cơ sở để đề xuất một số giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị công trình số 26 Lê Lợi này. 3. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH BIẾN ĐỔI Công trình nằm tại vị trí số 26 Lê Lợi, đoạn giữa cầu Tràng Tiền và cầu Phú Xuân. Mặt chính công trình xoay ra đường Lê Lợi và sông Hương. Phía Tây Nam giáp với đường Phạm Hồng Thái (hình 1). Qua khảo sát phỏng vấn các nhà văn hóa, nghiên cứu Huế về lịch sử và nguồn gốc công trình, hầu hết thông tin xác thực vẫn chưa rõ ràng. Không ảnh năm 1920 cho thấy công trình cũng đã xuất hiện (vị trí khoanh tròn ở hình 1). Qua phỏng vấn các cán 1Những công trình bị phá hủy trong 3 năm gần đây như dãy phòng học và hội trường của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (xây dãy phòng học mới năm 2022), Trụ sở Hội cựu chiến binh thành phố Huế ở 16 Hà Nội (dự án mở rộng đường Hà Nội năm 2021), Xí nghiệp xây lắp 4 Thừa Thiên Huế ở 42 Phan Chu Trinh (năm 2023), Công ty taxi Mai Linh ở 177 Phan Đình Phùng (cải tạo mới thành nhà hàng năm 2023) và Cafe Garden ở đường Hà Nội (năm 2023). 112
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) bộ đang làm việc tại công trình này vào năm 2021 (khi đó đang là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật), nhiều người nhớ lại cơ quan từng nhận giấy báo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hết hạn bảo hiểm của công trình khoảng năm 2000 (Giấy báo được gửi từ nước Pháp, nhưng hồ sơ hiện tại đã thất lạc). Thông thường, các công trình Pháp thuộc sau 100 năm thì hết hạn bảo hiểm. Tuy nhiên, mốc thời gian 2000 cũng không được đảm bảo chắc chắn. Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương (1897-1902) đã miêu tả khu vực hữu ngạn sông Hương vào thời kỳ đầu như sau: “…khu trụ sở Pháp trước kia nằm bên tả ngạn sông Hương. Bên hữu ngạn, phủ Khâm sứ cũ nay đã trở thành các khu ký túc xá Đại học và các doanh trại bộ binh. Có 5 hay 6 ngôi nhà của viên chức, một khách sạn nhỏ được điều hành bởi M. Bogaert. Đó là những gì người Pháp có ở Huế, thành phố chỉ có như vậy…” [4, tr. 318]. Như vậy, trục đường Lê Lợi và khu vực xung quanh chủ yếu là các biệt thự của viên chức người Pháp (có thể đoán công trình số 26 Lê Lợi, công trình số 4 Hoàng Hoa Thám, công trình Bảo tàng Lê Bá Đảng hiện tại) cùng 1 khách sạn nhỏ (có thể đoán là khách sạn Saigon Morin hiện tại). Với những thông tin nói trên, có thể nhận định công trình số 26 Lê Lợi là biệt thự của 1 viên chức người Pháp và được xây dựng vào khoảng thời gian từ 1902 trở về trước. Hình 1. Vị trí công trình 26 Lê Lợi từ không ảnh năm 1920 (nguồn: EFEO) Quá trình biến đổi công trình khảo sát vẫn chưa có xác thực minh chứng cụ thể mà chủ yếu thông qua phỏng vấn một số nhà nghiên cứu văn hóa như sau: - Trước đây, công trình là nhà ở của 1 viên chức Pháp. Công trình này do cháu của Morin xây dựng (chủ khách sạn Morin, khách sạn đầu tiên ở Huế thời Pháp thuộc). Thời kỳ quân Nhật xâm chiếm, công trình trở thành là Sở Hiến binh Nhật. Sau đó, công trình là Chánh tòa sơ thẩm thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm. - Sau năm 1954, công trình trở thành nơi ở của quan chức Việt. - Sau năm 1975, công trình là nơi làm việc của Hội văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên. 113
  4. Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn - Khoảng những năm 198x, dãy nhà phía sau được xây dựng làm nơi ở cho các văn nghệ sĩ. Giai đoạn này, khuôn viên công trình có cảnh quan đẹp với vườn hoa hồng. Tuy nhiên sau đó thì trở thành nơi trồng khoai, sắn để cải thiện đời sống. - Năm 2002, công trình bị xuống cấp nên được gia cố bằng hệ thống khung thép ở tầng trệt. Một số cửa được lắp khung nhôm kính. Ngoài ra, tường tầng trệt có đục trổ cửa. Giai đoạn 2008-2014, xung quanh công trình xây thêm một số nhà tạm làm kinh doanh cafe, photo, dịch thuật và nhiếp ảnh. - Năm 2012, trần nhà cốt tre ở tầng 2 bị sập 1 mảng lớn nên phải gia cố lại và làm trầng thạch cao và trần gỗ. Hàng năm, công trình có sửa chữa nhỏ như sơn tường, xóc lại mái. Trước đây nóc mái có trang trí hoa bách hợp, sau nhiều lần hỏng hóc, vẫn được giữ nguyên và đắp xi măng. - Năm 2022, trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế dời về địa điểm mới tại số 1 Phan Bội Châu. Vì vậy, công trình hiện đang tình trạng để trống cho đến nay (hình 2). Hình 2. Không ảnh công trình số 26 Lê Lợi (ảnh: tác giả) 4. ĐẶC ĐIỂM KIẾN TRÚC VÀ GIÁ TRỊ CÔNG TRÌNH SỐ 26 LÊ LỢI 4.1. Đặc điểm kiến trúc Công trình gồm 2 tầng có mặt đứng chính đối xứng (hình 3). Khác với các công trình biệt thự thời Pháp thuộc khác ở Huế, tiếp cận vào sảnh chính công trình là 2 lối 2 bên. Ở mặt bên trái (nhìn từ ngoài vào), có khối lồi ra tạo không gian sảnh phụ ở tầng trệt và một không gian đua ra ở tầng 2, tạo điểm nhấn cho công trình. Sảnh chính công 114
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) trình hơi lõm vào và có bề rộng lớn hơn so với 2 bên tạo không gian đệm đồng thời nhấn mạnh ở sảnh công trình. Hình khối kiến trúc công trình theo nguyên tắc ổn định cân bằng với mảng tường đặc ở tầng 1 và tầng 2 sử dụng mảng tường gạch nung đỏ nâu có xẻ rãnh phân vị ngang. Hệ thống cửa 2 lớp trong kính ngoài chớp tương đối vuông vắn. Một số cửa ở phần lồi ra bên trái hơi uốn cong và được nhấn mạnh ở khóa vòm phía trên. Mảng tường phía trên cửa và dưới mái được trang trí bằng gờ lồi hoặc ốp các gạch hoa gió đặc trỗng nhằm tạo thông gió trong công trình. Dưới hệ thống bậu cửa sổ cũng được lặp lại các hoa gió tạo ngôn ngữ kiến trúc đồng nhất. Các mặt góc công trình được xử lý tinh tế bằng cách vát chéo 450. Hệ thống con sơn gỗ trang trí ở dưới mái cùng các ô cửa sổ mái mang đặc trưng kiến trúc địa phương Pháp. Trên đỉnh mái, ống khói nhô cao ngay giữ đỉnh mái. Hình 3. Bản vẽ hiện trạng công trình số 26 Lê Lợi (nguồn: tác giả) 115
  6. Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn Mặt bằng tầng trệt trước đây dùng làm không gian kho, hầm rượu. Tầng 2 có chức năng sinh hoạt, phòng khách, ngủ. Tương tự như các công trình nhà ở thuộc địa khác, công trình khảo sát có tiền sảnh là không gian đệm trước khi đi vào các phòng chức năng khác. Ở không gian sinh hoạt, 2 lò sưởi được xây và đi thẳng lên chung ống khói trên mái. Không gian phía sau mặt bằng tầng 2 là 1 vệ sinh và 1 thang gỗ xoắn đi xuống tầng trệt và có cửa mở ra phía sau. Không gian dưới vệ sinh ở tầng 1 là bể phốt nổi. Kết cấu công trình chủ yếu là gạch chịu lực với hệ thống tường khá dày từ 40- 50cm. Sàn và mái được xây bằng bê tông cốt tre. Riêng cầu thang bên trong nhà, lan can bằng gỗ đã hư, các bậc đầu làm bằng xi măng nhằm chống mối mọt và ẩm, các bậc trên làm bằng gỗ. Hoa văn trang trí ở công trình khá đặc biệt. Hệ thống hàng rào được cách điệu thức cột cổ điển phương Tây (hình 4). Các hoa gió đặc rỗng cách điệu từ hình vuông, bát giác và những bông hoa bách hợp. Trên đỉnh mái, trang trí hoa bách hợp dọc sóng mái rất đẹp và vẫn còn hiện hữu đến hiện tại (hình 5). Hình tượng hoa bách hợp (hay còn gọi là hoa diên vỹ) xuất hiện khá nhiều ở huy hiệu và cờ các quốc gia phương Tây. Đặc biệt, hoa bách hợp là biểu tượng lâu đời của nước Pháp và có liên quan đến hoàng gia nước Pháp [7]. Hình 4. Trang trí hoa gió và hàng rào (ảnh: tác giả) Hình 5. Trang trí hoa bách hợp ở đỉnh mai (ảnh: tác giả) 116
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) 4.2. Giá trị công trình Để xác định giá trị kiến trúc tại Việt Nam, Nghị định số 85/2020 của Thủ tướng Chính phủ đề xuất 2 tiêu chí đánh giá, đó là Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan (gồm 4 tiêu chí nhỏ) và Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa (gồm 3 tiêu chí nhỏ) [5]. Nghị định này cũng đưa ra bảng tính điểm đánh giá giá trị công trình kiến trúc theo thang điểm 100 và phân thành 3 loại công trình: công trình loại 1 (đáp ứng 2 tiêu chí trên và điểm đánh giá từ 80 điểm trở lên); công trình loại 2 (đáp ứng 2 tiêu chí); công trình loại 3 (đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí). Tác giả Trần Quốc Bảo đề xuất hệ thống 8 tiêu chí đánh giá giá trị công trình thuộc địa tại Hà Nội, đó là lịch sử; niên đại; văn hóa; xã hội; nghệ thuật; công nghệ và điều kiện xây dựng; giá trị trong khuôn viên công trình và giá trị ngoài khuôn viên công trình [2]. Trong khi đó, tác giả Doãn Minh Khôi giới thiệu phương pháp tiếp cận đánh giá giá trị các biệt thự thời Pháp thuộc tại Hà Nội qua 5 tiêu chí: (1) Lịch sử văn hóa, (2) Nghệ thuật kiến trúc, (3) Quy hoạch và cảnh quan đô thị, (4) Tính nguyên bản, và (5) Công năng sở hữu. Đối với các biệt thự thời Pháp thuộc tại TP. Hồ Chí minh, giá trị các công trình này được đánh giá qua 4 tiêu chí: (1) Lịch sử văn hóa, (2) Nghệ thuật kiến trúc, (3) Tình trạng hiện tại, (4) Môi trường xung quanh. [3]. Nhìn chung, các tiêu chí xác định giá trị công trình của các nghiên cứu trước đây đều có sự tương đồng chung và chỉ có thay đổi nhỏ như lượt bớt hoặc tích hợp. Nghị định 85 có tính pháp lý và chung cho các thể loại công trình kiến trúc có giá trị. Trong khi đó, các nghiên cứu của tác giả Trần Quốc Bảo chuyên sâu vào thể loại kiến trúc Pháp thuộc. Chính vì vậy, nghiên cứu này dựa vào 8 tiêu chí của tác giả Trần Quốc Bảo để xác định giá trị công trình được khảo sát. Qua khảo sát phỏng vấn 8 chuyên gia về đánh giá các giá trị của công trình số 26 Lê Lợi cho thấy kết quả như sau: - Giá trị lịch sử (8,4/10đ): Nhìn chung công trình này ít có giá trị lịch sử, đánh dấu mốc các giai đoạn trong lịch sử hay có gắn với sự kiện lịch sử. Theo nguyên gốc, đây là nhà biệt thự của 1 quan chức người Pháp. Tuy nhiên, một số người phỏng vấn nhận định công trình là dấu ấn giai đoạn các văn nghệ sĩ nổi tiếng từng ở và làm việc tại đây sau 1975. - Giá trị niên đại (11/15đ): Hiện thông tin về năm xây dựng của công trình này vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, nhiều người phỏng vấn khẳng định công trình này có niên đại đã hơn 100 năm. Đặc biệt vào khoảng năm 2002 đã có giấy báo liên quan đến hết hạn sử dụng của công trình. - Giá trị văn hóa (7,4/10đ): Theo phỏng vấn, công trình này có sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, hình thức kiến trúc có sự pha trộn kiến trúc phương Tây và bản địa. 117
  8. Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn Ngoài ra, một số người phỏng vấn đều nhận định công trình này không có sự pha trộn văn hóa từng thời kỳ khác nhau. - Giá trị xã hội (7,5/10đ): Có thể nói công trình là nơi thu hút các hoạt động và dịch vụ công cộng như tổ chức triển lãm, các sự kiện liên quan đến văn nghệ sĩ. - Giá trị nghệ thuật (11/15đ): Công trình có tỷ lệ hài hòa, đăng đối, hình khối đẹp. Kiến trúc đặc trưng phong cách địa phương Pháp có chút ảnh hưởng kiến trúc bản địa với ngói mái, trang trí bờ nóc mái. - Giá trị về công nghệ và điều kiện xây dựng (7,6/10đ): Nhìn chung công trình được xây dựng với các vật liệu địa phương, tường gạch chịu lực, và phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm. - Giá trị khuôn viên công trình (5,4/10đ): Trước đây khuôn viên công trình có cảnh quan rất đẹp với vườn hoa hồng. Tuy nhiên hiện tại cảnh quan trong khuôn viên công trình khá lộn xộn, ít cây cối và các công trình nhà tạm xung quanh, biển quảng cáo gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến giá trị công trình. - Giá trị ngoài khuôn viên công trình (15/20đ): Công trình có điểm thuận lợi là nằm ở tuyến phố có nhiều công trình di sản, kiến trúc thuộc địa và cảnh quan đẹp. Bên cạnh đó, khu vực này có nhiều hoạt động du lịch, thương mai sầm uất. Điểm hạn chế là hiện nay các công trình tạm bên trong khuôn viên, các biển quảng cáo gây ảnh hưởng đến tầm nhìn từ bên ngoài vào. Qua đánh giá dựa theo các tiêu chí trên, có thể thấy đây là công trình có giá trị cao (bảng 1). Tổng thể công trình có tính đăng đối, đối xứng, có tính thích ứng với khí hậu nhiệt đới ẩm. Công trình gồm 2 tầng, tầng trệt thấp trước có công năng là hầm để rượu, nhà kho. Tầng trên để ở, có lò sưởi, có tác dụng chống mối mọt, chống ẩm. Hệ kết cấu là tường gạch chịu lực, trần bê tông cốt tre. Hệ cửa 2 lớp trong kính ngoài chớp. Các trang trí hoa văn được dựa theo các motif phương Tây như cách điệu thức cột cổ điển ở hàng rào, trang trí gờ, gạch hoa gió và hình tượng hoa bách hợp ở đỉnh mái. Bảng 1. Đánh giá giá trị công trình số 26 Lê Lợi STT Tiêu chí đánh giá Điểm 1 Giá trị lịch sử (10đ) 8,4 2 Giá trị niên đại (15đ) 11,0 3 Giá trị văn hóa (10đ) 7,4 4 Giá trị xã hội (10đ) 7,5 5 Giá trị nghệ thuật (15đ) 11,0 6 Giá trị về công nghệ và điều kiện xây dựng (10đ) 7,6 118
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) 7 Giá trị khuôn viên công trình (10đ) 5,4 8 Giá trị ngoài khuôn viên công trình (20đ) 15,0 Tổng (100đ) 73,3 (nguồn: tác giả) 5. GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÔNG TRÌNH SỐ 26 LÊ LỢI Nhìn chung, công trình không thay đổi nhiều so với trước. Do thay đổi công năng sử dụng nên có một số cải tạo nhỏ như lắp điều hòa, làm cửa nhôm kính, xóc lại mái, làm trần gỗ hoặc thạch cao, và đặc biệt là gia cố tầng trệt bằng các cột thép. Về công năng, công trình từ nhà biệt thự với mục đích để ở được chuyển thành trụ sở làm việc nên cơ bản không phù hợp như tầng trệt tương đối ẩm thấp, xuống cấp. Nội thất bên trong có sự thay đổi ngăn chia phòng cho phù hợp với không gian làm việc. Mặc khác, các công trình phụ xung quanh được xây dựng khá lộn xộn với các vật liệu nhôm, sắt, khá tạm bợ, vô hình chung ảnh hưởng giá trị của công trình. Hiện nay, công trình đang để trống hơn 1 năm nên xuống cấp khá nặng. Một số đề xuất giải pháp đối với công trình này như sau: - Lập hồ sơ đăng ký xếp hạng công trình. - Cần có các biện pháp cải tạo, gia cố lại công trình như sơn lại tường, chống ẩm ở tầng trệt, có một số biện pháp gia cố, sửa lại mái để chống dột. Bên cạnh đó, cần tháo dỡ các công trình xung quanh để làm khuôn viên công trình thông thoáng, tạo ra nhiều góc đẹp, giúp tăng giá trị công trình. - Cải tạo lại hệ thống cảnh quan, hàng rào công trình. Hiện nay, hàng rào có các hình tượng thức cột cổ điển của Hy Lạp tương đối phù hợp nhưng cổng, trụ cổng cần thay thế hoặc để mở thông thoáng, và chỉ cần ngăn cách nhẹ. Bố trí cảnh quan xung quanh để hạn chế tình trạng bê tông hóa hiện nay. - Đối với chức năng sử dụng của công trình, trụ sở làm việc có lẽ không phù hợp. Có thể sử dụng công trình thành chức năng khác như nơi giao lưu của giới văn nghệ sĩ (ý kiến này được nhiều người phỏng vấn đề xuất) hoặc có thể là bảo tàng văn nghệ sĩ (trung tâm trưng bày văn hóa). - Theo định hướng quy hoạch thành phố, khu vực này là trung tâm dịch vụ thương mại. Vậy có thể giữ lại công trình làm điểm nhấn đô thị trong hệ thống dịch vụ thương mại định hướng trong tương lai. Nhóm tác giả đã nghiên cứu và đề xuất công trình này cải tạo lại, trở thành điểm nhấn, điểm checkin cho trung tâm thương mại bằng cách để thông tầng (hình 6). 119
  10. Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn Hình 6. Phối cảnh đề xuất công trình là điểm nhấn trung tâm thương mại (nguồn: tác giả) LỜI CẢM ƠN Kết quả nghiên cứu này là sản phẩm thuộc đề tài KHCN cấp Bộ Giáo dục & Đào tạo: “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giá trị và số hóa một số công trình tiêu biểu phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản quỹ kiến trúc Pháp thuộc tại thành phố Huế”, Mã số: B2023-DHH-19. Nhóm tác giả xin cảm ơn sự tài trợ này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (đồng chủ biên), Nguyễn Thanh Mai, Hồ Nam (2012), Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, NXB Xây Dựng. [2]. Trần Quốc Bảo (2018), Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá di sản kiến trúc Pháp thuộc ở Hà Nội. TCKT [Online], Website: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/gia-tri- biet-thu-kien-truc-tai-phap.html [Truy cập: 4/12/2022]. [3]. Doãn Minh Khôi (2020), Phương pháp đánh giá di sản biệt thự tại Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc, số 5, tr. 28-33. [4]. Paul Doumer (1905). Xứ Đông Dương - hồi ký. Nhóm dịch: Lưu Đình Tuấn, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy. NXB Thế Giới 2016, tr. 318. [5]. Thủ tướng Chính Phủ (2020), Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. [6]. Nguyễn Ngọc Tùng, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Tôn Thất Hiếu Khoa, Trần Thị Thùy Hương (2021), Kiến trúc Pháp thuộc tại thành phố Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học xã hội và nhân văn, ISSN 2588-1175, Vol. 130, No. 6E, tr. 83-99. [7]. Websitew: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_b%C3%A1ch_h%E1%BB%A3p. 120
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế Tập 24, Số 1 (2024) FRENCH STYLE MANSION LOCATED AT 26 LE LOI: ARCHITECTURAL SITUATION AND PRESERVATION SOLUTIONS Nguyen Ngoc Tung1*, Le Nghi Minh Hieu2, Nguyen Phong Canh1, Tran Thi Thuy Huong3 1 Faculty of Architecture, University of Sciences, Hue University 2 Hue Monuments Conservation Center 3 University of Agriculture and Forestry, Hue University *Email: Kts.nguyentung@hueuni.edu.vn ABSTRACT The mansion located at 26 Le Loi St., Hue city was built in the early 1900s. The mansion’s original architecture has been preserved despite multiple several renovations and deteriorations. The structure features a symmetrical façade and local French architectural style. The architectural form is balanced with the solid block on the ground floor. The second floor has concave ledges along horizontal line. The window system is double layers. The value of the building is quite high acccording to the interview with experts based on 8 criterion, which are: history; built time; culture; art; technology and construction condition; building campus; and outside of building campus. For conservation and valuable promotion, some specific solutions for the building were suggested. Keywords: French local Architecture, French Colonial Architecture, Building at 26 Le Loi St. 121
  12. Công trình Pháp thuộc số 26 Lê Lợi: thực trạng kiến trúc và giải pháp bảo tồn Nguyễn Ngọc Tùng sinh ngày 9/9/1979 tại Huế. Ông là giảng viên Khoa Kiến trúc, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Ông tốt nghiệp Kiến trúc sư tại trường Đại học Xây Dựng năm 2003. Năm 2008, ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Chiang Mai, Thái Lan. Sau đó, ông tốt nghiệp tiến sĩ lĩnh vực quản lý môi trường toàn cầu tại Đại học Kyoto, Nhật Bản năm 2012. Lĩnh vực nghiên cứu: Bảo tồn kiến trúc, Kiến trúc môi trường, Kiến trúc truyền thống và cộng đồng. Lê Nghi Minh Hiếu sinh ngày: 26/06/1998 tại Thành phố Huế. Ông tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế năm 2021. Từ năm 2022 đến nay, ông công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Lĩnh vực nghiên cứu: Kiến trúc bảo tồn. Nguyễn Phong Cảnh sinh ngày: 08/11/1986 tại Thành phố Huế. Ông tốt nghiệp ngành Kiến trúc công trình, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế năm 2009. Từ năm 2017 đến nay là giảng viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Tốt nghiệp cao học ngành Kiến trúc tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế năm 2019. Lĩnh vực nghiên cứu: Kiến trúc bảo tồn Trần Thị Thùy Hương sinh năm 1983 tại Thành phố Huế. Bà tốt nghiệp Cử nhân ngành Khoa học máy tính vào năm 2006 và Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính năm 2011 tại trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Bà là giảng viên Khoa Tài nguyên đất và Môi trường Nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và công tác tại trường từ năm 2008. Lĩnh vực nghiên cứu: Hệ thống thông tin 122
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
58=>1